VICTOR HUGO
(tiểu sử đức Nguyệt Tâm chơn nhơn)
 

Tôn Hưng Huỳnh Văn Hưởng

(tài liệu sưu tập của CTS Trần Thái Xương)

 

 

LTS – Nhân ngày Lễ Vía Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn hay Victor Hugo (dương lịch 22 tháng 5), chúng tôi xin đăng lại sau đây tiểu sử của Ngài và cuộc phỏng vấn Đức Hộ Pháp của Đài Vô Tuyến Pháp Á năm 1952, nhân dịp Lễ Kỷ Niệm 150 năm sinh nhựt của Ngài. Năm nay, 2002, cũng là năm kỷ niệm 200 năm của Đức Victor Hugo, nước Pháp, nước Anh, nước Tô Cách Lan (Scotland) đã có chương trình làm lể kỷ niệm rất long trọng. Trong tinh thần này, CQTGHN đã nhận được nhiều điện thư (email) trên hệ thống internet hỏi thăm về Đức Victor Hugo, vì nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết được sự liên hệ giữa Đạo Cao Đài và Đức Ngài, nhất là Đạo Cao Đài vinh danh Đức Ngài là một vị Thánh.

 

Đức Victor Hugo, tên Thánh là Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, sanh ngày 26 tháng 2 năm 1802 tại thành phố Besancon (Pháp Quốc). Thân phụ Ngài là Joseph Leopold Sigisbert Hugo, gọi tắt là Leopold Hugo, một sĩ quan trong Quân Đội Pháp với cấp bậc Thiếu Tá, thân mẫu Ngài là Bà Sophie Trebuchet. Lúc bé, Ngài ốm yếu và bịnh hoạn đến nỗi Bác Sĩ cho rằng không thể sống được, song nhờ sự tận tâm và kiên nhẫn của người mẹ mà Ngài có thể trưởng thành để trở nên một danh nhân lỗi lạc của nước Pháp, một thi sĩ đại tài trong thề kỷ thứ 19.

 

Thưỏ ấu thơ Ngài đã chịu cuộc sống phiêu bạt, theo thân sinh đi từ trại binh này đến trại binh khác, hết sống giữa các lâu đài cẩm thạch ở Ý Đại Lợi, đến các biệt thự cổ xưa ở Tây Ban Nha, rồi trở về Paris, được chứng kiến nhiều chiến công của thân sinh trên các mặt trận của đạo binh hùng Nã Phá Luân (Napoléon). Đó là cơ hội giúp cho Ngài rộng tầm kiến thức, hiểu biết được nhiều.

 

Cha mẹ của Ngài có tánh tình rất tốt và quảng đại, nhưng Cha có xu hướng Cộng Hòa, chịu ảnh hưởng cuộc cách mạng 1789, trong khi người mẹ thì lại có óc bảo hoàng.

 

Khi Cha Ngài lên cấp Tướng, vì công vụ phải rày đây mai đó, Ngài phải sống với mẹ, bên cạnh một nghĩa phụ là cựu Đại Tướng Victor Lahorie tại mảnh vườn ở đường Feuillantines.

 

Tháng 9 năm 1814, Ngài được gửi vào nội trú trường Cordier và Decotte, ở đường Sainte Marguerite, kỷ luật ở đây rất là nghiêm khắc.

 

Người ta đọc thấy ở một trang nhật ký của Ngài viết hồi 14 tuổi câu này : “Tôi muốn được như văn hào Chateaubriand hay không có gì hết.” Câu phương ngôn Tây Phương  “Muốn là được” (Vouloir, c’est pouvoir), Ngài đã nắm chắc khi lớn lên trở thành đại thi hào nước Pháp.

 

Với thiên tài sớm nảy nở, mới lên 10 tuổi, Ngài đã sáng tác thơ. Năm 14 tuổi, Hàn Lâm Viện Pháp có mỡ một cuộc thi thơ, Ngài liền sáng tác 334 câu thơ gửi dự thi, được cơ quan văn hóa tối cao này ngợi khen và thừa nhận Ngài là một bậc thiên tài. Tiếp đó Ngài gửi bài dự thi ở một Hàn Lâm Viện khác ở Toulouse được chiếm giải nhất. Trong số những người dự thi có cả tên Alphonse de Lamartine, lớn hơn Ngài 10 tuổi, về sau cũng là một đại thi hào.

 

Năm 16 tuổi, gia thế Ngài có phần chật vật vì Cha Ngài đã về hưu trí. Song cũng từ đây tên tuổi Ngài bắt đầu xuất hiện trên các báo chí. Ngài khởi sự viết rất nhiều bài có giá trị đăng trên tờ “Le Conservateur Littéraire” của anh Ngài. Nguồn thơ của Ngài dường như không bao giờ vơi dưới 11 bút hiệu khác nhau. Ngài đã viết cho đặc san 112 bài báo và 22 bài thơ trong vòng 16 tháng.

 

Ngày 28-6-1821, mẹ Ngài từ trần, Ngài đau khổ vô cùng. Số nợ nần trong thời Mẹ Ngài đau yếu để lại, đã đưa Ngài vào tình trạng vô cùng bi đát. May sao từ tháng 7 năm 1829, Ngài được quỹ Nhà Vua cấp hằng năm số tiền 1200 quan. Ngài cưới con gái của người bạn cố tri của cha là nàng Adèle Foucher làm vợ. Hôn lễ cử hành vào ngày 12-10-1822.

 

Lần lần nỗi tiếng thêm, và bây giờ Ngài là bậc thầy của trường phái lãng mạn, anh cả của bộ ba “Lamartine, Vigny, Hugo”. Toàn thể thanh niên nước Pháp đều hết mực ca tụng Ngài.

 

Năm 1841, Ngài được cử vào Hàn Lâm Viện văn chương. Từ năm 1848 trở đi, Ngài ra hoạt động chính trị, đắc cử Nghị Sĩ trong thời kỳ Đệ II Cộng Hòa (1848-1851).

 

Năm 1852, Tổng Thống Louis Napoléon Bonaparte lật đổ chế độ Cộng Hòa mà lên ngôi, lấy tên là Napoléon Đệ Tam. Lúc đầu Ngài ủng hộ, sau nhận thức được tham vọng của Napoléon, chẳng những Ngài không ủng hộ mà còn đả kích ngay tân chính phủ. Ngài rời khỏi nước Pháp đến ở tận đảo Jersey, rồi qua đảo Guernesey, hai đảo nhỏ ở giữa biển Manche. Ở đây 18 năm, mặc dầu Napoléon Đệ Tam có cho những bậc đại thần ra tận đảo mời Ngài về, nhưng Ngài một mực từ chối và tuyên bố : “Tôi chỉ sẽ về với chế độ Cộng Hòa mà thôi.” Trong thời gian tự xem mình như bị lưu đày, Ngài viết rất nhiều tác phẩm có giá trị, phần nhiều là chống lại chế độ dộc tài của Napoléon III.

 

Năm 1870, chế độ quân chủ của Napoléon III cáo chung, Ngài trở lại nước Pháp ngày 14 tháng 9 (19 năm sau), được tiếp đón một cách nồng nhiệt không thể tả. Ngoài đường, người ta la lớn “Victor Hugo muôn năm”. Lúc đó Ngài đã đặng 68 tuổi.

 

Đến năm 1881, lễ bát tuần của Ngài được tổ chức như một ngày quốc lễ, một khải hoàn môn được dựng lên ở đại lộ Eylau trước nhà Ngài và được đổi tên là đại lộ Victor Hugo. Thư khen ngợi gửi đến tới tấp. Dân chúng Ba Lê tựu họp rất đông đảo và đi diễn hành trước cửa nhà Ngài. Mặc cho gió lạnh mùa Đông, Ngài đứng trên cửa sổ nhìn xuống đường để chứng kiến 6 trăm ngàn người ái mộ diễn hành suốt ngày hôm ấy.

 

Từ dạo đó, Ngài nỗi tiếng khắp nơi như “vị Thần của người khổ hạnh”. Nhiều lần, Ngài đứng ra bênh vực để cứu những kẻ tội phạm trước máy chém, bênh vực những người Do Thái chống bạo lực, những kẻ nỗi loạn chống chính quyền và những trẻ mồ côi vì chiến tranh.

 

Ngày 22 tháng 5 năm 1885, Ngài tạ thế sau cơn bạo bịnh sưng phổi, hưởng thọ 83 tuổi.

 

Trong đêm 31 tháng 5 năm 1885, một đoàn người cuối đầu âm thầm đưa nhà Đại Văn Hào đến nơi an nghĩ cuối cùng. Đám táng đi từ Công Trường Ngôi Sao đến điện Panthéon (Công Thần Miếu) trong khu của người nghèo, nơi mà Ngài muốn an nghĩ. Theo sau linh cữu của Ngài là 2 triệu người. Lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại, cả một dân tộc đã đặt danh dự một thi hào ngang hàng với Vua Chúa và Tướng lảnh quân đội.

 

Gần trọn kiếp sanh, Ngài đem nguồn tư tưởng phong phú phi thường để phụng sự cho văn hóa, cho đời sống quần chúng. Ngài đã nổi bật hơn hết bất cứ ai đương thời khi nói đến trẻ con và giới nghèo khổ. Những tác phẩm của Ngài nói rất nhiều về hình thái xã hội.

 

Trong thời gian cùng gia đình cư trú tại hòn đảo Jersey, lúc nước Pháp lâm vong biến loạn, Đại thi hào Victor Hugo và nhiều bạn bè họp nhau xây bàn nói chuyện với các vong linh trong cõi vô hình.

Có lần kia, một điển linh quang nhập cơ xưng là “Bóng Hư Linh” nói chuyện với Ngài, giảng giải về đạo đức, và gọi Ngài nên để đức tin về Ngôi Thái Cực. Nhiều Đấng Thiêng Liêng khác cũng thường đến với Ngài để dạy Đạo. Những bài Thánh giáo này các Đấng Thiêng Liêng khuyên không nên phổ biến, nên khi Ngài từ trần rồi 37 năm sau mới có người đem ấn tống xuất bản. Sách có nhan đề “Les tables tournantes de Jersey chez Victor Hugo”.

 

Năm Đinh Mão (1927), khi Đức Hộ Pháp đến mỡ Đạo tại Phnom Penh (Nam Vang, Cam Bốt), tổ chức nhiều đàn cơ, có một Đấng Thiêng Liêng hay giáng lâm đàm đạo, người xưng danh là Nguyệt Tâm Chơn Nhơn và cho biết khi còn tại thế chính người là đại thi hào Victor Hugo của nước Pháp. Ngài nói rằng : “Ngài đã lãnh chiếu chỉ Ngọc Hư Cung đến đây để làm vị hướng Đạo, Chưởng giáo của nhân loại trong thời kỳ Hạ Ngươn, ký Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước”. Vì thế từ đó công cuộc truyền giáo ra hải ngoại được đặt dưới quyền hướng đạo của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn.

 

Trước Đền Thánh Tổ đình và nhiều Thánh Thất khắp nơi có chạm vẻ hình tượng Tam Thánh đang ký Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước, trong đó có Ngài. Ngoài nhiệm vụ giáng cơ giáo Đạo tại Hội Thánh Ngoại Giáo, Ngài còn giáng ban cho nhiều bài kinh về Thiên Đạo trong quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

                  

CUỘC PHỎNG VẤN ĐỨC HỘ PHÁP CỦA ĐÀI VÔ TUYẾN PHÁP Á VỀ VIỆC ĐẠO CAO ĐÀI THỜ KÍNH ĐỨC VICTOR HUGO

 

Vào khoảng năm 1952, Đài Vô Tuyến Pháp Á có phỏng vấn Đức Hộ Pháp : “Chúng tôi ước ao được Ngài cho biết những tin tức về ảnh hưởng của nhà thi hào Victor Hugo đối với Đạo Cao Đài để thêm phần lợi ích cho thính giả của chúng tôi “. Các câu hỏi được nêu ra sau :

 

1.      Lần đầu tiên nhân cơ hội nào mà nhà thi hào danh tiếng Pháp tiếp xúc với các vị lảnh đạo Cao Đài ?

2.      Ngài có thể chỉ rõ cho chúng tôi những trường hợp liên lạc đầu tiên và những trường hợp bất thần kế tiếp được không ? và thực hiện bằng cách nào ?

3.      Theo ý Ngài, những nguyên động lực nào đưa thi hào Victor Hugo giao cảm với các vị sáng lập và lảnh đạo Cao Đài ?

4.      Sự mật thiết của tôn giáo Cao Đài đối với Victor Hugo được coi như hoàn toàn tượng trưng, hay trái lại như một biểu hiệu chung đồng tư tưởng ?

5.      Trong toàn tập tác phẩm của Victor Hugo có đoạn nào thuyết minh những khải thị đó là uy tín của Victor Hugo trong sự thành lập Đạo Cao Đài không ? Ngài có thề cho chúng tôi biết những đoạn tác phẩm nào mà Ngài cho là thiết yếu không ?

6.      Bức hội họa chơn dung Victor Hugo ở cửa vô Tòa Thánh Tây Ninh, là do nhà thi hào yêu cầu hay do lòng tôn sùng ngẫu nhiên nên thờ phượng để kỷ niệm ? Victor Hugo có thường giáng trong lúc cúng kiến không ? vào những dịp nào ?

7.      Ngài có ý định truy niệm một cách đặc biệt ngày lễ sinh nhật thứ 150 của nhà thi hào Pháp không? và dưới hình thức nào ?

Sau đây là lời đáp vấn của Đức Hộ Pháp :

 

1 & 2 – Phải, Bần Đạo là người được ủy nhiệm trước nhất để bày tỏ những lý kín của Cao Đài, chính mình Bần Đạo phò loan có Đại Úy Monnet, một nhà Thông Linh Học Pháp hộ đàn cầu Chơn Linh Victor Hugo để các vị Thời Quân của tân tôn giáo bạch hỏi :

 

“Làm thế nào để hòa hợp tất cả các giáo lý ? là một sự khó khăn duy nhứt mà chúng tôi đã mắc phải trong việc thống nhất tinh thần Tôn giáo”.

 

Chơn linh đáp : “Đạo tại Tâm, mà Tâm là chủ. Tâm khác nhau tùy theo trạng thái tinh thần của mỗi cá nhân. Tâm vô ngã, Tâm không khuất phục và Tâm là do Thượng Đế sáng tạo (Thiên lương). Vậy tất cả nhân loại đều được tự do tín ngưỡng, nhưng trong tinh thần phải có sự dung hòa của Thiện và Mỹ. Do đó, nảy sinh giáo lý Cao Đài là “Giáo Lý đại khoan hồng.” Như thế chúng tôi đã chịu ơn Victor Hugo về Thông Thần Học và Triết Học.

 

3 & 4 – Đức Victor Hugo có tên Việt Nam là Bạch Vân Chơn Nhơn, một danh từ đã có từ lâu trong thời Thái cổ, và cũng có tên là Nguyệt Tâm Chơn Nhơn. Phải chăng đây là một biệt hiệu hay nhã hiệu. Nói đến Bạch Vân Động, chúng ta phải giải thích rằng : Sự thuyết minh này dành riêng cho những người thọ giáo theo kinh Phật, là quả địa cầu ta đang ở đây đã thác sinh lần thứ hai. Địa cầu đã thác một lần sau 7 thời đại, mỗi thời là 61 triệu năm, nghĩa là 427 triệu năm. Theo Đạo Phật đây là niên tuế và sinh mạng thật sự của địa cầu. Di hài trái đất là vệ tinh “mặt trăng” (tinh tú không sinh lực mà ta thấy hiện giờ). Từ thời Thái cổ, mặt trăng ấy được coi như là chổ tạm trú của các chơn linh muốn thác sinh xuống trần. Họ phải trú tại vệ tinh một ít lâu để tiếp xúc với điạ cầu và các chơn linh hạ giới. Chổ đó tức là “Tuần Hoa Động.” Theo thần thoại học Thượng cổ thì mặt trăng có cái tên không biết do đâu là “Bạch Vân Động” (Quảng Hàn Cung) phát lộ qua Âu Châu cho các nhà Thông linh học dưới danh hiệu Loge Blanche (có nghĩa là Bạch Vân Động).

 

Chủ Bạch Vân Động là Bạch Vân Hòa Thượng, Đại Chơn Linh Từ Hàng Đạo Nhơn giáng thế, hậu duệ của Quan Âm Bồ Tát, đã thác sinh hai lần ở Pháp, lần đầu thác sinh là La Rochefoucauld, lần thứ hai là Richelieu, và ở Việt Nam là Nguyễn Bỉnh Khiêm tức Trạng Trình. Chơn dung của Ngài đứng chung với Thánh Victor Hugo và Tôn Dật Tiên ở cửa Đền Thánh.

 

Victor Hugo là một chơn linh ở Bạch Vân Động, nghĩa là môn đệ của Bạch Vân Hòa Thượng. Tôn Dật Tiên cũng đứng chung trong bức hội họa đó vì cũng đồng tông, nghĩa là cùng Động.

 

Chúng tôi là Cao Đài và danh hiệu Cao Đài cũng như danh hiệu Thông Thần và Giáng Thần, vậy con người phải luân hồi : sinh, thác, tái sinh và tiến hóa là “Luật Trời”.

 

Tâm linh không tổ quốc, tâm linh phổ biến ở nơi nào cần, tâm linh tụ ở nơi nào phù hạp, không phân biệt màu da, tôn giáo, tổ quốc.

 

Tất cả những trở lực chia rẽ lòai người, đối với tâm linh không bao giờ có, vì tâm linh là một vị chúa tể. Chúa tể ở ngôi ba, tức là “Thánh Thần”. Tất cả người Cao Đài không bao giờ nghĩ đến những sự dị đồng về chủng tộc đang chia rẽ nhơn loại hiện giờ. Tổ quốc thật sự của tinh thần nhân loại là ở trong vũ trụ.

 

Cả vật chất lẫn tâm linh sinh hoạt của Victor Hugo là Tâm linh phổ biến, tuy vẫn là Tâm linh người Pháp.

5 & 6 – Tại sao các vị ấy giáng xuống trong kỳ Tân Thiên Khải này ? Theo lịch sử chúng tôi biết rõ các vị ấy ở thế gian này, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhiệt tâm Bác ái, Công bình trong việc xử thế, trong các hành vi, trong cử chỉ, trong sách vở, trong sấm truyền. Người ta nhận thấy tất cả những di tích Thiêng Liêng ấy theo những tác phẩm văn chương của Trạng Trình, cũng như của Victor Hugo và Tôn Dật Tiên.

 

Hiện tượng Pháp đó đến giờ nầy bắt buộc toàn nhân loại phải kính nễ để thực hiện cho được nền hòa bình tinh thần (hòa bình vĩnh viễn) mà Chúa Jésus Christ và Phật Thích Ca đã hứa với những kẻ thiện tâm bác ái, công bình là điều mà ba Thánh đã thực hiện trong lúc sanh tiền do lịnh Thiên Đình. Vậy các Đấng đó là những người trước nhất truyền bá nền “Tân Đạo”. Các Đấng vẫn giữ phần dìu dắt và chỉ huy tổ chức của Tan Giáo Hội Cao Đài hay Đại Đạo.

 

7 – Victor Hugo hay Nguyệt Tâm Chơn Nhơn là Chưởng Đạo của Đạo Cao Đài. Lễ kỷ niệm Ngài nhằm ngày 22 tháng 5 dương lịch mỗi năm. Năm nào chúng tôi cũng kỷ niệm lễ bái chu niên Ngài không bao giờ gián đoạn, nhưng chúng tôi rất hoan nghênh cuộc lễ các ông vừa tổ chức và chúng tôi cũng rất thỏa mãn.

                     

Lúc Đức Hộ Pháp thiết lễ Trấn Thần Tam Thánh trước Đền Thánh ngày 10 tháng 7 năm Mậu Tý (14-8-1948), đồng nhi có đọc bài xưng tụng công đức như sau :

Bạch Vân Động đèn hồng chói tỏa

Thanh Sơn Đài diệu võ Tiên Ông

Bấy lâu tu luyện thành công

Đắc thành chánh quả độ trong Tam kỳ.

Nguyễn Bỉnh Khiêm tầm tiên ẩn dạng,

Trình Quốc Công là Trạng nhà Nam,

Sớm khuya ẩn chốn thanh am

Tu tâm luyện tánh chẳng ham mến trần.

Tìm chơn lý ngõ gần Tiên Thánh

Học vô vi đặng lánh phàm gian

Thú vui hai chử thanh nhàn

Thung dung tự toại chẳng màng đai cân.

Dạy đệ tử ân cần mối Đạo

Truyền pháp mầu Chưởng Đạo Nguyệt Tâm

Ân ban trần thế giáng lâm

Victor là họ, tên nhằm Hugo.

Nhà văn sĩ bày phô lẽ chánh

Nắm kinh luân nặng gánh cơ đồ

Nhà nhà có phúc hàm phô

Chũng nhờ kinh sách Hugo dạy truyền.

Đầu vọng bái Tiên hiền Chưởng Đạo

Chứng lễ thành lòng thảo chúng sanh

Ban ơn nhỏ phước dân lành

Vun trồng cây Đạo trổ nhành đôm bông.

Từ Bính Dần bóng hồng Phổ Độ

Chói Càn Khôn cứu khổ nhơn sanh

Nhờ ơn các Đấng Trọn Lành

Giáng cơ chỉ bảo mối manh Đạo Trời.

Năm Đinh Mão mở nơi Tần Quốc

Đức Nguyệt Tâm đắc nhứt chỉ truyền

Lập thành Hội Thánh Kim Biên

Mở mang đạo cả ban quyền ngoại giao.

Ơn giáo hóa đồng bào Kiều Việt

Đức từ bi chi xiết gội nhuần

Hiện nay đạo hữu vui mừng

Tự do tín ngưỡng nhờ chưng Đức Ngài.

Lễ kỷ niệm phô bày nghiêm chỉnh

Dâng tấc thành cung kính Thánh Linh

Mong nhờ lượng cả thinh thinh

Thi ân bố đức hóa sanh cứu đời.

 

về trang chủ