Đạo Lý Thuyết Minh

 Sư tiến hóa của loài người

 

 

Theo tín-ngưỡng căn-bản của Cao-Đài-giáo, thì con người cũng như vạn-hữu chúng-sanh, đều do Thượng-Đế tạo-dựng và ban cho một điểm Linh-quang luôn hướng thượng, nên bản-chất của Thượng-Đế đều có trong mỗi chúng-sanh, còn gọi là Thiên-tánh. Vì phải phát-triển co Thiên-tánh nay để tiến-hóa, mà chúng-sanh mới có mặt nơi cõi trần. Sự phát-triển này nhanh hay chậm còn tùy thuộc nơi căn-cơ và cố-gắng của mỗi cá-thể, nên chúng ta thấy trên trường tiến-hóa của chúng-sanh có nhiều trình-độ chênh-lệch khác nhau, sự phát-triển này không có thể trong một kiếp-sanh ngắn-ngủi của một đời người mà đoạt được sự hoàn-thiện, mà phải trải qua nhiều kiếp mới có được. Khi đã viên-mãn thì chúng-sanh sẽ được hội-nhập với càn-khôn vũ-trụ, về với nguồn-gốc của mình là Thượng-Đế ở cõi Niết-bàn. Vòng xây-chuyển này làm thành sự tiến-hóa của chúng-sanh trong đó có con người, đó là chân-lý tối-thượng trong nhân-sinh-quan của Cao-Đài-giáo.

 

 Bản-chất sự sống tiến-hóa và luôn hướng-thượng này của chúng-sanh, trong đó có loài người, nó như là một bánh xe luôn lăn tới, theo Đạo-học gọi nó là bánh xe Pháp luân thường chuyển, nó có nhịp độ điều-hòa. Nên nó sẽ không tha-thứ bất cứ ai muốn ngăn-chặn hay trì-hoãn. Tất-cả chúng-sanh dù muốn hay không muốn cũng phải nằm trong quỹ-đạo của nó, nếu không chịu thích-nghi thì sẽ bị đào-thải. Nên Nho-giáo nói rằng:

 

 “ Trời sanh ra vạn-vật, tùy theo tài-năng của nó mà đôn-đốc thêm lên, cho nên loại nào có tài-cán thì được bồi đắp thêm, còn loại nào nghiêng-lệch thì sẽ làm cho đổ nát đi (Thiên sanh ư vạn vật, nhân kỳ tài nhi đốc yên cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi / Trung-dung)”.

 

 Vậy muốn hiểu rõ tường-tận sự tiến-hóa và nguyên-nhân lạc-hậu sa-đọa của con người do đâu mà có, chúng ta thử tìm hiểu qua phần sưu-khảo sau đây.

 

SỰ TIẾN HÓA CỦA LOÀI NGƯỜI

Vòng xây chuyển linh-hồn tấn-hóa.

Nương xác thân hiệp ngã Càn-khôn.

(Kinh Giải-oan).

 

 Trong học-thuyết linh-hồn tấn-hóa của Cao-Đài-giáo nói rằng: Khi Đức Chí-Tôn (Ngọc-Hoàng Thượng-Đế) và Đức Phật-Mẫu (Diêu-Trì Kim-Mẫu) tạo-lập nên vũ-trụ, vạn-hữu, ngoài phần hinh-thể, Thượng-Đế còn chiếc chơn-linh của Ngài tạo ra tám loại chúng-sanh, gọi là Bát phẩm Chơn hồn đó là :

 

-          Vật-chất hồn.-          Thảo-mộc hồn.-          Thú-cầm hồn.-          Nhơn-loại hồn.-          Thần hồn.-          Thánh hồn.-          Tiên hồn.-          Phật hồn.

 

 tức là Đức Chí-Tôn và Phật-Mẫu đã ban cho chúng sanh một sự sống vẹn-toàn có đầy đủ cả thể-xác lẫn tâm- hồn. Nên trong Phật-Mẫu chơn-kinh có câu:

 

Càn khôn sản-xuất hữu hình,

Bát hồn vận-chuyển hóa thành chúng-sanh.

(Phật-Mẫu chơn-kinh / dòng 7 và 8)

 

 Mỗi loại chơn  hồn nầy đầu kiếp đến thế-gian mang xác thân tương - ứng, để tiến - hóa hướng-thượng chung-qui sẽ trở về hội-nhập với Ngài, Sự-kiện nầy dã tạo nên sự sinh-hoạt của chúng-sanh tại cõi trần. Nên Thánh-giáo Đức-Chí-Tôn dạy rằng:

 

 Thầy phân tánh Thầy sinh ra vạn vật là vật chất, thảo mộc côn trùng gọi là chúng sanh. (TNHT/Q2/tr.62).

 Bởi vậy một chơn-thần Thầy mà sanh hóa chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và cả nhơn loại... (TNHT /Q1 /tr. 48).

 

 Do đó mà mỗi chúng-sanh đều có Thiên-tánh do Trời ban cho mình, nên Phật-giáo cũng có câu:

 

 Nhứt thiết chúng-sanh giai hữu Phật- tánh.(Mỗi chúng-sanh đều có tánh Phật).

 

 Các chơn-hồn phải đầu-kiếp xuống tận đáy của phàm-trần là vật-chất, đó là bậc thang đầu-tiên, rồi kể từ trong tinh-hoa của vật-chất, tiến lên đến kim-thạch, thảo-mộc, thú-cầm, nhơn-loại, cho đến thần, thánh, tiên, phật là bậc thang cuối cùng của sự tiến-hóa, nên Đức Phật cũng đã nói rằng: “ Ta là Phật đã thành, còn chúng-sanh là những vị Phật sẽ thành”.

 

 Đối với nhơn-phẩm, con người cũng còn phải chuyển kiếp nhiều lần, mới đạt đến quả vị thần thánh tiên phật. Quả vị đến nhanh hay chậm, còn tùy nơi sự quyết-tâm phấn-đấu của mỗi chơn-hồn. Nên Thánh-giáo Đức Chí-Tôn dã dạy rằng:

 

 Nếu các con hiểu rõ cơ huyền-diệu của kiếp luân- hồi con người... Thì các con cũng không buồn và cũng không oán trách Thầy...

 Cái phẩm-vị của các con buộc tái sanh nhiều kiếp, mới đến địa-vị tối thượng của mình là nơi Niết-bàn. (TNHT / Q1 / tr.57)

 

 Sự thăng-tiến của mỗi chơn-hồn có đoạt được hay không, nhanh hay chậm, đều tùy thuộc vào nơi công-đức và đạo-hạnh của mình lập được tại cõi trần này. Nên Thánh giáo Đức Chí Tôn dạy rằng:

 

 Người dưới trần thế này muốn giàu có phải kiếm phương-thế làm ra của, ấy là phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo phải có công quả.

 

 Thầy đến độ rỗi các con là lập thành một trường công đức cho các con nên Đạo. Vậy đắc Đạo cùng chăng là tại các con muốn cùng không muốn. Thầy nói cho các con nghe: Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt-thủ địa-vị mình, thì chẳng nơi nào khác mà đắc Đạo bao giờ. (TNHT /Q1/tr26).

 

 Cõi trần tuy là cõi tạm, mỗi chơn-hồn đến rồi đi, như một quán trọ, nhưng nó là một trường tiến-hóa, con người không cố-gắng tự lập nơi nầy, thì cũng không còn nơi nào khác. Nên Đức Chí-Tôn đã dạy rằng:

 

 Thầy đã nói cho các con hay trước rằng: Nếu các con không tự lập ở cõi thế này, là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng. Ấy vậy cái vấn-đề tự lập là vấn-đề các con phải lo đó. (TNHT/Q1 / tr 98).

 Cõi đời là một trường học rộng lớn, mỗi chơn-hồn là một học-sinh. Nên trường đời cũng chia thành nhiều lớp. Điển-hình nhất ta thấy ở con người có hai loại tiêu-biểu, đó là những người chưa tấn-hóa, mới cởi lớp thú để làm người, bản-chất còn dã-man, và lớp cao hơn hết là hạng người đã đạt sự tiến-hóa viên-mãn, tức là các bậc đạo-đức cao-thâm, các vị giáo-chủ dìu-dắt nhơn loại, những vị thần thánh tiên phật độ-đời cứu thế. Ngoài hai lớp người nầy thì phần đông là ở bậc trung, họ chậm-chạp bước từng bước một, trên nấc thang tiến-hóa, mỗi nấc thang là một chương-trình học mới, có thể là một hay nhiều kiếp đầu thai, con người mới học hết. Nếu chúng ta không tin có sự luân-hồi, không có từng trình-độ tiến-hóa, thì tỷ như bắt người ở trình-độ tiểu-học, học chung khoa ông tiến-sĩ, bắt một kẻ dã-man học chung với bậc thánh-đức.

 

 Nấc thang tiến-hóa này Thượng- Đế muốn để cho con người được tư-do và tự-nguyện, con người có thể tiến nhanh hay chậm, là do kết-quả ở sự tinh-tấn của mình. Cái phẩm-giá thiêng-liêng nó cũng giống như phẩm-giá phàm trần vậy. Nên Thánh-giáo Chí-Tôn dạy về phẩm-giá ở cõi phàm-trần và thiêng-liêng như sau.

 

 Con người phải chịu chuyển kiếp ngàn năm, muôn muôn lần mới đến địa-vị nhơn phẩm. Nhơn phẩm tại thế này lại còn chia ra phẩm giá mỗi hạng. Đúng bậc Đế vương địa cầu 68 nầy, chưa đặng vào bậc chót của địa cầu 67, trong địa cầu 67, nhân-loại cũng chia ra đẳng cấp dường ấy. Cái quý trọng của mỗi địa cầu cũng tăng thêm hoài, cho tới đệ nhất cầu, tam thiên thế giới, qua khỏi tam thiên thế giới thì mới đến tứ đại bộ châu, mới vào đặng tam thập lục thiên, vào tam thập lục thiên rồi mới chuyển kiếp tu hành nửa mới vào đến Bạch Ngọc Kinh, nơi đạo Phật gọi là Niết bàn đó vậy. Các con coi đó đủ hiểu, các phẩm-trật của các con nó nhiều chừng nào... (TNHT/Q1/ tr68).

 

 Tuy là sự tiến-hóa của phẩm-vị của con người, có thứ lớp như vậy, nhưng trong buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ, Đức Chí-Tôn đã ban cho con người một ân-huệ, nếu biết tinh-tấn chỉ một kiếp-sanh cũng có thể đắc thành chánh-quả. Thánh-giáo Chí Tôn đã nói rằng:

 

 Thầy dặn các con: nếu kẻ không tu, làm đủ phận sự người công-bình, chính-trực, khi xuất hồn ra khỏi thể xác thì cứ theo đẳng-cấp gần trên mà luân hồi lại nửa, thì biết chừng nào đặng hội hiệp cùng Thầy, nên Thầy cho một quyền rộng rãi, cho cả nhân-loại càn khôn thế-giới, nếu ngộ một đời tu đủ trở về cùng Thầy đặng.. (TNHT/Q1/tr 70).

 Đây là một đặc-ân mà Đức Chí-Tôn đã dành cho con người thời nay, không những Đức Chí-Tôn dành cho con người chỉ ngộ một đời tu là đắc thành quả vị, nhưng nếu con người phấn- đấu, tinh-tấn thì có thể đồng phẩm-vị với Thượng-Đế. Đức Chí-Tôn đã cho biết như sau:

 

 Thầy đã nói, đạo-đức cũng như một cái thang vô ngần bắt cho các con leo lên đến phẩm vị tối cao, tối trọng là ngang bậc cùng Thầy, hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nửa.. (TNHT/Q1/ tr 70).

 

 Như vậy mục-đích chính của đời người đến trần-gian là tiến-hóa để trở thành siêu nhân. Trong hành-trình vào trần-thế con người đã sẵn có tất-cả sự thiêng-liêng mầu-nhiệm, ẩn-tàng nơi mình, tức là có sẵn lương-tâm, thiên-tánh, hay là chơn-tâm, phật-tánh, luôn hướng-thượng, đó là vốn liếng làm hành-trang, nếu mà con người biết cố-gắng khổ công tu-luyện, làm cho vốn-liếng ấy tăng-trưởng thì chắc-chắn sẽ đạt kết-quả.

 

HỌC -THUYẾT LINH-HỒN TIẾN-HÓA CỦA CAO-ĐÀI-GIÁO ĐỐI-CHIẾU VỚI QUAN-NIỆM TIẾN-HÓA CỦA KHOA-HỌC

 

 Thầy đến độ rỗi các con là lập thành một trường công-đức cho các con nên Đạo.  Vậy đắc Đạo cùng chăng là tại các con muốn cùng chẳng muốn. TNHT/Q!/Tr 26

 

 Về sự tiến-hóa của loài người theo khoa- học, thì từ xưa đến nay đã có nhiều nhà khoa-học tự-nhiên đưa ra nhiều thuyết, tùy theo niên-đại mà có phân ra thuyết tiến-hóa cổ-điển, thuyết tiến-hóa hiện-đại, và các thuyết tiến-hóa tổng-hợp...Nhưng trong phạm -vi khảo-luân nầy chúng ta chỉ đối-chiếu với quan-niệm tiến-hóa tiêu-biểu đó là thuyết tiến-hóa của Darwin để làm sáng tỏ thêm học-thuyết linh-hồn tấn-hóa của Cao-Đài-giáo mà thôi.

 

 Vào những năm 1859 nhà khoa-học tự-nhiên Charles Darwin người Anh đã công-bố công-trình nghiên-cứu của ông về nguồn gốc các loài, làm cơ-sở cho học-thuyết tiến-hóa của loài người, đã được giới khoa-học thừa-nhận. Ông cho sự tiến-hóa của loài người cũng hầu hết các sinh-vật, gồm có ba vấn-đề chủ-yếu có quan-hệ hữu-cơ với nhau đó là tính biến-dị di-truyền và chọn-lọc. Ông giải-thích rằng đặc-điểm chung của mỗi sinh-vật là giữ lại và truyền cho con cháu những đặc-điểm cấu-tạo và phát-triển của tổ-tiên, như gà mẹ sẽ đẻ ra gà con, chứ không thể sinh ra thứ khác được, nhưng đặc-tính chung của mỗi sinh-vật là có thể mang những khác-biệt về chi tiết so với bố mẹ chúng, và với các cá-thể khác cùng loại. Sự biến-dị nầy lại có thể truyền lại cho con cháu chúng, gọi là biến-dị di-truyền. Darwin cho rằng chính những biến-dị di-truyền cá-thể này đóng vai trò quan-trọng trong quá-trình tiến-hóa. Nguyên-nhân sự biến-đổi này là những điều kiện sống, như môi trường, thức ăn uống, sự hoạt động, đã làm cho sinh-vật biến đổi dần từ thế-hệ này sang thế-hệ khác, ngoài ra còn một yếu tố chi-phối nửa, là sự đấu-tranh để sinh-tồn và chọn-lọc tự-nhiên, những loài nào thích-nghi với thiên-nhiên thì tồn-tại, ngay trong cơ-thể mỗi sinh-vật, bộ-phận nào hoạt-động thì càng tăng-trưởng, còn những bộ-phận ít sử-dụng thì thoái-hóa đi. Đối với sự tiến-hóa về tinh-thần học-thuyết này đã cho rằng do sự biến-đổi của vật-chất mà có. Ở con người do sự biến-chuyển từ lối sống leo trèo lên cây, sang lối sống di-chuyển trên mặt đất, từ chỗ sử-dụng bốn chi, phân hóa thành hai chân đi đứng và hai tay cầm nắm, sử-dụng công-cụ, thay cho miệng khỏi sự đớp, ngoạm, tha mồi, làm cho não bộ tăng-trưởng. Rồi do nhu-cầu của cuộc sống mà trí-khôn phát-triển, di-truyền lại cho thế-hệ nối tiếp, làm thành sự tiến-hóa của nền văn-minh nhân-loại. 

 

 Học-thuyết này vốn xây-dựng trên sự quan-sát các hiện-tượng trong thực-tế bằng giác-quan, rồi từ đó suy-diễn ra, nên chúng ta có thể nói rằng thuyết tiến-hóa này lấy vật-chất làm cơ-sở, và sự biến-đổi có tính-chất ngẫu-nhiên, tự-phát do ngoại-cảnh tác-động, chứ con người không chủ-tâm, không mưu-cầu. Học-thuyết nầy lại không đề-cập đến công-trình sáng-tạo tuyệt-hảo của Thượng-Đế, và lại không tin-tưởng bản-năng tiến-hóa hướng-thượng của Trời ban cho mọi sinh-vật.

 

 Nhận xét về thuyết tiến-hóa của Darwin, Ông ta dựa trên vật-chất làm cơ-sở, xuất-hiện đã hơn một thế-kỷ, dĩ-nhiên là nó có những giá-trị nhứt-đinh của nó, nếu chúng ta dựa vào thuyết linh-hồn tấn-hóa của Cao-đài-giáo, hoặc một học-thuyết tiến-hóa nào đó, lấy tâm-linh làm cơ-sở, để chống-đối, thì theo quan-điểm nhất-nguyên là một điều không thức thời, vì Thiền-sư Suzuki đã nói rằng: Tất cả mâu-thuẫn, tất cả dị-biệt, đều đồng nhất, đều dung-thông nhau trong cái toàn-thể thân-thiết và nhịp-nhàng (theo Thiền-luận). Nhất-trí với quan-điểm đó, nên trong phạm-vi khảo-luận nầy, chúng ta chỉ nêu lên những điều khác biệt giữa hai thuyết tiến-hóa, để làm sáng tỏ vấn-đề của đôi bên mà thôi. Đối với nhận-định của Darwin cho rằng sự tiến-hóa về tinh-thần con người, do sự biến đổi của vật-chất mà có, thì trong thực tế từ xưa đến nay ta đã thấy, nhiều sinh-vật đã biết sử-dụng bốn chi phân-hóa thành hai chân đi, và hai tay cầm nắm, để thay cho miệng khỏi phải đớp ngoạm, tha mồi như loài khỉ. vượn, đười-ươi...loài gậm-nhấm biết dụng hai chân trước để đào hang thay cho miệng, nhưng muôn đời nó cũng chỉ là loài dã-thú, đâu có thể có một nền văn-minh tiến-hoá vượt bực như loài người. Nên ước-thuyết cho rằng sư tiền-hóa về tinh-thần do sự biến-đổi từ vật-chất mà có, là một điều có thể nói là khá phiến-diện.Vì tinh-thần là một siêu thực-thể, nó có một hướng tiến-hóa riêng biệt do Thượng-Đế ban cho, ở con người, tuy sự biến-đổi của vật-chất và môi-trường sống, có ảnh-hưởng tốt chút ít đến tinh-thần, nhưng không phải là yếu-tố quyết-định cho sự tiền-hóa của nền văn-minh nhân-loại, mà phải có sự đóng góp tích-cực của tinh-thần con người. Chúng ta thấy tất cả những phát-minh của nhân-loại từ xưa đến nay đều do những đóng góp tích-cực của tinh-thần con người, chúng ta đơn-cử một số trường hợp sau đây để chứng-minh cho sự-kiện này, tỷ như :

 

-          Archimedes khi tắm, mà nếu không quan-tâm đến nước, thì làm sao tìm ra được đinh-luật về sức đẩy của nước.

 

-          Issac Newton khi nhìn thấy quả táo rơi, mà không chịu động não, nghiền-ngẫm suy-tư, thì làm sao khám-phá ra định luật vạn-vật hấp-dẫn

 

-          A. Fleming, nếu Ông bỏ qua sự trục trặc không quan-trọng từ các đĩa cấy vi-khuẩn bị lên meo, thì làm gì tìm ra được khả-năng ức-chế vi-khuẩn của các loại nấm, mà tìm ra được thuốc Pénicilin, mở đầu cho kỷ-nguyên chữa trị các bệnh truyền-nhiễm bằng thuốc kháng-sinh trên toàn thế-giới.

 

-          Vua Phục-Hy khi nhìn thấy nét vằn trên lưng con ngựa hoang xuất-hiện trên bờ sông Hoàng-hà, mà không suy-tư thì làm gì tìm ra môn Hà-đồ Bát-quái và sự biến-hóa của Dịch-lý, làm cơ-sở cho môn khoa-học nhân-văn của Á-đông.

 

Thậm-chí chính con người còn phải có một tinh-thần đại-hùng đại-lực, chịu hy-sinh cả cuộc đời mình cho sự tiến-hóa của nhân-loại thì mới có được, như:

 

-          Đức Thích-Ca nếu không bỏ ngôi thái-tử cao-sang, chịu đói khát, ngồi suy-tư dưới cội bồ-đề, thì làm sao tìm ra phương-thức giải-thoát tứ-khổ cho chúng-sinh.

 

-          Đức Chúa Jésus cùng các môn-đồ nếu không hy-sinh cả mạng sống của chính mình, thì làm gì có được con đường cứu rỗi cho nhân-loại.

 

Nói chung tất cả các nền văn-minh của nhân-loại dù là văn-minh vật-chất hay văn-minh tinh-thần cũng đều do yếu-tố tâm-linh và trí-tuệ của chính con người thúc-đẩy sự tiến-hóa, còn hoàn-cảnh bên ngoài chỉ đóng vai trò trợ-duyên mà thôi.

 

 Darwin lại còn cho rằng sự tồn-tại của mọi sinh-vật là do luật sinh-tồn cạnh-tranh, tức là Ông ta cho rằng yếu-tố mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất, nó quyết-định sự sinh-tồn của vạn-vật, mà không quan-tâm đến sự sinh-dưỡng và chở-che của Thương-đế. Nếu như vậy thì loài cừu, loài nai hiền-hậu, không bao giờ cạnh-tranh với loài nào, tại sao không bị tiêu diệt, và như vậy thì loài người làm gì còn có kẻ hiền-lương, yếu-đuối...Nên Đức Khổng-tử đã phát-biểu nguyên-lý cộng-đồng sinh-tồn nầy như sau:

 

 Muôn vật đều hóa-dục mà không hại lẫn nhau, các Đạo đều lưu-hành mà không phản bội lẫn nhau” (Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo-lý tịnh hành nhi bất tương bội / Trung-dung)

 Đó là nguyên-lý chung của sự sinh-tồn vạn loại, còn sự cạnh-tranh giữa một số loài với nhau, chỉ là những trường-hợp cá-biệt để duy-trì sự phát-triển điều-hòa của mỗi loài, để không có sự thái-quá lấn-át lẫn nhau, điều nầy nằm trong quy-luật quân-bình âm-dương của Tạo-hóa.

 

 Còn học-thuyết tiến-hóa bát hồn vận chuyển, tuy không phủ-nhận phần thể-chất ảnh-hưởng cho sự phát-triển tinh-thần, nhưng còn thừa-nhận rằng tình-thần là phần siêu thực-thể độc-lập, luôn có ảnh-hưởng quan-trọng đến sự tiến-hóa của thể-chất. Sự tiến-hóa này không phải ngẫu-nhiên, tự-phát mà có sự chỉ-huy trực-tiếp của tâm-linh, và có một mục-đích rõ-ràng.

 

 Theo học-thuyết  “Tâm vật bình hành” của Cao Đài giáo, thì cho rằng tuy thể-chất có ảnh-hưởng đến sự phát-triển của tinh-thần, nhưng tinh - thần cũng có ảnh-hưởng quan trọng trực-tiếp đến sự phát-triển của thể chất. Nên đứng về phương-diện tiến-hóa, Cao-Đài-giáo chú trọng cả hai phần:

 

 - Phần thể xác:

 Thân-xác nếu được tinh-luyện và tạo ra những hoàn-cảnh vật-chất và môi-trường sống thuận-lợi, thì sẽ làm phương-tiện tốt cho sự tiến-hóa của tinh-thần, nên trong các phương tu-luyện rất chú-ý rèn luyện thể-lực và tổ-chức đời sống, xếp-đặt sự ăn ở cho ổn-định, để thể-lực thăng-hoa thành khí-lực, rèn luyện khí-lực chuyển-hóa trở thành thần-lực, gọi là luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần. Ngoài ra còn tinh-luyện các yếu-tố vật-chất đã cấu tạo nên xác thân đó là luyện ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Ở con người còn có phương luyện năm yếu tố này, tức là luyện các cơ-quan tổ-chức tạng-phủ như Tâm (hỏa), Can (mộc), Tỳ (thổ), Phế (Kim), Thận (Thủy), bằng ẩm-thực tinh-khiết, tinh-thần trong sạch, để nó được hoàn-hảo, vô bệnh, thì thân-thể sẽ cường-tráng, ngũ-khí sẽ thăng-hoa, con người sẽ không bị tật-bịnh, đau-khổ, phiền-não, nên Thánh-ngôn của Chơn-linh Đoàn-thị-Điểm giáng cơ có câu:

 

Ngũ khí thanh diệt-trừ quả-kiếp,

Linh-quang đầy đặng tiếp hồng ân.

Xác tại thế đã nên Thần,

Ba mươi sáu cõi đặng gần linh-thiêng.

(Nữ Trung Tùng Phận).

 

  Phương tu-luyện này gọi là luyện Tam-bửu Ngũ-hành. Theo đó Cao-Đài giáo mặc-nhiên xác-nhận sự tiến-hóa của thân-xác là một yếu-tố trong sự tiến-hóa của linh-hồn. Nhưng chủ-yếu là con người cũng phải có quyết-tâm, có thiên-hướng, biết tổ-chức một cuộc sống ổn-định, biết áp-dụng một phương-pháp dưỡng-sinh đặc-biệt, tức là cũng đòi hỏi sự đóng góp tích-cực của tinh-thần là điều quan-trọng, chứ không phải phó mặc cho hoàn cảnh tự-nhiên đưa đẩy đến đâu hay đến đó, hoặc sống một cuộc đời trác-táng, phóng-túng, buông-thả mà có được. Điều nầy sẽ đề-cập chi-tiết hơn ở phần phương-pháp tu-luyện xác-thân

 

- Phần tâm-linh:

 Nếu tâm-linh được tu-luyện để có một tinh-thần, một ý-chí tích-cực, cũng sẽ ảnh-hưởng quan-trọng đến thể-chất, điều này rất hiển-nhiên. Những người có một đời sống tinh-thần hiền-lương, đạo-hạnh cao-khiết, luôn có mục-đích hướng thượng, thì thân-thể luôn đạo-mạo, phương-phi, cường-tráng, còn những kẻ dã-tâm, ác-độc, sống tùy-tiện, buông thả, thì hình-thù cổ-quái, dị-hợm, thân-thể và tinh-thần bệnh-hoạn. Như vậy tùy ở sự điêu-luyện tinh-thần tốt đến bực nào, thì phần thể-chất cũng có ảnh-hưởng tương-ứng, và cũng đồng quan-điểm với thuyết di-truyền của Mendel và Darwin, là sự tốt lành này cũng sẽ truyền lại cho con cháu.

 Nên thế-gian mới có câu:

 

“ Con nào chẳng giống mẹ cha,

Cháu nào lại chẳng giống bà giống ông”.

 hoặc là:

“Mẹ hiền thì sinh con hiền.

Mấy đời mẹ cú con tiên bao giờ”

 

 Hai câu nầy có nghĩa là con cháu sẽ giống cha mẹ ông bà, và cha me hiền-lương thì sinh con cái đạo-đức, còn cha mẹ dữ thì sẽ sinh con độc-ác xấu-xí, chứ không thể đẻ ra con hiền-hậu tốt lành như tiên được.

 

 Theo quan-niệm tiến-hóa của Cao-Đài-giáo thì con người có thể tự làm chủ chính mình, hướng-dẫn sự tiến-hóa của chính mình, chứ không phải phó mặc cho hoàn-cảnh tự-nhiên đưa đẩy, vì nếu phó-mặc cho hoàn-cảnh, thì có thể có những biến-dị tốt, nhưng cũng có thể có những biến-dị xấu, làm thoái-hóa đi, khiến cho con người phải gây ra tội-lỗi sa-đọa cho chính mình, mà còn di-hại đến nhiều thế-hệ con cháu mai sau nữa.

 

 Tóm lại sự tiến-hóa là con đường Thượng-Đế đã vạch sẵn cho chúng-sanh và ban cho chúng-sanh một bản-chất hướng-thượng. Nên dù muốn hay không chúng-sanh vẫn ở trong cái vòng xoay-chuyển đó, và cái già cái chết luôn luôn đẩy con người tiến về phía trước mặt. Trong quá-trình đưa con người từ cõi giả đến cõi chơn, từ nơi tối tăm đến nơi sáng suốt, từ trong cõi luân hồi sanh tử, đến chỗ trường-sanh bất-tử, con người có hoàn-toàn tự-do định-đoạt lấy số phận của mình, có quyền-tự chủ dìu-dắt thiên-lương của mình. Nên kinh Thiên đạo có câu:

 

Dù cho phải mực Thiên điều,

Cũng quyền tự chủ dắt-dìu thiên- lương.

(Kinh Giải-oan)

 

   Do đó trên cõi trần trình-độ tấn-hóa không đồng đều, là do kẻ thì tích-cực nhanh chân, người thì lơ-là chậm bước. Sự tấn-hóa trên đường đạo-hạnh đều do nơi mỗi người có muốn cùng không muốn. Nên Thánh-giáo Chí-Tôn đã dạy rằng:

 

   Thầy đến độ rỗi các con là lập-thành một trường công-đức cho các con nên đạo. Vậy đắc-đạo cùng chăng là tại các con muốn cùng chẳng muốn.(TNHT/Q1/ tr.26).

 

 Nếu con người cứ vững tâm tiến bước theo đường Đạo, thì sự tiến-hóa sẽ thành-đạt. Đức Chí-Tôn đã khẳng-định rằng:

 

  Các con duy có trông cậy nơi Thầy, bước đường cứ thủng thẳng đi lên tới, đừng gấp quá, mà cũng chớ thối lui, thì một ngày kia sẽ đặng toại kỳ sở nguyện (TNHT/QI/tr.61).

 

NGUYÊN-NHÂN SỰ SA NGÃ VÀ CHẬM TIẾN CỦA CON NGƯỜI

 

Chịu ô-trược chơn-thần nặng trĩu,

Mãnh hình-hài biến-biểu lương tâm.

(Kinh Giải-oan).

 

Con người được Thượng-Đế tạo-dựng, Ngài đã ban cho cái thiên-tánh vốn lành, và một thiên-hướng tiến-hóa, nhưng khi nhập-thế, càng nặng mang phàm-thể, khiến cho tư-tưởng, lý-trí và tình-cảm xu-hướng theo vật-chất, nặng-nề ô-trượt, càng bị lục dục, thất tình sai khiến mà phải cưu-mang tục-lụy, càng mất dần tánh trọn lành. Nên khiến con người chậm tiến-hóa, mà phải luân-hồi triền-miên từ kiếp này sang kiếp khác, dập-dồn trong luật nhân-quả trả vay, làm cho sự phản-bổn hoàn-nguyên càng ngày càng xa dần, khó mà trở về ngôi vị thiêng-liêng của mình, vì thế trong kinh Thiên-Đạo có câu:

 

Bước đường sinh tử đã chồn

Oan oan nghiệt-nghiệt dập dồn trái căn

(Kinh giải oan)

hoặc là:                                                 

Phong-trần vui thú cung âm,

Cảnh thăng ngơ-ngẩn lạc-lầm phong-đô

(Kinh Giải-oan)

 

Vì con người khi đã vào vòng sanh-tử, mang lấy mãnh hình-hài, phải lo ăn mới sống, lo mặc mới lành, lại còn chịu sự đòi hỏi của thân xác, nên càng tạo thêm nhiều oan-nghiệt của chính mình gây ra, đồng-thời còn gánh thêm món nợ tiền-khiên của tổ-phụ lưu-truyền, nên làm cho kiếp người đắm-chìm vào tục- lũy, khiến chơn-thần mỗi ngày càng thêm ô-trược nặng-nề, làm cho đường về thiên-cung phải lỡ bước. Sự-kiện này kinh Thiên-Đạo đã cho chúng ta thấy cái nguyên-nhân như sau:

 

Dòng khổ hải hễ thường chìm đắm,

Mùi đau thương đã thắm chơn-linh,

Dây oan xe chặt buộc mình

Nhớp-nhơ lục dục thất tình nhiễm thân.

Chịu ô trược chơn thần nặng trĩu.

Mảnh hình hài biến biểu lương tâm

(Kinh Giải-oan)

hoặc là:

Khối trái-chủ chẳng lo vay trá,

Mới gầy nên nhân-quả nợ đời.

Rảnh mình đâu đặng thảnh thơi,

Thiên-cung lở lối chơi-vơi cõi trần...

(Kinh Giải oan).

 

Tuy là trí-lự khôn-ngoan của con người cũng như Thánh-tâm do quyền thiêng-liêng khai mở, nhưng Đại-Từ-Phụ dù có thương xót bao nhiêu, cũng vì luật công-bình, nên phải để cho con người có quyền tự-do, tự-giác, tự-nguyện trở về với Ngài. Nên kinh Thiên-đạo nói rằng:

 

Dù cho phải mực Thiên-điều,

Cũng quyền tự-chủ dắt-dìu thiên-lương ï.

(Kinh giải oan).

 

Thượng-Đế tạo-dựng ra loài người, Ngài đã dành cho nhiều đặc ân, nhưng tại con người mê-luyến hồng-trần mà phải sa-đọa, lý-do sự sa-đọa này Đức-Chí-Tôn đã cho biết như sau:

 

 Ôi! Thầy sanh các con thì phải yêu-trọng các con chẳng cùng, mà Thầy cho các con đến Thế-giới này với một Thánh-thể thiêng-liêng, y như hình ảnh của Thầy, không ăn mà sống, không mặc mà lành, các con lại không chịu, nghe điều cám dỗ mê-luyến hồng-trần, ăn cho phải đọa, dâm cho phải đày, nên chịu nạn áo cơm, dục quyền, cầu lợi.

 

 LỢI, Thầy cũng đã dành cho các con chung hưởng cùng nhau, mà cũng vì tham, đứa chứa nhiều, đứa nhịn đói.

 

 QUYỀN, Thầy cũng đã ban cho các con in như Thầy đã ban cho chư Thần, Thánh,Tiên, Phật, hầu cho đủ thế kềm-thúc lấy nhau đặng giữ vẹn thánh-chất yêu sanh của Thầy, mà quyền ấy trở nên một cơ-chế buộc trói nhơn-sanh trong vòng tôi mọi. Ôi! Thảm thay! Cái thất vọng của Thầy rất nên ghê gớm, các con có hiểu vì sao mà cả nhơn-sanh gian-tham chăng? Thì cũng muốn cho nhiều sanh-mạng chịu phục dưới quyền thế lợi lộc đó, vậy sự yếu-trọng của con người là nạn cơm áo; nắm chặt quyền phân phát cơm áo, thì chưa ai đã chịu thọ-sanh nơi thế này lánh khỏi.

 

 Muốn cho đặng quyền-hành ấy phải làm thế nào?

 

 Dùng hết mưu chước quỷ quyệt, thâu đoạt cho đặng lợi lộc quyền thế cho nhiều, vì vậy mà đời trở nên trường hỗn độn, tranh-tranh, đấu-đấu, giựt-giựt, rành-rành, gây nên mối loạn, nhân loại nghịch lẫn nhau, giúp cho phép tà quyền mạnh hơn yếu thiệt, mất phép công- bình, thiêng liêng tạo-hóa; cái trường thảm-khổ của thế gian do nơi đó mà ra.

 ( Thánh ngôn hiệp tuyển/ Quyển 2/ trang 63)

 

 Còn một nguyên-nhân nữa làm cho con người sa-đọa là không kể đến luân-hồi, nhân-quả, cho đời người chỉ ngắn gọn trong một kiếp sanh, từ chiếc nôi đến nấm mồ, khi chết là mất, nên hung-hăng, tàn-bạo. Đức Chí-Tôn cũng nói về số người này như sau:

 

   Thầy, các con! Cái tình cảm-hóa của con người là tình thường ứng hiệp với trời đất, cho nên khi tâm tịnh thường cảm hoài, hằng tìm nơi u huyền mà nghĩ-nghị trong trí khôn; ấy là kẻ có sẵn tình ý thiên-nhiên tạo-hóa; còn có một hạng người cũng có tánh thiêng-liêng ấy, nhưng lại không để trí khôn vào lối cao thượng, mà cứ quen thói hung hăng, nghĩ những việc bạo-tàn, làm những điều tội lỗi; ấy là những kẻ nghịch thiên, không biết luân hồi là chi cả. Chúng nó lại tưởng rằng kiếp người là kiếp sống chỉ có bây giờ rồi tiêu mất, nên tởm những chước sâu, kế độc cho đặng của nhiều, no lòng sướng dạ, trối kệ luân-hồi.

 

 Thầy hỏi: Vậy chớ cái trí khôn cứa con người biết thương, ghét, vui, buồn ma ẵ toàn trong nhơn loại đều có, khi rốt cuộc thì trí khôn ấy đi đâu?- Thầy hỏi như vậy đặng cho các con mỗi đứa về suy nghĩ mà trả lời cho mình.

 Hễ trả lời phù hợp thì dễ biết Đạo, còn ngu xuẩn thì cũng hườn ngu xuẩn...(TNHT/QI/trang 94).

 

 Trên đây là tất-cả những nguyên-nhân làm cho con người sa-ngã, không thể tiến thân trên con đường tấn-hóa mà Thượng-Đế đã vạch sẵn.

 Theo Đức Phật Thích-ca nói về nguyên-nhân làm cho con người sa-đọa, tiếp-tục trong vòng luân-hồi sanh-tử, gồm có mười hai nguyên-nhân còn gọi là thập nhị nhơn duyên, xoay vần tiếp nối lẫn nhau, như sợi dây móc xích có mười hai khoen, làm thành vòng tròn khép kín, liên tục trong ba đời; quá-khứ hiện-tại và vị lai, làm con người không lối thoát. Mười hai nguyên-nhân đó kể ra theo thứ tự sau :

 

 1)-Vô minh : chúng sanh vì đời trước mê lầm thiếu sáng-suốt.

 

 2)- Hành : Vì căn bản vô minh, không phân biệt thiện ác, nên hành-động sai trái, tạo ra nghiệp chướng.

 Hai món vô-mình và hành làm nhơn quá-khư tạo thành quả-nghiệp lưu lại trong thần-thức,

 

 3)- Thức : Tức là thần-thức, sau khi chết nghiệp lực dẫn dắt thần thức là phần tinh-thần trong con người đi đầu thai gọi là thọ thân, tức là có danh sắc.

 

 4)- Danh sắc : Danh chỉ cho tâm, về phần tinh-thần,chỉ có cái tên; có sắc là xác-thân về phần vật-chất. Danh sắc là chỉ cho trạng-thái khi mới đầu kiếp, tinh -thần và vật-chất mới vừa phối-hợp..

 

 5)- Lục nhập : Sáu chỗ vào. Khi thân thể đã đủ lục căn đó là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ; là chỗ của sáu trần cảnh, gọi là lục trần đó là: sắc: cảnh mắt thấy, thanh: tiếng nghe vào tai, hương: mùi thơm vào mũi, Vị: vị nếm của lưỡi, Xúc: các ngoại cảnh tiếp xúc với thân, Pháp: phần hiểu biết của ý thức, (nó không biểu hiện ra ngoài, nhưng đối với nội tâm, như ý thức ham muốn chẳng hạn, chúng ta có thể tự thấy rõ ràng)

 

 6)- Xúc : Khi có sáu căn ( tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) thì phải tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp)

 

 7)- Thoï : Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, thì sinh ra sự nhận lãnh các sự vui hay khổ gọi là thọ.

 Năm món: thức, danh-sắc, lục- nhập, xúc, và thọ là quả hiện tại.

 

 8)- Ái : Khi thọ quả hiện tại, thì trở lại tạo ra nhân nữa là ưa thích, gọi là Ái.

 

 9)-Thủ : Khi ưa thích thì muốn tìm cầu giữ lấy cho có gọi là Thủ.

 

 10)- Hữu : Khi ưa thích thì tìm cầu giữ lấy cho có gọi là Hữu.

 Ba món Ái, Thủ, Hữu làm nhơn hiện tại, là cuối cùng của vô-minh.Từ đó tạo nghiệp cho thân sau là đời vị lai.

 

 11)- Sanh : Khi ưa thích (ái) tìm cầu (thủ) để cho có (hữu) nên tạo ra nghiệp, cho thân sau, kiếp vị-lai, tức là sanh.

 

 12)- Lão, tử : Khi có thân tức phải có thức, danh-sắc, lục-nhập, xúc, thọ, rồi già phải chết.

 Sanh, lão và tử là quả vị-lai, rồi tạo nhơn nữa ( ái, thủ, hữu), để thọ quả vị lai lần nữa, cứ thế nối tiếp cho đến vô cùng tận.

 

 Nguồn gốc của sanh tử luân hồi là do mười hai nhơn-duyên nêu trên, nhưng trọng-tâm là vô-minh. Con người muốn dứt sanh-tử luân-hồi, tức là Phải diệt trừ vô - minh, thì hành cũng diệt; tức là đạt đến nấc thang cuối cùng của sự tiến- hóa, là đạt Đạo, xa lìa sanh tử.

 Bởi do vô minh mà con người chấp giả làm chơn, nên bị trái-oan ràng-buộc:

 

Thiệt thì bỏ, giả vây nên nợ,

Mãn căn sanh chưa mở dây oan.

(Trích Nữ Trung Tùng Phận).

 

 Vì sự sinh tử dập-dồn, mỗi kiếp sanh cứ tạo ra thêm nghiệp chướng, rồi chìm đắm nơi dòng khổ-hải, sự đau thương sẽ thấm sâu vào chơn-tánh, dây oan nghiệt cứ ràng buộc thân xác, nên không thể tiến xa trên con đường Thánh đức. Đó là lý do sự sa ngã chậm tiến của con người.

 

 Vậy con người muốn thoát ra khỏi chìm đắm sa ngã, thì phải nương vào cửa Đạo, lấy ánh sáng đạo mầu soi rọi, mới phá tan được màn vô minh, dù cho Tiên Phật bị đọa-trần cũng phải bước theo con đường này mà thôi. Nên Đức Chí-Tôn đã dạy rằng:

 

 Đạo tức là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo đó mà hồi cựu-vị Đạo là con đường của các nhơn-phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi... Lấy Đạo trau Đời, mượn Đời giồi Đạo, Đạo nên Đời rạng, giũ áo phồn hoa, nương bóng khổ trăm năm mãn cuộc, tự thanh cao, nếm mùi tự tại, dưỡng chí thanh nhàn có gì hơn. (TNHT/Q2/tr.03).

 Con người phải quyết tâm đi trên đường Đạo thì mới tránh được sự đọa đày đời đời, kiếp kiếp. Đức Chí Tôn đã dạy rằng:

 

Đạo Trời khai ba lượt, khách tục lỗi muôn phần, khách trần ai vẫn lấy sự vui vẻ vô vị chốn sông mê nầy mà quên trọn các điều đạo đức của các đấng Thánh trước Hiền xưa. Chung đỉnh mãn tranh giành, lợi- danh thường chác buộc, kiếp phù sanh không mấy lúc, đời giả-dối chẳng là bao. Sanh đứng làm người, trót đã mang vào mình một vai tuồng đặc-biệt, đã chẳng lo bước hành trình cho xong mà đắp - bồi nợ mãnh hình hài, ngọn rau tấc đất, lại chác lấy điều phiền não ưu -sầu, lấy Thánh - đức gọi là chơi, mượn hành - tàng vô nghĩa mà làm cho vừa lòng ái-mộ bất-lương. Cái xuân kia chẳng đợi người, mà bước đời càng gay trở, lần qua thỏ lặn ác tà, bóng thiều quang nhặt-thúc, con đường hy-vọng chẳng biết đâu là tột cùng, mà bước đời xem đã mòm mỏi, sự thác vô tình sẽ đến mà vẻ cuộc sanh-ly, pha màu tử-biệt, làm cho sự vui-vẻ giàu-sang danh-vọng, đều thành ra một giấc huỳnh-lương, rồi đây vĩnh-biệt ngàn năm tội tình muôn kiếp. Đài nghiệt cảnh là nơi rọi sáng các việc lỗi-lầm, bước luân-hồi sẽ dẫn vào nơi  u-khổ, cùng sầu, mà đọa-đày đời-đời, kiếp-kiếp, ấy là buổi chung quy của khách trần đó. Nguồn Tiên, Đạo Thánh dìu bước nhân sanh, tránh tội lỗi, lìa nẻo vạy, bước đường ngay, mà lần vào nơi cực-lạc an-nhàn, rừng tòng suối lặng, động thẳm non xanh, để mình vào bực thanh cao, thoát khỏi chốn luân-hồi ràng buộc, ai mau bước đặng nhờ thân, ai luyến trần cam chịu khổn. Đạo Trời mầu nhiệm, khá biết xét mình sau khỏi điều tự hối.  Chúng sanh khá biết cho. (TNHT/Q1/ tr84).

 

 Đức Chí-Tôn và Phật-Mẫu đã tạo dựng ra con người, cưu-mang chúng ta hàng vô số kiếp, nhất là đối với những linh hồn sa đọa, Đại Từ-phu giống như các bậc cha mẹ thế gian, có những đứa con ăn chơi sa đọa, ra đi biệt tích không trở lại quê hương. Sự việc của thế gian nó cũng giống như cõi thiêng-liêng, đứa con phàm cũng giống như đứa con Trời, cha mẹ nào lại không muốn con mình công thành danh toại, nhưng với điều-kiện là chính nó phải tự ý, tự tạo tương-lai cho chính mình nó thi mới được.

 

 Theo chơn-truyền của Cao-Đài giáo thì Thượng-Đế là cha của cả chúng sanh, Ngài đã cho con cái xuống trần để học hỏi ở tại trường đời, hầu mở mang thiên tánh Ngài đã ban, nhưng vì nhập thế chi mê, nên quên mất căn-nguyên bổn-tánh và cội nguồn của mình, lại còn mang mãnh hình hài phải chịu muôn ngàn cay đắng, bao nhiêu thử thách nhọc nhằn, bao nhiêu nghịch cảnh xót xa, trăm nghìn sầu khổ. Trước cảnh khổ của trần gian đối với những linh hồn mạnh mẽ thì đó là một dịp rèn luyện. một cơ hội tiến thân, còn đối với những linh hồn yếu đuối thì đó là một bể khổ mênh mông, làm họ chìm đắm. Nên Honoré de Balzac đã nói rằng:

 “Cảnh khổ là một nấc thang cho bậc thiên tài, một kho tàng cho người hiểu biết, một vực thẳm cho kẻ yếu hèn”.

 

   Bởi thế nếu người biết lợi dụng cảnh khổ, thì thiên tánh sẽ phát triển, trí huệ sẽ mở mang, còn kẻ yếu hèn thì sẽ hứng chịu hết đau khổ này đến đau khổ khác, rồi lương-tâm thui-chột, trí-huệ mê-mờ. Nên chúng ta có thể nói rằng. Sự đau khổ là kết quả của vô-minh và sự cố-gắng là mầm giải thoát. Nhờ đau-khổ và cố gắng mà con người bước tới lần lần trên con đường tiến-hóa. Chính con người dệt ra số mệnh của mình,và tùy hành-tàng của mình ở đời mà được giải thoát hay là bị đọa-đày.

 

   Do đó từ nghìn xưa các bậc độ-đời cứu-thế, đã tùy trình-độ của chúng sanh mà đề ra nhiều phương pháp xử trí với cảnh khổ khác nhau, mục đích giúp cho con người biết sử dụng nó để làm nấc thang thăng tiến. Theo Đức Hộ-Pháp thì tôn-chỉ của các tôn-giáo xưa nay chỉ dùng chữ Khổ làm đề-mục trong môn học ở trường đời. Đức Ngài tóm-lược như sau:

 

-         Phật vì thương đời mà tìm cơ giải khổ

-         Tiên vì thương đời mà bày cơ thoát khổ

-         Thánh vì thương đời mà dạy cơ thọ khổ

-         Thần vì thương đời mà lập cơ thắng khổ

-         Hiền vì thương đời mà đạt cơ tùng khổ

 (Trích bài diễn văn của Đức Hộ Pháp đăng trong quyển Tân-Luật /Pháp Chánh Truyền/ trang 66 )

 

  Tùy thứ bực tiến hóa của chúng sanh, mà có mỗi loại chơn-hồn có phương xử-trí với cảnh khổ khác nhau; như bậc hiền-nhân quân tử thì phải biết tùy theo sự khổ để luyện mình, rồi phẩm-vị càng cao, thì mới có thể chiến thắng nó, chịu đựng dễ dàng với nó, rồi thoát khỏi nó, sau mới tìm ra phương-pháp giải-khổ cho tất-cả chúng-sanh thoát khỏi vòng luân-hồi sanh-tử. Phương-pháp này Đức Thích Ca đã giải rõ trong tứ diệu-đề là:

 

-         Khổ đề : Trình bày cho chúng sanh thấy rõ tất cả sự khổ trên thế gian mà họ phải nhận lãnh.

-         Tập đề : Tập là nhóm chứa, Tập đề chỉ ra nguyên nhân tất cả sự khổ do đâu mà có.

-         Diệt đề : Phương-thức hướng-dẫn con người tránh sự khổ.

-         Đạo đề : Là con đường dẫn đến chỗ tận diệt khổ.

-         Trong giáo lý Phật giáo có cả thảy tám con đường gọi là Bát chánh đạo đó là:

-         Chánh kiến (thấy đúng theo chân lý).

-         Chánh tư duy (tư-tưởng chơn chánh).

-         Chánh ngữ (lời nói chơn chánh).

-         Chánh nghiệp (việc làm chơn chánh).

-         Chánh mạng (đời sống chơn chánh).

-         Chánh tinh-tấn (sự cố-gắng chơn-chánh).

-         Chánh niệm (tưởng-niệm chơn-chánh).

-         Chánh định (định-tâm chơn chánh).

 

 Đó là tám con đường diệt hết sự khổ.

 Đức Samyutta Nikaya còn khuyên con người nên chuyên chú vào Tứ-diệu-đề như sau:

 Đừng để tâm trí vào những tư tưởng sau đây:

 

 Thế giới là thường,

 Thế giới là vô thường,

 Thế giới là hữu hạn,

 Thế giới là vô biên.

 Nhưng hãy để tâm trí vào những tư tưởng sau đây:

 Đây là đau khổ,

 Đây là nguồn gốc của đau khổ,

 Đây là cái làm hết đau khổ,

 Đây là con đường đưa đến diệt tận khổ.

  (Phật-ngôn/Samyutta Nikaya).

 

 Chung quy các tôn-giáo trên thế gian cũng chỉ có một mục đích là chỉ lối đưa đường cho chơn sanh biết lánh dữ làm lành, để khỏi mắc nhiều nghiệp-chướng mà đọa-lạc trầm-luân. Nên Đức Hộ-Pháp đã tổng kết lại như sau:

 

  Tư duy của cả Tôn giáo đã lập thành nên Đạo. Chữ Đạo là Đường đặt ra bởi đó, đặng dìu dắt nhơn sanh khỏi bước đời gay trở; cốt yếu là lập mục đích, định chuẩn-thằng cho kẻ trước hiệp người sau, kẻ kim hòa người cổ, tóm cả trí-lự của nhơn loại, đặng làm ngọn huệ-quang soi rọi khắp nhơn gian, mượn cả sự tội tình sầu-thảm của thế, mà tạo Bát nhã thuyền, đặng vớt người qua khổ hải. (Diễn-văn Đức Hộ-Pháp đăng ở Tân-luật Pháp Chánh-truyền/ tr 66).

 Con đường tiến-hóa ở thế gian nó không bằng-phẳng mà rất là chông gai, khổ hạnh, dù cho căn Tiên cốt Phật hễ đã vào vòng thế tục, cũng khó mà thoát khỏi cửa luân-hồi chuyển-kiếp một cách dễ dàng. Nên Đức Hộ-Pháp đã nói về cơ trả vay trong trường tấn-hóa của các đẳng chơn-hồn như sau:

 

  Hễ có vay thì có trả, có thỉ ắt có chung, có gầy tự-nhiên có lập (toute cause a son effet): trong trường hợp hỗn-độn nầy, đã sanh biết bao oan-nghiệt tội-tình, làm cho các đẳng linh-hồn, dầu cho còn giữ nguyên- linh, biết tự trọng, tự bảo mình đi nữa, vì trược-nhiễm, cũng khó mong thoát đặng dễ dàng khỏi cửa luân hồi chuyển-kiếp.

 

 Đã có tấn ắt có thối, đã dở phải tìm hay, đã tà thì tìm chánh, đã dử ắt tìm lành (la loi des réparations), mỗi cuộc đua-tranh đã gây biết bao oan-gia, trái chủ, buộc các Đấng Thiêng-liêng, dầu cho đặng cao-thăng, biết dưỡng-chí, tu-tâm đi nữa, cũng bởi lẫn-truất thương-sanh, mà phải phế hủy kiếp-duyên, chịu đọa đày nơi trần tục.

 

 Cái cơ tấn hóa thiêng-liêng vẫn thế, chẳng khác nào như có một quyền hành mạnh mẽ buộc các đẳng linh-hồn phải thuận-tùng mà lập thành địa vị, đẳng cấp, cho đến ngang bậc cùng Trời, dầu cho Cổ-Phật cũng khó toan tránh khỏi.

 

 Có hữu-hình thì chắc có vô vi, công bình tạo-đoan đã định, tại thế này thể nào thì trên cõi hư-linh cũng vậy, chẳng khác nào đã có mặt luật nhiệm-mầu, giục cả chơn-sanh tự-tỉnh, lấy trí thức mà lánh dữ tìm lành, theo gương chư Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật; dầu cho Đức Chí-Tôn cũng phải chiều theo phép mà tạo-thời cải-thế.

 

 Phép của Trời có một, là thương khắp cả chúng sanh, nên định cho phẩm vị hữu-hình và thiêng-liêng có một, nghĩa là phải tương-đắc cùng nhau, đặng định-quyết phép công bình lành thăng dữ đọa.  (Trích diễn văn Đức Hộ-Pháp đăng trong Tân luật/ Pháp chánh-truyền/ tr 66-67).

 

 Tóm lại sự chậm tiến-hóa và sa-ngã của loài người theo triết-học của Cao-đài-giáo gồm có hai nhân-tố tạo-thành:

-         Nhân-tố chính-yếu là do vô-minh, con người không hiểu rõ chân-lý mục-đích của cuộc sống, nên không hướng-dẫn được thân xác, tình cảm và lý trí; để nó tự phóng-túng, làm những điều tội lỗi.

-         Nhân-tố trợ-duyên là danh-lợi buộc-ràng, trần-duyên xúi giục, tạo ra oan-trái mà chịu trong vòng luân-hồi, nhân-quả trả vay, làm cho lương-tâm mờ-ám, mà quên cả ngôi xưa vị củ.

-         Do đó Đức Chí-Tôn khai Đai-Đạo Tam-kỳ Phổ-độ là để cứu vớt chúng-sanh khỏi sự trầm-luân sa-đọa, nhưng nếu con người không chịu thức-tỉnh để tự giải-thoát lấy minh, thì Đức Chí-Tôn cũng không thẻ bồng ẵm mà đỡ lên cho đặng, nên Ngài đã khẳng-định như sau:

 

Lựa lèo lựa thế độ nhơn-sanh, 

Khó dễ Thầy cho hiểu ngọn ngành. 

Ám-muội thì nhiều mưu trí ít, 

Đường Tiên chẳng bước đọa thì đành.  (TNHT/Q1/trang1)

 

 Cho nên tất cả các phương-thức khắc-phục các nguyên nhân sa-đọa nêu trên, cũng chỉ nhắm vào sự tinh-tấn của chính con người, vì vô-minh là cội-nguồn của đau-khổ, tinh-tấn mới là mầm giải-thoát, đưa con người trở về với Đấng Cha Lành. Đó là tất-cả yếu-quyết trong con đường tiến-hóa của loài người theo nhân-sinh-quan Cao-Đài-giáo.

 

CHUNG

Dã Trung Tử sưu tập

 
về trang chủ