Giáo sư Tiến Sĩ Kazi Nurul Islam, Khoa trưởng Phân Khoa Tôn Giáo tại Viện Đại Học Dhaka, Bangladesh, trong kỳ đại hội tôn giáo thế giới vào tháng 8/2002 tại thủ đô Budapest (Hung Gia Lợi) đã gặp phái đoàn Đạo Cao Đài và ngỏ ý với HH Trần Quang Cảnh, Hội Trưởng Hội đồng đại diện CQTGHN, là ông sẽ giới thiệu Đạo Cao Đài với sinh viên của ông, và sẽ giảng dạy môn Tôn giáo Cao Đài tại Phân khoa tôn giáo thuộc đại học Bangladesh.
Để thực hiện điều này, ông đã ở đến Thánh thất vùng Hoa Thạnh Đốn, gặp HH Trần Quang Cảnh vào ngày 20/10/02 vừa qua để hỏi thêm về Đạo Cao Đài và hoạch định chương trình đưa Đạo Cao Đài vào Đại học Bangladesh.
Để quý đồng đạo hiểu về Bangladesh và tầm quan trọng của việc giảng dạy đạo Cao Đài ở Đại học Bangladesh, chúng tôi xin trình bày 2 vấn đề sau đây:
- Tìm hiểu về địa lý và lịch sử của Bangladesh
- Bangladesh là ngưỡng cửa để đạo Cao Đài hội nhập vào thế giới Hồi Giáo.
I TÌM HIỂU VỀ BANGLADESH
1. Khái niệm tổng quát
Bangladesh là quốc gia nhỏ bé, diện tích chỉ độ 144.000km2 (phân nửa Việt Nam) gồm 133.910km2 đất và 10.090km2 nước. Nếu so với Hoa Kỳ, Bangladesh hơi nhỏ hơn tiểu bang Iowa.
Bangladesh ở vùng Nam Á Châu, bao bọc bởi vịnh Bengal, giữa Ấn Độ và Miến Điện. Thủ đô là Dhaka, dân số tính đến tháng 7/2001 ước độ 131.269.860 người. Về tôn giáo tính theo năm 1998 thì 83% theo Hồi giáo, 16% theo Ấn giáo, còn các tôn giáo khác chỉ chiếm 1%. Chủng tộc chính là Bengali (98%), các nhóm bộ lạc và nhóm Hồi giáo ngoài Bengali. Ngôn ngữ là Bangla (cũng còn gọi là Bengali) và Anh ngữ.
Bangladesh có tên chính thức là Cộng hòa nhân dân Bangladesh (People's Republic of Bangladesh), xưa kia là Đông Hồi (East Pakistan), được độc lập ngày 26-3-1971 là ngày Bangladesh được tách khỏi West Pakistan (Tây Hồi) (Pakistan hiện nay, xưa kia là Tây Hồi). Ngày 16-12-1971 là ngày thành lập quốc gia Hội Bangladesh.
Hiến pháp được ban hành ngày 4-11-1972, được thi hành kể từ 16/12/72, bị đình chỉ bởi chính biến ngày 24/3/82, sau đó được tái lập ngày 10/11/86, và có nhiều tu chính. Tổ chức công quyền gồm: Hành pháp (Tổng Thống, Thủ Tướng và Nội các); Lập pháp (Quốc hội độc viện gồm 330 ghế:300 ghế do phổ thông đầu phiếu chọn, còn 30 ghế dành cho phụ nữ, nhiệm kỳ của đại diện dân cử là 5 năm, Tư pháp (Tối cao pháp viện (do Tổng thống chỉ định các Thẩm phán Tối cao).
Về kinh tế, Bangladesh là 1 trong những nước nghèo nhất thế giới, mật độ dân chúng cao, phát triển quốc gia kém. Gầm 2/3 dân Bangladesh chuyên về nông nghiệp, với lúa gạo là sản phẩm chính. Tỷ lệ thất nghiệp tính đến năm 1996 là 35,2%. Lao động trong nghề nông 63%, dịch vụ 26%, kỹ nghệ 11% (năm 1996). Ngân sách quốc gia năm 2000 về thu là 4,9 tỷ đô, về chi là 6,8 tỷ. Tính đến năm 2000, nợ nước ngoài là 17 tỷ.
Sản phẩm kỹ nghệ gồm: tơ sợi, cây đay, quần áo, giấy in, xi măng, phân hóa học, kỹ nghệ nhẹ, đường. Sản phẩm nông nghiệp gồm: lúa gạo, trà, lúa mì, cây đay, mía, khoai tây, thuốc lá, gia vị, trái cây, bò, sữa, gà vịt.
Nhập cảng tính theo năm 2000 trị giá 8,1 tỷ, gồm máy móc và trang bị, hóa chất, sắt, thép, tơ sợi, tơ sống, dầu thô, xi măng, sản phẩm dầu hỏa.
Xuất cảng tính theo năm 2000 trị giá 5.9 tỷ, gồm đay và sản hẩm của đay, quần áo, da, cá và hải sản đông lạnh. Xuất cảng (tính theo năm 1999) sang các nước Hoa Kỳ (31.2%), Đức (9,956%), Anh (8,06%), Pháp (5,82%), Ý (4,42%).
Tóm lại, Bangladesh là một xứ nghèo, dân số trên 130 triệu, trên một diện tích chỉ bằng nữa Việt Nam, trong đó 82%, tức 110 triệu theo đạo Hồi, tức là quốc gia, có đông đảo tín đồ Hồi giáo thứ nhì trên thế giới (sau Indonesia).
Sự thành lập quốc gia Bangladesh
Bangladesh là 1 quốc gia mới trên một vùng đất cổ. Theo một nhà nghiên cứu người Mỹ, Bangladesh là một quốc gia bị “thách đố bởi những sự trái nghịch”. Điểm chính yếu của những sự trái nghịch đó nằm trong chính lịch sử của quốc gia này.
Theo ngữ nguyên, chữ Bangladesh do chữ “Vanga”, được nói đến lần đầu trong tác phẩm điêu khắc Ấn Độ Aitareya Aranyaka (giữa năm 500 trước TL và năm 500 sau TL). Theo truyền thuyết, Bengal bị cai trị bởi Hoàng tử Vanga con của vua Bali và Hoàng hậu Sudeshna của triều đại Mặt Trăng (Luna dynasty). Theo ngôn ngữ học, một trường phái cho rằng nguồn gốc của chữ Vanga do từ chữ Tây Tạng “Bans” có nghĩa là “ẩm và ướt”. Theo nghĩa đó, Bangladesh có nghĩa là vùng đất ẩm ướt. Một trường phái khác cho rằng chữ “Vangla” do từ chữ Bogo “Bang” và “la”, có nghĩa là “những cánh đồng rộng lớn.”
Về địa chất học, phần lớn Bangladesh được hình thành từ 1 đến 6.5 triệu năm. Dân cư ở vùng này dường như rất cổ. Văn minh thời đại đồ đá cũ ở vùng này xuất hiện khoảng 100 ngàn năm qua. Thời đại đồ đá mới ở vùng này kéo dài từ 3000 năm trước TL đến 1500 năm trước TL.
Lịch sử Bangladesh được đánh dấu bằng các biến cố chính sau đây:
1. Cuộc xâm lược Ấn Độ của Alexander the Great (A lịch sơn đại đế) vào năm 326 BC và thời kỳ sau đó (326 BC - 1204 AD)
Các nhà sử học La Mã và Hy Lạp ghi rằng, Alexander đại đề rút lui khỏi Ấn Độ bị cuộc phản công dũng cảm của 2 đế quốc hùng mạnh Gangaridai, và Prasioi. Các đế quốc này ở vùng Bengal. Không có tài liệu để biết rõ ràng các đế quốc này được thành lập như thế nào. Trong văn chương thường nói đến sự phát khởi và suy tàn của một số lớn các đế quốc trong vùng được biết đến như Pundra Vardhana (Bắc Bangladesh), Dandabhueli (Nam của Tây Bengal), Larna Subarna (một phần của Tây Bengal) Varndra (Bắc Bangladesh, Rash (Nam của Tây Bengal), Sumarha Desa (Tây Nam của Tây Bengal), Vanga (Trung Bengal) Vangala (Nam Bangladesh, Harikela (Đông Bắc Bangladesh) Chandradwipa (Nam Bangladesh, Subarnatrishi (Trung Bangladesh), Naryabakashika (Trung và Nam Bangladesh) Lukhnauti (Bắc Bengal và Bihar) và Samatata (Đông Bangladesh).
Sự yếu kém của các định chế xã hội, chính trị kinh tế tạo ra môi trường tự nhiên cho các tôn giáo tự do phát triển. Các lãnh đạo Phật giáo vẫn tiếp tục thống trị Bengal dài lâu sau khi Đạo Bà La Môn phục hồi ở phần Bắc Ấn. Khắp nơi ở Nam Á, nhiều chi phái tách từ Bà La Môn chính thống được phát triển ở Bengal. Nhiều giáo phái bí truyền nẩy nở ở vung Bengal “tiền - Muslim”. Theo dòng lịch sử, nhiều vương quốc nhỏ nở rộ và bành trướng như những hoa dại trong vùng này.
Đối với nền văn minh cổ đại, Bangladesh là biên thùy của văn minh Nam Á. Đó là cầu thiên nhiên giữa Nam và Đông Nam Á. Vì vị trí của nó, Bangladesh là trung gian thương mại và giao hoán giữa bán đảo Nam Á và Viễn Đông. Vùng này, theo nhận xét của sử gia, “giữ vai trò trọng yếu trong sự phối hợp văn hóa vĩ đại giữa các nguồn văn minh dị biệt của Đông và Đông Nam Á”, đã tạo thành một sắc thái đặc biệt trong lịch sử của vùng đất rộng lớn này trong gần 1500 năm nay.
2. Bengal dưới sự thống trị của chánh quyền Hồi Giáo (Muslim rule) (1204-1757)
Sơ lược về sự thành lập Hồi Giáo
Hồi giáo xuất hiện vào khoảng năm 622 sau Tây lịch, do Đức Mohammad, sanh năm 570 ở vùng La Mecque. Đạo Hồi là hỗn hợp giữa Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo. Giáo lý Đạo Hồi gồm có những cuộc đàm thoại của Mohammad do tín đồ ghi chép lại trong Thánh Kinh Koran. Kinh này không những giảng về đức tin mà còn giảng về khoa học, luật pháp và các quy tắc vệ sinh nữa.
Giáo điều căn bản là: chỉ có một Đức Chúa duy nhứt là Thánh Allah, và một tiên tri duy nhứt của người là Mohammad. Giáo điều còn dạy phải phục tùng ý muốn của Chúa, sự phục tùng này gọi là Islam. Khi chết rồi con người còn phải chịu quyền phán quyết của Chúa. Tín đồ phải tuân theo 4 điều răn, mỗi ngày cầu nguyện 5 lần, và trong đời ít nhứt phải đi lễ bái ở Thánh địa La Mecque (hiện ở Saudi Arabia) một lần.
Trước khi Đạo Hồi xuất hiện, Á Rập vốn theo đạo Đa Thần, mỗi bộ lạc thờ một vị thần khác nhau, nhưng tất cả đều lấy thánh đường La Mecque làm chỗ lễ bái chung. Đức Mohammad sống trong gia đình nghèo, mãi đến 40 tuổi vẫn có cuộc sống bình thường. Từ tuổi này trở đi, ông có cử chỉ khác thường và bắt đầu đề xướng tôn giáo độc thần. Đến 50 tuổi ông vẫn hoàn toàn thất bại. Bọn hào mục La Mecque thấy ông gây nhiều ảnh hưởng trong đám dân nghèo có ý lo sợ nên mỗi lần ông giảng đạo thì chửi mắng đánh đập. Lúc ấy tình hình thị trấn Medine không được yên. Dân chúng nhất là dân Do Thá, khi đến hành lễ ở La Mecque, tin theo Mohammad bỏ đạo đa thần. Ông được họ mời tới Medine. Nhưng ông không đi vội, hơn 2 năm ông gởi tín đồ từ La Mecque đến Medine.
Bọn hào mục La Mecque thấy thế lực ông quá lớn, đính ám sát ông. Ông được tin, trốn thoát được ngay đêm thích khách đến nhà.
Người Hồi Giáo gọi sự đào tẩu này là Hegira và dùng để đánh dậu kỷ nguyên Hồi Giáo.(622)
Tại Medine, ông hoàn thành công cuộc tổ chức tôn giáo mới, cổ xúy thánh chiến để trùng phạt kẻ phản đạo. Hồi nhỏ, nhân dẫn thương đội qua Syria, ông gặp một giáo sĩ Thiên Chúa và theo đạo này, khi tới Medine gần người Do Thái, ông chịu ảnh hưởng của đạo Do Thái và chịu ảnh hưởng của đạo này. Do đó, đạo Hồi là hỗn hợp của hai đạo nói trên. Mohammad dạy cữ rượu và thịt heo và người nào chịu chiến đấu sẽ được lên thiên đàng. Mohammad đề xướng thánh chiến chống người không theo Hồi Giáo. Người Á Rập hưởng ứng rất đông.
Giữa La Mecque và Medine xảy ra nhiều cuộc xung đột và Mohammad chiến thắng. Năm 630 tức lúc được 62 tuổi, khi lâm chung ông đã làm chủ được toàn xứ Á Rập. Một phần lớn bộ lạc Á Rập tôn ông làm Giáo chủ.
Sở dĩ ông thành công được là nhờ xã hội Á Rấp lúc đó đã đi tới trình độ mà tôn giáo đa thần không còn thích hợp với sự tiến hóa nữa. Các giống dân du mục bắt đầu định cư và ranh giới các bộ lạc đã bắt đầu bị xóa bỏ . Các giống dân phải hòa hợp nhau để tạo thành một quốc gia mạnh hơn, phải có một nền kinh tế thống nhất, một quân đội hùng cường để chống lại ngoại xâm hoặc xâm lấn các nước khác. Ngoài lý do lịch sử và kinh tế đó, cần để ý tính chiến đấu mạnh mẽ của Tín đồ Hồi Giáo, quả quyết đánh ngã đối phương bằng mọi cách cho bằng được. Lý do thứ ba là do tài lãnh đạo của Mohammad, biết tùy lúc phải dùng võ lực hoặc điều đình, tấn công hay nhượng bộ.
Suốt thế kỷ, người Á Rập chiến thắng không ngừng. Chiến công của người Á Rập được xếp vào hạng oanh liệt nhứt thế giới. Phía đông họ chiếm Syria, Ai Cập (634-639) Ba Tư (642, tiến thẳng sang Ấn Độ, Tân Cương. Phía Tây họ chinh phục Bắc Phi, rồi từ Bắc Phi họ tiếng sang Y Pha Nho, chiếm luôn xứ này. Đến giữa thế kỷ thứ 8, khi công cuộc xâm lăng hoàn thành thì biên giới Đế quốc Á Rập mở rộng từ sông Hằng (Gange - Ấn Độ) đến Đại Tây Dương.
Các vị quốc vương Hồi Giáo đầu tiên như Abu Kakr, Omar I là những người tánh tình cương trực và giản dị, cầm đầu một đế quốc to rộng như thế mà vẫn giữ được lối sống đơn sơ, nghèo nàn của dân du mục. Nhưng đến các đời sau các vua Ả Rập sa đọa.
Đế quốc Ả Rập tồn tại không bao lâu, bị chia 3, ngự trị ở 3 đô thi: Cairo (Ai Cập), Baghdad (Ba Tư) và Cordoue (Y Pha Nho). Nước Á Rập nơi xuất hiện ra Hồi Giáo không còn là trung tâm sinh tồn của đế quốc nữa. Tất cả hoạt động căn bản về kinh tế chuyển qua Ba Tư.
Văn minh Á Rập, tức văn minh Hồi Giáo không có gì mới mẻ, chỉ là tổng hợp lại những yếu tố căn bản của văn minh Ba Tư, Ấn Độ và Hy Lạp.
Nguyên do xung đột Ấn – Hồi
Trước sự bành trướng của Đế Quốc Hồi Giáo vào thời Trung cổ,, phải kể cuộc xâm lăng đẫm máu của Hồi Giáo vào Ấn Độ. Trong lịch sử Ấn Độ, nước to lớn này luôn luôn bị Phương Bắc dòm ngó. Dân Ấn Độ tự làm yếu đi vì chiến tranh và chia rẽ nội bộ,thêm vào đó, vì tôn giáo (Ấn giáo) cấm sát sinh, nên không võ trang để giữ bờ cõi. Dân Scythians, Hung Nô, A Phú Hãn và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt xăm lăng Ấn Độ.
Những va chạm giữa Ấn giáo và Hồi Giáo mới đây ở tỉnh Gunarat là do sự sống chung căng thẳng qua nhiều thế kỷ. Do dị biệt vì tôn giáo dân Ấn và dân Hồi tìm cách tiêu diệt nhau. Ngược dòng lịch sử cuộc xâm lăng đầu tiên của đế quốc Hồi Giáo vào Ấn Độ xảy ra ở vùng Puajab vào năm 664. Sau đó là nhiều cuộc quấy nhiễu cướp bóc xảy ra trong vòng 3 thế kỷ, kết quả là Hồi Giáo kiểm soát thung lũng Ấn. Năm 997, Mahmud, gốc Thổ, quốc vương Bhimnagag, phá hủy đền thờ, tàn sát dân Ấn, thâu của cải vàng bạc về A Phú Hãn. Cứ mỗi mùa Đông Mahmud dẫn quân qua Ấn, mùa Xuân về lại A Phú Hãn. Nhờ Mahmud, A Phú Hãn trở nên cường thịnh. Theo dấu chân Mahmud, năm 1186, Ghuri xâm chiếm Đế đô Delhi, phá đền đài, cướp của và chiếm đóng luôn 3 thế kỷ. Nhiều vua Hồi Giáo khác khi chiếm Ấn Độ cũng đã tàn sát dân Ấn.
Từ năm 1227 đến 1739, trong 572 năm vùng Bắc Ấn Độ bị Hồi Giáo chiếm lĩnh. Thời kỳ này có thể chia ra làm 3 giai đoạn:
Từ 1204 - 1342: sự cai trị của Muslim được củng cố ở Bengal, mà đặc điểm là tình hình chính trị cực kỳ bất ổn.
Từ 1342 - 1575 có sự xuất hiện của nhiều triều đại địa phương độc lập.
Từ 1575 - 1757: xuất hiện chế độ tập quyền hành chánh ở Bengal.
Sự cai trị của Muslim cũng bành trướng tư tưởng Islam. Tư tưởng Islam đã được truyền bá ở Bengal do nhiều giáo sĩ Hồi Giáo. Tư tưởng Islam được thành công sâu rộng ở Bengal trong khi thất bại ở các nước Nam Á vì môi trường xã hội của vùng này cơ bản dễ hòa hợp với tôn giáo mới.
3. Thời kỳ Anh cai trị Bangladesh (1757 - 1947)
Sự cai trị của Anh ở Nam Á đã thay đổi xã hội cổ truyền trong nhiều cách. Sự áp dụng luật Anh, luật lệ Ấn độ văn phòng mới, cách thức thông tin liên lạc mới, Anh ngữ được áp dụng, hệ thống giáo dục mới và việc mở thị trường thành thương mại quốc tế đã mở chân trời mới cho cuộc sống mới.
Sự cai trị của Anh vừa đem lại sự thống nhất vừa đem lại sự chia rẽ. Chế độ đó tạo sự chia rẽ giữa người Ấn và người Muslim vốn đã có từ lâu, làm cho người Ấn có nhiều lợi lộc trong khi thiệt thòi cho người Muslim, chẳng hạn, sự va chạm giai cấp giữa người nông dân Muslim và người Ấn trung gian, sự khai thác kinh tế của người Anh làm gia tăng phản ứng chống lại luật Raj ở Bengal, chánh sách quy định đất đai của Anh làm thiệt hại người chủ đất Muslim.
Sự va chạm giữa người nông dân Muslim và chủ đất Ấn lại trầm trọng hơn bởi sự thù nghịch giữa người Ấn và người Muslim trung lưu. Anh dùng chánh sách chia để trị, nâng đỡ người Hồi, kềm hãm người Ấn, hoặc cho hơn 500 tiểu vương Ấn tha hồ bốc lột dân đen và gây cơ hội để họ xung đột với nhau mà dễ bề thao túng.
4. Thành lập quốc gia Pakistan
Sự xung đột giữa Ấn và Hồi đã được giải quyết bởi thỏa hiệp Lahore 1940. Theo thỏa hiệp đó, một quốc gia Hồi Giáo được thành lập theo vị trí địa dư nơi nào có đông người Hồi nhứt. Do đó quốc gia Pakistan được thành hình ở Bắc Ấn, thành 1 quốc gia độc lập, gồm 2 miền Đông (gọi là Đông Hồi) và Tây (gọi là Tây Hồi), tức là ở phía Tây và đông của nước Ấn Độ ngày nay. Năm 1947, Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ và chia hẳn Bắc Ấn thành Pakistan để dân Ấn và Hồi sống riêng rẽ. Dân Ấn bỏ Pakistan chạy qua tỉnh Godhra, trả thù Hồi Giáo bằng cách trút lòng hận thù lên dân Hồi ở Godhra, đốt nhà và sở thương mại và tàn sát dân Hồi ở Godhra. Đến năm 1992, cầm đầu bởi Ấn Giáo cuồng tín, dân Ấn phá hủy ngôi đền Hồi Giáo Bali xây cất vào thế kỷ 16 ở phía Đông tỉnh Ayodhya. Hôm 27/2/02 dân Hồi đốt xe lửa giết 58 dân Ấn, dân Ấn trả thù lại bằng cách đốt nhà, tàn phá các cửa tiệm của dân Hồi khiến 62 người bị chết. Sự xung đột Ấn Hồi ngày càng căng thẳng có nguy cơ của chiến tranh nguyên tử.
5. Thành lập quốc gia Bangladesh
Quốc gia Pakistan được thành lập vào năm 1947, thực sự ra là “2 quốc gia” mà theo vị trí địa dư nằm riêng rẽ và xa cách nhau hơn ngàn dặm. Hai vùng này còn có các vấn đề văn hóa, kinh tế, xã hội khác biệt. Sự liên hệ giữa 2 cánh Đông và Tây của Pakistan là gương phản chiếu sự liên hệ giữa Ấn - Hồi trong cùng một quốc gia. Giống dân Bengali chiếm đa số ở Bangladesh.
Sự xung đột giữa Đông và Tây Hồi đã đưa đến Đông Hồi trở thành quốc gia Bangladesh vào ngày 16/12/71.
Bangladesh là quốc gia gồm đông đảo người Hồi Giáo đứng thứ nhì trên thế giới sau Indonesia.
Bangla là ngôn ngữ của 99% dân số ở Bangladesh, là ngôn ngữ phổ biến đứng hàng thứ 7 trên thế giới, sau Trung Hoa, Anh, Nga, Tây Ban Nha, Hindi, Á Rập. Ngôn ngữ Bengali là ngôn ngữ phong phú có khả năng diễn tả tư tưởng và cảm xúc, một ngôn ngữ đó là phản ảnh của cuộc sống.
II BANGLADESH LÀ NGƯỠNG CỬA ĐỂ ĐẠO CAO ĐÀI HỘI NHẬP VÀO THẾ GIỚI HỒI GIÁO
Đặc điểm của Bangladesh trong bối cảnh vùng Nam Á ngày nay
Qua những việc vừa trình bày, Bangladesh có những đặc điểm sau:
- Là quốc gia nghèo, lạc hậu, đông dân sống trên một nước quá nhỏ bé, bằng nửa VN.
- Là quốc gia đứng thứ nhì thế giới về số tín đồ Hồi Giáo (86%), sau Indonesia.
- Ngôn ngữ được phổ biến vào hàng thứ 7 trên thế giới, rất phong phú có khả năng diễn đạt tư tưởng và tình cảm sâu sắc.
- Là quốc gia Hồi Giáo đông đảo nhưng hiền hòa, dễ dàng chấp nhận sự du nhập các tôn giáo khác, và giữ vai trò phối hợp các nền văn hóa vĩ đại giữa Đông và Đông Nam A!, nếu Bangladesh là nơi “thánh đế của các dị biệt”.
- Trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, Bangladesh là quốc gia Hồi Giáo nhưng không quá khích, dễ dàng bị xâm nhập bởi các lực lượng Hồi Giáo khác.
- Bangladesh là chứng nhân của sự xung đột Ấn và Pakistan vì chính trị (vùng Kashmire), vì tôn giáo (Ấn giáo và Hồi Giáo) mà Bangladesh lại là quốc gia Hồi Giáo ôn hòa nằm trong lòng của thế giới Hồi Giáo sôi động đang có sự căng thẳng vì tôn giáo vì chính trị với các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ.
Với tinh thần dễ chấp nhận các tôn giáo khác, Bangladesh ở trong vùng có 2 tôn giáo có nhiều ảnh hưởng đến người dân Bangladesh là Do Thái giáo và Đạo Bahai.
Chính vì sống trong tình trạng căng thẳng vì hận thù chủng gộc, vì kỳ thị tôn giáo, mà giáo sư tiến sĩ Kazi Islam, Khoa trưởng Phân khoa tôn giáo đã muốn tìm đến một sự hòa đồng nhân loại và hòa hợp tôn giáo trong giáo lý Cao Đài, để mong ước thấy một nền an bình vĩnh cửu cho nhân loại. Ông tỏ ý thích những điều đó của đạo Cao Đài, mà ông lầm lẫn đạo Cao Đài cũng giống như đạo Baha’i (còn gọi là tôn giáo hoàn cầu) và ông muốn giới thiệu đạo Cao Đài với sinh viên của ông vào đầu năm 2003, và sẽ giảng dạy môn tôn giáo Cao Đài ở đại học Bangladesh. Với lòng tha thiết đó, ông đã nôn nóng tìm đến HH Trần Quang Cảnh ở Thánh Thất vùng Hoa Thạnh Đốn tuần vừa qua.
Sơ lược về đạo Baha'i
Đạo Baha'i thường được gọi là tôn giáo hoàn cầu, trụ sở chính đặt tại sườn núi Mount Carmel (Do Thái), ngó ra cảng Haifa, có tín đồ ở hơn 300 nước. Giáo lý Đạo Baha'i được dịch ra hàng trăm thứ tiếng. Có độ 6 tới 7 triệu tín đồ Baha'i trên thế giới vào năm 2000, trong đó có 142 ngàn sống tại Hoa Kỳ. Cộng đồng Baha'i lớn nhất là ở Ấn Độ, có khoảng 2 triệu tín đồ sống ở đó. Độ 300.000 đến 350.000 sống ở Iran, dù rằng chánh quyến Hồi Giáo Iran hành hạ Đạo Baha'i trong xứ đó từ khi lên cầm quyền vào năm 1979.
Đạo Baha'i được lập vào cuối thế kỷ 19, do lời tiên tri của Mirza Ali Muhammadof Shirag, được biết qua tên Bab, Baha'i theo chữ Ba Tư có nghĩa là quang vinh.
Thành lập do Mirza Husayn Ali of Nur sanh ở Ba Tư, sau này được biết qua tên Baha'i ú llah (chữ A Rập có nghĩa là “glory of God”). Ông trở thành tín đồ của Bab, và vào năm 1850 trở thành lãnh tụ của Babis. Chính quyền ngược đãi tín đồ Bab, và 20 ngàn tín đồ Babis chết vì Tôn giáo trong vòng 2 thập niên.
Baha'í u'llah, gia đình và một số tính đồ trốn tránh, nhưng rồi Baha'í úllah bị bắt tống giam và bị ngược đãi, rồi bị đày đi Baghdad, rồi Ottoman Empire. Oâng là tù chính trị chung thân. Chính quyền Ottaman gởi ông cùng với gia đình và một số ít tín đồ đi từ Baghdad đến Constantinophe (nay là Istambul - Thổ Nhĩ Kỳ) rồi đến Andrianople (nay là Edime) và sau này cũng là Acre (Palestine) (nay là 'Akko - Do Thái), nơi đây ông bị giam giữ cho đến chết.
Thành lập tín ngưỡng Baha'i năm 1844, Bab có lời tiên tri rằng trong 19 năm sẽ có một Đấng Thiêng liêng xuất hiện, là người mà Thượng Đế sẽ mặc khải. Năm 1863 ở Baghdad, Baha'úllah tự tuyên bố ông là sự mặc khải đó. Những tín đồ của ông được gọi là Baha'is, tin rằng ông là người cuối cùng nhận mặc khải từ Đấng thiêng liêng gồm có Zoroaster, Buddha, Jesus, và Muhammad, và ông đem đến sự khải huyền mới cho nhân loại.
Baha'ullah mong muốn thiết lập một tôn giáo toàn cầu. Những giáo điều về luân lý và xã hội của ông được khai triển chính yếu bởi đứa con lớn nhứt là Abbas, sau này được gọi là Abd-ul-Baba (chữ Á Rập có nghĩa là Servant of Glory)
Cũng giống như cha, ông bị là người tù chính trị trong nhiều năm. Vào năm 1908, phong trào Young Turks nổi lên, ông được tự do, rồi đi du lịch Ậu Châu và Bắc Mỹ để quảng bá giáo điều của cha. Ông tóm lược, tín ngưỡng Baha'i vào 1 hệ thống nguyên tắc gồm những mục tiêu xã hội nhằm xóa bỏ chủng tộc và thiên kiến về tôn giáo, bình đẳng nam nữ, 1 ngôn ngữ quốc tế chung, nền giáo dục toàn cầu, một đức tin toàn cầu xây dựng trên sự đồng nhất các tôn giáo lớn và một đại diện chánh quyền toàn cầu.
Sau này Abu-ul-Baba đề cử cháu nội, là Shoghi Effendi Rabbani là người bảo vệ tín ngưỡng Baha'i. Do sự lãnh đạo của Shoghi Effendi từ 1927 - 1957, đạo Baha'i ở Hoa Kỳ phát triển một cơ cáu hành chánh mà trụ sở chánh ở Wilmette, Illinois.
Đạo Baha'i khác đạo Cao Đài chỗ nào?
- Đạo Cao Đài do Đức Thượng Đế dùng huyền diệu cơ bút lập ra, Đạo Baha'i do người phàm lập ra
- Đạo Cao Đài và Đạo Bahá i cũng có chủ trương toàn cầu hóa, nhưng có điểm khác: Đạo Baha'i đưa ra quan niệm tổng hợp tất cả lại làm một để xóa bỏ thiên kiến tôn giáo, phân chia chủng tộc, có ngôn ngữ chung. Đạo Cao Đài quan niệm quy nguyên, tức ban đầu là một gốc nay trở về “Một” lúc ban đầu đã có sẵn chớ không phải tổng hợp thành cái mới.
- Đạo Baha'í có chủ trương về chính sách chính trị thực tế của chính quyền như nên giáo dục toàn cầu, chính quyền toàn cầu, đạo Cao Đài chỉ chủ trương một cách trừu tượng về sự trở về nguồn gốc ban đầu, từ đó giải lý tại sao Nhân loại là một, một về chủng tộc, một về tôn giáo, một về tư tưởng.
Đao Cao Đài quan niệm, tất cả đều từ Thượng Đế mà ra, nay trở về gốc ban đầu là Thượng Đế. Đạo Baha'i không nói đến Thượng Đế, mà chỉ nói đến một đức tin chung và sự sống đồng nhất các tôn giáo.
Đạo Cao Đài và Hồi Giáo
Đạo Cao Đài và Hồi Giáo, với cái nhìn khái quát tưởng đâu cũng có một quan niệm giống nhau về một Đấng Duy nhất, đó là Thượng Đế, (theo Đạo Cao Đài) và Allah (theo Hồi Giáo). Thực ra cái duy nhất mà 2 tôn giáo nói đến được hiểu theo 2 chiều hướng khác nhau nên có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Theo Đạo Cao Đài, Thượng Đế (mà Đạo Cao Đài, cung xưng là Đức Chí Tôn) là đấng Duy Nhất, là cái “MỘT” từ đó phát sinh ra vạn hữu. Do đó, con người dù thuộc chủng tộc nào, không phân biệt giàu, nghèo, sang hèn, nam nữ đều do từ chơn linh của Thượng đế hóa sanh, nên nhân loại phải đi đến Đại đồng là điều tất yếu, chớ không do một quyền lực siêu nhiên hay do thế quyền ban bố. Các tôn giáo trên hành tinh này đều do Thượng Đế lập ra ở các địa phương có phong hóa khác nhau, nên tùy mỗi nơi mà lập giáo cho phù hợp với phong hóa nơi đó, nên các tôn giáo có nhiều điều dị biệt, nhưng cơ bản vẫn từ Thượng Đế mà ra, mà giáo chủ các tôn giáo đó dù là Phật, Chúa Jesus, lão Tử, Khổng tử vv.. đều là hóa thân của Thượng đế trong xác phàm. Do đó Đạo Cao Đài có quan niệm chấp nhận sự hiện hữu của các tôn giáo, nhưng vì có sự phân chia tôn giáo mà chia rẽ nhau, nên các tôn giáo rồi đây sẽ phải quy nguyên về cái ‘Một” ban đầu là Thượng đế là Đấng Duy nhất, theo như Thánh giáo “chủ quyền chơn đạo một mình ta” “Quy nguyên” là trở về nguồn gốc ban đầu, tức đi ngược dòng về điểm xuất phát ban đầu, chớ không phải tổng hợp thành một thực thể mới trong tương lai.
Theo đạo Cao Đài, dù cung xưng là Thượng Đế, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Chúa Trời, Allah, Jehovah, Đức Chí Tôn v.v.. chỉ là một đấng Duy nhất là Thượng Đế. Do đó, không thể phân chia đạo này, đạo nọ, vì cũng có một nguồn gốc mà ra.
Theo Hồi Giáo, chỉ có một Thánh Allah và một tiên tri duy nhứt của Người là Mohammad , không có Chúa nào khác ngoài Allah. Từ đó Hồi Giáo không thừa nhận tôn giáo nào khác. Nhân loại tất yếu phải quy tụ về Đấng Allah duy nhứt.
Theo Đạo Cao Đài các tôn giáo quy nhất, tức là trở về nguồn cội ban đầu là Thượng Đế theo một tiến trình vô vi, tự nhiên, không do con người điều động, lần lượt tái lập Nho giáo trước, rồi đến Lão giáo, sau cùng là Phật giáo, để đưa tất cả con người trở về nguồn cội là Thượng Đế. Đối với Hồi Giáo, không thừa nhận các tôn giáo nào khác ngoài Hồi Giáo, hậu quả là đi đến sự tiêu diệt hay chinh phục các nước khác không theo Hồi Giáo, như lịch sử đã nói đến.
Đó là những điểm cơ bản giữa Cao Đài giáo và Hồi Giáo.
Mục tiêu của Đạo Cao Đài muốn mang đến cho nhân loại là đem đến một thế giới đại đồng trong đó các tôn giáo đại đồng, bình đẳng nhau, con người không phân biệt chủng tộc màu da ngôn ngữ đều bình đẳng nhau, để kiến tạo nền an bình vĩnh cửu cho nhân loại.
Đạo Cao Đài không đề cao một tôn giáo nào là siêu việt so với tôn giáo khác, và không chủ trương loại trừ các tôn giáo khác để trở thành tôn giáo duy nhất.
Quan niệm đó có được hội nhập vào thế giới Hồi Giáo chỉ nhận có một đấng Allah mà thôi không? Đây là một vấn đề thử thách đối với Đạo Cao Đài.
KẾT LUẬN: Làm sao Đạo Cao Đài hội nhập vào thế giới Hồi Giáo?
Hội nhập Đạo Cao Đài vào thế giới Hồi Giáo là một vấn đề tưởng như không tưởng, vì quan niệm chặt chẽ của Hồi Giáo. Nhưng biết đâu Đức chí Tôn đã sắp đặt trước để đạo Cao Đài được truyền bá ở các nước Hồi Giáo, khởi điểm là ở một quốc gia nhỏ bé, nghèo nàn là Bangladesh.
Không ít người không tin tưởng vào việc này. Thường mọi người đều mong ước đạo Cao Đài được truyền bá ở các nước lớn, có nền văn hóa cao, và mong ước môn tôn giáo Cao Đài được giảng dạy ở các đại học lớn như Harvard, hoặc Sorbonne v.v..
Chúng tôi tin rằng mọi việc đều do Đức Chí Tôn định trước hết, chúng ta chỉ cứ làm theo khả năng có thể có của mình mà thôi, như Đức Chí Tôn đã từng dạy: “các con muốn điều chi thì Thầy đã định rồi”, và “các con cứ làm mọi việc Thầy đã định trước.”
Đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn dùng huyền diệu cơ bút lập ra tại một nước VN nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu dân trí thấp kém còn chịu trong vòng thống trị của ngoại bang, vậy mà Đức Chí Tôn giao cho sứ mạng truyền bá chơn đạo khắp toàn cầu. Nếu Đức Chí Tôn dùng huyền diệu cơ bút lập Đạo và dạy Đạo ở Hoa Kỳ, hay các nước Âu Châu, thì có lẽ bây giờ Đạo Cao Đài đã truyền bá khắp thế giới rồi.
Người VN làm sao có đủ khả năng làm công việc lớn lao đó? Giáo lý Cao Đài chúng ta còn chưa hiểu hết, làm sao giảng cho người khác nghe?
Thực ra, khi lập Đạo Cao Đài tại VN, Đức Chí Tôn đã lựa chọn nơi thích hợp để hột giống quý được nẩy mầm và sinh sôi nẩy nở. Văn hóa VN là môi trường thích hợp cho sự phát triển của giáo lý Cao Đài, để rồi từ đó bung ra khắp thế giới.
Việc truyền bá Đạo Cao Đài, bắt đầu bằng việc giảng dạy môn Tôn giáo Cao Đài ở Đại học Bangladesh (một xứ Hồi Giáo), là một xứ có thể chấp nhận các tôn giáo khác, không giống như các nước Hồi Giáo thuận thành đoan khác chỉ công nhận có một Thánh Allah. Các sinh viên đại học Bangladesh, hầu hết là tín đồ Hồi Giáo, nghiên cứu Đạo Cao Đài trong tinh thần ôn hòa, sẽ hòa nhập giáo lý Cao Đài vào giáo điều Hồi Giáo, để từ đó nhận ra chân lý ở chỗ nào. Những sinh viên đó sau này sẽ là những nhà nghiên cứu tôn giáo đem giáo lý Cao Đài quảng bá trong thế giới Hồi Giáo. Chính người Hồi Giáo mới nói người Hồi Giáo nghe. Chúng ta không có khả năng thuyết phục ai nghe hết, đó là chưa kể kiến thức phổ thông và kiến thức tôn giáo của chúng ta chưa đủ để nói cho mọi người hiểu.
Việc truyền bá Đạo Cao Đài khắp thế giới không phải chỉ trong một hai chục năm, mà là từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Chúng ta đừng nôn nóng. Mọi người cứ làm công việc bình thường của mình, mọi chuyện khác có Đức Chí Tôn sắp đặt hết.
Đức Quyền Giáo Tòng đã nói: “Rồi đây các nguyên nhân sẽ xuống rần rần giúp Đạo”. Ông Nguyễn Kim Vinh, nguyên Đại tá quân đội Cao Đài, đã phát biểu khi thăm viếng Thánh Thất vùng Hoa Thạnh Đốn tháng 10 vừa qua, như sau: “Nhiệm vụ của hải ngoại là đánh chuông gõ mõ cho các nguyên nhân biết mà đến rồi truyền giáo cho chúng ta, chớ chúng ta không có khả năng làm việc đó.”
Chúng tôi tin như vậy và chúng tôi cứ làm những gì chúng tôi có thể làm được.
Hà Ngọc Duyên