Từ ngày 9 tháng 3 đến ngày 23 tháng 3 năm 2003, một
Phái-Đoàn của Cơ-Quan Truyền-Giáo Hải-Ngoại (CQTGHN)
gồm có Hiền Huynh Trần Quang Cảnh, Hội-trưởng Hội-Đồng
Đại-Diện, Hiền-Tỷ Nguyễn Ngọc Lan, Đệ Nhứt Phó
Hội-Trưởng, Hiền Huynh Hiền-Tài Nguyễn Chánh-Giáo, Đệ
Nhị Phó Hội-Trưởng, GS Christopher Hartney của Viện
Đại Học Sydney, Hiền Đệ Phạm Cao Công Khánh, Trưởng
Ban Internet và Hiền Tỷ Võ Kim Thoàn (hiền thê của HH.
Cảnh), đã đến hành đạo tại các Quốc-gia Bangladesh và
Cambodia như sau:
Hội-Thảo thuyết trình về Đạo Cao-Đài tại Viện Đại-Học
Dhaka, Bangladesh.
Đáp lời mời của Giáo Sư Tiến-sĩ Kazi Nurul Islam, Khoa
Trưởng Phân Khoa Tôn-Giáo Thế-Giới của Viện Đại-Học
Dhaka, Thủ-Đô của quốc gia Bangladesh, HH. Hiền Tài
Nguyễn Chánh Giáo đã cùng với Giáo Sư Tiến-sĩ
Christopher Hartney, thuộc Phân-Khoa Tôn-Giáo của Viện
Đại-Học Sydney, và Hiền-Tỷ Nguyễn Ngọc Lan, vốn đến Úc
để dạy các Khóa cắm hoa tại Sydney và Melbourne từ đầu
tháng 2/2003, đã đáp chuyến bay lúc 22 giờ 30, ngày
09/3/2003, của Thai Airways từ Phi-Trường Quốc-Tế
Sydney. Phái Đoàn Úc Châu và Canada này đã đến Phi-Trường
Bangkok vào lúc 6 giờ 30 sáng ngày 10/3/2003 để họp
mặt với Phái Đoàn của Hoa Kỳ gồm Hiền-Huynh Trần Quang
Cảnh, Hiền Tỷ Kim Thoàn và HH. Khánh đến từ Hoa-Kỳ.
Tất cả đã cùng đáp chuyến bay của Thai Airways để đi
Dhaka, Bangladesh, cất cánh vào lúc 10 giờ 30 và đến
Phi-Trường quốc-tế Dhaka vào lúc 12 giờ trưa. Vì giờ
giấc chênh lệch, Phái Đoàn liền nghĩ dưỡng sức trọn
ngày 10/3/2003.
Trưa ngày 11/3/2003, Phái-đoàn đã đến ngay Viện Đại
Học Dhaka viếng thăm xã giao GS. Khoa Trưởng Kazi
Islam và ngay sau đó GS Kazi mời sang phòng họp gặp
mặt sơ khởi với khoảng 30 sinh-viên Khoa Tôn-Giáo đang
chờ đón. Huynh Cảnh và Christopher đã thuyết-trình sơ
khởi về Đạo Cao-Đài trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Các
sinh-viên tỏ ý rất quan tâm đến tôn-chỉ và mục đích
của Đạo Cao-Đài. Sáng ngày 12/3/2003, buổi hội thảo
chính thức được diễn ra trong một Phòng học, với sự
Chủ-Tọa danh dự của Giáo Sư Tiến-sĩ S.M.A. Faiz, Phó
Viện-Trưởng Viện Đại-Học Dhaka. Ngoài khoảng 60
sinh-viên tham-dự, còn có nhiều Giáo-Sư Đại-Học và
nhân viên của Phân Khoa. Sau khi Tiến-sĩ Kazi giới
thiệu thành-viên của Phái-Đoàn CQTGHN, HH. Cảnh trình
bày mục đích của buổi hội thảo và tiến trình hoạt động
của CQTGHN. Sau đó, GS. Christopher Hartney
thuyết-trình về lịch sử và giáo lý của Đạo Cao-Đài với
giọng nói rất hùng-hồn và hấp dẫn làm mọi người rất
chú ý. GS. Faiz đã đọc một bài diễn văn phát biểu cảm
tưởng với đại ý như sau : “Không
bao giớ có Tôn Giáo mà không Hòa Bình và không thể nào
có Hòa Bình nếu không có Tôn Giáo. Hòa Bình và Tôn
Giáo là hai thực thể bổ túc cho nhau.”
(There is no religion without peace and there cannot
be any peace without religion. Peace and Religion are
complementary to each other). Sau đó, một số Giáo-sư
Đại-học đã đặt câu hỏi khá quan trọng về giáo lý của
Đạo Cao Đài và Hồi Giáo, và vài vị đã góp nhiều ý kiến
rất quí giá về Đạo giáo cũng như quan điểm về chiến
cuộc xảy ra ở Iraq. Theo chương trình dự trù của GS
Tiến-sĩ Kazi Islam, thì vào niên-khóa 2004 sẽ đưa môn
Cao-Đài vào chương-trình giảng dạy của Viện, như là
một môn nhiệm-ý. Trong hai năm sau đó, sẽ nâng môn học
Cao-Đài thành một môn học chính thức ngang hàng với
các môn Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, trong
chương-trình đào tạo Sinh Viên bậc Cao Học.
Buổi Hội-Thảo trên đây đã được bốn tờ báo Anh ngữ
lớn của Thủ-Đô Dhaka, như The New Nation, The
Financial Express, The News Today và The Bangladesh
Observer tường thuật và phát hành vào sáng sớm hôm sau
13/3/2003.
Viện Đại Học Dhaka là một Đại Học công, có khoảng 30
ngàn sinh viên, lệ phí rất ít so với các Đại Học tư,
cho nên tất cả sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển thì
mới được chấp thuận vào Đại Học này. Theo tổ chức của
Viện Đại-Học, vị Phó Viện-Trưởng (Vice-Chancellor)
chịu trách-nhiệm điều-hành mọi sinh-hoạt của Viện,
trong khi vị đương kim Tổng-Thống của Bangladesh là
Viện-Trưởng của Viện Đại-Học. Vì thế, vì thiện cảm với
Phái-Đoàn cũng như sự quan tâm đến tầm quan trọng của
tôn-chỉ và mục-đích của Cao-Đài Giáo đối với nền
hòa-bình của Thế-giới sau nầy, GS. Tiến-sĩ Faiz, Phó
Viện-Trưởng Viện Đại-Học Dhaka đã có nhã ý đề-nghị một
cuộc tiếp xúc giữa Tổng-Thống Bangladesh với Phái-Đoàn
CQTGHN.
Thật là một vinh dự cho Phái Đoàn khi được tin là Phủ
Tổng-Thống Bangladesh đã sắp đặt một cuộc tiếp xúc
giữa Tổng-Thống và Phái-Đoàn vào lúc 10 giờ sáng ngày
Thứ Sáu 14/3/2003, mặc dầu ngày Thứ Sáu hằng tuần là
ngày nghĩ của Hồi Giáo, tương đương với ngày Chủ Nhựt.
Tổng-Thống Bangladesh, GS.Tiến-sĩ Iajuddin Ahmed và
Phu-Nhân đã thân mật ân-cần đàm đạo với Phái-Đoàn
trong hơn một tiếng đồng-hồ, hỏi thăm về tôn chỉ và
giáo lý của Đạo Cao Đài. Sau đó Tổng-Thống và Phu-Nhân
đã chụp rất nhiều hình kỷ niệm với Phái-Đoàn trước khi
chia tay. Cả Phái-Đoàn thầm cảm đội ơn huyền diệu của
Đức Chí-Tôn và các Đấng Thiêng-Liêng đã giúp Phái-Đoàn
hoàn thành nhiệm vụ đem Đạo Cao-Đài đến với nhân dân
Bangladesh, đóng góp một phần nào cho việc truyền bá
nền Đại Đạo đến toàn nhân loại.
Hai giờ chiều cùng ngày Thứ Sáu, 14/3/2003, Phái-Đoàn
đã trở lại Phòng Hội-Thảo để giải đáp nhiều câu hỏi
rất xây dựng và bổ-ích của các sinh-viên ban Cao Học
của Phân-Khoa Tôn-Giáo Thế Giới. Các sinh-viên đã tỏ
nhiều cảm tình và lưu luyến với Phái-Đoàn, nhất là các
sinh-viên trẻ quấn quít theo Hiền-đệ Phạm Cao
Công-Khánh và Christopher Hartney. Phái-Đoàn đã rời
Phi-Trường Quốc-Tế Dhaka vào lúc 13 giờ ngày Thứ Bảy
15/3/2003 bằng Thai Airways.
Hành-đạo tại Thủ-Đô Nam-Vang, Cambodia.
Phái-Đoàn đã đáp xuống phi-trường Bangkok lúc 16 giờ
25 phút ngày 15/3/2003 và chuyển sang chuyến bay khác,
cũng của Thai Airways, cất cánh lúc 17 giờ 30 để sang
Thủ-Đô Nam-vang. Phái-Đoàn đến Phi-Trường Quốc-Tế Nam-vang
lúc 18 giờ 45 phút cùng ngày 15.03.2003 và được hai
Hiền Huynh Võ văn Minh và Kok Kao (một viên chức Miên
làm việc cho một cơ quan từ thiện Hoa Kỳ) đón rước tại
Phi-Trường bằng xe của khách sạn.
Cũng nên nhắc qua là trước khi thực hiện chuyến du
hành, Phái Đoàn đã được báo cáo về tình hình lủng củng
nội bộ đang xảy ra tại Thánh Thất Nam Vang. Đại khái
là HH. Võ Văn Lung, đại diện cho Thánh Thất Nam Vang
từ gần 20 năm qua (tạm gọi là Bàn Trị Sự cũ) chưa chịu
bàn giao công việc cho các Hiền Huynh Lâm Sang, Võ
Quang Minh (gọi là Bàn Trị Sự mới). Vì Phái Đoàn
CQTGHN đến viếng thăm Liên Đài của Đức Hộ Pháp, nên
Phái Đoàn bắt buộc phải tiếp xúc với cả hai cựu và tân
Bàn Trị Sự, với mục đích không ngoài mong mõi có sự
đoàn kết của tất cả thì mới mong cơ Đạo tại Nam Vang
được phát triển. Do đó, vào sáng ngày 16/3/2003, Phái
Đoàn đã mời riêng rẽ HH. Võ Văn Lung, sau đó HH. Lâm
Sang, HH. Minh, Hiền Tài Ria, đến khách sạn dùng điểm
tâm để tìm hiểu thêm vấn đề. Mục-đích hai cuộc gặp gỡ
riêng rẻ này là để tìm hiểu tâm-tư và nguyện vọng của
hai nhóm, vốn có nhiều bất đồng ý-kiến với nhau từ
hằng năm qua tại Nam-Vang, hầu tìm phương dung-hòa tâm
lý và tạo sự hòa-hiệp giữa hai bên để cùng chung lo
xây dựng cơ Đạo tại Nam Vang. Cuộc tiếp xúc diễn ra
khá tốt đẹp vì hai bên đều cùng muốn thỏa thuận hòa
hợp. Do đó, với dụng ý cho cả hai nhóm gặp gỡ chung
với nhau, Phái Đoàn liền có nhã ý mời tát cả cùng dự
một bữa cơm chung với Phái-Đoàn tại Nhà-hàng Long
Phụng bên bờ sông Tonle Sap. Trong bữa cơm, hai bên
chấp nhận tiếp đón Phái Đoàn tại Thánh-Thất vào ngày
hôm sau, lúc 9 giờ sáng ngày Rằm tháng 2 năm Quý Mùi
(Dl.17.03.2003), cũng là ngày Đại-Lễ Vía Đức
Thái-Thượng Đạo-Quân, và sẽ họp thảo luận tình hình
đạo sự trước khi cúng Đàn vào giờ Ngọ.
Sáng ngày Rằm tháng 2 năm Quý Mùi, sau gần hai tiếng
đồng hồ đàm luận giữa hai nhóm cùng với Phái-Đoàn, với
sự tham gia chứng kiến của một vị nữ Giáo-Thiện cùng
Đạo-Hữu từ Báo-Ân-Từ, Tòa-Thánh Tây-Ninh sang du lịch
Nam-vang, Hiền Huynh Lung trình bày lập luận là Bàn
Trị Sự mới không được thành lập theo đúng Pháp Chánh
Truyền, do đó Huynh Lung không muốn hợp tác và tuyên
bố là sẽ không bao giờ bàn giao. Trong khi đó Bàn Trị
Sự mới cho rằng là việc bầu bán rất là hợp lệ vì chính
HH. Lung đã ra Thông Cáo kêu gọi ứng cử viên và đã
hiện diện chứng kiến cuộc bầu cử. Hơn nữa, trong Quyết
Định của chính quyền Campuchia chấp thuận việc bầu cử
là hợp lệ thì HH. Lung có tên trong Bàn-Trị-Sự mới
trong Chức-vụ Cố-vấn thứ nhứt. Kết quả là sự dàn xếp
thỏa hiệp giữa hai nhóm bất thành, Phái-Đoàn dự Đàn
cúng rồi được đồng đạo mời dùng cơm chay bên Điện-Thờ
Phật-Mẫu. Tuy nhiên, vì Phái Đoàn còn ở lại lâu tại
Nam Vang nên Phái-Đoàn đề-nghị hai bên tiếp tục suy
nghĩ tìm giải pháp dung hòa, rồi đến ngày Thứ Sáu
21/3/2003, tức là ngày 19 tháng 2 Quý-Mùi, là ngày Vía
Đức Quan-Âm Bồ-Tát, sẽ gặp lại, cũng trước giờ cúng
Đàn. Sau đó, Phái-Đoàn đi Siem Reap trong 3 ngày để
tham quan Đế-Thiên Đế-Thích.
Trước khi Hiền-Tài Nguyễn Chánh-Giáo rời Úc-Châu,
đồng-đạo Úc-Châu đã quyên góp được A$1,805.00 (Một
ngàn tám trăm lẻ năm Úc-Kim) nhờ mang sang hiến tặng
cho Thánh-Thất Kiêm-Biên. Vào buổi họp vào sáng ngày
Rằm tháng 2 Quý-Mùi trên đây, Hiền-Tài Giáo đã khẩn
khoản trao số tiền trên đây cho Hiền-huynh Lung, nhưng
tiếc thay, trước khi nhận tiền, Hiền-huynh Lung đặt ra
vài điều kiện mà Hiền-Tài Giáo không thể chấp nhận
được, nên cả hai tân và cựu Bàn-Trị-Sự đều đề-nghị
Hiền-Tài Giáo tạm giữ số tiền đó lại, chờ đến khi bàn
giao xong sẽ gửi đến sau.
Sáng ngày 21/3/2003, trong khi hai bên đàm luận với
nhau với sự chứng kiến của Phái-Đoàn CQTGHN, kết cuộc
vẫn không đi đến kết quả gì mới cả, vì Hiền Huynh Lung
vẫn cương quyết không chịu hợp tác và bàn giao
công-việc cho Bàn Trị-Sự mới.
Tưởng cũng nên nói rõ về diễn tiến sinh hoạt đạo-sự
Cao-Đài tại Campuchia từ sau ngày chính quyền Pol Pot
(Cộng Sản Miên) nắm chánh-quyền, theo lời kể của Hiền-Huynh
Phó Tổng-Giám Trần văn Bảy, tự là Bảy Thăng, năm nay
71 tuổi, và các Huynh Tỷ Đạo-Hữu khác có mặt nhiều năm
tại Nam-vang:
Thánh-Thất Kiêm-Biên trước năm 1975 chiếm trọn một khu
vực đất rộng chiều ngang 60 mét, dài 180 mét, nằm giữa
bốn mặt lộ. Mặt tiền nhìn ra Đại-lộ Mao Tsé Tung (Mao
Trạch Đông). Vào đầu năm 1975, khi Cộng Sản Miên chiếm
Nam-vang, một số lính Miên đến chiếm ngôi Thánh-Thất
Kiêm-Biên và sát hại Hiền-huynh Giáo-Sư Thái Của Thanh,
Khâm-Trấn Đạo Kiêm-Biên và đuổi Chức-sắc và Chức-việc
ra khỏi Thánh-Thất. Trong số Chức-sắc có Hiền-Huynh
Lễ-Sanh Thạch Thốt (có người gọi là Thạch Phốt), can
đảm trốn về lại Thánh-Thất, nhưng chỉ cất một cái chòi
tranh ở phía bên kia đường, nhìn qua Khách-Đình và
ngôi Liên-Đài của Đức Hộ-Pháp. Vị trí của chòi tranh
nầy được cất lại thành căn phố 2 tầng và hiện nay dùng
tầng lầu làm Điện Thờ Phật-Mẫu Nam-Vang. Đêm đêm Hiền
Huynh Thạch Thốt thường lén sang thăm viếng ngôi
Liên-Đài, nhưng không dám dọn dẹp cỏ rác hay sửa chửa
chi cả. Một đêm nọ, mọi người nghe một tiếng nổ thật
lớn trong khu vực Thánh-Thất. Sáng ra mới hay là lính
Miên đã đặt mìn giựt sập ngôi Thánh-Thất Kiêm-Biên,
đang trong tình trạng cất dỡ dang từ lâu, chưa hoàn
thành. Đêm hôm đó, Hiền-huynh Lễ-Sanh lén sang thăm
Liên-Đài, mới hay họ đã đập phá một mặt của ngôi
Liên-Đài của Đức Hộ-Pháp, mục đích là tìm của cải mà
họ nghi là có liệm trong đó. Họ moi các đồ liệm, bỏ
tung tóe bên ngoài, trong đó có một số “xá lợi” của
Đức Hộ Pháp. Hiền Huynh Thốt đã góp nhặt mọi thứ nhét
trở vào Liên-Đài và tìm cách vá tạm chỗ bị phá để được
kín đáo gìn giữ hài cốt của Đức Tôn-Sư. Đến khi
quân-đội Cộng-Sản Việt-Nam sang đánh đuổi Cộng Sản
Miên, cứu dân Miên khỏi cảnh diệt chủng, Hiền-Huynh
Lễ-Sanh Thạch Thốt mới tìm vật liệu vá lại Liên-Đài
của Đức Hộ-Pháp cẩn thận hơn. Khoảng năm 1981-1982,
Hiền-Huynh Thốt về Việt-Nam tường-trình tự sự cho
Hội-Thánh rõ. Từ đó Hiền-Huynh Trần văn Bảy, Phó
Tổng-Giám của Ban Kiến-Trúc về ngành mộc, mới lên Nam-vang
tìm hiểu nhu cầu tu bổ ngôi Liên-Đài của Đức Hộ-Pháp.
Sau đó Huynh Bảy Thăng trở về Tòa-Thánh Tây-Ninh, tìm
cách bán một chiếc máy cày của Hội-Thánh, vốn đã bị
nhà cầm-quyền Cộng-sản Việt-Nam kiễm-kê, để có tiền
mua vật-liệu. Sau khi có tiền, Hiền-huynh Bảy Thăng
liền dẫn hai vị Phó Tổng-Giám nữa là Hiền Huynh Võ văn
Lung và Ngô Di Phú cùng lên Nam-Vang lo tu-bổ và gìn
giữ ngôi Liên-Đài của Đức Hộ-Pháp. Sau khi sắp xếp mọi
việc ở Nam-vang cho Hiền-huynh Ngô Di Phú và Võ văn
Lung, Hiền-huynh Bảy Thăng lại trở về Tòa-Thánh
Tây-Ninh và bị nhà cầm quyền Cộng-Sản Việt-Nam bắt giữ
về tội xâm phạm tài-sản Xã-Hội Chủ-Nghĩa và giam cầm
khoảng 5 tháng. Sau khi được thả ra Huynh Bảy Thăng
lại trốn lên Nam-vang và ở luôn tại đó cho đến nay.
Trong khi Huynh Bảy Thăng còn bị giam ở Việt-Nam, thì
Huynh Võ văn Lung và Ngô Di Phú đã nhờ người xin với
Chánh-quyền Miên cho phép làm Đại-Diện cho Cao-Đài tại
Nam-Vang. Khoảng năm 1992-1993, Huynh Lung đã rước một
vị Giáo-Hữu từ Việt-Nam lên để chủ-tọa một cuộc
công-cử ra một Bàn-Trị-Sự gồm có:
1.
Hiền-Huynh Hoát văn Phúc, Chánh-Trị-Sự.
2.
Hiền-Huynh Đỗ văn Năm, Phó Trị-Sự.
3.
Hiền-Huynh Nguyễn văn A, Thông-Sự
4.
Hiền-Tỷ Trần thị Của, Thông-Sự.
Còn thành phần Tứ Vụ, thì mới công-cử sau nầy thôi. Từ
ngày được công-cử, Huynh CTS Phúc bận lo làm ăn ở
Pẹc-Cà-Đam, cách xa Nam-vang hằng 80 Km, rất ít khi
thi hành phận-sự tại Thánh-Thất. Mọi phận-sự về
Nghi-lễ tại Thánh-Thất đều phó thác cho vị Phó-Trị-Sự
Đỗ Văn Năm đảm trách. Huynh Lung, với tư cách là đại
diện (Huynh Phucù đã qua đời), là người trọn quyền
điều hành và quyết định tất cả công việc đạo sự của
Thánh Thất. Được biết đồng đạo tại Thánh Thất Nam Vang
chỉ còn khoảng hơn trăm gia đình mà thôi.
Vào năm 1992, một số lính Miên bắt đầu xâm chiếm đất
của Thánh-Thất Kiêm-Biên. Họ cho công thợ và xe ủi đất
đến phá các sườn bê-tông và san bằng mặt đất để cất
nhà. Trong khi đó, Huynh Trần văn Bảy và vài đạo-hữu
khác đã can đảm nằm vạ trước máy cày không cho họ phá.
Do vậy bọn lính Miên đã khiêng huynh Bảy Thăng ném vào
hàng rào kẻm gai, bị thương tích khá trầm trọng. Nhưng
rồi nhà cầm quyền dân-sự ở địa-phương của Miên cũng
không ngăn cản sự chiếm đất của Thánh-Thất. Và cứ thế,
cho đến nay, họ chiếm gần trọn khu đất, chỉ còn chừa
được một chu-vi 20 x 30 mét đất cho Liên-Đài và một
Thánh-Thất tạm bằng cây ván, bị hãng xưởng và cao-ốc
bao bọc đến độ chỉ còn một ngõ hẻm rộng 1m20 làm đường
đi ra phía Đại-lộ Mao Tsé Tung. Bất cứ ai có dịp đến
thăm viếng Liên-Đài của Đức Hộ-Pháp, có lẽ đều phải
mũi lòng, rơi lệ, cảm thương cho một vị Tôn-Sư cao quý
và dày công của Đạo Cao-Đài, đang phải chịu cảnh trạng
tủi nhục như thế!
Từ sau năm 1975, trước Chánh-Phủ Hoàng-Gia Campuchia,
Đạo Cao-Đài chưa có một cơ-chế pháp-nhân, nên họ không
thể liên lạc và giúp đỡ chính-thức được. Theo luật lệ
hiện hành của Chánh-Phủ Hoàng-Gia Campuchia, mỗi
Chùa-chiền hay Thánh-Thất đều phải có một Ban Quản-Trị,
gồm ít nhứt là 7 người, được bầu chọn công khai và
dân-chủ, thì Bộ Lễ-Nghi và Tôn-Giáo của Chánh-Phủ mới
nhìn nhận và ban cấp tư-cách Pháp-nhân.
Từ hơn một năm nay, chư Tín-hữu Cao-Đài tại Nam-vang
đã nhiều lần đề-nghị với Hiền Huynh Võ văn Lung cho
bầu cử bổ-túc thành phần Bàn-Trị-Sự của Thánh-Thất để
trình cho Chánh-Phủ Hoàng-Gia Campuchia, để xin tư
cách pháp-nhân, nhưng đều không được Huynh Lung chấp
thuận, với lý do là không có Chức-sắc chủ-trì.
Trên thực-tế, vì tình hình đạo sự tại Tòa Thánh Tây
Ninh chưa được yên ổn thì làm sao Hội Thánh có thể bổ
nhiệm một vị Chức-sắc sang hành-đạo chánh-thức tại
Campuchia được? Do đó đồng-đạo tại Campuchia phải tùy
thời sử trung, lấy sự bầu chọn của nhơn sanh tại
địa-phương mà lập thành Bàn-Trị-Sự vừa hợp với luật
Đạo mà vừa hợp với luật Đời, hầu duy trì và phát triển
cơ Đạo, chớ đâu lẽ nằm im chờ ngày Đạo ở Campuchia bị
diệt vong?
Chính vì lẽ đó mới có một số đồng đạo hằng ưu-tư cho
tiền-đồ của Đạo mới đạo đạt nguyện vọng lên Sở Lễ-Nghi
và Tôn-Giáo của Thành Phố Nam-Vang, vào ngày
15/1/2002, xin có biện pháp giúp đỡ cho Đạo Cao-Đài ở
Nam-vang được bầu chọn một Ban Cai-Quản Thánh-Thất
Kiêm-Biên. Sở Lễ-Nghi và Tôn-Giáo Thành-Phố Nam-Vang
đã đến Thánh-Thất Kiêm-Biên yêu cầu Hiền-Huynh Võ văn
Lung ra một Thông-Cáo kêu gọi toàn đạo-hữu ở Nam-Vang
nộp hồ-sơ ứng cử vào thành phần Ban Cai-Quản của
Thánh-Thất cho Hiền Huynh Lung duyệt xét. Sau đó Huynh
Lung lập thành danh-sách ứng cử viên đệ nạp lên Sở
Lễ-Nghi và Tôn-Giáo để Sở nầy định ngày mời toàn
đạo-hữu đến Thánh-Thất Kiêm-Biên bầu chọn Ban Cai-Quản
trước sự chứng kiến của chánh-quyền địa-phương. Hiền
Huynh Lung đã thi-hành theo lời yêu cầu trên đây.
Trong cuộc bầu chọn vừa qua, vào ngày 27/01/2003, tại
Thánh-Thất Kiêm-Biên, Chánh-quyền chỉ đóng vai trò giữ
gìn trật tự an-ninh và quan-sát mà thôi. Đồng Đạo đã
chọn Hiền-Tài Trần văn Ria chủ-tọa phiên họp và đã
chọn được những vị sau đây:
1.
Ông Võ văn Lung Cố-Vấn.
2.
Ông Trần văn Bảy Cố-vấn.
3.
Ông Lâm Sang Trưởng Ban Trị-Sự.
4.
Ông Võ Quang Minh Phó Ban Trị-Sự I.
5.
Bà Hồ thị Hương Phó Ban Trị-Sự II.
6.
Ông Nguyễn văn A Ủy-viên Nghi-Lễ.
7.
Ông Đoàn Thiện Phước Ủy-viên Xây Dựng.
8.
Ông Lê Quí Hảo Thư-Ký.
Bà Nguyễn thị Ngọc Ủy-viên Trật-Tự Vệ Sinh
Sau cuộc bầu cử, Sở Nghi Lễ và Tôn Giáo Thử Đô Phnom
Penh đã ký Quyết Định số 39/03 LNTG ngày 29/1/2003
chính thức công nhận thành phần Bàn Trị Sự của Đạo Cao
Đài như trên. Tưởng cũng nên biết là các chức vụ trên
là về phần Đời, còn về phần Đạo thì HH. Lâm Sang là
Chánh-Trị-Sự, kiêm Q. Đầu Tộc Đạo, HH. Võ Quang Minh
là Chánh Trị Sự, HH. Đoàn Thiện Phước là Phó Trị Sự,
HH. Lê Quí Hảo là Thông Sự, Hiền Tỷ Hồ Thị Hương là
Chánh Trị Sự nữ, Hiền Tỷ Nguyễn Thị Ngọc là Phó Trị Sự
nữ.
Tuy đã có cuộc công-cử chính thức như thế, Huynh Lung
cho rằng đã bị chính quyền Đô Thành Phnom Penh chèn ép,
nên Huynh Lung đã không chấp nhận vai trò Cố-vấn, cũng
không chịu hợp-tác và không chấp nhận bàn-giao cho tân
Bàn Trị Sự, đồng thời lại làm đơn khiếu nại lên Quốc
Vương Sihanouk và Thủ Tướng Hun Sen.
Sự-việc đã đi đến sự can thiệp của Chính-quyền
địa-phương vào ngày 27/2/2003, yêu cầu Huynh Lung bàn
giao. Huynh Lung xin gia hạn thêm hai tuần để chờ kết
quả đơn khiếu nại của Huynh đã gửi lên Thủ-Tướng Hun
Sen và Quốc Vương Sihanouk. Phía Bàn-Trị-Sự mới đề
nghị cho Huynh Lung một tháng thay vì hai tuần, nghĩa
là đến ngày 27/3/2003 là hạn chót, Huynh Lung phải
bàn-giao cho Bàn-Trị-Sự mới bắt đầu điều hành chuyện
Đạo tại Thánh-Thất Kiêm-Biên. Huynh Lung đã lăn tay
cam kết với Chính-quyền địa phương.
Vào ngày Thứ Bảy 22/3/2003, Phái-Đoàn CQTGHN đã được
Sở Lễ-Nghi và Tôn-Giáo Thành-Phố Nam-vang tiếp kiến
xã-giao tại Trụ-sở vào lúc 10 giờ sáng. Phía Phái-Đoàn
Cao-Đài gồm có Hiền-Tài Nguyễn Chánh-Giáo, Hiền-Tỷ
Nguyễn Ngọc Lan, Hiền-Tài Trần văn Ria, Hiền-Huynh Võ
Quang Minh, đương-kim Hộ-Vụ của Thánh-Thất và cũng là
tân Chánh-Trị-Sự trong Bàn-Trị-Sự mới được công-cử vào
ngày 27/1/2003 vừa qua và ông Lê Quang, nguyên Tổng
Biên-Tập-viên Tuần-Báo Bình-Minh tại Nam-vang, làm
Thông-dịch viên. Phía Sở Lễ-Nghi và Tôn-Giáo Thành-Phố
Nam-Vang gồm có Ông Nghet Chan Bor, Giám-Đốc và hai vị
Phó Giám-Đốc. Trong hơn một giờ đồng-hồ, Phái-Đoàn đã
giải đáp một số vấn đề về Cơ-cấu Tổ-chức và Điều-hành
Hội-Thánh Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ, Tôn-chỉ và Mục-đích
của Tôn-Giáo Cao-Đài, nguyên-tắc công-cử các Chức-việc
cấp Hương-Đạo theo Luật Pháp của Đạo Cao-Đài, trong đó
có vấn-đề liên quan đến tình trạng đặc biệt tại
hải-ngoại và Vương-quốc Campuchia. Phái-Đoàn đã
thỉnh-cầu các cấp chánh-quyền thuộc Bộ Lễ-Nghi và
Tôn-Giáo Hoàng-Gia Campuchia đặc biệt lưu tâm giúp đỡ
cho Tôn-Giáo Cao-Đài được ổn-định và phát-triển tại
Vương-quốc Campuchia. Ông Giám-Đốc Sở Lễ-Nghi và
Tôn-Giáo Thành-Phố Nam-vang đã xác nhận đó là mong ước
của các cấp chánh-quyền thuộc Bộ Lễ-Nghi và Tôn-Giáo.
Ông Giám-Đốc cũng mong rằng Phái-Đoàn trình về
Hội-Thánh rằng các cấp chánh-quyền của Hoàng-Gia
Campuchia không hề có hành-vi hay cử chỉ nào cưởng-chế
hay đàn áp Đạo Cao-Đài, mà chỉ có lòng mong ước được
giúp đỡ Đạo Cao-Đài ở Campuchia có được một cơ-chế
quản-trị và điều-hành chánh-thức, có đủ tư-cách
Pháp-Nhân của Đạo Cao-Đài ở Campuchia, hầu dễ dàng cho
cuộc giao-tiếp giữa Đạo Cao-Đài và Chánh-Phủ Hoàng-Gia
Campuchia về sau nầy. Phái-Đoàn đã chụp chung hai tấm
hình kỷ-niệm với ông Giám-Đốc và hai vị Phó Giám-Đốc
Sở Lễ-Nghi và Tôn-Giáo Thành-Phố Nam-vang.
Đến ngày 27/3/2003, cuộc bàn giao bất thành vì Huynh
Lung bị bịnh bất thình lình. Chính quyền Xã chấp
thuận dời ngày bàn giao đến Thứ Năm 3/4/2003. Ngày
3/4/2003, Huynh Lung chỉ chấp nhận bàn giao tài-chánh
còn về hành-chánh thì Huynh Lung không chịu ký tên.
Tuy nhiên Chánh-quyền Xã đề-nghị Bàn-Trị-Sự mới cứ bắt
đầu điều hành đạo-sự tại Thánh-Thất Kiêm-Biên, chớ
không thể trì-hoãn mãi. Do vậy Bàn-Trị-Sự mới đã khởi
sự điều hành đạo-sự kể từ ngày 7.04.2003.
Kết luận
: Cuối cùng, có lẽ Huynh Lung cũng thấm hiểu là đã
điều hành công việc đạo tại Nam-Vang gần 20 năm nay,
nhưng không thể nào nắm giữ quyền suốt đời, nên đã đến
lúc cần phải giao lại nhiệm vụ cho những người mới,
với những suy nghĩ mới thì mới mong phát triển cơ Đạo,
cho nên việc gì đến phải đến. Quý Huynh Tỷ trong Bàn
Trị Sự mới, sau mấy tháng bị khảo đảo tứ bề, hy vọng
rồi đây sẽ được yên ổn làm việc để lo phát triển cơ
Đạo tại đây. Sau nhiều lần thảo luận và trao đổi ý
kiến với Phái Đoàn CQTGHN, tất cả cùng đồng ý là vấn
đế cấp bách cần giải quyết ngay là làm sao xin lấy lại
hay mua lại miếng đất còn lại ở mặt tiền đường phố,
hiện nay là một chỗ chứa và sửa chữa xe hơi. Có được
miếng đất này thì Thánh Thất Nam Vang mới có cơ hội
phát-triển ra mặt tiền đường lộ, có thể xây cất một
Thánh Thất mẫu số 3 hay số 4 của Tòa Thánh Tây Ninh,
cũng như sửa chữa ngôi tháp tạm của Đức Hộ Pháp lại
cho khang trang theo kiểu mẫu tháp của Hội Thánh xây
cất ở Tòa-Thánh, nhưng nhỏ hơn, vì dù sao đất
Campuchia là một địa điểm lịch sử của nền Đại Đạo đã
do Đức Hộ Pháp khai triển tại đây và cũng qui Thiên
tại đây. Xin tất cả nhớ lại lời di ngôn của Đức Hộ
Pháp gửi Hoàng Thân Norodom Sihanouk là “Thánh Thất
Nam Vang là kỷ niệm độc nhất của Bần Đạo nơi đất Miên.”
Hơn nữa Hội Thánh Ngoại Giáo cũng được thành lập tại
đây.
Điểm quan trọng mà toàn Đạo cần chú ý, là một ngày nào
đó Hội Thánh và toàn Đạo sẽ nghinh rước Liên Đài trở
về Tòa Thánh Tây Ninh, thì không lý nào lại rước Liên
Đài qua một ngõ hẻm theo như tình trạng hiện tại. Do
đó, công việc của tân Bàn Trị Sự sẽ rất gay go, rất
khó khăn, lý do là số đồng đạo tại Nam Vang rất ít, đa
số đều không được khá giả, cho nên có tài chánh đâu để
mua lại đất đai, vốn là của Đạo đã bị chiếm đóng ?
Cũng may là sau lưng Bàn Trị Sự và đồng đạo Nam Vang,
còn có toàn thể đồng đạo trong nước và hải ngoại, hy
vọng tất cả đều góp công góp sức lo cho cơ Đạo tại Nam
Vang được vững vàng, thì toàn Đạo sẽ không hổ thẹn khi
đến ngày nghinh tiếp Liên Đài của vị Giáo Chủ trở về
Tòa Thánh Tây Ninh, cuộc nghinh đón sẽ được huy hoàng,
trang trọng, với hàng triệu tín đồ sắp hàng từ Nam
Vang về đến Thánh-Địa Tây Ninh.
Hành-đạo tại Bangkok, Thái-Lan:
Phái-Đoàn rời Phi-Trường Quốc-Tế Nam-Vang vào lúc 10
giờ 20 sáng ngày 23.03.2003 để đến Thái-Lan. Trước khi
rời Úc-Châu, Hiền-đệ Christopher Hartney đã sắp sếp
một cuộc viếng thăm xã giao với World Dhammakaya
Center do Dhammakaya Foundation thành lập ở ngoại-ô
Thủ-Đô Bangkok, Thái-Lan. Đây là một cơ-sở Phật-Giáo
thật vĩ-đại do những người thừa kế của vị Hòa-Thượng
Phramonkolthepmuni (1885-1959) sáng-lập từ năm 1970,
cách Thủ-Đô Bangkok độ 1 giờ lái xe trên Freeway.
Trung-Tâm được xây dựng trên một khu đất rộng một
cây-số vuông, gồm có Văn-Phòng, Tăng-Phòng, Nhà ăn cho
ba trăm ngàn khách cùng một lúc, Nhà Hội-Nguyện (Great
Dhammakaya Assembly Hall) cho ba trăm ngàn Sư-Sải và
Thiện-Tín tham dự cùng một lúc, một ngôi Chùa Phật
(Great Temple), v.v. Vĩ-đại hơn hết là Maha Dhammakaya
Cetiya, gồm có một cái Dome, nóc làm bằng 300.000
tượng Phật mạ vàng, bao bọc bằng một bệ xi măng dự trù
sẽ tăng lên một triệu tượng Phật trong tương lai.
Phái-Đoàn đã được World Dhammakaya Center gửi một
chiếc xe Mini Bus đến đón tại ASIA Hotel, ở Trung-Tâm
Thủ-Đô Bangkok lúc 11 giờ. Vừa đến Trung-Tâm,
Phái-Đoàn được đưa ngay vào một phòng chiếu-phim, giới
thiệu lai-lịch và sinh-hoạt của Trung-Tâm. Khi trở ra
thì được Tỳ Kheo Nicholas, Tăng-Đoàn Trưởng (Abbot)
tiếp đón và mời uống nước giải khát. Xong vị Tăng-Đoàn
Trường cho người hướng dẫn đi tham-quan Great Temple.
Lúc quay lại trụ-sở chánh, Phái-đoàn được đưa vào một
phòng Tiếp-Tân để cùng vị Tăng-Đoàn Trưởng (Abbot)
trao đổi đạo-pháp trong bầu không-khí tương kính và
hoan-hỉ trong hơn một tiếng đồng hồ. Tỳ-Kheo Nicholas
tỏ ý mong muốn có sự giao-hảo tốt đẹp với Tôn-Giáo
Cao-Đài. Phái-đoàn cũng mời Tỳ-Kheo Nicholas có dịp
đến thăm Tòa-Thánh Tây-Ninh. Sau đó Phái-Đoàn được đưa
đi tham quan The Great Dhammakaya Assembly Hall và
Maha Dhammakaya Cetiya. Phái-đoàn rời Trung-Tâm lúc 16
giờ 30 chiều và về đến Hotel vào khoảng 17 giờ 45 phút.
Nguyễn Chánh Giáo