ÐỨC HỘ PHÁP LÀ CHIẾN LƯỢC GIA

Hiền Tài Nguyễn Chánh Giáo

 

Bối-cảnh lịch-sử đưa đến sự võ-trang của tín-đồ Cao-Đài

Trong khi Đức Hộ-Pháp bị nhà cầm-quyền Pháp ở Đông-Dương bắt đày sang đảo Madagascar bên Phi-Châu, thì tại Việt-Nam có rất nhiều sự-kiện đàn-áp, bắt bớ, sát hại tín-đồ Cao-Đài do Pháp, Nhật-bổn và Cộng-sản Việt-Nam lần lượt gây ra. Vào năm 1942, Ngài Giáo-sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh, sau được thăng lên phẩm Phối-Sư) trở về Nam-Kỳ, tuân-lịnh Đức Lý Đại-Tiên Trưởng và Đức Quyền Giáo-Tông, hiệp tác với Quân-Đội Nhật tại Sàigòn để tìm kế an-thân cho Chức-sắc, Chức-việc và Đạo-Hữu Cao-Đài trước sự đàn áp, theo dõi, bắt bớ và giam cầm của nhà cầm quyền Pháp. Ngài qui tụ các Chức-sắc, Chức-việc và Thanh-niên Cao-Đài về trú-ẩn trong Hãng đóng tàu Nichinan của Nhật, gần cầu Rạch-Ông, Sàigòn. Trong thời gian trú-ẩn trong Hãng tàu Nichinan, các Thanh-niên Cao-Đài, ban ngày thì làm công-nhân đóng tàu, ban đêm thì luyện tập quân-sự và đoàn ngũ-hóa thành Đoàn Nội-Ứng Nghĩa Binh, chuẩn-bị cho cuộc tranh-đấu giành lại độc-lập và tự-chủ cho Việt-Nam khỏi tay người Pháp.

Đến ngày 9.03.1945, Đoàn Nội-Ứng Nghĩa-Binh Cao-Đài, với Tầm-Vong vạt nhọn và một sợi dây luộc cầm tay, đã hiên-ngang cùng với Quân-đội Thiên-Hoàng đảo chánh Pháp tại Đông-Dương. Sau cuộc đảo-chánh thành-công, Ngài Giáo-Sư Thượng Vinh Thanh đã cùng với Quân-đội Nhật thành lập chánh-phủ Trần Trọng Kim, để giao phó điều-hành nước Việt-Nam độc-lập. Về phía Cao-Đài, Ngài Giáo-sư cùng với Hội-thánh giải tán Đoàn Nội-Ứng Nghĩa-Binh và cho phép Nghĩa-binh nào muốn tiếp tục cầm súng bảo-vệ Tổ-Quốc, được hợp tác với Việt-Minh. Các Chức-sắc, Chức-việc và Đạo-Hữu trở về tái thiết Tòa-Thánh và lo việc tu-hành thuần-túy. Thế rồi Việt-minh do Hồ-Chí Minh lãnh đạo đã cướp chính-quyền trong tay Chánh-Phủ Trần Trọng Kim vào ngày 2.09.1945 và ra sức diệt các lãnh đạo Tôn-giáo và Đảng-phái khác như: Đức Huỳnh Giáo-Chủ của Phật-Giáo Hòa-Hảo và Việt-Nam Quốc-Dân Đảng, v.v. Việt-Minh cũng quyết-tâm đàn áp và tiêu-diệt Phật-Giáo Hòa-Hảo và Đạo Cao-Đài khắp cả nước. Tín-đồ Cao-Đài chịu nặng nề nhất là tại các tỉnh miền Trung Việt-Nam, như Quảng-Nam, Quảng-Ngãi và Bình-Định, Phú-Yên. Tại miền Nam, thì cuộc tàn-sát giữa Việt-Minh và tín-đồ Phật-Giáo Hòa-Hảo thật khủng khiếp. Dân-chúng miền tây Nam-Việt, hằng ngày chứng kiến cảnh thây-ma trôi trên sông rạch, có khi hằng bè 9 hay 10 người kẹp chung bằng hai cây tre dài, trôi trên sông Tiền hay Hậu. Việt-Minh và Phật-Giáo Hòa-Hảo đều sử dụng võ-nghệ và mã tấu để sát hại lẫn nhau, vì khoảng năm 1945-1946, các lực-lượng võ trang đều chưa có nhiều súng đạn.

Do vậy các Nghĩa-Binh Cao-Đài quay về bảo-vệ Tòa-Thánh Tây-Ninh trong Cơ Thánh-vệ.

Sau khi Nhật-Bổn đầu hàng Đồng-Minh, quân-đội Pháp theo chân quân-đội Anh trở lại Đông-Dương để giải-giới quân-đội Nhật. Việt-Minh đã bắt cóc Ngài Trần quang Vinh ở Bình-Điền, Chợ-Lớn vào ngày 9.10.1945. Ngài cùng với ông Võ Tam Anh của Quốc-Dân Đảng và khoảng 230 tù-nhân khác phá khám vượt ngục tại Cà-Mau. Ngài nhờ đồng-đạo che chở và hộ-tống về Sàigòn. Về đến Sàigòn lại bị Công-an của Pháp vây bắt ở Chợlớn và giam tại Bót Công-An trên đường Catinat, thuộc quận nhứt Sàigòn. Ngài phải chịu sự tra tấn hết sức dã man của Công-an do chính ông Cò Bazin, Chỉ-Huy-Trưởng Công-an, điều khiển. Sau tám ngày đêm chết đi sống lại vì đòn roi như thế, ông cò Bazin mới nghĩ ra một kế sách là đấu dịu để thu-phục. Đến ngày thứ 13 thì ông Bazin mời Ngài Trần Quang Vinh lên Văn-phòng để phân giải sự lợi hại giữa hai thế-lực của Pháp và của Việt-Minh tác-động lên tín-đồ Cao-Đài để Ngài chọn một. Ngài Trần Quang Vinh hẹn sẽ suy nghĩ và bàn tính với các Chức-sắc và Chức-việc đã cùng bị bắt và giam chung tại Catinat, như: Giáo-sư Thượng Trí Thanh, Giáo-hữu Thái Đến Thanh, nhị vị Lễ-Sanh ThượngTý Thanh, Ngọc Hoai Thanh, nhị vị Luật-Sự Nguyễn văn Hoa, Võ văn Nhơn và chư đạo hữu, tất cả là 22 người.

Nguyên sau khi Ngài Trần Quang-Vinh và bổn-bộ bị bắt, thì Luật-Sự Võ văn Nhơn đến gặp Ngài Hiến-Pháp Trương Hữu Đức và Ngài Bảo-Pháp Nguyễn Trung Hậu cùng một số đồng-đạo khác. Mọi người yêu cầu nhị vị Thời-Quân phò-loan để cầu hỏi Đức Quyền Giáo Tông, thì được Đức Ngài giáng cơ cho bài thi như sau:

Thượng tuần liên Pháp bất liên Hoa,

Trung hạ Liên-Minh dĩ bất hòa.

Nhựt kiến Quang Vinh mưu xuất lộ,

Định tâm chư đệ khởi can qua.

Trong văn xuôi, Anh cả có lời dặn: “Chừng nào Đạo được vinh-quang thì phải nhớ đến QuangVinh đa nghe!”

Có lẽ do Ơn-Trên xoay chuyển, nên Luật-sự Võ văn Nhơn đã bị bắt ngay sáng hôm sau đó và đưa vào giam trong Bót Catinat. Nhờ vậy Ngài Trần Quang Vinh hội ý sự kiện ông Cò Bazin đề-nghị với bài thơ trên và hiểu được rõ ý của Đức Quyền Giáo-Tông là phải liên hiệp với Pháp để cứu Đạo, chứ không theo phía Cộng-Sản. Sau khi Ngài trình bày về cuộc họp với ông Bazin và ý của bài thơ, mọi người trong khám đều đồng ý nên nhận lời hiệp tác với Pháp, với điều kiện:

  1. Pháp phải trả quyền tự-do cho Đạo và cho phép mở cửa Đền-Thánh và các Thánh-Thất, vốn đã bị họ đóng cửa từ trước.

  2. Chánh-quyền Pháp phải trả tự do cho Đức Hộ-Pháp và 5 vị chức-sắc đang bị lưu đày bên đảo Madagascar.

Qua ngày hôm sau, ông Bazin lại cho mời Ngài Trần Quang Vinh lên Văn-Phòng. Sau khi Ngài Trần quang Vinh trình bày các điều-kiện, thì ông Bazin vui vẻ nhận lời. Từ đó Ngài Trần Quang Vinh và bổn-bộ đều được trả tự-do để sắp xếp mọi việc hợp tác với Pháp hầu cứu an cho toàn thể Đạo-hữu Cao-Đài và có phương-tiện để tự-vệ chống lại cuộc tàn-sát dã man của Cộng-sản.

Tín-đồ Cao-Đài đã phải võ-trang và thành lập Quân-đội trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng như trên. Xin nói rõ, mặc-dù theo Ngài Trần Quang Vinh, có sự hổ-trợ và dẫn dắt của Đức Lý Giáo-Tông và Anh Cả Quyền Giáo-Tông Thượng Trung Nhựt qua cơ bút riêng, nhưng đều cho thấy do thời cuộc đưa đẩy, mà tín-đồ Cao-Đài phải tự ý võ-trang để tự-vệ, cứu Đạo và cứu nước, chớ không hề do quyết-định nào của Hội-Thánh, cũng như của Đức Phạm Hộ-Pháp cả. Hành-động nầy tương-tự như sự-kiện Đức Mohamad đã phải hành-sử để tự-vệ và cứu Đạo khi lập Hồi-Giáo. Đức Mohamad đã phải xây thành đắp lủy, võ trang cho tín-đồ chống lại các thế-lực ỷ mạnh hiếp yếu thời bấy giờ ở Trung Đông.

Sau khi Đức Hộ-Pháp được trả tự do từ đảo Madagascar về đến Vũng-Tàu, được Ngài Trần Quang Vinh, ông Bazin và ông Frémolle, Chánh Văn-Phòng cho ông Cédile, Thống-Đốc Nam-Kỳ ra tận Vũng-Tàu đón rước, vào lúc 8 giờ sáng ngày 22.08.1946.

Thượng-Tôn Quản-Thế.

Sau khi về đến Tòa-Thánh Tây-Ninh, Đức Hộ-Pháp phải lo trùng-tu và tiếp tục hoàn thành công-trình xây cất Đền-Thánh cũng như sắp xếp mọi việc trong, ngoài của Đạo. Đức Hộ-Pháp được Nhơn-sanh công-cử kiêm thêm chức-vụ Thượng-Tôn Quản-Thế để giám-sát Quân-Đội Cao-Đài.

Từ khi Đoàn Nghĩa-Binh Cao-Đài bất hợp tác với Việt-Minh và rút về Tòa-Thánh để bảo-vệ vùng Thánh-Địa, các lực lượng Việt-Minh liên tục bao vây sát Nội-ô Tòa-Thánh. Họ đã tấn-công và gây tử thương cho Thiếu-Tướng Lê Hoàng Cưu và Trung-Tá Nguyễn Trung Quân cùng một số Nghĩa-binh khác trong Cơ Thánh-Vệ. Tại các Tỉnh, Quận có đông tín-đồ Cao-Đài, quân-đội Cao-Đài thường lập các khu-vực an-toàn, được gọi là “Căn-cứ Cao-Đài”, xung quanh có hào lũy và bờ đê bao bọc, để tiện cho việc đi tuần tiểu và quan-sát ngày đêm của các Nghĩa-Binh Cao-Đài, hầu bảo-vệ an-ninh cho các Thánh-Thất và tín-đồ Cao-Đài tự-do sinh-hoạt và tự-túc kinh-tế. Các Khu-vực Cao-Đài ở miền Nam Việt-Nam thường là nơi an-ninh nhất và phồn-thịnh nhất, trong Tỉnh hay Quận-Lỵ. Vì thế Tín-đồ Cao-Đài và cả người ngoại đạo, trong các vùng bị Cộng-sản chiếm đóng, thường hay tản-cư ra ngụ trong các Căn-cứ Cao-Đài để được che chở và tự-do sinh sống trước lằn tên mũi đạn của chiến-tranh. Nhờ thế mà số người nhập-môn cầu đạo Cao-Đài càng ngày càng gia tăng rất nhanh.

Đức Hộ-Pháp ban danh hiệu cho Binh-Sĩ Cao-Đài là Thiên-Binh với thiên-trách “Bảo-Sanh, Nhân-Nghĩa, Đại-Đồng”. Từ năm 1946 đến 1955, ở miền Nam Việt-Nam, ngoài binh-đội của Pháp, chỉ có lực-lượng Cao-Đài là hùng mạnh nhứt. Quân-đội Cao-Đài nổi tiếng là can trường nhứt và nhân-nghĩa nhứt ở miền Nam Việt-Nam, với khẩu-hiệu của các Sĩ-quan Chỉ-Huy là: “Ta tiến theo ta, Ta lui giết ta”. Binh-sĩ Cao-Đài phải khép mình dưới kỷ luật nghiêm-minh là: chỉ để tự-vệ, không tham lam, phải tôn trọng và bảo-vệ sanh-mạng dân lành.

Thành-lập lực-lượng Liên-Minh.

Tín-đồ Cao-Đài từ các tỉnh miền Nam, thường có ý hướng di-cư về Thánh-Địa, càng ngày càng nhiều, để được:

  1. Gần Tòa-Thánh, nơi có đầy đủ phương-tiện cho con cháu học văn-hóa và học đạo.

  2. Che chở và an-toàn hơn các Tỉnh, Quận nằm trước lằn tên mũi đạn của chiến tranh Quốc Cộng.

Ấy thế mà vòng đai an-ninh của Thánh-địa lại luôn luôn bị cộng-sản bám sát, đe dọa, vây chặc và mưu toan chiếm phá. Tín-đồ trong vùng Thánh-Địa chưa được trọn vẹn an-ổn sinh-sống.

Lúc bấy giờ Thiếu-Tướng Nguyễn văn Thành, Tư-Lệnh Quân-Đội Cao-Đài và Đại-Tá Trình Minh Thế là Tham-Mưu Trưởng. Đại-Tá Trình Minh Thế là một Sĩ-quan được Nhựt-bổn đào tạo thành-thạo về du-kích chiến và vô cùng gan dạ. Ngoài ra Đại-Tá Thế đã có khuynh hướng chống Pháp từ ngày còn là Sĩ-quan trong Đội Hiến-binh Nhật.

Đức Hộ-Pháp đã bố-trí cho Đại-Tá Trình Minh Thế chuẩn bị vào rừng lập Chiến Khu cho lực-lượng lấy tên là Liên-Minh, với hai mục-đích chính như sau:

  1. Mở rộng vòng đai an-ninh của Thánh-địa hầu bảo-vệ Tòa-Thánh và nhơn-sanh hữu hiệu hơn.

  2. Quân-Đội Cao-Đài phải lấy lại chính nghĩa “Bảo-vệ Tổ-Quốc, chống cả Thực-dân và Cộng-sản vô thần”. Tuy nhiên vẫn phải duy trì sự hợp-tác với Pháp để tránh lâm vào cảnh “lưỡng đầu thọ địch” mà còn làm phương-tiện hổ-trợ vũ khí, đạn được, quân nhu cho Lực-Lượng Liên-Minh đủ sức trưởng-thành.

Đại-Tá Trình Minh Thế đã:

  1. Sắp xếp tuyển chọn binh-sĩ tình-nguyện chịu hy-sinh gian-khổ trong rừng sâu.

  2. Chuẩn-bị vũ khí, đạn dược đầy đủ bằng cách bao gói súng đạn bằng mở bò trong bao giấy dầu, rồi đóng thùng chôn rải rác dưới lòng sông Vàm Cỏ Đông để tiện thu nhặt sử dụng sau khi lập chiến-khu.

  3. Luyện tập binh-sĩ vượt sông và bày bố trận-địa hành-quân và đóng quân của các lực-lượng võ-trang, phòng khi hổ-trợ cho nhau chống trả cả hai mũi tấn công của Pháp và Việt-Cộng, nhất là trong thời gian chưa ổn-định ban đầu.

Và nhân một đêm dạ-hội linh-đình được tổ-chức vào tháng 6.1951, tại Bộ-Tư-Lệnh Quân-Đội Cao-Đài ở Bến Kéo, Giang-Tân để che mắt binh-sĩ Pháp, Đại-Tá Trình Minh Thế đã âm-thầm kéo quân vượt sông Vàm Cỏ Đông ra Chiến-Khu Bời-Lời.

Để đánh lạc hướng nhà cầm quyền Pháp, Đài Phát-thanh của Lực-Lượng Liên-Minh, ngày đêm ra rả phê-bình chỉ trích, chống báng Tòa-Thánh. Đôi khi Quân-đội Cao-Đài dưới quyền của Tướng Nguyễn Thành Phương cũng phối hợp với quân Đội Pháp mở các cuộc hành-quân tảo-trừ Lực-Lượng Liên-Minh, nên làm cho chánh quyền Pháp không thể nghi-ngờ gì sự liên-hệ của hai cánh quân của Tướng Phương và Lực-Lượng Liên-Minh của Đại-Tá Trình Minh Thế. Mật-kế như vậy làm sao người ngoài Đạo Cao-Đài, như vài thành-viên không có Đạo của Liên-Minh, có thể biết được, chẳng trách họ đã lầm lẫn?

Sau thời gian đầu chiến-đấu vô cùng gian-khổ với hai mặt tấn công của Pháp và Việt-Cộng, Lực-Lượng Liên-Minh đã chiếm lãnh được Núi Bà Đen để đặt Tư-Lệnh Bộ. Từ đó, căn cứ địa đã vững chắc, lực-lượng được phân tán mỏng rải rộng trên một diện địa từ các Mật-Khu Hố-Bò, Bời Lời, Núi Bà, Núi Heo tới tận biên giới Việt-Miên để tránh bị tổn-thất nặng nề và dễ dàng thi-hành du kích chiến. Công-binh xưởng của Lực-Lượng Liên-Minh (gọi tắt là Liên-Minh), đã chế nhiều loại súng lục và tiểu liên, nhất là tháo gở các trái bom của Pháp đã bỏ xuống Mật-Khu mà không nổ, để lấy thuốc đạn chế tạo vô số mìn bẩy. Quanh vòng đai an-ninh của Thánh-Địa và Núi Bà Đen, Liên-Minh cho bố-trí vô-số bải mìn, điều khiển bằng các “magnéto”, công dụng tương tự như dụng cụ mồi bếp Gas hiện nay vậy. Một bãi mìn rộng lớn chỉ cần vài binh sĩ ngày đêm canh giữ trên các ngọn cây, vách đá hoặc công-sự dã chiến. Hễ thấy địch-quân lọt vào bãi mìn, thì chỉ cần quay mạnh “magnéto”, làm điện phát ra các dây dẫn điện khiến mìn phát nổ. Những nơi có mìn đều có bảng báo động ghi là “Tử-địa” cho dân chúng đề phòng tránh xa. Tuy nhiên, vẫn là hư hư thực thực, chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ. Lối phòng thủ và tấn công xuất quỹ nhập thần nầy làm cho Việt-cộng phải rời bỏ Liên-Khu 4 và 5, lánh sang lãnh-thổ Cao-Miên, vì họ thường hành quân vào ban đêm và thường bị lọt vào các bãi mìn, gây nên tổn-thất vô cùng to lớn cho họ. Quân-đội Pháp không còn cách nào tiêu diệt được Lực-Lượng Liên-Minh nữa. Đến cuối năm 1954, Liên-Minh đã làm chủ một diện địa trải dài từ Đà-Lạt xuống đến Đồng Tháp Mười và bao trùm từ mật-khu Hố-bò đến tận biên-giới Việt Miên.

Thành-lập “Mặt-Trận Thống-Nhất Toàn Lực Quốc-Gia”.

Sau chuyến Âu-du, với sứ-mạng Cố-vấn tối cao cho Đức Quốc-Trưởng Bảo-Đại, quan sát Hội-Nghị Génève:

  1. Một mặt điều-đình với Chánh-Phủ Pháp trao trả độc-lập toàn vẹn lãnh-thổ cho Việt-Nam,

  2. Một mặt điều-đình với Phái-đoàn Việt-Minh đừng ký Hiệp-Định chia đôi lãnh-thổ Việt-Nam, hầu tránh tái diễn cảnh Nam Bắc phân-tranh, nồi da xáo thịt như thời Trịnh Nguyễn phân tranh trước kia.

Nhưng kết-quả không toại ý:

  1. Mặc dù, Thủ-Tướng Pháp, Laniel, đã ký hai bản Hiệp-Ước về chủ-quyền độc-lập của Quốc-Gia Việt-Nam vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Giáp-Ngọ, để kỷ niệm sinh nhật thứ 65 của Đức Ngài,

  2. nhưng:

    1. phía Việt-Minh thì bị Nga, Tàu dẫn dắt, đâu chịu bỏ nửa mãnh giang sơn sắp thụ đắc.

b.      Thủ-Tướng Ngô Đình Diệm thì bị Pháp và Mỹ lôi kéo, đến bất chấp lệnh của Đức Quốc-Trưởng Bảo-Đại.

Nên Hiệp-Định Génève đã thành-hình để chia-xẻ Giang-sơn gấm vóc của Tiền-nhân thành hai mãnh cho ngoại bang lợi dụng và khai thác xương máu của đồng-bào Việt-Nam, với những mỹ-từ vô ích cho nhân-dân Việt-Nam từ Nam ra Bắc.

Đức Ngài cảm tác bài thơ để than cho vận nước sau đây:

ÂU DU 1954

Cỡi gió tung mây đến Pháp triều,

Đo lường vận nước được bao nhiêu?

Tương lai gởi phận tay tha chủng,

Mai mốt thương thân đám Việt-Kiều.

Cứu quốc khó trông mong gặp Thuấn,

An dân hết sở cậy nhờ Nghiêu.

Cho hay chánh-nghĩa chưa cân đúng,

Máu mũ vì thương phải đánh liều.

Ngày 20.07.1954, Đức Ngài và đoàn tùy tùng rời Pháp về thẳng Việt-Nam. Đức Ngài thấy trước cuộc chiến nồi da xáo thịt và kết quả của nó ra sao. Đức Ngài thương cho đám Việt-kiều chúng ta, phải lưu vong ra khắp năm Châu như hiện nay. Sự sung túc về vật-chất không thể nào lấn át được hận vong quốc, nỗi lòng hoài hương xa lìa quê cha đất tổ. Vì lòng ái-quốc thương dân của một vị Bồ-Tát, Đức Ngài không thể nhắm mắt đưa chân mặc cho tha-chủng dày xéo quê hương, nên Đức Ngài vận-động với tất cả các lực-lượng quân-sự ở miền Nam lúc bấy giờ là: Cao-Đài, Thiên-Chúa, Hòa-Hảo và Bình-Xuyên, phối-hợp với nhau trong một lực-lượng thống nhất, lấy tên là “Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc-Gia”, gọi tắt là “Mặt-Trận Cao Thiên Hòa Bình”. Mục-đích của kế-sách nầy là:

  1. Để quân-bình cán cân lực-lượng giữa hai miền Nam Bắc, hầu có thể ngăn chận mưu-đồ xâm lăng miền Nam của Cộng-sản Bắc Việt.

  2. Tạo tiền-đề cho việc quốc-gia-hóa toàn thể các lực-lượng giáo-phái thành Quân-lực Quốc-Gia miền Nam Việt-Nam, vì cho đến tháng 7 năm 1954, ở Miền Nam Việt-Nam, ngoài các lực-lượng hùng mạnh của giáo-phái, chỉ có quân-đội viễn-chinh Pháp và các Đơn-vị Vệ-binh Quốc-Gia (Garde supplétif) do Pháp chỉ-huy. Khi quân-đội viễn-chinh Pháp rút đi, các Đơn-vị Vệ-Binh Quốc-Gia không đủ sức kiểm-soát lãnh-thổ miền Nam, ít nhất là đến cuối năm 1956. Lợi dụng tình thế đó Việt-Cộng sẽ củng-cố sự có mặt của họ tại miền Nam và sẽ giúp họ thắng lợi trong cuộc hiệp-thương thống nhất đất nước như Hiệp-định Génève đã qui định.

Ông Diệm phá vỡ “Mặt-Trận Thống-Nhất Toàn Lực Quốc-Gia”.

Thủ-Tướng Diệm và các cố-vấn của ông ta vì quá tin tưởng ở sức mạnh của Mỹ, nên áp dụng kế-sách của nhiều vì vua chúa ngày xưa: “vì đa-nghi mà công chưa thành đã vội sát Tướng”. Hai ông Diệm và Nhu đã ra lịnh cho lực-lượng của Tướng Trình Minh Thế, vốn là thành-viên của Mặt-Trận Thống-Nhứt Toàn Lực Quốc-Gia, phải gấp rút tấn công Bình-Xuyên. Tướng Lê văn Viễn cùng thuộc-hạ đã tháo chạy về mật khu Rừng-Sát, vốn là căn cứ địa của họ trước khi về hợp tác với chánh-phủ. Vào ngày 3.05.1955, đúng 7 giờ chiều, trong khi lực-lượng của Tướng Trình Minh Thế truy kích tàn quân của Bình-Xuyên ở cầu Tân-Thuận. Tướng Thế đang thị-sát mặt trận tại đầu cầu Tân-Thuận, thì bị người của hai ông Diệm Nhu sát hại.

Lý do sát hại nầy đã được nhóm Thiếu-Tá Nguyễn văn Đờn và Nguyễn văn Mạnh, trung thành với Tướng Thế tiết lộ trong một bản Bạch-thư rằng:

“Trong ngày Tướng Nguyễn văn Vỹ vào Dinh Gia-Long, bức bách ông Ngô Đình Diệm phải sang Pháp yết-kiến Đức Quốc-Trưởng Bảo-Đại theo lịnh triệu-hồi của Đức Quốc-Trưởng, thì bên ngoài đã có Tướng Nguyễn văn Hinh cho quân bao vây Dinh Gia-Long. Khi ấy có mặt Tướng Trình Minh Thế và Nhị-Lang, nên Tướng Thế cho lực-lượng Liên-Minh bao vây quân của Tướng Hinh. Khi tình thế quá căng thẳng, Tướng Thế móc súng lục uy-hiếp Tướng Vỹ và cho người đưa ông ta rời Việt-Nam lập tức qua ngã Tân-Sơn Nhất. Sự kiện nầy xảy ra làm ông Nhu giật-mình và nghi-kỵ, bàn với ông Diệm rằng: “Tướng Thế là một con cọp dữ, không nên để hắn trong nhà”. Thật vậy, Tướng Thế chỉ là một dõng Tướng mới từ mật-khu ra, đâu am tường nguyên-tắc hành-chánh. Vì quá ngay thẳng và quá hăng say cứu chủ, mà quên rằng khi vào bái yết Thủ-Tướng phải để vũ khí bên ngoài.” Ông Diệm là một cựu Lại-Bộ Thượng-Thư của Nguyễn Triều, tư tưởng quân-quyền của nhà vua đâu khỏi ảnh-hưởng đến suy nghĩ của ông ta khi có người gợi lại! Vã chăng ý-hướng của ông Diệm đâu có ngừng lại ở chức Thủ-Tướng của miền Nam Việt-Nam.

Tài năng và công-lao của Tướng Trình Minh Thế.

Vì biết rõ tài năng thao lược và lực-lượng hùng mạnh của Thiếu-Tướng Trình Minh Thế, nên Trung-Tá Lansdale, Chỉ-huy tổ-chức CIA của Mỹ bên cạnh Thủ-Tướng Ngô Đình Điệm và ông Ngô Đình Nhu đã len lõi vào tận mật-khu Núi Bà Đen liên lạc và mua chuộc Tướng Thế về hợp tác với Chánh-Phủ bằng bỗng lộc hậu hỉ. Tướng Trình-Minh Thế đã mang về Sàigòn 2.500 binh sĩ tham dự một buổi lễ rất trọng thể vào ngày 13.02.1955, Ông Diệm đã gắn cấp bậc Thiếu-Tướng Quân-Đội Quốc-Gia Việt-Nam cho Tướng Thế. Ông Nhị-Lang, người được xem là Mưu-Sĩ cho Tướng Thế, cũng được cất nhắc làm Phó Chủ-Tịch Hội-Đồng Nhân-Dân Cách-Mạng của Thủ-Tướng Diệm. Nhưng tiếc thay! sau lần xả thân cứu ông Ngô Đình Diệm trước áp lực của Tướng Nguyễn văn Vỹ và Tướng Nguyễn văn Hinh, cả Tướng Thế và ông Nhị-Lang đều bị hai ông Diệm và Nhu vắt chanh bỏ võ: một người bị sát hại, một người bị thất sủng phải bỏ chạy sang Cao-Miên lánh nạn.

Và cũng chính vì biết rõ công-lao vô cùng to lớn của Tướng Trình Minh Thế đối với Đạo Cao-Đài, nên mặc dù Tướng Thế đã tuân lệnh hai ông Diệm và Nhu, tiến quân đánh bất ngờ vào Bình-Xuyên, để phá vỡ Mặt-Trận Thống-Nhất Toàn-Lực Quốc-Gia, do Đức Hộ-Pháp dày công gầy dựng, và trong khi Tướng Thế truy kích lực-lượng Bình-xuyên đến đầu cầu Tân-Thuận thì bị người của hai ông Diệm Nhu sát-hại, Đức Hộ-Pháp đã không trách phạt mà còn đến tận tư-gia của Tướng Trình Minh Thế ở Cẩm-Giang viếng quan-tài. Sở dĩ Hội-Thánh không cho đem quan tài của Tướng Thế vào Nội-Ô Đền-Thánh, là vì muốn cảnh cáo những ai bất tuân thượng lịnh Hội-Thánh sau nầy. Tuy vậy, sau nầy Đức Hộ-Pháp đã thể hiện lòng khoan dung tha thứ cho Tướng Thế và chấp thuận lời thỉnh cầu của ba vị Chánh Phối-Sư, thay mặt Hội-Thánh Cửu-Trùng Đài, truy phong cho Tướng Trình Minh Thế vào phẩm Quốc-Sĩ đầu tiên của Ban Thế-Đạo, thuộc Chi Thế Hiệp-Thiên-Đài và được đem vào thờ trong Báo Quốc-Từ.

Hiền-Tài Nguyễn Chánh-Giáo

Tài-liệu tham-khảo:

  1. -Trần Quang Vinh: “Hồi-ký Trần Quang Vinh và lịch-sử Quân-Đội Cao-Đài”, do Thánh Thất Vùng Hoa-Thịnh-Đốn tái xuất-bản năm 1997 tại Hoa-Kỳ.

  2. -Hiền-Tài Trần văn Rạng: “Chân-dung Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc”, xuất bản năm 1974 tại Tây-Ninh.

  3. -Nhị-Lang: “Phong trào kháng chiến Trình Minh Thế”, do nhà Xuất-bản Lion Press phát-hành năm 1985 tại Hoa-Kỳ.

  4. -Quân-sử Quân-lực Việt-Nam Cộng-Hòa.

  5. -Bảo-Đạo Hồ Tấn Khoa: “Âu-Du Ký”, chưa xuất bản, kể về chuyến sang Âu-Châu theo dõi Hội-nghị Génève.

  6. -Thừa-sử Lê Quang Tấn: “Tiểu-sử Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc”, do Hội Tín-Hữu Cao-Đài Úc-Đại-Lợi (NSW) phát-hành vào năm 1991 tại Sydney, New South Wales.

 
 
về trang chủ