Lễ khánh thành thánh thất Sài Gòn

Sàigòn 14-7-2001 - Phóng Sự của Bạch Y Sinh.

 

 

VÀI NÉT VỀ LAI-LỊCH THÁNH-THẤT SÀIGÒN.

 

Nguồn gốc ngôi Thánh Thất nầy thuở xa xưa là một villa kiểu Pháp, tọa-lạc trên khuôn-viên có diện-tích là 931 mét vuông, địa-chỉ lúc đó là 107 (sau đổi lại là 891) Trần-hưng-Đạo Sài-gòn. Vào năm 1949 do nhu-cầu đạo-sự Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc mua lại nơi nầy làm văn-phòng liên-lạc, để mỗi khi Đức Ngài hoặc các chức-sắc Đại Thiên-phong xuống Sài gòn thì nghỉ-ngơi và làm việc tại đây.

 

 

 

Trong thời gian đó thì cơ-sở hành Đạo của giáo-phận Sài-gòn đặt ở chùa Thái Hòa số 75 đường Cô Bắc, một ngôi chùa Minh Sư hiến cho Đạo để thờ phụng Chí-Tôn và tín-hữu quanh vùng về đây lễ-bái vào các ngày đàn-lệ, mà cũng là nơi đặt văn-phòng Khâm Châu Đạo Sài-gòn lúc bấy giờ. Chúng ta cũng nên biết thêm rằng nơi nầy hiện nay đã xây cất lại là một Điện Thờ Phật Mẫu rất khang-trang gọi là Điện Thờ Phật Mẫu Thái Hòa.

 

Về sau Đức Hộ Pháp trao cơ sở 107 Trần-hưng-Đạo cho Châu-Đạo Sài-gòn để làm cơ-sở hành đạo, lúc đó còn là nhà trệt, phía trước thờ Chí-Tôn, phía bên thờ Phật Mẫu, còn dãy nhà hậu là nơi làm việc và nghỉ-ngơi cho các chức-sắc Hành-chánh, Phước-thiện và các ban-bộ điều-hành đạo sự tại địa-phận Sài-gòn.       

       

Đến năm 1973 hiền-huynh Giáo-hữu Thượng-Đâu-Thanh Khâm-châu Đạo Sài-gòn lúc bấy-giờ đã xây cất phần hậu điện thêm lên 2 tầng, tầng 2 một bên thờ Chí-Tôn, một bên thờ Phật Mẫu để có rộng-rãi hơn cho tín-hữu chiêm-bái vào những ngày đàn lệ, tầng 1 làm phòng nghỉ-ngơi, đổi phần trệt phía trước làm phòng hội, khánh-tiết, tiếp tân, phần sau là phòng trù (nơi nấu nướng) và công-trình phụ (nhà vệ-sinh, phòng tắm công-cọng) và kiến-tạo thêm cổng ra vào theo kiểu cửa tam-quan. Còn việc xây-dựng một Thánh Thất khang-trang theo kiểu-mẫu chung của Tòa Thánh Tây Ninh, thì lúc đó chỉ còn là một ước-mơ trong tâm-khảm của mọi người, chứ chưa có cơ-hội thực-hiện

 

TIẾN-TRÌNH XÂY-DỰNG THÁNH-THẤT MỚI HIỆN NAY

 

Ngày tháng trôi qua...cơ-sở nầy bị xuống cấp trầm-trọng, và do nhu-cầu phát-triển của cơ phổ-độ, để đáp-ứng với đà tiến-triển tâm-linh của chúng-sanh, nên chức-sắc và bổn-đạo thuộc Họ-đạo Sài-gòn đã quyết-tâm xây cất một thánh-thất theo mẫu số 4 của Tòa Thánh Tây Ninh. Ở đây cũng cần nói thêm, về mẫu xây cất Đền Thánh trung-ương cùng các Thánh-thất địa-phương trên toàn thế-giới của Cao-Đài giáo, đều do Thiêng-liêng chỉ vẽ qua cơ-bút trực-tiếp cho Đức Hộ Pháp. Rồi tùy theo quy-mô lớn nhỏ mà chuyên-viên kiến-trúc của Hội-Thánh vẽ lại từng họa-đồ xây cất cho mỗi loại Thánh Thất khác nhau, mẫu nhỏ nhất là số 5, mẫu lớn hơn là số 4, lên số 3, số 2 và số 1 là mẫu lớn nhất ngang tầm cỡ với Đền-Thánh trung-ương tại Thánh-địa Tây-Ninh là hình-ảnh thu nhỏ của Bạch-Ngọc-Kinh tại thế. Các chi-tiết tô-vẽ, trang-trí bên ngoài và bên trong đều một khuôn-mẫu để làm biểu-tượng chung cho nền tôn-giáo Cao-Đài.

 

Thiên tùng nhơn-nguyện, nên chương-trình xây cất Thánh-thất Sài-gòn theo mẫu số 4 của Tòa Thánh Tây Ninh, đã được Chức-sắc và tín-hữu Họ Đạo Sài-gòn tiến hành từng bước trong thuận-lợi.

 

Trên một khuôn-viên nhất-định của cơ sở cũ, chỉ có 931 mét vuông, mà việc kiến-tạo một Thánh-thất mới, đòi hỏi phải đáp-ứng một lần với nhiều yêu-cầu. Trước tiên là phải có một mẫu thờ-phụng Thượng Đế khang-trang tiêu-biểu cho nền tôn giáo Cao-Đài, tại một thành-phố mà từ xưa các nước Tây-phương đã cho là hòn ngọc Viễn-đông, mà cũng là nơi được Thượng-Đế giáng-linh thâu nhận các môn-đồ đầu tiên, để lập nên nền tôn giáo Cao-Đài. Thứ đến là phải đủ chỗ để làm nơi hội-họp, sinh-hoạt cho một Họ Đạo đông-đảo trên 30.000 tín đồ. Rồi còn phải đáp-ứng được nhu-cầu sinh-hoạt nghỉ-ngơi cho chức-sắc, chức-việc và tín-đồ các ban bộ thi-hành đạo-sự. Để đáp-ứng cùng một lúc 3 yêu-cầu nêu trên, ban kiến-trúc đã thực-hiện một công-trình khá công-phu gồm phần trệt và hai tầng lâu kiên-cố:

 

            - Phần trệt, phía trước là hội-trường sinh-hoạt của tín-hữu và nơi làm việc của Ban Cai-quản và các Ban Bộ của Họ Đạo Sài-gòn. Phía sau là nhà bếp và các công-trình phụ (hồ chứa nước, nhà vệ-sinh, nhà tắm công cọng).

 

            - Tầng 1 phía trước là nơi thờ-phụng chư tiên-linh Cửu-huyền Thất-tổ và phòng Khánh-tiết, Tiếp tân, có bao lơn nhìn xuống đường Trần-hưng-Đạo. Nơi đây cũng kiến-trúc và trang trí rất lịch-sự đẹp mắt. Phía sau là một dãy phòng biệt-lập dành cho sự nghỉ-ngơi.

 

            - Tầng 2 là phần chính, xây cất theo khuôn-mẫu một Thánh-thất của Cao-Đài giáo gồm có lầu Hiệp Thiên Đài, lầu chuông, lầu trống, Cửu Trùng Đài, Bát Quái Đài. Tầng 2 nầy là một Thánh-thất mẫu số 4, có trần đúc vòm cung, cột rồng, cùng các chi-tiết tô đắp, sơn vẽ theo kiểu-mẫu Đền-Thánh trung-ương thâu nhỏ.

 

Đây là một công-trình khá lớn trong cửa Đạo, đã xây cất hoàn-thành trong một thời-gian kỷ-lục, tính từ ngày lễ đặt viên đá đầu tiên ngày 4 tháng 2 Kỷ-mão (21/03/1999), khoản 1 năm sau thì xong phần cơ-bản, đã làm lễ An vị Thánh tượng Thiên-nhãn vào ngày 12 tháng 3 Canh-thìn (16/04/2000) và đến hôm nay công-trình hoàn-tất và lễ Khánh-thành được tổ-chức vào ngày 24 tháng 5 Tân-tị (14/07/2001). Tính ra chỉ trong vòng 2 năm.

 

Theo hiền-huynh Giáo-hữu Thượng-Bé-Thanh, Chánh Cai-quản Thánh-thất Sài-gòn và hiền-huynh Lễ-Sanh Thái-Thọ-Thanh phó Cai-quản kiêm Trưởng Ban Xây-dựng, thì sở dĩ việc xây-cất Thánh-thất được tiến-hành nhanh-chóng và thuận-lợi là nhờ sự yểm-trợ tinh-thần cùng nhân-lực, tài-lực, vật-lực của đông đảo Đạo-tâm trong Đạo cũng như ngoài Đời, không chỉ trong phạm vi Họ Đạo Sài gòn, mà ở khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Về phần thực-hiện công-trình, thì đã có được một ban Xây-dựng đầy nhiệt-huyết luôn gắn-bó với công-trình, cùng với sự cọng-tác tích-cực của một đội-ngũ kỹ-sư, chuyên-viên kiến-trúc và các tay thợ lành nghề. Nhất là đội-ngũ thợ hồ, thợ mộc, thợ sơn, thợ vẽ, là lực-lượng chủ-lực của Tòa-Thánh Tây-Ninh. Chúng ta cũng cần biết thêm rằng đội-ngũ nầy đã do nhiều thế-hệ kế-thừa hiến thân tiếp-nối, từ ngày xây cất Đền-Thánh trung-ương, các dinh-thự trong nội và ngoại ô Thánh-địa cho đến các Thánh-thất địa-phương trong nước và ngoài nước, có nhiều tay thợ đã từng vượt biên sang vương-quốc Campuchia để yểm-trợ xây-cất Thánh-thất Nam-vang, mặc dù bị vương-quyền Campuchia lúc đó trục-xuất, đuổi lên, đuổi xuống, nhưng họ vẫn kiên-tâm hoàn-thành công-trình.

 

Trong công-trình xây-dựng Thánh-thất Sài-gòn còn nhờ kết-hợp với các phương tiện cơ-giới hiện-đại như máy đào đất làm nền móng, máy bom bê-tông đúc phần thượng tầng, nên đã rút ngắn thời-gian, mà vẫn đảm-bảo được chất-lượng của một công-trình kiên cố, toàn bằng bê-tông cốt sắt, trong tương lai sẽ trở thành một khối đá, đủ sức chịu đựng với thời-gian cùng phong sương tuế nguyệt.

 

Ngôi Thánh-Thất được xây-cất với tổng kinh-phí là một tỷ, ba trăm ba mươi lăm triệu, bốn trăm chín mươi sáu nghìn đồng (1.335.496.000 VN$, vào khoảng 100.000 Mỹ Kim, theo như giá biểu hiện tại). Trong lúc quý Đạo-tâm trong và ngoài nước, tự-nguyện đóng góp được một tỷ, hai trăm năm sáu triệu, sáu trăm hai mươi sáu nghìn, hai trăm tám chục đồng (1.256.626.280 VN$). Như vậy nên số bội chi là bảy mươi tám triệu, tám trăm sáu mươi chín nghìn, bảy trăm hai mươi đồng (78.869.720 $ ). Số tiền bội chi nầy Ban Cai-quản Họ Đạo Sài-gòn cũng đang kêu gọi sự hảo-tâm hỷ-hiến tiếp-tục của các Đạo-tâm bốn phương trợ-giúp thêm để bù vào đủ số nợ.

 

DIỄN-TIẾN BUỔI LỄ KHÁNH THÀNH THÁNH-THẤT SÀI-GÒN

 

Thật là một ngày đẹp trời, đạo-hữu xa gần đổ về Thánh-thất Sài-gòn đông như một ngày hội, có những người ở các tỉnh xa, họ đã về đây trước nhiều ngày. Với một khuôn-viên có một mặt bằng cố-định, ở giữa lòng đô-thành, nên không đủ chỗ chứa đựng hết tấm lòng mộ-đạo của tín-hữu bốn phương, nhưng nhờ có lợi-điểm là Thánh-thất ở sát mặt tiền của đại-lộ Trần-hưng-Đạo hai chiều, nên cũng có thể xem như phía trước Thánh-thất là một quảng-trường, tuy với làn sóng người áo dài trắng lợp, xe cộ chen chân, nhưng nhờ sự khéo-léo điều-hành của Ban Tổ-chức, của các Trật-tự viên nam nữ trong Đạo cùng sự yểm-trợ của lực-lương an-ninh, cánh-sát công-lộ, nên đã giúp buổi lễ tiến-hành trong không-khí trang-nghiêm, trật-tự, tuy địa-điểm hành-lễ ở sát công-lộ, xe cộ qua lại như mắc cửi, nhưng không có một sự ách-tắc giao thông nào xảy ra.

 

Buổi lễ khai mạc vào lúc 8 giờ sáng ngày 24 tháng 05 Tân-tỵ (14/07/2001). Có đội trống nhạc và Ngọc kỳ-lân của Đạo từ Tòa-Thánh Tây-ninh xuống yểm-trợ phần nghi-lễ.

 

Sau phần tiếp đón các đại-biểu, quan-khách, buổi lễ bắt đầu bằng Lễ đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh-hùng Liệt-sĩ.

 

Thành-phần tham-dự buổi lễ gồm có:

 

-         Quý Chức Sắc trong Hội-Đồng Chưởng-Quản Tòa-Thánh Tây-ninh.

-         Các Đại-biểu Chính-quyền Đảng-ủy, Mặt-trận Tổ-quốc, các đoàn-thể, Tôn-giáo bạn trong thành-phố và các vùng lân-cận. Trong số nầy có Bà Đại-diện Ban Tôn-giáo Chính-phủ đặc-trách các tỉnh phía Nam đến tham dự.

-         Chức-sắc, chức việc và tín-hữu các địa-phận xa gần.

 

Tiếp-tục buổi lễ hiền-huynh Giáo-hữu Thượng-Bé-Thanh Cai-quản Họ Đạo Sài-gòn lên đọc diễn văn, chào mừng quý vị Đại-biểu và Quan-khách. Tường-thuật sơ qua về lai-lịch Thánh-thất Sài-gòn, cùng cám-ơn tất-cả Đạo-tâm đã đóng góp công của xây-dựng thành-công ngôi Thánh-thất khang-trang nầy, ngoài ra còn biểu-dương một số vị đã dày công trong việc kiến-tạo, một trong những người tiêu-biểu đó là hiền-huynh Tổng-giám Võ-văn-Xê tuy tuổi đã ngoài 70, nhưng không quản khó nhọc đã quan-tâm đến từng chi-tiết trong bản vẽ cũng như ngoài công-trình, để không có một sai sót nào dù là nhỏ-nhặt.

 

Kế đến là diễn-văn của hiền-huynh Lễ Sanh Thái-Thọ-Thanh. Nội-dung đầu tiên đã nhắc lại lời dạy của Đức Hộ Pháp là “bắt gió nắn hình, từ cái không làm nên cái có” nên toàn Đạo nơi đây vâng theo lời dạy nầy mà đã xây-dựng hoàn-thành ngôi Thánh-thất, cùng tổng-kết lại công-trình xây dựng, nêu rõ các nguồn thu-chi và các diễn-tiến trong việc xây dựng, cùng nêu lên một số thành-tích tiêu-biểu, như Hiền-tỷ Kim-Liên ái nữ của Ngài Giáo-hữu Thượng-Màng-Thanh là hiền-thê của Giáo-sư Bác-sĩ Võ-văn-Thành đã sẵn-sàng giúp đỡ và nhờ Kỹ-sư Lê-Bá-Thông, kỹ-sư Nguyễn-kim-Tân là những chuyên-viên kiến-tạo đầu ngành, phối-hợp với Tổng-giám, Tá-lý Ban công thợ hiến thân của Tòa-Thánh, xây-cất công trình cho đến khi hoàn-thành, tất cả đều không nhận một khoản thù lao nào cả.

 

Sau diễn-văn của hiền-huynh Lễ Sanh Thái-Thọ-Thanh, kế đến là Bà Chủ-tịch Mặt-trận Tổ-quốc Quận 5 phát-biểu ý-kiến: chúc-mừng và biểu-lộ một niềm vui chung với Ban Cai-quản và bà con tín-hữu Họ Đạo, và nhắc nhở toàn Đạo nên bảo-quản, tu-bổ giữ-gìn để ngôi Thánh-thất ngày càng đẹp hơn, cùng tích-cực góp phần vói địa-phương trong các lãnh-vực kinh-tế, văn-hóa, xã-hội và an-ninh  theo phương châm “Tốt Đời Đẹp Đạo”.

 

Sau cùng là diễn văn của Ngài Phối Sư Thượng Tám Thanh Hội-Trưởng Hội-Đồng Chưởng-Quản Tòa-Thánh Tây-Ninh.

 

Khi đứng trên bục phát-biểu, Ngài Phối-Sư đã cẩn-thận bấm tắt nút máy ghi âm đã đặt sẵn cạnh micro. Có lẽ vì một lý-do nào đó, mà Ngài không muốn cho ghi lại lời nói của Ngài, trong lúc đó thì hàng chục ống kính máy ảnh và quay phim vẫn hướng vào Ngài. Tuy không ghi-âm được, nhưng chúng tôi cũng tốc-ký nội-dung bài diễn văn như sau:

 

-         Trước tiên Ngài chào mừng tất cả Đại-biểu, Quan-khách tham-dự buổi lễ.

-         Khen ngợi Ban Cai-quản và toàn Đạo đã kiến-tạo hoàn-thành ngôi Thánh-thất và tổ-chức buổi lễ Khánh-thành trọng-thể hôm nay.

-         Cuối cùng Ngài khuyên nhủ toàn Đạo nên tuyệt đối tuân theo mệnh-lệnh của Hội Đồng Chưởng Quản Tòa-Thánh Tây-Ninh, thi-hành tốt mọi chủ-trương pháp-luật của Quốc-hội và Nhà-nước.

 

Qua nội-dung nêu trên, chúng tôi xin đi ra ngoài đề một chút, để có một vài cảm-nghĩ như sau: Nội-dung của bài diễn văn nầy, chỉ có tính-chất nghi-thức mà thôi, chứ thực ra trong huyết-quản những tín-đồ ngoan Đạo đã sẵn có dòng máu: “Tuân thủ Luật Trời, Luật Đạo và Luật Đời” của Đức Tôn-sư Hộ Pháp Phạm-công-Tắc đã dạy trong Phương tu Đại-Đạo. Ngoài ra đa số tín-đồ ngoan Đạo cũng đã thấm nhuần lời dạy của Đức Ngài đối với các trường-hợp bất thường rằng : “Nếu trong một nhóm mà thấy có một Giáo hữu hay Giáo-sư của Đạo trong đó, thì chính Qua, Qua cũng không dám cho là giả. Tuy nhiên nếu việc làm của họ sai trái thì để cho Bát-Quái-Đài định tội...”.

 

Do đó, việc một vài tín đồ tuân theo mệnh-lệnh của Hội Đồng Chưởng Quản là một việc đương nhiên không còn phải nghĩ bàn. Nhưng ai ai cũng biết là trong thâm tâm, đa số đồng đạo có nhiệt-huyết vì Thầy vì Đạo, đều mong muốn quý Chức Sắc lãnh-đạo lèo lái con thuyền Đạo đi đúng theo Pháp Chánh Truyền và Tân Luật do Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng lập ra hầu cứu vớt lương-sanh đang chìm đắm, nên rất khổ tâm mà không thể nào đồng ý, đồng tình với các hành động của Hội Đồng Chưởng Quản, cho nên đây là điều bất-đắc-dĩ, không thể coi như là một trường-hợp chống-đối, bất tuân thượng lệnh được. Bởi vì Đạo-pháp là Đạo-pháp, mà Luật-pháp là Luật-pháp, nên không thể lẫn-lộn với nhau.

 

Thật ra hiện nay có những bậc Đàn Anh chúng ta còn nặng mang thành-kiến thường tình, hễ cứ đồng với ta mới cho là phải, mà không đồng với ta đều cho là quấy, bất kể ý-kiến hoặc việc làm đó như thế nào. Điều nầy đã gây nên mối bất hòa trầm-trọng trong Thánh-thể Chí-Tôn, thật là thương tâm chua-xót ! ! !

 

Sau bài diễn văn của Ngài Phối-sư Hội Đồng Chưởng Quản, là phần Đại-biểu, Quan-khách trao quà lưu-niêm cho Thánh-thất Sài-gòn.

 

Buổi lễ kết thúc bằng bữa cơm chay thân-mật. Quý Đại-biểu, Quan-khách thì được khoản-đãi ở phòng Khánh-tiết tầng một, còn chư thiện-nam tín nữ dùng cơm ở Hội-trường (phần trệt), Ban Tiếp-tân cho biết: ngoài Đại-biểu Quan-khách trên tầng 1 ra, tại Hội-trường Ban Tiếp-tân đã bưng dọn tất-cả 100 lượt bàn, mỗi bàn trung-bình 10 người mà thực-phẩm vẫn còn dư, thật là một sự chuẩn-bị rất chu-đáo của các tỷ muội công-quả tại Tòa-Thánh Tây-Ninh phối hợp với địa-phương và các Họ Đạo bạn, đã chu-toàn việc ăn uống cho một số thực-khách quá đông đảo.

 

 Cuối cùng quý Chức Sắc và quý đại biểu quan khách đã ra về trong tiếng trống nhạc và Ngọc Kỳ-lân tiễn-đưa theo nghi-lễ truyền-thống của Cao-Đài-giáo, cùng chư chức-sắc chức-việc và tín-hữu Họ Đạo Sài-gòn nghiêm-chỉnh tiễn chân Đoàn ra đến cổng.

 

Để kết-thúc bài tường-thuật nầy chúng tôi rất lấy làm tiếc là Ban Tổ Chức đã không làm tròn bổn phận của mình là buổi lễ vắng mặt hai vị Chức Sắc Đại Thiên Phong là Ngài Phối Sư Thái Thế Thanh và Thượng Nhã Thanh, cũng như thiếu vắng một số Chức Sắc cao cấp Hiệp Thiên Đài và Phước Thiện khác. Dù buổi lễ khánh thành có rầm rộ uy nghi đi mấy, đồng đạo hiện diện cũng rất buồn trong thâm tâm khi thấy sự vắng mặt này, nhưng đành bấm gan chịu đựng không thốt ra lời trong thời buổi “loạn Đạo” hiện tại.

 

về trang chủ