Tông chỉ của Đại Đạo Tam Kỳ là kết hợp cả ba mối
Đạo chánh đã có từ ngàn xưa là : NHO, THÍCH, ĐẠO,
chuyển cả ba Đạo ấy hiệp lại làm một. Nên chi, chúng
ta tu theo Tam Kỳ Phổ Độ thì phải noi theo tông chỉ
của Tam Giáo mà tập rèn Tâm,Tánh, nắm trọn Tam Cang,
Ngũ Thường, vẹn giữ Tam Qui, Ngũ Giái, Tứ Đại Điều Qui
và cần luyện Tam Bửu Ngũ Hành.
Người mà gồm được hết cả các điều kiện trên là gần
Thần, Thánh, Tiên, Phật vậy.
Nhưng, trải qua cuộc sống vất vã lăn lộn với thế
tình, nếm đủ mùi vị của đời, chúng ta mới cảm thấy :
Trần ai thật là khổ lụy, có chi ham ! Đời người lại
quá ngắn ngủi, tuổi xanh không mấy chốc, kế đến đã bạc
đầu. Kiếp sống chẳng bao ngày, cái chết lại kề cận.
Tuổi 70 của một người, kể ra thật rất hiếm có !
(Nhân sinh thất thập cổ lai hi !)
Tấm thân tứ đại hiệp thành mang nặng cái khổ đau
của sanh, lão, bệnh, tử mà Thượng Đế đã an bày, dầu
cho các bậc Đế Vương, những nhà Hiền Triết từ trước
đến nay có mấy ai thoát khỏi bến đò tử sanh của Tạo
Hóa !
Phải chăng cảm thông cho cuộc đời giả tạm của con
người, nên Ơn Trên ban cho câu liển dưới đây và dạy
niêm yết trên Thuyền Bác Nhã là chiếc xe tang của Hội
Thánh dùng để đưa thi hài người quá cố đến nơi an nghĩ
cuối cùng, để giác ngộ khách trần, như sau :”Vạn
sự viết vô, nhục thể Thổ sanh huờn tại Thổ. Thiên
nhiên tự hửu, linh hồn Thiên tứ, phản hồi Thiên”;
có nghĩa là : Tất cả đều là hư vô. Thể xác do đất sanh,
phải trở về vớùi đất, có nghĩa cát bụi sẽ trở về với
cát bụi. Thiên nhiên tự có, Linh hồn do Trời ban, sẽ
trở về Trời là lẽ hằng.
Câu liển trên rất trùng hợp với ý nghĩa hai chữ :
“Sắc, Không” của nhà Phật; cũng như định luật :
“Thành, Trụ, Hoại, Không” của Tiên gia, và luật Tiến
hóa của Vạn Linh, theo triết học Cao Đài .
Thật vậy, ai đã từng chứng kiến cảnh người thân
của mình đang hấp hối. Mọi vẻ linh hoạt đều không còn.
Mắt không sáng, miệng thôi không nói, không cười, tay
chân không cử động. Thôi thế là hết. Từ đây đã đành
vĩnh biệt ... ! Còn đâu người thân yêu mà ta từng quen
biết, nắêm tay, quàng vai nhau, chia xẻ buồn vui một
thời. Tiếng cười, giọng nói của người thân còn bên tai
mà bây giờ chỉ thấy thi hài nằm kia trơ trọi chết cứng
đơ một mình !
Ôi ! Cảnh sanh ly tử biệt.., sao mà buồn vậy !
Người đời mục kiến cảnh nầy làm sao tránh khỏi được
nỗi đau thảm chạnh lòng !
Nghỉ đến cái chết, đôi khi ta tự hỏi : bao giờ
sẽ đến lượt mình ?
Vất vả cả một đời, biết bao lao tâm khổ trí, trăm
mưu nghìn kế mới tạo dựng một tài sản, một cơ ngơi,
thế mà Thần Chết lẳng lặng, bất ngờ đến. Ta phải bỏ
lại tất cả của cải và những người thân, ra đi với hai
bàn tay trắng ! Đúng như Thánh Nhơn đã dạy : “Hởi
ôi ! Còn 3 tấc hơi Trời dành sẳn, thì tất cả đều dùng
được. Rủi một phút bất ngờ, muôn sự kể là không “.
( Ô hô! Tam thốn Thiên ban dụng. Nhứt đáng vô thường
vạn sự hưu).
Đã biết rằng : mọi người ai cũng phải chết, bởi
lẽ hữu sanh, hữu hoại. Nhưng Chết có phải là hết
không ?
Xin thưa : Chết không phải là hết. Chết rồi sẽ
tái kiếp trở lại theo luật Luân Hồi, để linh hồn tiến
hóa theo vòng xoay chuyển của Đấng Tạo Đoan. Mỗi đơn
vị linh hồn phải đi hoài đi mãi đến khi nào đoạt đến
Phật vị nhập vào Đại Linh Quang của Thượng Đế mới thôi.
Con đường đó người Đệ Tử Cao Đài thường gọi là : “
Dục tấn trên con đường Thiêng Liêng Hằng Sống”.
Hỏi : Có thế giới nào khác bên
kia cửa tử không ?
Đáp : Bên kia cửa tử còn có hai thế
giới khác. Thế giới thứ nhứt là nơi Thượng Đếõ
sẳn dành để ban thưởng cho những linh hồn an hưởng
cảnh an nhàn, nếu lúc sanh tiền biết tu hành, lập công
bồi đức. Nơi ấy là cõi Cực Lạc, Niết Bàn hay cõi Thiên
Đàng.
Thế giới thứ hai gọi là Phong Đô, Địa Ngục
hay Âm Quang, là nơi Thần Linh Học gọi là nơi Trường
Đình của chư hồn giải thể hay nhập thể mà Đại Từ Phụ
đã định nơi ấy cho Phật gọi là : “Tịnh Tâm Xá”; nghĩa
là nơi của chư hồn bị sa đọa đến đó đặng xét mình coi
trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội, để tự hối hay
đặng giáo hóa, ăn năng sám hối tội tình.
Chúng ta có giải đáp được 2 nang đề nầy, thì sẽ
tìm được con đường giải thoát cho Thể xác và tạo được
phương cứu cánh cho Tâm hồn.
Sự Sống và Chết đều liên quan mật thiết đến con
người. Chúng ta đã kinh nghiệm nhiều về lẽ Sống, thì
nay con người cần tìm tòi, học hỏi thêm về cái Chết để
hoạch định cho mình một chương trình thực tiển là :
Tìm phương cách nào khi còn sanh tiền chúng ta có một
cuộc “Sống hạnh phúc, yêu đời, và sau khi Chết được
hưởng phước an nhàn ?”
Thầm nghỉ rằng : chúng ta ra đời với tư cách một
con người là đã được Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu ban
cho chúng ta một kiếp Sống vẹn toàn. Có đầy đủ thể xác
lẫn tâm hồn. Dù đã phải chịu nhiều phiền toái, khổ đau,
chúng ta vẫn may mắn có trí thông minh, có sự tỉnh
thức của Tâm linh không khác gì ai. Chúng ta lại được
nghe những lời giảng huấn thâm sâu của Đức Chí Tôn Đại
Từ Phụ, hơn nữa còn có khả năng hiểu được giáo Pháp
của các Đấng Giáo Chủ, làm ánh sáng rọi đường cho
chúng ta nương theo đó từng bước thực hành, để tầm
đường về ngôi vị cũ .
Chúng ta đều hiểu rõ : thâm tâm tất cả mọi người,
không ai muốn bị đau khổ, người nào cũng muốn Sống
Hạnh Phúc. Nhưng, sự khổ đau, họa phước là kết quả của
những tư tưởng sai lầm và hành động bất thiện. Trong
khi hạnh phúc là kết quả của những hành nghiệp tốt đẹp.
Kinh Sám Hối có câu: “Điều họa phước không hay tìm
tới. Tự mình dời nên mới theo mình.”
Đã đành như thế, nhưng muốn bỏ điều xấu làm điều
tốt, chúng ta không thể chỉ thay đổi cách nói năng
hoặc hành động lơ là chiếu lệ, mà chúng ta chỉ có thể
làm được chuyện nầy bằng cách chuyển hóa cái Tâm của
mình thành Thiện Tâm.
Trong đời sống, chúng ta nên hành động một cách
thông minh, có mục đích và phải biết coi các mục tiêu
đó có thể thực hiện được chăng. Trong truyền thống tu
học, mục tiêu chúng ta là đạt tới Cực Lạc, Niết Bàn,
để được hưởng phước thanh nhàn.
Loài người chúng ta may mắn được Đức Chí Tôn ban
cho có khả năng đạt tới các mục tiêu này, như lời Đức
Phật dạy : “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Ta là Phật ở quá khứ. Chúng Sanh là Phật ở tương lai”.
Quả vị Giác Ngộ chúng ta tìm kiếm chính là sự tự do,
nhờ vượt thoát được những vọng tưởng thiêu đốt của Tâm
tư.
Đức Ngài còn dạy : “Tâm là nhân duyên
chính, khiến ta bị luân hồi. Nhưng cũng chính Tâm lại
là cái duyên lớn nhất, giúp ta thoát vòng sinh tử”.
Sự giải thoát này thực hiện được khi ta kiểm soát
những tư tưởng tích cực hướng thiện. Điều cần biết là
công việc chuyển đổi nầy đòi hỏi sự kiên trì của nhiều
năm trường, gian khổ hành đạo. Chúng ta đừng nên mong
có kết quả tức thời. Hãy nghĩ tưởng tới các bậc chân
tu trong quá khứ. Quý Ngài đã chịu rất nhiều gian khổ
trong việc thực chứng tu tập. Cuộc đời tu hành của Đức
Phật Thích Ca, của Thánh Chúa Jésus, của Đức Hộ Pháp
Phạm Công Tắc, của các Triết Nhân trước đây, là tấm
gương toàn thiện nhất cho chúng ta.
Người đời ai cũng ưa sống hạnh phúc, vui tươi,
không ai muốn bị đau khổ. Phải biết rằng : khổ đau
không phải lúc nào cũng do ngoại cảnh đưa tới cho ta.
Không phải đợi đến lúc đói kém hoặc bị hạn hán mới khổ.
Vì trong hai trường hợp trên, chúng ta có thể tự bảo
vệ, chẳng hạn bằng cách tích trữ lương thực. Nhưng
những nỗi khổ như Sanh, Già, Bệnh, Chết, là
những cái khổ liên hệ tới bản chất sâu xa của dòng đời,
thì chúng ta không thể giải quyết bằng những điều kiện
ngoại biên được.
Ngoài ra, chúng ta còn có sẳn trong mình một cái
Tâm không thuần hòa. Nó có thể tiếp nhận đủ mọi
vấn đề rắc rối. Nó chứa đựng nhiều tư tưởng bất thiện,
tiêu cực như : Nghi Ngờ, Tham, Sân, Si, Hận.
Khi Tâm ta còn bị những tư tưởng tiêu cực này bủa vây,
thì dù có quần áo lụa là để mặc, thực phẩm tuyệt hảo
để ăn, sự êm ấm của vợ con gia đình, nhưng chúng cũng
không giúp ta giải quyết được vấn đề.
Ngày xưa, Đức Phật Thích Ca đã để tâm quán sát
những chuyện đó, và quán tưởng về bản chất của chính
cuộc đời Ngài. Thấy mọi người đều khổ, Ngài cũng biết
rằng chúng ta sở dĩ khổ chỉ vì cái Tâm vô kỷ luật.
Ngài thấy rằng Tâm ta chạy như thú hoang đến nỗi nhiều
đêm ta mất ngũ. Đối diện vớùi cái Tâm chất chứa những
đau khổ và khó khăn của con người, Ngài dùng trí tuệ
để tìm xem phải chăng có một phương pháp nào giúp cho
người ta thoát được những khổ đau đó ? Ngài đã tìm
được và đưa ra triết thuyết Tứ Diệu Đế và Bát Chánh
Đạo dìu dắt người đời tìm cơ giải thoát.
Học Đạo nghiêm túc, đàng hoàng, ta sẽ có Lòng Tin
và có Trí Tuệ. Ta nên cố gắng học cho hiểu và hành trì
những lời dạy, ta sẽ phát triển được Trí Tuệ và lòng
Từ Bi. Dần dà, ta sẽ giữ được kỷ luật cho Tâm mình.
Chúng ta không tin rằng mọi sự vật được hình thành hay
chủ động bởi những yếu tố bên ngoài. Chúng ta cũng
không tin sự vật có những nhân duyên bất biến. Chúng
ta cho là Hạnh Phúc hay Đau Khổ là do chính mình tạo
ra. Tính chất của các hành nghiệp chúng ta làm ra tùy
thuộc tình trạng của Tâm thức mình, tùy Tâm có kỷ luật
hay không mà thôi.
Khó khăn và khổ đau tới từ cái Tâm vô kỷ luật.
Vậy nên, hạnh phúc thật sự ở ngay trong tay ta. Chúng
ta tự mình gánh lấy trách nhiệm, chúng ta không thể
mong đợi người khác mang tới cho ta Hạnh Phúc. Muốn
được Hạnh Phúc, ta cần nhận biết những nhân duyên tạo
ra nó, rồi phát triển những cái duyên này. Trong khi
đó, ta nhận diện những nguyên nhân gây khổ đau, rồi
loại bỏ chúng đi.
Nếu ta biết nên tập những gì, nên bỏ những gì,
thì ta tự nhiên không còn bị phiền não, nhiên hậu sẽ
hạnh hưởng cuộc Sống Hạnh Phúc sung sướng và đến lúc
Chết được hưởng phước An Nhàn.
Kết luận : Căn nguyên của đau khổ là Vô
Minh. Vô Minh có nghĩa là quan niệm sai lầm về tự ngã.
Tất cả những khổ đau vô lượng chúng ta gặp phải đều do
quan niệm sai lầm của cái Tâm Vô Minh mà ra. Vậy nên,
khi nói rằng : Phật vì lòng Từ Bi mà loại trừ mọi tà
niệm, có nghĩa là Phật do lòng Từ Bi mà làm lợi cho
muôn loài.
Vì muốn vậy, Ngài đã giảng dạy nhiều giáo pháp có
trình độ khác nhau, để mọi người tùy theo căn cơ mà tu
học, giải thoát được sự Vô Minh và những tư tưởng Bất
Thiện.
Ai học hiểu được chánh kiến và chuyên cần thực
tập thì sẽ thoát được khổ đau phiền lụy, vui sống Hạnh
phúc, an bần lạc đạo, tiêu trừ nghiệc chướng tiền
khiên.
Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng cơ, tại Báo Ân Từ ngày
15-8-Đinh Hợi (dl 29-9-47) do Đức Cao Thượng Sanh &
Bảo Văn Pháp Quân Phò Loan, ban cho bài Thánh Thi về
đề tài chữ TÂM dưới đây, để chúng ta nghiên cứu tu học
:
Gắng sức trau giồi một chữ Tâm,
Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm.
Tâm thành ắt đạt đường tu vững,
Tâm chánh mới mong mối Đạo thành.
Tâm ái nhân sanh an bốn biển,
Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm.
Đường tâm cửa Thánh dầu chưa vẹn,
Có buổi hoài công bước Đạo tầm. –
(TNHT. Q.2 Trg 259).