Thế hệ trẻ Cao Đài cần ghi nhớ 4 câu của Tứ Nương Đoàn Thị Điểm, về:

 

Vùng Nam Hải Uy Linh Nhứt Quốc

 

 

Hà Ngọc Duyên

           

Hiền Huynh Trần Thái Xương, Chánh Trị Sự Thánh Thất Camden, New Jersey,  có trao đổi ý kiến với chúng tôi nhiều lần về một quá khứ lịch sử hùng anh của dân tộc Việt nam, và một tương lai vô cùng rực rỡ của đất nước, mà trong giáo lý Cao Đài đã từng nói đến: “Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc mà sau nầy làm chủ mới là kỳ.” Hiền Huynh rất tha thiết với vấn đề đó. Hiền Huynh rất tin tưởng vào sự huyền diệu cơ bút và tin tưởng rằng nước Việt Nam đã được Đức Chí Tôn chọn để gieo hạt giống quí ắt phải là mảnh đất thiêng, dân tộc VN là dân tộc được chọn để truyền bá mối Đạo Trời ắt phải là một dân tộc xứng đáng. Như đạo Phật mở ở Ấn Độ, Đạo Thiên Chúa mở ở Do Thái vì 2 nước này là môi trường thuận lợi cho sự phát triển 2 Đạo đó, thì Đạo Cao Đài mở ở Việt Nam, ắt hẳn Việt Nam phải có một nền văn hóa phù hợp với sự phát triển mối Đạo này. Hiền Huynh tỏ ý phấn khởi với những tài liệu gần đây của nhiều nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ những nét rực rỡ của văn hóa Lạc Việt, và những hào khí của dân tộc VN từ thời lập quốc trong huyền sử và chính sử, mà tiềm ẩn bên trong các tài liệu đó, dù các tác giả không hề nghĩ đến, lại là những cái sâu sắc và độc đáo, vô tình làm sáng tỏ thêm giáo lý Cao Đài.

 

Hiền Huynh có gởi cho chúng tôi mượn một số tài liệu đăng trong báo Việt gần đây ở Hoa Kỳ, và một số sách như “Trăm Việt trên vùng định mệnh” của Phạm Việt Châu, “Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa” của Vũ Hữu San, “Nữ Trung Tùng Phận chú giải” của Kim Hương, “Công đức Đức Phật Mẫu” của HT Trần Văn Rạng. Theo tinh thần của Hiền Huynh, chúng tôi tra cứu thêm sách ở Thư viện, tuy chỉ có một số ít ỏi sách liên hệ với đề tài, chúng tôi cũng đã tìm được một số chứng tích của bờ cõi và dân tộc VN cổ xưa, từ đó hiểu rộng ra các giáo lý Cao Đài.

 

Chúng tôi viết bài này nhằm gởi cho thế hệ Cao Đài trẻ hiện nay và mai sau biết về nước mình, dân mình, Đạo mình, để tự thấy có trách nhiệm bảo tồn đất nước,làm rạng danh cho dân tộc, làm cho Đạo được hoằng khai. Thế hệ trẻ mà chúng tôi muốn nói đây là thế hệ trên dưới 30 tuổi, tức là thế hệ sinh tại VN nhưng trưởng thành dưới chế độ Cộng sản, nên đã không được học sử Việt, và thế hệ sinh từ năm 1975 trở về sau ở VN hay ở hải ngoại có thể không biết đến sử Việt. Do đó, nội dung bài này rất chi tiết về sử nước ta.

 

Lời nhắn gửi của chúng tôi đến thế hệ Cao Đài trẻ được mượn trong 4 câu của Tứ Nương Đoàn Thị Điểm trong “Nữ Trung Tùng phận”.

 

            “Vùng Nam Hải, uy linh nhứt quốc,

             Cỏ rẽ hai, chia đất ráp ranh,

            Trời còn roi nước hùng anh,

            Giang sơn là đấy, còn mình ở đâu?”

 

Và Tứ nương còn dạy thêm rằng:

 

            “Con phải nhớ da vàng máu đỏ

            Cõi Nam Châu rỡ rỡ quốc triều”

           

Bây giờ chúng ta tìm hiểu 4 câu thơ nói trên của Tứ nương.

 

Đoạn I: “CỎ RẼ HAI, CHIA ĐẤT RÁP RANH” chính là tinh thần bài học sông Như Nguyệt: NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ.”

 

Tương truyền ở một vùng phân giới Hoa Việt, cỏ tranh tự nhiên mọc ngã về 2 phía, như là một biên giới thiên nhiên giữa 2 nước.

 

Có phải vùng “cỏ rẽ hai” là ở biên giới Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Hoa)?

 

Có thuyết cho rằng ở phía Tây Khâm Châu (nay thuộc Quảng Tây - Trung Quốc) sát biên giới Hoa Việt (Ải Nam Quan - Lạng Sơn - Việt Nam) nơi mà trước kia Mã Viện trồng đồng trụ với lời thề khắc trên đó: “Đồng trụ chết, Giao chỉ diệt”, có một  núi tên là Phân Mao, là giới hạn của nước VN và Tàu (xem Phạm Văn Sơn: Việt Sử Tân Biên Q.1 (VSTB1) . Có phải tại núi Phân Mao này, cỏ tranh mọc rẽ hai, làm ranh giới giữa 2 nước? (Tưởng cũng nên nhắc lại Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu là các châu của nhà Tống đã bị Lý Thường Kiệt mang đại quân chiếm đóng (1075 - 1079),  còn đồng trụ của Mã Viện đặt ở nơi nào không ai biết, có người bảo ở Nghệ an, có  người bảo ở Lâm Ấp, có người bảo ở Quảng Ngãi, Phú Yên, và như vừa nói, đồng trụ ở Tây Khâm Châu v.v.. nên cụ Ưng Hòa Nguyễn Văn Tố cho rằng không nên chép lời thề của Mã Viện vào sử, và sử gia Phạm Văn Sơn cho rằng câu chuyện đồng trụ chỉ là mỹ đàm).

 

Vùng núi Phân Mao là nơi chúng ta nên chú ý. Nếu quả thật ở đó có cỏ tranh mọc rẽ 2 phía như là ranh giới “trời định” giữa 2 nước Hoa Việt, thì điều đó làm chúng ta cần suy nghĩ nhiều về bờ cõi nước Văn Lang ta có phải đúng như ranh giới hiện nay không? Có lẽ chúng ta sẽ có nhiều thắc mắc, nếu lật lại trang sử vào thời Hùng Vương lập quốc trong cuốn “Việt Nam Sử lược” (VNSL) của học giả Trần Trọng Kim. Theo đo,ù Hùng Vương là con trưởng của Lạc Long Quân, và được phong làm Vua nước Văn Lang. Cụ Trần viết: “Văn Lang được chia làm 15 bộ: 1.- Văn Lang (Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên) , 2. Châu Diên (Sơn Tây) 3. Phúc Lộc (Sơn Tây), 4. Tân Hưng (Hưng Hóa – Tuyên Quang). 5. Vũ Định (Thái Nguyên - Cao Bằng) 6. Vũ Ninh (Bắc Ninh) 7. Lục Hải (Lạng Sơn) 8. Ninh Hải (Quảng Yên). 9. Dương Tuyền (Hải Dương) 10. Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình,) 11. Cửu Chân (Thanh Hóa) 12. Hoài Hoan (Nghệ An). 13. Cữu Đức (Hà Tĩnh). 14. Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị). - 15. Bình Văn (?)”. Cái thắc mắc là như vầy:

 

1.      Bờ cõi Văn Lang  chỉ gói gọn trong miền Bắc Việt và Bắc Trung Việt hay sao ? 

2.      Người Việt Nam thuộc giống dân Giao Chỉ, tại sao “Bộ Giao Chỉ” lại bé tí như thế?

3.      Quận Việt Thường có phải là nước Việt Thường trước kia không? Nước Việt Thường tại sao ở tận Quảng Bình, Quảng Trị? Đây là những điều chúng tôi sẽ nêu trở lại ở các đoạn sau. Giải đáp về vùng “cỏ rẽ hai” ở biên giới Hoa Việt như trên xét ra không thỏa đáng.

           

Có phải vùng “cỏ rẽ hai” ở Động Đình Hồ, lưu vực Nam sông Trường Giang?

 

Chúng ta lại có một giải đáp khác về vùng “cỏ rẽ hai” này. Năm Quý sửu (1793) Ngô Thời Nhiệm được vua Quang Trung phái làm Chánh sứ sang Thanh Triều (hộ giá Vua Quang Trung giả sang Bắc Kinh triều kiến vua Càng Long). Trên đường đi đến Bắc Kinh để yết kiến vua Càng Long, ông có ngang qua núi Phân Mao, phía Nam Hồ Động Đình, ông thấy có một tấm biển đề “Phân Mao Lĩnh” (núi Cỏ tranh mọc rẽ 2 bên). Tương truyền đây là chỗ cỏ tranh, một nửa ngã về phía Nam, một nửa ngã về phía Bắc. Ông lại còn ghi lại rằng ở phía Nam Hồ Động Đình (Trung Hoa) có miếu thờ 2 Bà Trưng gọi là miếu Bà Trắc rất linh ứng (xem Cao Thế Dung: “Tự hào là người Việt”). Ngô Thời Nhiệm có làm bài “Yên Đài Thu Vịnh”  như sau:

 

            “Nhất đới thanh sơn Sở, Việt giao,

            Hoàng Mao dịch lộ nhận Phân Mao.

            Thiên thư bất tận Hành Sơn lĩnh.

            Địa khí hoàn phù Nhạn Trạch mao.

            Trưng Trắc kiếm mang khai Động Phủ,

            Úy Đà quế đố lạc sơn sào.

            Phong lai giải uốn Tây Nam lợi,

            Vị hứa Hùng Bi vạn nhân cao.”

           

Dịch nghĩa:

Một giải giang sơn giáp giới Sở, Việt,

            Đường trạm Hoàng Mao nhận thứ cỏ tranh rẽ

            Sách của Trời (nói về ranh giới) không quá núi Hành Sơn.

            (Thế mà) khi đất lại trôi lông chim nhạn về đầm Nhạn Trạch (về phía Nam)

            Lưỡi kiếm Bà Trưng Trắc khai mở ở phủ Động Đình

            Sâu quế của Triệu Úy Đà sa tổ từ núi xuống (ở đó)

            Gió tới giải cơn buồn lợi về phương Tây Nam

            Núi Hùng bi cao cỡ muôn người, chưa cho là cao“

 

(ghi chú: sâu quế: tức con cà cuống - xem Cao Thế Dung: Sđd)

(Ranh giới Sở, Việt: Xem sự thành lập 2 nước Sở, Việt ở những đoạn II (tiểu đoạn 8) câu này ý nói nước Việt giáp ranh Sở tức ở Nam Trường Giang)

 

Qua sự chứng kiến của Ngô Thời Nhiệm và qua bài thơ nói trên, chúng ta thấy rằng “vùng cỏ rẽ hai” chia đôi bờ cõi Hoa Việt ở tận phía Nam Động Đình Hồ của Trung Quốc chớ không phải ở vùng biên giới Lạng Sơn - Quảng Đông. Rồi cũng qua bài thơ đó, chúng ta lại có một thắc mắc khác: Đó là tại sao có miếu thờ Hai Bà Trưng ở phía nam Động Đình Hồ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ Trưng Vương, thì ở Phiên Ngung cũng có đền thờ Hai Bà Trưng. Phiên Ngung theo Từ Nguyên, do Tần Đế đặt ra, thuộc tỉnh Quảng Đông và phủ lỵ Quảng Châu ngày nay, là nơi Triệu Đà đóng đô, sau khi sáp nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải thành một nước Nam Việt (xem Việt Nam Sử Lược (VNSL)).

 

Đến vùng Động Đình Hồ tìm dấu tích Trưng Vương và Việt Tộc.

 

Điểm 1. Gốc tích Việt Tộc ở Động Đình Hồ, lưu vực phía Nam sông Trường Giang (nay là phía Bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) người Việt Nam không ai không biết, nhưng chỉ coi là một huyền sử của dân tộc. Thật ra chính những  huyền sử đó đã gói ghém những huyền lý, từ đó chúng ta định được cõi bờ Văn Lang thời xa xưa. Cũng cần nói thêm Hồ Động Đình ở vùng “Trường Giang thất tỉnh” lưu vực sông Dương Tử (tức Trường Giang) gồm 7 tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang của Trung Quốc. Theo Nhàn Hạc, Viêm Tộc là giống dân đầu tiên tiến vào khai thác vùng Động Đình (xem Nhàn Hạc : Nguồn gốc dân tộc VN – xuất bản tại Sàigòn 1970).

 

Điểm 2: Miếu thờ Hai Bà Trưng  ở phía nam Động Đình hồ, và đền thờ Hai Bà ở Phiên Ngung (Quảng Châu - Trung Quốc) thật ra trong chính sử Việt nam đã có giải đáp. Vì các bậc tiền nhân chúng ta viết sử  thường tham chiếu sử sách Tàu, mà theo chúng tôi sử sách Tàu đã cắt xén, bóp méo sự thật làm mất đi những bản chất tinh hoa của dân tộc Việt với một nền văn hóa rực rỡ sáng chói ở Đông Nam Á Châu. Với tình cảm thua sút Việt tộc nhưng lại tự kiêu, người Tàu coi Việt tộc là Man di mọi rợ! Rồi khi người Âu đến Việt Nam nghiên cứu sửû Việt Nam, cũng tra cứu các sử sách Tàu vốn đã sai sót, lại còn cố tình làm lệch chiều hướng suy xét của độc giả, để họ chỉ nhận thấy nước Việt Nam chỉ là một nước lạc hậu, và dân tộc VN yếu hèn ngu dốt. Do đo,ù khi đối chiếu điểm 2 này với các quyển sử Việt Nam, kể cả cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, ắt hẳn chúng ta sẽ thấy nhiều mâu thuẫn, từ đó, chúng tôi xin nêu 2 hoài nghi của lịch sử.

           

Hoài nghi 1: Cuộc khởi nghĩa và tranh đấu của Hai Bà chống quân Đông Hán xảy ra cùng khắp trong địa bàn Giao Chỉ Bộ hay chỉ ở vùng Bắc Việt?

 

Theo sử, sau khi nhà Tây Hán diệt được nước Nam Việt của nhà Triệu (năm 111 trước TL) cải Nam Việt thành Giao Chỉ Bộ gồm 9 quận:

1.      Nam Hải (Quảng Đông)

2.      Thương Ngô  (Quảng Tây)

3.      Uất Lâm (Quảng Tây)

4.      Hợp Phố  (Quảng Đông)

5.      Giao Chỉ (Bắc Việt và mấy tỉnh ở Bắc Trung Việt)

6.      Cửu Chân      

7.      Nhật Nam      

8.      Châu Nhai (đảo Hải Nam)

9.      Đạm Nhỉ        

Chúng ta đừng lầm lẫn “Giao Chỉ Bộ” và quận Giao Chỉ. Giao Chỉ là 1 quận trong Giao Chỉ Bộ. Đây là dụng ý của nhà Tây Hán để mọi người chỉ hiểu dòng giống Giao Chỉ là như thế đó, cũng giống như đời Pháp thuộc, Trung kỳ được gọi là An Nam.

 

Theo sử, “Tô Định là Thái Thú quận Giao Chỉ tàn ác bạo ngược, người Giao Chỉ oán hận. Năm Canh Tý (40 sau TL) Tô Định giết Thi Sách là chồng của Bà Trưng Trắc. Bà cùng người em là Trưng Nhị khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định chạy về Nam Hải, chẳng bao lâu hai bà hạ được 65 thành (VNSL) rồi tự xưng là vua đóng đô ở Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lảng, Tỉnh Phúc Yên), Năm sau (41 sau TL) vua Hán Quang Vũ sai Mã Viện, Lưu Long và Đoàn Chí sang đánh Hai Bà. Hai Bà thua chạy đến xã Hát Môn thuộc huyện Phúc Lộc (nay là tỉnh Sơn Tây), thế cùng lực tận phải tự tử ở sông Hát Giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng Hà”(VNSL).           

 

Theo sử, địa bàn khởi nghĩa của Hai Bà chỉ trong vùng Trung du và Hạ du Bắc Việt, và sau đó Hai Bà giao chiến với quân Đông Hán cũng ở vùng đó. Tại sao sử nói Hai Bà chiếm được 65 thành, tức 9 quận Giao Chỉ Bộ? Như vậy,sẽ không đúng nếu chúng ta xét thấy Hai Bà nổi lên đánh đuổi Tô Định, mà Tô Định chỉ là một Thái Thú cai trị Quận Giao Chỉ, chớ không phải cai trị cả Giao Chỉ Bộ. Thứ sử mới coi cả Giao Chỉ Bộ, như năm Kiến Võ thứ 5 đời Hán Quang Vũ (29 năm sau TL) Đặng Nhượng làm Thứ Sử Giao Chỉ (?). Sử lẫn lộn Giao Chỉ và Giao Chỉ Bộ nên chúng ta nên hiểu Thứ Sử Giao Chỉ  tức là Giao Chỉ Bộ. Thời gian khôi phục lại 65 thành quá ngắn (vài tháng) là điều đáng nghi ngờ. “Khâm định Việt sử tiền biên” dẫn Tiền Hán địa lý, chỉ nói rằng trong đời Tiền Hán (206 trước TL đến 24 sau TL) nước Nam Việt chia làm 9 quận: 2 quận ở bể, 7 quận ở đất liền. Tất cả 7 quận có 56 huyện hoặc thành chớ không phải 65 thành. Theo Ngô Thời Sỉ và sau này Trúc Khê trong quyển “Cuộc Nam Tiến của dân tộc VN” có nói rằng Nam Việt có 56 thành như sau: Nam Hải (7) Thương Ngô (11) Uất Lâm (11) Hợp Phố (5) Giao Chỉ (12) Cữu Chân (5) Nhật Nam (5), (xem VSTB - Q1). Sử gia Phạm Văn Sơn (sđd), đo đó, nhận định rằng Hai Bà chỉ thu được đất đai từ Bắc Việt đến Thanh Nghệ ngày nay, tức là 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, gồm 22 thành (một thành tức 1 huyện). Điều này phù hợp với thời gian quá ngắn mà Hai bà khôi phục được các thành đó.

 

Tuy nhiên, mặt khác, theo sử, khi Hai Bà khởi nghĩa, các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cũng nổi lên về với Hai Bà (VNSL). Hợp Phố chính là một phần tỉnh Quảng Đông ngày nay. Tô Định chạy về Nam Hải, tức một phần tỉnh Quảng Đông, có lẽ Hai Bà đã truy đuổi y ra khỏi Giao Chỉ Bộ. Vậy trận chiến có lẽ nào chỉ trong vùng Bắc Việt  hay sao? Ngoài ra, theo sử, từ Hán Vũ Đế đến hết đời nhà Tây Hán không thấy Sử Tàu nói gì đến Giao Chỉ. Mãi đến năm Kiến Võ thứ 5 đời Hán Quang Vũ (29 sau TL) mới thấy Sử ghi Thứ Sử Giao Chỉ là Đặng Nhượng sai sứ về cống nhà Hán. Lý do là Đặng Nhượng (Thứ  Sử) Tích Quang (Thái Thú quận Giao Chỉ) Nhâm Diên (Thái Thú quận Cửu Chân), không phục Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán (VNSL). Năm năm sau (năm Kiến Võ thứ 10 Hán Quang Vũ, 34 năm sau TL), Tô Định được bổ làm Thái Thú quận Giao Chỉ, có lẽ thay Tích Quang. Không thấy sử Tàu nói đến ai làm Thứ Sử Giao Chỉ (túc Giao Chỉ Bộ), và ai làm Thái Thú các quận khác. Có thể Tô Định coi luôn Giao Chỉ Bộ không? Rõ ràng sử lầm lẫn Giao Chỉ và Giao Chỉ Bộ. Theo chúng tôi, sự tái liên lạc giữa Giao Chỉ (tức Giao Chỉ Bộ) với Tây Hán chỉ mới được 5 năm (Kiến Võ 5 đến Kiến Võ 10), vua Hán Quang Vũ mới dẹp xong Vương Mãng, chưa kịp tổ chức lại bộ máy cai trị Giao Chỉ Bộ, nên bổ nhiệm Tô Định làm Thái Thú Giao Chỉ có thể cũng là coi luôn cả Giao Chỉ Bộ. Có thể vì Hán Quang Vũ chưa ổn định tình hình Giao Chỉ Bộ nên nhân có cơ hội Hai Bà khởi nghĩa, toàn bộ Việt tộc ở 9 quận  Giao Chỉ Bộ nhất tề nổi dậy, kể cả Trường Sa mong khôi phục lại bờ cõi xưa của Việt tộc. Đây là cuộc tổng khởi nghĩa, nên chỉ trong thời gian ngắn là thành công.

 

Do đó, cuộc giao chiến giữa quân Hai Bà và Mã Viện ở cùng khắp Giao Chỉ Bộ, và có thể lan rộng lên cả quận Trường Sa thuộc Hồ Nam Trung quốc, phía nam Đông Đình Hồ.

 

Hoài nghi 2: qua các công trình nghiên cứu vào thập niên 80, bác sĩ Trần Đại Sỹ chứng minh quân Hai Bà có giao chiến với quân Đông Hán, do Lưu Long và Mã Viện chỉ huy, ở quận Trường Sa, thủ phủ Tỉnh Hồ Nam hiện nay, về phía Nam Hồ Động Đình.

 

Một vị bác sĩ người Việt Nam, vào năm 1978-79, đã dẫn một phái đoàn Y khoa từ Pháp sang Trung Quốc  nghiên cứu các tỉnh cực Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. Ông khám phá được nhiều dấu vết của Việt Tộc ở các vùng này mà từ xưa chưa ai công nhận, hoặc chỉ biết lờ mờ, hoặc cho là những chuyện huyền sử. Vào dịp khai giảng niên khóa 1992-93 tại Viện Pháp Á (Institut Franco-Asiatique), ông có đọc một bài diễn văn về nguồn gốc Tộc Việt vào ngày 10-10-92, nguyên văn bằng Pháp ngữ. Bài này được dịch sang Việt ngữ và có đăng ở báo Văn Nghệ Tiền Phong số 471 ngày 15-9-95, với bút hiệu Trần Đại Sỹ. Chúng tôi không biết quý danh của vị bác sĩ này nên xin mạn phép gọi là bác sĩ Trần. Tựa của bài là: “Từ Triết học đến huyền thoại về Nguồn gốc Tộc Việt.”

 

Các tỉnh Nam Trung Hoa thờ Vua Bà và các tướng của Hai Bà Trưng.

 

Ông ghi lại rằng ở khắp các tỉnh cực nam Trung Quốc nói trên, không ít thì nhiều người có đạo thờ Vua Bà, mà theo ông đó là Vua Trưng. Ông không tìm được tiểu sử vua Bà ra sao, nhưng cán bộ ở các địa phương đó luôn luôn đề cao Vua Bà. mà họ cũng chỉ biết là lờ mờ là Vua Bà nổi lên chống tham nhũng. Khắp 4 tỉnh, ông ghi nhận được hơn trăm đền, miếu thờ những tướng lãnh cũ của Vua Bà. Nhờ được sự giới thiệu từ Hội Nghiên Cứu ở Pháp, Bác sĩ Trần được tiếp đón nồng nhiệt của địa phương. Tại Hồ Nam, ông thấy nhiều di tích về đạo thờ Vua Bà. Tại Thư viện Bảo tồn di tích cổ, ông tìm thấy một cuốn phổ rất cổ, soạn vào thế kỷ thứ 8, ghi chép sự tích Nữ Vương Phật Nguyệt. Sự tích kể: “Ngày xưa có 2 công chúa ở Thiên đình sơ ý làm vở chén ngọc, phải đầu thai xuống thế vào nhà họ Trưng, tức Trưng Trắc và Trưng Nhị. Khi Trưng Trắc Trưng Nhị khởi nghĩa, có 162 anh hùng các nơi hưởng ứng vốn là 162 vị tiên ở Thượng giới. Chỉ trong một tháng Hai Bà chiếm hết 6 quận ở phía Nam sông Trường Giang: Cửu Chân, Nhật Nam, Giao Chỉ, Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải. Hai Bà lên làm vua. Mã Viện và Lưu Long được phái sang đánh quân Hai Bà, nhưng vua Bà sai Nữ Vương Phật Nguyệt, Tổng Trấn Hồ Động Đình, đánh bại. Nữ Vương Phật Nguyệt phép tắc vô vùng, quân tướng nhà Đông Hán đánh không lại, xác chết lấp  sông Trường Giang, Hồ Động Đình. Oán khí tận trời, Ngọc Hoàng Thượng Đế sai Thiên Binh Thiên Tướng xuống đánh cũng không lại, nên phải cầu cứu Phật Như Lai. Đức Phật sai 18 vị Kim Cương, 3000 La Hán trợ chiến cũng bị bại. Cuối cùng Đức Quan Âm Bồ Tát tham chiến, đấu phép với Nữ Vương Phật Nguyệt 3 ngày 3 đêm bất phân thắng bại. Sau Đức Phật Quan Âm thuyết pháp, Nữ Vương Phật Nguyệt giác ngộ bỏ đi tu”. Câu chuyện đầy vẻ hoang đường, nhưng đã giải thích về cái huyền lý ở đạo thờ Vua Bà ở 5 tỉnh phía Nam Trung Quốc. Phật Nguyệt đã được thần thoại hóa, thực ra là một Nữ tướng tài ba của Hai Bà.

 

Ông cũng tìm được một cuốn Phổ khác chép vào thời Nguyên nói rằng: Các sứ thần Lý, Trần, Lê khi ngang qua ghềnh Thẩm Giang đều đến cúng miếu thờ Trần Thiếu Lan, nữ tướng của Hai Bà. Tương truyền khi Bà Trưng Nhị cùng các Tướng Trần Năng, Hồ Đề, Phật Nguyệt, Lại Thế Cường đánh Trường Sa vào năm 39 sau TL, thì nữ tướng Trần Thiếu Lan tử trận được chôn ở ghềnh Thẩm Giang. Thẩm Giang chính là đoạn sông ngắn tiếp nối với Hồ Động Đình (xem: Trần Đại Sĩ: Động Đình hồ ngoại sử do Nam Á Paris xuất bản 1990). Năm 1980, ông trở lại vùng này, được sở du lịch Trường Sa cung cấp một tài liệu ghi rằng: Miếu thờ liệt nữ Trần Thiếu Lan ở đầu sông Tương. Hồi cách mạng văn hóa miếu bị phá hủy, tượng đồng bị nấu ra, Vệ binh đỏ phá luôn bia đá.

 

Ông cũng tìm được tại Thư viện Hồ Nam một tài liệu rất cũ, giấy hoen ố, chữ viết tay rất đẹp. gồm 60 trang, đầu đề ghi “Thiên đài di sư lục. Trịnh Quán, tiến sĩ Chu Minh Văn soạn” Trịnh Quán là niên hiệu vua Đường Thái Tôn, từ năm 627  tới năm 647. Tài liệu của Chu Minh Văn cũng nhắc lại việc vua Đế Minh đi tuần thú phương nam kết hôn với nàng Tiên sanh ra Lộc Tục. Vua lập đài tại núi đó tế cáo Trời đất. Đài đó gọi là Thiên Đài, và núi đó cũng có tên núi Thiên Đài. Chu Minh Văn cũng có ghi chuyện một tướng của Vua Bà là Đoàn Hiển Hiệu được lệnh rút khỏi Trường Sa, Hồ Động Đình. Nữ tướng Hoàng Thiều Hoa chỉ huy cuộc rút quân đó, đã sai Đoàn Hiển Hiệu đi cản hậu, đóng nút chặn ở Thiên Đài và quyết tử chiến tại đó, làm cho Lưu Long thiệt hàng vạn người mới chiếm được núi. Theo Chu Minh Văn, về đời Đường, để xóa dấu tích Việt, Hoa, Nam, Bắc, các quan sai sang đô hộ Lĩnh Nam mới cho xây 1 ngôi chùa tại đây. Ngoài cổng chùa có ghi nhiều câu đối, bác sĩ Trần có ghi lại, xin kể 2 câu như sau:

           

1. Câu đối khắc vào đá:

            “Thiên đài đại đại phân Nam, Bắc

            Lĩnh địa niên niên dữ Việt Thường.”

            Nghĩa là:

            (Từ sau vụ tế cáo tại đây) Thiên Đài biết bao thời phân ra Nam, Bắc

            (Núi Ngũ Lĩnh) năm này qua năm khác với giồng giống Việt Thường.

           

2. Câu đối ở miếu thờ Tướng Đoàn Hiển Hiệu:

            “Nhất kiếm Nam Hồ, kinh Vũ Đế

            Thiên đao Bắc Lĩnh, trấn Lưu Long.”

            Nghĩa là:

            Một kiếm đánh trận ở phía Nam Hồ Động Đình làm kinh tâm vua Vũ Đế (Hán Quang Vũ)

            Một nghìn đao phủ ở Bắc núi Ngũ Lĩnh trấn Lưu Long.

 

Hai Nữ Tướng của vua Trưng là 2 vị Tiên nương trong Cữu Nương.

 

Chúng ta thử đối chiếu ghi nhận của bác sĩ Trần, với sử Việt Nam và giáo lý Cao Đài đê làm  nổi bật 2 vị nữ tướng tài ba nhất của Hai Ba,ø chính là 2 vị Tiên nương trong Cữu Nương của Đạo Cao Đài. Đó là Nữ tướng Hồ Đề (tức 1 kiếp của Bát Nương) và Nữ tướng Hoàng Thiều Hoa (tức một kiếp của Nhứt Nương). Bác sĩ Trần không nói về đạo Cao Đài nhưng công trình nghiên cứu của ông lại làm sáng tỏ giáo lý Cao Đài.

           

Về Nhứt Nương Hoàng Thiều Hoa: Những quyển sử trước kia không thấy nói đến tên Bà Hoàng Thiều Hoa, nhưng có nói đến một nữ tướng tài ba là Thánh Thiên Công Chúa (không biết tên gì). Theo sử, Bà đem quân giao chiến ba, bốn trận giết được hơn 1000 quân giặc, quân Đông Hán phải lui về Bắc giang, Mã Viện phải dâng biểu về xin cứu viện. Trưng Vương sai Bà lên chống Mã Viện ở Tuyên Quang, Cao Bằng. Bị lầm kế của Mã Viện  “điệu hổ ly sơn” dụ Bà rời xa Trưng Vương  để thừa cơ đánh úp Trung Châu, Bà vội đem quân trở về cứu Trưng Vương, gặp bại binh Trưng Vương  ở thành Ái Châu, huyện Thạch Đầu, tỉnh Thiện Thiên. Bà dàn quân ra cự địch (xem VSTB-Q1). Theo tài liệu của Đạo Cao Đài, bà Hoàng Thiều Hoa là nữ tướng của Trưng Vương được Hai Bà phong là Đông Cung Công Chúa và được dân tôn thờ ở chùa Phúc Khánh và Miếu thờ ở xã Song Quang (nay là tỉnh Vĩnh Phú). Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Nhứt Nương Hoàng Thiều Hoa có  nhiệm vụ Phổ Độ nhơn sanh vùng thượng du và trung du Bắc Việt (xem Trần Văn Rang: Công đức Đức Phật Mẫu). Theo Bác sĩ Trần thì bà Hoàng Thiều Hoa chỉ huy đánh ở Trường Sa (Hồ Nam – Trung Hoa).         Chúng tôi suy ra Thánh Thiên Công chúa trong sử Việt, chính là Đông Cung Công Chúa, tức là bà Hoàng Thiều Hoa trong giáo lý Cao Đài.

 

Về Bát Nương Hồ Đề : Kiếp trước của bà là Hớn Liên Bạch. Bà giáng sinh trong một kiếp làm nữ tướng cho Hai Bà với tên Hồ Đề. Bà Hồ Đề sức khỏe hơn người, bắt được ngựa dữ lúc còn ít tuổi, sau bắt được voi trắng, nên dân 72 động tôn bà là “Vua Thiên Sứ”, coi Bà là Tiên Nữ giáng trần. Nhiều hào kiệt đến xin theo Bà. Bà cầm cờ xanh (màu tiên), cỡi voi trắng, cùng 2000 nghĩa binh đến Mê Linh hội quân với hai Bà, được phong Phó soái, ngang bà Trưng Nhị, ra trận nào thắng trận đó, có lần đuổi Mã Viện chạy dài ở Cao Bằng. Sau khi Hai Bà tử tiết, bà Hồ Đề một mình chống giặc, mở đường chạy tới bờ sông Nguyệt Đức, Bà hét to một tiếng, nước rẽ làm đôi đón cả người lẫn voi. Tương truyền Bà về cõi Trời. (xem Trần Văn Rạng: Công Đức Đức Phật Mẫu). Có phải bà Hồ Đề được thần thánh hóa thành Nữ Vương Phật Nguyệt theo tài liệu mà Bác sĩ Trần đã đọc được ở thư viện bảo tồn di tích cổ ở Hồ Nam (Trung Quốc)? Chúng tôi thấy tung tích của Nữ Vương Phật Nguyệt có phần giống với Nữ tướng Hồ Đề (được dân 72 dộng tôn làm Vua Thiên Sứ), nên theo chúng tôi Hồ Đề và Phật Nguyệt là một, tuy Bác sĩ Trần kể ra là 2 người.

 

Bát nương có 1 kiếp là Bà Hồ Đề, nữ tướng của vua Trưng, nên khi giáng cơ, Bà thường biểu lộ hào khí của một anh thư và tấm lòng yêu nước thương nòi, thường hoài vọng bờ cõi xa xưa của Việt Tộc ở tận Động Đình Hồ và xứ Việt Thường. Bà mơ đến ngày phục hưng đất nước, theo đó, Bà cho biết tương lai rực rỡ của Việt Nam.

 

            “Nhẹ bước nhàn du để vẽ hồng,

            Xắn tay nước Việt dậm non sông.

            Châu về đất Bắc đời Kim khuyết

            Ngọc rạng thành Nam chuộc ải đồng.

            Mở lối Đài Vân mời trí sĩ,

            Dọn đàng Hồng Lạc dắt anh phong.

            Động đào vui thú nơi chiều ngắm,

            Hỏi khách tao nhân có mặn nồng’

                                               *

            “Đào nguyên lại trổ trái hai lần,

            Ai ngỡ Việt Thường đã thấy lân.

            Cung đẩu vít xa gươm xích quỷ,

            Thiềm cung  mở rộng cửa Hà ngân.

            Xuân Thu định vững ngôi lương tể,

            Phất chủ quét tan lũ nịnh thần.

            Thổi khí vĩnh sanh lau xã tắc,

            Mở đường quốc thể định phong vân.”

                                               *

            “Chờ về vắng bặt tiết thu qua,

            Tiếng nhạn kêu sầu tiếng thiết tha.

            Vườn trước ngơ trông cây liễu rũ,

            Non xưa chạnh nhớ bóng trăng tà”

                                               *

            “Hỡi nào kẻ lo lường nghiệp Đạo,

            Hỡi những tay nóng máu anh phong,

            Ngôi Thiên để dựa bóng hồng,

            Phục hưng gầy nghiệp con Rồng cháu Tiên”

                                               *

            “Động đình chạnh lúc tạm chia đường,

            Bốn giọt nhìn nhau lối rẽ cương,

            Trời thảm mây giăng muôn cụm ủ,

            Biển sầu nước nhuộm một màu thương.”

 

Bài này do Bà cảm tác bài “Tiễn biệt tình lang” của chính Bà đã giáng cơ cho Đức Thượng Sanh khi Ngài ra đề là “Tiễn biệt tình lang”. Dù nói lên cảnh chia ly người tình, (biết đâu đó cũng là hoàn cảnh của Bà vì quốc gia dân tộc Bà phải xa lìa tình lang), Bà cũng  nói lên nỗi sầu của đất nước ở Động Đình Hồ xa xưa.

 

Kết luận đoạn I: Những hoài nghi của lịch sử đang chờ thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Cao Đài xác định.

 

Động Đình Hồ ranh giới bờ cõi Việt Tộc cổ xưa. Là dân Việt Nam, ai cũng ghi trong lòng bờ cõi xa xưa của ông cha ở mãi tận Hồ Động Đình, lưu vực phía nam sông Trường Giang Trung Quốc, tức phía Bắc tỉnh Hồ Nam ngày nay. Ý tưởng đó khắc sâu vào tâm khảm người dân Việt từ ngàn xưa thể hiện qua bài hát ru con, ngọt ngào nhưng kiêu hãnh, như nhắn nhủ thế hệ mai hậu nhớ lại nguồn gốc của mình:

 

            “Gió Động Đình mẹ ru con ngủ,

            Sông Tiền Đường ấp ủ năm canh,

            Tiết trời thu lạnh lành lanh.

            Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông.

            Bổng bồng bông, bổng bồng bông.

            Võng đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên.”

 

Hồ Động Đình vốn là cương thổ Viêm tộc nơi xuất phát nền văn minh nông nghiệp đầu tiên ở Á Châu trong vùng Trường Giang thất tỉnh mênh mông (xem: Cao Thế Dung: Tự hào là  người Việt). Hồ Động Đình chính là cái nôi của Việt tộc.

 

Cỏ rẽ hai chia đất ráp ranh” chính là ở vùng Động Đình này. Câu này của Tứ Nương Đoàn Thị Điểm tuy nhẹ nhàng nhưng thể hiện hào khí của Việt Tộc giống như bài hịch sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt:

 

            “Nam quốc Sơn hà Nam Đế cư,

            Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

            Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

            Nhử đẳng hành khan thủ bại thư.”

 

Thánh Giáo Cao Đài nói nhiều đến Động Đình Hồ.

 

Đức Lý Giáo Tông có giáng cơ cho 4 câu thi khoán thủ: “Động Đình Hồ Đại Tiên Trưởng” như sau:

           

ĐỘNG lòng thương xót buổi đời nguy,

             ĐÌNH hội Phật Tiên đã mấy kỳ.

             HỒ điệp mê man chưa tỉnh thức,

             ĐẠI TIÊN TRƯỞNG giáng hoát vô vi.”

            (Đại Thừa Chơn Giáo)

           

            Đức Chí Tôn cũng dạy:

            “ĐỘNG ĐÌNH trở gót lại ngôi xưa,

            Tuổi ấy quy y nhắm đã vừa.”

            (TNHT)

           

Đức Lý tự xưng Động Đình Hồ Đại Tiên Trưởng, còn Đức Chí Tôn dạy trở về ngôi xưa ở Động Đình. “Động Đình” có ý nghĩa ẩn dụ là gì?

 

Lật lại  Đạo sử, lúc mấy vị Tiền khai mua đất để xây cất Tòa Thánh, Đức Lý Giáo Tông đã giáng cơ ngày 24/2/27 dạy quý vị đó cứ đi dài theo đường tới ngã ba Ao hồ (gọi là “đường dây thép” tức đường Mít Một) để mua đất, và đã giải rõ tại sao đất đó là Thánh Địa: “Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh Địa: sâu hơn 300 thước như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn làm như 6 con rồng doanh nhau. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi gọi là “Lục Long phò ấn”, ngay miếng đất đó đặng 3 đầu, một đầu ra giếng mạch Ao hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia...” Hôm sau, 25/2/27, Đức Lý giảng tiếp về cuộc đất nói trên và nhắc lại: “Phải mua khoảnh đất Bàu Cà Na làm Động Đình Hồ, nghe à!” (xem Đạo Sử của Tiền Khai Hương Hiếu).

           

Lấy Bàu Cà Na làm Động Đình Hồ, mà Động Đình Hồ là nôi của Việt Tộc, có phải TTTN sẽ tượng trưng cho cái nôi của Việt Tộc sau này không? Có phải Tòa Thánh TN là Bạch Ngọc Kinh tại thế, trở về ĐĐH là trở về BNK tại thế, tức mục tiêu để trở về với Đức Chí Tôn? Rồi đây thế giới sẽ hướng về TTTN, biểu thị ở hình ảnh ĐĐH, cái nôi của Việt Tộc, có phải nói lên ý nghĩa:            

“Nam phong nhử nhựt biến nhơn phong”?

Những ghi chép của Ngô Thời Nhiệm trước kia và của bác sĩ Trần hiện nay, căn cứ vào sự nghiên cứu tại chỗ và các tài liệu và chứng tích cụ the,å là những điều xác tín. Thế hệ trẻ cần làm sáng tỏ hơn nữa để xác định bờ cõi Văn Lang ta. Không phải bỗng nhiên vùng Động Đình Hồ lại thờ Vua Trưng, không phải bỗng nhiên vùng Hồ Nam, Trường Sa, Quảng Châu tôn thờ Hai Bà và các nữ tướng của Hai Bà mà không có dấu ấn gì khắc sâu trong lòng họ. Điều khẳng định mà chúng tôi muốn nói với thế hệ trẻ Cao Đài, là các sử sách Tàu sửa lại lịch sử của dân tộc ta để xóa đi cái văn hóa rực rỡ của ta mà chính họ đã bắt chước (sẽ giải thích ở đoạn sau) để mọi người coi Việt tộc man di mọi rợ, rồi đến các nhà nghiên cứu Âu Châu khi nghiên cứu dân tộc ta, một phần lại căn cứ vào cái méo mó của sử Tàu, một phần cố tình viết sai về nguồn gốc dân tộc ta (sẽ nói ở đoạn sau) để mọi người  hiểu dân tộc ta nhỏ nhoi lạc hậu. Vậy nhiệm vụ của thế hệ trẻ là đọc lại lịch sử Việt Nam, đặt lại một cái nhìn mới về đất nước mình dân tộc mình, tìm tòi những cái đã bị sử Tàu cố tình khuất lấp, đính chánh những gì các nhà nghiên cứu Âu Châu hiểu sai hoặc cố tình làm cho người khác hiểu sai, để làm sáng tổ những nét rực rỡ của văn hóa Lạc Việt từ cổ xưa và nói cho thế giới biết đất nước ta thực sự là ở đâu?

 

Đức Chí Tôn mở mối Đạo tại Việt Nam, chọn dân tộc Việt Nam làm mẫu mực tức đã lấy văn hóa Việt Nam làm nền tảng, từ đó loan truyền khắp cả nhơn loại, như câu “Nam phong thử nhựt biến nhơn phong” trong giáo lý Cao Đài, chúng ta phải hãnh diện vì điều đó và phải biết tại sao chúng ta hãnh diện. Thế hệ trẻ  Cao Đài phải có trách nhiệm đó.

 

Thánh giáo Cao Đài về bờ cõi Việt tộc.

 

1.         “Trước quốc chánh chia hai tộc chủng

            Núi Hoành Sơn định phỏng biên cương

            Bắc Nam hiệp tổ Hùng Vương,

            Xúm nhau nâng nổi miếu đường Việt Nam.”

(Tứ Nương Đoàn Thị Điểm giáng cơ trong “Nữ Trung Tùng Phận”)

 Núi Hoành Sơn ở tỉnh Quảng Bình, Trung Việt. Tác giả Kim Hương giải thích núi Hoành Sơn ở câu “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (”Nữ Trung Tùng Phận” chú giải). Tôi không nghĩ núi Hoành Sơn theo nghĩa đó, vì núi Hoành Sơn đâu có chia hai tộc chủng. Vậy theo tôi núi Hoành Sơn có ý nghĩa là núi Ngũ Lĩnh. Theo BS Trần (tài liệu đã dẫn), Ngũ Lĩnh có thật và ông đã đi đến tận nơi đó quan sát. Vua Đế Minh phân lĩnh đưa Bắc Ngũ Lỉnh thuộc Đế Nghi (sau bị Hán tộc chiếm), Nam Ngũ Lĩnh thuộc Lộc Tục (thực ra Hồ Động Đình cách phía bắc núi Ngũ Lĩnh mấy trăm cây số). Theo ông, vua Đế Minh tế cáo Trời đất trên núi Quế Dương (thuộc núi Ngũ lĩnh) phân chia lãnh thổ Tàu – Việt cổ xưa. Bản cáo tế đó gọi là Thiên đài.

2.    Cung đẩu vít xa gươm xích quỷ

Thiềm cung mở rộng cửa Hà ngân”

(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

Gươm Xích Quỷ: Gươm trí huệ của người Xích quỷ, câu đầu có nghĩa là Ngọc Hư Cung (cung đẩu tức Cung Đẩu Tốt, nơi ngự của Đức Thái Thượng Lão Quân) đưa xa trí huệ bác nhã của dân Việt Nam.

 

Thiềm cung: Cung Trăng, ý nói Diêu Trì Cung, vì Diêu Trì Cung là nơi tổ chức Hội Yến Diêu Trì. Dự Hội Yến Diêu Trì có huyền ý là đắc đạo Tiên. Cung Diêu Trì ở tầng thứ 9 là Tạo Hóa Thiên; ở đó chơn thần và thần hườn hư, hiệp một, rồi mới được lên tầng Hư Vô Thiên (cõi Phật). Muốn vào tầng Hư Vô Thiên phải qua sông Ngân Hà (Chèo thuyền bác nhã, ngân hà độ sanh). Câu 2 có nghĩa là Cung Diêu Trì mở rộng cửa đón tiếp người đắc đạo qua sông Ngân Hà.

 

3.  “Dài đường chớ ngán con kỳ ký,

Ngược gió đừng nao sức Hộc hồng” (TNHT)

            và

Quanh đường chớ cậy chơn kỳ ký,

 Ngược gió tài chi sức Hộc Hồng” (TNHT)

Kỳ Ký: tên con ngựa chạy rất hay, ngày chạy được ngàn dậm, còn gọi là Thiên Lý mã.          

Chiến quốc sách :

 

            “Kỳ ký thịnh tráng chi thời, nhất nhật nhi tri thiên lý.”

Nghĩa là:

            Ngựa kỳ, ngựa ký lúc đang mạnh khỏe, một ngày chạy được ngàn dậm .

            Kỳ ký có nghĩa bóng là: người có tài giỏi vượt bực (trích Cao Đài Tự Điển)

 

Hộc hồng:       Hồng có nghĩa là lớn, mà cũng có nghĩa là chim Hồng. Hồng là ngỗng trời, Hộc là ngan trời, nên cả 2 cũng còn được gọi là Thiên Nga, hàm ý nó bay cao đến tận trời xanh. Ở vùng Dương Tử giang người ta gọi chim Hồng là Đế giang có nghĩa là vua sông Dương Tử. Sông Dương Tử cổ xưa thuộc cõi bờ Việt tộc. Sử chép dòng họ đầu tiên ngự trị giống Lạc Việt là “Hồng Bàng Thị”. Thị không có nghĩa là họ mà là bộ tộc hay thị tộc. Hồng Bàng Thị là thị tộc do Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân lãnh đạo. Kinh Dương Vương dùng hình ảnh chim Hồng để nói về thị tộc của mình. Chim Hồng ở lưu vực sông Trường Giang, biểu thị ý chí bay tận trời xanh, mà cũng nói lên vùng Trường Giang là quê hương Việt Tộc.

 

            Hồng: Vừa giải thích như trên, biểu hiệu Tiên.

            Bàng: Có nghĩa là rộng lớn, có người còn giải thích chữ  Bàng còn được đọc là “Bàn” là giống Bàn Long tức rồng quì. Vậy Bàng chỉ rồng.

 

Hồng Bàng nói lên giống Rồng Tiên. Nên hiểu nghĩa Kinh Dương Vương là vua đất Kinh đất Dương. Đất Kinh sau này là nước Sở còn được gọi là Kinh Sở, Tàu khinh miệt gọi là Kinh Man. Ở đó rừng rú rậm rạp có nhiều xà long. Có lẻ vì thế mà Kinh Dương Vương ghép Hồng với Bàng (Bàn) để gọi tên bộ tộc mình vừa biểu thị sức mạnh (rồng) vừa biểu thị sự to lớn và ý chí bay tới trời xanh (Hồng). Hồng Hộc nghĩa bóng là mạnh dạn.

 

Trong Kinh Đệ Lục Cữu có câu: “Minh Vương Khổng Tước cao bay. Đem chơn thần tới tận Đài Huệ Hương”, theo chúng tôi, Minh Vương tức là chim Hồng, vì như trên đã nói, chim Hồng là vua sông Dương Tử, tức Đế giang. Còn Khổng tước là con chim trĩ, nói văn chương, là con Phụng (sẽ nói rõ trong tiểu đoạn nói về Việt Thường).

 

Bây giờ chúng tôi xin mời quý độc giả cùng hành trình về nguồn dân tộc để xác minh bờ cõi Văn Lang cổ xưa và nhận chân những nét độc đáo tuyệt vời của giống nòi Lạc Việt.

 

ĐOẠN II: “VÙNG NAM HẢI UY LINH NHỨT QUỐC” HAY LÀ “VỀ NGUỒN DÂN TỘC ĐỂ XÁC ĐỊNH BỜ CÕI VĂN LANG.”

 

Núi Ngũ Lĩnh phân bờ chia cõi. Sử chép: “Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Linh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra Lộc Tục. Sau, Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi Xích Quỷ bấy giờ: Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), Đông giáp biển Nam Hải.” (Việt Nam Sử Lược).

           

Theo một tài liệu khác (BS Trần: Nguồn gốc Tộc Việt), thì triều đại Thần Nông bắt đầu từ năm 3118 trước TL (Thần Nông của Viêm Tộc). Theo các bộ sách Đại Việt sử ký, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, An Nam chí lược, Việt Sử lược, cũng ghi như trong Việt Nam Sử Lược, và có đoạn nói rằng Đế Minh dạy Đế Nghi và Lộc Tục lấy núi Ngũ Lĩnh làm cương giới, 2 người làm vua 2 nước lấy điều hiếu hòa mà ở với nhau, tuyệt đối không được xâm chiếm lẫn nhau.

           

Ở phía Bắc Ngũ Lĩnh, các triều vua lần lượt cai trị như Vua Nghi (2889-2884 trước TL), Vua Lai (2843-2894 trước TL), Vua Ly (2795-2751 trước TL), Vua Du Võng (2752-2696 trước TL). Đến đây triều đại Thần Nông phía Bắc chấm dút, và triều đại Hiên Viên Hoàng Đế bắt đầu sau khi Hoàng Đế thắng vua Du Võng (2697 trước  TL). Người Trung hoa coi Hoàng Đế là Quốc Tổ, và coi Phục Hi-Thần Nông Hoàng Đế là Tam Đại Đế.

           

Ở phía Nam Ngũ Lĩnh, Lộc Tục lên làm vua Xích Quỷ năm 2879 trước TL, hiệu là Kinh Dương Vương, rồi lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm nối ngôi tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra 100 trứng, nở 100 con. Theo bác sĩ Trần thì Lạc Long Quân đổi tên nước là Văn Lang, Bắc tới Hồ Động Đình, Nam tới Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp Đông Hải. (Trần Đại Sỹ: tài liệu đã dẫn).

 

Về cánh đồng Tương tìm mẹ Âu Cơ. Núi Ngũ Lĩnh ở phía Nam và cách Động Đình Hồ hàng mấy trăm cây số. Động Đình Hồ ở phía Nam lưu vực sông Trường Giang. Ngũ Lĩnh theo truyền thuyết là nơi xưa kia vua Đế Minh tế cáo trời đất phân chia cương giới giữa Đế Nghi và Lộc Tục. Đàn cáo tế đó trên dãy núi Quế Dương thuộc Ngũ Lĩnh, trên một ngọn núi gọi là Thiên Đài, ông có đến tận núi Thiên Đài, thật ra đó là 1 ngọn đồi cao 179m, đỉnh tròn, trên đó có một ngôi chùa bỏ hoang. Núi Thiên Đài này ở bên bờ sông Tương. Cánh đồng Tương theo huyền sử là nơi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ là một địa điểm có thật ở lưu vực Tương Giang này. Hồ Động Đình ở phía nam Tương Giang và cũng phía nam Trường Giang. Phía Bắc Trường Giang là tỉnh Hồ Bắc ngày nay, xưa là Kinh Châu còn phía nam Trường Giang là tỉnh Hồ Nam ngày nay. Hồ Động Đình ở tỉnh Hồ Nam, mà thủ phủ là Trường Sa. Trên lộ trình bằng thuyền từ Hồ Động Đình xuống phía Nam, ông thấy một nhánh sông Âu giang, ông cũng thấy trên sông Tương và hai bên bờ chim Âu bay lượn khắp nơi. Ông xuôi dòng tới Trường Sa, Tương Đầm, Chu Châu, Hành Dương, Quế Dương, tìm gặp cánh đồng Tương không khó. Ngày nay cánh đồng Tương là khu tứ giác: Tương Giang, Nguyên Giang, Liên Thủy, Thạch Khê Thủy. Ông đề nghị ghi núi Ngũ Lĩnh, cánh đồng Tương, Âu Cơ vào chính sử Việt Nam.

           

Người Việt Nam tự hào có 4000 năm văn hiến là kể từ năm 2879 trước TL lúc Vua Kinh Dương Vương lên ngôi, và tự hào là con Rồng cháu tiên là do tích Lạc Long Quân (Rồng) và Âu Cơ (Tiên ). Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia nhau mỗi người mang 50 con: 50 theo cha xuống Nam Hải, 50 theo mẹ lên núi. Truyền thuyết này nói lên ý nghĩa nước Xích Quỷ chia ra nhiều nước gọi là Bách  Việt. Rồi Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương. Văn Lang theo Việt Nam SL gồm 15 bộ như đã nói trên, như vậy Văn Lang chỉ là địa phận của Giao Châu sau này tức là phần đất Bắc Việt và Bắc Trung Việt hay sao?

           

Do đó, chúng tôi thấy có một số hoài nghi cần đặt ra:

 

Hoài nghi 1: Phục Hi - Thần Nông - Hoàng Đế của Trung Hoa chỉ là một chuyện huyền thoại, không có thực?

 

Tương truyền Phục Hi (4477-4363 trước TL) nhân thấy trong sông Hoàng Hà có con long mã xuất hiện, trên lưng có vẽ nét từ số 1 đến số 10, bố trí như một bức đồ, mới phỏng theo những nét đó mà vạch ra bát quái. (Xem Nguyễn Hiến Lê Giản chi: Đại cương Triết học Trung Quốc). Vua Thần Nông trị vì từ 4480-4350 trươc TL (theo sử Tàu, xem VSTB). Còn Hoàng Đế vốn thuộc bộ tộc Hữu Hùng thị ở huyện Tân Trịnh (tỉnh Hà Nam ngày nay) được các bộ tộc khác tôn lên làm thủ lãnh để chống Suy Vưu (tức Ly Vưu) và thắng được Suy Vưu, nên được tôn làm vua hiệu là Hiên Viên Hoàng Đế (xem Đức Nguyên: Cao Đài tự điển). So chiếu 3 sách nói trên, chúng tôi có nhiều thắc mắc nhất là thời đại Thần Nông kế vị thời đại Phục Hi, nhưng niên đại lại chồng lên nhau. Theo tác giả Đức Nguyên, vua Phục Hi băng hà, truyền ngôi cho em gái là Nữ Oa, Nữ Oa làm vua 130 năm. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong đoạn 3.

 

Chú thích: Niên đại của các Triều đại Trung Hoa ở trong một số sách lại ghi khác nhau:

 

Theo quyển Encyclopedia America của nhà xuất bản Grolin Incorporated Hoa Kỳ, như sau: Thuấn (truyền thuyết) và Vũ (truyền thuyết) ở Thiên niên kỷ thứ ba trước TL; Hạ (1994-1523 trước TL); Thương (1523-1028 trước TL); Chu (1027-256 trước TL); Tần (221-206 trước TL); Hán (202 trước TL - 220 sau TL).

 

Quyển The New Encyclopedia Britanica của nhà xuất bản Encyclopedia Britanica, Inc. ghi như sau: Phục Hi sanh vào thế kỷ 29 trước TL, Thần Nông sinh vào thế kỷ 28 trước TL, Hoàng đế thuộc Tam Hoàng  nhưng được kể là vị vua thứ nhứt trong Ngũ đế (kéo dài từ thế kỷ 27-thế kỷ 22 trước TL) Ngũ đế ngoài Hoàng Đế (Huang Ti) còn có Chuan Hsu, Tku, Yao) và Shun. Kế đó nhà Hạ (Hsia) được lập bởi vua Vũ (Yu). Sách này chỉ ghi các niên đại kể từ năm 841 trước TL.

           

Theo cuốn “Cao Đài Tự Điển” của Đức Nguyên:

·        Phục Hy:       2852 trước TL

·        Thần Nông:   2737       “

·        Hoàng Đế:    2697        “

·        Thiên Hiệu:  2597        “

·        Chuyên Húc: 2513       “

·        Đế Chí:          2365       “

·        Nghiêu:         2341       “

·        Thuấn:           2268      “

·        Hạ Vũ:           2205       “

·        Tam Hoàng: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng

·        Tam Vương: Ngũ Long, Hữu Sào, Toại Nhân

·        Ngũ Đế: Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn

 

Theo “Thế Giới Sử của Nguyễn Hiến Lê & Thiên Giang

·        Hạ: 2205-1784 trước TL (từ vua Vũ đến vua Kiệt)

·        Thương: 1783 - 1135 trước TL (từ Thành Thang đến vua Trụ)

·        Chu: Tây Chu: 1135-770

 

   Đông Chu: 770-221

   Hạ Thương Chu là Tam Đại:

   Nghiêu: 2359-2259 

   Thuấn: 2259-2208

           

Về niên đại, các tác giả không ghi đồng nhất. Riêng tác giả Nguyễn Hiến Lê trong quyển”Đại cương triết học Trung Quốc” và sử gia Phạm Văn Sơn trong “Việt Sử Tân Biên” ghi niên đại quá xa. Tôi xin ghi ra hết để độc giả tham chiếu. Có một  điều cần suy nghĩ là theo chú thích này, thời đại Kinh Dương Vương ngang thời đại Phục Hi?

 

Sử Tàu cho Suy Vưu là man rợ tàn ác để nâng phẩm chất đạo đức của Hiên Viên Hoàng Đế, và tính cách chính thống của Hán tộc. Điều này cần đặt lại. Chúng tôi xin nêu một số việc mà nhiều người đã dẫn chứng sử Tàu nói về Phục Hi – Thần Nông – Hoàng Đế là bịa đặt:

           

Truyền thuyết nói Phục Hi vạch ra bát quái là không đúng. Sự thực từ đời Thương trở về trước chưa có Bát Quái. Người đời Thương chưa biết bói cỏ thi, chỉ biết bói mu rùa mà thôi. Phép bói mu rùa do người đời Chu tìm ra để thay thế bói cỏ thi. Tám quẻ rùa do người đời Chu đặt ra chớ không do Phục Hi. Dịch truyện không do Khổng Tử viết, mà chỉ do một số nhà Nho đời sau Khổng Tử viết, có người nói Dịch truyện viết từ đời Tần (xem: Nguyễn Hiến Lê: sđd).

           

Phục Hi không thuộc giống Hán mà là thuộc Viêm Tộc? Phục Hi và Nữ Oa ở Châu Từ tức thuộc bờ cõi Xích Quỷ. Theo di tích chỉ tìm được có hình Phục Hi và Nữ Oa quấn đuôi nhau, Phục Hi cầm “Qui”, Nữ Oa cầm “củ”. Linh mục Tiến Sĩ Lương Kim Định giải thích sự việc đó theo huyền lý là “Giao Chỉ” tức âm hợp dương, trong âm có dương, trong dương có âm (Phục Hi cầm Qui, Nữ Oa cầm củ), đó là quan niệm của Việt Tộc (xem Kim Định: Gốc rễ triết Việt).             Giáo sư Kim Định quan niệm Phục Hi - Thần Nông - Nữ Oa đều thuộc Viêm Tộc, còn Hoàng Đế là người thuộc bộ Tứ Di ở lưu vực sông Hoàng Hà, đánh Ly Vưu thuộc Viêm Tộc ở Bắc Ngũ Lĩnh.

           

Có phải Hoàng Đế sai Thương Hiệt chế ra chữ viết theo như sử Tàu không? (Theo bác sĩ Nguyễn Đại Bằng trong quyển “Đi tìm Kinh dịch nguyên thủy”  (xuất bản tại Canada năm 1998) ở vùng An Dương (Trung Hoa) người ta khám phá ra những bộ yếm rùa và xương bò, cừu dê (đôi khi tê giác voi) có khắc chữ, hoặc sửa soạn để bói, hoặc dùng làm sách, đó là những giáp cốt văn, được coi là chữ viết đầu tiên của Tàu.) Đến đời nhà Thương mới chế ra chữ viết. Giáo Sư Kim Định cho rằng Lạc Việt có công đầu tiên trong việc đặt chữ viết, căn cứ vào việc nước Việt Thường cống vua Nghiêu con rùa trên lưng có viết cổ tự hình con nòng nọc, chép việc từ khi mới mở mang về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Qui Lịch. Chữ viết này gọi là Khoa đẩu có hình dạng giống như con nòng nọc đầu to đuôi nhỏ xuất hiện từ thế kỷ 23 trước TL. (Trong khi ở Tàu, chữ viết chỉ có từ đời nhà Thương bắt đầu từ 1766 tức thế kỷ 18 trước TL) (xem bài “Không có chữ Việt cổ?”  đăng trong báo Đại Chúng số 43 ngày 7-1-2000).       Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề nói trên khi nói về nước Việt Thường và ở đoạn 3.

           

Hoài nghi 2.- Việt Tộc có liên hệ đến vua Thần Nông không?

           

Lẽ dĩ nhiên Việt Tộc không liên hệ gì với truyền thuyết vua Thần Nông của Tàu (4480-4350? trước TL). Triều đại Thần Nông của Việt Nam chỉ từ 3118?  trước TL). Có thuyết cho rằng Lạc Long Quân thuộc Viêm Tộc chứ không phải dòng dõi Đế Minh, vì Lạc Long là một lãnh tụ Thổ tù của các bộ tộc Viêm tộc trong lưu vực nam Trường Giang?  (xem Cao Thế Dung: Tự hào là người Việt). Có lẽ vì tác giả không đồng ý Việt tộc trực thuộc vua Thần Nông vốn là một trong Tam Đại đế của Tàu. Thật ra có thuyết cho rằng Thần Nông là tổ nghề nông. Trong Kinh thư có nói đất Kinh, đất Dương có ruộng nương. Đây là khu vực của dân Văn Lang và Miêu tộc vốn biết nghề nông tức trồng lúa gạo, trong khi dân Hán lúc đó chỉ biết trồng lúa mì và kê. Nhiều người viết sử lầm lộn vị Thần nông của Viêm Tộc với vua Thần Nông của Tàu (thật ra vua Thần Nông cũng chỉ là huyền thoại), nên cho rằng các vua Hùng dòng dõi Thần Nông (xem Phạm Văn Sơn: VSTB).

           

Nếu lấy hình ảnh nước Tàu để nói về Việt tộc là sai lầm. Nước Tàu có hình ảnh như ngày nay chỉ thực sự bắt đầu từ đời Tần (221 trước TL). Người Tàu đọc Tần là Tsin, nhân đó Âu Tây dịch là Chine, và dùng danh từ đó để gọi nước Tàu. Vào thiên niên kỷ thứ 3 trước TL (tương đương dời Kinh Dương Vương), Tàu lúc đó chỉ  là một giống dân sống ở lưu vực sông Hoàng Hà, còn ở lưu vực sông Dương Tử có dân bản thổ: bên bờ sông phía Bắc có Miêu, Mán, bên bờ sông phía Nam có Vùng Động Đình và Phiên Dương có Việt tộc (tức Việt Thường) sống rải tác ở Ngũ Lĩnh đã tới  trình độ xã hội canh nông. Thời đó toàn thể nước Tàu ngày nay chỉ gồm các giống dân Di, Việt, chưa có nước Tàu, chưa có giống Hoa. Giống Hoa sau này lớn mạnh gọi các giống, Di, Việt là Man Di. Có lẽ người dạy cho Việt Tộc làm nghề nông được tôn thờ như vị vua. Theo như câu chuyện Vua Đế Minh chia 2 bờ cõi cho Đế Nghi và Lộc Tục nói trên, có ý nghĩa là lúc đó hầu hết nước Tàu bây giờ thuộc Việt tộc, còn giống người sau này thành nước Tàu chỉ ở khu vực nhỏ ở lưu vực sông Hoàng Hà. Xa hơn nữa, toàn cõi nước Tàu chỉ có một giống người, một văn hóa, không phân biệt Man Di Tàu Việt gì cả. Phục Hi - Thần Nông - Hoàng Đế chỉ là truyền thuyết, không có gì minh chứng được, huống hồ huyền thoại Hoàng Đế chỉ được dựng lên từ đời Chu.

           

Ở phía Nam, Việt Tộc còn có tên là Viêm Tộc (chữ Viêm ghép bởi 2 chữ hỏa) vì ở phương nam thuộc hỏa, bờ cõi của Kinh Dương Vương ở phía Nam Ngũ Lĩnh tức thuộc hỏa. nên có tên  Xích quỷ. Xích là đỏ tức là lửa, quỷ là chủ, tức là làm chủ được lửa, tức biết áp dụng lửa vào cuộc sống (xem Kim Định: Hưng Việt). Hoàng Đế thắng Du Võng (Thần Nông Bắc), có sách nói là thắng Ly Vưu, có ý nghĩa là giống người Hán chiếm được phía Bắc Ngũ Lĩnh (2697 trước TL). Đây cũng là một truyền thuyết. Nhà Hạ (2205-1898)  kéo dài 439 năm vốn là một mảnh đất nhỏ ở Nam Hoàng Hà, thường tự cho là Hoa Hạ, sau bỏ chữ Hạ còn giữ chữ Hoa đến ngày nay, và nhà Thương kéo dài 612 năm (1766-1154), văn hóa phát xuất từ Hoài Di tức văn hóa Di Việt. Quyển “The Origins of Chinese Civilization” gồm những bài thuyết trình trong Hội nghị Berkeley năm 1980, do University of California ấn hành năm 1983, có bài nói rằng, cho đến hết nhà Thương chưa có gì gọi là văn hóa Tàu. Tất cả còn là Di, chỉ từ nhà Chu (1122-225 trước TL) mới có  sự biến đổi. Nhà Chu phát xuất từ Tây Di, họ Cơ thuộc bộ tộc Nhung (hoặc Khương) về văn hóa thua sút Nhà Thương, nhưng chính nhà Chu đã biến đổi văn hóa Di Việt thành ra văn minh Tàu, và từ đấy bắt đầu phân biệt văn hóa Di, Việt. Tàu phát xuất từ Tứ Di, nhưng khi đã chinh phục được Tứ Di thì lại khinh nguồn gốc của mình (Kim Định: Hưng Việt.)

           

Tóm lại, phía Bắc núi Ngũ Lĩnh lần lượt rơi vào giống Hoa Hạ vốn là một bộ tộc nhỏ ở lưu vực sông Hoàng Hà. Phía Nam núi Ngũ Lĩnh cho đến đầu nhà Chu vẫn còn thuộc các bộ tộc thuộc Việt tộc hay là Viêm Tộc, tôn thờ Thần Nông như một vị vua gọi là Viêm Đế, nước gọi là Viêm Bang, dân gọi là Viêm Chủng.

           

Giáo lý Cao Đài cùng có quan niệm Thần nông là người dạy nghề nông, trong câu: “Công Thần Nông hóa dân buổi trước, dạy khôn ngoan học chước canh điền” (Kinh vào ăn cơm,) hay câu: “Nhờ Viêm Đế đức cao ân nặng, tìm lúa khoai người đặng no lòng” (Kinh sám hối).

 

Hoài nghi 3 : Hỏa mù Bách Việt .

 

Bách Việt có từ lúc nào?

Có thuyết cho rằng các bộ tộc thuộc Viêm tộc ở nam lưu vực sông Trường Giang núi Ngũ Lĩnh gồm nhiều tộc Việt gọi là chung là Bách Việt. (Bách chỉ số nhiều chớ không hẳn là 100). Theo Ngô Thời Sĩ “cõi nam là Việt Môn có nhiều nước Việt như Âu Việt, Mân Việt, Lạc Việt. Vì miền này ở phía Nam Dương Châu nên gọi là Nam Việt. Vùng đất từ Ngũ Lĩnh xuống phía Nam gọi là Nam Việt” (xem Việt sử Tiêu Án). Học giả Đào Duy Anh kể thêm một số địa điểm: “U Việt ở Chiết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Đông Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Lạc Việt ở Việt Nam” (xem Việt Nam Văn Hóa Sử Cương). Thuyết khác cho rằng trong số các giống Việt ở Hồ Động Đình có một giống Việt sau này chia thành Bách Việt. Theo Tiến sĩ Lương Kim Định, Việt bao la ăn từ Chiết Giang lên mãi Liêu Đông, dính tới Địch và có thể là U Việt (Việt điệu U Linh). Còn phía Dương Tử Giang có Liêu Việt, Bộc Việt, Lạc Việt. Các Việt này có trước Bách  Việt. Bách Việt do Việt chiết Giang tức U Việt, tức Việt ở vùng núi Ngũ Linh ở Hàng Châu (xem: Hưng Việt) đây là Việt của Việt Vương Câu Tiễn.           

 

Cũng nên biết Ngũ Lĩnh rộng mênh mông từ Thanh Giang, dưới phía Nam Trùng Khánh khá xa, tạt qua phía đông đi ngay Quý Châu, Hồ Nam, Quảng Tây rồi tiến lên Đông Bắc đến Chiết Giang, Thiệu Hưng, Ninh Phố giáp lên đến bờ biển. U Việt nhiều sách cũng gọi là Ư Việt, kinh đô ở Hội Kế, có người đọc ra là Cối Kê. Chính Ư Việt đến đời Câu Tiễn lan rộng đến cả miền Giang Tô, tức Châu Từ, Hoài Giang, cũng là miền nằm trong tên chung là Dương Châu. Người Việt đất Dương Châu cũng gọi là Dương Việt, còn gọi Việt Chương. “Dương” trong tên Kinh Dương Vương. Kinh là nước Sở sau này (đời sau là Kinh Châu, ngày nay là tỉnh Hồ Bắc, còn Dương là miền sông Hoài, Châu Từ, U Việt. (xem Hưng Việt). Lãnh thổ Ư Việt thực ra ban đầu không rộng như vậy.

 

Có phải dân VN thuộc dòng Việt của Việt Vương Câu Tiễn không?

 

Trong đời Thương mạt, Hùng Dịch là lãnh tụ Viêm Tộc ở lưu vực sông Trường Giang có công giúp Chu Xương Cơ nên được phong chức Tử Nam, lập nên nước Sở ở đất Kinh gọi là Kinh Sở tức Châu Kinh sau này và là Tỉnh Hồ Bắc ngày nay. Người Tàu vốn bản tánh kiêu căng gọi là Kinh Man. Chữ Sở do chữ Lâm là rừng và chữ Thất, chứng tỏ vùng này ngày xưa rừng rú rậm rạp, và có nhiều xà long. Nếu xem bản đồ, Hồ Bắc ở phía Bắc Trường Giang, như vậy đất Kinh ngày xưa có thuộc các triều đại Thần Nông phía Bắc (lãnh địa của Đế Nghi không? Thiết tưởng Kinh Dương Vương có nghĩa là  vua đất Kinh, đất Dương. Theo huyền sử Kinh Dương Vương (Lộc Tục) làm vua phía nam Ngũ Lĩnh, mà Ngũ Lĩnh ở dưới phía nam Động Đình Hồ cách Động Đình Hồ hàng trăm cây số (xem tài liệu của BS Trần) tức dưới phía Nam lưu vực sông Trường Giang, thì đất Kinh sao lại thuộc phía Bắc Trường Giang (Hồ Bắc), có phải là phi lý không? Chúng tôi thử bàn: ranh giới Ngũ Lĩnh, theo truyền thuyết và huyền sử nên không có gì xác định, cho nên Đế Minh phân định cõi bờ ở Nam Ngũ Lĩnh, mà sử chép bờ cõi Lộc Tục ở phía Nam Động Đình Hồ. Thực ra đất Kinh trải dài Nam và Bắc sông Trường Giang. Sau này, Hoàng Đế theo truyền thuyết  đánh đuổi các triều đại Viêm tộc ở bắc Trường Giang, nên lãnh địa của Tàu lúc đó đến Bắc Trường Giang là cùng. Thế kỷ 12, Hùng Dịch thủ lĩnh Viêm tộc (1122 - 1078) có lẽ ở khu vực đất Kinh ở bắc Trường Giang lập nước Sở như đã nói trên có lẽ ở phần đất ngày nay gọi là Hồ Bắc. Đờøi chiến quốc, có lẽ Sở bị các chư hầu lấn chiếm nên lùi dần về Nam Trường Giang chiếm lĩnh Hồ Nam và Giang Tây. Đến đời Chu Hoàn Vương (717-696TTL) tức thế kỷ thứ 8 TTL, Sở Hùng Thông xưng Vương hiệu là Võ Vương. Lãnh địa của Sở lúc đó có lẽ là Hồ Nam, Hồ Bắc (?) Giang Tây. Các bộ tộc Việt khác ở Giang Tô, An Huy, Chiết Giang có lẽ sợ sự bành trướng của Sở nên lập thành quốc gia là Ngô và Việt. Nước Sở vì chung đụng với giống Hán  nên sớm chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc.

           

Bốn thế kỷ đầu, Việt chỉ là phụ dung của Ngô. Vào thế kỷ thứ 6 trước TL, vua nước Ngô là Hạp Lư đánh thắng và giết vua Việt là Doãn Thường. Con Doãn Thường là Câu Tiễn phục thù cha, giết được Hạp Lư. Con Hạp Lư là Phù Sai lại trả thù cha diệt được nước Việt nhưng không giết Câu Tiễn, để rồi Câu Tiễn phục hận diệt được Ngô và xưng bá ở vùng Giang, Hoài (402 trước TL), làm bá chủ phương đông được 3 đời. Thịnh nhất vào khoảng năm 472 trước TL gồm cả Giang Tô và phía Nam, tỉnh Sơn Đông, nhưng đến đời thứ tư thì suy, và 46 năm sau đời Câu Tiễn, Việt bị Sở diệt (333 TTL). Nước Việt trở lại hình thái bộ lạc. Dân Việt không chịu sự đồng hóa của Sở (mà Sở đã bị Hán hóa từ lâu) tản mát xuống Hoa Nam.

 

Ông Leonard Aurousseau căn cứ sách Tàu cho rằng người VN thuộc dòng dõi Việt thời Xuân Thu tức Việt của Vua Câu Tiễn. Sau khi Sở diệt Việt, người Việt lùi xuống phía nam Trung Hoa chia làm 4 phái:

1.      Đông Âu hay Việt Đông Hải thuộc miền Ôn Châu (phía nam Chiết Giang).

2.      Mân Việt tụ tập ở Phúc Châu tức Phúc Kiến.

3.      Nam Việt thuộc Quảng Đông và phía Bắc Quảng Tây.

4.      Lạc Việt hay là Tây Âu Lạc ở phía Nam Quảng Tây và miền Bắc Việt bây giờ.

Nhà Tần mưu đồ thôn tính Bách  Việt nhưng không thắng được Lạc Việt.

           

Theo Việt Nam Sử Lược, đến năm Đinh Hợi (214 trước TL) Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư đem quân đánh Bách Việt  (vào khoảng tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây bây giờ). An Dương Vương thần phục nhà Tần. Nhà Tần mới chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm ba quận gọi là Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc Việt). Người bản xứ đất Bách Việt không chịu để người Tàu cai trị, trốn vào rừng ở. Được ít lâu quân của Đồ Thư vốn người phương Bắc không chịu được thủy thổ phải bệnh rất nhiều. Bấy giờ người Bách Việt thừa thế nổi lên giết được Đồ Thư (VNSL).  Tiến sĩ Cao Thế Dung viết lại đoạn sử này như sau: “Đời Tần Thủy Hoàng, Bách Việt ở Hoa Nam bị thôn tính và đồng hóa. Năm 222 trước Tây Lịch, Tần bắt đầu chinh phục lãnh thổ Bách Việt”. Theo cổ sử: “Thủy Hoàng ham lợi về sừng tê giác ngà voi, chim trĩ, ngọc thạch của tộc Việt mới phái Đô Úy Đồ Thư chỉ huy 50 vạn quân chia làm 5 cánh, một đóng ở núi Đàm Thanh, một giữ trại Cửu Nghi (Hồ Nam), một đóng ở Phiên Ngung (Quảng Đông) một giữ đất Nam Dã (Dự Chương), một tập trung ở sông Dư Can (Quảng Tây). Suốt 3 năm quân lính không rời áo giáp bỏ chùng dây cung. Quan Giám sử Lộc phái xuống không có đường vận lương mới cho đào một đường thủy để làm vận hà ngõ hầu chống với người Việt. Chúa Tây Âu (Lạc Việt) là Dịch Vu Hống bị giết. Tất cả người Việt vào rừng rú ở với cầm thú chớ không chịu làm nô lệ cho quân Tần. Họ chọn lấy người tài giỏi và đánh với quân Tần ban đêm. Quân Tần đại bại Đồ Thư bị giết, thây chất hàng vạn” (xem Tự hào là người Việt).

 

Lạc Việt có thuộc Bách Việt không?

 

Đối chiếu 2 đoạn sử của 2 tác giả nói trên, chúng tôi rút ra các nhận xét sau:

 

            1. Sử sách VN căn cứ theo sách Tàu đã đặt Lạc Việt ra ngoài Bách Việt. Có lẽ cũng do theo sách Tàu, nhiều sách Âu Mỹ đã vẽ Bách Việt vào đời Tây Hán chỉ là một lõm ở vùng Phúc Kiến (xem Atlas Historique). Vậy là có sự phân biệt giữa Bách Việt và Âu Lạc, nhưng khi nói đánh  Bách Việt lại cũng là đánh Âu Lạc. Thục Phán (Âu Việt) chiếm Lạc Việt lập ra Âu Lạc (210 TTL).

 

            2. Đoạn sử trên nói nhà Tần đặt Bách Việt và Âu Lạc làm 3 quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận. Tượng Quận được ghi chú là Bắc Việt (VNSL). Theo tài liệu BS Trần thì địa giới 3 quận như sau: Nam Hải (Quảng Đông và một phần Phước Kiến) Quế Lâm (Quảng Tây và một phần Quý Châu), Tượng Quân (Vân Nam và một phần Quý Châu). Ghi nhận của BS Trần phù hợp với bản đồ nước Tàu vào đời Tần trước khi Tần Thủy Hoàng gồm thu 6 nước, theo đó các bộ tộc Việt trải dài từ biển Nam Hải tới Đại Lý (Vân Nam), phía rên là nước Sở, nước Triệu (xem Atlas Historique).

 

            3. Thật ra theo một tài liệu khác, nhà Tần không đánh lấy được Âu Lạc nên việc An Dương Vương thần phục nhà Tần theo VNSL có lẽ không đúng. Âu Lạc chỉ bị Triệu Đà chiếm vào năm 200 trước TL lập thành nước Nam Việt. Nhà Tần chỉ chia phần đất chiếm được thành 3 quận Nam Hải - Quế Lâm - Tượng Quận, không bao gồm Bắc Việt. Xin bổ túc ý kiến của sử gia Phạm Văn Sơn (xem VSTB/Q1): Đạo quân thứ 5 theo Đường Dư Chương tiến vào lãnh thổ của Nam Việt. Còn đạo quân thứ 5 sau khi chiếm được Đông Việt và Mân Việt đã theo đường bể do đèo Yết Dương tấn công vào Phiên Ngung (Quảng Châu ngày nay). Ba đạo quân kia tiến vào Bắc Quảng Tây, Tây Bắc Quảng Đông không gặp sức kháng cự nào đáng kể, nhưng ít lâu sau họ bị người Tây Âu chống trả kịch liệt ở Quảng Tây, phần tiếp tế khó khăn và khí hậu khắc nghiệt nên luôn 3 năm đoàn quân Tần khốn đốn. Bị ngăn ở đây, nhà Tần đặt thêm bộ máy cai trị ở các nơi đã chiếm được như Đông Việt, Mân Việt, Quảng Đông, Quảng Tây thành lập 3 quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận. Theo TS Cao Thế Dung (sđd) dù chúa Tây Âu là Địch Vu Hống đã bị giết, Tần Nhị Thế bãi bỏ đánh Lạc Việt vì không thắng được. Nước Văn Lang vẫn tồn tại.

           

Bách Việt gồm cả tỉnh Hồ Nam (VNSL), và Đồ Thư chia làm 5 đạo quân đóng ở tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, tức là trận chiến xảy ra cả ở Hồ Nam. Điều này phù hợp với bài thuyết trình của giáo sư Ling Shun Sheng, đại học Đài Loan: “New Interpretation of the Decoration Designs on the Bronze Drums of Southeast Asia” (tạm dịch: Sự giải thích mới về những trang trí trên trống đồng ở Đông Nam Á) tại Hội nghị Far Eastern Prehistory Congress (Hội nghị Tiền sử Viễn Đông), tổ chức tại Phi Luật Tân vào năm 1963. Tại đây vào thế kỷ thứ 3 trước TL, Khuất Nguyên, Đại phu nước Sở bị đày tới. Trong thời gian bị lưu đày ông phóng tác ra  Cửu Ca. Theo GS Ling nếu xét Cửu Ca người ta nhận thấy những hình ảnh mô tả các cuộc tế lễ địa phương này giống hệt hình ảnh đã được vẽ trên trống đồng Đông Sơn của Lạc Việt. GS Ling cũng quan niệm rằng trước kia đồng bằng sông Dương Tử là nơi cư ngụ của giống người Indonesian mà sử Tàu gọi là Bách Việt hay Lạc Việt (xem Phạm Việt Châu: Trăm Việt trên vùng định mệnh).

           

Tinh thần bất khuất của dân Lạc Việt, thà ở với cầm thú chớ không ở với quân Tần. Tiến sĩ Cao Thế Dung nhận xét là Lạc Việt tuy bị nhà Hán chiếm, nhưng không bị chính sách đồng  hóa của nhà Hán, diệt chủng như các Việt tộc khác, và vẫn còn giữ tinh thần kháng cự nhà Hán cho tới khi Hai Bà Trưng khởi  nghĩa (254 năm sau) và dòng giống Lạc Việt vẫn tồn tại đến nay.

 

Đi vào hỏa mù của lịch sử

           

Tóm lại, nghiên cứu về Bách Việt, chúng tôi đã đi vào hỏa mù của lịch sử! Bách Việt là toàn thể bộ tộc Việt thuộc trong nước Xích Quỷ, hay chỉ là một nhóm bộ tộc Việt thuộc Việt Chiết Giang, tức Ư Việt, thành hình sau khi đế quốc Việt sụp đổ từ năm 333 trước TL, vì bị nước Sở thôn tính? Theo chúng tôi, truyền thuyết Âu Cơ và 100 trứng đã nói lên ý  nghĩa các bộ tộc Việt trong nước Xích Quỷ. Rồi các bộ tộc Việt đánh lẫn nhau, bộ tộc lớn nuốt bộ tộc bé, dần dần số bộ tộc kết tụ lại thành những nước nhỏ. Đến thế kỷ thứ 12 trước TL, nước Sở được thành thành lập ở vùng đất Kinh, nên được gọi là Kinh sở, Tàu gọi là Kinh Man. Sở cũng chỉ là những bộ tộc Việt trên đất Kinh. Sở sớm thấm nhuần văn hóa nhà Chu nên lần lần bị đồng hóa với giống Hán. Có lẽ những bộ tộc Việt khác ở Châu Dương gồm sau nầy là nước Việt nước Ngô cũng chịu thần phục Sở nên sử Tàu nói nước Sở gồm 6 tỉnh trong Trường Giang thất tỉnh.

           

Thế kỷ thứ 8 trước TL, Sở Hùng Thông tiếm Vương hiệu, nên Việt, Ngô thành lập nước riêng. Rồi Việt thôn tính Ngô làm bá chủ phương Đông từ thế kỷ thứ 6 trước TL. Có lẽ vì Sở bị Hán hóa, nhiều bộ tộc Việt chống lại sự Hán hóa đó, di dân về Việt Chiết Giang. Sau khi Việt sụp đổ, một lần nữa một số bộ tộc Việt không phục tùng nước Sở, di dân xuống vùng Hoa Nam: Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến và tận đến Bắc Việt và Bắc Trung Việt và có thể xa hơn nữa là ở các vùng Đông Nam Á. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhứt nước Tàu năm 221 trước TL, nhà Tần gởi quân xuống phía Nam chinh phục Bách Việt. Lúc đó, các giống Việt gồm còn 4 nhóm: Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt, Lạc Việt (tức Tây Âu Lạc) như trên đã nói. Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt, lần lượt bị Tần rồi Hán tiêu diệt và đồng hóa. Một số chịu theo Tàu, một số không chịu lại di cư về miền Phúc Kiến và Đông Bắc Quảng Đông, cho nên trong bản  đồ đời Tây Hán, các nhà nghiên cứu Âu Mỹ chỉ vẽ Bách Việt ở một lõm nhỏ ở vùng nói trên.

           

Rồi qua các triều đại Tần, Hán, Tây Âu (Đông Nam Quảng Tây) bị sáp nhập vào nước Tàu, chỉ còn Lạc Việt gồm Bắc Việt và Bắc Trung Việt. Vùng này cho đến đời Hán Hiến Đế được gọi là Giao Châu. Trong thời gian đó, nhóm Bách Việt ở vùng Phúc Kiến, Quảng Đông trước sức đồng hóa tàn bạo của giống Hán,  một số di cư về với Lạc Việt mang theo bản chất mongolit pha trộn vào dân Lạc Việt.

           

Tạm giải đáp vấn đề Bách Việt như vậy, nhưng chúng tôi lại rơi vào hỏa mù khác là tại sao Việt Nam Sử Lược của cụ Trần khi viết quân Tàu đến đánh Bách Việt đã không kể Âu Lạc vào gia đình Bách Việt? Bách Việt theo cụ Trần vào thời đó là Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, tức không có phần đất của Lạc Việt.  Như vậy, đi từ nguồn gốc Việt tộc ở Động Đình Hồ phía Nam núi Ngũ Lĩnh, có Tổ phụ là Lạc Long Quân và Tổ mẫu là Âu Cơ, đến đây Lạc Việt lại thành đứa con hoang vô thừa nhận! Chúng tôi lại phải giở gia phả của dòng Lạc Việt, thấy rằng  người Việt Nam là giống dân Giao Chỉ. Giao Chỉ ở đâu? Phía Nam Giao Chỉ là Việt Thường. Việt Thường ở đâu? Giao Chỉ chắc chắn không phải là quận Giao Chỉ hay vùng Bắc Việt và Bắc Trung Việt mà sau này gọi là Giao Châu, Việt Thường cũng không phải là đất Chiêm Thành. Vậy Giao Chỉ và Việt Thường ở đâu? Tìm được địa giới Giao Chỉ, Việt Thường là xác định được bờ cõi Văn Lang.

 

Hoài nghi 4 : Về nguồn dân tộc để tìm giới địa Giao Chỉ và Việt Thường.

 

Tìm lãnh địa của Giao Chỉ. Theo sử, người Việt Nam thuộc giống Giao Chỉ, được hiểu theo nghĩa là giống người có 2 ngón chân cái giao nhau. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu như Bác sĩ P. Huard và A. Bigot trong bài “les Giao Chi”, vào năm 1937, nói rằng không riêng người Giao Chỉ có 2 ngón chân trái giao nhau, mà là nhiều dân tộc khác ở Á Đông cũng có như vậy. Trong sách sử  Tàu, người Giao Chỉ bị coi là Man di, sinh hoạt bằng nghề chài lưới, săn bắn, có tục đặc biệt là xâm mình và hớt tóc ngắn. Theo sử sách Tàu thì người Giao Chỉ xâm hình giao long để giao long tưởng là loại cùng giống mà không giết hại, nên người Hán cho rằng nơi những  người đó ở là Giao Chỉ tức là miền đất của giống người Giao Long. Nhưng có thuyết khác nói rằng tên Giao Chỉ là tiếng người phương Bắc gọi người phương Nam, có nghĩa là đối trụ với nhau (xem Phạm Văn Sơn VSTB1).

           

Giao  Chỉ ở đâu?       Trong quyển VNSL, Giao Chỉ là một bộ trong 15 bộ của nước Văn Lang tức nước Việt Nam đời Hùng Vương . Nước Văn Lang lúc đó gồm lãnh địa của Bắc Việt và Bắc Trung Việt hiện nay. Bộ Giao Chỉ (theo VNSL) bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định và Ninh Bình. Sau này Thục Phán (Âu Việt) chiếm nước Văn Lang (Lạc Việt) lập ra nước Âu Lạc. Thục Phán chiếm Văn Lang năm nào? Theo L Aurousseau, Lạc Việt mất vào tay Thục Phán vào từ khoảng 210 TTL là năm Tần Thủy Hoàng chết đến năm 207 TTL là năm Triệu Đà đang hùng cứ ở quận Nam Hải. Điều này không đúng. Thục Phán chiếm Văn Lang của Hùng Vương 18, mà Họ Hồng Bàng chấm dứt năm 258 trước TL) tức 2622 năm, sao L. Aurousseau lại viết là năm 210 TTL? Theo sử gia Trần Trọng Kim (VNSL) Thục Phán chiếm Lạc Việt năm 258 trước TL, và xưng là An Dương Vương (năm 257 trước TL) cải quốc hiệu là Âu Lạc, rồi 2 năm sau (255 trước TL), thì xây Loa Thành.      Rồi Triệu Đà lại chiếm Âu Lạc (207 trước TL) nhập vào quận Nam Hải thành nước Nam Việt. Nhà Tây Hán (Vũ Đế) lại chiếm nước Nam Việt lập thành Giao Chỉ bộ gồm Quảng Đông, Quảng Tây, phần đất Bắc Việt và Bắc Trung Việt và Đảo Hải Nam. Giao Chỉ là một quận của Giao Chỉ Bộ (Lãnh địa nước Văn Lang tức Bắc Việt và Bắc Trung Việt bị chia ra 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam).

           

Giao Chỉ chỉ có như vậy sao? Theo tài liệu Trung Hoa, vào đời Nghiêu Thuấn, một dân tộc khai hóa sớm nhất là người Giao Chỉ và thời đó đã giao thiệp với Hán Tộc. Theo các tài liệu đó thì Giao Chỉ ở về miền Hồ Nam ngày nay, gần hồ Động Đình và núi Nam Lĩnh (VSTB-Q1). Từ đời Nghiêu Thuấn có giống  người Tam Miêu sống giữa Động Đình Hồ và Hồ Phiên Dương cũng đã biết nghề nông rồi. Người Giao Chỉ đã ở trên một phần đất của người Tam Miêu, nhưng người Giao Chỉ không phải là người Tam Miêu. Người Giao Chỉ ngoài nghề đánh cá và săn bắn, thuở đó cũng đã biết trồng trọt và làm ruộng. Nhiều công cuộc nghiên cứu cho rằng, người Giao Chỉ bấy giờ ít nhất cũng ở trong thời đại đồ đá cũ và đầu thời đại đồ đá mới. Họ làm nhà bằng cành cây hay bằng tre trên các đầm hồ, khe núi (theo Thiên Võ Cống, đất Kinh có nhiều tre, xem VSTB - Q1).

           

Ch. Patris trong quyển “Abrégé de l' Histoire d'Annam”, cho rằng Giao Chỉ thuở xưa thuộc Dương Châu là một trong 9 quận do vua Hạ Vũ lập ra. Theo chúng tôi điều nầy không đúng, vì nhà Hạ khởi đầu từ 2205 trước TL (và chấm dứt 1766 trước TL), trong khi gốc người Việt có trước thời kỳ đó. Coi đoạn sử Việt Thường sẽ rõ. Có một điều chúng tôi thấy cần để ý là nhiều người cho rằng người Giao Chỉ sống ở vùng Hồ Động Đình qua vùng Hồ Phiên Dương và rải rác 2 bên bờ sông Dương Tử cho đến Chiết Giang (Đông Âu hay Việt Đông Hải thuộc miền Ôn Châu, nam Chiết Giang, quê Từ Hải : “Họ Từ tên Hải, vốn người Việt Đông” (truyện Kiều)).

 

Tìm lãnh địa của Việt Thường.

           

Sử chép Việt Thường ở phía Nam Giao chỉ. Trong VNSL Bộ Việt Thường ở  Quảng Bình, Quảng Trị, tức phía Nam Giao chỉ. Cũng có sách nói Việt Thường ở nước Lâm Ấp (sau là Chiêm Thành) giáp giới với Văn Lang . Tại sao có sự sai biệt đó? Nhà Tây Hán lập ra Giao Chỉ bộ như đã nói trên, trong đó phần đất Văn Lang xưa trở thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Quận Nhật Nam mới được lập từ đời Tây Hán, ở phía nam quận Cửu Chân phạm vi từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân (tức đến giữa Trung Việt) tức 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị (gồm cả Huế), trụ sở đặt ở Tây Quyển, giáp sông Gianh, tỉnh Quảng Bình. Năm 248 sau TL, Lâm Ấp cướp phá các tỉnh miền Bắc và chiếm một vùng đất Nhật Nam. Rồi từ đó Lâm Ấp luôn quấy nhiễu đất Nhật Nam, cho đến năm 340 sau TL, Lâm Ấp điều đình với nhà Tấn định quốc giới Lâm Ấp từ Hoành Sơn trở vào. Vua Tấn chưa quyết định thì năm 347 sau TL, vua Lâm Ấp là Phạm Văn chiếm luôn Hoành Sơn. Năm 353, thứ sử Giao Châu là Nguyễn Phu đẩy lui Lâm Ấp khởi Nhật Nam (đời Tấn Mục Đế). Từ đó cho đến năm 420 sau TL, Lâm Ấp luôn luôn quấy phá. Năm 420 nhà Tấn tiến quân chiếm Lâm Ấp và bắt xưng thần (xem Lê Văn Siêu: Văn Minh Việt Nam). Theo chúng tôi, vùng Quảng Trị Quảng Bình là Việt Thường, một bộ của Văn Lang, do đó khi chiếm được Nhật Nam, Lâm Ấp cũng gọi vùng này là Việt Thường, nhưng thuộc Lâm Áp, tức sau này là Chiêm Thành. Rồi đời sau nghĩ rằng Giao Chỉ là vùng Bắc Việt và Bắc Trung Việt, thì Việt Thường ở phía Nam Giao Chỉ, tức Chiêm Thành.

 

Học giả Đào Duy Anh trong quyển Hán Việt tự điển có nói về nước Việt Thường như sau: “Việt Thường là tên nước ta xưa về đời Hùng Vương, chỉ miền đất từ Thanh Hóa về miền Nam,” chỗ này ông viết không rõ ràng vì tại sao Việt Thương là tên nước ta lại là miền từ Thanh Hóa vào Nam? Một chỗ khác ông viết: “Nguyên nước ta xưa là Việt Thường, từ đời Bắc thuộc gọi là An Nam, đến đời vua Gia Long gộp 2 tên cũ thành Việt Nam”. Như vậy, theo ông Đào Duy Anh, Việt Thường là phần đất của Việt Nam, có một thời kỳ bị Lâm Ấp chiếm.

           

Trong các quyển An Nam Vũ Cống và Việt Sử Lược đều chép nước Văn Lang có 15 bộ, trong đó có bộ Việt Thường, nhưng thứ tự các bộ trong 2 quyển đó không giống nhau. Sách An Nam Vũ Cống viết về Việt Thường như sau:

 

a/ là một nước hoang đường đời Chu.

b/ một huyện do Vũ Đế đời Tấn lập ra gọi là Việt Đường, sau này đến đời Đường đổi tên là Việt Thường (xem bài của Thịnh Quang “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương” đăng trong báo Đại Chúng số 47 ngày 17-3-2000).

 

Nếu Việt Thường tầm thường như vậy thì tại sao Thánh giáo Cao Đài lại đề cao, như câu:

            “Đào Nguyên lại trở trái hai lần,

        Ai  ngỡ Việt Thường đã thấy lân”            

 (TNHT)

 

và bác sĩ Trần Đại Sỹ khi viếng ngôi chùa ở núi Thiên Đài (Hồ Nam Trung Quốc) đã đọc thấy câu khắc vào đá:

            “Thiên đài đại đại, phân Nam, Bắc,

            Lĩnh địa  niên niên dữ  Việt Thường.”

 

Vậy Việt Thường ở đâu? theo câu Việt Thường ở phía Nam Giao Chỉ, thì Giao Chỉ ở đâu, Việt Thường ở gần đó. Giao Chỉ đã được xác định ở vùng Động Đình Hồ thì Việt Thường cũng ở đâu đó.

           

Theo VNSL, năm thứ 5 đời vua Đế Nghiêu (2352 trước TL), Việt Thường sang cống một con Rùa lớn, rồi đến đời Chu Thành Vương (1109 trước TL), Việt Thường cống chim Trĩ trắng. Chu Công Đán là chú vua Chu Thành vương  phải dùng thông  ngôn mới hiểu tiếng và chế xe chỉ nam tiễn sứ về nước. Như vậy, Việt Thường phải ở gần lãnh thổ của vua Nghiêu, (lúc đó kinh dô là Sơn Tây, và lãnh thổ nhà Chu (kinh đô là Tây An, Thiểm Tây) chớ không thể ở tân Lạc Việt hay Chiêm Thành được. Ngoài ra trong Kinh thư có viết đất Kinh có nhiều rùa lớn và đất Dương có nhiều chim lạ, vậy thì Việt Thường phải ở vùng đất Hồ Động Đình và Hồ Phiên Dương, mới phù hợp với việc cống chim trĩ và rùa lớn. Sử ký Tư Mã Thiên cũng  viết vùng hồ Phiên Dương có đất Việt Thường.

           

Theo sử gia Phạm Văn Sơn có lẽ Việt Thường ra đời lâu lắm, vào thế kỷ 24 trước TL, Việt Thường có kinh đô đóng ở nam hồ Phiên Dương trở nên cường thịnh làm bá chủ vùng hồ Phiên Dương và hồ Động Đình, do đó mới có sứ sang cống rùa cho vua Nghiêu (2352 trước TL), và cống chim trĩ cho vua Chu (1109 trước TL). Ông Lê Chí Thiệp định vị trí Việt Thường ở ngay chỗ thành Nam Xương bấy giờ, căn cứ vào việc năm 508 trước TL vua nước Ngô (ở vùng Chiết Giang Tô) có thắng đạo binh Sở ở Dự Chương,  cũng gọi là Việt Chương tức Việt Thường (xem VSTB/Q.1).

 

Tương quan giữa Giao Chỉ và Việt Thường

           

Người Việt Thường cũng sinh hoạt bằng nghề đánh cá như người Giao Chỉ, có lẽ cũng có tục xâm mình, nhưng thông thạo nghề nông hơn. Theo Thiên Vũ Cống thì miền đất Kinh, đất Dương có nhiều sản vật như vàng bạc, gỗ quý để làm nhà, các thứ trúc để làm nỏ, lông chim, da bò, ngà voi, da tê ngựa, vải gai. Dân Việt Thường còn biết chế đồ đồng đỏ. Trình độ kỹ thuật đã tới trình độ đồ đá mới. Họ sống theo chế độ thị tộc và cũng có tín ngưỡng “tô tem” như người Giao Chỉ (xem VSTB-Q1). Người Việt Thường từ đời nhà Chu sống trên địa bàn cũ của người Tam Miêu, tức giữa Hồ Động Đình và Hồ Phiên Dương.

           

Cho đến nay, sự liên hệ giữa Giao Chỉ và Việt Thường thế nào vẫn chưa rõ rệt, chỉ biết rằng khi Việt Thường xuất hiện thì Giao chỉ không còn nữa. Theo chúng tôi, có lẽ Giao Chỉ nói về giống tính, còn Việt Thường chỉ tên nước, vì rõ ràng Việt Thường và Giao Chỉ cũng sống trên cùng một địa bàn, và thời gian xuất hiện ở vùng Hồ Động Đình và Hồ Phiên Dương cũng không xa nhau lắm.

           

Theo chúng tôi, Giao Chỉ  và Việt Thường là một, cùng chỉ người Việt Nam cổ xưa và lãnh địa của tổ tiên chúng ta. Việt Thường xuất hiện khi Việt tộc đã thành hình quốc gia, có thể vào đầu thế kỷ 24 TTL, rồi làm bá chủ vùng Hồ Động Đình và Hồ Phiên Dương. Có phải vì thế mà chữ Thường có nghĩa là phi thường, Việt Thường có nghĩa là “Việt phi thường” biểu thị sự quật cường và lòng tự hào của Việt tộc? Thánh Giáo Cao Đài cũng nói đến Việt Thường như sau, để ám chỉ Việt Nam:

           

Bay đến Hồ Dương phụng gáy chiều,

            Thần tiên giáng thế biết bao nhiêu,

            Trở chơn ít kẻ lo đi ngược,

            Bước đọa xem qua dấu dập dìu.

 (TNHT)

Ghi chú: Hồ Đương gồm Động Đình Hồ, hồ Phiên Dương hoặc chỉ nói riêng hồ Phiên Dương. Phụng gáy là điềm Thánh Chúa ra đời, như trong câu “Kìa lóng non Kỳ reo tiếng Phụng” (TNHT) báo trước Chu Võ Vương ra đời ở đất Kỳ Sơn lập ra nhà Chu. Ở đây Phụng gáy báo hiệu một Đạo Thánh ra đời, như câu: “Phụng gáy non Nam đạo trổ mòi” (TNHT). Trong 4 câu trên, Phụng gáy báo  hiệu đạo Cao Đài ra đời.

 

Quan hệ Sở – Việt

           

Trong bài “Yên Đài Thu Vịnh” của Ngô Thời Nhiệm, có câu: “ Nhất đới Thanh sơn Sở,  Việt giao,” vậy Sở và Việt có tương quan với nhau thế nào? Theo sử, vào thế kỷ 12 trước TL, một lãnh tụ Việt tộc là Hùng Dịch chinh phục được dân Miêu Man ở miền sông Hán chảy vào Dương Tử giang, tổ chức thành quốc gia ở đất Kinh (lưu vực sông Dương Tử) đóng đô ở Đơn Dương gần thành Nghi Xương ngày nay. Tàu gọi đây là kinh Man sau khi nước Sở thành lập thì gọi là Kinh Sở. Hùng Dịch giúp Chu Võ Vương đánh Trụ Vương, có công được phong Tử - Nam và thành lập nước Sở, lúc đó có lẽ là vùng thuộc tỉnh Hồ Bắc và một phần tỉnh Hồ Nam ngày nay, nước Sở gần gũi Hán tộc tiêm nhiễm văn hóa Hán, dần dần bành trướng xuống phía Nam lấn chiếm các Việt tộc ở phía nam. Năm 889 trước TL (thế kỷ thứ 9trước TL), Sở Hùng Cừ chiếm Đông và Dương Việt (tức Việt Chương, trước kia là Việt Thường, đồng thời chiếm luôn nước Ngạc (Vũ Xương thuộc tỉnh Hồ Bắc sau này). Hùng Cừ cho con trưởng là Khang làm vua đất Cú Bản, con thứ hai là Hồng làm vua ở đất Ngạc, con thứ ba là Chấp Tỳ làm vua đất Việt Chương. Như vậy, Sở đã chiếm một vùng rộng lớn. Theo sử gia Phạm Văn Sơn , dân Việt chống không nổi Kinh Man phải tiến xuống phương Nam, một phần tiến lên núi Nam Lĩnh rồi gặp nhau ở đất Quảng Đông và Quảng Tây, sử gọi các nhóm này là Bách Việt. Đến đời Sở Hùng Thông (717-696) tự lập làm Sở Võ Vương; ít lâu sau  Viêm Tộc ở các vùng ngày nay thuộc 3 tỉnh Giang Tô, An Huy, Chiết Giang tách ra lập nước Ngô và nước Việt. Nước Việt lúc đầu chỉ ở vùng Chiết Giang và là phụ dung của Ngô từ dọc bờ Nam Hải, nam ngạn sông Dương Tử cho đến Hồ Động Đình. Sau, Việt Vương Câu Tiễn diệt nước Ngô làm bá chủ phương Đông đương đầu với Sở. Nước Việt thịnh nhất vào khoảng 472 TTL gồm cả Giang Tô và phía nam tỉnh Sơn Đông (Từ Châu ở vùng này). Đến đời thứ 4 thì suy vong và bị Sở diệt. Việt tộc lại tản mác xuống phương Nam.

           

Tóm lại, Sở và các bộ tộc Việt đều thuộc Viêm Tộc. Sở gần gũi văn hóa Hán sớm nhất và lần lần theo văn hóa Hán. Sở lấn chiếm các bộ tộc Việt, các bộ tộc này lần lần tản xuống phương Nam. Theo chúng tôi, Giao Chỉ, Việt Thường và các bộ tộc khác đều gọi chung là Bách Việt. Học giả Đào Duy Anh căn cứ thuyết của L. Aurousseau cho rằng “tổ tiên ta là người nước Việt ở miền hạ lưu sông Dương Tử, sau bị nước Sở đánh chiếm phải chạy xuống miền Nam ở miền Quảng Đông, Quảng Tây rồi lần lần đến Bắc Việt và Bắc Trung Việt.” (xem Đào Duy Anh: Việt Nam Văn Hóa Sử Cương). Theo các di chỉ khảo cổ, người Việt đến ở Bắc Việt không lâu lắm, vì hài cốt tìm thấy của Việt tộc nằm trên hài cốt của thổ dân giống Melanesian và Indonesian. Theo chúng tôi, Việt tộc đến vùng Bắc Việt 2 đợt: một đợt xa xưa lúc Sở bắt đầu bành trướng, và một đợt sau khi đế quốc Việt tan rã, Việt tộc từ miền Chiết Giang, Phúc Kiến xuống Quảng Đông, Quảng Tây rồi lần đến Bắc Việt, pha giống  Mongolit.

 

Tại sao Giao Chỉ, Việt Thường là nguồn gốc của người Việt Nam?

 

Giống Lạc Việt thiên di đến vùng Bắc Việt và Bắc Trung Việt là giống dân Giao Chỉ và Việt Thường, còn các bộ tộc Việt khác tản mác khắp vùng Đông Nam Á (theo thuyết Phạm Việt Châu). Dân tộc Việt ngày nay còn giữ hình ảnh của Giao Chỉ và Việt Thường qua các sự tích về Rùa và chim Trĩ. Rùa thể hiện trong sự tích Thần Kim Quy cho An Dương Vương vuốt để làm nỏ thần và cho Lê Lợi thanh kiếm. Còn hình ảnh con chim trong trống đồng, biểu hiệu của văn hóa Lạc Việt, có phải là hình ảnh con Trĩ không? Hình ảnh chim Lạc được vẽ trên mặt trống đồng, vậy trống đồng có giá trị thế nào đ/v văn hóa Lạc Việt?

 

a) Một dấu vết của Việt tộc là trống đồng. Trống đồng đã tập trung tất cả tinh thần văn hóa Lạc Việt thời đại Đông Sơn, tức thời kỳ mà Việt tộc mới chỉ là bộ lạc ấu trĩ, các phần tử còn sống chìm trong tinh thần vật tổ thần bí. Vật tổ là con chim Hồng Lạc hay Lạc Hồng. Theo kết quả khai quật, người ta đã tìm thấy ở châu thổ Bắc Việt: một cái trống ở chùa Long Hội Sơn làng Ngọc Lữ tỉnh Hà Nam, và một cái thứ hai ở làng Hoàng Hạ tỉnh Hà Đông, giáp giới tỉnh Hà Nam, cách mặt đất 1m50. Nghiên cứu trống đồng VN, người ta cho rằng cách trang trí trên trống đồng chịu ảnh hưởng của văn minh Âu Á chớ không phải do ảnh hưởng của Trung Hoa, vì khoảng thế kỷ 2 hay 3 trước TL, nghệ thuật Trung Hoa thời Hán đã bị văn minh trung bộ Á Tế Á ảnh hưởng rồi (xem: Nguyễn Đăng Thục: Tư tưởng Việt Nam).

           

Sách “Tùng Thư Địa Lý trí viết: “Từ núi Ngũ Lĩnh đến hơn 20 quận phía Nam, các rợ đều đúc đồng làm trống lớn. Khi mới hoàn thành treo ở giữa sân, đặt rượu để mời đồng bào. Người đến dự có trai gái, nhà giàu lấy vàng bạc làm chiếc thoa lớn, cầm đánh vào trống, xong rồi để lại cho chủ nhân gọi là thoa đồng cổ. Chúng hay chém giết lẫn nhau gây nhiều thù oán. Muốn đánh nhau thì đánh vào trống ấy, người kéo đến cuồn cuộn như mây vần. Kẻ nào có trống gọi là Đô lão, quần chúng đồng tình suy tôn và tòng phục.” Trong sử nhà Minh có truyện Lưu Hiển, năm đầu vạn lịch đi đánh dẹp Từ Châu thu phục được 60 trại, bắt được trống đồng Chư Cát đến 93 chiếc (xem Nguyễn Đăng Thục: sđd). Nhiều sử gia nhận rằng trống đồng được tìm thấy ở miền Hoa Nam và ở một số nước ở Đông Nam Á, nhưng trống đồng Lạc Việt có một sắc thái riêng biệt,  mà các trang trí trên trống đồng có điểm giống với văn hóa các nước ở hải đảo như Nam Dương, Mã Lai, Bornéo. La Hương Lâm trong quyển “Bách việt nguyên lưu dữ văn hóa” (Trung Hoa Tùng Thư) có viết: “Thời cổ văn hóa của Việt Tộc rất đáng được người ta chú ý là sự chế tạo trống đồng và cách sử dụng. Trống đồng của Việt tộc phải lấy kiểu của Lạc Việt làm thịnh nhất, cho nên gọi là Lạc Việt Đồng Cổ”(xem Nguyễn Đăng Thục: sđd).

 

b)  Dấu vết về hình ảnh chim Lạc

 

Theo học giả Đào Duy Anh (trong quyển Nguồn gốc dân tộc Việt): nhóm Lạc Việt thường tự sánh mình với một giống chim hậu điểu cứ đến mùa gió bấc lạnh lẽo cũng rời bờ biển Giang Nam với họ mà tiến xuống miền Nam, đến khi mùa nóng trở lại thì chim và người cùng trở về chỗ cũ. Do đó có câu: “Việt Điểu qui sào” (chim Việt trở về tổ), hoặc: “Chim Việt cành nam” hay “Việt điểu sào nam chi”. Hai câu sau này có nghĩa là con chim Việt vì nó sinh ở phía Nam, nên nó hay làm tổ ở nhánh phía Nam, cũng như ngựa Hồ sinh ở phía Bắc, nên nghe gió Bắc thì nó hét lên (Hồ mã tê bắc phong). Các câu trên đều có nghĩa là giống dân Việt không quên được tổ. Dần dần tâm lý Việt tộc phát sinh quan niệm “tô lem”. Họ nhận giống chim Lạc là vật tổ nên lấy tên giống chim này đặt cho thị tộc của mình. Rồi họ mang lông chim Lạc ở đầu và mình.

           

Trên mặt trống đồng Ngọc Lữ (biểu hiệu văn hóa Việt Nam), người ta thường thấy chạm hình ảnh các con chim giăng cánh và hình chiếc hoa quỳ tượng trưng cho mặt trời ở giữa. Có thuyết cho rằng các con chim đó là chim Lạc và chim Lạc là giống hậu điểu về loài ngỗng trời tức thiên nga, mà ở đoạn trước chúng tôi có nói là chim Hồng, vua Sông Dương Tử (Đế Giang). Chim Hồng cũng biểu thị cho Hồng Bàng, tổ tiên của Việt tộc. Chúng tôi lại nghĩ rằng chim Lạc ở đây là chim Trĩ và hình chim trên trống đồng tức là chim trĩ. Hình ảnh trên trống đồng, có ý nghĩa chim Lạc bay về hướng mặt trời. Chim đó là chim trĩ chỉ có ở đất Dương của Việt tộc. Kinh thư viết: Châu Từ cống lông chim trĩ ngũ sắc. Châu Từ là đất thuộc Châu Dương của Di Việt còn gọi là Hoài Di (Di vùng sông Hoài). Sách Quảng Đông tân ngữ viết: “Tùy dương Việt trĩ”, tức là chim trĩ đi về hướng mặt trời (xem: Kim Định: nhân chủ) Trĩ chữ Hán kêu là Địch. Địch là thứ Trĩ có đuôi dài lông ngũ sắc. Ngũ sắc Hán gọi là Hạ. Đôi khi chữ Lạc đặt trước chữ Địch thành Lạc Địch, nghĩa là chim Trĩ  của Lạc Việt. “Lạc địch tập kỳ tả dực” có nghĩa là chim Trĩ của Lạc Việt thu cánh bên trái (xem Kim Định: Văn Lang vũ bộ). Đây là một huyền lý thể hiện đặc tính Việt Tộc trước kia, là cài nút áo qua trái (tả nhậm), trong khi người Tàu cài nút áo qua phải (hữu nhậm).

           

Chim Trĩ trong văn chương gọi là Phụng. Phụng bao giờ cũng vẽ theo hình Trĩ nên gọi Phụng là Trĩ. Tục ngữ có câu: “Phượng minh triều dương”, có nghĩa là: con phụng hót chào mặt trời buổi sáng. Con Phụng là con trống, con mái gọi là Loan. Đức Phật Mẫu cởi chim loan. Trong các Thánh giáo và các bài Kinh Cao Đài có  nhiều điển tích về Phụng, chẳng hạn: “đằng giao khởi phụng”, “Phụng gáy non nam” v.v..

           

Chim Trĩ cũng chính là con Tước. Tàu chỉ  biết con tước vào đời Chu nên gọi là Chu Tước, vừa có nghĩa là con tước đỏ, vừa có nghĩa là tước đời Chu. Trước đời Chu, người ta chỉ biết con Trĩ của Việt tộc. Kinh Đệ lục cữu có câu: “Minh Vương Khổng Tước cao bay” ý nói con chim Hồng (Đế giang) và con Không Tước (Trĩ) bay theo hướng mặt trời đến tận trời xanh.

 

Hoài nghi 5: Xác định bờ cõi Văn Lang

           

Theo VNSL, nước Văn Lang là lãnh địa của VN gồm Bắc Việt và Bắc Trung Việt, có 15 bộ. Sử gia Phạm Văn Sơn cũng viết Văn Lang có 15 bộ nhưng lãnh địa lại rộng hơn, một số bộ gần giống như trong VNSL, trừ 4 bộ như: Vũ Định (Thái Nguyên và một phần đất Hoa Nam), Lục Hải (Lạng Sơn và một phần Quảng Tây), Ninh hải (Quảng Yên và một phần Quảng Đông), Bình Văn (Ninh Bình). Như vậy theo ông Phạm Văn Sơn, nước Văn Lang gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây.

           

Nhiều sử gia đồng ý cương vực của nước Văn Lang, Bắc giáp Hồ Động Đình, Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), Tây giáp Tứ Xuyên, Đông giáp Nam Hải, tức lãnh địa nước Xích Quỷ. Cương giới Văn Lang co cụm dần, cho đến phần đất ở Quảng Đông, Quảng Tây cũng mất luôn, chỉ còn lãnh vực ở Bắc  Việt và Bắc Trung Việt, mà sau này các triều đại Trung Hoa đặt là Giao Châu, rồi đời Đường gọi là An Nam đô hộ phủ.

           

Ông Lê Chí Thiệp nói rằng sử sách Tàu không thấy nói tới Văn Lang. Tên này chỉ có từ niên hiệu “Thái bình ngự lãm” đời Đường. Văn Lang là từ nói chung người Kinh Man (Sở) ở dọc sông Dương Tử, người Việt Chiết Giang, người Lạc Việt là những dân có xâm mình, sống ở lưu vực sông Dương Tử, trôi giạt xuống bờ biển Nam Hải, vì vậy cổ sử mới ghi bờ cõi Văn Lang: Bắc giáp hồ Động Đình, Đông giáp Nam Hải, Nam giáp Hồ Tôn, Tây giáp Tứ Xuyên (Ba Thục).

           

Nói chung Văn Lang thể hiện cái văn hóa sáng ngời của Viêm Tộc, mà chính Hán Tộc đã vay mượn, chiếm đoạt  để làm thành văn hóa của mình. Chẳng hạn như cuộc khai quật hai ngọn đồi ở Mã Vương  (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) cách nay vài thập niên (1972, hai ngọn đồi an táng gia đình Mã Vương, ông Hoàng nước Sở thời Ngũ đại Trung Quốc (907-960)),  người ta tìm thấy một số di tích (đồ sơn mài, đồ chơi, nhạc cụ, dĩa, áo lụa, đồ thêu v.v...) đặt biệt là một tấm tranh lụa và 50 quyển sách kinh cổ điển: Lão tử, Chu dịch, Dịch truyện, Xuân Thu v.v... Từ đó một số nhà nghiên cứu Trung Hoa đã nhận xét các nhà Nho Trung Hoa đã diễn dịch quá xa lời dạy của Khổng Tử. Kinh dịch đã bị diễn sai lầm vì các chữ đồng âm, và tấm tranh lụa đẩy lùi lịch sử hội họa Trung Hoa, mà theo Bác sĩ  Ng. Đại Bằng, trước tấm lụa vẽ này, ít ra ở phương nam, con người thời ấy tỏ ra nắm vững mọi sắc thái của một nền hội họa cao cấp (xem Ng. Đại Bằng: Đi tìm Kinh Dịch nguyên thủy). BS Bằng viết: “Nguồn gốc phương Nam của cả một nền văn minh “Nam Man” đã bị xã hội, văn hóa Nho giáo phương Bắc, vừa đàn áp, vừa vay mượn và đẩy lui vào bóng tối của lãng quên”. Ý kiến của BS Bằng làm chúng tôi nhớ lại ý kiến của Linh Mục Tiến sĩ Lương Kim Định, nguyên giáo sư đại học Văn Khoa Sàigòn, trong bộ sách gần 20 quyển. Ông tha thiết với thuyết An Vi, tức giữa  Vô Vi và Hữu Vi, mà ông cho đó là bản chất của người VN (và chúng tôi có cảm tưởng ông nói về Cao Đài), và ông quyết liệt nói rằng Kinh Dịch là của Việt tộc, Hồng Phạm Cửu Trừ do từ “Việt Tỉnh Cương”  của Việt Tộc mà ra, các con số 2, 3, 5, 9 là của Việt tộc và Việt nho có trước Hán nho. Ý kiến của ông được tán thành cũng nhiều, và bị chỉ trích cũng không ít vì ông bị cho là yêu nước quá độ.

           

Chúng tôi cũng liên tưởng đến điều mà tác giả Đức Nguyên trong “Cao Đài Tự Điển “ gọi là “Bát Quái Cao Đài” tức lấy quả Càn Khôn làm trung tâm và 8 cửa của Tòa Thánh làm Bát quái. Theo tác giả, các quẻ trong Bát quái Cao Đài có thứ tự giống các quẻ trong Bát quái hậu thiên, nhưng lại chuyển theo chiều nghịch kim đồng hồ, tức nghịch với Bát quái hậu thiên. Theo tác giả, đó là vì “thủy hỏa ký tế.” Theo chúng tôi, nếu ý kiến về “Bát quái Cao Đài” của tác giả Đức Nguyên đúng, chúng ta phải cần suy nghĩ sâu hơn, vì thứ nhất, Kinh Dịch ngày nay bị nhiều tác giả cho là có nhiều diễn dịch sai lầm, thứ hai, nếu nói Kinh dịch của Việt tộc thì phải đọc Dịch theo triết lý của Việt tộc tức theo tả nhậm, trái với Tàu theo hữu nhậm. Bát Quái Cao Đài quay ngược Bát quái hậu thiên phải chăng là theo tả nhậm. Mong tác giả Đức Nguyên thử nghiên cứu vấn đề này, biết đâu đây là cánh cửa của triết lý Cao Đài?

           

Tóm lại, trong văn hóa của Viêm tộc, văn hóa VN tức Lạc Việt rực rỡ hơn cả. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu văn hóa VN để tìm hiểu tại sao Đức Chí Tôn chọn VN để gieo mối đạo Trời và Tứ nương Đoàn Thị Điểm giáng cơ: 'Vùng Nam hải uy linh nhứt quốc“.

           

Kết luận

 

Vì khuôn khổ tờ báo, chúng tôi không thể trình bày dài hơn nữa, nên tạm dừng nơi đây. Đoạn 3 của bài này tức giải đáp câu 3 của Tứ Nương Đoàn Thị Điểm: “Trời còn roi nước hùng anh”, tức tìm hiểu Thánh giáo “Tại sao một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc mà sao này làm chủ mới là kỳ”. Nước VN có một quá khứ lịch sử oai hùng như vừa kể, dân Lạc Việt có một tinh thần bất khuất và một nền văn hóa lâu đời trước cả Hán tộc mới xứng đáng là nơi Đức Chí Tôn chọn và là dân tộc được chọn. Đoạn 3 bài này sẽ đăng kỳ sau với tựa đề: “ĐI TÌM CHÂN DUNG ĐẠO CAO ĐÀI TRONG DÒNG LỊCH SỬ VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC VIỆT”.  Sau cùng, lời kết luận của chúng tôi là: “GIANG SAN LÀ ĐẤY, CÒN MÌNH Ở ĐÂU?”

           

Chúng tôi kết luận mà không kết luận. Lời kết luận dành cho quý hiền hữu và thế hệ trẻ Cao Đài.

 

 

về trang chủ