Báo Ân Từ

(tiếp theo)

 

Chúng ta trở qua hành lang bên Nam phái, đứng bên trong hành lang và hướng ra phía ngoài, nhìn lên phía trên, chúng ta cũng thấy những bức họa liên tiếp từ trước ra sau Hậu Điện, rồi tiếp tục vòng qua Nữ phái, ta cũng đếm được 29 bức họa, theo thứ tự kể ra sau đây :

1. Tô Võ.

2. Thần đồng vấn Khổng Tử.

3. Tôn Tẫn tầm sư học Đạo.

4. Phật Nhiên Đăng - Công Chúa Diệu Thiện.

5. Khổng Tử tác Xuân Thu.

6. Sĩ-Đạt-Ta vượt thành đi tu.

7. Tô Huệ chức cẩm hồi văn.

8. Châu Văn Vương ngồi ngục.

9. Lão Tử giáng sanh.

10. Kỉnh Tâm thọ hàm oan.

11. Từ Giáp.

12. Thành Bình Định, Võ Tánh thiêu mình.

13. Trưng Nữ Vương khởi nghĩa.

14. Đào Viên kết nghĩa.

15. Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện.

16. Huyền sử Ông Thầy không tên.

17. Trung Úy Võ Đông Sơ bình hải khấu.

18. Hạng Võ thất thủ thành Cai Hạ.

19. Sài - Triệu - Trịnh.

20. Hàn Dũ bị đày.

21. Tận trung báo quốc.

22. Hàn Tín lòn trôn.

23. Bạng Duật tương trì, Ngư ông đắc lợi.

24. Tích Mạnh Mẫu.

25. Tín nhạn.

26. Trương Lương dâng dép 3 lần.

27. Ngưu Lang - Chức Nữ.

28. Thương dương - Võ.

29. Mẫu đơn - Trĩ.

[ Các độc giả muốn biết rõ các Điển tích trên các bức họa vẽ bên ngoài và bên trong hành lang Báo Ân Từ, xin xem quyển : 91 Điển tích nơi Hành lang Báo Ân Từ. ]

 

B. Phần Chánh Điện thờ Đức Phật Mẫu Chúng ta đã quan sát xong phần bên ngoài Báo Ân Từ. Bây giờ chúng ta bước vào trong Chánh Điện, quan sát sự thờ phượng Đức Phật Mẫu.

Trên bức vách ngăn giữa Hậu Điện và Báo Ân Từ, nơi gian giữa có đắp tượng Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương và 4 Tiên đồng Nữ nhạc, ngồi trên lưng chim Thanh loan trong tư thế đáp xuống sân Hoa Điện.

 

Bên tay mặt của Đức Phật Mẫu, ở phía dưới, có tượng của ông Tiên Đông Phương Sóc đứng thẳng, 2 tay nâng một cái dĩa lên khỏi đầu để rước 4 quả Đào Tiên do Đức Phật Mẫu ban tặng cho Hớn Võ Đế. Phía tay trái của Đức Phật Mẫu , bên dưới, nơi sân Hoa Điện , có tượng của Đức Cao Thượng Phẩm tay cầm Long Tu Phiến, đang quì ngước mặt lên cung nghinh Đức Phật Mẫu. Trên lưng chim Thanh loan

 

Tượng Đức Phật Mẫu to lớn, ngồi chính giữa.

Hai bên tay mặt và tay trái của Đức Phật Mẫu là Cửu vị Tiên Nương tay cầm bửu pháp, kể ra như sau :

1) Nhứt Nương, mặc áo màu xanh, tay ôm đàn Tỳ bà, ngồi dưới thấp bên trái của Đức Phật Mẫu.

2) Nhị Nương, cũng mặc áo màu xanh, tay cầm Lư hương, ngồi kế Đức Phật Mẫu phía trái. 

3) Tam Nương, cũng mặc áo màu xanh, tay cầm Quạt Long tu, ngồi dưới thấp bên mặt của Đức Phật Mẫu.

4) Tứ Nương, mặc áo màu đỏ, tay cầm Kim bảng, ngồi bên mặt Đức Phật Mẫu, kế Tam Nương.

5) Ngũ Nương, mặc áo màu đỏ, tay cầm cây Như Ý , ngồi bên trái Đức Phật Mẫu, kế Nhị Nương.

6) Lục Nương, mặc áo màu đỏ, tay cầm Phướn Tiêu Diêu (cũng gọi là Phướn Truy Hồn), ngồi kế bên mặt của Đức Phật Mẫu.

7) Thất Nương, mặc áo màu vàng, tay cầm bông sen, ngồi phía trái Đức Phật Mẫu, kế Nhứt Nương.

8) Bát Nương, mặc áo màu vàng, tay cầm Giỏ Hoa lam, ngồi nơi phía mặt của Đức Phật Mẫu, kế Tam Nương.

9) Cửu Nương, mặc áo màu xanh, tay cầm Ống tiêu, ngồi nơi phía mặt Đức Phật Mẫu, kế Lục Nương.

Phía sau Đức Phật Mẫu là 4 Tiên đồng Nữ nhạc theo hầu Đức Phật Mẫu có tên như sau :

- Vương Tử Phá, mặc áo màu xanh, đứng bên phía trái của Đức Phật Mẫu, tay cầm cây Phướn.

- Đổng Song Thành, mặc áo màu xanh, đứng bên phía mặt của Đức Phật Mẫu, tay cũng cầm một cây Phướn giống như Vương Tử Phá.

- An Phát Trinh, mặc áo màu vàng, đứng phía trái Đức Phật Mẫu, kế Vương Tử Phá, tay cầm cây quạt lông cán dài.

- Hứa Phi Yến, mặc áo vàng, đứng bên phía mặt của Đức Phật Mẫu, kế Đổng Song Thành, tay cũng cầm cây quạt lông cán dài.

Phía dưới tượng của Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương là Bàn thờ, trên đó có đặt một Long vị Đức Phật Mẫu, đề chữ Nho lớn thẳng đứng là : DIÊU TRÌ KIM MẪU.

Trên bàn thờ, cách bày trí Hoa, Quả, Rượu, Trà, Đèn, Nhang giống như bàn thờ Đức Chí Tôn, nhưng không có Đèn Thái Cực, chỉ có Đèn Vọng, và đặc biệt có 2 Lư hương :

- Một Lư hương đặt bên trên có cắm 5 cây nhang, dành thờ Đức Phật Mẫu.

- Một Lư hương đặt bên dưới có cắm 9 cây nhang phân làm 3 hàng, dành thờ Cửu vị Tiên Nương.

Lồng căn có đặt bàn thờ Đức Phật Mẫu gọi là lồng căn số 1. Lồng căn số 2, mỗi bên đặt 3 cây Tàn với 3 màu vàng, xanh, đỏ, theo thứ tự từ trong ra ngoài. Lồng căn số 3, mỗi bên đặt một Dàn Lỗ bộ gồm 8 món binh khí thời xưa, có 2 cây Lọng đặt ở hai đầu. Giữa 2 cây cột phân chia lồng căn số 2 và số 3, có đặt một Bàn Hương án dùng làm Nội Nghi, trên đó có :

Bình bông, Dĩa trái cây, Lư trầm để đốt lên trong giờ hành lễ, Cặp chưn đèn và Lư hương cắm 3 cây nhang.

Ngoài ra ở 2 bên, trên 2 ghế nhỏ có đặt 1 cái chuông và 1 cái mõ để đồng nhi tụng Di Lạc Chơn Kinh sau khi cúng thời Dậu xong. Do đó bàn Nội Nghi còn được gọi là Bàn Kinh. Ngó ra bên ngoài, chúng ta còn thấy một Bàn Hương án nữa, đặt giữa 2 cây cột phân chia lồng căn số 6 và số 7, gọi là Bàn Hội Đồng, dùng làm Ngoại Nghi. Trên bàn Ngoại Nghi có Bình bộng, Dĩa trái cây, Đèn vọng, Ly rượu, Chung trà, Cặp chưn đèn, Lư hương cắm 3 cây nhang.

 

Bàn Hội Đồng dành cho Chơn hồn của các Chức sắc Đại Thiên Phong Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài quá vãng đến đó chầu lễ Đức Phật Mẫu khi cúng Đại đàn. Cuối lồng căn số 8 có đặt một cái bàn, trên đó không có chưng bày gì cả, gọi là Bàn Lễ sĩ, để các Lễ sĩ chuẩn bị Bông, Rượu, Trà(Tam Bửu) điện lễ dâng cúng Đức Phật Mẫu. Sau Bàn Lễ sĩ là lồng căn thứ 9, đặt một cái bàn tròn thấp, có băng tròn vây quanh dành cho Ban Nhạc ngồi đờn khi cúng Đức Phật Mẫu vào Tứ thời mỗi ngày.(Khi cúng Đại đàn, Ban Nhạc không được ngồi ở đây, mà phải lên lầu 1 Báo Ân Từ). Bên cạnh Bàn tròn của Ban Nhạc, phía bên Nữ phái có đặt một cái Kiểng.

 

Bên ngoài Bàn tròn của Ban Nhạc là một tấm vách ngăn, trên đó có chừa một khung lớn, sơn toàn trắng, để tượng trưng Khí Sanh Quang.  Chúng ta đi trở lên, giữa 2 cây cột phân chia lồng căn số 1 và số 2, phía bên trên, sát với la-phông (Plafond) có đắp một tấm diềm. Phía sau tấm diềm có treo tấm màn màu vàng. Chúng ta còn thấy nơi Ngoại Nghi cũng có treo một tấm màn màu vàng tương tự.  Nhìn lên tấm diềm trước Bàn thờ Đức Phật Mẫu, chúng ta thấy có trang trí các thức mây lành ngũ sắc, phía bên trên có đắp hình một con chim Thanh loan, đây là con chim lịnh của Đức Phật Mẫu, và xung quanh có đắp 9 Bửu pháp của Cửu vị Tiên Nương, kể ra dưới đây :

  • . Bên dưới chim Thanh loan là cây phướn Tiêu Diêu của Lục Nương.

  • . Phía bên Nữ phái có 4 Bửu pháp : Kim bảng của Tứ Nương, Giỏ Hoa Lam của Bát Nương, Quạt Long tu của Tam Nương, và Ống Tiêu của Cửu Nương.

  • . Phía bên Nam phái có 4 Bửu pháp : Đờn Tỳ bà của Nhứt Nương, Lư hương của Nhị Nương, Cây Như ý của Ngũ Nương và Bông sen của Thất Nương.  Trên mỗi cây cột 2 bên Chánh điện có gắn một tấm bảng màu vàng, đề 3 chữ Nho : BÁT CẢNH CUNG, bên dưới đề một chữ Nho nữa : Kỳ (nghĩa là Cờ). Bảng nầy cho biết 8 lồng căn của Chánh điện làm nơi thờ Đức Phật Mẫu tượng trưng Bát Cảnh Cung của Đức Phật Mẫu, và bảng nầy còn dùng để cắm cờ đạo khi có Lễ lớn.

La-phông nơi gian giữa, tức là của phần Chánh điện, có hình dạng là phân nữa hình ống tròn, sơn màu  xanh da trời, trên đó có vẽ mây trắng và vẽ một con rồng trắng ẩn hiện trong mây, đầu rồng ở nơi lồng căn số 9 và đuôi rồng nơi lồng căn số 3.  Bây giờ, chúng ta bước qua gian bên Nam phái để quan sát. Phía bên trong, ngang với tượng thờ Đức Phật Mẫu, có đắp một cái khánh thờ lớn, ở giữa cẩn hàng chữ Nho lớn thẳng đứng : CHƯ CHƠN LINH NAM PHÁI, bên trên có 2 chữ Nho nhỏ : CUNG PHỤNG, và bên dưới có 2 chữ TỌA VỊ.  Phía dưới chữ CHƯ CHƠN LINH NAM PHÁI là bàn thờ, ngay chính giữa có đặt một Long vị đề chữ Nho là TỊCH BỘ HỮU CÔNG, để thờ những Chức sắc Nam phái có đại công với Đạo. Hai bên Long vị nầy là 2 Long vị nhỏ hơn của Phạm Phối Thánh (Phối Thánh Phạm văn Màng) và của Bùi Phối Thánh (Phối Thánh Bùi ái Thoại). Nhìn lên la-phông, thấy bằng ngang, sơn màu trắng, ngay chính giữa mỗi căn có trang trí một hình 8 cạnh vẽ mây và Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng).

 

Ngang với tấm diềm nơi gian giữa, bên gian Nam phái cũng có đắp một tấm diềm trang trí 5 sắc mây lành và Tứ Linh. Sau tấm diềm nầy có treo một tấm màn màu xanh. Chúng ta bước qua quan sát gian bên Nữ phái, chúng ta thấy cách bố trí giống y như bên Nam phái, nhưng hàng chữ Nho lớn trên khánh thờ là : CHƯ CHƠN LINH NỮ PHÁI, và trên bàn thờ không có Long vị của 2 vị Phối Thánh, vì gian bên nầy chỉ thờ các Chơn linh Nữ phái mà thôi.  Chúng ta đo bề ngang của Báo Ân Từ nơi cửa hông, tính phủ bì cả 2 Hành lang hai bên, đo được 16 thước; từ vách bên nây sang vách bên kia đo được 12 thước, chia làm 3 gian, mỗi gian có bề rộng 4 thước; Hành lang rộng 2 thước. Nền Báo Ân Từ được lót bằng gạch bông. Sau nầy, lớp gạch bông được thay bằng lớp gạch men đẹp và bóng láng hơn.

 

C. Phần Hậu Điện

Phần Hậu Điện Báo Ân Từ chiếm 4 lồng căn, nên có bề dài 16 thước ( mỗi căn có bề rộng 4 thước).  Giữa phần Hậu Điện và Chánh Điện có 2 cửa nhỏ thông nhau, một ở bên Nam phái và một ở bên Nữ  phái. Trong Hậu Điện có thiết lập một Bàn thờ, trên đó có đề 3 chữ Nho lớn : PHƯỚC LỘC THỌ. Đó là Tam vị Thiên Quân tượng trưng Cửu Huyền Thất Tổ chung cho mọi người, nên thường được gọi là Bàn thờ Ông Bà chung.  Tại sao ? Bởi vì người ta cho rằng Tổ Tiên Ông Bà của mỗi người đều ở trong 3 bực :

- Phước : Có con cháu đông đảo nối dõi tông đường.

- Lộc : Có chức phận và giàu có.

- Thọ : An nhàn và sống lâu. (Xem bên dưới : Sự tích Phước Lộc Thọ). Hai bên Bàn thờ có đặt 2 cây Lọng màu vàng.

Hai cây cột phía trước Bàn thờ có gắn đôi liễn bằng chữ Nho, phiên âm ra sau đây :

- BÁO đáp chí công tiền bối khai cơ Thiên đạo lưu truyền thiên vạn đại,

- ÂN từ đại đức hậu nhơn thừa kế tôn sùng Chánh giáo thất ức niên.

Nghĩa là :

  • . Đền đáp công nghiệp lớn lao của các bậc tiền bối đã mở ra nền tảng Đạo Cao Đài truyền lại muôn đời về sau,

  • . Đền thờ những vị có ơn đức lớn, người sau thừa kế tôn sùng nền Đạo chơn chánh đến 700 000 năm.

Trong Hậu Điện có đặt 3 dãy bàn ghế dùng làm nơi hội họp hay đãi tiệc trong Đạo. Sự Tích Tam Thiên Quân: Phước , Lộc, Thọ Phước Lộc Thọ là tên của 3 Ông : Ông Phước, Ông Lộc, Ông Thọ, vào đời nhà Đường bên Tàu.

- Ông PHƯỚC có đức Trời ban, có con đông, nhưng nhà nghèo, lòng dạ chơn thật, tự lực cánh sinh, không  chịu nhờ vả ai, tin tưởng vận mạng của mỗi người do Trời định, nên giữ lòng thanh bạch, không tham vọng.

- Ông LỘC có đức của Đất cho, làm quan lớn tại triều đình, nhà giàu có lớn, tiền của dẫy đầy, có kẻ hầu người hạ, tánh tình hòa nhã, thanh liêm, một lòng vì nước vì dân, giàu lòng nghĩa hiệp, hay trợ khó giúp nghèo, mến hiền trọng đạo.

- Ông THỌ có đức do Người tạo, độc thân, sống lâu hơn mọi người, có lòng nghĩa hiệp, hay giúp đỡ người nghèo khổ, chỉ sống bằng nghề ăn trộm, một năm chỉ ăn trộm một lần để nuôi thân suốt năm, không ham lấy thêm, gặp người quá nghèo khổ thì đi ăn trộm của nhà giàu, đem tiền đến cứu giúp.

Sự tích 3 Ông Phước, Lộc, Thọ được Đức Phạm Hộ Pháp giảng giải trong đêm giao Tòa nhà mới vừa xây cất xong vào năm 1947 dành cho Hiệp Thiên Đài làm Văn Phòng của chư vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài, có đông đảo Chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài tham dự.

" Ba Ông Phước, Lộc, Thọ cùng ở một thôn.

- Ông Phước thì nghèo khổ mà đông con.

- Ông Lộc thì làm quan, giàu có mà không con.

- Ông Thọ thì có nghề sở trường là ăn trộm, đi làm việc một đêm đủ tiền chi dụng một năm, ngoài ra chẳng làm việc gì khác.  Một hôm, Ông Thọ khởi sự hành nghề ăn trộm, đang đêm đi ngang qua nhà Ông Phước, thấy đèn còn thắp leo lét, ghé vào đứng bên ngoài xem, nghe vợ của Phước than thở nghèo khổ, con cái quần áo tả tơi. Ông Thọ thấy vậy cảm động đem lòng thương xót thầm, nghĩ rằng : Đêm nay, mình đi ăn trộm chuyến nầy để giúp Anh Phước đỡ nghèo, có tiền mua gạo ăn và sắm quần áo cho đàn con đông đảo.  Nghĩ vậy rồi liền thực hành, đi đến nhà Ông Lộc, rình cho đến khuya, đợi tôi tớ trong nhà ngủ say, mới đánh ngạch vào nhà, mở tủ lấy trộm được một số vàng bạc khá nhiều, bọc vào một cái khăn, rút lui êm tịnh, không ai trong nhà hay biết.  Ông Thọ liền đi ngay đến nhà Anh Phước, trời vẫn còn khuya, kêu Anh Phước dậy mở cửa, đốt đèn lên. Phước hỏi Ông Thọ, nửa đêm kêu cửa có việc chi cần gấp ?  Ông Thọ nói :

 

- Tôi đem giúp Anh một gói vàng bạc đây để Anh chi dụng trong nhà, mua gạo và sắm quần áo cho sắp nhỏ mặc cho lành lặn. Ông Phước hỏi:

- Vàng bạc ở đâu mà Anh có nhiều như vậy ? Ông Thọ đáp :

- Của tôi đem đến giúp Anh thì Anh cứ nhận mà dùng, hơi nào hỏi lòng vòng lôi thôi.  Ông Phước nói :

- Xin Anh cho tôi biết rõ của nầy do đâu mà có thì tôi mới dám nhận sự giúp đỡ của Anh, chớ tôi thấy Anh đâu có giàu gì !

Ông Thọ túng thế phải nói thiệt : - Số vàng bạc nầy do tôi lấy trộm của nhà giàu để đem lại giúp Anh cho đỡ nghèo. Ông Phước nói :

- Tưởng đâu Anh làm ăn khá giả, dư tiền dư bạc mà giúp tôi, nào dè Anh đi ăn trộm, thì vàng bạc nầy là của phi nghĩa, của gian, tôi không dám nhận đâu, Anh hãy đem về đi. Hai đàng nói qua nói lại một hồi, Ông Phước nhứt định không nhận, có vẻ giận, rồi mời Anh Thọ ra khỏi nhà, đóng cửa đi ngủ trở lại.  Ông Thọ nghĩ lấy làm lạ cho cái Anh Phước nầy, nhà nghèo rớt mồng tơi, đói nheo nhóc mà lại không chịu nhận vàng bạc bất nghĩa. Mình chẳng lẽ lấy số vàng bạc nầy về xài thì tỏ ra kém cỏi hơn Anh ta nhiều quá, nên quyết liều đem lại trả cho Ông Lộc. Ông Thọ suy nghĩ như thế, liền trở lại nhà Ông Lộc, kêu mở cửa, rồi vào nhà nói rõ cho Ông Lộc biết :

- Hồi đêm hôm, tôi có lén đào ngạch vào nhà Ông ăn trộm một số vàng bạc để đem lại giúp cho Anh Phước, vì thấy Anh Phước nhà quá nghèo mà lại đông con, nhưng Anh Phước nhứt định không chịu nhận vì  cho rằng của nầy là của ăn trộm, của phi nghĩa, nên tôi chẳng biết làm sao, đành liều đem lại trả cho Ông, xin Ông đừng bắt tội.   Ông Lộc nói :

- Tiền bạc ở trong tủ nhà của tôi thì nó mới là của tôi, nay nó đã ở trong tay Ông thì nó là của Ông, không phải của tôi nữa. Ông hãy mang về đi, tôi không biết tới nó nữa.  Ông Thọ nài nỉ :

- Tôi nói thiệt với Ông là số vàng bạc nầy là của Ông, Ông không tin thì vào mở tủ ra xem lại đi, tôi mới lấy trộm ra đó. Xin Ông tha tội cho tôi và cất nó trở lại vào tủ.

 

Ông Lộc nhứt định không chịu nhận và mời Ông Thọ ra khỏi nhà. Ông Thọ buộc phải ôm gói vàng bạc đi ra, trở về nhà, lòng nặng trĩu ưu tư, thầm nghĩ hai thằng cha Phước  và Lộc là hai tay thật kỳ cục, phi thường khác tục. Ông suy nghĩ mãi và cảm thấy lương tâm ray rứt, kế trời  hừng sáng. Ông quyết định là mình cũng không xài số vàng bạc nầy làm gì, mất giá trị lắm, chẳng lẽ mình  thua Anh Phước sao, thôi mình nên đem đổ xuống sông cho rảnh.  Ông Thọ liền đem tất cả số vàng bạc ấy đến đứng giữa cầu, đổ trút xuống dòng sông nước đang chảy mạnh. Đúng lúc đó, có một đám người cờ bạc vừa tan sòng đi ra đến đầu cầu nhìn thấy, họ la hoãng lên vì động lòng tham, liền nhảy xuống sông để lặn mò lấy vàng bạc. Chẳng may nước chảy xiết quá, có một người ham lặn, hụt hơi chết đuối. Linh hồn chàng cờ bạc bị Quỉ sứ dẫn xuống Địa ngục phạt tội, liền tố cáo với Diêm Vương là tại Oâng Thọ nên anh ta mới bị chết chìm một cách oan uổng và đòi Diêm Vương bắt Ông Thọ đền mạng.  Diêm Vương liền kêu Quỉ Sứ lên bắt hồn của Ông Thọ dẫn xuống. Diêm Vương hỏi Ông Thọ :

 

- Tại sao nhà ngươi làm cho tên nầy chết đuối oan mạng như thế ? Hồn Ông Thọ đáp :

- Tâu Diêm Vương, tại tên nầy quá tham lam thấy tôi đổ vàng bạc xuống sông nên lặn mò quyết lấy, chẳng may bị hụt hơi chết đuối thì đáng kiếp lắm, chớ tôi đâu có xô nó xuống sông mà bắt tội tôi.

- Vàng bạc ở đâu ? Mà tại sao ngươi đổ xuống sông ?

- Vàng bạc nầy là của tôi, tôi không dùng thì tôi đổ xuống sông, ấy là quyền của tôi, tên nầy quá tham lam nên chết rán chịu. Diêm Vương lại phán :

- Mặc dầu là tiền bạc của nhà ngươi, nhưng lúc sắp soạn đổ xuống sông, ngươi phải lựa lúc vắng người, để không ai nhìn thấy mà khêu gợi lòng tham của kẻ xấu. Vậy ngươi chẳng chối tội đặng.

- Nếu Diêm Vương xét như vậy thì tội nầy là tội của Anh Phước mới đáng, chớ không phải tội của tôi, bởi vì số vàng bạc nầy, tôi đem lại cho Anh Phước để giúp Ảnh đỡ nghèo, mà Anh Phước không chịu lấy, nên tôi tức mình mới đem đổ xuống sông như thế.

Diêm Vương lại sai Quỉ Sứ lên bắt hồn của Ông Phước xuống đây đối chất. Diêm Vương hỏi Ông Phước :

- Số vàng bạc của Thọ đem đến giúp cho nghà ngươi, sao nhà ngươi không chịu lấy, để nó tức giận đem đổ xuống sông, làm cho tên cờ bạc nầy nổi lòng tham, lặn mò đến chết đuối ? Vậy nhà ngươi phải đền mạng  cho tên cờ bạc nầy. Ông Phước biện bạch thưa rằng :

 - Bẩm Diêm Vương, nhà tôi nghèo thật, nhưng vàng bạc của Anh Thọ giúp tôi là của gian, của ăn trộm, nên tôi nhứt định không nhận. Vậy tôi có tội gì ?

Diêm Vương quay qua quở Ông Thọ, Thọ liền thưa :

- Nếu như Anh Phước vô tội thì tội nầy phải là của Ông Lộc, bởi vì số vàng bạc nầy là của Ông Lộc do tôi lén lấy trộm đem về giúp Anh Phước, nhưng Anh Phước cho là của gian nên không nhận, tôi đành đem trả lại Ông Lộc và xin tha tội ăn trộm của tôi. Ông Lộc rất kỳ cục, không chịu chấp thủ, đuổi tôi ra khỏi nhà, nên tôi tức giận đem đổ xuống sông. Vậy tội nầy là của Ông Lộc.

Diêm Vương lại cho Quỉ sứ đi bắt hồn của Ông Lộc xuống tra hỏi.

Ông Lộc biện bạch rằng :

- Số vàng bạc nầy của tôi bị mất đã đành, nhưng Ông Thọ đã lấy đem ra khỏi nhà tôi mà tôi không hay biết, thế là của đó không còn là của tôi nữa, nên dầu cho Ông Thọ có năn nỉ trả lại, tôi nhứt định không chịu nhận. Kể ra của đó cũng bất nghĩa, tôi đành chịu ngu dại chớ không nhận lại của đó. Nhận lại hay không là quyền chọn lựa của tôi, tôi đâu có phạm tội gì.

 

Diêm Vương thẩm án, xét thấy 3 Ông Phước, Lộc. Thọ đều là người có nghĩa khí. Phước và Lộc đều  trong sạch. Thọ có tội ăn trộm nhưng biết giác ngộ và làm việc phải, giúp người nghèo khó. Vậy cả 3 người  nầy đều vô tội, chỉ có tên cờ bạc gian tham lặn mò cho đến đổi chết đuối là đáng kiếp, không thể khiếu nại gì được nữa.

 

Diêm Vương phán rồi, liền sai Quỉ sứ dẫn hồn tên cờ bạc chết oan đem giam vào Địa ngục hành hình và truyền đưa 3 hồn Phước, Lộc, Thọ trở về dương gian nhập xác.  Khi 3 hồn về tới dương gian thì 3 xác của 3 Ông đã được thân nhân mai táng, sình thúi hư hỏng hết rồi, vì vụ thưa kiện nầy lòng vòng mất nhiều ngày giờ. Do đó, 3 Chơn hồn được đưa trở lại Địa phủ.

Diêm Vương làm tờ sớ trình bày tỉ mỉ sự việc, dâng lên Thiên Tào phán định. Thượng Đế xem xong, phán rằng :

- Phước nghèo, đông con, giữ được lòng thanh bạch. Thọ thì độc thân, không tham, có nghĩa, nhân từ. Lộc  thì có lòng độ lượng.

 

Cho nên, Phước Lộc Thọ là 3 tánh đức của Trời, Đất, Người. Người mà có được 3 đức ấy để hưởng là một phúc hạnh lớn.  Nay phong cho 3 vị làm Tam Thiên Quân, và truyền cho thế gian tôn thờ 3 Đấng Thiên Quân nầy để làm gương. Đạo Nho lấy sự tích Phước-Lộc-Thọ nầy làm biểu tượng thờ Cửu Huyền Thất Tổ, thể sánh Tổ Phụ Ông Bà thuở xưa cũng đã từng hưởng được 3 đức ấy. Đức Phạm Hộ Pháp cho lập tại Hậu Điện Báo Ân Từ và nơi Khách Đình , thờ 3 chữ PHƯỚC-LỘC-THỌ bằng chữ Nho đại tự, để làm Bàn thờ Ông Bà chung. Trong truyện Tây Du Ký có chép chuyện Tôn Hành Giả đi ra Đảo Bồng Lai gặp 3 Ông Phước, Lộc, Thọ,  gọi là Thọ Tinh, Phước Tinh, Lộc Tinh. Chuyện ấy tóm tắt như sau :

 

" Sau khi Tôn Hành Giả nổi giận quật ngã cây Nhơn Sâm của Trấn Nguyên Đại Tiên ở Ngũ Trang Quán núi Vạn Thọ, bị Trấn Nguyên Đại Tiên dùng phép Tiên bắt hết 4 Thầy trò Tam Tạng để bắt đền cây Nhơn Sâm. Tôn Hành Giả hứa đi tìm thuốc cứu cây Nhơn Sâm ấy cho sống lại, hẹn trong 3 ngày trở lại, để Tam Tạng, Trư Bát Giới cùng với Sa Tăng ở lại làm tin.

 

Tôn Hành Giả thót lên mây, cân đẩu vân thẳng đến Đông Dương Đại Hải, tới nơi, Hành Giả đi thẳng đến Đảo Bồng Lai, thấy ngoài cửa Động Bạch Vân, dưới bóng tùng, có 3 ông già đang ngồi đánh cờ. Người ngồi xem là Thọ Tinh, còn 2 người đang đánh cờ là Lộc Tinh và Phước Tinh. Hành Giả bước tới chào hỏi :

- Kính chào 3 Ông Em.

Ba người bỏ ván cờ, đồng hỏi :

- Đại Thánh có việc chi tới đây ?

- Chẳng giấu gì các Ngài, Lão Tôn nhận bảo hộ Đường tăng đi Tây phương thỉnh kinh, giữa đường gặp một chút trở ngại, có tí việc muốn nhờ đến các Ngài giúp đây.

Phước Tinh hỏi :

- Trở ngại gì, Đại Thánh nói ra để chúng tôi còn liệu.

- Trở ngại ở Ngũ Trang Quán, núi Vạn Thọ.

Ba vị Phước, Lộc, Thọ kinh ngạc hỏi :

- Quán Ngũ Trang là Cung Tiên của Trấn Nguyên Đại Tiên. Chắc Đại Thánh vào đấy ăn trộm quả nhơn sâm của ông ấy chớ gì ?

- Ăn trộm thì đáng là bao, Lão Tôn đã quật nó ngã chổng gọng chết rồi. Lão ấy bắt đền. Ta hứa đi tìm thuốc chữa cho cây Nhơn sâm ấy sống lại. Nó bắt Thầy ta ở lại làm tin, hẹn trong 3 ngày phải có thuốc. Ba Ngài có phương thuốc nào chữa cho cây Nhơn sâm ấy sống lại không ?   Ba Ông Phước, Lộc, Thọ buồn rầu đáp :

- Con khỉ nầy chẳng biết gì hết. Trấn Nguyên Đại Tiên là Ông Tổ của dòng Địa Tiên. Chúng tôi đây thuộc dòng Thần Tiên, nhưng vẫn thuộc Thái Ất tán số, chưa phải là dòng Chân truyền, nên thoát khỏi tay người ta làm sao được. Tưởng như Đại Thánh giết chết loài thú chạy chim bay thì dùng Viên đơn lúa mạch  của chúng tôi đây là có thể cứu sống được. Đằng nầy cây Nhơn sâm là giống cây Tiên, thì cứu làm sao được. Không có thuốc đâu !  Tôn Hành Giả nghe nói không có thuốc thì châu mày trợn mắt. Phước Tinh nói:

- Đại Thánh ạ ! Ở đây chúng tôi không có thuốc thật mà. Biết đâu nơi khác có thì sao, hơi đâu mà buồn phiền.

- Dù đi khắp chơn trời góc biển, việc đó có khó gì đối với Lão Tôn, ngặt Sư phụ của Lão Tôn phép nghiêm lượng hẹp, hạn cho có 3 ngày. Quá hạn 3 ngày không về thì ổng niệm Chú Cẩn Cô khổ lắm.

- Đúng ! Đúng ! Không có phép ấy để trói buộc Đại Thánh thì Đại Thánh lại chọc trời mất !  Thọ Tinh nói :

- Đại Thánh yên tâm, chớ phiền não. Vị Đại Tiên ấy, tuy là bậc trên của chúng tôi, nhưng cũng là chỗ quen biết. Để 3 chúng tôi đến đó thăm Ngài và nói giùm cho Đại Thánh, bảo Đường Tăng đừng đọc Chú Cẩn Cô, đợi khi nào Đại Thánh mang thuốc về, chúng tôi mới từ biệt. Đại Thánh an lòng lo đi tìm thuốc.

- Cám ơn 3 Ngài. Lão Tôn xin 3 Ngài đi ngay cho."

( Sau đó Hành Giả đến cầu được Đức Quan Âm Bồ Tát, dùng nước Cam Lồ trong Tịnh bình, cứu sống được cây Nhơn sâm. Trấn Nguyên Đại Tiên mới vui lòng để cho 4 Thầy trò Đường Tăng lên đường thỉnh  kinh).

 

về trang chủ