Mừng thay, Mừng thay ! ! !
Chí Tôn ngày nay đã đến.
Linh quang vô biên chiếu khắp tứ phương,
Rưới ban hồng ân, giải oan tiền khiên.
Lòng thương yêu chúng sanh vô tận, gieo cùng não trí,
Đưa tay phất phướng Chí Linh,
Kết giây đồng tâm, nối câu từ tâm, với câu hòa tâm.
Đường chơn lý, dìu sanh chúng, hiến tấm thân,
Có xá chi, chông gai hiểm trở.
Cho đúng quyền Thiên Phong,
Cho đáng tài anh thư,
Cầm Chơn Pháp của Chí Tôn,
Vào hội Long Hoa vui câu âu ca . . .
Vài hàng thông bạch về nguồn gốc của bài hát và tường
trình sơ lược diễn tiến của buổi lễ Đại Tường Đức Quyền
Giáo Tông ngày 13/10 âm lịch (1936) tại Tòa Thánh Tây
Ninh :
Bài hát chào Đạo Kỳ Cao Đài trên đây, do Ngài Tiếp Thế
Hiệp Thiên Đài Lê Thế Vĩnh sáng tác để cho học sinh Nam
Nữ trường Đạo Đức hát chào Đạo Kỳ trong dịp Lễ Đại Tường
Đức Quyền Giáo Tông LÊ VĂN TRUNG, tổ chức tại Đại Đồng
Xã, trước Đền Thánh Tòa Thánh Tây Ninh, vào ngày 13
tháng 10 âm lịch (1936).
Trên Cửu Trùng Thiên là nơi Lễ Đài, Bửu Ảnh Đức Quyền
Giáo Tông LÊ VĂN TRUNG được dựng lên thật to, trước bửu
ảnh đặt một bàn hương án khói hương nghi ngút, với 2 cặp
Lọng,Tàn và Đạo Kỳ trang trí thật uy nghiêm lộng lẩy. Có
6 vị Giáo Sư mặc sắc phục 3 phái : Thái, Thượng, Ngọc,
trong tư thế nghiêm chỉnh đứng hầu.
Quan khách các cấp Nam Nữ được Ban Tiếp Tân chào đón
hướng dẫn lên an vị tại 2 khán đài bên hông Đại Đồng Xã,
kế bên Lễ Đài.
Chức Sắc, Chức Việc và Đạo Hữu từ các nơi về dự lễ, hàng
hàng, lớp lớp đứng chật ních 2 khu rừng Thiên Nhiên,
cùng với rừng cờ và biểu ngữ phất phơ lay động.
Đến giờ hành lễ, xướng ngôn viên tuyên đọc chương trình
buổi lễ và xin mời toàn thể nghiêm chỉnh đứng lên chào
Đạo Kỳ :
Ngài Tiếp Thế LÊ THẾ VĨNH mang trước ngực cây đàn
Mandoline, hướng dẫn 4 bốn học sinh mặc sắc phục Tiên
Đồng Ngọc Nữ, ra trước lễ đài đến gần giàn máy vi âm
(micro). Ngài dạo một khúc nhạc ngắn, rồi ra hiệu cho 4
em bắt đầu hát cho toàn thể học sinh đứng dưới Cửu Trùng
Thiên tại Đại Đồng Xã đồng hát theo vang dội cả Hội
Trường ...
Bài hát chào Đạo Kỳ vừa chấm dứt, một tràng pháo tay nổ
vang kéo dài thật lâu. Xướng Ngôn Viên mời quý Chức Sắc,
Quan Khách và toàn Đạo đứng trên khán đài an tọa .
Tiếp theo, là phần biểu diễn theo thể nhịp điệu của toàn
thể học sinh Nam, Nữ trường Đạo Đức mặc đồng phục, 2 tay
cầm Đạo kỳ, loại cờ tam sắc nhỏ, để đồng loạt phất lên
cao theo lời ca, bắt đầu theo thể hình : từ Thái cực,
sanh Lưỡng Nghi, biến Tứ Tượng, Bát Quái, sau cùng là
trở về Thái Cực, theo Dịch lý : Nhứt bổn tán Vạn Thù,
rồi Vạn Thù qui Nhứt bổn, của Đại Đạo, dưới quyền điều
động của quý Thầy Cô giáo viên.
Phần biễu diễn theo kiểu cách đặc thù của nền Tân giáo
Cao Đài, do sự sáng tác tân kỳ và tài hoa của Ngài Lê
Thế Vĩnh làm các quan khách khán giả và toàn thể bổn Đạo
chăm chú theo dõi một cách say mê, không tiếc lời khen
ngợi. Khán thính giả sẳn sàng ban cho những tràng pháo
tay hoan hô tán thưởng cho đoàn học sinh biểu diễn, qua
mỗi lúc biến đổi thể điệu. Còn các phim ảnh, nhiếp ảnh
viên rộn ràng chạy tới chạy lui quây phim, chụp ảnh, để
cung cấp tài liệu cho cơ quan của họ.
Qua phần chào cờ và biểu diễn thể điệu nhịp nhàn của các
học sinh, Ngài Lê Thế Vĩnh, nhân danh Trưởng Ban Tổ Chức
đọc diễn văn khai mạc, kế tiếp là phần diễn văn của quý
Chức Sắc Đại Thiên Phong, đại diện Hội Thánh Hiệp Thiên,
Cửu Trùng, Phước Thiện và Hội Thánh Ngoại Giáo. Tiếp
theo là diễn văn của các Khâm Trấn Đạo : Long Hồ, An
Giang, Gia Định, Biên Hoà, cùng các đại diện các Châu
Đạo Miền Trung, Miền Bắc Việt Nam . Kế tiếp là phần phát
biểu của quan khách ngoài đời và các cơ quan truyền
thông, báo chí, v.v.... Người người đều để hết lời tán
tụng công đức của Đức quyền Giáo Tông.
Sau phần nghi lễ, giàn lễ nhạc, có Long Mã và Lân dẫn
đầu, dưới sự điều động của Thủ Lãnh Bảo Thể Quân tiến
đến khán đài nam nữ, cung kỉnh đưa tiển Đức Phạm Hộ Pháp
và Chư Chức Sắc Đại Thiên Phong về Hộ Pháp Đường. Giáo
Tông Đường, Tòa Nhà Hiệp Thiên Đài, Nữ Đầu Sư Đường,
Nam Đầu Sư Đường, Tòa Nhà Hội Thánh Ngoại Giáo, và Nhà
Khách Giáo Tông Đường.
Khoảng 7 giờ 30 chiều, Đền Thánh vừa chấm dứt thời cúng
chiều, cộ đèn của học sinh trường Đạo Đức đã rần rộ bắt
đầu xuất hiện. Tiếp theo là Lễ đốt pháo bông mừng ngày
Lễ Đại Tường của các Trấn Đạo tại Đại Đồng Xã.
Khung cảnh nhộn nhịp của ngày lễ đột nhiên đánh tan cảnh
tịch mịch âm-u của vùng núi non hoang dả “Bà Đen”, cũng
như khu “Rừng Bàu Cọp” vắng vẽ, của tỉnh Tây Ninh, nổi
danh có nhiều thú dử, mà trước kia nơi đây du khách
không mấy người dám để bước. Hôm nay, do cảnh trí ngày
lễ Đạo Cao Đài đã làm cho nơi hoang vắng nầy tăng phần
nô nức náo nhiệt lạ thường. Cộng thêm tiếng pháo bông
lần lượt thi nhau nổ rang, từ chập tối đến lúc trời rạng
đông, tạo ra ánh sáng muôn màu làm chói lòa cả bầu trời,
kích thích tinh thần “yêu Đạo, yêu nước”cùng khơi dậy
lòng tín ngưỡng của trên nữa triệu tín hữu Cao Đài đang
tham dự ngày lễ, càng lúc càng tha thiết tỏ vẽ hân hoan
ra mặt, thể hiện tấm lòng tuyệt đối trung thành dưới sự
lãnh đạo anh minh của Đức Phạm Hộ Pháp và Hội Thánh
Lưỡng Đài Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh.
Trong khi đó, ngoài phía Bàu Cà-Na (tức phía bờ Động
Đình Hồ, hiện nay là nơi xây cất cửa Chánh Môn) một diễn
đàn, do Công Viện Hội Thánh thiết lập hoàn toàn bằng ván
gổ, mái tôn, hình thành một sân khấu, dành cho Đoàn hát
Lạc Xuân của Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh tổ chức, và chính
Ngài, vừa là soạn giả, kiêm đạo diễn, chịu trách nhiệm
dạy các học sinh trường Đạo Đức làm diễn viên, trình
diễn vở tuồng “Thánh Tâm Ái“ của Ngài.
Đúng 9 giờ tối đêm ấy, tấm màn sân khấu vừa vén lên,
Ngài Tiếp Thế hướng dẫn toàn thể diễn viên bước ra sân
khấu cúi đầu chào Đức Phạm Hộ Pháp, quý Chức Sắc cao cấp
và toàn Đạo. Kế tiếp vỡ tuồng “Thánh Tâm Ái” bắt đầu
trình diễn.
Vỡ tuồng nầy được Đức Phạm Hộ Pháp và Chức Sắc cao cấp
lưỡng đài quan tâm và khen ngợi về sự tích, lời văn và
cách bố cục, phân chia lớp lang. Về y phục và cách thức
hóa trang, do Bà Nữ Chánh Phối Sư Nguyễn Hương Hiếu vẻ
kiểu và chỉ dẫn cách thức thực hiện cho Nhà May Linh Đức
lãnh may.
Vỡ tuồng Thánh Tâm Ái trình diễn qua ngày Đại lễ, sau
nầy được Hội Thánh còn cho tái diễn nhiều lần trong các
ngày lễ lớn của Đạo, nhằm mục đích giúp vui cho các nhơn
viên công quả, ngày đêm chẳng ngại khổ cực, hiểm nguy,
do nhà cầm quyền thời ấy sẳn sàng qui đủ thứ tội, nhưng
họ vẫn kiên cường, bất khuất, quyết tâm hoàn thành cho
kỳ được công tác xây cất Đền Thánh và các Dinh thự trong
Nội-Ô.
Trên đây là phần trình bày ngắn gọn tại lễ đài, còn các
chương trình nghi lễ khác kéo dài cả tuần lễ, thì tôi
không nhớ rõ, vì thời gian ấy tôi chỉ là một học sinh
nội trú mới tròn 14 tuổi, một trong 36 đứa Nam đồng nhi,
được Hội Thánh chọn làm nhiệm vụ đọc Kinh Cúng tại Đền
Thánh,và tụng kinh tại Khách Đình mỗi khi có đám xác.
Hôm nay, ngồi viết bài tường trình về buổi lễ đã xảy ra
từ 66 năm trước, tôi rất hoang mang ái ngại, vì tuổi đời
của tôi đã quá bát tuần (trên 80 tuổi). Trí não hiện đã
kém bén nhạy sáng suốt, chắc chắn bài viết có nhiều việc
còn mơ hồ thiếu chính xác.
Chủ ý còn gắng gượng hoạt động, mục dích muốn lưu lại
một vài kỷ niệm nhỏ, để thế hệ trẻ sau nầy hiểu biết
phần nào việc làm của những người đi trước mà thôi./