THIÊN CHỨC CON NGƯỜI

 

Dã Trung Tử

 


 

Con người đến thế-gian là những khách trần, lần bước trên đường đạo để tiến-hóa, đó là cái thiên-chức của Trời ban cho mỗi người tùy theo cơ-duyên và nghiệp-quả của họ. Điều nầy  Đức Chí-Tôn đã dạy rằng:

 

“Mỗi bậc phẩm đều đặng một vai tuồng của Đấng cầm quyền thế giới ban cho, dầu thanh cao, dầu hèn hạ, cũng phải gắng làm cho rồi trách-nhiệm, hầu buổi chung cuộc, hồn lìa cỏi trần đặng đến nơi khởi hành mà phục hồi công- cán...” (TNHT/Q1/tr 74).

 

Đây cũng có thể nói là một trách-nhiệm đặc-biệt của mỗi người, nên con người phải cố-gắng hoàn-thành cái thiên-trách đó để được cao thăng thiên-vị, điều nầy Đức Chí-Tôn cũng đã xác-nhận rằng:

     

" Sanh ra phận làm người, đã mang cho mình một trách-nhiệm đặc-biệt, phải gắng sức làm cho hoàn toàn, hầu chờ buổi chung quy, tương công chiết tội, tiêu quả tiền khiên mà nâng mình vào địa vị cao thượng hơn phẩm vô vị chốn sông mê nầy”. (TNHT/Q2/tr.22).

 

Trong vũ-trụ có luật-pháp rất công-bình, ngay thân-phận mỗi người tốt hay xấu, là do tự mình tạo ra, con người được đặt trên một địa-vị nào đó trong xã-hội, cũng đều tùy theo quá-trình tiến-hóa của họ. Khi chết thể-xác thối-rã, nhưng tính-tình, dục-vọng, ý-chí vẫn còn giữ nguyên trong chơn-thần (đệ nhị   xác thân), cho đến khi đầu thai vào kiếp sống mới thì những tính này sẽ trở nên cá-tính (personnality) cho kiếp sau. Ngay những thành-quả học hỏi được ở kiếp nầy cũng được lưu lại trong chơn-linh (linh-thân) làm thành sự hiểu biết cho nhiều kiếp lai sinh. Theo tác-động của luật nhân-quả, bắt mỗi linh-hồn phải mang theo những điều tốt xấu kể cả sự hiểu biết của mình đã gặt-hái từ bao kiếp trước. Phép công-bình đó an-bài cho mỗi chơn-linh một nơi đầu-kiếp tương-xứng, cọng với nghiệp-quả của tổ-phụ trong kiếp đương-sanh, sẽ tạo nên một chơn-thần khí-chất được cấu-trúc từ căn-bản cho cả ba phương-diện hình-thể, tình-cảm và trí-tuệ, xấu hoặc tốt ngay từ trong bào-thai, tạo thành một bản-án gọi là định-mệnh. Những ưu khuyết-điểm nầy sẽ tạo nên bản-chất của đứa trẻ từ khi mới lọt lòng mẹ, cho đến khi khôn lớn nên người. Nếu từ nhỏ được cha mẹ uốn-nắn và lớn lên biết cố-gắng tu-học, làm tròn cái thiên-chức của mình, tạo thêm nhân lành, quả tốt để giảm tiêu nghiệp-chướng, thì người đó  sẽ có dịp đón nhận một thiên-chức cao hơn trong kiếp lai sinh.

 

Như vậy số-mạng và tương-lai của con người không phải là một việc đã được an-bài, hay là một điều đã được hoàn-toàn định trước bởi Thượng-Đế hay Thần-linh, và nhất-định phải được xảy ra đúng như thế, mà điểm quan-trọng trong tự-do của con người là họ có thể cố-gắng vươn lên để thay đổi số-phận của mình hầu trở nên tốt đẹp hơn,  hoặc  là  họ  buông-thả  theo dục-tính để tự nhận lãnh một sự tệ-hại hơn, sự-kiện này còn tùy-thuộc theo mức độ tinh-tấn của mỗi cá-thể.

 

Ngay vấn-đề tội-lỗi của con người cũng do chính chơn-linh của họ ghi chép và định tội-phước cho họ. Điều nầy Đức Hộ-Pháp đã dạy rằng:

 

“Tội lỗi chúng ta do chơn-linh chúng ta ghi chép, và chính ta trị ta, chứ không có ai định tội cả, nơi Nam-Tào Bắc-Đẩu không có ai trị hết... không có một hình-luật nào buộc tội chúng ta cả. Mạng căn số kiếp của chúng ta đều do chúng ta định, chúng ta có quyền tự-do, quyền sở-hữu định mạng-căn cho chúng ta vậy”. (Trích thuyết đạo của Đức Hộ-Pháp đêm 26 tháng 01 năm Kỷ-sửu (23-02-1949).

 

Điều nầy cũng trùng-hợp với quan-điểm của Đức Thích-Ca cho rằng tội phước của con người sẽ được lưu giữ lại trong A-lại-da-thức, khi đi đầu-thai tái-kiếp, nó sẽ là những chủng-tử cho nghiệp-quả của kiếp lai-sinh. Nên theo nhận định của Phật-giáo cũng cho rằng tội phước của con người do chính mình tạo ra và tự thọ lãnh, chứ không do Trời Phât nào ban cho cả.

 

Chân-lý là vậy, nhưng chúng ta phải nhìn-nhận rằng không ít người quả thật dù cố-gắng tạo ra phước-đức bao nhiêu đi nữa, cũng không cách nào làm thay đổi được số-phận, hoặc thay đổi được rất ít, đó là do nghiệp-quả của mình đã tích-lủy quá nặng-nề trong nhiều tiền kiếp, nên sự tinh-tấn ngắn-ngủi trong một kiếp đương-sanh không dễ gì hóa-giải nổi. Nên Kinh Sám-hối có câu :

Người làm phước có khi mắc nạn,

Kẻ lăng-loàn đặng mạng giàu sang.

Ấy là nợ trước còn mang,

Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền.

Nên đối với những tai-họa khó tránh khỏi, thì chúng ta nên bình-tỉnh chấp-nhận một cách hiểu biết, có như thế ta mới có thể vượt qua bất kỳ cửa ải khó-khăn nào trong cuộc sống, để khỏi bị sang-chấn tinh-thần (stress) gây tổn thương sức khoẻ và tuổi thọ, đúng theo quan-điểm của Khổng-giáo là “Tận nhân-lực tri thiên-mạng” (cố gắng hết sức mình mới rõ được mệnh Trời). được như vậy thì chúng ta mới có hy-vọng làm tròn thiên-chức Trời ban cho.

 

Con người có một điều may-mắn hơn cả các sinh-vật là khi tạo dựng nên con người Thượng-Đế đã ban cho Thiên-tánh, đó là một bản-chất rất thiêng-liêng mầu-nhiệm ẩn-tàng nơi mình. Trên con đường tiến-hóa, dù cho nghiệp- quả có nặng nề bao nhiêu đi nữa, nếu con người đừng để vô-minh che lấp, và tu-học một cách tinh-tấn để phát-triển nó, thì cũng sẽ làm tròn thiên-chức của mình và đắc đạo tại thế, rồi có thể đem thành-công đó phụng-sự cho Thượng-Đế, giúp cho cơ tiến-hóa của vạn-linh, vấn-đề nầy chơn-linh Đoàn thị Điểm đã giáng cơ dạy rằng:

“Xác tại thế đã nên thần,

Ba mươi sáu cỏi đặng gần linh-thiêng.

Hiệp Tạo-Hóa cầm quyền chuyển thế.

Dạy vạn-linh dụng kế từ-bi.

Sanh ấy ký, tử ấy qui.

Diệu-huyền cơ Tạo có gì gọi hơn.”

  (Trích Nữ trung tùng phận)

Được như vậy là không những chúng ta đã hoàn-thành cái thiên-chức của Trời ban cho một kiếp người, mà còn thoát đoạ luân-hồi, được tiêu-dao nơi cỏi thiêng-liêng hằng sống, dù cho có tái-kiếp thì cũng xem như đến thế-gian với một thiên-trách nào đó mà thôi.

 

Dã Trung Tử

 
về trang chủ