Ðại - đạo  Tam -  Kỳ  phổ - độ

Tòa - Thánh  Tây - Ninh

 

BÍ-PHÁP

Lời Thuyết Đạo của ĐỨC-HỘ-PHÁP

Tài liệu do Ban Tốc Ký Tòa Thánh Tây Ninh Sưu Khảo

***

 

ĐỨC-HỘ-PHÁP

Thuyết Đạo Tại Đền -Thánh, đêm 11 tháng 6 Năm Kỷ-Sửu (1949)

Đêm nay Bần-Đạo giảng tiếp sự liên quan Thể-Pháp và Bí-Pháp của Đạo. Trước khi Bần-Đạo giảng tại sao Đức-Chí-Tôn lập hình thể hữu-hình đặng Ngài tạo Đạo.

Đêm nay Bần-Đạo giảng đặng cho cả thảy đều hiểu rõ Thánh-Thể là gì ? Tại sao lấy Tam Bửu ấy là trong người của ta để làm Thánh thể, cả thảy Tam bửu là có một, mà một do ba người hiệp nhứt, cũng như Càn-Khôn Vũ-Trụ sản xuất ba quyền Phật, Pháp, Tăng trong đó có ba người, nhưng trong ba người chỉ có một là Đức Chí Tôn mà thôi.

- Người thứ nhứt là ta hay là thể chất tức-nhiên thân-thể của ta đây.
- Người thứ nhì là chơn-thần tức là trí-não của ta hay là pháp thân; Pháp thân ấy do nơi Kim-Bàn phát hiện, tức nhiên do nơi Phật-Mẫu sanh đẻ ra đó vậy.
- Người thứ ba là chơn linh tức linh-hồn của ta hay linh-thể của chúng ta do nơi Đức-Chí-Tôn sản-xuất, ba món ấy hiệp lại mới thành người. Linh thể của chúng ta từ trước Đạo-Giáo của nhà Phật do Ấn-Độ sản-xuất, tức-nhiên Đức-Phật Thích-Ca đã minh tỏa thể-chất có ba người, Ngài gọi nguyên chất là ( Égo ) người thiệt của chúng ta, tới chừng đem qua Bắc Tông rồi, tức-nhiên họ qua Nho Giáo. Nho-Giáo không có tên mới đặt linh-thể ấy là Tâm lấy tâm đặt tên chơn-thể, chữ tâm ấy do tướng-hình Thiên Lương vi bổn.

Một vật hễ sản-xuất tại mặt địa-cầu nầy đứng trong khuôn-khổ Đạo-Giáo tức nhiên Thiên-Lương của mình, Thiên Lương ấy không tướng hình nên để chữ Tâm. Ấy vậy, chữ Tâm ở bên Bắc-Tông Phật-Giáo tỏa hình Linh-Thể của chúng ta đó vậy, tức nhiên tỏa hình chơn linh của chúng ta, do nơi Đức-Chí-Tôn sản xuất. Ấy vậy ba người trong thân thể chúng ta đang gánh chịu đó ; khi được hình rồi, có hiện tượng tại mặt thế này rồi thì chúng ta ngó thấy chúng ta có ba mối nợ.

Mối nợ của cha mẹ thân sanh ra ta, sản xuất ra ta, là mối nợ trước phải trả. Nếu khi ta đoạt kiếp được, lập vị Thiêng-liêng của mình đặng vô cửa Thiêng-liêng Hằng Sống mà đàng sau lưng của mình có mang ba mối nợ thì vô cửa ai cho, phải trả cho rồi mới vô đặng.

Vì cớ cho nên Đức-Chí-Tôn biểu mình phụng-sự cho Vạn-Linh, đặng trả nợ thi hài của mình, tức nhiên trả nợ máu thịt của mình, nợ ấy ta nhận là công chánh hay oan khúc cho ta ? Thì chúng ta ngó thấy nó rất công-chánh, một giọt Máu, một điểm Tinh của chúng ta thọ nơi phụ mẫu chúng ta, rồi cha mẹ của ta đã thọ của người trên trước nữa, cũng một giọt Máu, cũng một điểm Tinh mà tạo nên thi hài. Cha mẹ đã thọ nơi Ông Bà Tổ Phụ của chúng ta, rồi giọt Máu, điểm Tinh ấy truyền thống cho chúng ta, ta phải chịu khi ấy phải trả, mà trả thì phải khổ cho ta lắm, nếu chạy thì cha mẹ chúng ta phải trả.

Rồi khi cha mẹ sanh ra ta, ta phải nhờ ai mà sống, nhờ ai mà nên người, nhờ ai mà có. Chúng ta sản xuất tại mặt thế gian này tức nhiên nhờ xã-hội nhơn-quần, nhờ ăn mới sống thi-hài thân-thể mới giữ đặng giọt Máu, điểm Tinh, để truyền thống ? Trả đủ nợ ấy cho xã-hội nhơn-quần mới về cảnh Thiêng-Liêng Hằng Sống được. Quả nhiên chúng ta thiếu nợ hay là Tổ Phụ Ông Bà chúng ta thiếu nợ nên chúng ta phải trả; muốn trả phải phụng-sự cho xã-hội nhơn-quần. Đức-Chí-Tôn coi trọng hệ nhứt, nên Ngài mới lập trường công quả này đây. Chỉ có làm công quả nơi của Đạo Cao-Đài nầy mới trả hết số nợ đó mà thôi.

Tiếp sau đây Bần-Đạo sẽ giảng tại sao có mở trường công-quả trong thời buổi này ? Ấy là nơi để chúng ta tạo công, rồi lấy công trả nợ máu thịt mà trả nợ máu thịt tức trả cho xã-hội nhơn-quần đó vậy.

Phụng thờ Tổ-Tiên Ông Bà và Song Thân đó, do Đạo Nhơn Luân Vi Bổn. Mang nợ máu thịt ấy phải trả tức-nhiên làm công quả để lấy công quả trả nợ máu thịt đó vậy.

Xã-hội chúng ta vẫn thấy từ thử đến giờ, chúng sanh vẫn chạy nợ, dầu muốn dầu không họ vẫn trốn nợ bất kỳ là nợ gì ? Cho nên Đức-Chí-Tôn vi chứng rằng: Bây phải trả nợ mà bây đã vay từ trước. Ngài truyền tức nhiên Ngài truyền cho xã-hội nhơn-quần, vì trong Thiên Tánh của Ngài định cho chúng ta trả nợ, mà muốn cho ta dể trả nợ Ngài bảo chúng ta phải làm thế nào ? Chúng ta duy có phụng sự mà thôi. Vì cớ cho nên Ngài lập Đạo là vậy.

Trả nợ nhơn-quần xã-hội rồi mới chỉ có một mối, còn hai mối nợ nữa phải trả chớ, nợ của người sản-xuất ra chơn-thần, là Mẹ đẻ pháp thân tức nhiên Phật Mẫu đó vậy.

Bây giờ Đức-Chí-Tôn Ngài đến đặng Ngài nhìn nhận con cái của Ngài. Đức-Chí-Tôn bảo Đức Phật-Mẫu bà là chủ nợ Bà phải đòi, kêu chúng nó đến trước mặt Bà mà trả cho Bà. Bà đừng để cho nó thiếu nợ mà nó giải thoát không đặng.

Ngài đến mở Đạo nhìn chúng ta là con cái; con cái của Ngài nhìn chủ nợ là Bà, thì chúng ta phải trả, vì cớ cho nên chúng ta thờ phượng Phật-Mẫu là vậy. Chúng ta đến bái lạy Ngài thì chúng ta cũng nguyện dâng cả thi hài, chơn-thần và chơn-linh của ta đặng làm môi giới cho Ngài tạo Đạo, cũng như Đức-Chí-Tôn vậy. Chúng ta trả nợ Đức-Chí-Tôn ra sao thì đối với Phật-Mẫu cũng như thế ấy.

Còn nợ thứ ba nữa là: Nợ đối với Đức-Chí-Tôn. Ngài đã ban cho ta một điểm Chơn Linh của Ngài, tức nhiên chúng ta do nơi Ngài mà sản xuất. Linh Tánh của chúng ta Linh hơn vạn-vật, vì có tánh Trời ở trổng.

Bần-Đạo thuyết minh rằng: Con thú này có Ông Trời ở trổng. Ổng đồng sống với nó. Có Ông Trời đồng sống trong Tánh Linh ấy, mà muốn trả nợ với Đức-Chí-Tôn do nhứt điểm chơn-linh của Ngài sản-xuất thì chúng ta phải làm như Ngài đã làm, đặng kế nghiệp cho Ngài, mà làm như điều của Ngài đã làm. Ở chúng ta không thể gì định được sự trả nợ của các Ngài, sự làm của Ngài có ảnh hưởng thanh túy, tức nhiên là hy-sinh Vạn-Linh mà phụng-sự Vạn-Linh. Chúng ta phải học ở Ngài, cái tánh chất mà Ngài đã làm để chúng ta phụng sự cho Vạn-Linh, như Ngài đã phụng-sự chúng ta thấy trước mặt không thể gì chối cải đặng. Chúng ta thiếu nợ Nhứt Điểm Linh, chúng ta muốn trả nợ phải trả như Ngài; mà muốn trả nợ Vạn linh Ngài phải làm tôi tớ cho Vạn-Linh. Chúng ta vẫn ngó thấy, chúng ta muốn trả nợ cho Ngài thì chúng ta phải làm tôi-tớ cho Vạn-Linh như Ngài đã làm. Chúng ta phải làm Thầy Vạn-Linh như Ngài đã làm Thầy của Vạn-Linh.

Chúng ta trả ba món nợ ấy được rồi, tới ngày chúng ta giải thể của chúng ta, trở về cảnh Thiêng-Liêng Hằng Sống nhập vô Niết-Bàn-Cảnh, không còn ai níu lưng nữa. Phải trả nợ ấy rồi mới vô bởi vì chúng ta đã trả rồi.

 

ĐỨC-HỘ-PHÁP

Thuyết Đạo tại Đền-Thánh, đêm 18 tháng 06 Năm Kỷ-Sửu (1949)

Trước khi Bần-Đạo thuyết về Bí-Pháp chơn truyền của Đạo, Bần-Đạo đã kết luận cái phản khắc Đạo-Pháp, Thể-Pháp, tức nhiên sự phản khắc của Đời và Đạo. Sự phản khắc ấy do nơi Nguyên-khí mà ra, không phải vì Nguyên-khí trong Vạn-Linh mà thôi, Nguyên-khí của vạn loại nữa. Chính Nguyên-khí ấy trong mình của chúng ta đã chuyển xuất ra vậy.

Bần-Đạo cần thuyết cái thi-hài này lấy triết-lý chớ không phải lấy bí-truyền mà luận, thì thi-hài chúng ta đã có nơi mặt địa-cầu này, do nơi nguyên-căn vật dục xuất hiện ra, tức nhiên trong Thất tình nó đi đến cái tình chót hết là tình quyết-định, tình duy chủ, cả mối tình kia thường phản-khắc nhau còn cái tình Dục cốt-yếu duy-chủ định hướng của nó mà thôi.

Chúng ta ngó thấy trong Vạn-Linh nó chia ra hai phần chơn hồn: Tiểu-Chơn-Hồn và Đại-Chơn-Hồn. Tiểu-Chơn-Hồn chia ra làm ba thuyết, mà Tối-Tiểu là Vật-Chất-Hồn, Thảo-Mộc-Hồn và Thú-Cầm-Hồn nó thuộc Tiểu-Hồn.

Nhơn-Hồn thì có thứ Tiểu và có Đại tức-nhiên tình dục định phận nó, muốn Tiểu thì Tiểu, muốn Đại thì Đại.

Đại-Hồn là Thần, Thánh, Tiên, Phật bốn cái Đại-Hồn định Thiêng-Liêng vị cho cả Vạn-Linh. Chúng ta ngó thấy trong mình chúng ta có Thần, có Thú; vì cớ cho nên triết-lý Thất-Tình định duy-chủ, muốn làm Phật thì làm, muốn làm Thú thì làm, bởi nó định theo tình dục của nó. Bây giờ trong thân thể của chúng ta, trong nguyên-bổn của chúng ta, vẫn thường chiến đấu, Phật chiến đấu với thú, thú chiến đấu với Phật.

Hai hình-trạng của Đời và Đạo, Đạo xu-hướng theo Phật, Đời xu hướng theo Thú. Hai tương-quan phản-khắc ngang nhau, vì cớ cho nên thuyết Duy-Tâm và Duy-Vật nó hay tương-đối với nhau. Tình-dục duy-bổn thì thấy trong mình nếu chúng ta muốn thành Phật thì chúng ta làm đặng, muốn đi theo Phật lập-vị mình thì trong Đại-Hồn giúp ta làm đặng. Hay là tình dục ấy muốn đi theo đám Tiểu-Hồn, vì ảnh hưởng trong cá nhân ta mà ảnh hưởng ấy chẳng phải của chúng ta mà thôi. ! Chúng ta ngó thấy trong Vạn-Linh nó có hai con đường đi đặc biệt, không thế gì chối cãi được, thành thử cái phản-khắc tương liên của Đời và Đạo nó đi từ trong cá-nhân của chúng ta mà ra cho tới xã-hội nhơn-quần. Nhân-loại phản-khắc ấy không thể gì tưởng được. Từ thử tới giờ lập-vị Phật như Đức-Phật Thích-Ca cũng chưa giải quyết được; Đức-Chí-Tôn đến kỳ này chúng ta thử hỏi giải quyết hay không ? Cũng phải giải quyết chớ, Ổng đến vạch ra lẽ Phật với Thú ấy để chán chường trước mắt. Con cái của Ổng, Ổng biểu lấy trí khôn-ngoan, lấy huệ khiếu của mình làm môi giới, tùng theo Nguơn Linh làm căn-bản.

Định Phật, muốn Phật, sẵn được Phật; muốn thú được thú, Ông chỉ hai con đường rõ rệt để cho con cái của Ổng quyết-định cho mình. Sự tương-tranh tương-đấu bây giờ trong các xã-hội nhơn-quần trong mặt địa-cầu này, đương nhiên bây giờ cũng tấn tuồng ấy làm hình trạng của nó ra lớn vĩ-đại, chúng ta không để ý mà thôi. Muốn tìm tàng chơn-lý thì rõ-rệt không có gì lạ lùng hết.

May sao, giờ phút này nhơn-loại đương bị trong thảm cảnh khốn-khổ không biết chừng nào; thảm cảnh ấy xô đến cảnh diệt vong của họ nữa mà chưa giải quyết được, vì cả tinh thần bên Phật yếu ớt bên Thú đương tráng kiện, hùng hổ dữ tợn, mà bên Phật thì yếu ớt quá.

Đạo Phật truyền tại mặt địa-cầu này đương nhiên bây giờ vô giá trị; mà hể Đạo hết quyền tức nhiên con vật kia không có kỷ cương muốn chạy đâu thì chạy, muốn làm gì thì làm; muốn làm ngần nào thì đặng ngần ấy; nếu không duy chủ đặng nó, tánh đức không mực thước, không chuẩn thằng, không biết định phận mình thì sẽ xô đẩy đến cảnh diệt vong chớ không có gì lạ hết.

Bởi vậy cho nên Đức-Chí-Tôn đến kêu gọi cả toàn nhơn-loại chỉ con đường diệt vong trước mắt, khôn thì dừng bước lại để biết lấy phận mình đứng mực nào, rồi mình mới phân định được.

Bí-Pháp chơn-truyền Bần-Đạo thuyết không gì khác hơn là chỉ đường, biết giá trị mỗi cá nhân, mình biết mình. Nếu vị Hoàng Tử con của Ông Vua kia lên ngôi Cửu-ngũ trị vì thiên hạ mà không biết giá trị tương lai làm Chúa thì tưởng lại họ như kẻ thường dân hèn-hạ, họ tập thành theo tánh đĩ thõa, điếm-đàng buông lung, thì chẳng khi nào làm Vị Đế Vương xứng đáng đặng. Mình phải biết địa vị mình thế nào, rồi mới thi-hành theo khuôn-luật định của mình, Bí-Pháp chơn truyền là vậy.

Ngày giờ nào cả con cái Đức-Chí-Tôn biết đoạt Pháp, biết mình, biết định phận cho mình, biết ngôi vị của mình, biết giá trị của mình là giờ ấy trật tự an ninh trong cửa Thiêng-Liêng Hằng-Sống Đức-Chí-Tôn để tại mặt thế này, tức nhiên trong cửa Đạo đây mới thiệt giá trị.

Giờ phút này ngó thấy tấn tuồng hỗn độn, con người họ tưởng Đạo Cao-Đài như Thầy Chùa, Thầy Pháp, Bóng-Chàng, nói cái nào cũng được, vì cớ mới có Đảng-Phái dám cả gan bày ra Tả-Đạo Bàn-Môn..... Nếu biết đâu dám làm, vì họ lầm tướng diện của họ cho nên ngày nay mới có cái cảnh tương tàn đánh sát họ kia kìa, bằng đi tới nữa thì không còn chơn tướng nào tồn-tại được.

Ấy vậy, Bần-Đạo đã nói rõ, bây giờ có một điều trọng yếu không lẽ trong cái Bí-Pháp chơn-truyền nói cho mấy người nghe mà thôi, mấy người được đặc ân gì mà hưởng riêng như vậy.

Kể từ đây đến sau, họa may Bần-Đạo có thuyết, là thuyết trong ngày Sóc-Vọng mà thôi, hễ đi cúng nhiều thì nói, bằng không thì thôi. Còn nữa, nếu con cái Đức-Chí-Tôn còn làm biếng đi cúng nữa thì vô nhà tịnh rồi sẽ hay chớ không thuyết nữa.

 

ĐỨC-HỘ-PHÁP

Thuyết tại Đền-Thánh, đêm 29 tháng 07 Năm Kỷ-Sửu (1949)

Đêm hôm nay Bần-Đạo khởi giảng tiếp Bí-Pháp chơn-truyền của Đức-Chí-Tôn.

Trước khi chúng ta muốn hiểu, cái huyền vi của Bí-Pháp ấy thì chúng ta phải tìm coi con người của ta đây có chịu ảnh hưởng với Thể-Pháp ấy thế nào, và ta là gì trước đã.

Ta là gì ? Và có trọng hệ trong cơ-quan bí-mật, Tạo-Đoan Càn-Khôn Vũ-Trụ, và tạo hình thể chúng ta có tại mặt thế này, nguyên do đâu sản-xuất ? Chúng ta đã ngó thấy Đức-Chí-Tôn đến Ngài để trước mặt chúng ta một cái huyền-bí tạo Càn-Khôn Vũ-Trụ.

Bần-Đạo thuyết về " Tam-Bửu" tức nhiên là:

1/- Thi-Hài 
2/- Chơn-Thần
3/- Chơn- Linh.

Đức-Chí-Tôn gọi chung là xác thân. Chơn-thần và chơn-linh, Bần-Đạo xin nói quả-quyết rằng: không có một vật-loại nào trong Càn-Khôn Vũ-Trụ này mà không do quyền năng vô-tận của Đức-Chí-Tôn sản-xuất. Cái nguyên do thế nào chúng ta đã ngó thấy; vạn-vật trong Càn-khôn Vũ-Trụ này phải hoạt động mãi thôi không ngừng, nó nhờ hoạt động chuyển luân mà tấn hóa mãi mãi.

Vạn-vật trong Càn-Khôn Vũ-Trụ dù trái địa-cầu thấy trước mắt hay địa cầu chúng ta đương cư ngụ đây, phải vận hành luôn; ngưng là chết mà cả vạn-vật loài người cũng phải vậy. Nó có lưu động là nhờ khí nổ Thái-Cực buổi nọ, Thái-Cực nổ thành khối lửa; khối lửa nổ trong Càn-Khôn Vũ-Trụ hiện ra muôn muôn triệu triệu ức quả địa-cầu trong Càn-khôn Vũ-Trụ. Quả cầu ấy nguội lại thành địa-cầu chúng ta đương ở đây, là quả địa-cầu 68. Quả cầu ấy là vậy.

Bần-Đạo nói thật không có vật loại nào, chúng ta nam nữ cũng vậy, cũng đồng trong khối chất ấy mà biến ra; Bần-Đạo đứng giữa tòa giảng này, nói tất cả đều chịu ảnh-hưởng Thái-Cực đó định mà có. Ngày giờ chúng ta chết, chúng ta trở về Nguơn khí vô cùng vô-biên ấy, cũng do nơi quyền-năng vận-chuyển của Thái Cực. Cái Nguơn-Linh của chúng ta cũng do quyền năng Thái-Cực mà nó nắm cả Nguơn-linh tạo nghiệp ấy trong Càn-Khôn Vũ-Trụ. Cả cơ-quan hữu-hình, nó tạo Bí-Pháp vô-biên là chuyển luân trong Càn-Khôn Vũ-Trụ hoặc là chuyển luân hình thể, hoặc là chuyển luân Ngươn khí, hay chuyển luân Bí-Pháp Thiêng-Liêng của Ngài.

Ấy vậy, Bần-Đạo khởi giảng trong ba món bửu-bối chúng ta là gì ? Thi-hài chúng ta đồng mạng như sống theo vạn-vật hữu-hình là vật thú; thật sự nó vậy chớ không gì khác hết; nếu chúng ta kiếm theo cái phương pháp " Cách vật Trí-tri " chúng ta đã ngó thấy quả quyết rằng: con người chúng ta không có gì khác hơn con Khỉ, con Chó, con Bò, con Trâu, thật sự nó vậy.

Duy có một điều trọng hệ hơn hết là do nơi quyền năng Tạo-Đoan của Đức-Phật-Mẫu đã tạo chơn-thần chúng ta và hình thể chúng ta khi con người mới thai-bào. Cái tinh trùng ở trong Nguơn khí Cha nhập vô nguồn khí của Mẹ, khi vào lâm bồn của Mẹ thì gặp con âm-trùng Mẹ, con dương trùng của cha nhập vô ôm khích lại với âm-trùng của Mẹ; dương trùng của cha tạo biến thành hình hài xương cốt chúng ta, còn âm-trùng của Mẹ chúng ta biến ra máu thịt của chúng ta đó vậy; hai con vi trùng ấy ôm khít lại với nhau thành tượng biến hình hài.

Hai cái tinh trùng hiệp lại khác hẳn với cái hình tướng tinh-trùng đơn-sơ, khi nhập vào hai con làm một. Cái buổi tượng hình của chúng ta thì chơn-thần của chúng ta còn ở ngoài thân, ngoài cốt hài của hài chúng ta; nó vơ-vẩn hoặc là quanh theo bà Mẹ chúng ta ở dựa bên, nhứt là bà Mẹ đi nơi nào nó đều theo nơi đó. Chơn-thần đến theo người Mẹ có chửa, nếu người Mẹ có Đạo-Đức dám chắc đi đâu chưa có sự gì rủi ro đến đổi thiệt-hại, bởi cớ cho nên đứa con theo mãi, theo cho đến khi tượng hình chúng ta ra khỏi lòng bà Mẹ, chơn-thần ấy mới nhập vô ảnh-hài đó làm khuôn-viên cho ảnh-hài đó.

Tượng hình khuôn-khổ chơn-thần Đức Phật-Mẫu đã tạo cho nó đi bực Tiểu-Hồi nó đi trong thú chất không có chơn-thần nào tạo nhứt phẩm liên-hoa mình cho trọn vẹn.

Họ có can-đảm dám đầu kiếp từ vật-loại đi lên, tạo đến Phật-Vị đặng tạo nhứt phẩm liên-hoa. Phật-Mẫu tạo ra họ buộc họ phải quên cả kiếp trước, bỏ cái cũ nhập vô cái mới đi từ Tiểu-Hồi Vật-hồi đến Nhơn-Loại. Chơn-Linh ấy biết làm người rồi đó, làm cũng như khuôn-khổ chúng ta biết vậy.

Ngộ-nghĩnh thay nếu chúng ta ngó thấy tinh-thần chúng ta đầy-đủ Đạo-Đức chừng nào thì chơn-thần ảnh-hài càng ngày càng đẹp càng tăng tiến.

Bởi thế Tiên-Nho chúng ta có nói: rủi sanh chỗ bất phước: Tiên-Nho ta cho rằng: kiếp tu không có dễ dàng, ít có người tu thiệt tâm-tu, nếu tinh-thần đầy đủ là kiếp sanh mình tạo đầy đủ Đạo-Đức, mỗi kiếp tu của chúng ta mỹ-miều đẹp-đẽ lắm.

Hại thay !!! Chúng ta đã ngó thấy trong nhà Phật, chúng ta quả quyết rằng: những chơn-thần nào bị tội đọa xuống phong-đô trong Kim-Bồn Phật-Mẫu xuất hiện thế nào mà bị đọa xuống cửa Địa-ngục rồi hại thay! Quả kiếp ấy Quỉ-quái thì thành Quỉ-quái không thoát.

Cả tinh thần ấy biến tướng do Nguơn-linh mà ra, vì Nguơn-linh không đủ quyền năng tạo dựng. Tạo dựng Nguơn-linh ấy phát động thế nào, thì Nguơn-linh biến động ra thế ấy. Loài người ở tới chừng nào đoạt-được Đạo nơi mặt đia-cầu này mới thôi.

Kể từ ngày có nhơn-loại nơi mặt địa-cầu - này đến nay chừng một ngàn năm trăm triệu năm nếu đoạt được phẩm vị, đó là nhơn-phẩm chớ không phải là giả-nhơn; chịu trong phẩm giả-nhơn ít nữa một trăm triệu năm, xác thịt họ mới có phương thế dung-nạp nguơn linh Đức-Chí-Tôn.

Chơn-Thần Phật-Mẫu đến theo loài người từ buổi mới tạo ra loài người, còn Nguơn-Linh Đức-Chí-Tôn đến loài người chừng năm chục triệu năm Nguơn linh có trong thân thể của loài người. Đức-Chí-Tôn đến sau chớ không đến trước như Đức Phật-Mẫu. Khi mẹ chúng ta sanh ta ra, nuôi gần năm sáu tuổi cũng chưa biết cha là gì; chưa biết theo cha, nghe hiểu nhìn cha là gì; bảy, tám, chín, mười tuổi mới biết. Buổi ban sơ loài người cũng thế đó.

Phật-Mẫu sanh ra chỉ biết nuôi nấng theo bực Tiểu-Hồi, chớ Đại-Hồi chưa có. Ngày giờ có Đại-Hồi là Đức-Chí-Tôn giáng linh trong thân-thể loài người.

Thánh-Giáo Gia-Tô nói: hình-hài người là đất, Ngài nắn Ngài thổi ra mới biến người. Không phải vậy đâu; nếu nói thân-thể con người thú chất là đúng, duy có Đức-Chí-Tôn đến ở cùng nó mới là Thánh thôi.

Đức-Chí-Tôn ở cùng nó thì là Đại-Hồi (Ego) chớ không phải Tiểu-Hồi (Monad).

Bây giờ ta sống với cái Nguơn-linh mà cái Nguơn-linh xác thịt ấy là Phật và thú; chơn-thần chúng ta làm trung-gian cho thi hài, làm trung gian cơ cũng như làm thông ngôn cho Chơn-linh và xác thịt chúng ta vậy.

Bần-Đạo lấy cái thí-dụ trắng như: cái máy bay, cánh đuôi và mình là xác thịt, cái chong-chóng quây đi được đó là chơn-thần. Người cầm lái điều khiển cho vận hành là cái linh-tánh định cái sống đặc biệt nó là Ngươn-linh.

Bần-Đạo nói lại nữa: cái máy bay, mình, đuôi nó chẳng khác chi như xác chúng ta, chong-chóng quây chạy đó là chơn-thần; người cầm máy làm cho máy bay vận hành theo ý người muốn là Nguơn-linh đó vậy.

Muốn hiểu Bí-Pháp Đức-Chí-Tôn thì xem cái xác thịt của chúng ta và chơn-thần của chúng ta phải chịu ảnh-hưởng thế nào thì cái Bí-Pháp thế ấy. Linh-hồn trúng là chơn-pháp, trật là giả-pháp.

Kỳ tới Bần-Đạo kết vô Bí-Pháp Đức-Chí-Tôn.

 

ĐỨC-HỘ-PHÁP

Thuyết Đạo tại Đền-Thánh, đệm 15 tháng 08 Năm Kỷ-Sửu (1949)

LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ KIM MẪU.

Hôm nay là ngày Lễ kỷ-niệm Bí-Pháp, Bí-Pháp Hội-Yến Diêu-Trì. Đức-Chí-Tôn đã lập trong nền chơn-giáo của Ngài, Bần-Đạo thừa dịp nên thuyết minh cho toàn cả con cái Đức-Chí-Tôn hiểu rõ cái huyền-vi bí-mật ấy, bởi có ảnh hưởng với cơ-quan đoạt Đạo chúng ta tại mặt thế-gian này.

Hơn nữa Bần-Đạo có phương-tiện tỏ ra một đức-tin dị thường của một Đấng yêu-ái, một Đấng tạo Càn-khôn Vũ-Trụ, Đấng Tự-Hữu Hằng-Hữu , Đấng quyền-năng Vô-tận vô-biên, cốt để cho con cái của Ngài thấu đáo cái tâm tình của Ngài đối với ta và ta đối với Ngài dường nào.

Đoạt-đặng đức-tin phi-thường ấy, năm Ất-Sửu tức-nhiên năm một ngàn chín trăm hai mươi lăm (1925), Đức-Chí-Tôn đến với chúng ta, nhưng Ngài đến với một tình bạn mà thôi, đến với một danh hiệu, giờ phút này Bần-Đạo không dám nói. Ngài đến cũng làm bạn Thượng-Phẫm và Hộ-Pháp. Tháng 2 năm ấy Ngài dùng cơ bút huyền-diệu của Ngài, Ngài dạy vọng Thiên-Bàn Cầu Đạo (điều mà chúng ta không thể tưởng tượng đây là một cử chỉ ) ai cũng lấy làm lạ, nhiều người muốn tầm Đạo phải để một dấu hỏi; hỏi tại sao buổi ấy Thượng-Phẩm và Hộ-Pháp có một đức-tin vững-vàng nghe theo lời Ngài vọng Thiên-Bàn Cầu-Đạo. Điều mà chúng ta không thể tưởng-tượng, đây là một cử-chỉ chung chớ không phải cá-nhân Thượng-Phẩm hay Hộ-Pháp mà lời huấn-giáo của Ngài cốt-yếu để cho toàn thể nhân-loại nơi mặt địa-cầu này nhứt hơn hết là nòi giống Việt-Nam chúng ta.

Bần-Đạo nói đây: Còn có Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương-Hiếu là người bạn Cao-Thượng-Phẩm và Bần-Đạo buổi ban sơ thấu hiểu điều ấy, Ngài đến với một tình cảm đáo để, một đức-tin vững-vàng làm sao đâu ? Không thể sợ đặng; không còn biết vị-kỷ nhục-nhã chi hết; giữa khoảng đường nơi Châu Thành Sài-gòn thiên-hạ tấp-nập mà Đức-Chí-Tôn buộc phải quỳ ngoài đường dựa bên lề ấy, quỳ đặng cầu-nguyện xin Đạo cho chúng sanh, tội nghiệp thay !!! Ngài thử thách cho đến nước thoảng như mình quỳ đó mà thiên hạ không hiểu mình quỳ làm gì thì cũng ít mắc cở chút mà cũng có thể quỳ, còn làm mà người biết thì nhột-nhạt khó chịu lắm, nhưng sợ Đức-Chí-Tôn phải rán mà làm.

Ngoài ra có Ông bạn ai cũng đều biết danh của người là nhà thi sĩ danh tiếng; Bần-Đạo dám chắc nội trong Nam-Bộ chúng ta đây chưa có ai bằng, nổi danh thi sĩ đứng đầu hết thảy là người ấy, không biết chứng cớ gì mà người mê thi-phú của Đức-Chí-Tôn quá chừng quá đổi, đến nước người thuộc lòng thi-phú của Đức-Chí-Tôn rồi người họa lại với Đức Chí Tôn, người làm như mê-man vậy. Bần-Đạo thì nhột-nhạt, duy có sợ mà vâng mạng lịnh thi-hành, quyền giáo-hóa của Đức-Chí-Tôn, còn người " Thi sĩ Bồng-Dinh" họa theo đó mà ngâm, thiên-hạ thấy tấn-tuồng dị-hộm tụ lại xem đông lắm. Trước để một cái bàn vọng thiên cầu Đạo, ngay chính giữa coi bộ dị-hộm lắm, Bần-Đạo mới gát hai tay lên cho đở mắc cỡ, vừa gát tay lên thì cái bàn quây gõ nói chuyện.

Các Đấng Thiêng-Liêng đến không biết bao nhiêu, đến các Vị Giáo-Chủ cũng xuống giảng dạy chúng ta và làm nhiều kiểu lạ lắm: cũng lúc này Đức-Chí-Tôn đã giáo hóa khá lâu, các Đấng Thiêng-Liêng cũng đến cùng Thượng-Phẩm và Hộ-Pháp, tuy mới mà đủ đầu óc có một đức-tin vững-vàng, đức tin ấy có thể nói rằng: tuy buổi ban sơ mà dường như khối óc đã thâm hiểu nhiều rồi; nên Đức-Chí-Tôn mới ra lệnh biểu làm một cái tiệc. Ngài dạy sắp đặt cái tiệc ấy để đãi Đấng vô hình; đãi 10 người: Đức Phật-Mẫu và Cửu-Vị Tiên-Nương. Phần hữu-hình có 3 người Thượng-Sanh, Thượng-Phẩm và Hộ-Pháp. Sắp tiệc ấy do tay Bà Nữ Chánh-Phối-Sư Hương-Hiếu vâng mạng lịnh tạo thành một tiệc, trên bàn thờ Phật-Mẫu, ở dưới sắp 9 cái ghế cũng như có người ngồi vậy. Chén, đũa, muỗng, dĩa, bất kỳ cái gì cũng giống như đải người hữu-hình vậy; duy có 3 người có xác thịt là Thượng-Sanh, Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp. Bần-Đạo mới hỏi tiệc này là tiệc gì ? Ngài nói là Hội-yến Diêu-Trì, Bần-Đạo nghe nói vậy thì hay vậy chớ không biết giá trị Hội-Yến là gì cả. Nghĩ chắc cũng có ảnh-hưởng gì cần-yếu đến tương-lai của Đạo mà vâng lịnh thôi. Chớ không hiểu nghĩa lý cho cùng cạn gì hết. Ba người sống đồng ngồi ăn, còn Bà Phối-Sư Hương-Hiếu gắp đồ ăn để vào chén cho 9 vị và trên bàn thờ cho Đức-Phật-Mẫu cũng như người sống kia vậy.

Bần-Đạo còn nhớ một chuyện lạ-lùng, lúc đó lấy làm kỳ quái không hiểu gì hết, giờ biết Đạo mới hiểu Đức-Chí-Tôn buổi nọ lấy một tên riêng đối với Bần-Đạo; bây giờ Bần-Đạo không dám nói lại, Ngài đến làm bạn cùng Thượng-Phẩm và Hộ-Pháp.

Chừng Hội-Yến Diêu-Trì rồi các Đấng Thiêng-Liêng và các Vị Giáo-Chủ ra từ giã (thăng) kế Đức-Chí-Tôn đến nhập cơ. Thượng-Phẩm và Bần-Đạo tọc-mạch hỏi:

- Khi nãy Diêu-Trì-Cung đến có Ngài đến ở đó không?
Đức-Chí-Tôn trả lời:
- Có chớ, ta ở đây từ khi ban-sơ đến giờ.
-Ngài có thấy Diêu-Trì đến không ?
- Có chớ, chính mình ta tiếp đãi !
Cao Thượng-Phẩm hỏi:
- Diêu-Trì-Cung ngó thấy Ngài không ?
-Không ngó thấy.
Cao Thượng-Phẩm hỏi:
- Sao vậy ?
Ngài trả lời: -Ngài dùng phép ẩn thân.
Bần-Đạo tọc mạch hỏi tiếp:
- Như đứa em của tôi là Thất-Nương Diêu-Trì có thể đoạt đặng chăng ?
- Đoạt đặng chớ;
Cao Thượng-Phẩm hỏi:
-Phải làm sao ?
Ngài nói:
-Phải tu, bằng không tu thì chẳng đoạt đặng.
Bần-Đạo hỏi:
- Tu chừng bao lâu mới đoạt đặng ?

Cái đó Ngài làm thinh. Bần-Đạo hỏi một năm, năm năm, một ngàn năm, mười ngàn năm, một trăm ngàn năm,...... Ngài cũng làm thinh, rồi thôi không hơi sức nào hỏi nữa, không biết chừng nào mới đoạt đặng, nghe vậy hay vậy. Các Vị Nữ Phái rán nhớ Diêu-Trì-Cung, Bần-Đạo có giải nghĩa Hội-Yến Diêu-Trì là gì rồi đó.

Toàn Thánh-Thể Đức-Chí-Tôn và con cái của Ngài rán để ý cho lắm: Từ khi Đạo bị bế Ngọc-Hư-Cung bác Luật, Cực-Lạc Thế-Giái thì đóng cửa nên chúng sanh toàn cả Càn-Khôn Vũ-Trụ có tu mà thành thì rất ít, bởi phương-pháp khó-khăn lắm, muốn đoạt Pháp không phải dễ.

Cổ-Pháp định cho các chơn-hồn về nơi Diêu-Trì-Cung hưởng được Hội-Yến Bàn-Đào tức nhiên hưởng được Hội-Yến Diêu-Trì, ăn được quả Đào-Tiên, uống được Tiên-Tửu mới nhập vô cảnh Thiêng-Liêng Hằng-Sống gọi là nhập tịch. Ôi thôi ! Từ thử đến giờ có ai đặng hưởng, nếu có đặng hưởng cũng một phần rất ít.

Giờ phút này Đức-Chí-Tôn quyết-định tận độ con cái của Ngài thay vì Bí-Pháp ấy độ con cái của Ngài về nơi Kim-Bàn Phật-Mẫu đặng hưởng đặc ân Thiêng-Liêng của Đức-Chí-Tôn.

Đức-Chí-Tôn buộc Phật-Mẫu phải đến tại mặt thế gian này để Bí-Pháp Hội-Yến Diêu Trì tại cửa Đạo này cho con cái của Ngài giải-thoát, ấy là một Bí-Pháp Thiêng-Liêng duy có tay Ngài định pháp ấy mới đặng.

Hôm nay là ngày Phật-Mẫu đem Bí-pháp đặng giải thoát chúng sanh, tận độ toàn Vạn-linh sanh chúng; Ngài để tại mặt thế này trong cửa Đạo này mà thôi.

Hôm nay ngày Lễ của Ngài mà cũng là ngày trọng hệ trong cửa Đạo; xin toàn cả con cái của Ngài nhớ và để nơi tâm mình, bởi thế năm nào Bần-Đạo cũng để ý đến Lễ của Ngài hơn hết; từ tạo thiên lập địa đến giờ chưa có ai hưởng được thời kỳ này, Ngài đến tại mặt địa-cầu 68 này đặng tận-độ con cái của Ngài.

Chúng ta phải chiêm-ngưỡng ơn vô-biên vô-tận của Ngài. Chúng ta phải chiêm-nghiệm Lễ này để làm mật-niệm cám ơn Đức-Chí-Tôn và Phật-Mẫu ấy là Bí-Pháp của chúng ta đó vậy./.

 

ĐỨC-HỘ-PHÁP

Thuyết Đạo tại Đền-Thánh, đêm 1 tháng 09 Năm Kỷ-Sửu (1949)

Bần-Đạo hứa mỗi kỳ Sóc-Vọng thì thuyết Bí-Pháp. Hôm nay Bần-Đạo khởi thuyết về Bí-Pháp. Có nhiều yếu tố Bần-Đạo phải minh bạch ra cho toàn con cái của Đức-Chí-Tôn hiểu cái sơ-yếu của Bí-Pháp đối với ta và đối với Đức-Chí-Tôn.

Bần-Đạo khởi giảng cho hiểu tại sao Đức-Chí-Tôn mở Tam-Kỳ Phổ-Độ gọi là mở Cơ-quan tận độ chúng sanh ? Đức-Chí-Tôn sai Hộ-Pháp giáng thế; tại sao Ngài không dùng cơ bút để truyền Bí-Pháp cho con cái của Ngài; Ngài chỉ giáng bút truyền cho Hộ-Pháp mà thôi. Vì cớ cho nên bạn của Bần-Đạo nơi Hiệp-Thiên-Đài có lắm người thắc mắc về vụ đó. Không có lạ chi; mở cơ-quan tận độ chúng-sanh tức nhiên là lập một khoa thi sang Tam Chuyển tái phục Thiêng-Liêng vị nơi cảnh vô hình; mỗi chuyển tức nhiên mỗi khoa-mục của các Đẳng Chơn-hồn cần phải thi đặng đoạt vị: Thăng hoặc Đọa.

Bởi cớ cho nên Đức-Chí-Tôn gọi là trường thi công-quả là vậy. Đức-Chí-Tôn cho Hộ-Pháp và Thập-Nhị Thời-Quân đến cốt yếu để mở cửa Bí-Pháp ấy đặng cho Vạn-Linh đoạt vị. Cả thảy đều hiểu rằng Đức-Chí-Tôn buổi mới sơ khai chưa tạo thiên lập địa, Ngài muốn cho Vạn-linh đặng hiệp cùng Nhứt-Linh của Ngài do quyền-năng sở-hữu của quyền hạn Thần-Linh.

Ngài vừa khởi trong mình quyết-định thi-hành điều ấy thì Ngài nắm cái Pháp. Trước Ngài chỉ là Pháp, vì cớ cho nên ta để Phật tức nhiên là Ngài; kế thứ nhì là Pháp hễ nắm Pháp rồi Ngài phán-đoán vạn-vật thành hình; Ngài muốn vạn-vật thành hình tức nhiên Tăng, cả Vạn-Linh đều đứng trong Tăng. Ấy vậy, Pháp là chủ của Vạn-Linh. Bởi do nơi Pháp, Vạn-Linh mới chủ tướng biến hình do nơi Pháp, mới sản xuất Vạn-Linh; Cả huyền-vi hữu-hình Đức-Chí-Tôn tạo Đạo do nơi Pháp. Chúng ta biết Pháp thuộc về hình-thể của Vạn-Linh, vì cớ cho nên Đạo-Giáo minh tỏa rõ-rệt Tam Châu Bát-Bộ thuộc về quyền Hộ-Pháp. (Tam-Châu Bát-Bộ Hộ-Pháp Thiên-Tôn )

Tại sao gọi Tam-Châu Bát-Bộ là: Đông Thắng Thần-Châu, Tây-Ngưu Hóa-Châu, Nam Thiện Bộ-Châu, đều thuộc quyền hạn của Hộ-Pháp, còn Bắc-cù Lưu-Châu để cho các phẩm chơn hồn Quỷ vị nó định phận tại nơi đó, định nơi cư trú tại đó. Nó có một quyền năng vô định chẳng cần chỉ giáo; để đặc biệt một Châu cho Quỷ vị ăn năn tu học đặng đoạt vị; ba Bộ-Châu kia thuộc quyền hạn Hộ-Pháp giáo-hóa, duy có Bắc-Châu Ngài không thường ngó tới lắm, để cho nó tự-do làm gì thì làm, khôn nhờ dại chịu.

Bát-Bộ là gì ? là nơi Bát Phẩm chơn-hồn chớ có chi đâu; Tám hồn là gì: là Vật-Chất hồn, Thảo-Mộc hồn, Thú-Cầm hồn, Nhơn-hồn dĩ chí cho đến Thần, Thánh, Tiên, Phật. Tám bộ ấy thuộc về quyền hạn Hộ-Pháp thiên vị nơi Đức-Chí-Tôn gọi đến tạo cơ-quan tận độ chúng-sanh không còn ai khác hơn Hộ-Pháp, chính Hộ-Pháp trách-nhiệm ấy.

Hạnh-phúc thay cho nhơn-loại! Hạnh phúc thay cho Vạn-Linh! Đức-Chí-Tôn đã đem một hồng-ân tối đại để nơi mặt địa-cầu 68 này. Tại sao Đức-Chí-Tôn giao cho Hộ-Pháp ? Bần-Đạo nói thật giờ phút nào Bí-Pháp duy-chủ quyền Đạo là giả tướng mà thôi, không có chơn thật gì hết. Nếu chúng ta tu mà không đoạt Pháp được tức nhiên chúng ta không giải thoát đặng, thì kiếp tu chúng ta không hữu-ích chi hết.

Đức-Hộ-Pháp đến cốt yếu đem Bát-Phẩm chơn-hồn Thăng vị: nhiều hoặc ít, có thể một đẳng cấp từ Vật-Chất Hộ-Pháp đem lên Thảo-Mộc, Thảo-mộc đem lên Thú-Cầm, Thú cầm đem lên Nhơn-loại dĩ chí Phật vị, Hộ-Pháp có thể chỉ định cho họ đặng. Bởi trong quyền ấy Đức-Chí-Tôn nói trọng quyền thì trọng phạt. Quyền hành nắm chẳng phải nơi mặt thế gian này mà thôi, Hộ-Pháp và Thập-Nhị Thời-Quân, không phải quyền tại thế gian này, quyền nơi cửa Đạo Cao-Đài này, cũng không phải tại đây nữa. Bần-Đạo nói đây là quyền Đạo Cao-Đài cả Thiêng-Liêng Hằng Sống.

Cao-Đài Đại-Đạo cảnh vô hình kia y như lời Tiên-tri của Công-Giáo tức nhiên Thiên-Chúa-Giáo nói: Trên nước Thiêng-Liêng Hằng Sống kia Đức-Chí-Tôn gần đến và đã đến, đến thời buổi này; ấy vậy, bây giờ chúng ta tìm coi cái tương-liên chúng ta đối với Đức-Chí-Tôn, Đức-Chí-Tôn biểu chúng ta làm gì, và chúng ta đã làm gì ?

Đức-Chí-Tôn muốn ta làm Thi-Hài Hữu-Hình của Ngài, tức-nhiên Ngài đến lập Thánh-Thể của Ngài là Hội-Thánh. Hội-Thánh của Ngài để thay hình ảnh cho Ngài. Muốn thay hình ảnh cho Ngài thì phải đổi cho Ngài cái gì ? Ông đem cơ giải thoát, đem phẩm vị Thiêng-Liêng cho chúng ta, đem tận nơi tay cho chúng ta đặng chúng ta định vị; rồi Ổng đòi chúng ta đổi chọn cái gì ? Ổng đòi chúng ta đem đổi ba món Báu là " Tam-Bửu" là Tinh, Khí, Thần. Cái liên-quan mật thiết Tinh, Khí, Thần là gì ? Đối với thi-hài chúng ta nó bảo-trọng thế nào mà Đức-Chí-Tôn đòi đó mà thôi ? Nếu không có nó chẳng hề khi nào Đức-Chí-Tôn tạo thành Thánh-Thể của Ngài đặng. Ngài lấy ba cái vật tỷ như: ba món báu trong mình chúng ta; Hoa, Ngài tỷ như thân-thể chúng ta; Rượu, Ngài tỷ như trí-thức tinh-thần khôn-ngoan của chúng ta; Trà, Ngài tỷ như linh-hồn của chúng ta, mà thật ra trong mình của chúng ta có ba món ấy là báu mà thôi.

Ngộ-nghĩnh thay chúng ta nên để ý điều này. Đức-Chí-Tôn biểu chúng ta mỗi ngày phải dâng ba món ấy: ba món trọng hệ hơn hết là Tinh, Khí, Thần. Thường ngày chúng ta chỉ lấy Khí, Thần dâng mà thôi, còn Tinh thì Tiểu-Đàn hay Đại-Đàn mới có. Ngài chán biết thi-hài của chúng ta chẳng phải chúng ta làm chủ nếu đòi quả-quyết nó thì nó đi đặng phụng-sự cho Vạn-Linh thì không có làm gì được, nên Ổng không buộc mà để cho nó có quyền tự-do định-phận của nó. Nội bao nhiêu đó chúng ta cũng ngó thấy cái lòng Đại-Từ Đại-Bi của Ngài đến thế nào. Thể-chất kia mà Ngài không ràng buộc không ép bức để cho nó định phận, tưởng coi ai có nhân từ đến mức đó không ?.

Kỳ tới Bần-Đạo sẽ giảng tiếp về trí-não và tâm-hồn như thế nào./.

 

về trang chủ