LTS
– Trong thời gian lưu trú tại Thánh Thất Hoa Thịnh Đốn, Ngài
Phối Sư Thái Thế Thanh đã kể lại cho chúng tôi nghe một số
chuyện về đạo sự mà ít người biết đến, hoặc nếu ai đó có đọc
qua một số tài liệu về đạo sử, cũng không thể biết được đầy đủ
chi tiết. Lý do là Ngài Phối Sư Thái Thế Thanh đã bắt đầu xã
thân lo cho Đạo từ hồi 18 tuổi, tức là trong thời kỳ Đạo còn
phôi thai, cho nên Ngài là một viên chứng của lịch sử Đạo.
Ngài đã thân cận và quen biết hầu hết tất cả những Chức Sắc
Đại Thiên Phong, từ Đức Hộ Pháp, Đức Quyền Giáo Tông, Đức
Thượng Sanh, Thập Nhị Thời Quân, cũng như những Chức Sắc cao
cấp của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Phước Thiện,
cho nên biết rất nhiều chuyện huyền bí của Đạo.
Nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp
Ngày 15 tháng 3 năm Bính Dần (dl 26-4-1926), Đức Chí Tôn
thiên phong Đức Phạm Hộ Pháp là Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ.
Đức Lý Giáo Tông cho biết nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp như
sau:
HỘ giá Chí Tôn trước đến giờ,
PHÁP luân thường chuyển máy Thiên Thơ.
CHƯỞNG quyền Cực Lạc phân ngôi vị,
QUẢN xuất Càn Khôn định cỏi bờ.
NHỊ kiếp Tây Âu cầm máy tạo,
HỮU duyên Đông Á nắm Thiên Thơ.
HÌNH hài Thánh thể chừ nên tướng,
ĐÀI trọng hồng ân gắng cậy nhờ.
Câu thứ tư của bài thơ khoán thủ này có nghĩa là kiếp thứ hai
của Đức Phạm Hộ Pháp là Đức Chúa Jésus Christ đã giáng sinh
lập Đạo ở Tây Âu.
Câu chuyện của Đức Hộ Pháp chính là Đức Chúa tái sinh, từ lâu,
đã gieo vào lòng người tín đồ Cao Đài một sự suy nghĩ sâu xa,
mà mọi người phải có đức tin lớn mới nhận thức được điều đó.
Một câu chuyện khác thực tế mà chúng tôi được thu thập đã minh
chứng đức tin đó. Chuyện này do Ông Lễ Sanh Thái Sơn Thanh kể
lại với Ngài Phối Sư Thái Thế Thanh.
Lúc Đức Phạm Hộ Pháp chưa bị đồ lưu ở Madagascar, một câu
chuyện đã xãy ra ở Thánh Thất Chợ lớn như sau : Ba ông Chánh
Phối Sư Thái Phấn Thanh, Thượng Chữ Thanh và Ngọc Trang Thanh
có mặt tại Thánh Thất đó cùng với Đức Ngài. Trong lúc uống trà
nói chuyện, Ông Thái Phấn Thanh xòe bàn tay ra và nói : “Bàn
tay này từng khét tiếng ở Bà Rịa đây.” Đức Ngài trả lời :”Bàn
tay như vậy mà cũng khoe sao ? “ và Đức Ngài xòe bàn tay của
mình ra mà nói :”Bàn tay của Bần Đạo như vầy mà Bần Đạo có
khoe đâu ?” Trong lúc Đức Ngài xòe bàn tay ra và nắm lại, thì
vị Lễ Sanh Thái Sơn Thanh, đang đứng hầu quạt Đức Ngài, vội
vàng nắm ngay cườm tay của Đức Ngài. Đức Ngài nói : “Sao em
dám nắm tay Bần Đạo ?”. Ông Lễ Sanh Thái Sơn Thanh vội vàng
trả lời :”Thưa Thầy, Thầy xòe tay ra mà chưa ai thấy, sao Thầy
lại nắm lại ?” Đức Ngài mới nói :”À, vậy hả em ? Nè coi đi.”
Ngài xòe bàn tay ra thì Lễ Sanh Thái Sơn Thanh thấy trong lòng
bàn tay của Ngài có một dấu vết bông sen đỏ hồng bằng ngón tay.
Sau khi Đức Ngài lưu vong sang Nam Vang, vào năm 1958, ông
Giáo Sư Thượng Tuy Thanh lên Nam Vang liên lạc. Khi ông vào
bái kiến Đức Ngài, lúc đó Đức Ngài đang nằm trên võng ở BáoÂn
Đường, gác hai chân lên đầu võng. Ông Giáo Sư Thượng Tuy Thanh
lúc đó đứng ở chân võng, và trong khi trình bày tình hình đạo
sự ở Tòa Thánh Tây Ninh, ông nhận thấy ở hai lòng bàn chân của
Đức Ngài có dấu vết hình đóa hoa sen đỏ hồng.
Kết luận cho thấy là Đức Phạm Hộ Pháp có hai dấu vết ở hai
lòng bàn tay, và hai dấu vết ở hai lòng bàn chân, chứng minh
đó là những chổ mà Đức Chúa Jésus Christ bị đóng đinh đã để
lại.
Câu chuyện Đức Phạm Hộ Pháp trợ Thần cho Đại Đức Nerada để trị
bịnh cho một tín nữ ở Bệnh Viện Chợ Rẫy.
Chuyện sau đây do Đại Đức Nerada kể lại với Hội Thánh mà Ngài
Phối Sư Thái Thế Thanh có hiện diện. Đại Đức Nerada là một vị
Sư cao cấp ở Tích Lan, đã nghe danh đến Đạo Cao Đài, nhất là
danh của Đức Phạm Hộ Pháp. Ngày đó, ông ta đến Việt Nam, va
trong khi các Phật tử hướng dẫn đi dạo phố Saigon, thì các
Phật tử này cho biết là có Đức Hộ Pháp , Giáo Chủ Đạo Cao Đài,
đang đi tới kìa. Khi gặp Đức Hộ Pháp, Đại Đức Nerada chào hỏi
và nói :”Tôi ở Tích Lan, được nghe danh Đức Ngài rất nhiều,
nay đến đây được dịp may mắn gặp Đức Ngài. Tôi có một vị tín
nữ đang hấp hối nằm điều trị ở Bệnh Viện Chợ Rẫy, nhờ tôi đến
giải bệnh vào lúc 12 giờ trưa nay. Xin Đức Ngài hoan hỉ trợ
Thần giúp cho tôi trị bịnh.” Đức Hộ Pháp liền hứa giúp, nhưng
khi về đến nhà (lúc đó ở Thánh Thất đường Trần Hưng Đạo), nằm
xem báo, thì đến 12 giờ lại quên. Lúc đó Đức Ngài cảm thấy
phát lạnh nỗi óc, thấy hơi kỳ, chực ngồi dậy và mới nhớ lại
lời hứa buổi sáng nay, vì chính lúc đó Thần của Đại Đức Nerada
đến nhắc nhở Đức Ngài. Đức Ngài bèn cho Thần của mình đến giúp
Đại Đức Nerada trị bịnh.
Ít ngày sau, Đại Đức Nerada đến Tòa Thánh, viếng thăm Hội
Thánh và Đức Hộ Pháp. Ông mới thuật lại câu chuyện cho Hội
Thánh nghe như sau : “Trước khi tôi sang Việt Nam, có vài vị
Đại Đức nói với tôi là khi qua Việt Nam, tôi sẽ gặp Đức Phạm
Hộ Pháp, Giáo Chủ Đạo Cao Đài, mà thần của Đức Ngài không ai
sánh kịp. Tôi nghe vậy nhưng không tin, nghĩ là họ quá đề cao.
Tôi cai quản hơn 3000 Đại Đức ở Tích Lan, làm gì có ai có Thần
cao hơn tôi được. Không ngờ hôm nay tôi được thấy tận mắt. Tôi
đang định Thần để chửa bịnh cho vị tín nữ thì Thần của Đức Hộ
Pháp đến. Trước hết tay tôi truyền Thần phát run lên, rồi cả
thân thể của tôi cũng rung lên. Thần của Đức Ngài truyền qua
cho vị tín nữ, làm cho vị tín nữ cũng rung lên, kể cả giường
bịnh. Đến khi tôi hết rung thì vị tín nữ cũng hết rung, lạ
thay vị tín nữ liền hết bịnh và xuất viện ra về. Hôm nay tôi
thuật chuyện lại với Hội Thánh, tôi mới thấy là Đức Hộ Pháp
đối với tôi là một Thánh Tổ.”
Được biết về sau đó, Đức Nerada đem qua tăïng Hội Thánh một
viên xá lợi của Đức Phật Thích Ca, và một cây Bồ Đề mà chúng
ta đã thấy hiện còn trước Đến Thánh.
Câu chuyện một Giáo Sư Tiến Sĩ người Nam Mỹ xin giải oan tại
Đền Thánh
Vào những năm Quân Đội Hoa Kỳ qua giúp Việt Nam, thời Tổng
Thống Ngô Đình Diệm, có một Giáo Sư Tiến Sĩ người Nam Mỹ (không
nhớ tên), rất giỏi tiếng Việt, đến Tòa Thánh mược tất cả các
kinh sách Đạo để nghiên cứu, xem hết cuốn này đến cuốn khác.
Cho đến một ngày, ông ta xin Hội Thánh được nhận phép giải oan.
Đức Thượng Sanh chấp thuận và cử Ngài Tiếp Pháp Trương Văn
Tràng đến Đền Thánh làm phép giải oan cho ông ta. Khi thọ pháp
giải oan xong, ông Giáo Sư Tiến Sĩ liền xin phép Ngài Tiếp
Pháp cho được nói vài lời với quý vị Chức Sắc có mặt lúc đó .
Ông ta kể : “Tôi xin nói, trong lúc tôi đang thọ pháp, chính
tôi thấy Đức Thượng Đế giáng tại đây, mà quý vị Chức Sắc không
thấy được. Khi Thượng Đế giáng thì hào quang chiếu sáng cả Đền
Thánh. Tôi quả quyết là Đức Thượng Đế ngự nơi đây, chứ không ở
nơi nào khác.” Ngoài ra Ông Giáo Sư Tiến Sĩ còn đưa cho qyuý
vị Chức Sắc xem một phù hiệu Kim Tự Tháp của tôn giáo của ông.
Trên chót của Kim Tự Tháp thì lại có hình Thiên Nhãn. Sau đó
ông Tiền Sĩ xin Hội Thánh ban cho một phẩm vị gì cũng được,
thì Đức Thượng Sanh đồng ý ban cho phẩm Hiền Tài, và ban cho
một bộ phẩm phục.
Khi xuống ở Saigon, ông ta thường đến tiệm cơm chay Tín Nghĩa
ăn cơm, và lúc nào cũng mang phẩm phục Hiền Tài, cho nên nhiều
người thắc mắc không biết ông ngoại quốc nào kỳ lạ vậy. Một
ngày đó, Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh và Ngài Khai Pháp Trần
Duy Nghĩa, trong lúc đến tiệm cơm Tín Nghĩa dùng cơm trưa,
liền hỏi Ông Giáo Sư Tiến Sĩ tại sao đi đâu cũng mang phẩm
phục Hiền Tài chi vậy ? Ông Tiến Sĩ liền trả lời : “Khả năng
tài chánh của tôi dư sức mua bất cứ đồ nào để may mặc, tuy
nhiên bộ đồ này là của Hội Thánh, của Đức Chí Tôn, ban cho tôi,
không có số tiền nào mà mua nỗi. Tôi rất quý mến nó và lúc nào
cũng muốn mặc, và một khi về đến nước tôi, tôi cũng luôn luôn
mặc bộ phẩm phục này.”
Câu chuyện Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh tạo lập Cực Lạc Thế Giới.
Năm 1938, Ngài Thượng Đầu Sư Thái Thơ Thanh, đưa tiền cho Ban
Cai Quản chùa Cực Lạc (dưới chân núi Điện Bà), để cất 9 cái
nhà, mỗi cái nhà có 5 căn 2 chái, tất cả đều có phòng nghĩ.
Ngài viết thư mời các chư tăng các chùa chiền trong toàn quốc
về Chùa Cực Lạc ở Tây Ninh để dự lễ trường hương 100 ngày, rồi
sẽ tiếp tục dự Đại Hội Long Hoa. Khi các vị Hòa Thượng lũ lượt
về tham dự thì Đức Hộ Pháp mới hay tin. Hôm đó có Bà Nữ Đầu Sư
Lâm Hương Thanh ở Vũng Liêm về. Đức Ngài liền mời Bà Nữ Đầu Sư
cùng với 3 vị Chánh Phối Sư đến Chùa Cực Lạc để Ngài nói
chuyện với Ngài Thượng Đầu Sư.
Đức Hộ Pháp hỏi Ngài Thượng Đầu Sư : “Bửa nay có Chị lớn về,
Bần Đạo mời luôn 3 vị Chánh Phối Sư đến đây để nghe Bần Đạo
hỏi Anh Thượng Đầu Sư là ai cho phép Anh mời các chư Tăng, chư
Sơn về dự Đại Hội Trường Hương , rồi tiếp tục dự Đại Hội Long
Hoa ? “ Ngài Thượng Đầu Sư trả lời : “Ngài quên rồi đó, tôi
làm theo Thiên Thơ.” Đức Hộ Pháp liền nói : “ Anh đừng cải.
Thời kỳ chưa đến mà Anh dám tạo ra, như vậy không được.” Ngài
Thượng Đầu Sư trả lời : “Cây cờ thứ nhứt mà Ngài không cho tôi
giựt, để giựt cây cờ thứ hai, lượm thuốc tàn hay sao ?” Đức Hộ
Pháp liền phân trần :” Chị lớn có nghe không ? Ba vị Chánh
Phối Sư có nghe không ? May mà Bần Đạo đem Anh Thượng Đầu Sư
về Ngọc Hư Cung có một lần, mà Anh đã ăn cắp bản đồ Cực Lạc
Tây Phương Thế Giới. Nếu Bần Đạo đem Anh về vài lần nữa, thì
có thể Anh ăn cắp bản đồ Ngọc Hư Cung luôn mà chứ. Hôm nay Anh
không được cải Bần Đạo. Mấy vị Hòa Thượng đã đến lỡ rồi thì
đưa tiễn họ về, rồi viết thư đính chính hoãn cuộc hội lại, sau
sẽ cho biết.”
Đươc biết thêm là Ngài Thượng Đầu Sư có cho tạc tượng của mình
bằng đá cẩm thạch từ bên Tàu đem về. Nhưng sau đó thì Ngài bị
đau bệnh liên miên. Đức Hộ Pháp biết được, giải thích là Thần
của Ngài Thượng Đầu Sư đã gia nhập vào tượng, cho nên Đức Hộ
Pháp bắt phải đem tượng đi chôn. Sau khi tượng được chôn, thì
Ngài Thượng Đầu Sư liền hết bịnh, lúc đó mới biết uy quyền của
Đức Hộ Pháp và đến tạ ơn.
Chuyện Đức Bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu xin nhập môn Đạo Cao Đài
và được ân phong phẩm Phối Sư
Vào khoảng năm 1970, Đức Bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu, thân mẫu
của Cựu Hoàng Bảo Đại, sai nhân viên nghi lễ của Hoàng Triều
đem về Tòa Thánh Tây Ninh trình lên Hội Thánh xin đóng góp
công quả 10,000 đồng và muốn xin nhập môn. Vị Ngọc Chánh Phối
Sư đương thời liền chỉ thị cho Lễ Viện lập Sớ Cầu Đạo Thiệt
Thọ gửi cho Đức Bà, còn phần tiền công quả thì chuyển cho Hộ
Viện để cấp Giấy Ban Khen theo thủ tục. Tờ Ban Khen này do
Ngài Thái Chánh Phối Sư và Ngài Thượng Đầu Sư phê kiến.
Khi Sớ Cầu Đạo và Tờ Ban Khen được đem về cho Đức Bà thì Đức
Bà nói là Đức Bà chỉ nhận Tờ Ban Khen vì đó là bằng chứng số
tiền công quả của Đức Bà gửi cho Hội Thánh, còn Sớ Cầu Đạo thì
Đức Bà không dám nhận vì Đức Bà chưa lập thệ. Do đó, Đức Bà
cho nhân viên ra Khâm Châu Đạo Thừa Thiên, báo với vị Khâm
Châu nên ấn định ngày giờ lập thệ cho Đức Bà. Vị Chức Sắc Khâm
Châu liền trả lời là xin trình lên Đức Bà tùy ý định ngày giờ
thì ông sẽ đến Hoàng Cung lập thệ cho Đức Bà. Đức Bà không
chịu, sai nhân viên đi lần thứ hai đến gặp Ông Khâm Châu để
Ông Khâm Châu tự ý định ngày giờ lập thệ cho Đức Bà.
Vào ngày lập thệ, Đức Bà ra lịnh là khi Ông Khâm Châu đến, mời
Ông tạm nghĩ ở Hoàng môn, nhân viên vào báo tin ngay cho Đức
Bà hay. Đức Bà lập một bàn hương án ở Hoàng Cung, mặc triều
phục, đứng trước bàn hương án, vòng tay cung nghinh khi Ông
Khâm Châu đến. Đức Bà quỳ trước bàn hương án trong khi Ông
Khâm Châu chủ lễ lập thệ theo nghi thức Đạo. Sau khi lập thệ
xong, Đức Bà tuyên bố là kể từ hôm nay, Đức Bà là tín đồ Đạo
Cao Đài, và lúc đó Đức Bà mới nhận Sớ Cầu Đạo Thiệt Thọ.
Thời gian sau, trong một đàn cơ tại Cung Đạo, đêm 15 tháng 11
năm Tân Hợi (dl. 1/1/1972), do hai Ngài Khai Đạo và Hiến Pháp
phò loan, do lời thỉnh cầu của Hội Thánh xin phong chức cho
Đức Bà, Đức Lý Giáo Tông ân phong cho Đức Bà phẩm Phối Sư.
Cũng nên biết thêm là trước khi nhập môn, Đức Bà có gửi thư
hỏi ý kiến Cựu Hoàng Bảo Đại ở Pháp, đại ý là Đức Bà muốn tu
để gửi phần hồn về sau, và trong 3 tôn giáo lớn chính của Việt
Nam hiện thời là Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo và Cao Đài, Đức Bà
chọn Đạo Cao Đài, tuy nhiên Đức Bà muốn hỏi qua ý kiến của Bảo
Đại trước khi quyết định chính thức. Cựu Hoàng Bảo Đại lúc đó
đem bức thư của Đức Bà ra thảo luận với Thái Tử Bảo Long, và
sau khi thảo luận về giáo lý và các đặc thù của 3 tôn giáo,
cũng như về ý muốn của “bà nội”, Cựu Hoàng Bảo Đại và Thái Tử
Bảo Long hoàn toàn đồng ý chấp thuận cho Đức Bà gia nhập làm
môn đệ Đạo Cao Đài.
Câu chuyện Họa Sĩ Lê Minh Tòng vẽ bức tượng Tam Thánh
Ông Lê Minh Tòng, quê quán ở Vĩnh Long, có nghề họa sĩ, nhưng
cũng là một nhà cách mạng, lo cho tiền đồ đất nước, cũng mong
muốn gỡ ách đô hộ của nước Pháp để nước Việt Nam được độc lập
tự do. Một buổi sáng nọ, ông ra chợ ăn sáng, rồi thay vì về
nhà, không hiểu sao có gì xui khiến, ông lại lên xe đò đi
Sàigòn, rồi khi đến bến xe Sàigòn, ông len men tìm xe đò khác
đi Tây Ninh. Đến Tây Ninh, ông không biết đến để làm gì, rồi
thì đang ngớ ngẫn không biết đi đâu nữa, ông đi viếng thăm Tòa
Thánh. Tại đây ông được hướng dẫn vào gặp Ngài Bảo Thế Lê
Thiện Phước. Vì Ông Lê Minh Tòng cũng có chút danh tiếng ở
Vĩnh Long, cho nên Ngài Bảo Thế muốn giới thiệu Ông đến gặp
Đức Hộ Pháp. Đức Hộ Pháp lúc đó đã được Đức Lý Giáo Tông cho
biết trước nhiệm vụ của Ông Tòng, cho nên liền hớn hỡ tiếp đón
và nói ngay : “Nghe nói Ông là họa sĩ, cũng là một nhà cách
mạng, chắc ông biết qua các danh nhân Victor Hugo, Tôn Dật
Tiên và Trạng Trình chứ ?” Ông Tòng trả lời là có biết, Đức
Hộ Pháp liền hỏi : “Vậy ông có biết hình dung các vị này ra
sao hay không ?”. Ông Tòng hơi do dự nhưng cũng trả lời là
biết. Đức Hộ Pháp liền kêu nhân viên đem giấy mực vào màø nói
với Ông Tòng “Đâu xin Ông vui lòng vẽ thử cho Bần Đạo xem.”
Sau hơn một tiếng đồng hồ, Ông Tòng họa ra được bức ảnh Tam
Thánh ký hòa ước với Thượng Đế mà chúng ta đã thấy tại ngưỡng
cửa vào Đền Thánh. Cũng xin nhắc lại là hình của Đức Victor
Hugo và Đức Tôn Dật Tiên thì họa sĩ Tòng có thể thấy trong báo
chí, sách vỡ, nhưng về Đức Trạng Trình thì chắc chắn ít ai
biết đến mặt mũi vì đã sống vào hồi thế kỷ thứ 16 (1491-1585).
Sau khi vẽ bản thảo trình với Đức Hộ Pháp, Đức Hộ Pháp đồng ý
ngay và mời Ông ở lại giúp hoàn thành một tấm họa lớn đúng
kích thước để vào bức tường ở Tịnh Tâm Điện Tòa Thánh. Xin
nhắc lại là khi Đức Hộ Pháp hằng đêm nhận chỉ thị của Đức Lý
để xây cất Tòa Thánh, Đức Lý chỉ cho biết là bức tường ở Tịnh
Tâm Điện cứ để trống, khi đến ngày giờ thì sẽ cho biết. Khi
gặp Họa Sĩ Tòng thì Đức Lý mới cho hay là nhiệm vụ của Tòng là
chỉ xuống trần để hoàn thành nhiệm vụ vẽ bức tranh này mà thôi.