CON ÐƯỜNG VỀ VỚI ÐỨC CHÍ TÔN

 Hà Ngọc Duyên

 


 

Thường nhiều người nghĩ rằng chỉ có cách tu chơn hay tịnh luyện mới dẫn con người về với Đức Chí Tôn. Nhưng theo Đạo Cao Đài, chẳng những theo đường tu chơn, mà theo đường tu nhơn đạo tức theo Cửu Thiên Khai Hóa (theo Hội Thánh Cửu Trùng Đài), và theo Thập Nhị đẳng cấp Thiêng Liêng (theo Hội Thánh Phước Thiện) con người cũng được về với Đức Chí Tôn.

 

Hai cách tu hành trong giáo lý Cao Đài dẫn con người theo hai đường về với Đức Chí Tôn :

 

Tu chơn hay tịnh luyện, tức luyện Tam Bửu, Tinh Khí Thần hiệp nhứt, chơn thần hườn nguyên, chơn thần chính là Thần sẽ về hội hiệp với Đức Chí Tôn không qua cỏi giới nào khác, vì con người đã đắc Đạo tại thế. Nhưng muốn tu chơn, người tu theo Đạo Cao Đài phải theo con đường tu nhơn đạo để làm tròn Tam Lập trước, rồi mới được vào tu chơn để nhận bí pháp luyện Đạo. Đây là chức năng “độ sanh” của Đạo Cao Đài. Chức năng sẽ hợp với thời kỳ Đạo Cao Đài, chuyển sang phần Bí Pháp để độ con người đắc đạo tại thế.

 

Tu nhơn đạo để đạt địa vị nhơn phẩm. Người tu theo Đạo Cao Đài theo con đường tu nhơn đạo, sau khi qui liễu, chơn thần và linh hồn cùng về với Đức Chí Tôn. Con đường này rất khó khăn, không dễ gì thực hiện, nếu lúc sanh tiền, người tu theo Đạo Cao Đài không đạt được địa vị nhơn phẩm và làm tròn Tam Lập. Chơn hồn (chơn thần + linh hồn) người qui liễu phải qua nhiều cảnh giới, mỗi cảnh giới chơn hồn phải tu tiến mới được lên cảnh giới cao hơn, nếu không sẽ bị luân hồi. Về với Đức Chí Tôn không dễ dàng. Đây là chức năng “độ tử” của Đạo Cao Đài. Chức năng này phù hợp với thời kỳ Đạo Cao Đài mở Thể Pháp, dẫn dắt chúng sanh theo con đường của Hội Thánh.

 

Chức năng của Đạo Cao Đài : Độ Sanh và Độ Tử.

 

Có 3 cách về với Đức Chí Tôn hay là 3 cách lập vị cho mình. Cách thứ nhứt là theo con đướng Cửu Thiên Khai Hóa hay là Hội Thánh Cửu Trùng Đài để dùng tài sức mình lập công đoạt Đạo. Cách thứ hai là theo Thập Nhị đẳng cấp Thiêng Liêng hay Hội Thánh Phước Thiện, tức dùng Đức của mình, có nghĩa là dùng sự thương yêu để cứu độ chúng sanh. Theo 2 cách trên, người tu theo Đạo Cao Đài đi đến cái mục tiêu là làm tròn Tam Lập (Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn). Người trong Đạo Cao Đài thường gọi 2 cách này là tu theo nhơn đạo. Trong thời kỳ đại ân xá, Đức Chí Tôn cũng cho những người tu theo nhơn đạo cũng được trở về ngôi vị củ. Cách thứ ba còn được gọi là con đường thứ ba Đại Đạo, theo đó người tu theo Dạo Cao Đài sau khi làm tròn Tam Lập rồi, nếu muốn thì theo con đường tu chơn hay tịnh luyện để luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hườn Hư. Đó là luyện Tam Bửu, để Tinh Khí Thần hiệp nhất, mà “hườn nguyên chơn thần”, nghĩa là đưa chơn thần trở về bản chất mầu nhiệm ban đầu lúc Đức Phật Mẫu ban cấp cho mỗi người khi đầu thai để chơn thần mang linh hồn xuống cỏi phàm trần.  “Luyện Khí hóa Thần” hay là luyện chơn thần để chơn thần hóa ra Thần, Thần là linh hồn, tức là chơn thần hiệp nhứt với linh hồn để hườn hư, nghĩa là trở nên “hư vô”, đồng bản chất với Thượng Đế.

 

Khi Tinh Khí Thần hiệp nhứt thì hườn hư, người tu theo Đạo Cao Đài lúc đó sẽ đắc đạo tại thế và có thể xuất chơn thần của mình về hội hiệp với Đức Chí Tôn, gặp các Đấng Thiêng Liêng để học thêm Đạo, và sau khi bỏ xác phàm thì chơn thần chính là Thần hay linh hồn về thẳng với Đức Chí Tôn không qua cảnh giới nào khác.

 

Đây là điểm khác biệt với con đường tu nhơn đạo. Người tu nhơn đạo không đắc quả tại thế, mà chỉ sau khi qui liễu thì mới được về với Đức Chí Tôn, nhưng bằng cả linh hồn và chơn thần, gọi chung là chơn hồn, vì chơn thần chưa hiệp nhứt với linh hồn để hườn hư.

 

Hai con đường tu trong giáo lý Cao Đài là tu theo nhơn đạo và tu chơn hay tịnh luyện thể hiện hai chức năng của Đạo Cao Đài là ĐỘ TỬĐỘ SANH.

 

ĐỘ TỬ là độ chơn hồn của người tu theo Đạo Cao Đài sau khi qui liễu, để dẫn chơn hồn họ về với Đức Chí Tôn.

 

ĐỘ SANH là độ cho người tu theo Đạo Cao Đài đắc quả tại thế bằng cách truyền bí pháp để luyện Đạo.

 

Phương hướng 1 : ĐỘ TỬ

 

Người tu theo Đạo Cao Đài theo con đường “Cửu Thiên Khai Hóa” tức theo Hội Thánh Cửu Trùng Đài và theo con đường “Thập Nhị đẳng cấp Thiêng Liêng” tức theo Hội Thánh Phước Thiện, gọi chung là tu theo nhơn đạo, cũng được về với Đức Chí Tôn, nhưng về bằng cả linh hồn lẫn chơn thần, và chỉ được về sau khi đã qui liễu, tức là lúc đó chơn hồn (chơn thần và linh hồn) rời bỏ xác phàm sẽ được độ dẫn từng bước một, qua nhiều Cung, nhiều Điện, qua nhiều cảnh giới ở cỏi Thiêng Liêng, mà ở mỗi cảnh giới là một trường học, và là một trường thi để chơn hồn học hỏi và rèn luyện thi lên cảnh giới cao hơn. Nếu không đậu để lên cảnh giới cao hơn thì phải ở cảnh giới củ tu tiến mãi, hoặc phải chịu luân hồi để học hỏi thêm.

 

Thánh giáo gọi con đường này là "đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi" (TNHT), nếu chẳng noi theo con đường đó thì "các bậc ấy đều lạc bước mất hết ngôi phẩm" (TNHT)). Chúng tôi gọi con đường mà các chơn hồn về với Đức Chí Tôn nói trên là “con đường luân hồi”, vì nếu không được “đậu” lên cảnh giới cao hơn thì phải chịu luân hồi. Ngay chính chơn hồn đã qua khỏi tầng Tạo Hóa Thiên (do Đức Phật Mẫu chưởng quản) là tầng cuối cùng của Cửu Trùng Thiên, để nhập vào Bát Quái Đài mà vào Ngọc Hư Cung ở tầng Hư Vô Thiên, để vào Lôi Âm Tự kiến Phật A Di Đà, mà nếu thiếu công đức cũng bị rơi xuống ao Ô Trì, tức là chịu luân hồi lại nữa.

 

Đức Phạm Hộ Pháp đã giảng rõ điều này là “con đường về với Đức Chí Tôn không phải dễ, mà cũng không phải về là tới liền”. Muốn về với Đức Chí Tôn, ta phải qua nhiều Cung, nhiều Điện. Mỗi Cung ta gặp một sự lạ, mỗi Điện ta gặp một huyền vi khác nhau, phải đi từng Cung nầy đến Điện nọ, nên gọi là  “Dục tấn trên con đường Thiêng Liêng Hằng Sống”. Về được với Đức Chí Tôn thì không có gì hạnh phúc bằng.

 

Một kiếp tu chưa chắc đã về được với Đức Chí Tôn, muôn ngàn kiếp mà nếu thiếu tu, cũng không khi nào về được với Đức Chí Tôn (Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống - Thuyết Đạo đêm 13 tháng 8 năm Mâu Tý , 16-9-1948).

 

Dù trong thời kỳ Đại Ân Xá, chỉ "ngộ kiếp một đời tu" cũng về được với Đức Chí Tôn, nhưng việc đó không phải dễ dàng nếu không làm đúng theo "lẻ Đạo của Thầy". Tuy Đức Chí Tôn đặc ân cho những người tu theo Nhơn Đạo nói trên cũng được về với Đức Chí Tôn, nhưng trước hết họ phải đạt cho được phẩm vị nhơn loại, tức nhơn phẩm. Pháp Chánh Truyền viết : “Lập Tam Kỳ Phổ Độ này, Thầy đem các chơn linh dầu nguyên sanh, quỷ sanh hay hóa sanh lên phẩm vị nhơn loại mới tròn câu Phổ Độ.” Thánh Giáo cũng dạy : “Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong nơi vật chất mà ra thảo mộc, từ thảo mộc đến thú cầm; loài người phải chuyển kiếp ngàn năm muôn lần mới đến địa vị nhơn phẩm.” (TNHT) Thánh Giáo cũng dạy : “Đạo là đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi.” (TNHT).

 

Con người muốn đạt địa vị nhơn phẩm phải theo con đường “Cửu Thiên Khai Hóa” tức theo Hội Thánh Cửu Trùng Đài, hay con đường “Thập nhị đẳng cấp Thiêng Liêng” tức theo Hội Thánh Phước Thiện để thực hành Tam Lập (Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn) mà lập vị mình. Sau khi qui liểu, chơn hồn của những người đó tùy theo công đức ở dương thế, mà sẽ được độ dẫn vào cảnh giới nào tương xứng ở cỏi Thiêng Liêng. Chỉ trong thời kỳ đại ân xá này, chơn hồn của những người ở dương thế đã đạt địa vị nhơn phẩm mới được độ dẫn về cỏi Thiêng Liêng, chớ trong trường hợp bình thường, chơn hồn phải tái kiếp muôn lần để đi hết 72 Địa Cầu cho đến Đệ Nhứt Cầu, qua Đệ Nhứt Cầu mới đến Tam Thiên Thế Giới, rồi Tứ Đại Bộ Châu, qua khỏi Tứ Đại Bộ Châu mới đến Tam Thập Lục Thiên, đến Tam Thập Lục Thiên rồi phải chuyển kiếp tu hành nữa mới đặng vào Bạch Ngọc Kinh (xin xem sơ đồ Càn Khôn Vũ Trụ đính kèm).

 

Tóm lại, phương hướng độ tử trong giáo lý Cao Đài là con đường mà các chơn hồn của những người tu theo Đạo Cao Đài đã đạt địa vị nhơn phẩm ở dương thế, sau khi qui liểu, được độ dẫn về với Đức Chí Tôn, để lánh khỏi luân hồi. Đây là con đường lánh luân hồi của các bậc nhơn phẩm.

 

Phương hướng 2 : ĐỘ SANH

 

“Độ Sanh” là mục tiêu xa xôi của Đạo Cao Đài phải thực hiện. Vai trò của Quan Thế Âm Bồ Tát trong hàng Tam Trấn của Đạo Cao Đài là vai trò “độ sanh”, tức độ con người đắc đạo trong kiếp sanh của mình. Đức Hộ Pháp giảng : “Từ khổ hải về cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống phải đi ngang sông Ngân Hà, có một chiếc thuyền Bác Nhã của Đức Quan Âm Bồ Tát, vâng lệnh Đức Phật Di Lặc, chèo thuyền qua lại sông Ngân Hà và khổ hải đặng độ sanh Thiên hạ.” (Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống – Thuyết Đạo ngày 29 tháng 9 năm Mậu Tý, 1948). ý niệm “độ sanh” gắng liền với ý niệm “Bác Nhã”, nên “độ sanh” là độ dẫn con người đắc Đạo tại thế, để sau này con người đều là Thần Thánh tiên Phật tại thế theo như các lời tiên tri trong giáo lý Cao Đài. Ý niệm “độ sanh” cũng được thể hiện trong các bài kinh của Đạo Cao Đài: “Chèo thuyền Bác Nhã, Ngân Hà độ sanh” (Kinh Giải Oan), hay “Bộ Công Di lạc, Tam Kỳ độ sanh “ (Kinh Tiểu Tường).

 

Đạo Cao Đài “độ sanh” con người tức là truyền bí pháp để họ tịnh luyện để hiệp nhứt Tinh Khí Thần, mà “siêu phàm nhập thánh”, “phản bổn hườn nguyên”, tức là độ con người đắc đạo trong kiếp sanh của mình. Không phải ai cũng được truyền bí pháp luyện Đạo. Theo giáo lý Cao Đài, chỉ có những người đã theo con đường Cửu Thiên Khai Hóa hay theo con đướng Thập Nhị đẳng cấp Thiêng Liêng, và họ đã làm tròn Tam lập rồi, mới được tiếp tục con đường tu chơn hay tịnh luyện.

 

Thực ra, không thể xác định ai đã làm tròn Tam Lập. Chính Đức Hộ Pháp đã xác nhận điều đó. Việc xác nhận ai đủ tiêu chuẩn theo đường tu chơn sẽ do Thiêng Liêng phán xét : Phái Chiếu Minh xin keo thể hiện Thiên Ý, còn ở Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp trục chơn thần cho họ rồi cho hội diện cùng quyền năng Thiêng Liêng, nếu có đủ Tam Lập thì vô, không thì ra. Thực tế, làm sao xác định ai làm tròn Tam Lập ? Đức Hộ Pháp giảng : “Phương pháp Tam Lập nói rõ ràng là chỉ đem trọn mảnh thân này làm tế vật cho Chí Tôn, đặng phụng sự nhơn loại” và “Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài là lập một trường thi công quả, hay nói cách khác là một trường thi Tam Lập, nên 3 môn thi chánh là : Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn. Người tín đồ Cao Đài là những sĩ tử sẽ tham dự kỳ thi ấy, nên cần phải lo học tập và rèn luyện 3 môn thi ấy, cho giỏi, cho hay để đi thi. Nếu không rèn luyện 3 môn thi này, mà lại học những môn khác như luyện Đạo chẳng hạn thì chắc chắn sẽ bị rớt.”

 

Phương hướng "độ sanh" là dẫn dắt con người đắc quả trong kiếp sanh tức là "hồi cựu vị" về với Đức Chí Tôn một cách trực tiếp không qua một cảnh giới nào ở cỏi Thiêng Liêng. Trong Thánh Giáo, chúng ta chỉ thấy nói đến việc độ rỗi 92 ức nguyên nhân hồi cựu vị, mà không thấy nói đến độ rỗi toàn chúng sanh hồi cựu vị như các nguyên nhân. Tại sao như vậy ? Thế sao gọi là đại ân xá ? Thánh Giáo cũng đã nói : “Đạo là con đường để Thánh Tiên Phật đọa trần, do theo mà hồi cựu vị.” Theo chúng tôi, các nguyên nhân hay Thần Thánh Tiên Phật đọa trần vốn bản chất còn gần với Đức Chí Tôn nên dễ được độ sanh để hồi cựu vị hơn các chúng sanh khác, vốn bản chất đã tiêm nhiễm thất tình lục dục nên khó độ rỗi hồi cựu vị ngay được. Các chúng sanh không phải nguyên nhân phải qua nhiều kỳ thi, trước hết ở dương thế phải qua kỳ thi nhơn đạo để đạt địa vị nhơn phẩm, rồi các bậc nhơn phẩm sau khi qui liễu, chơn hồn của họ cũng được hướng dẫn qua từng cảnh giới ở cỏi Thiêng Liêng (độ tử), phải học để tu tiến, phải "thi" để vượt lên cảnh cao hơn mà lánh khỏi luân hồi. Đây là con đường lánh luân hồi của các bậc nhơn phẩm. Chỉ có những chơn hồn vượt qua được tất cả cảnh giới mới về với Đức Chí Tôn. Còn các chơn hồn khác sẽ luân hồi tái kiếp mãi để lại học hỏi ở cỏi phàm cho tinh tấn, để làm tròn Tam Lập. Khi toàn chúng sanh đều làm tròn tam Lập thì sẽ được độ sanh dễ để đắc quả tại thế, tức hồi cựu vị trong kiếp sanh. Lúc đó toàn thể nhơn loại đều là Thần Thánh Tiên Phật tại thế.

 

Phác họa con đường về với Đức Chí Tôn của người tín đồ Cao Đài.

 

 Con đường tu chơn tịnh luyện để đắc quả trong kiếp sanh rất khó đạt được vì chỉ dành riêng cho một ít người có tích cách nguyên nhân, có đủ điều kiện Tam Lập. Việc “độ sanh” đòi hỏi phải truyền “bí pháp luyện Đạo”, vậy ai có đủ quyền năng truyền bí pháp đó ? Không phải ai cũng làm được việc này ! Có lẽ đến thời kỳ nào đó, có thể lúc Đạo Cao Đài chuyển sang phần Bí Pháp đúng theo Thiên Cơ qui định, sẽ có những bậc nguyên nhân vâng lệnh Đức Chí Tôn giáng trần truyền bí pháp luyện đạo cho chúng sanh.

 

Do đó, trong thời kỳ hiện tại, chức năng của Đạo Cao Đài là “độ tử”, tức là độ chơn hồn của tín đồ Cao Đài khi qui liểu về với Đức Chí Tôn. Chúng ta tìm hiểu lời giảng của Đức Hộ Pháp là tín đồ Cao Đài qui liểu sẽ về với Đức Chí Tôn bằng linh hồn lẫn chơn thần, có nghĩa là gì ? Khi tín đồ Cao Đài qui liểu sẽ được làm phép đoạn căn (nếu có ăn chay từ 10 ngày trở lên lúc sanh tiền), rồi được làm lể tuần cửu, kế đó là Tiểu Tường và Đại Tường. Riêng Chúc Sắc Thiên Phong qui liểu thì chỉ làm lể cúng Tiểu Tường và Đại Tường mà thôi. Việc cúng này theo chúng tôi không có nghĩa là chơn hồn của người tu theo Đạo Cao Đài được vào ngay cỏi Thượng Giới (đối với tín đồ) hay vào ngay tầng Trời Hư Vô Thiên (đối với Chức Sắc Thiên Phong), mà chỉ nói lên hai ý nghĩa :

 

1.      Nói lên giá trị tu hành của người tu theo Đạo Cao Đài nếu thực hiện đúng “lẻ Đạo” của Đức Chí Tôn thì sẽ được hưởng như vậy.

 

2.      Nhắc nhở chơn hồn người qui liểu biết đường về với Đức Chí Tôn để cố gắng tu tiến.

 

Bởi vì chơn hồn đến cảnh giới nào là do nơi sự “thanh” hay “trược” của chơn thần. Chơn thần chính là cái hộp nhốt linh hồn trong đó. Lúc con người đi đầu thai, được Đức Chí Tôn ban cấp cho một điểm linh quang, chiếc từ Đại Linh Quang của Người. Linh hồn như vậy chỉ là một điểm sáng không thể đi từ cỏi Thái Cực xuống cỏi phàm. Do đó, Đức Phật Mẫu mới ban cho một chơn thần, tức là xác thân Thiêng Liêng, bao bọc lấy linh hồn để mang linh hồn qua 7 cỏi giới : Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Bồ Đề, Thượng Giới, Trung Giới, Hạ Giới (cỏi Phàm). Qua mỗi cỏi giới, chơn thần lại được bận một lớp áo tức là lớp tinh thể, phù hợp với tinh thể ở cỏi đó, khi đến cỏi phàm thì chơn thần được bao bọc bởi xác phàm. Chơn thần như vậy đã được bọc 7 lớp áo qua 7 cỏi, nên khi về với Đức Chí Tôn thì cứ qua một cỏi giới bỏ một lớp áo, cho đến cuối cùng lên đến cỏi Thái Cực, chỉ có linh hồn về với Đức Chí Tôn mà thôi (theo ĐTCG). Tuy nhiên chúng tôi ghi nhận điểm khác biệt là theo như Kinh Cửu Cửu, khi chơn hồn đến tầng Trời thứ 9 của Cửu Trùng Thiên tức Tạo Hóa Thiên do Đức Phật Mẫu chưởng quản, thì chơn hồn vào Cung Trí Giác để luyện Tam Bửu, để hườn hư chơn thần, tức chơn thần và linh hồn hiệp nhứt.

 

Tóm lại, con người có 3 xác thân : xác phàm, chơn thần và linh hồn. Sau khi qui liểu, chơn hồn (tức chơn thần và linh hồn) lìa bỏ xác phàm. Linh hồn chỉ là một điểm sáng không thể xuất khỏi Càn Khôn được, nên chơn thần bao bọc linh hồn, chơn thần chính là cái xe đưa linh hồn về cỏi Thiêng Liêng. Nhưng chơn thần dễ bị thất tình lục dục khuấy động nên dễ bị ô trược. Chơn thần ô trược sẽ chìm xuống cỏi âm u hơn, thường được gọi là phong đô, theo Đạo Cao Đài gọi là cỏi Âm Quang, mang theo cả linh hồn bên trong. Trái lại, nếu trong kiếp sanh, con người có tu,  có bồi bổ chơn thần cho thanh khiết nhẹ nhàng, thì sau khi bỏ xác phàm, chơn thần sẽ mang linh hồn lên cảnh giới cao hơn. Chơn thần càng thanh khiết, tức lúc ở dương thế con người có nhiều công đức, thì lên cảnh giới càng cao. Do đó, người tu theo Đạo Cao Đài sau khi qui liễu, chơn hồn có thể đi đến 1 trong 3 nơi :

 

1.      Cỏi Âm Quang : Người có nhiều tội lỗi, lúc sanh tiền thiếu công đức, chơn thần vì ô trược rơi xuống cỏi này, kéo theo linh hồn trong đó. Do đó, Đạo Cao Đài có phép đoạn căn là chặt đứt 7 giây oan nghiệt khỏi chơn thần để chơn thần không bị thất tình lục dục níu kéo.

 

2.      Cỏi Trung Giới : Người tu theo Cửu Thiên Khai Hóa hay Thập Nhị đẳng cấp Thiêng Liêng, có nhiều công đức, nhưng chưa tròn, chơn thần sẽ mang linh hồn về cỏi Trung Giới, chờ Tòa Tam Giáo xét định công tội (trường hợp 1 vị Chức Sắc Đại Thiên Phong giáng cơ cho biết là Ngài đang ở Bắc Đại Bộ Châu chờ Tòa Tam Giáo xét).

 

3.      Cỏi Thượng Giới : Người tu theo Cửu Thiên Khai Hóa hay Thập Nhị đẳng cấp Thiêng Liêng ở dương thế làm tròn Tam Lập, sau khi qui liễu, chơn thần của họ sẽ mang linh hồn về Thượng Giới, sẽ qua nhiều cảnh giới ở Cửu Trùng Thiên, mỗi cảnh giới là một trường học, và là một trường thi để được lên cảnh giới cao hơn. Sau khi ở tầng Trời thứ 9 là Tạo Hóa Thiên, chơn thần mới hiệp một với linh hồn, rồi sau đó lên tiếp ở 3 tầng Trời cao nhất của Thập Nhị Khai Thiên để được Đức Phật Di Lạc phong Phật vị. Khi đạt xong Phật vị, linh hồn vẫn chưa nhập vào Đại hồn của Thượng Đế (tức Tiểu Linh Quang nhập vào Đại Linh Quang), mà linh hồn còn phải tiếp tục qua cỏi Tứ Tượng và cỏi Lưỡng Nghi để vào cỏi Thái Cực tức Bạch Ngọc Kinh. Tiều Linh Quang lúc đó mới nhập vào Đại Linh Quang (xin xem Sơ Đồ Càn Khôn Vũ Trụ).

 
về trang chủ