ÐỨC QUAN THÁNH ÐẾ QUÂN TÁI KIẾP

 

Lê Văn Cơ

 


 

Trong quyển Thánh Ngôn Sưu Tập (1925 - 1934) vừa mới xuất bản tại Việt Nam (năm 2000), do Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng góp công sưu tập, có đăng một bài Thánh Giáo của Đức Quan Thánh Đế Quân, giáng cơ vào ngày 20/11/1930, tại Tòa Thánh, phò loan là Đức Hộ Pháp và Ngài Bảo Văn Pháp Quân, có đoạn như sau :

“Ta vâng mạng lệnh Chí Tôn, đến thay mặt cho Người mà dạy dỗ đôi điều. Nghe Ta :

Chánh bất kỵ tà quyền loạn pháp

Khí bất dung nhũng lạm xu quyền...

Ta đã đắc lệnh cầm Thanh Long Đao vào Thánh Địa, nhơn dịp giúp Thiên Phong. Tiếc gì chơn linh Ta chưa vẹn bề nhập thế nên cơ hành động hữu vi chẳng đặng hoàn toàn. Vậy Ta định cho hàng Thánh đã bị lầm mưu tà mị, mới có Đạo pháp bảo tồn, còn hạng lạm phong chẳng nên bênh vực. Hộ Pháp và Thượng Đầu Sư khá hiểu nghe.” (TGST trang 239).

Tiếp theo, trong Thánh Giáo ngày 21/11/1930, cũng do Đức Hộ Pháp và Ngài Bảo Văn Pháp Quân phò loan, Đức Cao Thượng Phẩm có giáng rằng :

 

 “Thầy vì muốn cho Đạo tâm của mỗi đứa mình được quang minh rực rỡ, nên cho kẻ lấy cường bạo mà dạy mình. Lời ngon ngọt của Chí Tôn không bằng tiếng hỗn hào của lũ quỉ.

 

Qua đã cạn tỏ cùng Em (ghi chú : là Đức Hộ Pháp) những kẻ thù nghịch cùng chánh truyền là những kẻ lo phương làm rối loạn; mà làm rối loạn mới có thể nâng đỡ trí thức tinh thần mình, rồi mới quyết thắng trong trận trí binh này, đặng trị bình thiên hạ.

 

Ngày nay là ngày cuối cùng của lũ quỉ ấy, vì đã hết phận sự của chúng nó rồi, có Quan Thánh Đế Quân ra tay trừ khử. Người chỉ đợi xác thân vẹn toàn, đặng toan nhập thế, hầu chuyển động hữu vi. Em ngồi chờ xem cơ Trời day trở.

 

Qua đã đặng lời Thầy, bởi Giáo Tông cấm lệnh, dặn Em rằng : Những Chức Sắc nào chẳng thọ phong nơi cơ phong Thánh thì chẳng bảo hộ. Ấy là luật Thiên điều trừ tà diệt mị, bảo thể chánh truyền.” (TGST trang 241).

 

Qua hai bài Thánh Giáo trên, có 3 điểm cần tìm hiểu :

1.      Hai bài Thánh Giáo này ứng vào thời kỳ 1930, nhưng cũng có thể ứng vào thời kỳ loạn đạo ngày hôm nay, mà cũng có thể ứng cho một thời kỳ nào đó trong tương lai. Chúng ta vẫn biết là những lời tiên tri của các Đấng Thiêng Liêng rất khó lường, thời gian ứng hiện có thể lâu hay mau, nhưng chắc chắn rằng là ứng hiện, chúng ta hãy giữ vững đức tin vào những điều dạy trong Thánh Giáo.

2.      Đức Quan Thánh Đế Quân sẽ ra tay trừ tà mị những kẻ làm loạn Đạo, chừng nào thì chưa rõ được.

3.      Ngài sẽ hiện thân hữu hình hay điều khiển vô vi ? Theo hai bài Thánh Giáo trên, Ngài cho biết là chưa hành động hữu vi đặng hoàn toàn vì chơn linh chưa vẹn bề nhập thế, Đức Cao Thượng Phẩm giải thích thêm rằng Ngài đợi xác thân vẹn toàn đăng toan nhập thế hầu chuyển động hữu vi.

Như vậy có phải rồi đây Đức Quan Thánh Đế Quân sẽ giáng trần trong một xác phàm, tức là tái kiếp, để giữ một vai trò tối trọng yếu trong Đạo hầu trừ khử tà mị, bảo vệ nền chánh truyền của Đức Chí Tôn ?

 

Để hiểu rõ hai bài Thánh Giáo nêu trên về vai trò của Đức Quan Thánh Đế Quân trong Đạo Cao Đài mai sau, chúng ta hãy duyệt qua về hình ảnh của Ngài trong Đạo Cao Đài, hay nói cách khác, tại sao Đạo Cao Đài lại thờ Đức Quan Thánh Đế Quân ?

 

Hình ảnh Đức Quan Thánh Đế Quân được ghi nhận trong câu niệm “Nam Mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân”. Qua câu niệm này, Đức Quan Thánh Đế Quân thể hiện ở hai hình ảnh :

-         Về phương diện hữu vi : Ngài là một vị Thánh tái lập Nho Giáo và coi giữ cửa Trời (Quan Thánh Đế Quân)

-         Về phương diện vô vi : Ngài là một Đại Đế phối hợp với Trời (Hiệp Thiên Đại Đế)

I – ĐỨC QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN TƯỢNG TRƯNG CHO ĐẠO THÁNH  TRONG ĐẠO CAO ĐÀI, CÓ NHIỆM VỤ TÁI LẬP NHO GIÁO.

 

Trong bài thuyết Đạo về Đức Quan Thánh Đế Quân ngày 24 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 30-7-1948), Đức Hộ Pháp có nhắc câu :

“Chí tại Xuân Thu, công tại Hớn,

Trung đồng nhật nguyệt, nghĩa đồng thiên”,

 và giải thích “Đức Quan Thánh Đế Quân lập chí với bộ sách Xuân Thu mà thôi... Trọn đời Ngài không lúc nào rời bộ sách ấy, lúc nào cũng đọc lấy tinh thần của sách, suy luận làm tinh thần của mình.” (Hai câu trên có nghĩa là : Chí hướng noi theo Kinh Xuân Thu, lập công với nhà Hớn; Lòng trung sáng như mặt Trời, mắt Trăng, đức nghĩa lớn ngang cùng Trời đất )

 

Đức Quan Thánh Đế Quân lúc sanh tiền theo chí hướng Kinh Xuân Thu

 

Trong dân gian, người ta thờ Đức Quan Thánh Đế Quân bằng hình ảnh Ngài ngồi một tay vuốt râu, một tay cầm đọc quyển Kinh Xuân Thu, sau lưng Ngài có hai quan tướng là Châu Thương (cầm Thanh Long Đao của Ngài), và Quan Bình đứng hầu. Hình ảnh này nói lên chí hướng theo Kinh Xuân Thu của Ngài.

 

Phật Mẫu Chơn Kinh có câu :

Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu

Hiệp qui tam Giáo, hữu cầu chí chơn

Xuân Thu là quyển Kinh Xuân Thu do Đức Khổng Tử viết ra. Mới đọc qua thì Xuân Thu là một quyển sách lịch sử của nước Lỗ, nhưng Đức Khổng Tử đã vận dụng văn tự và bút pháp để khen chê, phân biệt tà chánh rất minh bạch và đanh thép, nên người đời sau phải công nhận đó là những búa rìu trong Kinh Xuân Thu. “Khổng Tử tác Xuân Thu như loạn thần tặc tử cụ”, có nghĩa là “Đức Khổng Tử làm Kinh Xuân Thu mà bọn loạn thần gian tặc sợ.” Như vậy, Kinh Xuân Thu là sách để tâm truyền cái đại nghĩa Danh và Phận về đường luân lý và chính trị. Nên Đức Khổng Tử còn nói : “Tri Ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ, tội Ngã giả kỳ Xuân Thu hồ.”, có nghĩa là : “Người biết Ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu; người trách lối Ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu. (Xem Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo của Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng , xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ).

 

Vậy nói tới Đức Quan Thánh Đế Quân là nói tới Kinh Xuân Thu. Đức Quan Thánh Đế Quân trong bài Thánh Giáo nói trên cho biết là Ngài sẽ cầm Thanh Long Đao vào Thánh Địa, và Đức Cao Thượng Phẩm cũng giải thích thêm là Đức Quan Thánh Đế Quân sẽ ra tay trừ khử lũ quỉ. Điều đó cũng giống như Đức Khổng Tử dùng Kinh Xuân Thu để trừ khử bọn loạn thần tặc tử .

 

Đức Quan Thánh Đế Quân trong vai trò Tam Trấn Oai Nghiêm trong Đạo Cao Đài

 

Theo Đạo Cao Đài, quyển Kinh Xuân Thu là Cổ Pháp của Nho Giáo. Đức Quan Thánh Đế Quân là một vị trong Tam Trấn và đứng vào hàng Tam Trấn Oai Nghiêm, đại diện cho Nho Giáo, đồng đẳng với Đức Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ, đại diện cho Lão Giáo, và Đức Quan Âm Như Lai,  là Nhị Trấn Oai Nghiêm, đại diện cho Thích Giáo hay Phật Giáo. Trong thời kỳ Tam Kỳ Phổ Độ này, 3 vị Tam Trấn vâng lệnh Đức Chí Tôn  đại diện cho tam Tôn Giáo chính tông (Nho, Lão, Phật) để phổ độ chúng sanh.

 

Vậy vai trò của Đức Quan Thánh Đế Quân trong Tam Kỳ Phổ Độ nếu sau này nhập thế trong xác phàm để thực hiện các hành động hữu vi thì đó là để phổ độ nhơn loại đi theo chí hướng Kinh Xuân Thu, tức là đi theo con đường Nho Giáo, để trở thành bậc Thánh.

 

Chính Đức Quan Thánh Đế Quân đã được người đời ca tụng Ngài là một bực Thánh ở cõi Trời, nên mới có danh hiệu là Quan Thánh Đế Quân. Ngài vốn là một danh tướng số một đời Tam quốc, tên là Quan Vũ, tự Vân Trường, người đời thường cung kính gọi là Quan Công, phò tá Lưu Bị dựng nghiệp nhà Hậu Hớn. Võ dõng siêu phàm, trung cang nghĩa khí, nhân nghĩa lễ trí tín đầy đủ, đức độ khoan dung, lưu truyền hậu thế. Ngài là biểu tượng của bực Thánh mà mọi người kính trọng và noi theo gương Ngài, nên sau khi Ngài qui thiên, mới thờ phượng Ngài.

 

Theo lời thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp, Ngài không phải là Thiên Phong, mà trái lại chính là người của Vạn Linh bầu cử. Cho nên Đức Chí Tôn mỡ Đạo là cơ quan hiệp nhứt vạn linh, để Đức Quan Thánh Đế Quân là một Trấn Oai Nghiêm đặng làm quan trạng sư cho vạn linh đoạt kiếp.

 

Theo tác giả Lê Anh Dũng trong quyển Lịch Sử Đạo Cao Đài, Đức Quan Thánh Đế Quân còn được dân gian tôn thờ dưới nhiều danh hiệu khác nhau như Nhân Đức Thánh Quân, Tráng mậu Hầu, Trung Huệ Cung, Tráng Mậu Vũ An Xương, Trung Nghĩa Vũ Thần Đại Đế, Thần Oai Viễn Trấn, Chân Nguyên Hiển Ứng Chiêu Minh Dực Hán Thiên Tôn.  Theo Kinh Minh Thánh, Đức Quan Thánh Đế Quân có tiền thân là Thần Áo Đỏ ở cung Tử Vi, cai quản hai sao Văn Xương và Vũ Khúc. Ngài có một lần đầu kiếp làm Ngũ Tử Tư đời Chiến Quốc, là tướng quốc của Ngô Phù Sai. Theo lời thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp, nguơn linh của Ngài là Xích Long Tinh, sau đầu kiếp làm Sở Vương Hạng Võ, rồi đầu kiếp lần nữa là Quan Vũ. Sau khi Ngài bị giết chết, vong hồn được Sư Phổ Tịnh hướng dẫn tu hành lập được Phật Vị, tên là Cái Thiên Cổ Phật, và cho đến nay chưa tái kiếp lần nào nữa.

 

Theo như hai bài Thánh Giáo nói trên thì rồi đây Ngài sẽ tái kiếp để lập Đạo Thánh, như trong giáo lý Cao Đài đã cho biết là đây là thời kỳ “Nho Tông chuyển thế.” Theo như lời dạy của Đức Chí Tôn, Đạo Nho sẽ được tái lập trước, rồi mới đến Tiên Giáo, và sau cùng là Phật Giáo, để rồi cuối cùng chỉ thành còn một mà thôi, tức là đi ngược lại lúc lập Tam Giáo là Phật trước, Tiên giữa, Nho sau cùng. (Thánh Giáo ngày 24-10-1926).

 

Trên đây là hình ảnh của Đức Quan Thánh Đế Quân về mặt hữu vi : Ngài là một bực Thánh, vai trò của Ngài là thực hiện chí hướng Kinh Xuân Thu. tái lập Nho Giáo, đem lại chánh truyền cho Đạo Cao Đài, tảo trừ tà mị làm loạn Đạo.

 

Đức Quan Thánh Đế Quân đã giáng cơ ngày 19/2/1927 như sau :

Quan minh huệ nhẫn chiếu kiền khôn,

Thánh đức lưu tâm bảo quốc tồn.

Đế việt sơn hà chung hạnh đạt

Quân tranh thế giới Đạo khai môn.”

(câu cuối cùng là lời tiên tri khi thế giới chiến tranh xảy ra thì Đạo Cao Đài được phổ truyền khắp nơi) và cũng đã giáng cơ vào ngày 9-8-1926 như sau :

Quan thành tái hiệp Hớn triều phong,

Thánh đức mạc vong hám thế trần.

Đế thất nhứt tâm trung khí dõng

Quân y xích diện hảo vinh phong.”

Đạo Cao Đài thờ Đức Quan Thánh Đế Quân ở hàng Tam Trấn Oai Nghiêm không phải là tôn thờ một vị tướng Tàu, do ảnh hưởng của văn hóa Tàu, do sự đô hộ của nước Tàu, mà là thờ một bực Thánh, một vị Đế Quân ở cửa Trời, một vì tinh tú ở cõi Thiêng Liêng, có nhiệm vụ tái lập Đạo Thánh cho nhân loại, thi hành sứ mạng do Đức Chí Tôn giao phó.

 

Việc tôn thờ Đức Quan Thánh Đế Quân, ngoài vai trò hữu vi của Ngài trong cửa Đạo Cao Đài, còn phải nói đến vai trò vô vi của Ngài. Trong vai trò đó, Ngài là một vị Phật, một vị Hiệp Thiên Đại Đế, có nhiệm vụ dẫn dắt con người hiệp với Thượng Đế.

 

II. ĐỨC QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN TRONG VAI TRÒ VÔ VI HIỆP THIÊN ĐẠI ĐẾ 

 

Theo truyện Tam Quốc Chí của La Quán Trung, sau khi Kinh Châu thất thủ, Quan Công thua trận, bị Ngô Tôn Quyền bắt và giết đi, chơn linh của Ngài về nơi Sư Phổ Tịnh đang tu hành để đòi mạng. Khi nghe Sư Phổ Tịnh giảng về nhân quả, chơn linh Ngài tỉnh ngộ và ở đó tu hành, từ đó nhiều lần Ngài hiển thánh. Khi hiển Thánh rồi, Ngài trừ tà, diệt quỉ, cứu độ sanh linh và từ đó về sau, chơn linh Ngài không tái kiếp nữa, duy dụng cái quyền thiêng liêng ấy mà hành đạo thôi. Với quyền thiêng liêng này, Ngài dắt quả Phật vị, với biệt danh là Cái Thiên Cổ Phật (xem các bài Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp).

 

Từ Quan Thánh Đế Quân đến Hiệp Thiên Đại Đế

 

Theo Kinh Minh Thánh, Đức Quan Thánh được tôn là Phục Ma Đại Đế hay là Đại Thánh Phục Ma Đãng Khấu cứu nạn Đại Thiên Tôn và cũng được tôn là Thần Oai Viễn Trấn (trích theo tác giả Lê Anh Dũng). Trong bài kinh “xưng tụng công đức Phật, Tiên, Thánh,Thần” có đoạn sau:

“Oai bốn hướng Thần nhường quỉ sợ

Đức ba giềng tế trợ thương sanh.

Hớn trào Quan Thánh bia danh,

Trung can nghĩa khí háo sanh giúp đời.

Tuần ba cửa cõi Trời đều dụng,

Xét bốn phương dân chúng dữ lành.”

(trích theo Kinh Lễ Tòa Thánh Tây Ninh)

Nếu Ngài chỉ là một người trung cang nghĩa khí lúc còn ở dương thế, và khi qui thiên không tỉnh ngộ tu hành để đắc được quả Phật, thì Ngài chỉ được dân gian truyền tụng và tôn thờ như một vị Thánh mà thôi, chứ đâu được phẩm vị cao ở cõi Thiêng Liêng là Hiệp Thiên Đại Đế. Ngài chính là một vị Phật có uy linh bao trùm trời đất (Cái Thiên Cổ Phật). Chẳng những nhân gian tôn sùng Ngài là Nhân Đức Thánh Quân, Trung Nghĩa Vũ Thần Đại Đế, Châu Nguyên Hiển Ứng Chiêu Minh Dực Hán Thiên Tôn, Thiên Cổ Vĩ Nhân, Đức Sùng Diễn Chính (ghi chú : tại Vĩnh Nguyên Tự, tỉnh Long An, không thờ Ngài bằng chân dung, trái lại thờ bằng 4 chữ 'ĐỨC SÙNG DIỄN CHÁNH', mượn trong Kinh Minh Thánh), mà Ngài còn được Thượng Đế sắc phong là Phong Đô Đại Đế, có nhiệm vụ giáo hóa các âm hồn ở cõi U Minh, và Tam Thiên Môn Đại Nguyên Soái, có nhiệm vụ cai quản 3 cửa Trời phía Đông (còn phía Bắc là chỗ ngự của Thượng Đế (trích theo Lê Anh Dũng). Đó là nhiệm vụ: “Tuần ba cửa cõi Trời đều dụng, Xét bốn phương dân chúng dữ lành” trong Bài Xưng Tụng nói trên.  Nhiệm vụ này phù hợp với danh xưng Cái Thiên Cổ Phật, tức là vị Phật trấn giữ cõi Trời. Ngài là một Đế Quân và do đó được dân gian cung kính xưng tụng Ngài là Quan Thánh Đế Quân. “Quan Thánh Đế Quân” cũng là một phần danh xưng của Ngài trong ĐĐTKPĐ trong câu niệm “Nam Mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân”.

 

Vì Thượng Đế ngự ở cửa Trời phía Bắc nên trong quyển kinh của Chi Minh Sư từ bên Trung Quốc truyền sang Việt Nam có câu :

“CAO như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng

ĐÀI tại Nam phương Đạo thống truyền.”

Đức Thượng Đế ngự ở cửa Trời phía Bắc, Đức Quan Thánh Đế Quân trấn giữ ba cửa Trời phía Đông, như vậy rõ ràng địa vị ở cõi Thiêng Liêng của Ngài rất cao trọng, và Ngài có vai trò rất quan yếu trong mối liên hệ với Thượng Đế. Theo chúng tôi suy diễn, đó là nhiệm vụ Hiệp Thiên hay Phối Thiên, và chính là danh vị “Hiệp Thiên Đại Đế” của Ngài trong Đạo Cao Đài, giữ vai trò phối hợp giữa Trời và Người.

 

Hiệp Thiên Đại Đế hay là vai trò đưa chơn hồn con Người về với Đức Chí Tôn trong cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

Chín bài Kinh cúng Tuần Cửu là các bài kinh tụng để dẫn chơn hồn con người sau khi đã qui liễu đi qua 9 cõi Trời tức Cửu Trùng Thiên để về hội hiệp với Đức Chí Tôn. Những chơn hồn sau khi qua Cửu Trùng Thiên, muốn được về với Đức Chí Tôn, còn phải qua 3 cõi Trời nữa, đó là Hư Vô Thiên, Hội Nguơn Thiên và Hỗn Nguơn Thiên, tức là cõi Phật. Tổng cộng là 12 cõi Trời, tức Thập Nhị Khai Thiên, theo giáo lý của Đạo Cao Đài. Riêng theo bài kinh Đệ Thất Cửu, Đức Quan Thánh Đế Quân trong vai trò Phật Dà Lam độ dẫn chơn hồn con người về Tây Phương Phật, theo tiếng chuông vàng dẫn đường để chơn hồn bước lên bông sen thần đưa đi :

“Dà lam dẫn nẻo Tây qui,

Kim chung mở lối kịp kỳ kỵ sen.”

Phật Dà Lam độ dẫn chơn hồn ở cõi Trời Hạo Nhiên Thiên. Cõi Trời này có khí hạo nhiên hay thuần dương chi khí, ấy là “diệu hữu”của Trời.

 

Thuở ban sơ, âm dương chưa định, chỉ có khí hồng mông mờ mờ mịt mịt, lặng lẽ vô vi, thanh trược hỗn hợp, gọi là Tiên Thiên Hư Vô Chi Khí. Ngôi Thái Cực từ Khí Hư Vô đó mà ra, rồi vận hành trong cũ trụ. Khí thanh nhẹ nhàng bay lên là Thiên, tức là nhứt dương chi khí, còn khí trược nặng giáng xuống là Địa, tức là nhứt âm chi khí. Do Thái Cực vận hành, hai khí Âm Dương hỗn hợp va chạm nhau mà hóa hóa  xanh xanh ra muôn loài vạn vật từ đời nọ đến đời kia không ngừng nghĩ.

 

Trong khí thanh đó có “diệu hữu” của Trời, tức là Tiên Thiên Khí, là năng lực vô hình bắt đầu từ khối âm dương lúc ban sơ tủa ra khắp Càn Khôn Vũ Trụ, mắt thịt không thể nào thấy được, nhưng mà là “diệu hữu”, tức là ở đâu cũng có. Hạo Nhiên Khí là khí Tiên Thiên của Trời.

 

Hạo nhiên thiên đối với người tu tại dương thế có ẩn dụ là con người tu luyện để chơn thần được tinh tấn trong sạch nhẹ nhàng hơn không khí mới thoát ra ngoài Càn khôn, hiệp được với khí Tiên Thiên. Khi điểm linh quang được chơn thần bao bọc xuống cõi trần đã nhận Tiên Thiên chi khí rồi. Do đó, khi bào thai còn trong bụng mẹ vốn đã có khí Tiên Thiên, tức là “diệu hữu” của Trời, hay là thuần dương chi khí, hay hạo nhiên khí. Hạo nhiên chi khí do nơi nê hường cung chuyển lần xuống gom lại nơi Tâm, từ nơi quả Tâm, nó lại theo mạch lạc châu lưu trong ngũ tạng để bảo tồn sanh mạng con người. Bắt đầu từ khiếu huyền quang, nó vận động ra ngoài, biến thành sanh lực con người. Con người được sanh ra rồi tiếp xúc với thất tình lục dục nên diệu hữu của Trời, tức Tiên Thiên khí vì thế mà hóa ra hậu thiên khí, thuộc âm.

 

Vậy con người tu luyện ở dương thế là cốt đem hậu thiên khí trở về tiên thiên khí, tức thuần dương chi khí, để hiệp được khí Tiên Thiên của Trời, tức chơn hồn lên được Hạo nhiên thiên, để được Đức Phật Dà Lam đưa về Tây Phương Phật (theo Kinh Đệ Cửu Cửu, chơn hồn đến cõi Tạo Hóa Thiên thì chơn thần và linh hồn hiệp lại một tức hườn hư chơn thần theo câu “Hườn hư mầu nhiệm thoát trần đăng tiên.”).

 

Ngoài ra trong Kinh Tiểu Tường có câu :

“Ao thất bửu gội mình sạch tục,

Ngôi liên đài quả phúc Dà Lam.”

Có nghĩa là chơn hồn được gội sạch ở ao thất bửu, tức đã đắc quả Phật, được Phật Dà Lam độ dẫn vào tòa sen về ngôi vị của Ngài, tức là Hiệp Thiên hay Phối Thiên.

 

Đức Phật Dà Lam là một hóa thân của Đức Quan Thánh Đế Quân, có ngôi vị ở tầng Trời Hư Vô Thiên. Ở tầng Trời này, có Lôi Âm Tự và ao Thất Bửu, có nghĩa ẩn dụ là đắc quả Phật. Hư Vô Thiên có nghĩa ẩn dụ là Tâm hư vô của con người ở dương thế đã đắc đạo.

 

KẾT LUẬN

 

Đức Quan Thánh Đế Quân, theo các bài Thánh Giáo nói trên, sẽ có một vai trò hữu vi trong ĐĐTKPĐ, sẽ chiết chơn linh đầu kiếp trong một xác phàm để trước hết diệt trừ tà ma quỉ mị, bảo vệ nền chơn truyền của Đức Chí Tôn, sau đó hướng dẫn con người theo chí hướng Kinh Xuân Thu, để dựng đời “cãi dữ ra hiền”, trong thời kỳ “Nho Tông chuyển thế” hiện tại. Ngài xuất thế chừng nào và hiện thân thế nào thì chưa ai biết được ? Ngài có thể sẽ là một vị Giáo Tông hữu hình tương lai, đem lại một Tịch Đạo mới cho Đạo Cao Đài với một trang sử Đạo mới. Còn trong vai trò vô vi, Ngài là một vị Phật, có ngôi vị ở tầng Trời Hư Vô Thiên, và một Đế Quân giữ cõi Trời, có nhiệm vụ độ dẫn chơn linh con người về với Đức Chí Tôn, tức đắc quả Phật vị, và đó cũng là vai trò của một Hiệp Thiên Đại Đế.

 

về trang chủ