Ðại - đạo  Tam -  Kỳ  phổ - độ

Tòa - Thánh  Tây - Ninh

 

 

 

GIÁO LÝ LƯỢT KHẢO

Tác gỉả : Tiếp Pháp Trương Văn Tràng

 

 

CHƯƠNG THỨ BẢY

 

Sự giáo hóa của Đại Đạo

 

Đức Chí-Tôn giáng cơ dạy rằng :

Ta vì lòng Đại-từ, Đại-bi, lấy đức háo-sanh dựng nên mối Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, tôn chỉ là : vớt kẻ hữu phần vào nơi địa vị cao thượng để tránh khỏi số mạng Luân-hồi, và nâng đở kẻ có tánh-đức, bước vào cõi nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở cõi Trần-thế nầy.

Thể theo Thánh-ngôn trên đây, Tân-luật Đại-đạo ấn định Tín-đồ của Đại-Đạo chia ra hai bậc :

Thượng-thừa

Hạ-thừa

Thượng-thừa là người xuất Thế-gian, nghĩa là người đã phế Đời, theo Đạo, họ chẳng còn bận rộn về thế sự, mà chỉ lo tự-giác để rồi đem cái sở-đắc của mình mà giúp cho người khác cùng được khai sáng như mình, tức Tự-giác giác tha. Tân-luật lại định rằng Chức-sắc của Hội-thánh từ Giáo-hữu dẫn lên, phải chọn trong hàng Thượng-thừa.

Hạ-thừa là người còn ở Thế, vừa làm Nhơn-sự, vừa học Thiên-đạo.

Tân-luật qui định cho lớp nầy phải làm tròn bổn phận người, như bổn phận đối với xã-hội, gia-đình, bổn-thân, Hội-thánh, người đồng-đạo.. vân.. vân...

Phương pháp học hành của hai bậc nầy sẽ giảng rộng nơi chương Tám và chương Chín sau đây ; bây giờ xin bàn trước cách học-đạo và hành-đạo.

Hai chữ Học-Hành chúng ta phải phân tách cho rành mạch châu đáo, hầu tránh sự nông nỗi của mình, bởi vì học là một việc, hành là một việc khác nữa. Hai phép Học-Hành hiệp lại thì nó mới có thể đem lại cho người học cái kết quả mỹ-mãn. Ấy vậy nên chúng ta chia học-hành ra làm hai giai-đoạn để giải thích cho rõ : Lý-thuyết - Thực-hành

Lý-thuyết

Phần Lý-thuyết, ai cũng biết rằng : khi mới khai Đạo, Đức CHÍ-TÔN giáng cơ lập Pháp-luật, Qui-điều, Lễ-nghi, Phượng-thờ, Tế-tự và dạy chúng ta học : từ Nhơn-đạo đến Thiên-lý. Và trước khi ngưng cơ bút, Đức CHÍ-TÔN còn dặn rằng : Kinh-điển của Tam-giáo vẫn còn ẩn-tàng một phần Chơn-truyền yếu-lý, mà chúng ta cần phải tham-khảo tinh tường, để làm sáng thêm Giáo-lý của mình ; bởi vì nền tảng của Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ qui nguyên Tam-giáo.

Xem đó thì biết Giáo-lý của Đại-Đạo cao thâm, hoằng-viễn là ngần nào ; nhưng, chúng ta nên biết rằng học lý thuyết chưa đem lại kết quả nào đáng kể cho kẻ tu hành. Tỉ như, mỗi ngày, chúng ta đều tụng kinh Huỳnh-Đình, tụng không vấp một chữ, tụng đến thuộc lòng mà không thực hành thì sự thuộc lòng ấy chưa đem lại cho chúng ta đức hạnh chói rạng. Ấy vậy nên hễ muốn thành Đạo thì chúng ta phải thực hành giáo-lý nữa. Tức là chúng ta phải học và phải làm thế nào cho giáo-lý nhập tâm và biến thành đức-tánh, để rồi áp dụng vào đời sống thực tế của mình. Đó là phương tu tâm luyện tánh vậy. Về phương diện thực hành Giáo-lý, Đức CHÍ-TÔN có lập tại Thế-gian một trường Công-quả ; cả Môn-đệ của Người phải theo đó mà tập luyện.

Vậy Công-quả là gì ?

Người Nông-phu cày cấy là làm công, tới mùa anh ta gặt lúa, là hái quả. Hễ cày cấy nhiều thì lúa thóc nhiều, cày cấy ít thì lúa thóc ít.

Đó gọi là công-quả của người Nông-phu. Kẻ tu-hành cũng vậy. Nghĩa là kẻ tu-hành cũng phải làm công rồi sau mới hưởng quả.

Nay muốn cho hiểu rõ thế nào là công-quả của kẻ tu-hành, chúng tôi tạm chia công-quả ra hai mặt là : Công-quả nội và Công-quả ngoại.

Công-Quả nội: Cũng gọi là công đức ; phương-pháp thực hành Công-đức là Học-giả phải gia công học hỏi cho thấu triệt Chơn-lý, cố gắng thực-hành thế nào cho chơn-lý biến thành đức hạnh, để rồi áp dụng vào đời sống thực tế của mình, như đã nói trên.

Tại sao kẻ học phải thực hành công-đức ?

Vả chăng, tâm tánh chúng ta từ khi nhập Thể-cuộc đến bây giờ, đã trước nhiễm nhiều vọng-chấp : nào là chánh-kiến, nào là tật xấu, nào là nết hư ; nhứt là thói ích-kỷ là một trở ngại lớn trong công cuộc cảm-ứng ở giữa Trời và Người. Như vậy, nếu chúng ta chẳng dụng công tinh-luyện, đả phá thật sạch cái màn vô-minh ấy, thì làm thế nào mà đi đến cảnh Toàn-giác. Đó là nói về thực-hành công-đức. Còn như hỏi phải làm thế nào cho mình trở nên người có đức ? Thì chúng ta phải học cho hiểu đạo-lý ; hỏi cho rõ điều ngờ vực, suy nghĩ cho thông tỏ cái lý đã học ; biện-bạch cho tinh-tường và cố gắng làm cho tật xấu biến thành tánh tốt. Nói tóm lại là học, vấn, tư, biện và hành. Làm năm phương pháp nầy, để lập đức của mình.

Nói rút lại : về công-phu lập đức kẻ học phải làm cho thành, phải nói cho Thánh. Công-thành, Ngôn-thánh thì đức mới rạng. Trái lại, nếu công chẳng thành thì lời nói không được bảo đảm ; mà lời nói không được bảo đảm thì Đức chẳng có chỗ nương, để chói rạng. Làm được điều ấy tức là lập Công, lập Ngôn và lập Đức vậy.

Công-Quả Ngoại : Là phụng-sự cho Chúng-sanh. Chúng ta nhờ tu công-đức mà tâm-tánh trở nên thuần-nhiên Thiên-lý ; lúc bấy giờ, lòng Bác-ái của chúng ta được mở rộng. Chúng ta biết thương người, biết mến vật. Rồi chúng ta nương theo cái lòng vị-tha ấy, mà giúp người, giúp vật, được an vui theo lẽ Đạo ; nhứt là độ dẫn người đồng chủng được mau tiến bước trên đường tấn-hóa thiên-nhiên là một việc lành lớn, mà chúng ta nên chú ý cho lắm.

Tại sao chúng ta phải phụng sự cho Chúng-sanh ?

Vả lại, cả Chúng-sanh đều thọ sanh nơi một nguồn, học chung một Thầy và cùng nhau đồng đi trên một đường về Cội-sanh mình là Tạo-hóa, thành thử trên đường sanh-tồn, học-vấn cả Chúng-sanh đều có thiếu nợ lẫn nhau. Người ta cũng vậy, nghĩa là, người ta cũng phải chịu sự vay trả, trả vay, như các Chơn-hồn khác. Đại để như : từ buổi đã được kết tạo trong Thai-bào, mỗi Chơn-linh đã phải chịu nợ tiền-khiên rồi, tức là nợ kiếp trước, đến lúc chào đời và trưởng thành, thì lại nặng nợ Xã-hội, Nhơn-quần, như : ơn cấp-dưỡng thức-ăn, chỗ ở, đồ mặc. Đó là sự nhờ vã lẫn nhau trên đường sanh nghiệp. Ấy vậy, nên mảnh thân phàm của người đến Thế-gian nầy, chẳng phải để làm việc riêng cho mình, mà vì sự liên-đới với vạn-vật ; thành thử, chẳng có một cá nhân nào có quyền sống riêng, mà trái lại, phải đem kiếp sống mà phụng sự cho Chúng-sanh toàn thể, hoặc với cách nầy, hoặc với phương khác.

Nghiệp quả ấy, nếu biết, thì có thể trả xong trong vòng một kiếp ; còn như chẳng biết, thì con người ấy phải chịu luân chuyển trong biển tử-sanh, cùng đà sanh hóa, mà cũng chưa ắt kham.

Nói rút lại : hai phần công quả kể trên thì nhiều, nhưng Kinh Phật tóm tắt như vầy :

Chư ác mạc tác ;

Chúng thiện phụng hành ;

Tự tịnh kỳ ý ;

Thị chư Phật giáo ;

Nghĩa là mọi việc ác chẳng khá làm ; nhiều việc lành cũng phải vâng theo. Tự mình trừng ý cho được thanh-tịnh. Đó thiệt là giáo-luật của Phật vậy.

Công-quả đối với kẻ tu-hành rất quan-trọng. Bài Thánh-ngôn của Đức CHÍ-TÔN kế đây đủ chứng minh sự quan-trọng ấy.

Thánh-ngôn.

Người ở Thế-gian muốn giàu phải tìm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần vật-chất ; còn Thánh, Tiên, Phật muốn đắc Đạo thì phải công-quả. Thầy đến độ rỗi các con, Thầy lập thành một trường công-đức to cho các con nên Đạo. Vậy đắc Đạo cùng chăng, là tại các con muốn, cùng chẳng muốn. Thầy nói cho các con nghe : nếu chẳng đến trường Thầy mà đoạt thủ địa-vị thì chẳng đắc Đạo bao giờ.

Còn một lẽ nữa là theo lý đương nhiên : hễ có học thì phải có thi để rõ tài đức của Học-sinh. Thì sự tu-hành cũng không ngoài công-lệ ấy ; nghĩa là : kẻ học phải chịu thử thách, coi phải mình là kẻ đạo đức chơn thật chăng. Vàng có lửa trui thì mới rõ vàng mười.

Trong sự thực-hành đạo-đức, từ trước đến giờ : từ một vị Đại-Thiên-Phong đến một em Đồng-nhi, ai cũng biết qua một phần nào rồi vậy. Hơn nữa, điều ấy Cổ-nhơn đã trải qua và còn lưu lời nói trong kinh-điển như vầy :

Vô Ma-khảo bất thành Đại Đạo. Không Ma-khảo thì Đại-Đạo không hành. Lại nói : Đạo cao nhứt xích, Ma cao nhứt trượng, Đạo cao nhứt trượng, Ma thượng đầu nhơn. Đạo cao một thước thì Ma cao một trượng, Đạo cao một trượng thì Ma lên khỏi đầu người.

Có người nói : sự tu-hành để giải thoát kiếp luân-hồi thật khó khăn lắm vậy. Tuy thế mặc dầu, mà từ xưa đã có biết bao nhiêu người đã thành công đắc quả. Mà hễ một việc nào đã có người làm được thì việc ấy dễ ; chớ chẳng khó.

Than ôi ! việc tu-hành kẻ nói khó, người nói dễ, không biết đâu mà lường ; nhưng theo kinh nghiệm, chúng tôi hiểu rằng : khó hay dễ đýu do mình cả. Nếu chí tâm hành đạo thì việc khó hóa ra dễ ; còn như chán nản thì việc dễ cũng thành khó.

Tóm lại :

1)- Giáo-lý về mặt lý-thuyết, tức là đọc sách tụng kinh, mà không áp dụng vào đời sống thực tế thì không có kết quả đáng kể.

2)- Nhắc lại sự thực hành Giáo-lý, tức làm công-quả-nội và công-quả-ngoại đã nói trên. Mục-đích làm cho học-viên biết sự Tri hành hiệp nhứt mà phải áp dụng ngay, khi học bài.

Thêm nữa, chúng ta đã hiểu rằng Chúng-sanh có can hệ mật-thiết với Đạo, như đã nói trong trương trước ; nghĩa là Chúng-sanh phải nương theo Đạo mà sanh sống và tấn-hóa ; cho nên, khi hóa sanh vạn-vật rồi ;

Đức CHÍ-TÔN : hoặc phân tánh giáng sanh, hoặc phái một vị Tiên, Phật giáng Trần lập Đạo, giáo-hóa, làm cho Chúng-sanh biết phương pháp sửa mình theo Đạo ; vì thế mà chúng ta thấy hiện giờ có nhiều Tôn-giáo và mỗi Tôn-giáo có một hình-thức khác thật ; nhưng tựu trung Tôn-giáo nào cũng dạy Chúng-sanh tu hành theo Chánh-Đạo hầu trở về với Cội-sanh mình là Trời. Nay Đức CHÍ-TÔN, dùng huyền-diệu cơ-bút lập Đại-Đạo ba kỳ, Tôn-chỉ cũng không ngoài sự giáo-hóa Chúng-sanh : một là biết bổn-phận làm người, hai là biết phương pháp tu-hành đặng giải-thoát kiếp luân-hồi sanh-tử. Cách học-hành sẽ nói sau ; bây giờ chúng tôi xin nhắc sự ăn chay và kiêng rượu ; đó là thời kỳ chuẩn bị nhập môn hành-đạo.

ĂN CHAY

Ăn chay nghĩa là chúng ta dùng lê-hoắc và ngũ-cốc mà thôi. Tại sao kẻ học-đạo phải ăn chay ? Xin xem kể đây :

Khoa-học lấy trí-thức làm căn-bổn : suy nghĩ, khảo-cứu vật-chất bên ngoài. Chung cuộc khoa-học thâu hoạch kết quả, để bồi bổ vào cuộc đời sống thực-tế. Còn Đạo-học có mục-đích thâm-viễn hơn, là cầu giải-thoát kiếp luân-hồi, đặng vào cõi chẳng sanh chẳng già. Muốn đạt mục-đích ấy, học-giả phải thâu thập cả tánh mạng luyện thành một khối tinh thần khương-kiện sáng-suốt, tên gọi là Chơn-thần ; nó phải nhẹ nhàng hơn Không-khí mới vượt ra khỏi vòng Càn-khôn. Tại sao ? Bởi vì trong Không-khí có điển-lực ; nếu kẻ ăn mặn mà luyện Đạo, khi xuất Thần thì Chơn-thần ấy vẫn còn trược khí lẫn-lộn, mà trược-khí vốn là vật-chất, hay tiếp điển (bon conducteur d'électricité). Khi ấy, nó chưa ra khỏi lằn Không-khí thì đã bị sét đánh tiêu diệt rồi. Ấy là một lẽ mà kẻ học đạo phải ăn chay.

Lẽ thứ hai : theo luật hấp dẫn, nếu Chơn-thần còn trược khí khi xuất ngoại phải bị hấp-lực của cõi Trần vật-chất giam-hãm trong vòng sanh-tử. Như thế nếu kẻ tu-hành không ăn chay thì làm thế nào mà giải-thoát kiếp luân-hồi.

Lẽ thứ ba : Phép vệ-sinh dạy chúng ta phải ăn ở sạch-sẽ. Sạch-sẽ nói đây, chúng ta phải hiểu rộng hơn là : chẳng những giữ gìn sạch-sẽ bên ngoài, mà còn phải sạch sẽ bên trong nữa. Ăn chay dễ tiêu hóa, tức là gìn giữ sạch sẽ bên trong tạng phủ.

Thêm một lẽ thứ tư nữa là thực-hành lòng Bác ái . Theo cái lý Thiên địa vạn-vật nhứt thể , chúng ta cùng các loài sinh-vật là anh em với nhau ; nghĩa là cả Chúng-sanh đều do một nguồn Tạo-hóa sanh thành. Quan niệm ấy không cho phép chúng ta giết mạng để ăn thịt.

Vả lại, người ta có hai thức ăn để bồi-dưỡng thân thể là :

Vật-chất-thực và Huyền-vi-thực. Vật-chất-thực là : Ngũ-cốc và các món ăn mường tượng như thế, do miệng vào tì vị. Huyền-vi-thực là thanh-khí ở trong Võ-trụ ; người ta nhờ hô-hấp tiếp nạp thanh-khí vào thân-thể, để bồi-dưỡng sức khỏe. Nói tỷ : mỗi ngày chúng ta phải cần sáu cân đồ ăn, để bổ-dưỡng thân thể. Trong sáu cân đồ ăn đó ; chia ra ba cân Huyền-vi-thực và ba cân Vật-chất-thực. Ấy vậy, nếu chúng ta thêm Huyền-vi-thực và bớt Vật-chất-thực, càng bớt bên kia, càng thêm bên nọ ; chung cuộc, mỗi ngày chúng ta cũng có đủ sáu cân đồ ăn, để bồi dưỡng thân thể. Công phu ấy tiến lên nữa thì, về sau quen rồi, chúng ta có thể sanh sống với Huyền-vi-thực được. Đó là cứu cánh phép tu-hành ; nhưng, chúng ta là kẻ ở Thế-gian, đã quen dùng vật-chất để nuôi sống ; nay thoạt nhiên, đổi món ăn cấp kỳ, e tạng phủ chưa quen mà phải sanh rối loạn. Bởi thế, nên người tu-hành phải tập lần. Ban đầu, mỗi tháng ăn chay sáu lần, rồi mười ngày, rồi mười lăm ngày, trường trai, rồi sau sẽ tập nữa cho quen dùng Huyền-vi-thực. Nhưng, phải hiểu rằng tuyệt-thực là một ý nghĩa cứu cánh, người thường như chúng ta chưa có thể làm được. Khuyên ai chớ nên dục tốc mà phải lâm hại.

KIÊNG RƯỢU

Vấn đề kiêng rượu sẽ theo vấn-đề ăn chay mà giải quyết ; mặc dầu vậy, chúng tôi cũng chép bài Thánh-ngôn của Đức CHÍ-TÔN dạy về sự kiêng rượu, để cho rõ đại-ý.

Thánh-ngôn.- Vì sao phải giới tửu ?

Thân-thể con người là một khối Chơn-linh hiệp thành ; Chơn-linh ấy hằng sống. Ngũ-tạng, Lục-phủ cũng là khối sanh vật tạo nên. Phận sự của chúng nó : Hoặc hiểu biết, hoặc không, đều tùy lịnh Thầy phán đoán. Vậy Thầy lấy hình chất xác phàm để giảng dạy.

Hình chất con người cũng như hình chất thú, phải ăn uống mới sống được. Rượu vào tì vị ; chạy khắp ngũ-tạng, lục-phủ. Trái tim là chủ động của bộ máy sanh sống ; mà trái tim bị rượu thâm nhập, khiến cho nó rung động quá mực thiên nhiên đã định ; thôi thúc huyết mạch vận hành một cách quá mau lẹ. Sanh-khí nơi phổi không có đủ ngày giờ nhuận huyết ; rồi trược khí thối nhập trong thân thể, truyền thống chất độc vào trong những sanh vật. Mỗi khối sanh vật ăn rồi phải bịnh, càng ngày càng tăng thêm lên, rốt cuộc hết sanh lực, cốt tủy lần lần phải chết, thân thể tự nhiên chết theo. Nhiều kẻ bị liệt hết nửa thân hình, cũng vì rượu.

Thầy nói sự hại cho phần Hồn : Thầy nói Chơn-thần là khí chất bao bọc thân thể của các con. Trung tim nó là óc, cửa xuất nhập là mỏ ác, chữ gọi là Vi-hộ, Hộ-pháp hằng đứng giữ gìn các con, khi luyện đạo, đặng giúp cho Tinh hiệp với Khí, rồi đưa Khí đến Chơn-thần.

Tinh-Khí-Thần hiệp nhứt mới siêu phàm nhập thánh. Óc là nguồn cội của sanh-khí, mà óc cũng vì huyết mạch vận chuyển vô chừng, đến đỗi tán loạn. Thế rồi Chơn-thầnữan tịnh thế nào đặng. Thân thể phải chịu ngây dại, trở lại thú tánh, thú chất. Như vậy thì mất hết nhơn-phẩm rồi, còn mong chi đến địa vị Thần-Tiên. Lại nữa, trong buổi loạn Thần, cửa để trống, tà-mị thừa cơ xung-nhập, giục các con làm quấy gây nên tội tình mà phải chịu nhơn quả luân hồi muôn kiếp.

Vậy Thầy cấm các con uống rượu .

Vấn đề kiêng rượu nầy, có lẽ trong hàng anh em chúng ta, người nào cũng có bị một lần say rượu. Vậy sự kinh nghiệm ấy đã dạy chúng ta biết với một cách rõ ràng, rằng say rượu chẳng phải loạn trí não, mà ngũ-quan cũng không còn giữ được chơn lực nữa. Thế thì giới tửu là một điều cấm quan trọng vậy.

 

về trang chủ