ÐẠI ÐẠO

GIÁO LÝ và TRIẾT LÝ

 
HT TRẦN VĂN RẠNG
1974

 

* * *

 

Phần Thứ Năm

THIỀN ĐỊNH

 

 

CHÚ GIẢI TỊNH THẤT

DẪN NHẬP

 

Tịnh thất là nhà thanh tịnh để cho các tín đồ vào mà tu luyện.
Muốn vào nhà Tịnh Thất phải tuân y những điều lệ như sau này .

Chú giải :Từ ngữ Tín đồ, xác nhận rằng các chức sắc muốn nhập Tịnh phải bỏ chức phẩm, như Đức Hộ Pháp nói khi nhập Tịnh Trí Huệ Cung: "giải chức Hộ Pháp chỉ là bạn tu mà thôi" (Trí Huệ Cung , trang 13). Trong quyển giáo lý được lời phê của Đức Hộ Pháp có viết về Tịnh Thất như vầy : "Hàng tín đồ là bậc thượng thừa xong xuôi tất cả bổn đạo làm người, mới đặng nhập Tịnh Thất". Như vậy, người tín đồ muốn vào nhà tịnh phải tiệm tu qua Hạ thừa, Trung thừa rồi mới tới thượng thừa được. Bậc Thượng thừa, Thượng căn, Thượng trí được nhập tịnh thất vào ngày đại tịnh.

 

ĐIỀU THỨ NHỨT -Trong hàng tín đồ , ai đã xử tròn nhơn đạo và giữ trai giới từ sáu tháng sắp lên thì xin vào tịnh thất mà nhập định.

Chú giải : Theo qui định trên , hàng tín đồ đề cập đó ở vào bậc Trung thừa tu luyện theo Trung tịnh vì chỉ mới giữ trai giới 6 tháng trở lên "đã xử tròn nhơn đạo" tức phải giữ đúng thế luật.
Đọc lại chương II, điều thứ 13 của Tân Luật.

Trong hàng hạ thừa, ai giữ trai kỳ từ mười ngày trở lên , được thọ truyền bửu pháp, có người chỉ luyện đạo.

Chú giải : Đây mới là bậc Hạ thừa luyện đạo theo sơ tịnh . Như vậy tu theo Tam Thừa (?)từ dưới lên trên là : Hạ thừa, Trung thừa và trung thừa.

 

ĐIỀU THỨ HAI - Phải có một người đạo đức hơn mình tiến dẫn và một người đạo hữu bảo hộ.

Chú giải : Hàng tín đồ Thượng thừa (Thượng căn, Thượng trí) muốn vào nhập Tịnh thất phải có một tu sĩ tuổi thiền cao hơn mình tiến dẫn và một người bảo trợ là anh, em hay con cháu bảo đảm cung cấp phẩm vật và lo đời sống cho tịnh viên suốt thời kỳ tu tịnh. Thế nên, buổi lễ nhập Tịnh thất tuy đơn sơ nhưng phải tôn nghiêm có đủ mặt ba người : chủ Tịnh, tu sĩ tiến dẫn và người bảo trợ. Thiếu một trong ba người đó, buổi lễ phải đình lại.

 

ĐIỀU THỨ BA. - Cấm không đăng thơ tín vãng lai với những người ngoài, trừ ra thân nhân,song phải có Tịnh chủ xem trước.

Chú giải :Tu sĩ Tịnh luyện là tu chơn, phế trần luyện đạo, nên Tịnh chủ phải kiểm soát thơ tín , các bưu kiện gởi cho tu sĩ, ngừa những đồ dùng xa xỉ trái với luật đạo.
Vì theo điều thứ 2, phần thế luật của bộ Tân luật có ghi như vầy :
Người bổn đạo ăn mặc phải cần kiệm, tùy phận tùy duyên, nên dùng đồ vải áo bô và giảm bớt hàng tơ lụa.

 

ĐIỀU THỨ TƯ - Cấm nguời ngoài không được vào nhà Tịnh, chẳng luận về viên quan, chức sắc cùng thân tộc tín đồ.

Chú giải : Quyển giáo lý của Trương Tiếp Pháp viết : "Tịnh thất là một giáo đường thâm nghiêm. Tín đồ vào đó đặng an thần dưỡng trí, tu luyện tính mạng đến công viên quả mãn" Như vậy,Tịnh thất là nơi dành riêng cho các tịnh viên phế trần luyện đạo. Do đó, người ngoài không nên bước vào đó tham quan như ở các Thánh Thất, Đền Thờ.
Nơi Tịnh thất thờ duy nhứt Thiên Nhãn Thầy và chữ khí mà thôi. Trước tịnh thất treo ba vòng vô vi tam thanh, không có chuông trống mỏ chi hết.

 

ĐIỀU THỨ NĂM - Cấm không được chuyện vãn với người ngoài, trừ ra cha mẹ và con cháu đến thăm, song cũng phải có phép người Tịnh chủ.

Bên cạnh Tịnh Thất còn có Tịnh Xá là nhà ở của các Tịnh viên. Nơi đây con cháu đến thăm viếng và ủy lạo được, song phải xin phép trước để tránh trùng giờ Tịnh luyện. "Cấm không được chuyện vãn với người ngoài vì sợ thấu lậu phương pháp tọa Tịnh ra ngoài, kẻ hám vọng luyện sai mà nguy hại. Tuyệt đối cấm truyền Tân pháp ra ngoài.

 

ĐIỀU THỨ SÁU -Nhập Tịnh Thất rồi phải tuyệt trầu thuốc và không được ăn vật chi ngoài mấy bửa cơm.

Chú giải : Tịnh viên không những không kiêng trầu, thuốc, rượu mà thôi, còn phải trường chay tuyệt dục giữ ngũ giới cấm theo chương bốn , điều thứ 21 của Tân Luật.

 

ĐIỀU THỨ BẢY - Phải giữ cho nhơn thần an tịnh, đừng xao xuyến lương tâm. Phải thuận hòa không được tiếng lớn, phải siêng năng giúp ích cho nhau dìu dắt nhau trong đường đạo.

Chú giải : Muốn "Chơn thần an tịnh" phải "Nhất tâm bất loạn phá vọng tồn chơn" và luyện phép vô niệm.Đó là định của thiền.
Muốn "tâm không xao xuyến" thì phải phá chấp. Không chấp thì mọi sự điều yên.
Muốn "Thuận hòa nhau" thì không xem, không nói chuyện về người khác. Tuyệt đối không bàn việc thời sự chính trị vì trái với luật của người tu chơn.
"Không được tiếng lớn" vì là nhà tịnh (yên lặng), ít nói chừng nào tốt chừng ấy. Nói nhiều tâm xao xuyến nhiều, chơn thần sẽ tản mạn. Tuyệt đối không nói chuyện trong tịnh thất.
"Siêng năng giúp ích cho nhau", trồng hoa màu phụ, ngũ cốc và để nâng cao bửa ăn có nhiều rau xanh.
"Dìu dắt nhau trong đường đạo" theo khẩu hiệu "Khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tương thọ" chớ không viết thành văn nên cần giúp đỡ nhau về cách luyện đạo.

 

ĐIỀU THỨ TÁM - Phải tuân mạng lịnh của một tịnh chủ, sẽ y theo giờ khắc mà hành công phu tu luyện.

Chú giải :Ban thường vụ Tịnh thất gồm ba người.

-Chủ Tịnh : Chủ tọa các phiên họp, chịu trách nhiệm trước Hội Thánh. Khuyên nhủ và kiểm soát mọi sinh hoạt của tịnh viên. Hướng dẫn các tịnh viên luyện đạo.
-Phó chủ Tịnh : Thay mặt cho chủ Tịnh khi vị này vắng mặt, kiêm thủ bổn.
- Từ hàn : biên chép và giữ sổ sách của Tịnh Thất, kiêm lo đời sống.

CÔNG PHU TỊNH LUYỆN

- Sợ Tịnh : Dành cho hàng Hạ thừa còn sống lẫn lộn với đời. Tịnh tập thể mỗi tháng 2 lần vào giữa dậu ngày mùng một và ngày rằm nơi Điện Thờ Phật Mẫu. Kỳ dư tịnh ở nhà. Thầy dạy "moiã đứa lo lập một (tiểu) Tịnh Thất" là ý ấy.

- Trung tịnh : Dành cho hàng Trung thừa vẫn còn ở nhà, vào giờ dậu, mỗi ngày phải đến Điện Thờ Phật Mẫu mà tịnh luyện trong 2 giờ. Tu sĩ làm ăn bình thường và làm nghĩa vụ công dân như sơ thiền.

-Đại tịnh :Dành cho hàng Thượng thừa, phế trần luyện đạo phải đủ tứ thời , nhập Tịnh Thất tu luyện cho đến lúc giải thoát.

Người tu theo tam thừa vô vị không cầu sắc tướng áo mão. Tuy nhiên mỗi tu sĩ điều cần xác định tuổi thiền vì "nhân bất chí đức, chí đạo bất ngưng yên". Để tránh kẻ thiếu đạo đức đòi hỏi chức phẩm.

 

ĐẠO HƯ VÔ, SƯ HƯ VÔ

"Đạo Hư Vô, Sư Hư Vô" vì Đạo do một âm dương mà thành. Sư Hư Vô, khi ta trầm niệm trước Đền Thánh có Chơn Sư, Thiên Nhãn, nhưng hành giả có thể thấy trong tâm các vị giáo chủ trong các kỳ Phổ Độ trước. Sư Hư Vô có nghĩa là CÁC PHÁP ĐỀU vô ngã. Mọi vật đều liên quan với nhau,không có vật nào hiện hữu mà cô lập, tách biệt khỏi mọi vật khác. Sư Hư Vô còn có nghĩa tự mình làm tâm đặng, làm chánh pháp cho chính mình, mà không nên tựa vào bất cứ ai khác.

 

Trong "Question Zen" của P.Kapleau đã viết: "Tôi đến gặp Thầy với hai tay và ra về cũng với hai tay không. Vì Thầy giáo đích thực là tâm ta".

 

"Vậy Đạo Sư dạy ta những gì? không có gì để dạy vì trong bạn đã có sẵn mọi thứ . Đạo Sư chỉ loại trừ một phần lớn những loại không phải là chân tánh của bạn, mê tín, cố chấp, tư kiến, ích kỷ, vọng tưởng hảo huyền, tất cả những thứ đã giam hãm bạn trong cái kén. Khi trí tuệ của bạn đã chín mùi, vị Đạo Sư sẽ dùng lời nói hay cử chỉ đẩy bạn đến chỗ giác ngộ". Như trong câu kinh "Reo chuông thoát tục, phất cờ tuyệt sinh".

 

Thật ra, Thậy đã dạy Đức Hộ pháp làm đài luyện khí cho Đức CaoThượng phẩm vào tịnh luyện.Trong The Buddhist Review số 5-1996, nơi bài TRICYLE (?) của Thiền Sư Shishin Sensei có nêu ba lời khuyên :1) Đối xử mọi người như cung kính Thiền linh; 2) Nghe mọi âm thanh như nghe pháp (Thánh giáo); 3) Hãy biến mọi nơi chúng ta đang hiện hữu thành nơi cõi Niết Bàn thanh tịnh an vui.Thiền định, tịnh luyện trong Cao Đài giáo có những nét đặc thù không giống Ấn giáo nhập diệt tận định đi mậy về gió. Ngay từ đầu mới khai đạo, các vị cao đồ đã đến Chi Minh Lý quan sát cách thờ phượng. Nơi nội thất Tam Tông Miếu có tạc 10 bức tranh chăn trâu.Nhờ đó, ngày 14-1-Đinh Hợi (1947) Đức Hộ Pháp đã ban hành Đạo lịnh số 209 chỉ dẫn về PHƯƠNG PHÁP TRỊ TÂM vì tâm là hình ảnh thiên lương.

Đến ngày mùng 1-4 Quí Tỵ (1953), Đức Ngài thuyết về phương pháp tịnh luyện như vầy:

 

"Hôm nay, Bần Đạo thuyết minh cái bí pháp tịnh luyện và khuôn luật tấn hóa tạo đoan của con cái Đức Chí Tôn . Cơ huyền bí ấy Đức Chí Tôn đã đem đến cho chúng ta đạt cơ tấn hóa. Mấy người đã đạt vị Phật đều ở trong cái huyền bí tịnh luyện để làm chúng ta sống đời đời, sống lụng lại ba kiếp trước, rồi nhờ kiếp trước ta có thể biết luật nhơn quả của ta. Nhờ kiếp này có thể đem tương lai cho ta đạt Phật vị ba kiếp trước . Đạt bí pháp ấây chúng ta mới có thể biết chúng ta là ai. Ta biết đường lối chúng ta đi thế nào. Đạt cơ siêu thoát là mở khiếu thông minh cho chúng ta đó vậy."
 

Lý giải chữ KHÍ*

Bước vào Đền Thánh, ta gặp khoảng không gian hẹp. Đó là Tịnh Tâm điện. Tịnh Tâm dịch từ tiếng Phạn Dhyâna, tiếng Trung Quốc phiên âm là Tch'anna, Phật giáo dịch âm là Thiền, Victor Hugo gọi là Les contemplations (trầm tư, tịnh tâm).

 

Điện hay quán là nơi luyện đạo của các đạo sĩ. Nhìn lên bức bích họa ta thấy Thanh Sơn Đạo Sĩ, Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (V.Hugo) . Danh từ Đạo Sĩ, Chơn Nhơn là cấp độ tu của Tiên giáo. Muốn luyện đạo phải luyện khí, chữ KHÍ bên sau tấm bích họa, là triết lý cao thâm của Đạo Cao Đài. Ngay từ buổi đầu, Đức Chí Tôn đã dạy : "Tắc lập Tịnh Thất cho rồi đặng mấy anh con còn tịnh, cái đài luyện khí trật hướng".

 

Đức Cao Đài coi việc luyện khí là quan trọng nhất vì thiếu khí vạn vật khô héo, con người phải chết. "Thông thiên hạ nhất khí nhi" (thông suốt thiên hạ là một khí -Trang Tử). Theo Hoài Nam Tử "Thiên khí vi hồn, địa khí vi phách".(Khí Trời là hồn, khí đất là phách -Thiên tinh thần)

 

Khí ảnh hưởng đến mọi mặt tri thức : Phê bình văn học , bình phẩm thơ văn, nghệ thuật hội họa cho tới việc chữa bịnh, dưỡng sinh …các học thuyết khíù hóa, học thuyết vận khí của Đông Y và phép luyện khí bắt nguồn từ Kinh Dịch…

 

* * * * * * * * * * * * * * * * * *
* Khí: hơi vô hình hơi nước bản hữu hình; dụng cụ hữu hình

 

Hội Khí công Showa, Tokyo làm máy đo tần số cực thấp EJF đo công năng phát từ bàn tay. Sau khi phát khí công 18 giây, phát hiện trên màn dao động ký điện tử từ trường trung bình 2 mg (miligams) kéo dài đến giây thứ 40. Từ giây thứ 50 xuất hiện tín hiệu mạnh 5mG, có cường độ mạnh gấp ngàn lần người thường, nên nó chữa được nhiều bịnh.


Học thuyết luyện khí của Đạo Cao Đài và trong Dịch trùng hợp nhau, nếu không nói là một . Luyện chơn nhứt khí của Đạo là hợp lại nguyên khí trong người và huyền khí ngoài trời làm một dẫn xuống biển khí (Khí Hải) dưới rốn ba thốn, Các Đạo Sĩ gọi chỗ này là đơn điền (ruộng đơn thuốc), nên luyện khí còn gọi là luyện đơn.

 

Bụng và trọng tâm của thân thể con người là thái cực vì nơi đó hội tụ chơn khí, nên người ta coi bụng là thái cực vì nơi đó tiếp cận với thần kinh xương cùn và nhóm thần kinh khoang bụng. Thế nên, khi luyện khí lấy khí mặt trời làm động lực đầu tiên, dịch lý biểu tượng bằng quẻ Ly. Ly là tâm hỏa, là nguồn gốc của thần chỉ cần hợp với tinh cơ thể nữa thì Tinh, Khí, Thần gom về một mối mà đạt đạo bước vào hàng Thánh Thể.

 

Chức sắc hàng Thánh Thể phải có Thánh tính để độ đời, làm nước vinh đạo sáng hầu xây dựng tình huynh đệ đại đồng. Ít lâu sau việc dạy luyện KHÍ của Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu giảng dạy tại khổ Hiền Trang (Mỹ Tho) như sau:

THI
Thảo Đường, phước địa ngộ tùng hoa,
Lục đại dư niên vũ trụ hòa.
Công hưởng trần gian an lạc nghiệp,
Thế đăng đồng đạo thịnh âu ca.

Thảo Đường là tên thiền Sư Trung Quốc, dòng thiền thứ ba truyền đạo vào nước ta ở phía Nam nước Chiêm Thành vào đầu thế kỷ XI, được vua Lý Thánh Tôn (1054-1072) đưa về mở đạo Tràng ở Thăng Long và truyền đạo được sáu đời (lục đại).

 

Đức Phật Mẫu dạy lập Thảo Đường là nhắc đến Tịnh Thất. Thế nên, vào tháng chín năm Tân Mùi tại khổ Hiền Trang, Đức Hộ Pháp làm lễ điểm đạo, lập Hồng Thệ cho 34 đệ tử đầu tiên của cơ giới thoát.

Lúc đầu muốn luyện đạo phải phân giờ theo giờ cúng : Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Chu kỳ vận hành của khí trong người hết một vòng gọi là một chu thiên. Khi hành pháp, ta gọi là chu thiên vận pháp hay chu thiên hỏa hậu mà trong "Luật Tam Thể" gọi là hỏa tinh.

 

Khởi đầu là chu thiên tý ngọ, đưa khí thông suốt hai mạch nhâm, đôc khiến chơn khí hai mạch xoay vòng không nghỉ. Chu thiên Mẹo, Dậu là đưa khí lưu thông kỳ kinh bát mạch cho pháp luân thường chuyển.

 

Bà Bát Nương dạy : "Cái tịnh ở trong cái động""Chơn thần muốn tịnh lúc nào cũng được" (Cao Thượng Phẩm, Luật Tam Thể, trang 168). Đólà phương luyện tâm pháp siêu thoát và mới mẻ nhất. Mọi tín hữu điều hành được.

 

BÁT QUÁI TRONG MẮT

(Thần cư tại nhãn để luyện Đạo)


Theo "trung nhãn khoa học giải nghĩa", mắt con người được chia làm 8 khuyếch. Mỗi khuyếch là một vùng tượng trưng cho 1 quẻ. (con số dưới đây tương ứng với số trong con mắt trên hình).

1.Thiên khuyếch : Gồm lòng trắng ở hai bên phải trái của lòng đen, thuộc phổi, tượng CÀN.

2.Địa khuyếch : Gồm mi trên và mi dưới thuộc tỳ và bao tử tượng KHÔN.

3.Thủy khuyếch : Gồm đồng tử thuộc thận tượng KHẢM.

4.Hỏa khuyếch : Gồm hai khoé mắt thuộc tim và mạng môn thuộc LY.

5.Lôi khuyếch : Gồm lòng trắng phía trên lòng đen thuộc ruột non, tượng CHẤN.

6.Sơn khuyếch : Vòng giáp đồng tử và lòng đen thuộc mật tượng CẤN.

7.Phong khuyếch : Lòng đen thuộc gan, tượng TỐN.

8.Trạch khuyếch : Lòng trắng phía dưới lòng đen, thuộc bàng quan tượng ĐOÀI.

Đối với ngũ tạng (ngũ hành), mắt chia làm 5 vùng hợp với các điều trên. Mi mắt thuộc Tỳ thổ; hai khóe mắt thuộc Tâm hỏa; lòng trắng thuộc Phế Kim; lòng đen thuộc Can mộc; đồng tử thuộc Thận thủy.

 

BÁT QUÁI TRONG NGƯỜI
Tám quẻ tụ Đan Điền để luyện đơn)


Trong mỗi người điều có Bát quái tại các cơ quan sau :

1.GAN tượng Tốn vì gan và Tốn đều thuộc mộc; gan hóa phong ( ) Tốn tạo gió.

2.PHỔI tượng Càn vì Phổi và Càn đều thuộc Kim ; phổi chứa khí trời mà Càn ( ) là trời.

3.TÂM tượng LY vì tim và Ly đều thuộc Hỏa; tim phát xuất thần minh mà LY ( ) là sáng.

4.THẬN tượng Khảm vì thận và Khảm đều thuộc Thủy ; thận là cơ quan trọng yếu mà Khảm ( ) là hiểm yếu.

5.TỲ tượng Khôn vì cùng thuộc Thổ ; tỳ tạo ra cốt khí mà Khôn ( ) tác thành vật.

6.Mật tượng Chấn vì cùng thuộc Mộc ; mật xuất phát quyết đoán mà Chấn ( ) là sấm động.

7.VỊ tượng ấn vì cùng thuộc Thổ; bao tử chứa thức ăn, mà Cấn ( ) là núi chứa quặng mõ.

8.RUỘT GIÀ tượng Đoài vì cùng thuộc Kim; ruột già chứa phẩn mà Đoài ( ) là đầm chứa bùn lầy.

Theo luật công thông của học thuyết "Thiên Nhân hợp nhất". Thái cực tương đương với đơn điền (dưới rốn hay thốn) là trọng tâm sinh mạng, nơi hội tụ năng lượng và chuyển hóa. Luồng khí năng lượng ấy, hành giả luyện khí gọi là đơn (thuốc).

 

Lưỡng nghi phân thân thể con người trên dưới trước sau, phải trái thành ba phương vị vật thể tử tính sinh mạng lớn : đứng thẳng, dọc ngang lập thành hệ tọa độ ba chiều của nhân thể, năng lượng cơ thể con người theo đó vận hành không ngừng nghỉ.

 

Tứ tượng chỉ các mặt thân thể. Tất cả mặt từ rốn trở lên tiếp với trời, mặt từ rốn trở xuống liền với đất, theo TiênThiên Bát quái lấy 2 quẻ Càn Khôn trên dưới biểu thị trời đất, chiều ngang trái phải Khảm Ly biểu thị nước lửa.

 

Trước sau là chiều dọc với 2 quẻ Cấn Đoài biểu thị núi đầm không khí. Trong ngoài là Cấn Tốn biểu tượng sấm gió nỗi lo toan. Sanh mạng con người có ba điểm :tinh, khí, thần.  Tinh là hình thể sanh mạng. Khí là năng lượng sanh mạng vận động. Thần là cơ cấu điều tiết khiến cho âm dương trong người được thăng bằng.

 

Thế nên, Đức Chí Tôn chủ yếu dạy luyện khí. Luyện khí chủ yếu là điều thần, giữ gìn bên trong thân thể là điều quan trọng nhất. Thần là cái ngự trị hoạt động sống khử trừ hết thảy tạp niệm "tâm viên ý mã", mà giữ ý tâm tại đơn điền (dưới rốn ba thốn) nên luyện khí, còn gọi là luyện đơn.

 

Hành giả luyện khí lấy hội âm (dưới âm khiếu) vì âm là nơi bắt đầu khơi động mạch, là lò luyện đơn. Đơn điều là cái đỉnh (vạc có ba chân biểu thị tam bửu) giống như nửa cái nồi , nên cổ thư có câu : "nửa cái nồi nấu Càn Khôn, một hạt gạo (đơn) bao trời đất" (Bán liên oa chữ Càn Khôn, nhất lập mễ bao thiên địa ).

 

Tinh, khí, thần là thuốc luyện đơn trong cái đỉnh đó.Hành giả làm thế nào để được tam bửu vào đỉnh.Tinh mặt trời là động lực đầu tiên của vạn vật sinh trưởng, nên Chu Dịch biểu tượng bằng quẻ LY, y học gọi là tâm hỏa, là nguồn gốc của thần, người xưa ví như gái đẹp.

 

Tinh mặt trăng là thể để vạn vật dựa vào, nên Chu Dịch biểu tượng bằng chữ Khảm, y học gọi là thận thủy, là nguồn gốc của tinh, người xưa ví như đứa trẻ. Thận thủy theo can mộc, thăng lên về bên trái. Tâm hỏa theo phế Kim hạ xuống về bên phải, gặp nhau ở tỳ ngay chính giữa. Tỳ thổ đất là mẹ của vạn vật, nên người xưa ví như bà hoàng. Đứa trẻ, người con gái đẹp lấy bà hoàng làm môi giới, biểu tượng thủy hỏa giao nhau, hai quẻ Khảm (trên) Ly (dưới) gọi là Ký tế, đưa tam bửu vào đỉnh.

 

Thuốc tam bửu sau khi vào đỉnh, trước dùng võ hỏa nấu tức dùng ý niệm đưa hơi thở từ từ vào đơn điền (ruộng cửa thuốc). Kế đó dùng văn hỏa ôn dưỡng theo âm khơi mạch vào đơn điền , mạch nhâm vừa mở thì các mạch khác cũng điều mở, khí đến vĩ lư qua giáp tích lên ngọc chấm tớ Nê hoàn.

 

Khi luyện thở, mặt hướng về sao Bắc Đẩu vì sao Bắc Đầu là cái gậy chỉ huy thiên thể vận hành. Cơ thể con người cũng ứng với sao Bắc Đẩu nên lấy sao đó làm thần. Muốn ý niệm tập trung thì ý phải nương theo hơi thở. Nếu để ý vu vơ sản sinh thì tâm hỏa thịnh, còn để ý niệm phân tán thì thận thủy hà. Lúc đó , hành giả nên ngưng luyện đơn. Theo bà Bát Nương dạy tịnh luyện của cơ Phổ Độ rất tiến bộ rộng rải "Phải tìm cho được cái tịnh trong cái động" và "Muốn tịnh luyện lúc nào chẳng được" (Thượng Phẩm CQC,Luật Tam Thể, trang 168)


- Đại thiên địa, Tiểu thiên địa:
Theo thuyết "Thiên Nhơn hiệp nhứt", con người là một ảnh hình thu nhỏ của Càn Khôn vũ trụ. Quan hệ giữa thiên nhiên và con người có tính chất đồng dạng và hợp nhất. Thế nên, ta chỉ cần quan sát bầu trời với những vì sao mà khi một trẻ sơ sinh mới ra đời đã chịu ảnh hưởng sâu xa nên có thể qua tinh tú đoán biết được số phận và tương lai của con người là vậy.

 

Trong Kinh Dịch, lý thuyết ngũ hành tương quan với nhân thể từ đi đứng, cử chỉ, lời nói, gương mặt, hộp sọ,…đều chứa đựng các thông tin của quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong nhân tướng học, khuôn mặt là yếu tố quan trọng nhất. Khuôn mặt con người sánh như bầu trời mà mặt trời là nhãn cầu trái, mặt trăng là nhãn cầu phải (tức lưỡng quang chủ thể), các vì sao là những nốt ruồi và lông mày tượng trưng cho mây.

 

Năm bộ phận trên khuôn mặt tương ứng với ngũ hành :1) Trán và lông mày là hỏa thuộc tâm. 2) Đôi mắt là mộc thuộc can ; 3) Hai mũi là kim thuộc phế; 4) Cái miệng là thổ thuộc tỳ; hai tai là thủy thuộc thận. Còn kích thước hình dánh của hộp sọ nói lên tri thức của một người.

 

Khuôn mặt của một người tác thành năm loại: Tròn, Vuông, xoan, tam giác, chữ nhật và tương ứng với một số tính cách nhất định. Dưới đây là so sánh hình thái giữa trời và người :

    ĐẠI THIÊN ĐỊA

    - Trời :tròn
    - Đất :vuông
    - Tứ thời (Xuân, hạ,Thu, Đông)
    - Ngũ hành (Kim mộc thủy hỏa thổ)
    - 24 tiết ngoài bát tiết thêm 16 tiết (1)
    - Bát tiết (lập xuân , xuân phân, lập hạ, hạ chí,lập thu , thu phân, lập đông, đông chí)
    - Cửu thiên
    - 12 tháng
    - Sông ngòi
    - Lục khí (phong hàn thử thấp lương táo ôn nhiệt)
    - 360 ngày của 1 năm
     

    TIỂU THIÊN ĐỊA

    - Đầu người : Tròn (không tròn vo)
    - Chân : vuông (không hẳn vuông)
    - Tứ chi
    - Ngũ tạng, ngũ quan
    - 24 đốt xương sống
    - Bát môn : phi môn (môi), hộ môn (răng), hấp môn (khí quản), phún môn (miệng trên bao tử), u môn (miệng đưới bt), lan môn (tiếp giao giữa ruột già, non), phách môn (lỗ đít), khí môn (lỗ tiểu)
    - Cửu khiếu (xem dưới)
    - 12 đốt khí quản
    - Huyết mạch
    - Lục phủ : vị, đởm, tiểu trường, đại trường, bàng quang, tam tiêu
    - 360 đốt xương

-  CỬU KHIẾU của con người được Đức Chí Tôn xếp đặt có hình quẻ THÁI (Địa Thiên Thái : quẻ Khôn chồng lên quẻ Càn,)

 

TU TỊNH

 

1.Tân pháp Tu Tịnh

Ngày 18-12 Aát Sửu (31-01-1926), Đức Chí Tôn dạy Ngài Phạm Công Tắc nghĩ việc đời mà lo hành Đạo : "Tắc ! có tuân mạng lịnh thầy chăng ? Con sắp đặt hoàn thành rồi thối chức? ". (1)

Ngày 14-01-1926 (01-12-Aát Sửu), Đức Chí Tôn dạy hai vị Cư Tắc về nội giáo cư tâm truyền hay thuyền định như sau :

      Thành tâm niệm phật
      Tịnh,Tịnh,Tịnh,Tỉnh,Tỉnh
      Tịnh là VÔ NHỨT VẬT.
      Thành tâm hành Đạo (pháp)

Bà Thất Nương khuyến khích : "Em xin hai anh gắng công học Đạo, dưỡng luyện tinh thần, ắt ngày sau đắc Đạo. Coi bửu vị làm trọng đừng ham luyến hồng trần mà phải đọa "

Chỉ bốn câu đã nêu rõ cách tịnh luyện theo Đạo mới : Tâm thiện niệm, tĩnh lặng, vô nhứt vật và tự hành pháp.

 

* * * * * * * * * * * * * * * * * *
(1) Xem chương VI, mục 1 và 6

 

Câu 1- Tâm thiện niệm : sau khi dâng tam bửu trong Tứ thời thì niệm danh Thầy (Phật trên các Phật) là đủ. Vì danh Thầy có đủ tam giáo.(1)

Câu 2 - Tĩnh lặng : Tĩnh là tâm bên ngoài không xao động, bên trong chẳng so hơn tính thiệt, tức bên trong bên ngoài chẳng loạn là tịnh. Khi tịnh giác quan ta vẫn nghe vẫn thấy nhưng phải tỉnh táo để tâm khỏi bị ngoại vật lôi cuốn, mà nghe như không nghe, thấy như không thấy. Nếu tịnh mà tâm viên ý mã là sai.

Câu 3- Tâm vô nhứt vật : Nguyên văn câu là lục tổ Huệ Năng được truyền y bát là " bản lai vô nhất vật ". Ngài nói "Tâm vốn là vọng dấy khỏi phân biệt là hư giả, nên tịnh chỉ cần không vọng là đủ: không vọng thì động tự lắng xuống, tâm an nhiên, tự tánh thanh tịnh ".

Câu 4 -Tự hành pháp : Tu chơn là tự tịnh luyện một mình sau khi được chơn sư chỉ dẫn. Hành pháp tự tu, tự thành biết được tánh giác thường hằng là sắp có ấn chứng thiêng liêng .

Ngày 16-01-1926, Qúi cao giáng đàn và cho hai vị Cư Tắc biết :"Đã từ lâu không dám nói vì em còn phải tu như hai anh vậy. Không dám nói vì hai anh có thầy, em không dám lộng quyền ". Rồi Ngài Qúi Cao tặng hai Ngài bài thơ khuyến tu :

Tu như cỏ úa gặp mù sương,
Đạo vốn cây che mát mẻ đường.
Một kiếp muối dưa, muôn kiếp hưởng,
Đôi năm mệt nhọc, vạn năm bường.
Có thần nuôi nấng thần càng mạnh,
Luyện khí thông thương khí mới tường
Nhập thể lòng trong gìn tinh mẫn,
Nguồn Tiên ngọn Phật mới nhằm phương.

Ngày 27-01-1926,khai đàn tại nhà Ngài Cao Quỳnh Cư, Thất Nương giáng dạy tam vị thiên sứ :

"Em xin quí anh coi lại đời là thế nào? Bông phù dung sớm còn tối mất, còn hơn kiếp con người. Vì nó sống ngắn ngủi nhường ấy nhưng mà lúc sống còn có cái sắc, chớ đời người sanh ra chỉ để thụ khổ mà thôi. Chung qui, dù sống trăm tuổi chưa một điều đắc chí. Chết là hết. Cái đời tạm này sách phật gọi là khổ hải. Em xin quí anh coi sự trường sanh của mình làm trọng …Đã vào đường chánh, cứ do đó mà bước tới hoài thì trở về cựu vị đăng".

Ngài Lê Văn Trung còn nghi ngờ nên hỏi Thất Nương :" Có duyên luyện Đạo cùng chăng ? Xin em mách giùm! ".

Bà Thất Nương đáp : "Đã gặp Đạo đức tức có duyên phần. Rán tu luyện, siêng thì Thánh, biếng thì đọa. Liệu lấy răn mình ".

Đức Lý Thái Bạch cảm ứng khát vọng của Ngài Lê Văn Trung giáng bộ về tâm pháp như sau :

Có công phải biết gắng nên công (PHU),
Tu tánh đã xong tới luyện lòng (TÂM),
Kinh sách đầy đầu chưa thoát tục ,
Đơn tâm khó (THIỀN) định ấy chi mong?

Hôm nay, Đức Chí Tôn dạy thêm nhóm phổ độ

Một ngày thỏn mỏn một ngày qua,
Tiên Phật nơi mình chẳng ở xa.
Luyện đặng tính không muôn tuổi thọ,
Cửa thiên xuất nhập cũng như nhà.
Cương tỏa đương thời đã giải vây,
Đừng mơ oan nghiệt một đời này.
Hữu duuyên độ thấu nguồn chơn đạo,
Tu niệm khuyên bền chí chớ lay.

Những lời dạy về tân pháp tu chơn của Đấng nêu trên đã đánh tan dư luân cho rằng Tòa Thánh Tây Ninh không có tịnh luyện. Ta có thể kể các tịnh thất: Thảo Xá Hiền Cung (1927), Trí Huệ Cung (1950), Trí Giác Cung (1948), Vạn Pháp Cung (1963), rất nhiều vị tu thành chánh quả. Sở dĩ phần phổ độ lớn hơn phần vô vi là theo Thánh ý "đại ân xá", phải độ dẫn nhân sanh trước, có nhân sanh mới có người tịnh luyện, lần bước vào thời Kỳ Đạo tâm như Đức Cao Đài đã tiền khải.

 

Nếu xét về bình diện lịch sử, tôn giáo Cao Đài là Đạo trong nước (Quốc Đạo), nên đã mang đậm sắc truyền thống Việt Nam về y phục, về nhạc Lễ, nhất là Tam Giáo đồng nguyên của thời đại Lý Trần. "Tinh thần dân tộc phát triển trong thế kỷ 13 đã góp phần hình thành tư tưởng Thiền Việt Nam biến chuyển thành Thiền Trúc Lâm ". Tuệ Trung Thượng Sĩ phản đối tọa thiền. "Tư tưởng thân dân thời Trần là muốn giảm nhẹ sự đau khổ của con người trong đời sống thực. Thiền Trúc Lâm tô đậm nét nhân ái, không dẫn đến yếm thế, xa lánh cuộc đời." Đó là thiền nhập thế, điểm rất nổibật của Thiền Trúc Lâm ".(1)

 

Bài tứ tuyệt trên do Đức Chí Tôn ban cho phản ảnh đầy đủ truyền thống Thiền Trúc Lâm . Đức Chí Tôn còn nhấn mạnh "Tiên phật nơi mình chẳng ở xa " Như vậy Thiền trong Đạo Cao Đài là Thiền Nhập Thế, Thiền cơ phổ độ, Nếu cưỡng chế ra ngoài Thiền Nhập Thế có nghĩa là ra ngoài truyền thống và bản sắc văn hòa dân tộc.

 

Vả lại trong LUẬT TAM THỂ, bà Bát Nương giảng dạy khá rỏ ràng về phép tịnh như vầy :"Đừng lầm tưởng là phải yên tịnh một nơi mới thâu nên kết quả. Mấy em tập thể nào mà tầm cho được cái tịnh ở trong cái động thì mới nên đó, bằng chẳng vậy quỉ mị sẽ vùa theo nơi an tịnh riêng mình. Nói rõ cho dể hiểu hơn là chơn thần muốn tịnh lúc nào cũng được, chẳng nệ đông tiếng ồn ào, việc làm bề bộn ". Rõ ràng là Bát Nương dạy nhân sanh về Thiên Thập Thế.

 

- -oOo- -

 

2. Đức Hộ Pháp nhập tịnh thất

Sau đó Đức Hộ Pháp trở về Tòa Thánh đôn đốc xây cất các tịnh thất. Ngày 15 tháng 12 năm Canh Dần, Đức Ngài làm lễ trấn thần Trí Huệ Cung, trong có Thiên Hỉ Động là ngôi tịnh thất của Nữ Phái. Đó là ngày lễ lớn, các đạo hữu phải đi vòng xuống Thiên Thọ Lộ qua Đoạn Trần Kiều mới vào Trí Huệ Cung tham dự lễ. Đó là bí pháp phàm qui Thánh, nhưng rủi thay, các thợ đắp Vân Trung Tử cỡi hạc bay về chợ Thiên Vương (tức chợ Trường Lưu) lại biểu tượng Thánh lâm phàm !

Tịnh thất của Nam Phái là Vạn Pháp Cung trong có Nhơn Hoàng đang tọa ở sân đình Núi Bà. Đức Phạm Hộ Pháp giảng về Trí Huệ Cung như sau:
 

"Trí Huệ Cung là cơ quan tận độ chúng sanh. Nó không phải của ta, mà của toàn thể nhơn loại. Bởi nó tượng trưng hình ảnh Chí Linh của Đức Chí Tôn tại thế. Nó không cho phép phân biệt đảng phái, tôn giáo hay nòi giống. Cửa Thiên hỉ động là của Thiêng Liêng Hằng sống của toàn thể các chơn linh ".

"Bần đạo cả tiếng kêu gọi con cái Đức Chí Tôn, như là Cửu Nhị Ức nguyên nhơn hãy tỉnh mộng, ngó lại Trí Huệ Cung, phải vào nơi cửa này (Tịnh Thất) mới đạt Đạo đặng mà thôi .Đạt cơ giải thoát mới nhập vào của Thiêng Liêng Hằng Sống, mà Đức Chí Tôn đã dựng riêng dành cho mọi người ".


Rõ ràng Đức Hộ Pháp chánh thức mở cơ vô vi tịnh luyện từ đó. Ngài khẳng định "phải vào cửa tịnh luyện mới đạt Đạo đặng". Tại ta thiếu trí, không theo được hành tàng của Đức Ngài mà thôi. Chớ đừng trách sư phụ chưa truyền phép tu chơn cho ta.

Câu liễn tại Trí Huệ Cung thể hiện lời giảng Đạo đó của Đức Ngài.

TRÍ định thiên lương qui nhứt bổn
HUỆ thông đạo pháp độ quần sanh .

Đến ngày 16 tháng 1 năm Tân Mão (1951), Đức Hộ Pháp vào Trí Huệ Cung tịnh luyện theo Tân Pháp Nội giáo tu thiền maØ Đức Chí Tôn đã chỉ dạy ngay từ đêm 14-1-1926(1). Khi nhập tịnh thất, Đức Ngài nói : "giải chức Hộ Pháp chỉ còn là bạn tu mà thôi " (2). Chính Đức Ngài đã đặt nền tảng luyện kỷ tu đơn cho mọi chúng ta đó.

 

Khi nhập tịnh thất Trí Huệ Cung, Đức Hộ Pháp nói : "giải chức Hộ Pháp chỉ còn là bạn tu mà thôi ". Có nghĩa là muốn vào Tịnh Thất, nếu là chức sắc phải gởi chức cho Hội Thánh trở thành đạo hữu.

Sau khi được chơn sư phụ chỉ dẫn, rồi hành pháp tinh luyện, tự tu, tự thành, biết được Tánh giác bằng hữu là lúc có ấn chứng Thiêng Liêng .

 

Năm Tân Mão (1951), Đức Hộ Pháp vào Trí Huệ Cung (vì Vạn Pháp Cung chưa xây) sau khi ra khỏi nhà tịnh và đã thuyết Đạo tại đền Thánh như vầy:
 

"Bần Đạo giải rõ hành tàng trong ba tháng mà Bần Đạo đã làm ( trong nhà tịnh ). Cái hành tàng về mặt Đạo Pháp giống như 40 ngày của Đức Chúa Jésus ra ngoài sa mạc cầu khẩn với Đức Chí Tôn ban bố hồng ân cho nhơn loại, đặng đem cơ cứu thế của Ngài giao cho toàn xã hội nhơn quần được hưởng : giống như Đức Thích Ca vào vườn Bồ Đề ngồi thiền định đặng xin giải thoát chúng sanh."

 

Khi Đức Ngài đến Trí Huệ Cung để nhập Tịnh Thất có nhiều người gởi thơ đến xin nhập tịnh một lượt với Đức Ngài. Đức Ngài trả lời :

"Nếu người nào không có tam lập thì không ở chung với ai đuợc hết. Chính mình đối với cơ thể hữu vi của đời (tức thể pháp) mà không ai có bằng cớ chi hết, thì ai tin rằng có bí pháp đạt đạo.

"Tam lập là : lập đức, lập công, lập ngôn. Con người khi sinh ra mặt địa cầu này không có tam lập thì không có chi hết. Tam lập quyết định cho ra. Ta mới sống chung với xã hội nhơn quần được." Đức Ngài còn thuyết thêm về phương pháp tịnh luyện như vầy :
 

"Bần Đạo thuyết minh cái bí pháp tinh luyện và khuôn luật tấn hóa tạo đoan. Cơ quyền bí ấy Đức Chí Tôn đã đem đến cho chúng ta đặng cho đạt cơ tấn hóa. Thật ra, Đức Phật Tổ chỉ đạt được kiếp siêu thoát của Ngài mà thôi. Mấy người đã đạt được vị Phật đều ở trong cái huyền vi tịnh luyện để làm cho chúng ta sống đời đời. Sống lung lại ba kiếp trước, rồi nhờ kiếp trước ta có thể biết được luật nhơn quả của ta. Nhờ kiếp này có thể đem tương lai cho ta đạt phật vị của ba kiếp trước. Đạibí pháp ấy chúng ta mới có thể biết chúng ta là ai. Ta biết đường lối chúng ta đi như thê nào. đạt cơ siêu thoát là mở kiếp thông minh cho chúng ta đó vậy " (1)

 

3-Vai trò của Đức Phạm Hộ Pháp với bí pháp

Trước hết, nghi lễ thọ phong Hộ Pháp khác thường, không lời tuyên thệ, lời nguyện mà là một cuộc hành pháp trục Chơn Thần Phạm Công Tắc ra khỏi xác phàm để chơn linh Vi Đà Hộ Pháp giáng ngự nơi thân thể Ngài. Từ đó Phạm Công Tắc trở thành Hộ Pháp Cao Đài. Đó là trường hợp giáng linh ngự thể như Chơn Linh của Nguyễn Du nhập vào Victor Hugo. Ngài đã được Đức Chí Tôn giao trọng trách đứng đầu Hiệp Thiên Đài thông công các Đấng và chịu trách nhiệm về phần Chơn thần của toàn thể Đạo hữu ( chỉ chung các chức sắc ), còn phẩm Giáo Tông chỉ có quyền về phần xác mà thôi.

 

Năm 1929, Đức Phạm Hộ Pháp lập Khổ Hiền Trang, mở Phạm môn tu luyện không áo mão với "Phuơng Luyện Kỷ" để đạt cơ giới thoát. Thánh ngôn của Đức Chí Tôn đã dạy :"Hộ Pháp hằng đứng (nơi Vi Hộ) (2) mà giữ gìn chơn linh các con, khi luyện Đạo đặng hiệp tinh với khí, rồi khí với thần đến Chơn Thần hiệp làm một nhà siêu phàm nhập Thánh ".

Năm 1951, tại Trí Huệ Cung, Đức Phật Mẫu cũng ban cho Đức Ngài : "Vẹn toàn Pháp môn "

Hễ làm mẹ quyền hành dạy trẻ
Con đừng lo mạng thế thi phàm
Huyền linh mẹ chịu phần cam
Ban cho con trẻ vẹn toàn pháp môn

Vì thế dù Đức Ngài còn ở thế hay qui thiên, Ngài sẽ diệu dụng quyền năng điển lực của Kim Quang Tiên trợ phần cho hành giả công phu tu luyện đạt thành chánh quả.

 

Khi sinh tiền, ai đến xin luyện Đạo, Đức Ngài CÂN THẦN, đo mức độ khí trược trong người đó coi có đủ sức chịu nỗi điển lực Thiêng Liêng, nếu kém sức sẽ biến tướng thành tả Đạo thì không cho luyện Đạo. Các vị thời Quân Chi pháp cũng có quyền bí pháp cho chức sắc nhưng khả năng cân thần không bằng Đức Ngài.

 

Năm 1936, các vị Phạm Môn chuyển qua Phước Thiên nhận lãnh đầu họ Đạo Phước Thiện tại các tỉnh. Đức Hộ Pháp đã truyền các phép BÍ TÍCH, GIẢI OAN, TAM THÁNH, PHÉP XÁC, HÔN PHỐI cho các vị tân đầu họ tại Hộ Pháp Đường. Đức Ngài còn hành pháp trục thần, khai khiếu và ban pháp BẠCH ĐĂNG (cây đèn trắng) để khi hành Đạo tha phương gặp khó khăn, thắp đèn lên vào giờ tý rồi thành tâm cầu nguyện Đức Ngài hiển linh chỉ giáo. Nhiều chức sắc như Chí Thiên Võ Văn Đợi, Giáo Hữu Thượng Tý Thanh …đã được dạy Đạo qua phương pháp này. Huyền diệu nhất việc Đầu Sư Thái Thơ Thanh được Đức Ngài trợ thần khi tịnh luyện. Ngài Thái Đầu Sư rất kính phục và hủy bỏ sơ đồ xây dựng nội ô Tòa Thánh theo ý phàm mà giao việc xây cất Tòa Thánh lại cho Đức Hộ Pháp làm theo Thiên Khải, mà trong chuyến xuất thần vân du Ngài thấy được.

 

Xem thế, ngay buổi đầu, Đức Chí Tôn dạy người theo Đạo tu thân, làm công quả và tịnh luyện. Tân luật cũng xác phận : Đạo gồm các Thánh Thất (thể pháp) và Tịnh Thất ( bí pháp thiền định).Thể pháp là hình tướng của Đạo, biểu tượng là Hội Thánh. Bí pháp của huyền năng của điển lực để người Đạo giải thoát. Thế nên, lúc mới khai Đạo nặng nề phổ độ để đưa người vào cửa Đạo, sinh hoạt Đạo lý mà lập công, lập ngôn rồi lập đức mà tiêu trừ nghiệp chướng. Hai phần phỏ độ và vô vi nằm chung trong chánh thể Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ. Hội Thánh Cao Đài thực hành cả hai. Bởi lẽ trong chơn quyền của Đức Chí Tôn không hề có sự phân chia hai phần : 1.- phổ độ là ngoại giáo công truyền do Tòa Thánh Tây Ninh đảm trách : 2 Vô vị tịnh luyện là Nội Giáo bí truyền do chi phái thực thi, như một ít người lầm tưởng.

 

Thể pháp và bí pháp tương liên khắng khít với nhau như hình với bóng. Hễ có hình thì có bóng, có bóng tức có hình. Nói cách khác, cầu kinh tứ thời là thể hình để người Đạo, mỗi ngày một ít gom thần định trí và lý thanh cao tưởng đến phật Trời. Còn cái bóng của Kinh Kệ là trạng thái sống tinh thần của người Đạo đạt được khi vọng niệm, các âm ba hòa nhập vào điển lực của Trời Phật làm thức tỉnh chơn thần. Aâm ba Kinh Kệ là cái bóng, chữ nghĩa Kinh Kệ là cái hình. Hình với bóng không thể xa nhau.

 

ĐẠO TÂM LUẬN

 

1/- Đạo tâm là gì ?

Đạo tâm là đạo sâu kín trong lòng "Tức tâm, tức Đạo hà phương kiến?" Tỉnh thế ngộ chơn dạy tâm là Đạo, Đạo là tâm chớ tìm nơi đâu khác.

"Tâm không phải là cục máu thịt. Phàm chỗ nào có tri giác, đó là tâm, như tai mắt biết thấy biết nghe, chân tay biết đau biết ngứa. Cái biết đó là tâm vậy" (Tâm bất nhị nhất khối huyết nhục , tri thị thính, thủ túc chi tri thống rạng, thử tri giác tiện thị tâm dã - Vương Dương Minh). Dương Minh lại giải thích thêm "Lấy chỗ hình thể bao la mà nói thì gọi là Thượng Đế, lấy chỗ nó lưu hành vận dụng thì gọi là mệnh, phú bần cho con người thì gọi là tính, làm chủ thân ta thì gọi là tâm".

 

Họ Vương đã thích nghĩa rõ ràng, có thân thì có tâm, ai cũng như ai chỉ khác hơn người chịu tôi luyện thành ngọc, kẻ để lu mờ thành đá cuội.

Họ Vương đáp lời Từ Aùi : "Chủ tể của thân ấy là tâm, sự phát động của tâm ấy là tri, sở tại của tri ấy là vật. Ví dụ ý mình để vào chỗ thờ cha mẹ, thì việc thờ cha mẹ là một việc, ý mình để vào chỗ giúp dân yêu vật, tức thì giúp dân yêu vật cũng là một việc, ý mình để vào chỗ nhìn, nghe, nói, cử động tức thì nghe, nói, cử động cũng là một việc. Vì thế ta nói không có việc gì ngoài cái tâm".

 

Xem thế " tâm, ý, thân, vật như một chuỗi kích liên kết với nhau làm một".

Cái làm chủ mọi sự thấy, nghe, nói, cử động mà gọi là tâm đó, đúng là tính, tức là thiên lý. Tính ấy vốn có sự sống riêng của nó, hễ phát ra nơi mắt thì biết nhìn, nơi miệng thì biết nói, nơi tứ chi thì biết cử động, đều là sự phát sinh của thiên lý.

 

Vì nó chủ tể cả thân ta, nên gọi là tâm. Cái bản thể của tâm là thiên lý, vốn nó trong sạch như nhiên không hề phi lễ. Đó mới thật là cái chân kỷ của ta. Cái chân kỷ ấy cầm quyền chủ tể thể xác".

Như thế người muôn tu đạo thì phải rèn luyện cái tâm hay phải có phương pháp trị tâm" như thế Đức Hộ Pháp dạy : Cái Đạo ấy ở trong lòng người không đâu xa.

"Tâm tức Đạo, Đạo tức là Trời. Ta biết tâm thì biết Đạo, biết Trời. Các người cần học muốn thấy rõ đạo ấy, cứ lấy tâm mình thể hiện là thấy, chẳng phải tìm đâu bên ngoài mới có được ! (Tâm tức Đạo, Đạo tức Thiên. Tri tâm tắc tự Đạo tri Thiên, chư quân yếu thực hiện thử đạo, tu tòng tự kỷ tâm thượng thể nhận, bất giả ngoại cầu thỉ đắc - Vương Dương Minh). Đạo Thánh hiền vốn giản dị minh bạch như vậy, nhưng người xưa cố ý làm cho nó tối tăm bí hiểm. Ta lập chí luyện kỷ làm sao cho cái tâm thuần thiên nhiên lý, không nhân dục là đã đạt đến bậc Thánh nhân.

 

Theo Thần học, Đạo vốn vô vi thuộc Dương tâm là tìm hữu vi thuộc âm, âm dương tương hiệp, Trời người hiệp nhất, trong ý niệm Thầy là các con, các con là Thầy" Vô vi hữu vi là một trong ngữ Đạo Tâm. Đạo vô vi hay vô vi chi Đạo cũng thế. Vô vi không có nghĩa là không hình tướng "vô vi như vô bất vi" , còn hữu vi cũng không có nghĩa có hình tướng. Nếu câu chấp như thế là chưa hiểu đạo. Nên hiểu rằng hình tướng của nước giống hình tướng của đất của lửa, của thảo mộc. Nếu bảo không giống thì không đúng, còn nếu nói giống thì giống ở điểm nào ? Bởi lẽ, ta chấp tướng nên thấy việc chi cũng hữu tướng, mà không thấy sạch chúng, vạn vật đều có chung một gốc nguồn. Vô "Đạo pháp trường lưu" chảy dài như dòng sông ra đại dương nước có hình tướng chi đâu. Nhưng khi ta chứa vào hồ lu, hủ, nước lại có hình tướng khác nhau. Bản chất nước chẳng có hai. Thế mà cái gì sanh ra sóng biển kia, khi yên gió sóng đi đâu, có đó rồi không đó, vô vi hay hữu vi khó nói được.

 

"Đạo pháp vô biên" tùy theo lúc mà Đạo có tên khác nhau. Đạo là con đường để cho Tiên Phật theo đó mà qui hồ cựu vị. Đạo là con đường người ta phải noi theo để được giải thoát. Có người cho giải thoát là thoát khỏi cảnh nhân thế buồn thảm đến nơi cực lạc an vui bằng hai lối : Một là tự lực giải thoát, lấy sức tu niệm của mình mà giải thoát cho mình nhờ tiểu ngã bao tàng đại ngã (Phật tánh). Hai là tha lực giải thoát là lấy tự kỷ mà dung hợp với thực tại tức rằng thực tại có sức vô đối thu hút được tự kỷ, diệt cái sanh bịnh vô thường, đoạn tuyệt phiền não mà vào cõi vĩnh hằng tức chỉ Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

Đối với Đạo mới muốn sớm về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống là phải làm công quả, phổ độ nhân sinh, xiểng dưỡng tôn giáo tức "tu Đạo dĩ nhân". Thời đạo tâm là tu chơn dưỡng tánh. Con người mở rộng đạo, chớ không phải Đạo mở rộng được người". (Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân). Người trong đạo mà hiểu biết rộng, dù đạo có điều dở cũng thành ra hay, đạo trong tay người ngu muội thế nào rồi cũng hóa dở mê tín dị đoan.

 

Thế nên trong thời đại khoa học Đức Lý dạy : "Giác mê khải ngộ" tức là làm cho con người thoát khỏi chốn u mê và giác ngộ đạo, làm lành lánh dữ thì đạo tâm được trong sáng. Lúc tệ phẩm bệnh, có người bạn đạo đến thăm. Ta hỏi :
-Đạo hữu đến đây bằng gì ?
-Xe đạp.
-Cái sườn có phải là xe không ?
-Không.
-Cái ghi đông có phải là xe không ?
-Không.
-Cái bánh xe có phải là xe không ?
-Không.
-Vậy chớ cái gì là xe là thừa (thừa là cái xe) : Tiểu thừa hay đại thừa ? Con người không có đức tu thì làm sao biết được khả năng trí tuệ của mình. Giống như xe không có càng, không có trục thì làm sao có thể chạy được (nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả giả, đại thừa vô nghê, tiểu thừa vô ngột, kỳ bà dĩ bành chi tai ?)

 

Mạnh Tử nói : "Suy cho cùng cái tâm của mình thì biết cái tính của mình, biết cái tính của mình thì biết được lẽ trời vậy" (Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính giả, tri kỳ tính tắc tri thiên dỉ)

Tâm vốn là cái tinh thần sáng suốt, nên có đủ mọi lẽ để ứng phó muôn việc. Tính là cái lẽ đủ cả của tâm mà tuổi do theo lẽ ấy phát ra. Tâm và tánh vốn là một, nhưng hiện tượng khác nhau nên có tên gọi khác nhau : phú cho con người gọi là tánh, làm chủ cái thân gọi là tâm. Tuy cái tâm phát ra mỗi việc mỗi khác, nhưng chỉ có mỗi cái tánh. Thế nên người ta lo cái tâm mình chưa sáng. Các chức sắc hơn người là nhờ cái tâm thuần thiên nhiên lý nên lúc nào cũng hành thiện, còn phàm phu để vật dục che lấp cái tâm nên hành ác. Thế nên, thiện và ác là hai sự kiện không hề có sẵn mà do tâm ta tạo ra. Vậy cái óc diệt được, nếu ta quyết tâm.

 

Bản thể của tâm là bất động nhu hòa nếu bị kích thích tâm hốt nhiên khởi động tạo ra mọi thứ sinh diệt. Tâm thể và vật thể không lìa nhau mà cũng khó hợp nhau như nước với sóng. Tuy khác nhau về hiện tượng, nhưng là một thực thể. Sóng và nước cũng như vật và tâm không thể lìa nhau. Thế nên, Tiên phàm phân biệt ở cái biết hay không biết, chân như hay hiện tượng mà thôi.

 

Cho nên người đạt đạo thì quan niệm rất rộng rãi : đạo tâm không có trong mà không có ngoài, hữu vi vô vi là một không có vách ngăn. Thiên địa vạn vật đồng nhất thể. Vậy muốn đạt đạo tâm thì phải có đạo từ và tâm trụ . Đạo từ là từ bi hỉ xả. Tâm trụ là càng lay càng im, càng vững chắc. Ngày xưa các vị thần ở Nhật Bản vị nào cũng cho mình có quyền lực trên Trời Đất. Một thần cao tuổi xin làm trọng tài cho các thần khoe khoang đó thi thố.

 

Thần thứ nhất hóa chớp sấm rung động cả thế gian. Các thần khác tái mặt. Riêng thần bão tố đứng lên nói : "Sức mạnh của tôi còn ghê gớm hơn nhiều". Dứt lời, sóng biển dâng lên, bão tố đầy trời. Các thần thất sắc xin thua.

 

Bỗng nhiên, thần âm nhạc thổi tiêu dì dặt lơi lả khiến các vị thần ngây dại. Chỉ có một vị thần, có thái độ như nhiên bất động. Oâng không sợ sấm sét, không sợ sóng bão, tiếng sáo huyền ảo không làm ông động lòng. Vị trọng tài ngạc nhiên hỏi:

-Ông bị mù và điếc chăng ?
-Tôi vẫn thấy và vẫn nghe.
-Sao ông không động lòng trước sấm nổ, nước dưng, âm thanh dìu dặt ?
-Tâm tôi bị kích động, nhưng được chế ngự.
-Sao gương mặt ông bình thản đến dễ sợ vậy ?
-Vì tâm tôi trụ vững. Tôi biết làm chủ giác quan mình. Còn các ông chỉ làm đầy tớ cho cảm giác vì không biết cách chế ngự nó.
Các vị thần cúi đầu phủ phục. Vị trọng tài phán quyết:
-Quyền bá chủ về vị này, người có nội tâm trụ vững và điềm tĩnh trước mọi sự việc.

 

Người xưa cho rằng lương tâm nẩy nở ra tính vì chữ tính một bên có chữ tâm đứng  và 1 bên chữ sanh  tức tâm sanh vi tính. Như vậy, cái máy (động cơ) trong lòng người gọi là tính, tùy cái dục mà tính ấy mang tính thiện hay ác. Tâm vốn là nhứt thiết pháp, mà nhứt thiết pháp là tâm. Hai cái đó không khác mà cũng không là một. Sanh tử cũng do nơi tâm. Tâm bao hàm tất cả.

 

Xét về lý thể, tâm như nước, vật như sóng. Ngoài nước không có sóng, ngoài tâm không có vật. Tâm và vật vì thế không rời nhau. Tóm lại, tánh trời phú cho người hằng ngụ trị trong thâm tâm ta. Tánh là bản thể của tâm, thành thử tánh và tâm tuy hai mà một. Bản tánh thì hư không linh chiếu, nhưng khi nhập thế cuộc, nhục thân cảm nhiểm mùi trần sanh lòng ham muốn kích động đến tâm, làm cho tánh biến dạng ra nhơn dục, đánh mất thiêng liêng nên ai không giữ được tâm phải đọa trần khổ não. Thế nên, mỗi đạo hữu phải luyện nội tâm cho có dũng khí thâm hậu để chống đỡ mọi thử thách từ ngoại vật đưa đến.

Thánh ngôn dạy rằng :

Gắng sức trau dồi một chữ TÂM
Đạo trời muôn việc khơi sai lầm
Tâm thành ắt đạt đường tu vững
Tâm chánh mới nung mối đạo cầm
Tâm ái nhơn sanh an bốn biển
Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm
Đường tâm cửa thánh dầu chưa vẹn
Có buổi thành công bước đạo tầm".

2/- Đạo nơi tâm :

Đạo tâm thể hiện dưới hai hình thức : đạo nội tâm và đạo ngoại tâm. Đạo nội tâm là đạo trong lòng, đó là tâm chơn, tâm Phật (tâm tích Phật). Đạo ngoại tâm là đạo ở ngoài, đó là tâm giả còn chất chứa thất tình lục dục, tam độc : tham sân si …

 

Xưa nay người tu thì nhiều mà đắc đạo thì ít là do không phân biệt tâm chơn, tâm giả nơi lòng. Thấy người tu mình cũng tu, thấy người nói đạo mình cũng nói, nhưng thật trong lòng mình không tu những điều mình làm, tức là mình chưa có đức tin vô đối.

 

Chẳng khác chi khi ta gánh hai thúng giống ra ngoài ruộng. Những hạt rơi rãi theo đường bị chim ăn. Những hạt rơi trên bờ để mọc lên èo uột rồi tàn úa vì rễ không thể cắm sâu xuống đất. những hạt rơi vào bụi dứa gai bị nghẹt cố vươn lên mà không thể kết bông trái. Những hạt còn lại sạ xuống ruộng, cây mới kết bông sinh hạt. Người theo đạo giống như thế : nhiều mặt nhiều hình. Những hạt rớt trên đường tượng trưng cho những kẻ nghe đạo mà còn bán tính bán nghi nên bị quỉ dữ rước đi. Những hạt rơi trên bờ đê là những kẻ nghe giảng đạo lòng toan mừng theo đạo nhưng rễ không bén nên khi bị cám dỗ họ sẽ bỏ đạo. Những hạt rơi vào bụi dứa gai là những kẻ vào đạo mà còn tranh danh đọat lợi làm nghẹt lối tiến thân nên lúa không thể trổ hoa sinh hạt được. Còn những hạt sa vào ruộng cày là những hạt giống đượm màu Thánh chất. Cho nên tu hành là tự thân "tiên tự giác bận khi giác tha". Trước hãy tự độ thân mình vì (ngô thân bất độ hà thân độ) rồi sau mới độ được người.

 

Chữ "tự giác" như tự hành, tự lập là tự mình làm cho mình giác ngộ đường đạo không nhờ ai. Muốn được vậy phải thành tâm đi theo con đường đã vạch "như đạo tự đạo giả" . Ở giữa lòng người tu có ngôi "tự đạo" là nơi ngự của Thần Thánh vì không bao giờ ngoài tâm ta mà có đạo. Chữ "tự" ở giữa lòng ta phải có đức chí thành mới thấy "Đạo".

 

Tại sao phải có đức chí thành. Vì lúc đầu theo Đạo do động lực nào đó, nhưng dần dần nó phôi pha trở nên "bất thành vô vật" tiến đến giả nhân, đạo ngoài miệng mà không cải tạo trong tâm. Vậy đạo chí thành thật quan trọng, chẳng phải nhân đạo mà cả thiên đạo nữa. Trời chỉ có 1 chí thành mà làm nên vạn vật, người nhờ 1 chí thành mà đạt đạo. Ví dụ : Gandhi chẳng hạn, lúc nhỏ sợ bị rầy nên thiếu tín thành nói dối. Bà mẹ ông biết nên nhứt định không chịu ăn cơm. Gandhi thương mẹ khóc lóc cầu khẩn. Bà mẹ nói : "Mẹ thà thấy con chết còn hơn thấy con nói dối, vì nói dối tỏ ra mình có một tâm hồn khiếp nhược." Từ đó Gandhi không nói dối nữa và trở thành bậc Thánh của Ấn Độ.

 

Thế nên, sách xưa có câu "thành kỳ ý" là chớ có nói dối lòng mình. Ý là động cơ trong lòng mình, khi nói bắt đầu cảm xúc và sinh ra tư tưởng để làm việc gì khi mới phát sinh ý rất trung thành với lương tri không tự khi (chê), dần dần về sau mới nảy sinh là chê bai, đố kỵ nên phải có tự khiểm (chân thật) để kiềm chế, ghét điều ác làm điều thiện. Tâm thành ý chỉ liên hệ tự khiểm mà không đi với tự khi vì mình giả dối với mình là tự khi, mình thành thực với mình là tự khiểm.

 

Nếu tự thân mà tiến đến "độc thân" có nhiều nguy hiểm. Bởi vì duy nhứt độc tôn một mình thì không còn tránh né ai, kiêng sợ ai, chỉ một mình mình biết, 1 mình mình hay thành ra muốn làm sao thì muốn, làm sao thì làm, có sai lầm cũng không biết. Cái độc tôn này rất nguy hại. Thế nên, người xưa có nói "nhân tâm duy nguy đạo tâm duy vi" là vậy. Ai cũng nghĩ đến cái lợi riêng mình, rồi tự cao tự đắc "độc thiện kỳ thân" cho ta là tốt lành nhất trong thiên hạ.

 

Thế nên chữ "độc" khó lường hết, trong khoảng tâm thuật ẩn vi, nên chỉ có thành ý theo đạo mới đưa ta đến con đường chính đại quang minh. Tâm quang minh là tâm chính đại, mắt thấy sáng suốt, tai nghe rõ ràng không còn điều gì lầm lạc. Đó là chánh tâm, thiện tâm.

 

Vì sao "tu thân tại chính kỳ tâm". Bởi lẽ, tâm với thân chỉ cùng một hạt giống, muốn tu thân thì cốt tu thân mà thôi. Do đó, thân có làm điều gì xấu không thể trách tại thân mà chỉ trách tội cái tâm. Tâm muốn cho chính phải luôn giữ mực trung hòa, trung thì tâm được cân bằng liêm, hòa thì tâm được thư thái liêm. Nhờ đó mà lòng mới chính tâm. Nếu nơi lòng có điều gì lo sợ hay ấm ức thì chắc chắn tâm không được chính mà chinh nghiêng.

 

Khi tâm chênh lệch thì thân không an mà tu được. Tâm luôn phải hòa tình, lẳng lặng để chủ tể cho thân. Những sự kiện xảy ra bên ngoài đừng cho lay động nỗi tâm nào tức giận, sợ hãi, ham muốn, lo buồn phải xua đuổi ra khỏi tâm tu.

 

Miệng ăn, tai nghe, mắt thấy là công việc của thân, nhưng lúc thân tiến hành các công việc đó mà tâm xao động không đặt ý vào thì dù miệng ăn mà lưỡi không nếm vị, tai có nghe mà thật ra không biết đối thủ nói gì, mắt có nhìn mà không thấy. Việc "không thấy, không nghe, không biết" đó đâu phải lẽ của thân. Đó chỉ là tại "tâm bất tại" mà thôi. Vì tâm bất tại nên con mắt mất sức thấy, lỗ tai mất sức nghe, lưỡi mất mùi vị. Quả là tại tâm bất chính. Như thế không thể nào tu được, mà tu thân cốt ở chính tâm (tu thân tại chính kỳ tâm).

 

Đức Chí tôn đã dạy : "Hễ cái tâm sáng suốt thiện tử đạo tức là thiên đăng, còn tâm mê muội, vạy tà, hung bạo là địa ngục. Vậy địa ngục thiên dương cũng tại cái tâm".
 

3/- Tâm thiện hay ác :

"Không đạo nào qua chân lý" (Hn'y a pas de religion superienre à la vérité). Cái chân lý ở đây là làm lành lánh dữ. Trong Đạo Cao Đài lại thờ cả cái thiện và cái ác theo thuyết tam nguyên trung thứ.

Vì lẽ "Tất cả đều có hai cực đoan, giống nhau khác nhau đều có một ý nghĩa như nhau, những cực đoan nghịch nhau đồng cómột bản thể như nhau, mà không khác mức độ, những cái cực đoan lại gặp nhau. Tất cả những chân lý chỉ là những nửa chân lý, tất cả những nghịch lý đều có thể dung hòa". (Tout est Double, toute chose possède des pôles, tout a deux extrêmes, semblable et dissemblable ont la même signification, les pôles opposés ont une nature identique mais des degrés différents; les extrême se touchent toute les vérités ne sont que des demi vérités, tous les paradoxes penvent être concilies - Le kybalion, H.Durville, Paris IV, trang 29). 

 

Thầy Mạnh Tử có nói : "nhân chi sơ tánh bổn thiện", cho con người thuở thiếu nên hiền hậu chân chất. Do thọ bẩm khí hạo nhiên của trời. Ngược lại thầy Tuân Tử cho tính người là ác. Theo Khổng Tử thì tính người chẳng tuyệt đối là thiện mà cũng chẳng tuyệt đối là ác. Khi cái chân hiện ra là thiện, khi cái vọng hiện ra là ác. Tính chỉ là động cơ tạo ra thiện và ác, nếu nghiêng về thiện lý thì thuần thiện, nếu theo nhân dục thì thuần ác. Thế mới có câu : "Nhân tâm duy nguy đạo tâm duy vi là vậy".

 

Người đời thường cho Mạnh Tử và Tuân Tử có quan niệm khác nhau về tính, nhưng thật ra họ bổ túc cho nhau. Tuy nó là thiện đó, nhưng đưa nó vào vòng ác thì nó cũng ác. Muốn trị được cái ác len lỏi vào tâm, ta phải "suất tính chi vị đạo". Nghĩa là phải quản suất được tính dẫn dắt nó vào đường thiện tránh đường ác.

 

Dù sao nhờ Mạnh Tử nói một chữ "thiện", Tuân Tử nói một chữ "ác" ta mới tỉnh ngộ ra rằng mọi mặt phải trái trên đời đều có cái hữu hạn của nó. Thiện và ác chỉ cách nhau bằng đường tơ kẻ tóc. Thiện không đúng lúc là ác, ác không đúng lúc là thiện; phải biết thuật đủ và "thuật dừng": tri túc tri chỉ. Như thế lý thuyết của hai thầy chẳng hề trái ngược nhau mà chỉ bổ túc cho nhau. Ta cầm suy nghĩ cho lắm - Kinh Dịch viết : "Thiện ác giống như cặp âm dương, tuy thấy như mâu thuẫn mà chẳng hề rời nhau".

 

Nhà đạo học Plotin cũng đồng quan điểm :
"Dù là việc ác, cũng một phần nào cần thiết như việc thiện, vì nó phát sinh ra được nhiều việc tốt đẹp. Nó dẫn dắt đi tìm những phát sinh sáng tạo lợi ích và bắt buộc con người phải thận trọng và ngăn không cho vào giấc ngủ mê man, 1 sự an thân lười biếng".

 

Thế mới hay, Thánh Angustin trước kia là người đầy tội lỗi, Thập Bát La Hán là những kẻ trộm cướp giết người đều thành chánh quả. Bởi lẽ, việc người đời cho là ác mà không ác vì việc làm ấy phát ra do thiện tâm. Mặt khác cùng việc làm, người này làm cho là thiện mà kẻ kia làm bị cho là ác, là vì người này làm với lòng yêu thương cao thượng, còn kẻ kia làm với tâm động xấu xa. Mẹ đánh răn dạy con không thể cho là ác. Kẻ nịnh bợ cốt để làm vui lãnh đạo để trục lợi không thể gọi là thiện. Thế nên Dương Lễ đuổi Lưu Bình không thể gọi là ác được.

 

Ngày nào còn bị ràng buộc trong giả thân thì còn thiện ác, lợi hại, hữu đạo, vô đạo … Đừng quên rằng vạn vật đồng nhất thể. Tất cả vạn vật đều chằng chịt với nhau như các tế bào trong 1 cơ thể, vi trùng xâm nhập bất cứ một phần nào trong ngũ tạng đều tổn thương đến toàn thân. Bởi lẽ tất cả chỉ là một. Lão Tử hằng nhắc ta : "Cái nhìn của Đạo là cái nhìn toàn thể, thấy nhân sanh như một cơ thể". Một thiền sư đã nói : đừng nghĩ đến thiện, cũng đừng nghĩ đến ác, thì mới hiện rõ cái ban lai diện mục của mình … Chỉ thiện một chút thôi cũng đủ, làm cho mặt hiển chân. Như nơi sáng, cơ Trời Đất sẽ bị phân chia" (Tăng Xán).

 

Trong Đạo đấng sáng tạo Brahma chỉ huy và điều hòa hai vị thần : thần Christna chủ thể về thiện và thần Shiva chủ về ác và không thiên hẳn về bên nào. Ta nghe câu chuyện ưa thiện ghét ác sau đây thì rõ :

"Quản Trọng làm tướng quốc nước Tề. Khi ông đau nặng, Tề Hoàn Công đến thăm và hỏi : Nếu Trọng Phụ bất hạnh qua đời, Trẩm4 biết giao quyền cho ai ?"
Bấy giờ Ninh Thích đã chết Quản Trọng thở dài thương tiếc, Tề Hoàn Công hỏi tiếp : "Lẽ nào người tài đã hết ? Trãm muốn giao quyền cho Bảo Thúc, Trọng Phụ nghĩ sao ?"
Quản Trọng đáp : "Bảo Thúc là người chính nhân quân tử, nhưng không thể nào cầm quyền được vì hay phân biệt thiện ác thái quá. Ưa điều thiện là phải, chớ ghét điều ác thái quá không ai chịu được". Tề Hoàn Công không nghe lời Quản Trọng và giao quyền chính cho Bảo Thúc. Chẳng bao lâu vua mất ngôi". Thế mới biết, thiện ác như quả lắc đồng hồ, biến động từ cái phải qua cái quấy, từ cái qua cái không bao chứa mâu thuẫn : có mà không, không mà có.

Chuyện về các môn đệ Khổng Tử sau đây cho ta thấy rõ đạo trung thứ của mọi việc :
Tử Hạ hỏi Khổng Tử :
-Nhan Hồi là người thế nào ?
Khổng Tử đáp :
-Cái phân của Hồi hơn ta.
Tử Hạ lại hỏi :
-Tử Lộ là người thế nào ?
-Cái Dũng của Do hơn ta
-Tử Trương là người thế nào ?
-Cái Nghiêm của Sự hơn ta.
-Tử Cống là người thế nào ?
-Cái óc phân biệt của Tứ hơn ta.
Tử Hạ thưa rằng :
-Thế sao bốn người này còn theo học với Thầy, nghĩa ra làm sao?
Khổng Tử ôn tồn đáp :
-Hồi chỉ biết nhân mà không biết lúc bất nhân. Tử chỉ biết lẹ làng mà không biết chậm chạp. Do chỉ biết dũng mãnh mà không biết nhúc nhác, Sự chỉ biết trang nghiêm mà không biết ung dung đề hòa đồng với mọi người. Cái hay của 4 người ấy mà đổi cái ta có ta không đổi. Bởi vậy, họ phải thờ ta làm thầy.

 

Bậc Chí Thánh như Đức Khổng Tử mà còn chê Nhan Hồi chỉ biết nhân mà không biết lúc bất nhân, nên Hồi phải theo học Ngài "cái bất nhân". Vương Dương Minh cũng cho rằng thiện và ác chỉ là một. Bản thể của tâm vốn chí thiện vì để vật dục ám ảnh mới hóa ra ác. "Cho nên hễ khi người ta có một ý nghĩ bất thiện ấy lập tức … Chớ kể một ý nghĩ bất thiện nào ẩn núp trong bụng ta". (Đào Trinh Nhất, Vương Dương Minh, Saigon Tân Việt, trang 160).

 

Tóm lại, Đạo Cao Đài quan niệm 1 cách trung dung về cái thiện và cái ác. Thiện không đúng lúc là ác, ác không đúng lúc là thiện, nên trong Đạo thờ cả ông Thiện và ông Aùc. Con người vì không thông hiểu cái lý cao siêu của thiện và ác nên chống báng nhau. Thật ra tất cả đều nằm trong luật an bày của Đấng tạo hóa. Bất cứ nơi đâu cũng đều có sự thiện ác hiện hữu để giúp con người học hỏi tìm chân lý, hầu đạt đầy đủ bản chất của Thượng Đế. "Thiện ác giai điêu lý" (Tưởng Minh Đạo).

 

4/- Minh tâm kiến tánh :

Minh tâm là làm sáng suốt cái tâm của mình. Kiến tánh là thấy được cái tánh của mình. Chỉ có bậc Chí Thánh mới thấu rõ tánh của mình, nhờ đó mà biết tánh người, tánh vạn vật để "hóa dục quần sanh thống ngự vũ trụ".

Đạo dạy : "Tiên tu giác hậu nhi giác tha". Trước lo tu cho mình được cái tâm giác ngộ sau đó mới độ được người. Muốn đạt huệ tức huệ nhãn phải phá màn u minh thấy được cõi thượng giới phải minh tâm kiến tánh tự thân, nhiên hậu, truy cứu sách vở mở rộng tầm mắt mới đủ lý thuyết độ đời.

 

Đạo thiện với người bình dân không học, làm lành lánh dữ, tin tưởng Trời Phật thì cũng có thể giải thoát cho chính mình nhưng phẩm vị không cao thăng. Thầy đã dạy mỗi tín đồ phải độ ít nhứt 12 người vào đạo. Chủ đích của Đạo Tam Kỳ là công quả và Phổ Độ chúng sanh. Nếu ta không đủ quyền năng sức học độ đời thì làm sao đạo thành ? Thế nên, đã vào hàng môn đệ phải lo giồi mài kinh sử, nhập tâm giáo lý cho quãng kiến đa văn mới thuyết phục được kẻ vô đạo. Thầy đã dạy "Đạo lập ra là để độ kẻ vô đạo chớ không phải sửa đạo".

 

Đạo huệ đọa đủ, thấy đủ hiểu đủ đạt đến "nhãn thị chủ tâm" con mắt làm chủ cái tâm, thấy màu sắc không chóa mắt, nghe âm thanh không bùi tai, nếm mùi vị không bị quyến rũ, thấy của quý mắt không khiến tâm động lòng tham. Bởi vì, thầy dạy "Tham lam vào tâm thì Tâm hết đạo đức, tham lam vào chùa, chùa hết chánh giáo, tham lam vào nước nước hết chơn trị, tham lam lộng khắp thế giới thì thế giới hết thần tiên".

 

Tham lam do lòng ham muốn sanh ra. Lấy được thì vui mừng, rồi sợï mất phải lo giữ gìn. Lỡ mất thì thất vọng buồn phiền. Thế la từ lục dục xô đẩy đến thất tình. Đó là tại ta chưa có lòng tự chủ, tâm thần bấn loạn mà sanh ra thất chí. Để ngăn chặn thất tình lục dục phải minh tâm để cảm hóa lòng sanh diệt trở nên lòng bất sanh diệt mà hàm dưỡng bản tánh để làm chủ tể hành động. Nói cách khác, đem lý siêu nhiên vào đời sống thực tại để khử tất cả thối lui tật xấu, mê chấp sai lầm.

 

Bản tánh nằm ngang sau nhơn dục, cho nên muốn giác ngộ thì phải hồi hướng về nội giới, vượt qua tất cả hình sắc, phiền não như nói trên để lòng không khởi động mới thành chánh quả. Đừng để thất tình lục dục làm loạn đạo tâm làm mờ chơn tánh khiến cho cuộc đời bơ vơ như thuyền trôi trên biển cả. Đó là tại ta không hòa đồng được với mọi người chung quanh, như vậy làm sao hòa diệu với đại hồn vũ trụ. Khơi tiên ta điều hòa với tự tâm, với thần chí, với gia đình và xã hội. Những lời của người không quan hệ đến mình thì chẳng nên chấp nhứt mà sanh lòng chán ghét của tha nhân. Người có lầm lỗi lấy lời khuyên lơn, không được thì thôi chớ cố chấp nói này nói kia. Ta nên tập lòng thương người, không thương được thì không nên ghét vì thầy đã dạy : "Sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh". Tam độc : tham sân si là 3 cái mầm làm cho tâm loạn. Tâm loạn thì che khuất điển linh quang làm ta trở nên vô minh, lúc đó không còn phân biệt thiên lý và nhân dục nữa rồi cứ theo nhân dục hành động và ngụy biện là thiên ý. Tâm lúc đó đã lạc vào trạng huống si mê tức là tối tâm. Hãy thấy giác ngộ để trị si mê, chuyển mê khai ngộ, đem ánh sáng rọi vào bóng tối. Ánh sáng càng lay rộng thì bóng đêm càng hẹp dần.

 

Muốn đem ánh sáng tâm thì phải tìm hiểu chơn lý nơi kinh điển, Thánh ngôn. Mỗi ngày đọc một vài trang nghiền ngẫm suy nghĩ với một tâm trạng thao thức để tìm hiểu chơn lý tiềm ẩn bên trong Thánh ngôn, Kinh điển thường "ý tại ngôn ngoại". Đọc kinh điển phải tầm lý, đọc mà không hiểu nhiều khi đưa tới sự lầm lạc. Có khi "đa thơ loạn tâm" hoặc ngược lại suy ngẫm nhiều mà không đọc sách thì tư tưởng không mới mẻ, có khi lạc đường ra ngoài giáo lý.

 

Vả lại văn tự chỉ ghi được một phần ý tưởng thô sơ, từ ngữ hiện nay bị gượng ép làm người đọc dễ hiểu lầm. Hơn nữa, không phải kinh sách nào cũng đọc cho hết, không ai đọc được hết sách. Không có quyển sách nào mà mọi người phải đọc ngay cả kinh, mà chỉ có những sách trong khoảng thời gian nào đó phải đọc để kịp nhu cầu tiến bộ, để phù hợp với xã hội. Có những sách như Kinh dịch chẳng hạn, kiến giải chưa tới thì không nên đọc. Tư tưởng chưa phát triển đến trình độ thì cũng không nên đọc. Khổng Tử dạy : "Năm mươi tuổi mới đọc được Kinh Dịch". Lúc còn làm việc đời, ta đọc Trang Tử nhạt nhẽo và vô vị khi ngồi nơi Thảo xá thấy nó hay và ý nhị vô chừng. Cho nên sách hay bao giờ cũng nên đọc đi đọc lại, kiến giải của mình ngày càng sâu, phát hiện càng nhiều. Tìm được 1 tác giả có tư tưởng gần gũi với mình là người bạn trong lãnh vực văn học tâm hồn rất vui sướng. Sách nào hợp với ta chỉ có ta biết thôi, không cần ai chỉ dẫn, không cần ai ép buộc. Nếu "khổ độc" hay "khốn học" là tự mình làm khổ mình, đừng bắt chước lối đọc sách "dùi đùi". Đọc không vô dẫu có lấy dùi đâm vào đùi thì mắt vẫn ngủ gà ngủ gật gẫm có lợi gì. Nếu khi đọc sách thấy được cái thâm sâu tinh túy thì làm sao buồn ngủ được. Đọc sách mà mê đến bỏ ăn bỏ ngủ là tốt nhưng coi chừng không thông suốt ý gởi gắm bên trong mà chỉ muốn biết diễn tiến câu chuyện mà thôi như đọc Tam Quốc chẳng hạn. Đó không phải là phương pháp đọc sách Thánh hiền vì đạo lo cho đạo.

 

Tinh thần và sức mạnh tâm linh thiếu nó thì ta chẳng làm được điều gì cao xa hiển hách. Nhờ công phu đọc kinh điển mà tinh thần ta phát triển, "chuyển mê khải ngộ" giúp ta hiểu được thế nào là thiên lý, thế nào là nhân dục, biết thế nào là vạy, thế nào nào là chơn. Đó là giai đoạn đầu và đường minh tâm kiến tánh.

 

Đó là chủ đích của đạo, chỉ cần lấy trí tuệ mà hiểu biết không lấy sự mê tín. Ai đem mê tín vào đạo Tam Kỳ là làm trái lẽ với đạo, là chưa hiểu mối đạo tiến bộ và hướng thượng. Vậy tu theo Đạo Cao Đài là không tin những điều huyền hoặc mà luôn luôn lấy cái tâm sáng suốt để xử kỷ tiếp vật. Xét cho tận cùng, tâm là tinh thần sáng suốt nên bao gồm đủ mọi lý lẽ để ứng phó mọi việc. Tính là cái lẽ đủ của tâm do trời phú mà phát ra.

 

Theo Trương Tử : "Tâm với tính là một lý, lấy lý thì gọi là thiên, lấy sự bẩm thụ mà nói thì gọi là tính, lấy sự tôn giữ ở người mà nói thì gọi là tâm". Trương Tử lại nói : "Do phần hư vô thái cực mà có tên là Thiên, do phần khí hóa mà có tên là đạo, họp thái hư khí hóa lại có tên là tính hợp tính với tri giác mà có tên là tâm"

 

Suy cùng tam hiệp tính mà rõ lẽ tự nhiên để đạt cái lý, giữ gìn cái tâm bồi dưỡng cái tính để thận lẽ tự nhiên là để thực hành cái việc ấy. Không biết lý thì đương nhiên không thực hành được việc, nhưng chỉ biết lý suông mà không thực hành thì cũng không có ích chi cho mình. Thuận theo lẽ thiên nhiên mà sửa mình là lòng nhân đã đến tột bực. Trí hiểu biết không suy đến ngọn gốc thì chắc chắn không biết lòng nhân là thế nào, nhưng có trí mà thiếu nhân, hành động phóng túng, không đáng gọi là trí được.

 

Ngày xưa, Lang Tương Như được phong làm tướng quốc nước Triệu từng làm tiêu Liêm Pha, nên Liêm Pha giận hăm giết Tương Như. Vì thế Tương Như luôn tránh mặt Liêm Pha. Bọn xá nhân thấy vậy phàn nàn hỏi Tương Như : "Chúng tôi bỏ nhà cửa, quyến thuộc theo Ngài. Nay Ngài chỉ vì lời dọa của Liêm Pha mà tránh mặt. Sao Ngài sợ quá đỗi như vậy ? Chúng tôi lấy làm xấu hổ không theo Ngài nữa".

 

Tương Như hỏi : "Các người xem Liêm Pha có hơn vua Tần không ? Thế mà ta dám làm nhục vua Tần thì làm sao sợ Liêm Pha. Ta nghĩ Tần không dám đánh Triệu vì có ta và Liêm Pha. Nếu Tần nghe ta và Liêm Pha bất hòa, Tần tất tất thừa cơ đánh Triệu. Sở dĩ ta chịu nhục tránh Liêm Pha là vì ta coi việc nước trọng hơn việc riêng vậy". Xem thế, bậc tài trí ngày xưa suy nghĩ sáng suốt ngọn ngành biết lấy chữ nhân ra mà xử với kẻ đối nghịch.

 

Tóm lại, trong hoàn cảnh nước ta, hai nền văn hóa Đông Tây gặp nhau. Phong hóa nước ta vốn có truyền thống nhưng do những cái náo động vô ý thức khiến cho xã hội mất thăng bằng. Ta đưa đạo tâm, 1 hiện tượng "tịnh" để chế ngự cái náo động chuyên lực về nguồn, dung hòa tâm với vật để tiêu khiển cái tâm trở về đường ngay nẻo chánh. Đó là thiên cơ dĩ định rất hợp thời và hợp cảnh vậy. Những người minh tâm kiến tánh có sứ mạng thực thi được những ý tưởng cao việt đó.
 

5/- Tâm hòa :

Ngày nay là thời đại văn minh khoa học "Càn khôn dĩ tâm thức" các phương tiên sinh hoạt vật chất và tinh thần đều tiến bộ, thế nên tu ngày nay cũng khác hơn ngày xưa. Thời còn ở hang động chơn phép tu tiên. Khi có nhà ở chọn phép tu chùa (Phật), khi xã hội loạn lạc để chấn chỉnh lòng người có phép tu tề (Khổng Giáo) và ngày nay ở đâu cũng có chợ búa, phồn hoa náo nhiệt để kích thích dục tính đạo, ta chọn phép tu tâm, như hoa sen mọc giữa đầm lầy mà vẫn có hương thơm ngát : "Cư trần bất nhiễm trần". Có người gọi nôm na lối tu tâm là tu chợ. Ở chợ mà không vật dục dấy bẩn mới thật là "Đại ẩn ẩn thành thi"hằng nhất tự thi, nhi tu sơn" người ở giữa chợ mà mà tránh được bợn trần mới quí.

 

Ngày đi làm, tối họp nhau bàn đạo lý đạo cao siêu hay tịnh luyện thay vì tới mua vua hạ tiện. Muốn vào hàng Thánh phải xua đuổi tà niệm để tư tưởng được thanh cao. Muốn tu tâm cần phải có những đức tành từ bi, hỉ xã, nhẫn nhục, tinh tấn, bác ái, nhu hòa, tự tại, chính thành.

-Thương người quan quả cô đơn, đói rét.
-Đại lượng với kẻ thù, dĩ ơn báo oán.
-Không than phận trách trời, hãy cố gắng giữ hạnh người tu.
-"Lễ bái thường hành tâm đạo khởi" không biếng nhác, công phu, công quả. Cầu nguyện là để trong lòng được an ủi, như mình bị nạn mà được Trời Phật phò hộ thì cái sức mạnh của mình tăng lên gấp bội mà chống lại với hoạn nạn, chứ không phải Phật Trời đưa tay cứu vớt.
-Nghèo sang, lớn nhỏ xem như nhau, chẳng xu phụ kẻ quyền thế, coi rẽ người hèn mạt.
-Nên nhớ cùng nhau "một đạo tức một cha" coi nhau như anh em một nhà.
-"Tương kính như tân", kính trọng như lúc thâm sơ, đừng cao ngạo, cần thái độ nhu hòa.
-Gặp may chớ đắc chí, gặp rủi chẳng nao lòng, lành dữ đều có thiên cơ dĩ định.
-Thành thật với đồng đạo, với người cộng sự, luôn luôn lấy 2 chữ chí thành mà đối xử với mọi người.
-Không ham danh vọng, tài lợi, sắc đep. Người xứng đáng có danh tự nhiên danh đến. Nếu cố tâm tìm kiếm hoặc làm việc để cầu danh thì danh ấy là danh hảo, hư danh. Nhiều kẻ muốn giàu sang mưu tài lợi cho bản thân không ngờ đem xác thịt làm nô lệ cho tài lợi quên điều nhân nghĩa. Một mai hồn lìa hỏi xác tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

 

Còn sắc đẹp là cái dao cắt thịt tận xương, nó chất chứa vô vàn nguy hiểm. Bao kẻ hao mòn tinh lực vì sắc dục mà tự thâu ngắn đời mình. Bao người tán gia bại sản, gây nhiều tội lỗi cũng vì sắc dục.

Có kẻ ỷ thế mạnh hiếp đáp người nghèo, nhưng mạnh thế nào cũng không qua lẽ phải vì "dũng bất quá thiên, cường bất quá lý".

 

Đời này là cõi tạm có chi vĩnh viễn sung sướng? Chân hạnh phúc người tu đâu phải tranh danh đạt lợi, miếng cơm manh áo? Sự ham muốn của con người vô chừng, được 1 muốn 10, được 10 muốn 100, lòng ham muốn vô bờ mà không được tất khổ não, chính mình tạo khổ cho mình mà không hay biết. Người sống đạo thanh thảnh với cuộc đời an tịnh. Lòng đã tắt ham muốn, thâu cái vọng tâm lại không cho nó dao động ham muốn mà rước khổ vào thân.

 

Người đạo không dồn nén được thất tình lục dục thì chắc chắn sẽ bị cơn bão khảo đạo do chính tham, sân, si của bản thân mà ra. Khảo là cho biết chơn giả, đảo là cho biết tà chánh. Thế nên người đạt đạo với cảnh ngộ nào, dầu khổ tâm cách mấy vẫn xem thường. Mỗi lần khảo là mỗi lần nâng giác lên một bậc, coi danh lợi như đợt sóng, có đó mất đó.

 

Câu chuyện Đức Phật Thích Ca bị khảo đảo trước khi đắc đạo ta cần suy ngẫm. Khi hay tin Đức Phật Giác Nhiên ngộ đạo, Thần Mara chúa tể của tội lỗi tới đem binh ma tướng quỉ nổi sóng gió làm cho tất cả núi nghiêng để Đức Phật sợ hãi, nhưng Phật vẫn bình tâm lặng lẽ như khúc gỗ.

 

Túng thế, Mara đem danh lợi, nữ sắc lay chuyển tâm Phật. Lấy danh để khêu gợi lòng tự ái, lấy lợi để dục lòng ham muốn, lấy sắc để gợi lòng dục vọng, nhưng Phật chẳng mảy may động lòng. Mara tức tối cho binh ma tướng quỉ lấy gươm giáo, tên lửa bắn ném vào thân Phật, nhưng tê giáo biến thành đóa hoa thơm xây quanh nơi Phật ngự.

 

Mara xấu hổ bỏ đi, bên tai còn nghe văng vẳng "người ấy đắc đạo rồi. Người ấy đã làm chủ cả sự vật trong trời đất", thế nên, một người đạo tâm lòng luôn thanh thản, sống hòa đồng với mọi người.

Đức Quan Thế Âm dạy : "Đạo quí là tại hòa. Tạo Thiên lập Địa cũng do âm dương hợp hòa. Thân con người có tạng phủ chẳng hòa thì con người chẳng sống bao giờ. Tâm bất hòa thì thất tình lục dục phát khởi tranh ngôi trong vòng vật dục, chẳng hề biết thiên lý là gì "gia đình chẳng hòa thì cha con, anh em ly tán". Cả thế giới bất hòa thì nhân loại đấu tranh. Vậy khuyên các em dĩ hòa vi tiên. (TNHT quyển II, trang 87).

 

Người xưa nói : Tu thân dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân.Vì thế tu hành cần phải có bạn đạo chân tình để giúp ta phân biệt phải trái. Bạn tu núi giúp ta ngưng nóng nảy. Bạn nghiêm giới luật giúp ta tròn ngũ giới cấm. Bạn trí thức giúp ta ra khỏi mê chấp, giải quyết những khó khăn mà lòng ta còn hoài nghi. Bạn trầm tĩnh giúp lòng thanh thản và điềm tĩnh trước mọi trở lực. Bạn tri kỷ giúp ta ức chế được mọi lỗi lầm. Bạn tinh tiến giúp ta hiểu đạo cao sâu. Bạn nhân từ bố trí giúp ta xa rời tính keo kiệt mà rộng lòng khoan dung.

 

Được như thế, cái tâm ta lo gì không hòa đồng cùng vạn loại. Nhớ luôn câu : "vạn vật đồng nhất thể". Mọi người sanh ra giống nhau về giác quan, bình đẳng nhau về mọi mặt. Những mặt hơn kém nhau, lấn lướt nhau là do ta chính ta tạo ra. Chính cái chèn ép, đàn áp nhau là nguyên nhân của sự bất hòa mà quên rằng chúng ta có cùng 1 Đấng cha chung : Đức Đại Từ phụ. Vậy muốn tâm hòa là đè nén tam độc : tham, sân, si mà tu thân tự giác xem tất cả mọi chúng sanh là anh em 1 nhà, xem của cải vật chất là giả tạm vì hữu hình hữu hoại, chỉ có chân tâm của mình mới bất sanh diệt hằng sống mà thôi.

 

Muốn có một tâm hồn hòa đồng, bất úy, thản nhiên. Ta luôn nhớ lời dạy của Đức Chí Tôn về chữ thuyết "đại đồng nhân loại".

 

"Người nào biết xem hết thảy sự vật như nhau, sướng như khổ, vui như buồn, đặng như mất, biết coi cục đất như hòn vàng, viên đá như hòn ngọc, người đó đã đạt sự hòa đồng cực điểm" (SENART, Bhagavad Gita, trang 153)

 

Người tu coi sự sống chết ngang nhau : "sanh ký, tử qui". Thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi, không vướng bận vào đâu cả. Thuận theo thiên lý mà sống, không cưỡng lại số trời. Thân thể đơn sơ, tâm tư trầm lặng …

 

Trang Tử dạy : "Sanh tử, tồn vong, giàu nghèo, khen chê. Đó là những cái biến của sự đời, cái hành vận của mạng số. Nó nối tiếp nhau ngày đêm : hết sống tới chết, hết vinh tới nhục … Những điều ấy ta đừng bận tâm đến làm gì, đừng bao giờ để nó chen vào phá hoại sự yên tĩnh của tâm ta. Hãy giữ gìn sự yên tĩnh trong lòng, đừng để vật gì làm xao động". Được như thế, tâm hồn ta đã hòa vào đại hồn vũ trụ, thế giới hòa bình an lạc".

 

6/- Đạo tâm của bậc chí thành :

Trong thiên hạ chỉ có bậc chí thành là thông minh diệu trí đủ để lãnh đạo kẻ dưới. Đạo tâm rộng rãi ân hòa nhu thuận đủ để mở lòng bao dung, và trí dũng để cầm phép tắc. Lòng trong sạch đoan trang ngay thẳng đủ cho người ta kính. Văn ý mau nhặt rõ ràng đủ để phân biệt thực giả "Thầy khuyên các con ráng nhớ hai chữ chí thành để dạ không không, đừng dính líu với điều chi khác với hai chữ chí thành. Vì tâm chí thành mới cảm giác ứng hóa đặng. Hễ ứng hóa thì các con đều rõ thông mọi việc" (Đàn 23-1-1934).

 

Đạo tâm rộng khắp như trời, sâu thẳm như vực, lời nói không ai không tin, việc làm dân không ai không theo. Phàm người có chí khí không người nào không kính trọng, người ấy đã phi phàm đạt tới chí thành rồi vậy.

 

Đạo thiên biến vạn hóa nhưng không ra ngoài cái tính. Bậc chí thành không mảy may tư dục nào xen vào tâm được. Các đức nhân nghĩa lễ trí tín điều được thuần nhiên. Người đã đạt bậc chí Thánh không nghĩ mà không đạt gắng mà không trúng, không còn nương cậy vào người khác.

 

Đạo tâm của bậc chí thành lờ mờ mà ngày càng sáng tỏ khác gì mặc áo gấm phủ áo thường (ý cẩn thượng quýnh (đơn). Đạo tâm của kẻ tầm thường thích lồ lộ ra ngoài nên sớm mất đi. Đạo tâm của bậc chí thành giản dị mà có văn vẻ, ôn nhu mà chải chuốt, sơ mà rất thân. Bậc ấy biết cái lộ ra ngoài là tự có trong mình trước, biết cái công khai là tự cái kín đáo mà ra. Người đời không theo nổi bậc chí thành là do những sự kiện đó. Họ lẳng lặng chẳng tranh giành ai, chẳng xuống lệnh cho ai. Thế mà họ khuyên được dân, họ khiến được dân mà dân không buồn giận. Bởi vì dùng tiếng và sắc để hóa dân là cách kém nhất (Thanh sắc chi vi hóa dân, mạc dã, Tử Tư) hãy lấy đức mà trị dân, coi đức nhẹ như lông (đức do như mao, K.Thi) nhưng chưa bằng việc sinh hóa của Đức Chí Tôn không bởi chẳng tiếng mà điều khiển cả quần linh (vô vi như dịch sử quần linh).

 

Thế thì, cái đức nhẹ tựa lông không tỏ rõ là thế nào? Đó là cái đức của bậc chí thành không khoe khoang thanh sắc. Vậy, Đấng chí thành là bậc Thánh nhân, trong lòng không còn 1 mảy tư dục nào, chỉ còn thuần nguyên tính trời ban cho. Thế nên, cái tính ấy không lớn, không nhỏ khác hẳn tính phàm phu, biết hòa đồng vào tự nhiên vạn loại. Trong thiên hạ chỉ có cái đức chí thành của hạng minh thành không khác chi cái tính của bậc Thánh nhân.

 

Đạo chí thành sáng lâu không tắt rọi cao và rộng, rộng mà dày là để chở muôn vật, cao mà sáng để che muôn vật. Rộng mà dày sánh với đất, cao mà sáng sánh với trời, do vậy không động mà biến, không làm mà thành. Đạo trời chiû một tiếng là đủ hết : tâm chí thành, "Đạo gốc bởi lòng (tâm) thành tín".

 

Thánh nhân nhờ đó phối hợp với trời đất mà sinh hóa vạn vật, ở ngoài không còn gì nữa, chỉ còn là cái mênh mông của Đạo. Kẻ bình dân làm ngược lại với Thánh nhân hay nói dối. Nguyên nhân nói dối là do tâm mình sợ sệt. Vọng ngữ là điều thứ năm trong ngũ giới cấm, người đạo khó giữ gìn. Muốn trừ nói dối, các đạo sĩ Aán Độ thường hay tịnh khẩu làm diệu pháp. Lúc tịnh khẩu không sợ ai bắt buộc họ nói trái với ý nghĩ của họ, nên họ nghĩ theo sự thật. Lâu ngày họ có thói quen vọng ngữ. Kẻ nói dối còn tỏ ra mình có tâm hồn khiếp nhược. Vậy ta nên tập tính chí thành như Thánh nhân.

 

Thánh nhân tôn trọng đức tính là để tổn tâm mà hát huy cái rộng lớn của đạo và thấu triệt cái tế vi của tâm. Không để một tư ý che lấp tâm mình, không dối nên không cần phải nghĩ phải cố gắng, cứ theo tính thong dong mà làm tự nhiên trúng đạo.

 

Sách xưa có viết "tu thân dĩ đạo" nghĩ là muốn tu thân nên lấy đạo lý mà sửa. Nếu nói đạo thôi thì mênh mông biết bắt đầu vào chỗ nào, nên phải nói cho rõ "tu đạo dĩ nhân", nghĩa là muốn tu cho đạt đạo phải lấy người làm cứu cánh, tức lấy thiện nhân đối với người. Vì ta muốn tu thân mà cầu cho được thiện nhân tất phải ở lẫn lộn trong xã hội loài người để tôi rèn tính khí, để phổ độ nhân sanh. Từ đó, lòng nhân ái nảy nở, làm việc nghĩa để cứu đời. Biết nghĩa phải tôn người hiền vì họ là bậc đạo cao, đức thịnh, có thế kết bạn với hiền nhân, tôn họ làm thầy để dẫn dắt ta trên đường đạo, trong ý nghĩ "tôn hiền vi đại".

 

Đối với mọi người là nhân, đối với tôn hiền là nghĩa. Từ nhân nghĩa sanh ra lễ đối với nhau. Lễ là để kiềm chế tư dục. Luôn luôn "tương kính như tâm" đối đãi nhau như lúc đầu mới gặp, đừng sỗ sàng, bị kẻ khác chê bai không vì lẽ đó mà thất lễ với người ta. Bởi lẽ sự khen chê là lới nói qua đường không vì đó mà giá trị ta tăng lên hay giảm xuống, nên tập theo Lão Tử "dĩ đức báo oán". Biết lễ tức là biết trời tức quán triệt phần tu, tiếp đến là hành. Vậy tu hành hiệp nhứt mới đạt đạo.

 

Tu thân nói rộng ra, với tinh thần xả kỷ, từ bi, thân mình tu được phải độ cho kẻ khác tu. Muốn được vậy ngoài nhân phải thêm trí, dũng. Nhân sanh đa số là người bình thường chưa có thể đầu bàn sớm mai mà thành trí đại trí. Tất phải học, phải nghiên cứu giáo lý, sưu tầm cổ kim, dốc lòng tìm vị chức sắc học đạo, cầu cho đa văn quãng kiếm để có đủ vốn liếng chủ nghĩa mà suy cứu 1 mình.

 

Muốn đạt đức nhân, phải biết sức tu luyện một lời nói một việc làm phải dè chừng, phải thương người, coi thân người như bản thân, giúp người nên việc. Như vậy đã tiến dẫn đến đức nhân. Cái dũng của người tu là sức mạnh trong lòng. Nội lực thâm hậu để có thể chịu đựng mọi thử thách mọi khảo đảo. Kẻ đại dũng bất chợt gặp những chuyện phi thường cũng không sợ, vô cớ bị những điều ngang trái cũng không giận. Chứ không phải bị nhục thì tuốt gươm đứng dậy vươn mình xốc đánh. Cái đó không phải là dũng cảm của người tu, của bậc chí thành.

 

Ngày xưa Khổng Tử bị vây ở đất Khương, không còn cách nào khác, nên ông coi như mọi việc bình thường lấy đàn mà ca hát.

Tử Lộ hỏi : "Thầy sao vui vậy ?"
Khổng Tử đáp : "Ta làm hết sức đó để tránh bị vậy. Thế mà không thành, đó không còn tại ta nữa. Đó là ý muốn của Trời … Lặn xuống đáy biển mà không sợ giao long, đó là cái dũng của hạn chài lưới. Đi rừng không sợ hổ báo là cái dũng của phường săn. Thấy gươm bén mà không sợ đó là cái dũng của hiệp sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời Mạng và bất cứ ở vào hoàn cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái dũng của bậc chí Thánh".

 

Đó là lòng chí thành của bậc Thánh. Đức chí thành là nguồn gốc của mọi đức hạnh, tỉ như vàng ròng để chế tạo ra mọi đồ trang sức khác.

 

Lão Tử có dạy : "Người có thành tín như xe có bánh. Người quân tử thốt ra một lời như ngựa hay bị đánh một roi. Một lời nói ra, bốn ngựa khó theo kịp" (Nhơn nhi hữu tín như xa hữu luân. Quân tử nhứt ngôn, khoái mã nhứt tiên. Nhứt ngôn ký xuất tứ mã nan truy) .

 

Người hành đạo mà có lòng chí thành thì không bao giờ hành động riêng tư chỉ lo cho nhân quần xã hội mà không nghĩ đến lợi lộc cho bản thân. Đem thân làm con tế vật cho tôn chỉ, mục đích cao thượng của Đạo Trời, chỉ biết vì danh thể của Đức Chí Tôn. Một lòng cúc cung tận tụy vì nhân sanh.

 

Khi tụng niệm các đấng cũng phải hết dạ chí thành, chớ miệng tụng mà ý vớ vẩn vì tư lợi thì chắc chắn không bao giờ có cảm ứng với những lời cầu nguyện chân thành. (TNHT, trang 124)

Muốn được lòng chí thành, trước phải thành thật với chính mình, nhân hậu mới thành thật với người khác. Hãy xét kỷ từng ý tưởng, lời nói đến việc làm của mình một cách triệt để, rồi tự phục thiện mà sửa chữa chỗ sai trái.

 

Sau đó, thành thật với người, trước tiên là tránh xa vọng ngữ, xảo trá, xu phụ mà che lấp lẽ cương trực, công tâm. Tuân Tử đã nói : "Công bình sanh sáng tỏ, thiên lệch sanh đen tối, làm điều đức hạnh sanh thông hanh, nói điều giả dối sanh che lấp. Thành tín sanh linh ứng còn khoa trương sanh lầm lạc" (Công sanh minh, thiên sanh ám, tác đức sanh thông, tác nguy sanh tắc, thành tín sanh thần, đoản khoa sanh hoặc).

 

Tóm lại, lòng chí thành là đầu mối của mọi đức hạnh. Mọi chúng sanh cần phải trau giồi để lần bước trên đường tận thiện, tận mỹ : Làm thế nào cho đức chí thành của mình tỏa rộng khắp mọi người, thì hợp lẽ thiên lý, lúc ấy ngang với bậc chí thành thông thánh, tức là bậc chí Thánh vậy.

 

 

về trang chủ