ÐẠI ÐẠO

GIÁO LÝ và TRIẾT LÝ

 
HT TRẦN VĂN RẠNG
1974

 

* * *

 

Phần Thứ Hai

QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI

CHƯƠNG I

CÁC GIAI ĐOẠN TẠO DỰNG CHÚNG SANH

 

Sự hình thành con người theo Thần học Cao Đài trãi qua 3 giai đoạn : Khởi đầu khí Hư vô sinh ra Đức Cao Đài, rồi Ngài tạo ra vạn vật, sau cùng mới phối hợp âm dương sanh ra con người.

 

Giai đoạn 1 : "Khi chưa có chi trong Càn Khôn thế giới thì khí Hư vô sanh ra một Thầy. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là vật chất, thảo mộc, côn trùng thú cầm gọi là chúng sinh" (TN1, tr.62).

 

Giai đoạn 2 : "Khi Đức Chí Tôn đem dương quang ấm áp làm cho hóa sinh thì cái khoảng âm quang phải thối trầm làm tinh đẩu sanh hóa vạn linh" (TN2, tr.85).

Như thế, sự hiện diện của con người là do âm dương tác hợp mà sanh hóa, hoặc do tu tiến mà chuyển hóa, hoặc do Tiên Thánh giáng trần làm người để giáo đạo.

 

Giai đoạn 3 : Đức Chí Tôn dạy tiếp : "Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật" (TN1, tr.48), "Nên chi các con là Thầy, Thầy là các con" (TN1, tr.30).

Một đàng khác, Đức Chí Tôn dạy : "Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các đạo" (TN1, tr.48).

 

Như vậy Đức Chí Tôn xác định rõ trước hết Ngài tạo vũ trụ dần dần theo thứ tự : trước tiên tạo ra đất đá, sông núi biển, kế đến dựng cảnh quang thảo mộc, rồi mới đến côn trùng nhằm tạo môi trường sinh sống cho thú cầm. Các vật chất vô tri như đất nước, gió lửa thiếu tự giác nên gọi là vô tính chúng sanh, còn các sinh vật có năng lực hoạt động và có cảm giác gọi là hữu tính chúng sanh.

 

Sau khi tạo đủ điều kiện cho sinh hoạt loài người, Đức Chí Tôn mới dùng dương quang phối hợp âm quang tức "âm dương hữu hạp biến sanh, Càn Khôn sản xuất hữu hình" (KL, tr.101) mà tạo ra con người với điển linh quang của Ngài. Con người, như vậy phối hợp đủ tính chất của thiên địa nên gọi con người là tiểu thiên địa. Trời có Tam tài là Thiên, Địa, Nhân, người có Tam bửu là tinh, khí, thần. Chính nhờ có điển linh quang và chơn dương mà con người có thể tu luyện thành Tiên, Phật, nên "có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật". Như thế Đức Chí Tôn đã giành cho con người nhiều ưu ái nhất.

 

Tiên, Phật cũng xuống trần làm người để phổ độ nhân sanh, gọi là khách trần (TN2, tr.3) các vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm tu luyện cũng có thể thành người, rất hạn hữu, nhưng phải thoát kiếp sang đầu thai một tinh cầu khác. Theo thần học Cao Đài, chúng sanh cũng như thế giới, tùy luật tuần hoàn mà có lúc thành, lúc trụ, lúc hoại, lúc sinh. Khoảng thời gian ấy gọi là kiếp. Sau khi qua một kiếp thì linh hồn (gọi đúng là chơn thần) tiến sang một thế giới khác hoặc linh hồn thọ âm dương sẽ thành hữu hình ở thế gian. Như vậy, một kiếp là quan niệm về thời gian của thần học Đạo Cao Đài.

 

Ngoài con người mọi sinh vật khác tu luyện đều có thể thành người : "Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh". Tám hồn là vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Những sinh vật dưới người như thảo mộc phải tu tiến qua từng kiếp chớ không phải nhảy vọt được, riêng từ Thần hồn trở lên đều do linh quang giáng trần thành khách trần một cách dễ dàng vì đã qua kiếp người.

 

Quan niệm sự chuyển hóa con người như vậy có người cho là ảo tưởng. Nhớ lại, khi Gallíe cho quả đất là hình cầu, nhưng dân La Mã vẫn cho là hình tròn, lúc ra tòa Gallié đã tuyên bố 1 câu thời danh là "Tôi lầm nhưng trái đất vẫn quay" (Jesuis trompé, mais la terre quitourne). Mặt khác, khoa học đã khám phá ra nhiều sự kiện có vẻ vô lý mà lại là chân lý. Chẳng hạn, vật chất có thể biến thành ánh sáng chạy theo đường cong và thời gian co dãn theo sự chuyển động hay tùy theo dân lực giới …

 

Do đó, cái mà giác quan hay lý trí con người chưa cảm giác hay chứng minh nổi đâu phải là không có, bằng những con tính, nhà bác học Einstein đã chứng tỏ không gian cong trong một chiều thứ tư nào đó mà ta không thể hình dung nổi. Mặt khác, khoa học ngày nay phải chấp nhận sự kém cỏi trong việc tìm hiểu vật chất. Người ta chưa hình dung được điện tử ra sao ? Nó có phải là vật chất hay chỉ là luồng sáng. Nhà bác học Đức Heisenberg phải phân các hiện tượng ra làm hai loại : xét nghiệm được và không xét nghiệm được, chỉ có thể đoán qua suy luận như điện tử chẳng hạn. Như thế "Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh" (1) vượt qua tầm hiểu biết và xét nghiệm của khoa học. Đó là đặc điểm của thần học, là tiên tri của giáo lý Cao Đài.

 

Tóm lại, mọi vạn vật chi chi trong vũ trụ đều do Đức Cao Đài sinh thành. Con người là sản phẩm có cấu trúc tinh vi nhất mà Ngài sủng ái đặc biệt nhất ban cho nhiều tri thức và phương tiện sinh tồn nhất để thay Ngài, nên Ngài gọi con người là thượng sanh (2) mà thống ngự vạn vật đem lại hạnh phúc cho toàn thể nhân loại.

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
(1) Chúng sanh chỉ chung các loài biết bò, bay, máy, cựa, còn theo nghĩa hẹp là nhân sanh.
(2) Tân luật … SĐD, tr.97-99 trong kiếp hữu sanh, phẩm người là cao hơn hết nên gọi là Thượng sanh.

 

 

CHƯƠNG II

LINH HỒN VÀ BA THỂ CỦA CON NGƯỜI

 

Giáo lý Cao Đài xác nhận con người có linh hồn, nếu không có linh hồn thì cũng không có Đạo Cao Đài. Nói cách khác, linh hồn là một tiểu linh quang của Đức Chí Tôn phân tánh ban cho (TN1, tr.95), nên tâm ta động hay ước nguyện điều gì thì đại linh quang của Ngài sẽ cảm ứng ngay vì cùng tần số vi ba, một nguồn gốc mà hóa thành, chẳng khác gì trung tâm điện toán, một tế bào quang điện nhiễu động thì trung tâm có phản ứng ngay. Chính nhờ đó mà Đạo Cao Đài mới thông linh được Tiên, Phật qua cơ bút.

 

Người là sinh vật thiêng liêng trong các loài, nên có đủ 3 phần trong một cơ thể: hình hài, chơn thần, chơn linh (hay linh hồn, lương tâm) (1). Trong khi đó, loài thảo mộc chỉ có xác do tế bào cấu thành : gốc trở xuống ngọn quay lên. Như thế, gốc là đầu, ngọn là chơn nên không di chuyển được (2). Rồi tiến hóa lên hạng thú cầm đầu và đuôi ngang nhau, ngoài xác do tế bào cấu thành, còn thêm đệ nhị xác thân (tức hơn thần). Do đó, loài thú cầm có hoạt động, biết ăn uống, ham muốn, ghét sợ như con người. Nhưng nếu chỉ như thế thì con người khác chi con vật. Thế nên, Đức Chí Tôn mới tạo ra con người đứng thẳng : đầu ở trên, chơn ở dưới, ban thêm linh hồn hay lương tâm (TN2, tr.66) để hạn chế lòng ham muốn dục vọng.

 

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *~~
(1) Xem CAO QUỲNH CƯ, Luật tam thể , Tây Ninh 1970.
(2) Một nhà văn Anh quốc viết một chuyện giả tưởng là trong tương lai loài cây sẽ biết di chuyển.

Hình hài con người khởi đầu là tinh dịch phối ngẫu với noãn sào thành khối tế bào có âm dương, tế bào mẹ dần dần phân hoá thành hình người (3). Đó là nhục thể, một cái xác không hồn, không chơn thần.

"Chơn thần là nhị xác thân, là khí chất bao bọc thân thể, của xuất nhập của nó là mỏ ác" (TN1, tr.78). khi ta ngủ thì chơn thần đi vào thế giới khác thích hợp với hoạt động tu tĩnh riêng của nó, nên dù bị rệp cắn hay muỗi đốt ta cũng không hay vì chỉ có cái xác tế bào mà thôi. Nhưng chơn thần vẫn còn giữ liên lạc với hình hài bằng nhơn điện, nên trái tim còn đập, phổi còn thở dưới dạng vô thức.

Bản chất của nhị xác thân ở trạng thái khí giống y hình hài. Nhiệm vụ của nó là thu hút sanh khí (chơn dương) trong vũ trụ để nuôi sống tế bào và khí hư vô giúp hình hài an nhàn vô bịnh (ĐT, tr.47); đồng thời nhận lấy kinh nghiệm của kiếp chúng sanh để khi bỏ xác đến tinh cầu thanh cao hơn vun bồi sự sống. Thế nên, nhị xác thân là chơn thân, còn hình hài là giả thân vì nó sẽ bị ôi rửa khi ta chết.

"Cái xác thân thiêng liêng là nhị xác thân, khi còn ở nơi xác phàm rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu. Cái chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật thì huyền diệu vô cùng, bất tiêu, bất diệt. Bậc chơn tu khi đắc đạo có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du thiên ngoại. Các chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy" (TN1, tr.6).

~~~~~~~~~~~~
(3)Tế bào là yếu tố cấu thành thể xác các sinh vật. Hình thức phức tạp gồm có 3 phần : nguyên sinh chất, hạt và nhân.

 

Có nhiều người chết, cái chết rất khó khăn vì chơn thần còn luyến tiếc hồng trần, nên cần phải giải oan, độ hồn để chơn thần có đủ nghị lực rời khỏi tử thi trở về cõi thiêng liêng hằng sống vì luật ân xá ba kỳ chỉ độ dẫn cao thăng (KL, tr.102). Như vậy, trong chơn thần ta có 2 phần : ngươn thầnthức thần.

 

Thức thần chỉ làm những điều vô đạo, ích kỷ, tội lỗi, ngược lại ngươn thần thì chống lại những điều sái quấy ấy. Thế nên, sự gì không làm cắn rứt lương tâm là của ngươn thần, còn sự gì làm nhức nhối lương tâm (dạng khác của linh hồn) là của thức thần.

 

Phần thứ ba của xác thân là linh hồn hay chơn linh, hay lương tâm hay Thần là điển linh quang của Đức Chí Tôn ban cấp Ngài dạy :

    "Nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sinh tồn mà đặng phép giao thông cùng cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và các đấng trọn lành nơi Ngọc Hư cung. Các chơn linh ấy có tánh Thánh nơi mình, chẳng phải gìn giữ các con mà còn dạy dỗ các con".

Vậy linh hồn có nhiệm vụ thông công các đấng để dạy dỗ xác thân nên còn gọi là lương tâm. Thế nên, lương tâm con người rất sáng suốt, quán cổ tri kim, khiến con người làm điều hay sự phải, giục con người mến đạo đức, chuộng tinh thần, biết thuận theo thiên lý. Cái kiến thức ấy (của các nhà bác học chẳng hạn) là một hoạt động của linh hồn duy nhất mà ta cảm thấy được. Thế có nghĩa linh hồn là nguồn gốc của sự khôn ngoan, chỉ nhận thức được chớ không sờ mó được.

 

Cái tánh Thánh trọn lành của linh hồn thường bị thức thần của xác thân dục động, đưa đẩy làm cho cháng váng cái thanh quang, sanh lòng quấy phá. Thế nên, muốn linh hồn được trong sạch thì xác thân phải khang kiên và hướng thượng, để có thể tiếp điển quang của các đấng mà giáo hóa chính mình và cho cả nhân loại.

 

Những điển quang, từ cõi xa xăm của các đấng phóng đến làm máu to lưu chuyển, tế bào ta thay đổi kích động linh hồn tiếp điển, rồi ra lịnh cho trung tâm não khiến tay viết ra thành chữ mà giáo hóa vạn loại.

 

Tóm lại, trong mỗi một con người gồm có bảy thể cần yếu là : xương, máu, thịt, chơn dương, tinh, khí, thần theo quan niệm cũ, thần học Cao Đài gom lại còn ba :

-Xương, máu, thịt gọi là xác thân (hình hài) thuộc hữu hình còn chơn thần có hình thức giống y xác thân nhưng ở thể khí đại diện xác thân ở cõi vô hình nên hấp thụ khí chơn dương (tức khí hư vô, khí hạo nhiên). Còn linh hồn còn được điển linh quang của Đức Chí Tôn ban cấp tức thần. Thần và khí là 2 thể vô hình đều có nhiệm vụ lo cho xác thân. Tinh chỉ là sản phẩm của xác thân, nó hoạt động nhịp nhàng với Thần để được ban cấp tiểu linh quang, khi một giọt tinh dịch phối thành tinh đẩu (TN2, tr.85).

 

Con người biết giữ gìn ngươn tinh đầy đủ thì làm cho chơn thần an vui, linh hồn minh mẫn. Khi chơn thần thảnh thơi mới hút khí hạo nhiên châu lưu vận hành trong hình hài mà nuôi lấy ngươn thần. Nhờ đó, luyện tinh bảo tồn ngươn khí, luyện khí hoá thần mà hườn hư. Hễ hườn hư (vô) tức đạo chuyển mà phản bổn hườn nguyên đặng thành Tiên tác Phật.

 

Tóm lại, thần học Cao Đài xác nhận : xác thân là giả thân sẽ bị tiêu hủy sau khi chết, chơn thần mới là chơn thân ở thể khí phản ánh đúng mọi thể, mọi lẽ của xác thân, nên chính chơn thần mới đi chuyển kiếp và đến trước mặt Thầy, chớ không phải linh hồn. Vì linh hồn là điển linh quang và là chơn linh giữ gìn chơn thân, vốn trọn lành, có tội phước đâu mà phải đầu thai. Đó là một quan niệm tiến bộ của thần học Cao Đài.

 

Chính nhờ điển linh quang mà con người mới liên lạc được với thế giới vô hình. Bởi các cõi trời từ trược tới thanh, từ năng tới nhẹ, từ tối tới sáng đều có những tần số điển khác nhau của đấng Chí Tôn tạo thành. Các cõi ấy trước sự sống tồn tại là nhờ nguồn điển lực cung cấp từ trung tâm vũ trụ đấng Chí Tôn là đại linh quang, con người là tiểu linh quang của Ngài.

 

(Luật Tam Thể)

Do đó, điển lực của Ngài và các tầng trời Ngài thống trị phát ra, cái máy thu thanh con người đương nhiên phải nhận được. Đó là nguồn cội cơ bút Đạo Cao Đài.

 

Khoa học cũng đã xác nhận : vào năm 1968, nhà khoa học Nga P.Guláep nhờ máy có độ nhạy cao đã ghi nhận được điện trường sinh học xung quanh tế bào thần kinh học. Dựa vào phát minh ấy, A.Prexman đề ra giả thuyết rằng các cơ thể sống sử dụng điện trường sinh học để thu nhận và trao đổi thông tin. Ông muốn nói đến giác quan các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện trong biển và đại dương có rất nhiều dòng điện, những dòng điện này chạy trong các tần nước theo những hướng khác nhau. Các dòng điện đó có cường độ không đáng kể nhưng cũng đủ cho các loài sinh vật dưới biển (cá) nhận biết (Khoa Học và Đờii Sống số 5, 149-383.)

 

Xem như thế, mọi loại trong vạn vật đều có thể nhận biết được các nguồn điện lực từ xa, chớ đâu phải riêng con người. Vả lại, việc cầu cơ chấp bút đâu phải là một việc mới mẻ gì. Bởi lẽ, nó đã thịnh hành ở bên Châu Âu, trong dân gian Việt Nam, Đạo Cao Đài chỉ phát triển đến đỉnh cao của cơ bút, biến cơ bút thành công cụ lập giáo và phổ truyền giáo lý.

 

 

CHƯƠNG III

THUYẾT CHUYỂN LUÂN

 

Thuyết chuyển luân của Đạo Cao Đài cũng phù hợp với lập thuyết khoa học như thuyết tiến hóa của Darwin và Lamacrk cho rằng trong vũ trụ không có cái gì tự sinh mà cũng không có cái gì tự diệt. Nhà bác học Lavoisier thêm "cái gì cũng có lý do cả".

 

Theo thần học Cao Đài, cái này nương vào cái kia mà sinh thành, cái kia nương vào cái nọ mà tồn tại, lớp lớp chồng chất đến vô tận. Con người bỏ cõi xác trần để chơn thần mặc vào cái áo mới tốt hơn ở cõi khác, hoặc có thể ở cõi trần này, nếu về mặt tu dưỡng chưa tiến bộ.

 

Kinh lễ có câu : "chuyển luân định phẩm cao thăng" (KL, tr.102) nên vùng chuyển luân chỉ định vị cho người thăng tiến chớ không có địa ngục a tỳ. Nếu Thánh ngôn có dạy "trần là cõi đọa bậc Thánh Tiên có lầm lỗi" (TN, tr.3) thì cái đọa ấy đã có trong các kỳ phổ độ trước đến kỳ ba phổ độ này nhờ Đức Chí Tôn đại ân xá con cái Ngài sẽ trở về cùng Ngài (KL, tr.102).

 

Ngài dạy : "ta vì lòng đại từ, đại bi, vẫn lấy đức báo sanh mà dựng nên Đại Đại Tam Kỳ Phổ Độ để cứu vớt những kẻ hữu phần vào nơi địa vị cao thượng, để tránh khỏi số mạng luân hồi" (1).

 

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
(1)Thuyết chuyển luân của Đạo Cao Đài không có âm ty ma quỷ. Thuyết luân hồi của Phật giáo, kẻ có tội phải xuống âm phủ cho Diêm Vương hành phạt.

Thánh ngôn Cao Đài có nhắc chữ luân hồi là chỉ để so sánh với luật luân hồi nhân quả xưa kia của Đức Phật, làm ác gặp ác, nhân nào quả đó. Đạo Cao Đài giáo hóa nhân sanh bằng phong trào thi đua công quả tiến tới ngày tuyển phong Phật vị (KL, tr.45). Bởi vì, muốn trở về cõi thiêng liêng hằng sống xứng đáng nhất không có con đường nào khác là đạt vị Phật, một phẩm cao nhất trong trường học 5 lớp, vì thầy có dạy : "Thầy là các con, các con là Thầy" mà Thầy là một vị Phật.

Trường học 5 lớp từ dưới lên trên là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo cho những hóa nhân bình thường. Nhưng cũng có những nguyên nhân tu từ các thời kỳ trước chưa đạt tột bậc thì tuỳ theo phẩm mà ngài cho tu theo hạng Thánh hay tiên. Hóa nhân là loài côn trùng thảo mộc chuyển kiếp lên thành người. Nguyên nhân là nguyên khí chất tiên thiên giáng sanh làm người.

 

Như thế, trường học 5 lớp ấy tùy trình độ mà vào học. Riêng địa cầu 68 thì phải bắt đầu vào lớp một nhân đạo, địa cầu 67 có thể vào ngay lớp 2 là Thần Đạo.

 

Con người khi qui vị được một chức sắc làm phép độ thăng thì chơn thần mới lìa khỏi xác đi vào thế giới thích hợp, đem theo cả phần chơn dương, chỉ còn lại phần âm nên thi thể giá lạnh, một cái xác không hồn. Do đó, Đạo Cao Đài gọi là đám xác vì không tin có ma quỷ. Xác chỉ còn phần âm nặng nề thuộc quyền quản trị của Cung Diêu Trì, nên Đức Phật Mẫu và chín cô tùy theo nhiệm vụ, trước đã dìu dẫn linh hồn theo Đạo, khi chết các cô cũng đến độ hồn đem về cõi thiêng liêng hằng sống đặng lãnh phần thưởng xứng đáng hơn (TN1, tr.65) trong quá trình tu luyện tại thế gian.

 

Chơn thần sẽ thăng tiến sau chín ngày thoát xác ở trường đình rồi từ Ngạn uyển đến vườn đào Tây Vương Mẫu, rồi cõi Thanh Thiên, cõi Huỳnh Thiên, Xích Thiên, Kim Thiên bước sang tầng trời Hạo Thiên nhiên, Phi tưởng Thiên, Tạo hóa Thiên và sau rốt dự vào Hội Long Hoa để tuyển phong vị Phật mà hội hiệp cùng Đức Chí Tôn ở đây, linh hồn : "Khả tỉnh thức tiền duyên nhớ lại, đoạn cho rồi oan trái buổi sanh, đem mình nương bóng chí linh" (KL, tr.38). Tại vườn Tây Vương Mẫu chơn thần được uống rượu trường sanh và được độ dần lên "chín tầng trời" vì "cõi Thiên đẹp thấy nhẹ nhàng cao thăng" (KL, tr.39)

 

Trước tiên là cõi Thanh thiên (tầng trời thứ nhất) đây là miền Bồng lai tiên cảnh được "Hội Thánh minh giáo giao sách Trường xuân (KL, tr.40). tiến sang cõi Huỳnh Thiên (tầng trời thứ hai) do Huyền Thiên Quân chưởng quản, chơn thần được lửa tam mụi đốt cháy oan gia nghiệt chướng để tuyệt khổ mà đi lên cõi Xích thiên (tầng trời thứ ba) do Thái Thượng Lão Quân chưởng quản, hồn đến đài chiếu giám xem tội phước ở kiếp sinh. Rồi nhờ xe Như Ý, hồn tới cõi Kim Thiên (tầng trời thứ tư) do Phật Như Lai chưởng quản. Ở đây, chơn thần đến đài Huệ lương trừ sạch ô uế, ướp vào mùi thơm ngọt ngào để đến Niết Bàn (KL, tr.42) . Lúc này, hồn đã nhẹ nhàng tới cõi Hạo Thiên nhiên (tầng trời thứ năm) do Phật Chuẩn Đề chưởng quản và được Thần Tiên hiệp sức giải thi đưa chơn thần lên Phi tưởng Thiên (tầng trời thứ 6), cung Diêu Trì cõi Tạo Hóa Thiên (tầng trời thứ bảy) dưới quyền cai quản của Đức Phật Mẫu, chơn hồn đến Cung Trí Giác tịnh dưỡng tinh thần. Sau đó, chơn thần đến cõi Hư vô Thiên (tầng trời thứ tám) do Đức Nhiên Đăng chưởng quản, vào ao Thất Bửu gội mình sạch tục và được "Bồ Đề Dạ dẫn hồn thượng tấn" (KL, tr.44) đến chầu Đức Di Lạc ở cõi Hổn Ngươn Thiên (tầng trời thứ chín) đặng dự vào "Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị" vì trong kỳ ba phổ độ này, Đức Di Lạc thay diệu huyền của Đức Chí Tôn tuyển chọn ngôi vị Phật (KL, tr.45) cuối cùng chơn thần thăng lên cõi Thượng Thiên tức cõi thiêng liêng hằng sống, trong đó có Ngọc Hư Cung nơi Đức Chí Tôn ngự và Bạch Ngọc Kinh là kinh đô của Thánh, Tiên, Phật … triều nghi của Đức Chí Tôn cũng ở đây (2).

 

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
(3) Phần chuyển luân này viết theo kinh Di Lạc và kinh cửu, quan niệm về "chín tầng trời" có khác với sách cũ.

(Hình - Tòa Thánh (Tố Đình) được khởi công vào năm 1933 và khánh thành vào năm 1955 (29-1 đến 8-2-55)

 

CHÍN TẦNG TRỜI
CÕI THIÊNG LIÊNG HẰNG SỐNG

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * *


9/- HỔN NGƯƠN THIÊN
8/- HƯ VÔ THIÊN
7/- TẠO HÓA THIÊN
6/- PHI TƯỞNG THIÊN
5/- HẠO NHIÊN THIÊN
4/- KIM THIÊN
3/- XÍCH THIÊN
2/- HUỲNH THIÊN
1/- THANH THIÊN
0/- DƯƠNG QUANG

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *

 

CÕI ÂM QUANG

Tóm lại, luật chuyển luân chính là định luật tiến hóa của vũ trụ giúp con người học hỏi luôn. Để chơn thần nhận rõ sự sai lầm, mở thêm sự sáng suốt giác ngộ đường đạo đức. Nếu chơn thần không đủ trình độ để tuyển phong vào Hội Long Hoa tạo đời Thánh Đức thì phải chờ bảy ức niên nữa. Định luật tiến hóa luôn luôn máy động, nếu ngừng nghỉ thì cơ tận diệt cũng đến. Chơn lý của đạo l2 sự tiến hóa, từ trầm luân trọng trượt vẫy vùng đến chỗ cao siêu minh triết, 2 trạng thái sinh diệt luôn thể hiện trong vũ trụ.

 

CHƯƠNG IV

ĐẠO GỐC Ở TÂM

 

Trong kinh lễ có câu : "Đạo gốc bởi lòng (tâm) thành tín hiệp". Thánh ngôn cũng có dạy : giáo lý đạo không giảng cùng lý mà chỉ nói đến cái tâm. Vì tùy sự giác ngộ hiểu biết của con người mà đạo trở thành thâm sâu hay thô thiển.

Việc thờ Thiên Nhãn Đức Cao Đài cũng đã minh định :

"Nhãn thị chủ tâm
Lưỡng quan chủ tể
Quang thị thần, thần thị thiên
Thiên giả, Ngã giả"

Con người mới sinh ra có nhục nhãn, nhờ tu luyện giác ngộ đạo thì có huệ nhãn (thần nhãn) rồi tiến đỉnh cao là thiên nhãn, thông kim bác cổ, thông suốt vũ trụ, cũng như người tu có huệ tâm tôi luyện mãi thành thiên tâm tức Đạo tâm.

 

Buổi đầu, Thánh ngôn Thầy có dạy tịch đạo trong đời Giáo Tông thứ nhất là Thanh Hương, trong đời kế tiếp là Đạo Tâm. Thờ Thiên Nhãn là thờ cái tâm, hiến lễ lên Thầy chữ tâm, đối xử với nhau cũng bằng chữ tâm, cho nên, đạo gốc ở chữ tâm. Tâm tức là đạo, đạo tức tâm, biết tâm thì biết đạo, biết Thầy (Tâm tức đạo, đạo tức thiên, tri tâm tắc trị đạo tri thiên), mà đạo thì ở trong tâm con người, sáng như ban ngày, tuy có lúc biến đổi theo hoàn cảnh, nhưng cái ánh sáng của ngày không hề thay đổi. Muốn đạt đạo tâm phải có đạo từ, tâm trụ. Đạo từ là từ bi hỉ xả, tâm trụ là càng lay càng im, càng trụ vững đức tin và đến lúc nào đó thì đốn ngộ, đạt đạo. Đó là con đường tu tắt, và muôn luyện tâm trụ phải thiền định, khác với con đường tu theo Cửu phẩm Thần Tiên và thập nhị đẳng cấp thiêng liêng theo đường tu tiệm ngộ. Nói một cách khác, thời kỳ đạo tâm là thời kỳ tự tu, tự ngộ vì con người đã đến giai đoạn giác ngộ cao, tu tâm dưỡng tánh.

 

Tâm tánh là một, nhưng vì hiện trạng khác nhau nên có tên gọi khác mới: làm chủ tể gọi là đế, lưu hành gọi là mệnh, phú con người gọi là tính, làm chủ cái thân gọi là tâm. Tuy cái tâm ta phát ra mỗi việc mỗi khác, nhưng chung qui có mỗi cái tính. Cho nên, ngoài cái tâm thì không có lý, ngoài cái tâm thì không có sự việc. Thế nên, chỉ lo cái tâm của hàng giáo lãnh. Các chức sắc hơn người là vì có cái tâm thuần nhiên thiên lý bất cứ lúc nào cũng như cái gương soi nên chỉ hành thiện, thường nhân để che lấp đi lòng thành. Vậy thiện ác là hai việc không hề có sẵn mà do tâm tạo ra. Thế nên, người đạt được đạo tâm thì lời nói như kẻ thường mà cái tâm mình cho phải thì phải, dù lời thánh nhân mà tâm mình cho trái thì trái. Do đó, không nên tìm sự khác nhau giữa tôn giáo này và tôn giáo nọ mà làm thế nào cho tâm mình được ổn thì thôi. Cho nên, người đạt đạo tâm thì quan niệm rất rộng rãi : đạo không có trong không ngoài, không có người không có ta, thiên điạ vạn vật nhất thể để tồn tâm dưỡng tánh, để tiến tới đại đồng thế giới.

 

Cái bản thể của tâm là lương tri. Chính tuỳ cái lương tri nơi mỗi người mà người ta quan niệm có quỷ thần hay không, cái gì cũng bởi đó mà ra. Thế nên, nói cái tâm là cốt bỏ cái tối, tà vạy để thấy rõ ánh sáng của lương tri. Do vậy, Đạo Cao Đài là một tôn giáo mới phù hợp với con người thời đại hạt nhân, không dạy những điều khoản khoa học hay mê tín.

 

Nhưng cái u tối của một ít người là do không rèn luyện cái lương tri, vô hình trung làm nơi bàn luận cho khách bàng quan. Cho nên, lương tri là đầu mối lớn của học vấn của sự hiểu biết. Do đó, một khi đã theo đạo phải rèn luyện cái tâm cho sáng suốt thì bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào tác động tới, càng lay càng im lìm.

 

Tóm lại, đầu mối ở trong tâm con người "Nhơn tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất doãn chấp quyết trung - Trung dung" (Lòng người dễ khuynh, lòng mến đạo lại yếu, cho nên phải xét cho tinh một mực, quyết giữ cho bằng được đạo trung).

 

CHƯƠNG V

KINH SÁCH ĐẠO

 

Khi đọc kinh điển Đạo Cao Đài, ta phải chấp nhận câu : Đọc kinh tầm lý. Cái chân lý nhiệm mầu của đạo không thể nói ra được mà kinh điển chỉ là phương tiện để trình bày cái chân lý, còn cứu cánh là do sự ngộ đạo của người đọc. Nếu đọc với tinh thần như vậy không những bây giờ mà cho đến mai sau, giáo lý Cao Đài sẽ vẫn thích hợp với mọi thời đại.

 

Riêng về sách do các chức sắc và đạo tâm viết thì có nhiều hạn chế : gốc đạo Phật mới nhập môn theo Đạo Cao Đài thì viết nhiều về triết lý nhà Phật, gốc nho sĩ viết nhiều về Khổng giáo … Vì thế ta không lấy gì làm lạ : các đệ tử của ông Ngô Minh Chiêu lập ra phái Chiếu Minh vô vi, chủ trương luyện kỷ tu đơn theo Lão giáo, còn Đạo Cao Đài Tây Ninh lúc mới khai đạo ở chùa (Phật) Từ Lâm thì chủ trương Phật giáo chấn hưng (bìa sách do G.Gobron viết tựa nhỏ boudhisme rénové). Sau đó, một số nhà nho, thấy kinh sách đạo Cao Đài xưng tụng các đấng đều bằng chữ Hán và Tân luật viết theo nho gia, nên chủ trương Nho tông chuyển thế. Một vài Thánh Thất chi phái coi ngày Chúa giáng sanh là ngày lễ lớn chính thức, có bài kinh xưng tụng Đức Gia Tô giáo chủ, đọc theo giọng nam xuân của Đạo Cao Đài.

 

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
(1) Tân luật là luật của con người làm có sự phê chuẩn của Đức Chí Tôn, có thể sửa đổi theo trình độ tiến hóa của nhân sanh, nên không là sách vĩnh cửu được.

Như đã trình bày ở trước, Đạo Cao Đài thừa kế tất cả tinh hoa của các tôn giáo xưa : Thừa kế có chọn lọc và sáng tạo. Nhưng sự chọn lọc và sáng tạo lại tùy con người, hạn chế hay không, sáng tạo hay ghép nhặt là ở chỗ đó.

 

Về sách các đấng giáng cho 2 quyển căn bản là "Pháp Chánh Truyền" và "Thánh Ngôn Hiệp Tuyển", vừa là chỗ dựa cho sự thống nhất các chi phái vừa là giáo lý truyền đạo khắp toàn cầu. Muốn hiểu Đạo Cao Đài một cách chân chính thì tự mình đọc hai quyển đó. Bộ Thánh ngôn gồm 2 phần : phần dạy đạo trong nước Việt Nam bị giới hạn về đất đai, con người. Người Âu Mỹ đọc qua chắc sẽ thấy xa lạ. Phần dạy đạo ngoài nước còn nhiều chấm lửng … Vì Đức Cao Thượng Phẩm sớm qua đời (1929), người cùng phò cơ với Đức Phạm Hộ Pháp từ buổi đầu có đầy đủ huyền diệu để phong Thánh và truyền đạo.

 

Về kinh lễ, ta phân biệt 3 phần. Hai phần các Đấng giáng cho trong kỳ ba phổ độ và Đức Phạm Hộ Pháp viết thì phù hợp với giáo lý Cao Đài. Riêng phần do Chi Minh Lý (từ Tam Tông Miếu ở đường Cao Thắng, Sài Gòn) dâng cho buổi đầu, gồm kinh Tứ Thời (tý, ngọ, mẹo, dậu), kinh Sám Hối, xưng tụng Thần Thánh Tiên Phật có lẽ cần phải xét lại.

 

Ngay phần kinh Tứ thời tiếp lễ nhạc quân Cao Mỹ Ngọc có nhận định như vầy : "Những bài Tịnh tâm, Tịnh khẩu, Tịnh thân, An thổ địa, các đạo hữu nên học cho biết, chẳng nên đọc nơi đàn vì không phải là kinh chư Tiên có ý muốn dạy chúng ta cho biết cách chức đặng giữ mình, hầu khỏi thất lễ nơi trước bửu điện. Nếu đọc thì sai, vì ta nói rằng ta tịnh khẩu, tịnh tâm mà kỳ thật đọc um lên, rồi thế nào mà tịnh đặng" (KL, tr.139) Từ năm 1929 (Kỷ Tỵ) mà ông Cao Mỹ Ngọc có nhận định tiến bộ như vậy, còn ngày nay thì sao ? Khi các phái đạo dâng kinh không có một bắt buộc nào, ta thấy phù hợp với tôn chỉ Đạo Cao Đài thì dùng không hợp thì gửi trả lại (2).

 

Đạo cốt là ở tâm linh diệu và ở giáo lý cao thượng chớ không phải ở kinh điển. Vì kinh điển tiếng Việt Nam hay Hán văn, người ngoại quốc làm sao đọc được mà truyền đạo.

Thầy dạy : "Kinh điển giúp đời siêu phàm nhập Thánh chẳng khác chi đũa (ăn cơm), chẳng có đũa, kẻ có cơm (đạo) bốc tay ăn cũng đặng" (TN2, tr.5)

 

Quan niệmvề Đạo của Đức Chí Tôn rất bao dung rộng rãi. Cứu cánh là sự giác ngộ giáo lý cao thượng, chớ không phải những cái "râu ria" mang nặng bản sắc Aù Đông, làm trở ngại xây dựng một thế giới đại đồng, còn kinh điển chỉ là phương tiện, không lấy phương tiện làm cứu cánh bao giờ. Nói một cách khác, đọc kinh phải tầm lý. Vậy cái lý ấy dịch ra tiếng nước ngoài để người ta đọc suy nghĩ cái lẽ cao thâm huyền diệu, có tác dụng cao thâm hơn đọc kinh mà không hiểu nghĩa trong kinh ra sao? Đó cũng là quan điểm của người ngoại quốc, họ luôn luôn tìm hiểu ngọn ngành trước khi nhập cuộc, không dễ tin, nhưng khi đã tin thì không có gì làm lay chuyển nổi.

 

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
(2) Kinh sám hối, kinh xưng tụng Thần Thánh … của Chi Minh Lý, nội dung không phù hợp với giáo lý tân tiến của Cao Đài.

Bởi lẽ ấy, Đức Chí Tôn dạy : "Thầy chẳng dùng sự chi mà thế gian gọi là tà quái dị đoan, nếu có xảy ra một ít dị đoan trong đạo đã dùng lỡ, ấy là tại nơi tâm của một vài môn đệ đó. Nếu chẳng giữ theo lẽ chánh mà hành đạo và bày biện nhiều sự vô lối thì trong ít năm sau đây sẽ trở nên một mối tà đạo mà các con đã từng thấy" (TN2, tr.42).

 

Xem thế, giáo lý đạo không dạy điều chi dị đoan, nhưng không phải lúc nào cũng triệu thỉnh được các Đấng để xin thánh ý (TN, tr57), nên một số người đã suy luận và tự ý bày biện thêm, đương nhiên là với hảo ý, nhưng cái hảo ý ấy cục bộ, phù hợp với vài cá tính, vài địa phương nào đó, vô tình đánh mất tính khoa học, tính quần chúng của tôn chỉ đạo.

 

Về ngôn ngữ trong kinh sách, có mục đích "văn dĩ tải đạo" nên nhằm đạt được sự truyền bá và độ rỗi nhân loại, chớ không chủ tâm tạo ra một triết lý bác học, khó phổ cập. Ngọn ngữ cũng có cái giới hạn của nó, không thể nào diễn tả một thế giới xa xăm hay tương lai hoặc một chơn lý nhiệm màu mà con người có thể dễ dàng cảm thông được. Do đó, đôi khi phải cụ thể hóa, so sánh những vật thể gần gũi để người đọc lãnh hội một cách dễ dàng, mà có người hiểu lầm là trần tục. Vả lại, tôn giáo thường phát sinh trong dân gian, trong đám người nghèo khó. Đức Cao Đài như trình bày ở trước, là Thượng đế của người nghèo.

 

Sự hiện hữu của Đạo Cao Đài có nguồn gốc bình dân, đó là chủ đích của Đức Chí Tôn không giấu ai. Ngài dạy : "Hồi trước còn ngu xuẩn, kẻ phò cơ không đủ tinh thần nên mỗi khi cầu cơ khó nhọc lắm mới được vài lời của người khuất mặt." (TN2, tr.92). Như vậy, văn pháp ảnh hưởng tùy ở đồng tử (médium) vì các Đấng dạy bằng tư tưởng chớ không dạy lời lẽ. Thế nên, đồng tử dốt thì lời vụng về. Đồng tử biết ngoại ngữ mới nghe được tiếng thiêng liêng mà viết ra. Mặt khác, lúc đạo khai (1925) ngữ pháp Việt Nam chưa hình thành, văn chưa gọn gàng, nói sao viết vậy. Mục đích là truyền đạo được mà thôi. Đức Chí Tôn lại chọn một nước trong vòng nô lệ ngoại bang mà mở đạo là có ý lớn độ rỗi những đứa con thống khổ nhất đang bị trầm luân. Ngài dạy : "Thầy đã lập đạo nơi cõi Nam này là cốt để ban thưởng một nước từ thử đến giờ hằng bị lắm cơn thịnh nộ … Đạo trời mở ra cho một nước, tất là ách nạn của nước ấy hầu mãn" (TN2, tr.14.25).

 

Tóm lại, bất cứ ai muốn tìm hiểu Đạo Cao Đài hoặc muốn tu theo Đạo Cao Đài đều phải cần đọc những sách căn bản sau đây do các Đấng thiêng liêng giáng dạy.

 

-Thánh ngôn hiệp tuyển (2 quyển), có phần Thánh Ngôn Pháp văn với nhan đề : Les Messages Spirites Tây Ninh 1962. -Pháp Chánh Truyền đã dịch ra Pháp văn với nhan đề : La Consitution Religieuse du Caodaisme Paris, Dervy 1953, 191 trang.

-Kinh Lễ (thường gọi là Kinh Thiên đạo, Thế đạo) nên chú trọng phần chính truyền.

-Tân Luật (Paris Gasnier 1952) nên lấy ý chung mà hiểu luật đạo trong buổi đầu ở nước Việt Nam.

Các sách khác do các cá nhân viết ra tùy thuộc trình độ hiểu biết và quan điểm của tác giả. Hội Thánh không trách nhiệm nào về mặt lý luận và trọng tự do tư tưởng của mọi chúng sanh. Chỉ có một quyển siêu kinh, cao nhất của Đạo Cao Đài là "Kinh Vô Tự "vĩnh cửu với thời gian.

 

 

về trang chủ