NHỮNG CUỘC MẠN ĐÀM THÂN MẬT VỚI THẾ GIỚI BÊN KIA

 

CON MA GÕ Ở DIBBELSDORF (BASSE-SAXE)

(phiên bản Pháp văn của  Ngài Alfred Pireaus dịch từ ấn bản tiếng Đức của giáo sư Kerner)

 

Câu chuyện về con ma gõ ở Dibbelsdorf bên cạnh khía cạnh hài hước còn bao hàm tính bổ ích lý thú, dù nó được thu thập từ những trích đoạn trong các tài liệu cũ được nhà thuyết giáo Capelle biên soạn và xuất bản từ năm 1811.

 

Vào tháng cuối cùng của năm 1761, vào ngày 2 tháng 12, khoảng 6 giờ tối, từ trong buồng  Antoine Kettelhut nghe thấy có tiếng giống như tiếng gõ cồm cộp vọng từ dưới lên. Ông ta cho rằng đó là do người hầu cùa mình muốn trêu cô hầu gái, lúc đó đang ở phòng kéo sợi, nên đã đi ra để định hắt một xô nước lên kẻ đùa vô duyên đó, nhưng ông ta chẳng thấy ai ở ngoài đó cả. Một giờ sau, tiếng động đó lại xuất hiện, và người ta cho rằng có thể đó là do một con chuột gây nên. Ngày hôm sau, mọi người dò tìm tất cả các bức tường, trần và sàn nhà, nhưng không hề thấy dấu vết nhỏ nào của con chuột cả.

 

Buổi tối hôm đó lại có tiếng động như vậy xuất hiện; khi đó mọi người  suy luận là căn nhà này ở rất nguy hiểm, và những người hầu không còn muốn ở lại trong phòng cho tới đêm nữa. Rất nhanh sau khi kết thúc, tiếng động lại xuất hiện với  một sức mạnh hiếm thấy, ở nơi cách đó khoảng trăm bước chân, tại nhà của Louis Kettelhut, anh của Antoine. Chính tại một góc của căn phòng, vật gây tiếng gõ đã biểu hiện mình.

 

Sau cùng, người ta cho nghi phạm là một số nông dân trong vùng, và thị trưởng thành phố đã giao việc đó cho tư pháp thành phố, lúc đó cơ quan này không hề muốn nhận đảm trách sự việc mà họ cho là điên rồ ấy. Nhưng dưới sức ép của cư dân , ngày 06 tháng 1 năm 1762, họ đã đến Dibbelsdorf để xem xét cẩn trọng sự việc. Các bức tường và trần nhà bị đập phá ra, nhưng không đưa lại một kết quả nào, gia đình Kettelhut nhận thấy là những người này hoàn toàn ở ngoài với sự việc.

 

Khi ấy, vẫn chưa có ai thử đối thoại với ma gõ cả. Một người từ Naggam, lấy hết nghị lực, đã hỏi: Này ma gõ, mi ở đó phải không? Và người ta nghe thấy một tiếng gõ. Mi có thể nói ta tên là gì không? Và ma gõ đã chỉ đúng tên của người đối thoại trong vô số các tên mà mọi người đưa ra. Vậy có bao nhiêu khuy trên áo của ta? Có 36 tiếng gõ trả lời. Và mọi người đếm số khuy áo, có đúng 36 chiếc.

 

Kể từ đó, câu chuyện về con ma gõ đã lan ra khắp vùng, và mỗi tối không những có hàng trăm người từ Brunswickois tới Dibbelsdorf, mà còn có cả người Anh và đám đông những kẻ tò mò khác. Lượng người đông đến mức an ninh địa phương không thể đảm trách được nữa, nông dân được huy động đến để gác đêm, và người ta đành tổ chức cho du khách vào xem theo lượt, hết lượt này đến lượt khác.

 

Sự tụ họp đông đảo này làm cho ma gõ phấn kích và tạo ra những biểu hiện rất khác thường; nó đạt đến những dấu hiệu giao tiếp mà qua đó có thể chứng minh khả năng trí tuệ của mình. Không bao giờ nó tỏ ra lúng túng trong việc trả lời: Nếu người ta muốn biết số lượng và mầu sắc của các con ngựa đang được buộc ở bên ngoài? Ma gõ sẽ trả lời một cách chính xác. Nếu người ta mở một quyển bài hát, chỉ tay vào một trang bất kỳ và hỏi số của bài hát đó, mà chính ngay người hỏi cũng không biết chính xác, ngay lập tức, một loạt các tiếng gõ được thực hiện chỉ ra hoàn toàn chính xác con số đó. Ma gõ không cần thời gian để trả lời, vì nó trả lời ngay sau khi câu hỏi được đưa ra. Nó còn báo cho biết có bao nhiêu người trong phòng, bao nhiêu người ở bên ngoài, màu sắc của các con ngựa, quần áo, địa vị và nghề nghiệp của từng người. 

 

Một hôm, trong số những người tò mò có một người đến từ Hettin ở gần Brunswick, là một người hoàn toàn xa lạ  với Dibbelsdorf. Ông ta yêu cầu ma gõ chỉ nơi sinh ông ấy, và để gây nhầm lẫn, ông ta đưa ra tên rất nhiều các thành phố; khi ông ta đọc đến tên Hettin, có một tiếng gõ trả lời. Kẻ thị dân mưu mô, tin rằng sẽ làm cho ma gõ phải nhầm lẫn, đã hỏi ma gõ là có bao nhiêu đồng xu trong túi của hắn, ma gõ trả lời 681, một con số chính xác. Nó còn nói với một thợ làm bánh là có bao nhiêu bánh ông ta đã làm trong sáng nay, nói với một người bán hàng xén số mét ru băng ông ta đã bán vào hôm qua, và với một người khác là số tiền ông ta đã nhận được từ bưu điện vào ngày hôm kia. Ma gõ cũng khá vui tính, nó gõ theo những nhịp mà mọi người yêu cầu, và đôi khi gõ mạnh đến nhức óc. Vào bữa ăn tối, lúc cầu kinh trước khi ăn, nó luôn gõ ở chữ amen. Cử chỉ sùng đạo đó không ngăn được một con chiên ngoan đạo, với trang phục là một bộ quần áo chun lớn, thử trục xuất ma gõ ra khỏi góc của nó. Hành động bùa chú đó đã thất bại.

 

Ma gõ không nghi ngại điều gì hết, nó luôn tỏ ra nghiêm túc trong các câu trả lời với  ngài công  tước Charles, và anh của ông ta la Ferdinand, cũng như những người ở bậc thấp kém. Từ ấy, câu chuyện càng trở nên nghiêm túc hơn. Ngài công tước đã chỉ định một thầy thuốc và nhiều bác sĩ khác chịu trách nhiệm kiểm soát sự việc này. Các nhà khoa học đã giải thích hiện tường ma gõ có nguồn gốc từ dưới lòng đất. Họ đã đào sau xuống đất 8 bộ, và tự nhiên tìm thấy một nguồn nước. Vì Dibbensdorf nằm ở dưới thấp nên nước bắn ra đấy phòng, nhưng ma gõ vẫn gõ ở cái góc quen thuộc của mình. Những nhà khoa học này cho rằng mình bị lừa phỉnh bởi một trò lường gạt, và họ cho là tên người hầu đã làm cho ma gõ có vẻ học vấn như thế. Họ nói là ý định của hắn là để làm mê hoặc cô hầu gái. Tất cả mọi người trong làng đều được mời đến nhà vào một ngày nhất định, và tên hầu luôn bị giám sát, vì theo những nhà khoa học, hắn ta chắc chắn là thủ phạm; nhưng ma gõ vẫn tiếp tục trả lời chính xác mọi câu hỏi. Người hầu, được chứng minh là vô tội đã được trả tự do. Nhưng những nhà lập pháp muốn có được tác giả của những hành động xấu đó, họ kết tội vợ chồng nhà Kettelhut là thủ phạm của chính tiếng động mà họ phàn nàn, cho dù họ là người rất nhân hậu, thật thà, và không thể chê trách ở bất cứ mặt nào, và họ còn chính là người đầu tiên báo với chính quuyền ngay khi bắt đầu có các hiện tượng ấy. Người ta đã ép buộc một cô gái bằng những lời hứa hẹn và doạ nạt, làm chứng chống lại những người chủ của  mình. Và do đó họ đã bị đưa vào tù, cho dù sau này, cô gái ấy đã chối tất cả những gì đã làm chứng, và có chính thức thừa nhận là những lời buộc tội đầu tiên của mình là sai trái và mình đã bị các thẩm phán lôi kéo. Ma gõ vẫn tiếp tục gõ, và hai vợ chồng nhà Kettelhut đã bị tù không ít hơn 3 tháng, sau đó họ được thả ra mà không hề được bồi thường, cho dù các thành viên của ủy ban đã kết luận trong báo cáo là "Tất cả những phương tiện cần thiết để tìm ra nguyên nhân của tiếng động đều vô hiệu; có thể tương lai sẽ làm sáng rõ cho chúng ta về chủ đề này" - Và tương lai hoàn toàn chưa có thêm một lời giải thích nào.

 

Ma gõ xuất hiện từ tháng 12 cho đến tháng 3 năm sau, và từ đó nó không còn gây tiếng động nữa. Người ta lại trở lại giả thiết là người hầu, lúc ấy đã hoàn toàn vô tội, là tác giả của toàn bộ sự việc, nhưng làm sao anh ta có thể tránh được những chiếc bẫy mà các công tước, thầy thuốc, luật sư và nhiều người khác đã giăng ra khi bị xét hỏi.

 

Nhận xét: Nếu như ta tham chiếu thời gian xảy ra những sự kiện mà chúng tôi vừa thuật lại ở trên, và so sánh chúng với những gì xảy ra trong thời đại của chúng ta, sẽ thấy chúng hoàn toàn đồng nhất, từ trong thế giới của các sự việc, đến bản chấr của các cậu hỏi đáp. Vậy châu Mỹ và thời đại chúng ta cũng như những thời đại khác, không khám phá ra ma gõ,  nhưng chúng ta đã chứng minh được hiện tượng đó bằng vô số các sự việc thực tế cũ và mới. Tuy nhiên giữa các hiện tượng cũ và mới đó có một sự khác nhau cơ bản: đó là các hiện tượng xa xưa luôn xảy ra một các ngẫu nhiên, trong khi các hiện tượng ở thời đại chúng ta thường xảy ra theo ý chí của một số đồng tử đặc biệt. Hoàn cảnh ấy cho phép chúng ta có thể phân tích sâu sắc hơn các nguyên nhân của hiện tượng. Các thẩm phán đã kết luận là: "Có thể tương lai sẽ làm sáng rõ cho chúng ta về chủ đề này", và câu trả lời của tác giả là: tương lai hoàn toàn chưa có thêm giải thích nào, hoàn toàn không phải là ở thời điểm ngày nay. Nếu tác giả còn sống bây giờ, ông ta sẽ hiểu là tương lai, ngược lại đã hiểu được tất cả, và những nhà hành pháp, đã thông tuệ hơn rất nhiều so với một thế kỷ trước đây, sẽ không phạm những lỗi lầm lớn khi giải quyết các sự việc liên quan đến các hiện tượng thông linh như trong thời kỳ trung cổ. Chính các nhà bác học của chúng ta đã đi quá sâu vào các bí mật của tự nhiên mà bỏ quên phần các nguyên nhân chưa được biết tới. Họ quá thông tuệ trong việc thể hiện mình, giống như các bậc tiền bối của họ, để cuối cùng sẽ bị hậu thế phủ nhận, phá đi danh tiếng của mình. Nếu như có một điểm nào đó hiện ra phía chân trời, họ hãy đừng vội nói "Đó chẳng là gì cả.", sợ rằng cái chẳng là gì cả ấy lại là một con tàu; Nếu như họ chưa thấy rõ, họ hãy yên lặng và chờ đợi; đó mới chính là sự khôn ngoan thực sự .

 

 

Trích “L'Esprit frappeur de Dibbelsdorf.– La Revue Spirite 1858 “

Dịch giả Lan Châu – NTT hiệu chính.

về trang trước  

nguyên bản Pháp văn