Ðại - đạo  Tam -  Kỳ  phổ - độ

Tòa - Thánh  Tây - Ninh

 

Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống

Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp

Tài liệu do Ban Tốc Ký Tòa Thánh Tây Ninh Sưu Khảo

 * * *

 

Đức Hộ Pháp

 

Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 8 tháng 10 năm Mậu-Tý ( 8-11-1948 )


Bần-Đạo ngày nay thuyết vấn-đề có liên-hệ với Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa.
Chúng ta kỳ trước đã ghé qua nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, đã hội đàm cùng các Đấng Trọn-Lành, các Đấng cứu rỗi nhơn-loại toàn cả Càn-Khôn Vũ-Trụ.

 

Có một điều trọng hệ, đương buổi nầy là buổi náo nhiệt tại sao? Tại mãn Hạ-Ngươn Tam-Chuyển, Thiên-Thơ đã định Long-Hoa Hội. Thánh-Giáo Chí-Tôn nói: " Các con phải chung cùng nhau, tức nhiên lập Long-Hoa Hội, định vị cho các chơn-linh trong kỳ Hạ- Ngươn Tam-Chuyển nầy, định vị cho họ đặng mở Thượng-Ngươn Tứ-Chuyển cho các chơn linh ". Ngài mở Long-Hoa Hội ấy, tức nhiên là Ngài định chấm rớt đậu cho các chơn-linh vậy. Vì cớ cho nên chúng ta ngó thấy có huyền-vi bí-mật nơi mặt thế nầy, Đức Chí-Tôn đến mở Đạo ngày nay, chúng ta có thấy oan-gia nghiệp-chướng phải trả liền buổi nầy, không cho thiếu, trả mãn mới thôi.

 

Bần-Đạo đã thuyết-minh dầu cho một cá nhân, một quốc-gia hay toàn cả nhơn-loại, mỗi nơi đều có quả kiếp của mình đương hiện-tượng, tấn tuồng chúng ta thấy than thở, nạn nồi da xáo thịt, cốt nhục tương tàn, sát hại lẫn nhau, nguyên do không có gì lạ. Cái tấn tuồng loạn Thập-Nhị Sứ-Quân buổi nọ thế nào, tấn tuồng nầy cũng vậy, quả kiếp nước Việt-Nam vay trả đó là xong. Vì cớ cho nên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa nắm quyền nhơn-loại cả Càn-Khôn Vũ-Trụ nhiều trái địa-cầu; duy có trái-địa cầu 68 nầy các chơn-linh ở Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa khổ tâm hơn hết, là lo trái địa-cầu nầy phải chịu oan gia của Hạ-Ngươn Tam-Chuyển. Ấy vậy Bần-Đạo đã thuyết-minh từ buổi mới khởi đoan chúng ta dắt nhau đi trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

 

Bây giờ chúng ta để dấu hỏi? Vì cớ nào cả toàn cầu nhơn-loại buổi nầy sanh hỗn loạn, náo nhiệt, tương-tàn tương-sát lẫn nhau? Vì có tấn tuồng ấy mà cả nền chính-trị thế- giới Quốc-Gia nào cũng chinh nghiêng, xiêu đổ, nguyên do tại chỗ nào? Ta tìm hiểu trước rồi mới để ý truy nguyên căn nhơn-quả của trái địa-cầu 68 nầy mới có thể hiểu được con đường tấn bộ trong cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Con vật nó còn chung sống cùng xã-hội tức nhiên hiệp-chủng cùng nhau đặng sống . Loài thú có nhiều giống nó tự-chủ lấy nó, dầu cho côn trùng, thú vật hay ngư điểu, có nhiều loại đã sống tự-chủ lấy nó được. Nhơn- loại là người, chẳng hề khi nào sống riêng mình được, tại sao? Tại cái thương yêu ràng buộc trong phương sống, con người chỉ lấy trí khôn ngoan tức nhiên cái thiên-lương mình đặng chung hiệp.

 

Nói mưu trí bảo vệ sanh mạng mình là cái mưu trí con người không đủ, lấy luật sống để làm căn-bản thì con người thua nhiều hơn con thú lắm. Bần-Đạo thường nói thua mà sợ - nào kêu là Ông Cọp, Ông Voi, Ông Sư Tử v.v...

 

Nhiều con thú mà con người sợ như vậy, nên lập xã-hội đặng bảo vệ cho nhau, tức nhiên có lập luật, xã-hội quây-quần chung sống cùng nhau mới có tinh-thần vững chắc. Mà con người bao giờ cũng vậy, họ chẳng hề khi nào định phận họ phải đối trả lại xã- hội nhơn quần. Trái lại trí khôn ngoan mâu-thuẫn lường gạt xã-hội mà thôi, ăn gian xảo mị, con người có thể qua mặt xã-hội được, nhưng luật công-bình Thiêng-Liêng căn quả chẳng hề khi nào chúng ta qua mặt đặng.

 

Vì cớ trái-chủ oan-gia là tự chúng ta tạo nghiệp nơi kiếp sanh của chúng ta đã nương theo đặng sống, đặng bảo vệ sinh mạng mình mà ra. Mình còn mượn cái sống cả vật loại đặng làm phương sống, phải ăn mới sống, phải mặc mới lành. Nếu nhơn-loại trần-lổ thì dở hơn con thú nữa - con thú không có manh quần tấm áo, nó tìm phương thế che để sống. Mà hễ nương sống, tìm sống tức giết nhau đặng giành sự sống. Con người nếu giành sống như con vật, tức nhiên phải sát nhân đặng bảo vệ sinh mạng mình, tấn tuồng ấy chúng ta thấy hiển nhiên trước mắt. Bần-Đạo chức-vụ Thiêng-Liêng là Hộ-Pháp, Bần-Đạo vấn-nạn các Đấng Thiêng-Liêng buổi ban sơ, không thể gì con người có thể đầu kiếp làm thú. Các Đấng Thiêng-Liêng trả lời dè-dặt: " Khi tôi tưởng có nhiều chơn-linh không đáng địa-vị nhơn-phẩm, Chí-Tôn vẫn ban ơn cho làm thế nào cho có sự tấn-hóa toàn-thể. Còn nhơn-phẩm trở lại, tấn tuồng ấy có hai lẽ: hoặc đứng chựng phẩm người tấn tới, mà hể ta đứng không đặng phải thoái bộ - mà con người đã thối bộ, tức nhiên con người trở lại thú rồi ! ".

 

Chơn-lý ấy để lại có lẽ thiên-hạ quả quyết không xứng đáng để bảo thủ. Kỳ dư nếu buổi Hạ-Ngươn nầy định Long-Hoa Hội, Đức Chí-Tôn đã đau khổ về con cái Ngài biết bao nhiêu. Đấng Cha Lành Thiêng-Liêng ấy đã thảm khổ dường nào vì con cái của Người. Ta tưởng-tượng từ tạo-thiên-lập-địa tới giờ không có nhơn-loại nào nơi mặt địa-cầu nào được hưởng hồng-ân đặc-biệt như chúng ta ngày nay vậy.

 

Nhơn quần xã-hội đồng sống cùng nhau, tức nhiên ta phải có định chủ-quyền từ lúc còn ăn lông, ở lổ dĩ chí ngày nay. Muốn bảo vệ phương sống cất nhà trên ngọn cây, rồi tạo ra hang ổ, rồi thỉnh-thoảng làm nhà. Hồi buổi ấy duy chỉ có sợ thú dữ, ở trong hang coi chừng không thấy có thú gì dữ mới dám chạy ra bưng, ra ruộng tát cá đem nấu ăn. Rồi coi chừng không có con gì dữ hại đến tánh mạng, chạy ra cuốc đất trồng khoai đặng nuôi sống. Có nhiều khi sợ thú dữ, không dám chung ra khỏi hang, bị ba thằng điếm nó lén ăn cắp của mình, rồi mình yếu hơn nó không thể gì bảo vệ sanh mạng được phải chịu thua. Rồi cập bầy cập bạn, hể nó làm được bao nhiêu của thì tao mầy hiệp nhau dành lấy. Một mình mầy đánh không lại nó, tao hiệp với mầy đánh nó. Đứa nầy kiếm với hai ba người, đàng kia tìm bốn năm người hiệp nhau đánh giết tàn phá; thành ra Mán, Mọi kia chưa chắc bảo thủ cả sanh mạng đặng. Duy sợ chúng đánh trước rồi cùng phương, hết thế mới chịu thua; rồi phải phục lụy làm tay chơn nô lệ, bọn nầy làm chủ bọn kia, tổng-số lại làm xã-hội, quốc-gia nguyên do là vậy.

 

Từ thử tới giờ muốn giữ trật-tự công-bình bảo vệ mạng sống chung cho nhau có phương công-lý, tức nhiên có định chủ-quyền. Chủ-quyền hồi trước, mỗi nơi có một vị đủ trí-thức, đủ tài tình, đủ mạnh mẽ, làm chủ nơi Mán, Mọi. Khi lập quốc phải tôn sùng cung kỉnh vị làm Chúa của nước, tức nhiên chúng ta đã thấy sau nầy vậy. Nhờ kiến-thức, nhờ định phận có nghiêm-luật, như ở Nhật Bổn có khuôn khổ buổi ban sơ, bảo vệ sanh mạng nhân dân, cân giữ công-chánh. Cái khuôn khổ làm chúa của Mán, Mọi; dĩ chúa quốc-gia, làm chủ sanh mạng toàn-thể quốc dân, nó đã định vận của toàn quốc-gia Mán, Mọi vậy.

Tấn tuồng ấy chúng ta thấy hiển nhiên bây giờ còn dấu tích mà buổi đó, theo Mán Mọi, một quốc-gia không có khó như bây giờ. Nhơn-trí buổi đó hiền lương, Thánh-Đức của họ không xảo trá, không hung ác, không như vào thế-kỷ hai mươi nầy.

 

Chịu ảnh hưởng văn-minh khoa-học, trí-lực khôn ngoan của nhơn-loại đi quá xa, không phương thế trị an đặng, vì cớ cho nên chánh quyền thường bị đánh đổ. Họ nói gì công chúng kêu gọi đại đa số nhân-dân cướp chánh-quyền lập lại chánh-trị.

 

Ngày nay chúng ta thấy cả toàn mặt địa-cầu nầy đều xu hướng theo dân-chủ, dân-chủ là gì? Là đại đa số dân chúng tổng-hợp lại nắm chủ-quyền, mà ảnh-hưởng cũng do đại đa số đó cầm vận mạng mặt địa-cầu nầy. Hại thay có nhiều hạng người không đủ tinh- thần học-thức hay không đủ tâm-đức cầm sanh mạng nhơn-loại, thảo nào ta không thấy phương tranh-đấu ai mạnh là hơn. Làm chúa thiên-hạ với phương xảo mị, không phải làm chúa loài người với phương-pháp tối cổ. Nhơn-loại để lại cái giống loạn, cả tinh-thần toàn- thể trên mặt địa-cầu nầy đều loạn, chỉ vì không có quyền vi-chủ.

 

Vì cớ cho nên vận mạng nước nhà không chủ-quyền đặc biệt, không quyền vi-chủ tức nhiên phải loạn. Có loạn đương nhiên bây giờ họ mới biết, họ tự hiểu có quyền vi-chủ ấy mới cầm vững quốc vận, nhưng quyền vi-chủ chính họ đã đập tan nát hết rồi. Bây giờ họ tiềm-tàng phương thế đào tạo chủ-quyền ấy mới ra tấn tuồng ngày nay. Chúng ta ngó thấy nhơn-loại đương mong chiếm đoạt quyền ấy đặng bảo tồn vận mạng cho nước được tồn tại.

 

Bây giờ nhơn-loại đương chạy kiếm chủ-quyền, chủ-quyền ấy dầu nó thế nào cũng không thể tồn tại được. Vì cớ cho nên Đức Chí-Tôn đến, Đức Ngài nói: " Phương-pháp tạo quyền của nhơn-loại không thể gì bền vững được, ta coi các người đập phá tan tành hết. Ta đến cho lại, ta chỉ đường cho ".

 

Đường Đức Chí-Tôn chỉ là con đường Pháp-Chánh vậy. Ngày giờ nào trên mặt địa-cầu nầy: quốc-gia, xã-hội, nhơn-quần biết tìm chủ-quyền đặc-sắc vĩnh-cữu, công-chánh - tức phải đồ theo Pháp-Chánh của Đạo Cao-Đài, tạo hình tướng Thánh-Thể quốc-gia, có lẽ ngày giờ đó thiên-hạ mới thấy chủ-quyền của Đạo Cao-Đài, định thật quyền cho quốc-gia và toàn thể nhơn-loại. Bần-Đạo nói Pháp-Chánh có năng lực đào tạo quyền hành cho nhơn-loại. Khá sửa lại, chỉnh đốn lại; ít nữa muốn đoạt được món báu ấy, nhơn-loại phải tự-tỉnh định quyền vi-chủ trước lấy mình; dầu cho cá nhân, quyền sở-hữu tự-chủ của họ cũng do nơi đạo-đức tạo thành vậy.

 

Ấy vậy ngày giờ nào nhơn-loại trở lại con đường đạo-đức đặng giải kiết, gầy dựng phương-pháp sống, mới sống vinh-quang, sống ôn tồn hạnh-phúc. Ngày giờ nào tiêu diệt được quả kiếp hung tàn trở lại con đường đạo-đức, ngày giờ ấy quốc-gia mới yên ổn, ngày giờ ấy thiên-hạ mới hưởng được hồng-ân đặc-biệt của Đức Chí-Tôn ban cho.


Đức Hộ Pháp

 

Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 12 tháng 10 năm Mậu-Tý ( 12-11-1948 )


Bần-Đạo giảng tiếp con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, bỡi vì có chơn-lý triết-lý bí yếu về phần hồn của chúng ta.

 

Buổi chúng ta đương hội đàm cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đã đoạt- vị trọn lành làm đại-diện bào chửa cho chúng ta nơi Ngọc-Hư Cung và Cực-Lạc Thế-Giới.

 

Bần-Đạo hôm nay giảng qua ảnh-hưởng với các triết-lý của nền Đạo, đặng mở con đường trí-thức cho toàn-thể theo bước, đặng thấu đáo chơn-truyền. Bần-Đạo nói chúng ta đi tìm triết-lý nầy hồi lúc chúng ta còn sanh tiền, tức nhiên chúng ta đi tìm con đường Thiêng-Liêng tối cao trước mắt, chúng ta không thế gì tìm học triết-lý đặng dạy dỗ chúng ta được. Cho nên từ thử đến giờ, Bần-Đạo muốn dìu-dẫn con cái Ngài đi trên con đường chơn thật - nếu cả thảy đều để tâm nghe và suy nghĩ tìm tàng, Bần-Đạo nói một cách chơn thật, cái triết-lý chơn thật nó không có giả dối. Bần-Đạo cần chỉ điều trọng yếu nên tầm hiểu để ý đặng vô Cung Diêu-Trì đặng tìm hiểu chơn-lý của họ. Nền Chánh-Giáo của Đức Chí-Tôn các bạn đã ngó thấy, nơi Kim-Bàn Bát-Quái-Đài xuất hiện ra Bát-Phẩm Chơn Hồn, chánh-thể của họ thể nào? Cái Phách của họ thể nào? Bần-Đạo đã minh tả kỳ trước cái Chơn-Thần của chúng ta như xác thú chúng ta vậy.

 

Chơn-Thần ấy là gì? Bần-Đạo chỉ sơ qua đó thôi, nó là một khối linh-quang ( bỡi vì khối linh-quang tạo Chơn-Thần ) thì hình-thể nó là xác thân thọ linh-hồn của chúng ta vậy; hình-thể chúng ta mang ngày nay là xác thú. Bần-Đạo đã có dắt các bạn ngoạn cảnh sanh-hoạt của hình-thể và thể-chất. Bần-Đạo đã dìu-dắt các bạn đi trên con đường mới sơ sanh, cái thể của con người tức nhiên là con thú hữu-hình chúng ta đương mang, đương lập là nhờ nơi khối khối thiên-lương Đức Diêu-Trì Kim-Mẫu đã tạo.

 

Quyền năng chơn-linh chúng ta có hai con thú trong chơn-linh chúng ta để bảo vệ tánh mạng chúng ta, ngày nay loài người còn tồn-tại nơi mặt thế nầy chẳng phải vì mạnh mẽ mà thắng cả vạn-vật nơi mặt địa-cầu nầy để bảo tồn mình đặng.

 

Nếu các bạn hiểu số cộng lịch-sử của trái đất các bạn sẽ thấy, trái đất nầy từ mới phôi thai duy trì cho đến ngày nay biết bao nhiêu thế-kỷ có thế lực, bảo sanh mạnh-mẽ mà có phương thế nào bảo trọng cho đến ngày nay chăng? Nếu một kiếp chúng ta tưởng-tượng được thì thấy luật sanh hóa ngày nay nó dữ tợn lắm, ngày nay các vật loại cầm thú nó mạnh lụn lại, đặng bảo vệ cả sanh mạng của nó; còn loài người yếu ớt bạc nhược.

 

Muốn bảo-vệ sanh mạng mình được tồn tại thì phải làm sao mới đặng? Chúng ta đến nhờ khối sanh-quang ấy tạo chơn-thần, ấy là nhứt điểm linh của Đức Chí-Tôn đó. Mình nương nhứt điểm linh đó nên con người mới bảo tồn sanh mạng cho được cho đến ngày hôm nay, không thể gì mình diệt nhứt điểm linh-quang nầy đặng.

 

Bây giờ chúng ta đã thấy giáp vòng Càn-Khôn Vũ-Trụ, phải chung vô cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, coi Đại-Diện mình bảo vệ mình về phương diện nào? Vã chăng trong Càn- Khôn Vũ-Trụ, chư Hiền-Hữu, Hiền-Muội, Hiền-Tỷ, Hiền-Huynh đã ngó thấy hằng hà sa số nhơn-loại, chớ không phải một số hệ-định mà hết trong Càn-Khôn Vũ-Trụ nầy.

 

Trái đất nầy nếu ta sánh lại với Càn-Khôn Vũ-Trụ, dám chắc không có bằng hàng xóm láng giềng chớ đừng nói đến một thành-thị hay một xã-hội gì được. Bỡi vậy cho nên các Đấng Trọn Lành đại-diện chúng ta, đã tạo thành hình-thể, trong trái địa-cầu nầy, chưa biến tướng ra sao, vì nó còn định một ở trong như mặt trăng, nó đũ bảy phần của nó; nó biến thể nầy ra hằng-hà chơn-linh của trái địa-cầu.

 

Hồi nhứt kiếp của nó, đoạt biết bao nhiêu vị Thần, Thánh, Tiên, Phật; các Đấng Trọn Lành đã tạo trước kia, dám chắc danh-thể trái địa-cầu 68 nầy, Bần-Đạo nói quả quyết với các bạn, hình thể của nó cao trọng lắm. Vì sao nó là một hạng địa-cầu chót hết trong 72 mà đứng vào hàng 68 ? Nói đến chót mà danh-thể nơi đó nó đã tạo ra, chúng ta có được đoạt phẩm-vị là nơi cửa Hiệp-Thiên Hành-Hóa; Bần-Đạo nói quả quyết các Đấng Đại-Diện cho chúng ta có một danh-thể đặc biệt, danh-thể cao trọng lắm đó vậy.

 

Chúng ta vấn nạn, chúng ta vào nơi ấy ngó thấy các đấng Thiêng-Liêng hằng hà sa số, đối phẩm một cách vinh-quang cao trọng, Bần-Đạo tưởng cả thảy lấy làm ngạc nhiên lắm. Nếu chúng ta tọc mạch tìm coi trái địa-cầu ở trước làm thế nào mà tạo các Đấng Trọn-Lành được? Tạo vinh-quang cao trọng được? Chắc cả thảy đều tọc mạch như Bần-Đạo, cũng muốn biết như Bần-Đạo. Loài người do ai sanh ra thì Phật Kim-Cang trước kia đã có triết-lý buổi sơ sanh, cái nguyên-căn tạo ra tứ khổ, mối khổ sanh kia còn tạo ra cho chúng ta ba cái khổ nữa, tại sao phải sợ? Cái sợ phải hay quấy chúng ta để ý theo dõi, chúng ta sợ khổ lắm. Triết-lý các Đấng Trọn-Lành đại-diện chúng ta nơi cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa phải sợ, sợ mà tránh khỏi, thì cái sợ ấy hữu lý; sợ mà tránh không khỏi thì cái sợ ấy vô lý. Lại còn khuôn mẫu sửa ra tánh đức chơn thành, hồn phách còn hèn hạ tại sao ai cũng vậy.

 

Hết thảy chúng ta quan-sát như thế nầy: Tại sao chúng ta phải làm, phải ở đây? Tại sao chúng ta phải mang tứ khổ? Bằng cớ đã có hiển nhiên chúng ta không thể gì chối cải được. Sự thật phải tìm cái sự thật chớ, tại sao sợ? Bần-Đạo đã thuyết: Dầu cho cá nhân, dầu cho thôn lân, dầu cho xã-hội, dầu cho toàn-thể thiên-hạ trên mặt địa-cầu nầy cũng vậy, cũng đều có quả kiếp, quả kiếp ấy gầy dựng ra, sản-xuất ra do cơ sanh-hóa của nó; vì cớ cho nên Bần-Đạo dắt chư Hiền-Hữu đi trên con đường ấy.

 

Chúng ta sanh tại mặt thế nầy, vừa lọt lòng mẹ phải chịu mấy muôn quả kiếp rồi. Thánh-Giáo Gia-Tô đã gọi là : Tội Tổ-Tông chúng ta đó vậy, thì thân thể nầy mới làm sao đây? Bỡi vì chúng ta vừa có thì khóc tu oa, cái tiếng ở trong lòng Mẹ mới ra mà có tất cả các nợ; nợ trái chủ, nợ quả kiếp đủ thứ, không biết bao nhiêu món nợ.

 

Cửa Hư-Linh các Đấng Trọn-Lành đại-diện chúng ta biết bao nhiêu Đấng đã gớm-ghiết quả kiếp ấy, vì sợ giựt giành quyết thắng không nỗi phải chịu muôn triệu năm trong quả kiếp.

 

Họ mãi ngồi trong địa-vị họ thôi, không tấn thối được, phải chăng là mối nợ mình biết để tìm phương thế đặng mình trả. Mà hể trả rồi mình lại giàu thêm nữa mới là lạ chớ! Cái nợ nó thiết yếu, nó trọng hệ, nó mắc mỏ lắm. Nếu chúng ta sợ như người chiến-sĩ ra trận mà sợ chết thì không có giá-trị gì hết, phải quyết thắng mới đáng mặt Tướng-Quân, Tướng Soái, đáng mặt anh-hùng. Còn chiến-sĩ mà sợ chết, trốn lính thì có danh-vọng gì đâu !

 

Trái Địa-Cầu 68 nầy nó có danh-thể đặc-biệt của nó nơi Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Cũng nói sợ mà các Đấng Trọn-Lành đến cư ngụ, cũng do nơi đó mà ra, các Đấng ấy quyết thắng, lập vị mình một cách khó khăn, nhưng vinh-diệu lắm! Chơn-lý ấy chúng ta không khi nào đặng mờ hồ, duy có một điều là những trái chủ quả kiếp nặng-nề của chúng ta từ thử đến giờ, làm sao mà trả cái quả kiếp ấy cho rồi, đừng để nó theo ràng buộc cái khối Thiên-Lương của chúng ta. Buộc nhứt điểm Linh-Quang của chúng ta, tức là nó ràng buộc lấy ta, chẳng khác nào mang theo một thây chết. Làm sao bỏ được cái thây chết thúi tha ấy, thì mới thong thả nhẹ-nhàng, nhưng không bỏ được!

 

Cái tình trạng khổ nảo ấy, làm người ta ai cũng đều biết, không cần gì tả hình-tướng nó ra, cái sanh-hoạt của con thú nầy. Bần-Đạo tưởng Đạo Phật gọi nó là con kỵ vật, con thú cỡi của chúng ta. Vì cớ nên triết-lý của nhà Phật nói, thí-dụ như: Đức Từ-Hàng cỡi con Kim-Mao-Hẩu, Đức Phật Kim-Cang cỡi con Đề-Thính giải kiếp họ một cách vinh diệu. Con vật nầy nó làm cho ta thiếu chịu kiếp sanh của nó, nó làm ta phải biểu nó trả cho đặng. Phương-pháp nó phải trả thế nào? Là nó phải nương theo cơ-quan hữu-vi nầy mà nó sống - nó tạo, nó gây ra quả kiếp tồn tại, nó mới nương theo xã-hội nhơn quần, nương theo mặt địa-cầu nầy mà sống - nó nương theo mối nợ riêng của nó, để nó trả nợ riêng cho nó.

Nó có phần đoạt được cái triết-lý cao thượng rồi, nó không nương theo mặt địa-cầu xã- hội mà sống nữa. Nó quyết định làm tôi tớ cho xã-hội, làm tôi cho mặt địa-cầu nầy để trả nợ tình của nó. Ngày giờ nào nó không làm tôi tớ cho cơ-quan hữu- hình nầy, thì mối nợ ấy vẫn còn vậy. Cái triết-lý cao thượng hơn hết là mình không sống cho mình, mình sống cho xã-hội nhơn quần, tức nhiên chung sống trên mặt địa-cầu nầy, thì cơ-quan giải khổ của chúng ta ngày nay chắc-chắn không ai là không đoạt được đó vậy.

 

Đức Hộ Pháp

 

Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 4 tháng 11 năm Mậu-Tý ( 4-12-1948 )


Trước khi giảng trên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, chúng ta còn một vấn-đề rắc rối giữa các cuộc thiệt chiến của các chơn-linh đã tạo thành Đạo. Có một vấn-đề rắc rối hơn hết là vấn-đề con người trong Tứ-Khổ. Các chơn-linh đến trần gian nầy mang cái xác phàm tức nhiên xác thú của họ, nương với cái hình-luật tấn-hóa của các chơn-linh để lập Thiêng-Liêng vị của mình. Có một điều mâu-thuẩn hơn hết là muốn đoạt Thiêng-Liêng vị xứng đáng thì phải giải quyết vấn-đề Tứ-Khổ. Đã đành sanh trong vòng tứ khổ, định lại cả tinh-thần, chúng ta không thể gì từ chối cái tinh-thần ấy đặng. Mang xác phàm phải chịu khổ với phàm mới đoạt được Thiêng-Liêng vị. Ngài nói có một điều là tấn tuồng theo mặt luật tấn-hóa trong kiếp sanh, trong hành khổ - khổ thì ai cũng thế, kỳ dư các chơn- linh đoạt đến Tiên-Phật vị, họ dám có can đảm, dám có nghị lực, dám có oai quyền, họ ngó ngay Tứ Khổ để quyết thắng.

 

Bỡi vì họ có năng lực đủ tinh-thần, mà hại thay các Đấng Trọn Lành không đủ oai quyền, không đủ năng lực của họ, các Đấng Trọn Lành vì sợ hải. Bỡi cớ muốn trọn lành thì họ phải tìm hạnh-phúc, họ tìm hạnh-phúc trong cảnh khổ ấy, chúng ta đều ngó thấy như vạn loại: Con cá bị nhốt trong chậu, con chim bị nhốt trong lồng, con người bị nhốt trong Tứ-Khổ, bao giờ cũng tìm kiếm phương thế đặng thoát ngục nơi mặt Càn-Khôn Vũ-Trụ nầy. Thật tướng nó, ta là cái lồng , cái khám nhốt cái chơn-linh, như con thú kia nó còn vùng-vẫy thoát cảnh khổ, dù thoát không đặng mà nó vẫn tìm thế vùng-vẫy để thoát cho đặng.

 

Cái chơn-linh đầu kiếp mang lấy xác phàm nơi Càn-Khôn Vũ-Trụ nầy họ đã hiểu Tứ Diệu-Đề khổ, họ phải tìm phương thế đặng thoát khổ, nhưng Luật Thiêng-Liêng định vậy. Chúng ta ngó thấy dễ hiểu, nhứt là Bần-Đạo đã hiểu tấn tuồng ấy rồi.

 

Con người bị đầu kiếp trong cảnh khổ, trong ngục hình, bao giờ cũng tìm phương kế hoạt động để giải khổ. Tìm phương thế giải khổ không đặng, cũng kiếm phương thế an-ủi lấy mình - tức nhiên, tìm mảy may hạnh-phúc để gỡ khổ cho mình. Ngặt nỗi, muốn tìm phương thoát ngục ấy, nhưng than ôi, biết bao nhiêu là khổ hải! Có nhiều khi chưa tìm đặng hạnh-phúc để giải khổ, nó làm cho mình thêm tội nữa mà chớ!

 

Ấy vậy một vấn-đề không đồng năng-lực với nhau, các chơn-linh cao siêu ấy cũng không dám đứng ra với Tứ-Diệu-Đề Khổ ấy để kiếm phương thế tạo hạnh-phúc mảy may trong kiếp sống đặng đỡ khổ.

Bây giờ chúng ta cũng nên ngừng bước lại, đặng quan sát cái thiệt hạnh-phúc của loài người; có phương thế nào thắng cảnh khổ đặng chăng? Hạnh-phúc trong cảnh trần họ là gì? Chúng ta nên kiếm hiểu, có kiếm hiểu đặng mới giải quyết vấn-đề thắng khổ đặng, chúng ta chỉ ngó thấy từ thử đến giờ thiên hạ chỉ mơ ước của mình. Bần-Đạo nhớ Đạo- Giáo của chúng ta có một triết-lý rất hữu hình, rất ngộ nghĩnh, rất cao siêu.

 

Có một chơn-linh đó đi xuống địa ngục, đến chừng trả tội xong rồi ở dưới Diêm-Vương cho đi đầu kiếp; chơn-linh ấy cự nự lắm xin Diêm-Vương phải cho mấy điều xin thì chơn- linh ấy mới chịu đi đầu kiếp.

Diêm-Vương hỏi ngươi muốn xin điều gì? Chơn-linh ấy nói: Cho tôi xin bốn điều, rồi đọc lên bốn câu thơ:

Cha Thượng-Thơ,
Con Trạng-Nguyên,
Quanh nhà ngàn khoảnh nhứt hạng điền,
Trai tơ gái lịch, vợ tốt hầu xinh thảy thảy đều.

Diêm-Vương nói chưa chắc, nếu có cho người cũng chưa đủ hạnh-phúc, chưa đủ vinh- hiển đâu. Cha Thượng-Thơ, con Trạng-Nguyên tức nhiên linh-hồn ấy muốn làm Trạng- Nguyên con của vị Thượng-Thơ.

 

Chưa chắc gì vị Trạng-Nguyên ấy gặp được vị quan thanh-liêm, đủ đạo-đức, đủ cường lực, đủ hạnh-phúc để làm cha mẹ cho dân. Thoảng gặp vị Thượng-Thơ gian ác, gian tham, hối lộ, chung vô đầu-kiếp có nên hay chăng?

 

Chơn-linh ấy vẫn cầu xin cho mình được làm quan, nhứt định làm quan Trạng- Nguyên. Nếu thi đậu Trạng-Nguyên rồi cũng chưa chắc gì có hạnh-phúc.

 

Làm quan Trạng như ông Tam-Phương ba kỳ thi đậu Trạng gặp ông Minh-Mạng làm ba khoa thi, ông Tam-Phương chiếm hết. Mới 14 tuổi mà đã ba lần đậu Trạng, nhưng tuổi còn nhỏ lắm không xuất-sĩ đặng, đợi tới 20 tuổi mới xuất-sĩ ra triều, nhưng đến 25 tuổi lại chết. Thử hỏi, ông Tam-Phương có hạnh-phúc hay chăng? Dám chắc chưa có.

 

Câu thứ ba: Quanh nhà ngàn mẫu nhứt hạng điền, nghĩa là, quanh nhà ấy ruộng nhứt hạng ngàn khoảnh đặng sau nầy làm giàu, mà thử hỏi có hạnh-phúc chăng ? Bất quá tham của thôi, chớ chưa có hạnh-phúc.

 

Câu thứ tư: Trai tơ gái lịch, vợ tốt hầu xinh thảy thảy đều. Trai tơ gái lịch tức nhiên đệ nhứt trong thiên-hạ hết, mà sao có tạo hạnh phúc đặng hay chăng? Chưa chắc.

 

Câu thứ năm: Vợ tốt hầu xinh thảy thảy đều. Vợ tốt hơn mình thì nó ăn hiếp mình; nó cậy sang, nó biết nó đẹp hơn mình; vì mình thương nó quá, nên nó cậy thế nó đè đầu mình xuống nó dọi đầu mình. Duy có câu thảy thảy đều hơn hết thảy là câu chót, mà cũng chưa chắc tạo hạnh-phúc được.

 

Ấy vậy từ thử đến giờ cả thảy đều hiểu dầu cho bậc Đế-Vương cũng chưa chắc kiếp sanh đoạt đặng hạnh-phúc. Các nhà Hiền-Triết của nước Việt-Nam ta, Nho-Tông của chúng ta có để 3 câu trọng yếu, muốn lập quốc, muốn tạo hạnh-phúc cho dân, quốc dân phải có 3 điều kiện: " Thiên-thời, địa-lợi, nhơn-hòa ". Ấy vậy chúng ta kiếm thử coi trong ba điều kiện để tạo cho dân coi có phương thế gì giải khổ hay chăng? Thiên-Thời, Địa-Lợi, Nhơn-Hòa.

 

1- Thiên-thời là gì? Tức nhiên theo mạng Trời, Trời đã định cho mình tức nhiên mình phải tùng mạng Trời, tùng mạng Trời tức nhiên tùng Đạo. Thiên-thời tức nhiên tùng Đạo, không thể gì chối được.
2- Địa-lợi là gì ? Là cả thảy địa-dư toàn trong nước dân đều hiện, đất sung túc được hay chăng? Bậc thượng-lưu, trí-thức cần nên tưởng lại câu ấy, mà câu ấy là của ai? Quốc- Vương, Thủy-Thổ, Địa-Lợi, dầu không đặng hưởng địa-lợi nó cũng biến địa-lợi, mà phải có đạo-đức có nhơn tài tạo mới được.
3- Nhơn-hòa đặng chi? Nếu cả thảy không có hòa thì loạn-lạc, hễ có loạn-lạc thì có giặc giã chiến-tranh. Ấy vậy có ba điều từ thử đến giờ đặng tạo hạnh-phúc cho quốc dân mà có phương-thế tạo đặng hay chăng? Tạo có thể đặng chớ, nhưng chúng ta thử nghĩ đương giờ phút nầy nhơn-loại bị dọa nạt trận giặc thứ ba. Đã hai phen rồi, hai trận chiến tranh thiên-hạ chết muôn trùng vạn điệp.

 

Nhơn-loại sắp bị dọa nạt trận giặc thứ ba nữa, nhơn-loại sống làm gì mà phải chịu nạn ấy? Có phải nhơn-loại đeo đuổi tìm hạnh-phúc chăng?

 

Đây một bằng cớ hiển nhiên toàn cả quốc-dân Việt-Nam đương vì của, đương tìm hạnh phúc của họ ở trong lý-thuyết mơ-mộng mà thôi. Như chánh-phủ Hồ-Chí-Minh đương tìm hạnh-phúc trong lý-thuyết chớ không có gì hết. Cả toàn-cầu đương khởi chiến-tranh tìm hạnh-phúc cho nhơn-loại, Bần-Đạo dám chắc là không có. Có là chỉ lòe-loẹt các yếu điểm để lên nạn chiến-tranh giết lẫn nhau, để hai phen thất bại cũng vì muốn tạo hòa-bình hạnh-phúc cho nhơn-loại.

 

Hại thay tinh-thần của nhơn-loại bây giờ đang thống khổ, dám chắc dầu không khổ, nhơn-loại cũng không biết nghe theo tiếng Thánh, đặng tự-giác sửa mình tìm được hạnh- phúc chơn thật.

 

Họ cứ nương theo cái hạnh-phúc giả dối, nên vị Thánh Gandhi bị chúng giết, mà vị Thánh Dalagadot cũng bị kẽ ác tâm ám-sát để tranh sống. Đương nhiên bây giờ nhơn- loại bị thống khổ nhiều, mà nó hiện-tượng ra đặng kiếm thế giải quyết cơ-quan thống trị cả tinh-thần hạnh-phúc của loài người; họ lập Vạn-Quốc-Liên-Minh mà Hội-Quốc-Liên đã làm nên chưa? Cũng chưa gì hết. Bỡi vì có nhiều nguyên căn cho nên Garry Davis anh đã tượng trưng tinh-thần của loài người được; phải có người đến giữa Hội-Quốc-Liên đặng hỏi: " Có thể bảo trọng hòa-bình cứu nhơn-loại đặng chăng? " Garry Davis " chiến tướng biểu nhơn-loại theo anh, mà nhơn-loại nghe không? Chính mình Bần-Đạo cũng theo nữa.

 

Đúng theo lý-thuyết mờ ám theo lý-thuyết Cộng-Sản, thuyết nầy thuyết nọ đặng tìm hạnh-phúc của loài người, mà càng tìm càng đi sâu chừng nào càng đau khổ cho nhơn- loại chừng nấy. Để cho thiên-hạ suy nghĩ, suy gẫm tìm thử hạnh-phúc chơn thật thế nào ? Kỳ tới Bần-Đạo sẽ giảng thêm.


Đức Hộ Pháp

Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Thời-Tý, đêm 5-11 năm Mậu-Tý ( 5-12-1948 )


Hổm rày đình thuyết cuộc dục tấn của chúng ta trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, hôm nay Bần--Đạo giảng tiếp. Nhưng trước hết Bần-Đạo cho cả toàn con cái của Đức Chí-Tôn nhứt là Thánh-Thể của Ngài tức Hội-Thánh hay rằng Đức Cựu Hoàng Bảo-Đại vừa gởi cho ông Nguyễn-Hữu-Trí tức là một vị của Chính-Phủ Trung-Ương Lâm- Thời Việt-Nam phái đi làm quan-sát viên, dự Hội-Nghị Liên-Hiệp-Quốc, nhưng Đức Bảo-Đại chưa cho ông dự Hội-Nghị, vì chơn tướng độc-lập và thống-nhất của Việt-Nam chưa thành hình, chưa có thể dự Hội-Quốc-Liên được. Ngài gởi cho ông ba bức thơ tỏ vẻ đầy đủ hy-vọng về sự đòi hỏi sẽ toại nguyện, đem lại độc-lập và thống-nhứt cho nước nhà. Ngài yêu cầu toàn quốc-dân hiệp nhau, đừng quá trọng đảng phái chánh-kiến mà nên trọng tương-lai của Quốc-Gia, phải có lòng ái-quốc chơn chánh, chung tâm hiệp sức vừa giúp Ngài, thì Ngài mới có thể tạo hạnh-phúc cho nước nhà và cho chủng-tộc. Ấy là lời than của một vị Đế-Vương. Ngài nói rằng: Nếu tôi đoạt được cái sở vọng của toàn-thể đồng-chủng ta đặng, chẳng qua là nhờ ở tâm-lý cương quyết của Quốc-Dân mà đoạt đặng tạo quốc cũng do Quốc Dân, mà định vận mạng tương-lai của nước nhà cũng do Quốc- Dân đó vậy. Một vị Đế-Vương đã kêu gọi, toàn-thể bá tánh hiệp sức với người đặng lo tạo thành hạnh-phúc, tương-lai của nòi giống và cho nước, Bần-Đạo tưởng lại duy có kẽ điếc, đui mới không biết phận-sự mình đối đãi với nòi giống mình, với nước nhà mình như thế nào?

 

Hôm nay Bần-Đạo tiếp giảng cuộc dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng- Sống.
Chúng ta ngưng bước từ hổm rày nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, Cung ấy có liên- quan tới phần hồn của nhơn-loại, nhứt là về Đạo-Giáo tinh-thần, nên chúng ta ngưng lại đó đặng quan-sát cả hành-tàng của Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa như thế nào?

 

Ta gặp các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Dạo tâm hồn của mình, các Tôn-Giáo ấy có đủ quyền-năng bảo vệ tương-lai phần hồn của sanh-chúng chăng? Chúng ta sẽ thấy các Đấng ấy cười và nói rằng: Thoảng nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa nầy đòi phen mời các vị Giáo-Chủ ấy đến hiện-diện đặng chứng kiến một án-tiết gì của các Tông-Đồ họ thi thố tại thế, đương nhiên tôi xin chư Hiền-Hữu đừng lấy làm lạ

.

Vả chăng các vị Giáo-Chủ lập giáo đều nương nơi một tinh-thần của họ, tinh-thần hữu- định ấy có căn nguyên trong tinh-thần của toàn nhơn-loại. Họ chỉ lấy một thuyết trọng yếu đặng làm triết-lý Đạo-Giáo của họ - tỷ như Thánh-Giáo Gia-Tô lấy tâm làm căn bản, Lão- Giáo lấy thân làm căn bản; Hồi-Giáo lấy tín-ngưỡng làm căn bản - mỗi giáo-lý đều có sở năng làm trung-tâm điểm đặng vi-chủ tinh-thần của con người trong chỗ khuyết-điểm của họ.

 

Thoảng có một vị tu chơn theo Phật-Giáo, chẳng noi theo tánh đức nhà Phật là Từ-Bi Bác-Ái, chỉ biết một điều trọn kiếp sanh đem thân phụng sự cho nhơn-loại, cho chúng- sanh. Sang, trọng, vinh, hiển họ coi như nước chảy, như giọt sương đầu cỏ. Sang trọng như Phật, xuất thân nơi nhà Đế-Vương mà còn bỏ hết, mang Bình-Bát đi hành-khất đặng mà chi, để làm gì ? Ngài hành-khất đặng của bố-thí, tạo Cấp-Cô-Độc-Viên nuôi kẽ nghèo đói. Mảnh áo Ngài không muốn mặc sang trọng hơn kẽ khó khăn. Tánh-đức của Phật là ăn mày, mà ăn mày như thế ấy siêu thoát tinh-thần làm sao!

 

Thoảng một vị giáo-đồ nhà Phật lấy căn bản hành-khất ấy đặng tạo một cảnh chùa, rồi ngồi đợi chúng-sanh đem của bố-thí tới đặng ăn mà sống; ngoài ra nữa, còn lường gạt tâm-lý của các Tín-Đồ, đem cả mầu-nhiệm Thiêng-Liêng của Phật dạy làm một món khí cụ đặng dọa nạt hù nhát kẽ Tín-Đồ, duy có một phương hù nhát mà thôi. Lập ra cửa Phong-Đô có hình khảo ghê sợ đặng dụ-dỗ họ nơi Niết-Bàn mà kỳ trung chưa hề phụng- sự chúng-sanh như Phật. Đến khi về cửa Thiêng-Liêng nói: Tôi theo tôn chỉ của nhà Phật mà Phật đã đoạt-vị, tôi cũng phải được đoạt-vị như Phật vậy chớ! Hỏi vậy chớ Cung Hiệp- Thiên Hành-Hóa mới đem lý-thuyết nào, bằng cớ nào đặng bảo-vệ cho kẽ ấy nơi Cực-Lạc Thế-Giới và Ngọc-Hư-Cung đặng ?

 

Nói về Tâm: Đức Gia-Tô truyền Thánh-Giáo tại thế, Ngài lấy tó thể -sinh đặng tế-lễ Đức Chí-Tôn - Ngài xin mang cả tội tình của loài người vào mình, cũng như con dê hy-sinh ( Le bouc Emissaire ) mang cả tội tình cho nòi giống. Ngài đã mang cả tội tình ấy mà chịu chết trên cây Thánh-Giá đặng cứu rỗi nhơn-loại. Vì một mãnh tâm yêu-ái vô cùng tận mà Ngài chỉ biết sống với tình thương vô tận đó mà thôi, Ngài chỉ biết sống đây, mạng sống để trong tay của chúng-sanh, đặng làm con vật tế Đức Chí-Tôn và vì Đức Chí-Tôn mà thôi, chơn-lý của Ngài là vậy. Tâm Thánh của Ngài vô cùng tận. Thoảng các môn-đệ của Ngài về tới Cung Hiệp-Thiên Hành- Hóa nói: Tôi thương chúng-sanh như Thầy tôi, tôi noi theo chơn-truyền của Thầy tôi tức là Đức Chúa Jésus Christ, tôi cũng đem mãnh tâm hiến cho đức Chí-Tôn vậy, nhưng tinh- thần của họ chẳng mảy may yêu-ái chúng sanh. Trái lại họ cầm quyền-năng gọi là nhơn danh Đức Chúa Trời tha tội cho nhơn-loại, cầm quyền ấy đặng vi-chủ tinh-thần loài người.

 

Nơi cửa Hiệp-Thiên Hành-Hóa ấy chúng Tín-Đồ nói: Tôi theo dõi chơn Chúa, làm tôi cho Chúa, gìn chính-sách của Chúa đem mãnh tâm làm môi giới đặng cứu khổ chúng- sanh; mà kỳ thật xét đoán chơn-lý cao siêu của Đức Chúa Jésus Christ, hành-tàng của họ thi thố không ăn thua chi cả. Hỏi vậy, nếu Ngọc-Hư-Cung và Cực-Lạc Thế-Giới vấn nạn các Đấng Trọn Lành nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về những hành-tàng của các Tín-Đồ, trái ngược lại Đạo-Giáo của Thầy họ, các Đấng Trọn Lành ấy trả lời thế nào với hai quyền năng Trị-Thế và Giác-Thế.

 

Nói đến Trí: Khổng-Giáo lấy Trí làm căn bản, Trí thực muôn hình ngàn trạng, đem cái triết-lý cao siêu ra tạo xã-hội nhơn-quần không phải là dễ. Đức Khổng-Phu-Tử phải dùng Trí đặng tự-tu kỳ thân. Có tự-tu kỳ thân đặng mới đủ quyền-năng yêu-ái giáo-hóa các chơn-linh tức là các nhơn-loại đặng trọn lành, đến tột bực lành là Chí-Thiện. Trái ngược lại môn-đồ của Ngài nương nơi Trí-Giác ấy làm căn bản, học nhiều thấy rộng, nói cho hay cho khéo, lấy cả tinh-thần cao thượng đặng hài-hước nơi lỗ miệng, còn thật chơn-lý không ai làm đặng. Những kẽ ấy về Ngọc-Hư-Cung kêu nài nói : Tôi theo Đạo-Giáo của Đức Khổng-Phu-Tử đào luyện trí-thức, tôi biết trọng nhơn-luân phẩm-cách, biết giữ-gìn luật-lệ của Thánh-Giáo di-truyền, tôi cũng có quyền đứng vào phẩm Thánh. Tam-Thập- Lục Thánh thế nào, tôi cũng phải được thế ấy; chớ có lý do nào tôi về đây lại bài-bác tôi ra khỏi cửa Khổng-Giáo đặng chăng? Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa tính lẽ nào đây? Nó noi theo Đức Khổng-Phu-Tử đào tạo tinh-thần, tôn trọng Thánh-Giáo, phục tùng giáo-lý của Ngài. Sự thật chẳng thực-hành gì cả, mà trái ngược lại họ lấy trí-thức để giục loạn làm cho xã-hội điên đảo. Lấy trí-thức ngồi liếm bút lông mèo, xúi thiên-hạ kiện cáo nhau; lấy văn-chương làm cho ly-dị chồng vợ người ta, dùng miệng lưỡi lường-gạt kẽ dốt nát, mượn ngòi bút nó dám bán cả sanh mạng của con người; hỏi những kẽ đó Đức Khổng-Phu-Tử có nhìn không? Chắc chắn không nhìn khi Ngài đến Cung Hiệp-Thiên-Hành-Hóa đặng vi- chứng vụ án đó.

 

Trong ba bằng cớ vừa kể đó, Bần-Đạo quả quyết rằng: Các vị Giáo-Chủ đã tạo ra các nền Tôn-Giáo, tinh-thần của họ cũng chỉ biết phụng-sự cho nhơn-loại. Mà hại thay! Cơ- quan của họ đào tạo tinh-thần cho loài người với tinh-thần trí-thức của họ, họ chịu khổ hạnh muôn cay ngàn đắng trọn kiếp sanh đào tạo cho đời, rốt cuộc cả triết-lý Đạo-Giáo thay vì tạo hạnh-phúc cho nhơn-loại, trái ngược lại đã làm khí cụ của kẽ vô tâm lợi dụng đặng lường gạt tinh-thần nhơn-loại hơn nữa, thay vì làm phước, họ đã làm tội. Tội nghiệp thay! Nếu Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa chiếu luật: " Tội vi trưởng " thì chưa chắc các vị Giáo-Chủ ấy ngồi yên trên Liên-Đài của họ đặng, và nếu như nơi cửa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa ấy là Tòa-Ngự của các Đấng Trọn-Lành đặng bào chửa cho các đẳng linh-hồn siêu thoát, mà các Đấng ấy nếu còn chút phàm tâm, thì chưa chắc gì các vị Giáo-Chủ ngồi yên, cứ hầu tòa mãi-mãi thôi. Tín đồ các Đạo-Giáo tạo thành, thay vì làm cho vị Giáo-Chủ của họ thêm danh-dự, lại gây tội tình thêm nữa!

 

Lời tục nói: Không ai hại mình hơn là kẽ thân yêu của mình. Có một điều Bần-Đạo xét đoán lấy làm sợ-sệt hơn hết là nền Tôn-Giáo của Đức Chí-Tôn. Lấy Tinh-Thần-Làm-Căn- Bản hỏi vậy: Tinh-thần của nhơn-loại hiện ở dưới quyền áp bức của văn-minh vật-chất; tinh-thần ấy có đủ quyền-năng tự-vệ lấy họ chăng? Tinh-thần họ có đủ lực lượng chiến thắng chăng? Nếu thoảng tinh-thần của nhơn-loại không quật khởi lên: Tự-quyết, tự-chủ, tự định phận đặng, mà phải chịu làm nô-lệ cho văn-minh vật-chất, thì tương-lai Đạo Cao- Đài sẽ ra sao? Mà chẳng những phải tự bảo vệ chiến thắng mà thôi, mà còn phải bảo vệ chơn tướng của đạo-đức tinh-thần của loài người trở mặt ra đối với tinh-thần cường liệt của Đức Chí-Tôn, thì tương-lai nơi mặt thế nầy sẽ như thế nào? Chúng ta cũng nên để có một câu hỏi.

 

Có một điều chúng ta nên để mắt nhìn coi Đức Chí-Tôn tạo hình thể nào đặng bảo trọng tinh-thần đạo- đức ấy. Ấy là một phương-pháp ta nương theo đó đặng tạo dựng khối đức tin vững chắc bền-bĩ vậy.

 

Đức Hộ Pháp

 

Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 13 tháng 11 năm Mậu-Tý ( 13-12-1948 )


Đêm nay, Bần-Đạo giảng tiếp cuộc thiệt chiến giữa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về " Đức-Tín ".

Có những điều rắc rối giữa quyền-năng binh vực các chơn-linh trong Càn-Khôn Vũ-Trụ đối với quyền trị thế của Ngọc-Hư-Cung và quyền giáo-hóa của Cực-Lạc Thế-Giới. Về mặt triết-lý, có nhiều triết-lý đã gây nên một trường ngôn luận sôi nỗi giữa các nền Tôn-Giáo và tín-đồ của họ.

 

Về đức tin ta ngó thấy, phần nhiều hạng thượng-lưu trí-thức trước mặt ta hiện giờ nầy, nhứt là các văn-sĩ của Á-Đông ta, tức là các nhà Nho, còn ở Âu-Châu có các nhà tự do ngôn-luận, tự do tư-tưởng, phần đông hạng tự do ngôn-luận ở Âu-Châu đều là vô tín- ngưỡng cả thảy. Họ còn đi quá nữa là bọn Anarchistes, là họ chẳng có phương châm tôn chỉ thờ phượng chi hết, chớ chẳng phải nói vô tín-ngưỡng mà thôi đâu. Các nhà ấy tới chừng trở về Thiêng-Liêng vị rồi phải buộc mình quì trước mặt luật Thiêng-Liêng chịu khảo dượt tinh-thần. Họ muốn tránh mà làm sao tránh khỏi quyền-năng vô đối của Càn-Khôn Vũ-Trụ, muốn tránh luật Thiêng-Liêng ấy mà làm sao tránh khỏi đặng. Các nhà ấy họ miệng lưỡi lắm, họ phản đối kịch liệt với nhiều lý-thuyết đến đổi quái gở ta không thể tưởng-tượng được. Tỉ như giữa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa họ nói như thế nầy: " Mấy nhà triết-học cao siêu đại-giác đến thế lập-giáo dạy Đạo cho nhơn-sanh họ đã lập quyền sở-hữu của họ, điều đó có thật, nhìn nhận, song quyền sở-hữu ấy đối với phương sanh sống của đời không có quyền-năng chi hết, trái lại làm cho trở ngại bước đường tranh- đấu và tấn hóa của loài người mà chớ. Chớ chi quyền-năng Thiêng-Liêng mà người ta nói là quyền vô cùng tận, năng lực vô biên, quyền lực ấy thường nơi miệng nhơn-sanh; gọi là quyền-năng Tạo-Đoan của Càn-Khôn Vũ-Trụ, có thế cho chúng tôi đức tin, lấy oai- quyền mà tạo đức tin cho chúng tôi thấy hiện-tượng trước mặt. Hay là quyền-năng ấy có bảo trọng đặng sanh mạng của loài người thì ai không muốn tu, ngặt một nổi cả triết-lý ấy còn bóng dáng mơ hồ, thì chúng tôi mới mượn nơi đâu mà tạo đức-tin theo Đạo-Giáo cho được?

 

Các vì Giáo-Chủ khuyên chúng tôi làm lành lánh dữ, chúng tôi thấy trường đau khổ trước mắt, chúng tôi muốn làm lành nhưng ngặt thiên-hạ không muốn lành, giục thúc chúng tôi phải dữ, vì chúng tôi nhịn thì sẽ bị cái dữ của thiên hạ tàn hại. Muốn nhẫn-nhục vì lòng thương yêu nhịn cái sống của mình đặng tạo cái sống cho người mà nhơn-loại không nhơn tay, thay vì tôn sùng sự cao siêu như chúng tôi, họ không chịu vậy, chớ mạng sống của chúng tôi nào có quản chi.

 

Các Ngài cũng ngó thấy, thế-gian kia bao nhiêu bực đạo-đức phải chịu khuất thân dưới quyền cường-bức của thế gian, chịu mai một thiệt thòi, chịu ăn xin ở tạm; bây giờ mấy Ngài biểu nương nơi họ mà tạo đức-tin, cái đức-tin trọn cả kiếp sống của các Vị đạo-đức ấy, tôi chưa hề thấy hình ảnh nó, xin các Ngài tả hình nó cho chúng tôi thấy thử coi.

 

Các Đấng Trọn-Lành nơi cửa Thiêng-Liêng kia mới lấy lý-thuyết nào đặng đối-đãi với lời nói ấy. Các Ngài nói: " Các ông bất quá là đa-văn quảng-kiến, tìm phương-thế đặng chửa mình, chớ chơn-lý không phải như mấy ông bày đặt ra đó đâu. Cái chơn-lý là các ông không biết tin mình thì còn tin ai, còn tin triết-lý Đạo-Giáo sao được. Đức Chí-Tôn sai các Vì Giáo-Chủ đến tạo Tôn-Giáo nơi mặt thế nầy chẳng phải cầu nhơn-loại thờ phượng Ngài; mà chính Ngài đến hay Ngài sai Người đến chỉ để tạo Đền-Thờ đức-tin của nhơn-loại tức là tạo Đền-Thờ cho nhơn-loại thờ nhơn-loại, không phải thờ Ngài đâu. Mấy ông phản đối nói rằng: Lấy đạo-đức đặng làm môi-giới tạo phương-pháp bảo trọng mạng sanh một cách bền vững kiên cố; chỉ thử coi, không có. Chính mình các ông còn nương theo triết-lý Đạo-Giáo đặng tạo cái sống của các ông kia mà. Nếu triết-lý Đạo-Giáo không có thì nhơn-loại sẽ thuộc vào hàng thú-cầm như voi, cọp, beo, khỉ độc trên rừng kia; các ông đã nương nơi Đạo-Giáo đặng bảo trọng mình đó. Hỏi các ông nương theo lý- thuyết nào mà biết mình cao trọng, mà biết mình hơn vạn loại, mà biết mình tối linh, biết mình là Thần-Linh của thế-gian nầy, mà biết chính mình các ông là điểm chơn-linh của Trời? Làm sao các ông biết tự-trọng mình là phẩm cao trọng tại thế? Tối linh hơn vật loại? Các ông muốn tính chối phẩm-vị cao trọng của mình đặng nạp cả mạng sanh và tâm hồn vào chỗ đê tiện, thì bảo tinh-thần phải nương nơi đâu? Chính mình các ông không tin mình thì tin ai?

 

Không! Không bao giờ các Vì Giáo-Chủ gạt ai! Mấy Ông nói triết-lý Đạo-Giáo gạt-gẫm tâm-lý của nhơn-sanh, chính cái triết-lý đó là cái mặt kiến để trước mặt nhơn-sanh coi theo, các Ông không coi, vì sợ mà tránh đi thì các Ông tạo đức-tin ở chỗ nào? Tấn tuồng sanh sống giục thúc nhơn-loại tàn hại nhau như thế nào? Bực trí-thức tinh-thần trong nhơn-loại tìm hạnh-phúc trong cái sống vật-chất, tức là cái sống của con vật. Loài người đã đào óc não, mưu cầu hạnh-phúc cho kiếp sống của loài người đã nên chưa? Đã thành hình chưa? Hay còn đang tìm tàng, còn đang chiến-đấu, mà còn chiến-đấu đến chừng nào? Tức là còn mê-man trong phương-pháp tàn hại, làm tàn khổ cho kiếp sanh nhơn- loại mà thôi, chớ không mảy may đắc lợi. Các ông trách quyền Thiêng-Liêng, không để một oai-quyền nào trước mắt, không đủ năng-lực định đức-tin cho thiên-hạ. Dám chắc rằng dầu cho Đức Chí-Tôn hiện hình biểu con người theo Ngài đi nữa, con vật của họ biểu họ chỉ theo hạnh-phúc của con vật mà thôi, tại họ không theo chớ có phải hiện ra cho thấy mà theo đâu?

 

Đức-tin nơi ta đó, trước hết, ta biết ta; có biết ta rồi mới biết thiên-hạ, có biết thiên-hạ rồi mới biết đến Chí-Tôn là ngôi Chúa-Tể Tạo-Đoan Càn-Khôn Vũ-Trụ, biết Đấng ấy là biết rõ mình vậy. Nếu chưa biết Đấng ấy, thì đừng trông mong biết mình, mà chính mình không biết mình thì không còn ai biết mình hết. Sống không đức-tin, nghĩa là không tự biết mình, khác nào cây cỏ vật loại kia, thì không có nghĩa gì hết, sống ấy vô giá-trị.

 

Bây giờ hỏi vậy, vô trong trường khoa-mục kia, các giám-khảo hỏi Tứ-Thư, Ngũ-Truyện Kinh-Điển, tức là các triết-học Nho-Giáo của mình đã học rồi, tới chừng nhập thi không đem theo gì hết, mà trả-lời các vấn-đề hạch-hỏi được trúng thì khoa-mục ấy mình đậu. Đạo-Giáo cũng vậy, các Tôn-Giáo để lại thế-gian cho mình thi hành triết-lý ấy ra hiện- tượng, tại không đức-tin rồi không làm, biểu các phẩm Thần, Tiên nơi cõi Hư-Linh tôn sùng mình trọng hậu với giá-trị nào? Nói thật như kẽ đánh bông vụ kia, đánh trúng thì ăn tiền, nếu để chén ngữa ra thì thiên-hạ ai nói cũng trúng hết!

 

Đức-tin có ở con người tự biết tự-trọng, tự thờ mình, mình thờ mình đặng tức là thiên-hạ thờ mình đặng; đức-tin do nơi mình tin mình; mình tin mình đặng, thiên-hạ mới tin mình, còn mình chưa tin mình mà biểu thiên-hạ tin mình làm sao đặng? Mình không tin mình, mà biểu nhơn-loại tin tưởng Đức Chí-Tôn là Đấng tạo sanh Càn-Khôn Vũ-Trụ, sản-xuất ra linh-hồn ta sao đặng? Nếu chưa đủ đức-tin làm bằng chứng vô đối, thì chưa xứng đáng làm phần-tử trong Thánh-Thể của Đức Chí-Tôn, tức là Hội-Thánh của Ngài đó vậy.

 

Đức Hộ Pháp

 

Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Thời Tý, Đêm 15 tháng 11 năm Mậu-Tý ( 15-12-1948 )


Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp cuộc thiệt chiến giữa các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Hiệp Thiên Hành-Hóa và các Chơn-Linh có trí-thức tinh-thần cao siêu mà không dung nạp một tín-ngưỡng nào hết, tức là các tinh-thần vô đạo-đức.

 

Vấn nạn về tín-ngưỡng Đạo-Giáo, họ hỏi các Đấng Trọn-Lành: " Nếu quả nhiên như các Ngài buộc chúng tôi phải có đức-tin đặng tu, phải có đức-tin mới tu kỳ thân đặng, và dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống vô-biên vô-giới trong hàng phẩm các Đấng Thiêng-Liêng, tức là các chơn-hồn trong Càn-Khôn Vũ-Trụ; chúng tôi xin hỏi: " Nơi thế- gian nầy biết bao nhiêu Tôn-Giáo mà các Vị Giáo-Chủ đã tạo thành, đương giáo-hóa nhơn sanh nơi mặt thế; chúng tôi không công-kích gì các Đạo-Giáo ấy, nhưng làm cho tinh-thần nhơn-loại mờ hồ, mất cả tín-ngưỡng Đạo-Giáo là do lẽ ấy. Chúng tôi cũng không công- kích rằng: Các Vị Giáo-Chủ đã để các triết-lý Đạo-Giáo nơi thế-gian nầy là không thật bổ ích cho tinh-thần nhơn-loại, song chúng tôi làm chứng quả-quyết một điều là triết-lý của các nền Tôn-Giáo đã phản khắc nhau, tinh-thần triết-học tín-ngưỡng không đồng làm cho tinh-thần trí-thức loài người hoang mang không biết nên để đức-tin nơi nào cho đặng.

 

Về nhơn-đạo, ta thấy ai rủi sanh làm người tại thế-gian nầy tự nhiên biết mình đến một cảnh khổ, và kiếp sống của mình là kiếp khổ, ai cũng hiểu cả Tứ-Khổ mà Đức Phật Thích- Ca đã để tại thế gian, không phải là không chí lý; để cho tinh-thần loài người nhận thấy bỡi trọn kiếp sanh làm con người phải biết cái khổ ấy do nhiên, không chối cải được; nhưng mỗi Đạo-Giáo có mỗi phương-chước tu hành đặng dục tấn về mặt tinh-thần trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Nhơn-Đạo dạy nhơn loại Tùng-Khổ,
Thần-Đạo dạy nhơn loại Thắng-Khổ,
Thánh-Đạo dạy nhơn loại Thọ-Khổ,
Tiên-Đạo dạy nhơn loại Giải-Khổ,
Phật-Đạo dạy nhơn loại Thoát-Khổ.

Thành ra chỉ có một triết-lý, chỉ vì muốn diệt khổ, mà các Tôn-Giáo đã đề ra mỗi đường mỗi nẽo, mỗi triết-lý. Chúng ta thấy các triết-lý ấy đều chơn thật và đều bổ ích; chơn-lý ấy chúng tôi không phản đối, nhưng chúng tôi thấy vì lẽ phải, toàn-thể các Tôn-Giáo ấy làm cho tinh-thần loài người không biết chọn cửa nào cho đặng. Vì cớ nên nhiều kẽ nếu trí-thức tinh-thần được đầy-đủ đặng suy đoán, tìm hiểu, biết quan-sát các triết-lý Tôn-Giáo, đạo-đức, thì sự mờ-hồ như chúng tôi đã nói là chơn thật, quả quyết đáng gọi là mờ-hồ, nó mờ-hồ có nhiều lẽ. Thoảng có một triết-lý nào mà tìm chưa tận cùng chỉ sợ một điều nếu nhẹ tín, đem để đức-tin mình nơi nào rồi sợ thiên-hạ bàn tán trích điểm ấy sợ xấu hổ; biết đáng tín-ngưỡng lại sợ miệng lưỡi thế-gian trích điểm, rồi làm bộ mình cũng coi không chịu có tín-ngưỡng gì hết; phần nhiều các bậc có học, các triết-học-gia tại thế-gian nầy có tánh ấy.

 

Đã biết mà lại sợ, biết mình tín-ngưỡng là đúng mà không quyết thắng tâm-lý của mình và của người đặng định-quyết sự tín-ngưỡng, sợ thiên-hạ cười rồi làm màu-mè không tín- ngưỡng, phần nhiều hạng hữu-học như vậy.

 

Như thế thì các Đấng Trọn-Lành trả-lời ra sao? Nói: Các Ông đủ trí-thức tinh-thần, đủ học-thức kiến-văn đặng chủ định tinh-thần tâm-lý của mình, mà các Ông không đủ can đảm quyết làm cái điều phải làm ấy. Các Ông chán thấy một kẽ có tâm hồn cao thượng; điều gì học hỏi nhận thấy là cao thượng, phải lẽ thì họ cũng dám hy-sinh tánh mạng làm cho nên tướng điều ấy. Từ tạo-thiên lập-địa tới chừ, bao nhiêu bậc hiền-triết đã hủy mình làm theo lẽ phải ấy. Chúng tôi hỏi các Ông: Các nền Tôn-Giáo hiện-tượng nơi thế-gian có Tôn-Giáo nào dạy thiên-hạ làm quấy chăng? Nếu quả nhiên không có Tôn-Giáo nào, dầu Tả-Đạo, Bàn-Môn đi nữa, cũng không dám dạy nhơn-loại điều quấy, vẫn dạy điều phải mà thôi. Bỡi vì với lẽ phải ấy, không có Tôn-Giáo nào đã gọi là Tôn-Giáo mà dám dạy làm quấy, tức nhiên dạy làm phải. Nếu bậc trí-thức như các Ông thấy phải không dám làm thì là bạc nhược tinh-thần lắm vậy.

 

Một điều nữa, lấy tín-ngưỡng làm căn bản, từ thử đến giờ các Ông đã thấy nó làm môi giới, định phương-châm cho nhơn-loại sống, như thế nào các Ông chối đặng?! Nếu thoảng nói các Tôn-Giáo tại thế nầy, làm cho tinh-thần nhơn-loại không thể chủ-định nơi nào mà để tín-ngưỡng, chúng tôi xin nói như thế nầy: Người ta dọn một bữa cơm có đủ món ăn; nào thịt, nào muối, nào tương, nào rau, nào chao mà mấy người nói nhiều món quá, cứ cầm đủa quơ hoài, không ăn rồi chịu đói sao? Phải ăn chớ!

 

Các Tôn-Giáo để lại thế-gian nầy miêu tả tánh nết của loài người, làm phương-châm đặng dìu-dắt tinh-thần loài người.

 

Trong một cái nhà, cũng có chỗ cho mấy người ở, không lẽ không có một nơi nào cho mấy người đến, người ta đem nhiều món ăn mà không biết lựa chọn mà ăn; không phải không món nào bổ ích đặng định phần sống, tại dỡ không biết lựa hay là tại làm màu, chê rẻ, trề nhúng thà chết đói không thèm ăn. Lời tục nói: Làm cách sạch ruột, ắt phải đói ".

 

Các nền Tôn-Giáo có thể ví như một gia-đình, người nầy tranh hơn thua công-kích người kia, không lạ mỗi gia-đình nếu có Ông Bà, Cha Mẹ, Cô Bác, phải có con cháu, như đám thiếu-sinh kia, nếu dạy anh mầy phải phục tùng Mẹ mầy, Mẹ mầy phải phục tùng Cha mầy, Cha mầy phải phục tùng Ông Nội mầy, Ông Nội mầy phải phục tùng Ông Cố mầy, định quyền hạn trong gia-đình không phải là chuyện dối giả hay là chuyện không có thật.

 

Nhưng có một điều là khi đứa trẻ nên người, không cần nói đến những điều trên mà nói như vầy: Trong gia-đình mầy có Ông, Bà, Cha, Mẹ và anh em mầy, mà mầy là một phần tử, mầy là người ở trong gia-đình ấy. Các nền Tôn-Giáo đã để tại mặt thế-gian nầy tùy theo trí-hóa, tánh-đức của nhơn-loại tiến tới địa-điểm nào, để Tôn-Giáo cho vừa chừng địa-điểm ấy.

 

Còn hiểu Tôn-Giáo là gì, lẽ ấy Tôn-Giáo nào cũng dạy ta cho sáng đạo-đức tinh-thần, tổng-số các Tôn-Giáo ấy đáng tạo ra thiệt tướng của đạo-đức, chớ không phải sanh ra cho nhiều đặng trích-điểm nhau, tàn diệt nhau, không có phương-thế gì mà Tôn-Giáo nầy tàn diệt Tôn-Giáo kia, dầu có ganh-ghét nhau không khi nào Tôn-Giáo nầy có thể giết được Tôn-Giáo khác, bỡi không có năng-lực, lực-lượng gì mà tiêu-diệt nhau được cả; bỡi chơn-lý chỉ là một chơn-lý, là sống trong cái sống của tín-ngưỡng, sống trong con đường hằng sống và làm cho được hằng sống vô-biên vô-giới; tạo tinh-thần cho biết nguồn cội của Tôn-Giáo là chỉ hằng sống mà đi tìm thôi. Dầu cho một trăm đường đi, ta chỉ cần biết một nẽo là đủ, chớ đi một ngàn ngõ cuối cùng cũng đến một địa-điểm là cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Đó là thiệt cảnh mà ta cần tìm chớ không phải cảnh phàm nầy.

 

Ta mang thi hài thú-chất chịu khổ sở đủ đầy, ta tìm chơn-lý của Tôn-Giáo thì có Tôn- Giáo nào mà không chỉ đường, họ chỉ nhiều chừng nào thì đường chắc đến chừng nấy. Nếu không chỉ được con đường Hằng-Sống ấy thì không phải là Tôn-Giáo nữa! Ta không cần nghe và cũng không cần theo dầu bị dụ-dỗ buổi mê-tín đị đoan; chừng ấy không phải chơn-tướng Thiêng-Liêng Hằng-Sống, mà nhơn-loại muốn tìm thì họ từ-giã ngay, không hề khi nào gạt đến tận cùng, đến diệt tiêu cả sở-vọng của tinh-thần loài người đặng.

 

Đức Hộ Pháp

 

Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 19 tháng 11 năm Mậu-Tý ( 19-12-1948 )


Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp về triết-lý trọng yếu nên hơi lâu dài, cả thảy ngồi có mõi mệt xin đừng phiền.

 

Mỗi phen cúng giờ khuya, muốn giảng triết-lý nào có thể viết ra thành một quyển sách mà gom nó lại thế nào làm một bài văn ngắn-ngủi, có đầy đủ tinh-thần không phải là dễ, khó lắm vậy.

Đêm nay Bần-Đạo giảng tiếp: Trường thiệt-chiến nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về huyền-vi bí-mật của các cơ-quan hiệp nhứt là về triết-lý: " Vị tha diệt kỷ " tức là " Dĩ công diệt tư ", ấy là Bí-Pháp. Nếu có thể thật-hành tại mặt địa-cầu nầy, đặng cứu vãn cả cơ-quan tương khắc, tương đối đem nhơn-loại ra khỏi vòng tương-tàn tương-sát lẫn nhau.

 

Vả chăng, trên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa các Đấng lấy thuyết dục-tấn làm căn-bản, dầu cho về mặt triết-lý cũng ở trong tay các Đấng mà có tự do tín-ngưỡng, các Đấng chịu ảnh-hưởng của Nho-Giáo, nêu lên lẽ công bỏ điều tư. Ngoài ra, có tín-ngưỡng mới rõ danh-vị của huyền-vi thưởng phạt, và toàn cả quyền năng hữu-hình và vô-hình của Đức Chí-Tôn là Đấng Chủ-Tể muôn loài. Nhưng hại thay! Trong triết-lý của Nho-Tông, tín ngưỡng lấy tinh-thần của nhơn-loại mà chịu cái ảnh-hưởng ấy thôi, ấy là phương-pháp trong sự tự-do tư-tưởng và sự tự-do tín-ngưỡng của nhơn-loại, mà nhơn-loại chịu ảnh-hưởng ấy, chưa đoạt được quyền vi-chủ ấy, nên giữa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa phản đối nói rằng: " Chúng tôi thấy tại mặt thế cả vạn loại bảo-thủ sanh mạng có nhiều lẽ bất công trước mắt, trường đời hổn loạn, mạnh được yếu thua, ngu bị tàn hại, trí được cường-liệt. Dầu cho nhơn-loại cũng vậy, chúng tôi thấy trước mắt đương nhiên trên mặt địa-cầu nầy, tấn tuồng cứ tiếp diễn mãi không thế nào dứt đặng. Bậc Đại-Giác của nhơn loại kiếm phương thuốc dung hòa, các cơ-quan tuồng đời đã xô đuổi nhơn-loại đi trên con đường diệt vong. Buổi tương-lai đây hỏi có một quyền năng vô-hình định vận, định căn cho toàn nhơn-loại, quyền năng đó có đủ năng-lực để bảo vệ họ và ngăn cản không để cho sự bất công tiếp diễn nữa không?

 

Tưởng nếu chúng ta bị vấn nạn như vậy, chắc khó giải quyết lắm; may thay nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, các Đấng Trọn-Lành chưa chịu thua họ, các Đấng ấy trả lời: " Cũng bỡi nguyên căn dĩ tư diệt công, dĩ kỷ diệt tha ", tấn tuồng tiếp diễn giờ phút nào thì luật tương đối định mạng vận cả sanh-hoạt của vạn-loại vẫn còn đến giờ phút ấy. Giờ nào mà nhơn-loại biết dĩ công diệt tư, dĩ tha diệt kỷ, giờ ấy là giờ giải thoát cho nhơn-loại chớ có gì đâu.

 

Chúng ta nhìn thấy trường đời, có khác chi nơi cửa Thiêng-Liêng kia có một điều là: Những cơ-quan của tinh-thần vật loại tạo thành tướng đều là " Dĩ kỷ vị tư ", mà hễ dĩ kỷ vị tư tức có tương tranh tương đối, mà có tương tranh ắt có tương tàn tương diệt chớ có gì lạ đâu.

 

Các vật loại đã chịu mặt luật Thiên-Nhiên, luật ấy định quyền dĩ công diệt tư; dầu cho xã-hội nhơn quần đến gia-đình cũng vậy. Trong gia-đình toàn con cái lấy gia-đình làm chủ-nghĩa, mà họ lấy tư-kỷ thì gia-đình ấy náo loạn, tàn mạt. Trong một quốc-gia xã-hội, dân phải vị quốc ( tức là vì nước ) mình thì quốc-gia mới cường liệt; còn dân vị-kỷ chỉ biết hạnh-phúc cá nhân, không biết hy-sinh cho quốc-vận thì nước nhà loạn lạc, xã-hội vạn quốc đương nhiên chỉ biết làm cho nước mình cường liệt, chỉ lo cho nước mình cao sang hơn các nước khác; chẳng qua vì vị-tư, vị-kỷ của họ mà ra. Nước nầy muốn đặt mình cho cao sang hơn nước kia, tức có phản đối có phấn đấu, mà hễ phấn đấu thì nhơn-loại tương tàn tương-sát nhau. Điều ấy không lạ, luật thiên-nhiên dục-tấn, họ dục-tấn đặng chi? Đặng đưa họ đến con đường hiệp nhứt tức là đường vị-tha bất vị-kỷ. Hại thay! Nhơn-loại chưa có tinh-thần đó. Điều nào vị-kỷ đáng lẽ họ không gọi là công-lý hay gọi là chơn chánh đối với kẽ khác; họ để giá trị ấy là đê hèn, thô bỉ, lạc hậu, là lẽ bất công thì thế nào thế-gian nầy không đão lộn loạn-ly cho được?

 

Các bạn có dấu-diếm được không? Mời các bạn ra khỏi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa đem xuống thế-gian coi thế-gian đào tạo từ thử, coi tình trạng biến hóa của nó đặng quyết định do quyền-năng thế nào? Đứng trước cửa Diêu-Trì-Cung dưới cây phướn chiêu-hồn của Đức Diêu-Trì, ta dòm thấy một bản-đồ dường như trải ngữa cho chúng ta xem, thấy một khu đất de ra đại-hải, đất ấy một phần bưng lầy nho nhỏ, một phần trên gò nỗng, chỗ khuyết chỗ đầy, chỗ lưng chỗ vơi, dơ dáy là bùn, để giá bán ba trăm quan. Mãnh đất ấy là thành Nữu-Ước ( New York ) tình cảnh đìu-hiu để giá bán chỉ có ba trăm quan mà thôi. Rồi chúng ta thấy hình nó biến tướng ra sao? Nó thành Châu-Thành nho nhỏ, vừa như Châu-Thành, vừa như cửa biển, các con buôn đến buôn bán. Kế thấy biến tướng ra một Châu-Thành lớn, thiên hạ lên xuống nhứt là bán vàng, xem ra tình-trạng kha khá rồi biến nữa. Thấy Châu-Thành lớn lao thiên-hạ náo nhiệt, đó là đến thế-kỷ La Fayette, lúc ấy thiên-hạ nơi thành phố Nữu-Ước tìm phương giải thoát nạn đô-hộ của Anh, biến nữa thì thấy lầu đài chớn-chở, cửa biển thuyền bè tấp nập, thiên-hạ đô hội; nhà thì cất 100 tầng, lầu các nguy-nga, không còn tình trạng như trước kia. Những nơi bùn lầy thành ra một cửa biển lớn lao vô cùng tận, giàu sang vô đối. Nếu chúng ta tưởng tượng, tại có những cái tư-kỷ ban sơ mà thành Nữu-Ước đó được cảnh trạng bây giờ, hỏi nhơn-loại muốn bảo thủ cái nào, muốn bảo thủ mãnh đất bùn lầy, hay là cảnh đài các hiển nhiên đây.


Các Đấng ấy nói: Chưa hết, sẽ còn thay đổi nữa, chẳng phải thành phố Nữu-Ước thôi, mà cả hoàn-cầu đến hạn định của mình đều phải đổi nữa.

 

Các bạn Việt-Nam, cho các bạn thấy bản-đồ thành phố Sài-Gòn, dòm thấy trên bản-đồ do con sông lớn hai bên bần mọc li-bì. Kế đó con sông nhỏ, sơ-rơ mấy nhà thuyền chài. Bến-Nghé là đó, bùn lầy dơ bẩn hai bên con sông lớn chảy dài vô trong ruộng đầy-đặn, đưng cỏ mọc. Thỉnh-thoảng thấy biến tướng ra, hai bên sông bớt bần, thiên-hạ chen nhau cất nhà, gọi là nhà sàn, đầy dẫy thuyền bè tới lui buôn bán. Biến nữa, thấy dựa bờ sông có người xúm-xít cất nhà, nhóm thành làng lớn, nhà cửa thuyền bè đặt nghẹt. Biến nữa thấy ruộng khô, nhà đắp nền đất, nhà ngói, nhà tranh nhiều. Biến nữa thấy hai bên bờ sông nhỏ bây giờ là đại-lộ Charner, thiên-hạ ở coi náo nhiệt, lao-xao lố-xố. Biến nữa con sông đó đâu mất. Hai bên bờ sông lớn không còn nhà sàn như trước nữa, lại có tàu khói ra vô tấp nập, thiên-hạ buôn bán. Biến nữa thấy Châu-Thành buôn bán sầm uất, tiếp nữa thấy lầu đài nhà thờ nhà nước, rồi biến nữa ta thấy thành phố đương nhiên bây giờ.


Các Đấng hỏi: Chúng ta muốn bảo thủ thành-phố Sài-Gòn như trước, còn ruộng đất bùn lầy; hay muốn bảo thủ phong cảnh ngày nay? Lại nói: Chưa hết đâu còn thay đổi nữa.

 

Bây giờ có người nhất định nói hiện giờ có Đạo Cao-Đài chờ coi đặng làm bằng chứng. Tìm tòi thấy Đền-Thánh chúng ta đây, bản-đồ có rừng, cây, cọp, beo, khỉ đủ thứ thú dữ ở. Rồi thấy biến ra vài cái nhà tranh cất leo-teo trong rừng. Biến nữa thấy phát ra một khoảnh trong cất Đền-Thờ với vài ba cái nhà lá làm trú phòng. Rồi biến ra chòi cất cùng hết , mỗi nơi một cái chòi xen lẫn nhau trong rừng có vùng đắp đất. Biến nữa thấy thiên hạ vô Đền-Thờ coi được sạch-sẽ, vẻ- vang. Thấy làm gì mấy Ông lớn vô rồi ba người ở ngoài cửa mắng nhiếc chưởi bới. Biến nữa thấy thiên- hạ người nghèo khó tấp nập ra vô, đốn cây, ban gò mối, làm cho đất bằng phẳng. Biến nữa thấy chất đá ngói cất Đền-Thờ lợp ngói, biến nữa sập cái Đền-Thờ đó xuống có Đền-Thờ khác thiên-hạ đang làm, tức là Đền-Thờ đương nhiên dinh-thự mọc lên cùng khắp.

 

Hỏi Đạo Cao-Đài muốn để bảo thủ khu rừng hoang vu hay bảo thủ Đền-Thánh hiện giờ, hay là muốn giữ để làm tư-kỷ cho mình chăng?

 

Các Đấng ấy nói: Các sự biến-tướng là gì lẽ công hết thảy, dầu cho thành-phố Sài-Gòn hay thành-phố Nửu-Ước điều biến-tướng theo lẽ công không vì tư được; nhà ta cất giờ phút nầy bất quá là mở phần tựu hình đặng cốt yếu trong sự thống-nhất vì công, không vị-tư vị-kỷ được.

 

Ấy vậy ta thấy hữu-hình hiện giờ cái bí-mật huyền-vi Thiêng-Liêng trên con đường trải qua từ Bát-Quái-Đài đến đây thấy thế nào? Thấy có những cây, khi đi ngang qua các Đền Đài phải biết rằng: có bàn tay của mấy người tượng nắn ra các cái đó, các vật chung quanh mỗi người nhìn thấy trên con đường qua trải qua ấy, cũng chính tay mỗi đứa mình đào tạo thành ra một vật chung, nó là công không phải tư. Cho đến Đức Phật Mẫu mà các người đến kiến định, nhìn nhận là Mẹ sanh của mình tại thế, chính Phật-Mẫu tượng hình cho chúng mình. Phật-Mẫu cũng là công, không phải tư được. Còn Đức Chí Tôn mà ta sẽ gặp tới đây,ta sẽ thấy Đức Chí-Tôn là cha của mỗi đứa mình, thấy Ổng định nhập vào cho công và hết còn là tư. Về huyền-bí Thiêng-Liêng, nắm cái Càn-Khôn lập quyền-năng vững chãi do nơi cơ-quan vị-công bất vị-tư.

 

Thế-gian nầy, ngày giờ nào nhơn-loại lấy của mình làm công, không lấy một mảnh đất nào làm tư nữa, thì ngày giờ ấy thiên-hạ mới hạnh-phúc.

 

Đức Hộ Pháp

 

Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 22 tháng 11 năm Mậu-Tý ( 22-12- 1948 )


Hôm nay chúng ta đã đến tại nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa đặng quan-sát kiếm tìm cả sự thiệt-chiến coi có cái chi phản-khắc với chúng ta không?

 

Từ hôm trước đến nay, Bần-Đạo đã thuyết-minh những điều vấn nạn của các Chơn Linh siêu thoát. Nhưng vì thiếu đạo-đức tinh-thần, kiếm đủ triết-lý đặng chối tội, chúng ta đã thấy các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa kia chưa để cho họ đặng thắng đó vậy.

 

Đêm nay chúng ta tưởng mình lên tại chót Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, kỳ nầy là kỳ trọng yếu hơn hết. Bỡi vì họ vấn nạn về quyền-năng tín-ngưỡng.

 

Luật Thương-Yêu Công-Bình của các vị Giáo-Chủ đã để tại mặt thế-gian nầy vấn nạn kịch liệt lắm, chúng ta để ý, hạng nhứt là Chư Chức-Sắc Thiên-Phong Nam Nữ nên cần để ý cho lắm.

Bần-Đạo thuyết đêm nay là đêm trọng yếu hơn hết, họ vấn nạn về tín-ngưỡng. Kỳ trước Bần-Đạo giảng về chỗ có nhiều Tôn-Giáo làm cho nhơn-tâm bất nhứt, ngày hôm nay họ công-kích về luật điều, họ hỏi: " Nếu như Đạo-Giáo có một khuôn khổ hữu hình, tức nhiên là phải chiến-đấu khuôn-khổ của Thiên-Điều mà tại sao các vị Giáo-Chủ lập giáo bất đồng với nhau? Vị nầy nói vầy, vị kia nói khác, tức nhiên phản-khắc với nhau biểu sao nhơn-loại không chia rẽ? Biểu sao không thống-nhứt?

 

Các vị Giáo-Chủ quan-sát lại coi những Đạo-Pháp, Đạo-Luật của mấy vị Giáo-Chủ ấy, vẫn là phương-pháp khắc bạc với nhau, phản đối với nhau; không đồng tâm, đồng đức, nhứt là không đồng tánh về tư-tưởng, đạo-đức tinh-thần biểu sao nhơn-sanh không chia rẽ, nếu chia rẽ tức nhiên loạn-lạc.

 

Đời lúc nào cũng phản trắc loạn-lạc chia rẽ, thì các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Hiệp- Thiên Hành-Hóa họ chỉ ngồi họ cười; họ nói luật hữu-hình bất công của các chủng-tộc nơi mặt địa-cầu nầy, là tại nhiều tâm-lý, nhiều tâm-đức, nhiều tinh-thần, đừng có nói là một nòi giống, một quốc-gia hay vạn-quốc. Tánh-đức nhơn-loại bất đồng thay. Chẳng khác nào các vị buộc vị Phật Sĩ-Đạt-Ta lập giáo nơi Ấn-Độ là Phật-Giáo ngày nay, mà Ngài đồng tâm,đồng tánh với người khác giống được. Ngài vẫn làm chủ tâm-lý của loài người do tại đâu? Do mặt Luật Bác-Ái và Công-Bình, những phương-pháp của các vị Giáo-Chủ, dầu cho luật-pháp đã lập nền Tôn-Giáo bất điều hòa với nhau nhưng nó cũng mở đường chỉ nẽo cho nhơn-loại đi đến con đường của Đạo-Giáo, tức là tín-ngưỡng thờ Người và thờ Trời. Còn về luật-pháp của mình, Đức Phật Thích-Ca có nói: " Nếu như Ngài không Bác-Ái, không Công-Bình, thì Đạo-Giáo của Ngài không Bác-Ái Công-Bình đặng ". Lập đạo từ trước đến giờ, hỏi Đấng ấy lập giáo của họ trên nền tảng nào? Có phải Bác-Ái và Công-Bình chăng? Nếu không phải Bác-Ái và Công-Bình thì chưa có tìm một triết-lý cao siêu, để vào tâm-lý tinh-thần nhơn-loại ở mặt thế nầy. Chúng ta thấy cửa ấy là Nhân đó vậy.

 

Nhưng trái ngược lại, họ còn dành phần họ đánh ép mình, nếu chúng sanh không có tinh-thần với họ và nếu không có công-bình, tâm-lý, tinh-thần và không lòng thương yêu đầy dẫy, chưa đồng tâm tánh trí não, thì các Ngài chưa hạ mình xuống đặng nâng đỡ tinh thần loài người dường ấy.

 

Đức Lão-Tử thấy thiên-hạ không biết nhìn phẩm-vị của mình, không biết chơn-tướng của mình để nơi nào mà định vị cho mình. Trái ngược lại, Ngài sanh ra tại đất Trung-Hoa, biểu tâm-lý nhơn sanh điêu tàn, họ không biết phẩm-giá con người là gì? Đến đổi tâm-lý loài người buổi ấy cũng xáo trộn, không còn chơn-phẩm của người. Họ không biết tự tôn họ, họ chưa biết phẩm-vị họ, thì họ chưa tin thiên-hạ, tức nhiên là thú-chất vật loại. Nếu không phải có bác-ái từ-bi thức tỉnh nhơn-loại buổi ấy, thì họ chưa biết phẩm-vị tối cao tối trọng của họ, họ không còn làm con vật nữa. Nếu chẳng Bác-Ái Công-Bình chưa hề khi nào lập nên nền Tôn-Giáo như thế đặng.

 

Đến ngày nay, nước Tàu còn lưu lại, Ngài chẳng phải nói Á-Đông mà thôi đến Châu-Âu cũng vậy. Ngài nói các triết-lý Đạo cao siêu chơn thật, người ta theo không biết bao nhiêu nói về chơn thật thì chúng ta bảo vệ tinh-thần mà thôi. Các Ngài tìm thấy, các Ngài ngó lụn lại, các Ngài thấy tinh-thần mà thôi; dầu luật-pháp Tôn-Giáo cũng do Bác-Ái Công Bình mà lập thành. Những phương-pháp họ tạo ra cho có hình-tướng cốt yếu dìu dắt tinh thần nhơn-loại đi đến mức cao thượng là Bác-Ái Công-Bình; Bác-Ái Công-Bình ấy là Đạo Nhơn-Luân đó vậy. Nho-Giáo, Đức Khổng-Phu-Tử lập tại Trung-Hoa vì Ngài thấy nhơn luân buổi nọ điên đão điêu tàn nên mới lập ra Nho-Giáo để bảo vệ Nhơn-Luân.

 

Cũng vậy nữa, Lão-Tử Ngài thấy nhơn-phẩm suy đồi không còn giá-trị tâm-lý, nhơn sanh buổi ấy mất hẳn giá-trị của nhơn-loại, nên Ngài hạ mình xuống đặng định Luật- Pháp, trụ cái Đạo Nhơn-Luân làm căn bản; hễ biết trọng mình, biết địa-vị mình tức nhiên Thiên-Đạo, biết Thiên-Đạo tức nhiên biết Thiên-Điều, biết Thiên-Điều tức nhiên biết Đức Chí-Tôn tạo Đạo, mình phải giữ Đạo. Ngài không lẽ lấy danh tánh của Đức Chí-Tôn làm của tư được.

 

Ngài nói, đệ nhứt Đạo tối cao tối trọng, đặng chỉ mặt Luật Bác-Ái và Pháp Công-Chánh. Đã định cái sống trong Càn-Khôn Vũ-Trụ thì phải định cái sống cho loài người, định cái sống cho toàn-thể chủng-tộc cho toàn mặt địa-cầu nầy.

 

Luật-Pháp của Ngài nó đã trái hẳn phong-hóa mặt địa-cầu, nói về tinh-thần đạo-đức của Tôn-Giáo nó là mô giới, cho nên ngày giờ nầy cả Vạn-Quốc đều để tâm tìm kiếm luật pháp ấy.

 

Vì cớ cho nên Đạo Cao-Đài Đức Chí-Tôn có tiên-tri rằng: " Đạo Cao-Đài tức nhiên là một cây cờ báo hiệu cho Vạn-Quốc toàn-cầu hay trước là: Thời kỳ Nho-Tông chuyển thế đã đến ".

 

Đạo-Đức của Chúa Jésus-Christ tức nhiên là Công-Giáo, nếu người không có Bác-Ái thì chưa đem xác thịt của mình làm con vật đặng tế Đức Chí-Tôn. Ngài cầu xin tha thứ tội tình cho nhơn-loại, Người ấy là Người đáng để lòng yêu thương. Nếu đem ra làm kiểu mẫu cho nhơn-loại bắt chước thì Tôn-Giáo Gia-Tô đã đoạt được bao nhiêu tinh-thần thương yêu nơi mặt địa-cầu nầy vậy.

 

Nếu các Ngài còn chối cãi thì tôi nói rằng: " Dầu cho muôn đường ngàn nẽo thì các Ngài cũng phải chọn một, các Ngài chối không chịu dìu-dẫn tâm-lý loài người đi trong con đường tín-ngưỡng và dìu-dắt tinh-thần loài người trong Luật Yêu-Thương và Pháp Công-Chánh, các Ngài chỉ đem mấy bản hồ-sơ ra để trước mắt Tòa Tam-Giáo mà cầu rỗi lấy mình, tôi dám chắc các người không phương thế gì chối tội đặng. Dầu cượng lý bao nhiêu cũng không chối đặng, các người chối tội xin có bằng cớ dĩ nhiên rằng:

Đạo Cao-Đài xuất hiện, Đức Chí-Tôn đến mở Đạo 24 năm trường, Ngài đến ký một bản " Hòa- Ước Thứ Ba " với Nhơn-Loại, vì bản " Hòa-Ước Thứ Hai " đã bị Nhơn-Loại phản bội; không giữ sự tín-ngưỡng của mình vì cớ cho nên thất Đạo, nhơn-loại đi trên con đường diệt vong tương-tranh tự-diệt nhau. Vì lòng bác-ái từ-bi cho nên Đức Chí-Tôn Ngài đến, Ngài ký tờ " Hòa-Ước Thứ Ba " nầy nữa, để nơi mặt Luật- Điều cho chúng ta.

 

Các Đấng Thiêng-Liêng chỉ ngay Đạo Cao-Đài mà tín-ngưỡng và từ-bi cho y theo chủ pháp của mình " Dieu et Humanité "; nên Trời và Người về mặt Luật Bác-Ái, về mặt Pháp Công-Bình, ngoài ra dầu Luật-Pháp muôn hình ngàn tướng cũng vẫn trong Luật Bác-Ái và Công-Bình mà thôi.

 

Hội-Thánh Cao-Đài cũng vẫn do mặt luật vô-hình tối cao là mặt Luật Bác-Ái và Công-Bình, dẫn họ đến cảnh vô-hình tối cao tối trọng, cũng do Luật-Pháp của Đạo Cao-Đài.

Ngoài ra Luật Bác-Ái và Công-Bình tất cả còn lại là phương-pháp mà thôi.

Kỳ tới Bần-Đạo giảng cái quyền-năng là cái hiệu-nghiệm của Luật Bác-Ái và Công- Bình.

 

Đức Hộ Pháp

 

Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 26 tháng 11 năm Mậu-Tý ( 26-12-1948 )


Kỳ trước Bần-Đạo thuyết cuộc thiệt-chiến tại Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, về mặt luật các nền Tôn-Giáo để tại thế-gian nầy, có thuyết sơ cái Luật và Pháp của Đức Chí-Tôn đã dành cho Thánh-Thể của Ngài thi-hành Đệ-Tam Hòa-Ước của Ngài.

 

Bần-Đạo hứa sẽ thuyết-minh cái quyền-năng của Luật Thương-Yêu và Pháp Công- Chánh. Bần-Đạo đã nói sơ qua cái luật quyền-năng của Đức Chí-Tôn đã nói buổi nọ. Buổi ấy luật hình của Đức Chí-Tôn cho nhơn-loại chưa có ký tờ Hòa-Ước, Đức Chưởng-Đạo đã có tả sơ qua cho chúng ta hiểu Đức Chí-Tôn buộc Thánh-Thể của Ngài và toàn nhơn-loại tùng một khuôn Luật Thương-Yêu và Bí-Pháp Công-Chánh. Khi đó Bần-Đạo hỏi Ngài: Thầy là Thầy, Cha là Cha, cả thảy sao Ngài lại xưng bằng Thầy; thì Đức Chưởng-Đạo nói: Cha thì đáng Cha, Thầy thì đáng Thầy. Đến đây Bần-Đạo sẽ giảng sơ bài thi: " Luật Thương-Yêu và Quyền Công-Chánh ".

      " ...................................................
      Gần thiện-lương xa lánh phàm-tâm,
      Làm cha nuôi nấng âm thầm;
      Làm Thầy lại nhượng phẩm Thần, ngôi Tiên ,
      ............................................................".

Tức Ngài cho hiểu Đệ-Tam Hòa-Ước với Đức Chí-Tôn, Ngài sẽ buộc nhơn- loại nhứt là Thánh-Thể của Ngài thi hành Luật Thương-Yêu và Quyền Công-Chánh.

 

Bây giờ Bần-Đạo thuyết về cái năng- lực của Luật Thương-Yêu và của Quyền Công Chánh. Chúng ta đã thấy hiện- tượng trước mặt chúng ta cả cơ- quan tạo đoan hữu- hình. Chúng ta chẳng cần tìm sâu- xa mà hiểu là do nơi Luật Thương-Yêu mà sản- xuất vật gì, con gì, nó cũng có tình ân- ái của nó; thoảng như nó không có tình- cảm ân- ái của nó, thì nó không sanh-sản con cái được. Con người không có tình thương với nhau, ân-tình với nhau, nên chồng nên vợ. Nếu không như vậy chắc là không có con nối dòng, truyền tử lưu tôn cho loài người đặng.

 

Từ tạo Thiên lập Địa tới giờ, Luật Thương-Yêu dầu vạn-vật cũng thế, người cũng thế. Luật Thương-Yêu muốn đủ cao trọng hơn nữa, cao sang hơn nữa, thì luật ấy định luật nơi Ngọc-Hư-Cung và Tây-Phương Cực-Lạc, tức nhiên Cực-Lạc Thế-Giới. Nếu nói thiệt đủ tinh thần mặt Luật Thương-Yêu ấy, trừ lại cơ-quan Tạo-Đoan, cả vạn-vật trong Càn-Khôn Vũ- Trụ nầy là Cung Diêu-Trì tức nhiên là Cung Đức Phật-Mẫu đó vậy.

 

Nói thật nếu Đức Chí-Tôn Ngài không có nhứt điểm tình-ái, không phân ra đệ-nhị xác thân; Ngài là bạn, Ngài là cơ hữu-vi Tạo-Đoan Càn-Khôn Vũ-Trụ đương nhiên bây giờ. Cũng như chúng ta, nếu chúng ta sợ cái cơ-quan Tạo-Đoan ấy, tức nhiên tạo đời của mình. Nếu bên Nam, bên Nữ sợ vợ, sợ chồng thì đâu có tạo ra đời của mình, phải có tình ái nồng-nàn, nó mới nên chồng vợ. Không phải vợ chồng thương nhau mà thôi, nó còn xô đẩy cao xa hơn nữa. Nếu chúng ta biết lương-tâm nòi giống quốc-gia, chủng-tộc tức nhiên chúng ta phải tạo đời; không phải thương chồng vợ mà thôi, Luật Thương-Yêu ấy nó còn cao xa hơn nữa.

 

Bỡi vậy, Đức Khổng Phu-Tử lập Giáo, lập Nho-Tông của Ngài chú trọng nhứt là Ngài lấy nhơn-luân làm căn bản, chặt-chịa mạnh-mẽ chắc-chắn lắm! Vì cớ cho nên Đạo Nho-Tông của Ngài để lại hơn hai ngàn năm vẫn còn nguyên-lực của nó. Đương nhiên bây giờ nó còn đủ sức chuyển-thế đặng nó làm căn-bản mạnh-mẽ chắc-chắn. Căn-bản nhơn-luân chỉ sản-xuất nơi tình-ái mà ra, ấy Luật Thương-Yêu Đức Chí-Tôn buộc phải theo theo mới được ký Hòa-Ước với Ngài, phải thi-hành cái luật ấy.

 

Tờ Hòa-Ước nầy, ký với Ngài phải cho có hiệu-nghiệm. Ngài buộc ký với Ngài thi-hành theo luật, cho chúng ta khỏi phải bội ước với Ngài, đã hai kỳ ký Hòa-Ước với Ngài, đều hai kỳ bội ước. Nếu chúng ta xét đoán hai kỳ trước, Ngài có buộc luật ấy hay chăng? Sao không có, có chớ! Mà tại Ngài không nói với nhơn-loại, không nói tức không buộc, không buộc thì không làm, đã có định-luật mà không có buộc, không buộc thì không đặng.

Kỳ nầy Đức Chí-Tôn không nói, mà Đức Chí-Tôn buộc, lại buộc phải thi-hành quyền Công-Chánh, chúng ta không cần tìm Trời - Đất chi cả, cơ-quan dưới thế, nếu không có mặt Công-Bình về tâm-lý, không có mực thước Công-Lý tại mặt thế nầy, thì Bần-Đạo dám chắc rằng: Cả cơ-quan hiển nhiên bây giờ không còn tồn tại được.

 

Có một điều khuyết-điểm chúng ta ngó thấy; một trường hỗn loạn, tương-tàn tương-sát với nhau. Vì muốn thi hành mặt công-lý, tức nhiên lấy cân Công-Chánh làm mô giới cả cơ quan trị thế. Nhơn-loại loạn lạc, tức nhiên mặt luật Công-Bình chúng ta đã ngó thấy, quả nhiên không thể chối cải cái gì được. Công-Chánh là nơi miệng lưỡi của loài người, tức nhiên vạn-quốc đương dùng bây giờ là một phương-pháp để lường gạt tâm-lý nhơn-loại.

 

Mặt cân công-bình thiên-hạ gọi là công-lý mà thế-gian nầy chưa có công-lý, mạnh thì công-lý của họ khác, giàu thì công-lý của họ khác, sang thì công-lý của họ khác, vinh hiển thì công-lý của họ khác, nghèo khổ thì công-lý của họ khác.

 

Cái công-lý của nhơn-loại bây giờ là công-lý giả, vì bỡi công-lý giả ấy cho nên mới có trường hổn loạn, tương-tàn tương-sát với nhau, phải họ đem công-lý về mặt tinh-thần quả quyết đặng cân phân cùng các chủng-tộc nơi mặt địa-cầu nầy; nếu cân công-chánh ấy thiệt tướng của nó, thì thiên-hạ không có tương-tàn tương-sát với nhau, ngày nay máu sông xương núi; họ dùng lời dùng tiền thực hiện công-chánh đặng lòe-loẹt nghĩa lý công chánh của họ. Con người chưa có đoạt đặng công-chánh thật sự vì cớ con người chưa có mặt luật Công-Bình Bác-Ái dưới thế-gian nầy. Bỡi cớ cho nên Đức Chí-Tôn buộc cả con cái của Ngài nhứt là Thánh-Thể của Ngài thi-hành cho được thiệt tướng.

 

Bỡi vậy có câu Thánh-Ngôn của Ngài nói: " Ngày giờ nào các con dòm thấy một lẽ bất công nào nơi mặt thế-gian nầy thì ngày giờ ấy chưa thành Đạo ".

 

 

Đức Hộ Pháp

 

Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 8 tháng 12 năm Mậu-Tý ( 6-01-1949 )


Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp cái hạnh-phúc chơn thật của loài người do nơi đâu mà có? Bần-Đạo đã tả cho cuộc thiệt-chiến nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa. Các Đấng Chơn-Linh cao siêu về trí-thức tinh-thần thiếu đạo-đức họ phản đối, họ cho rằng : Duy có bậc chơn-linh cao trọng, đủ tinh-thần, đủ quyền-năng, đủ phương-pháp mới ngó ngay " Tứ-Diệu-Đề " tức nhiên là bốn điều khổ của kiếp sanh đặng lập vị mình. Phần nhiều các chơn-linh khác không thể gì đảm đương quyết thắng " Tứ-Diệu-Đề " ấy đặng, hơn nữa vì quá khổ họ tìm mảy may hạnh-phúc, họ phải tìm lấy hạnh-phúc đặng giải khổ; duy có phương thế tìm hạnh-phúc trong phương tối khổ, vì cớ mà tạo ra oan-nghiệt tội tình, quả kiếp là do nơi đó. Bần-Đạo nói vì cớ ấy cho nên rủ nhau tìm coi cái hạnh-phúc chơn thật của kiếp sanh con người do nơi đâu mà có.

 

Bần-Đạo cũng luôn dịp để toàn-thể Thánh-Thể của Ngài và toàn cả con cái của Đức Chí-Tôn lấy trí-thức kiếm hiểu coi nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa các Đấng Trọn-Lành trả lời với họ thế nào? Bần-Đạo thuyết đêm nay hơi lâu một chút rán ngồi chờ để tâm mà nghe.

 

Bao giờ cũng vậy, muốn thuyết cái chơn-lý phải lấy cái Thể Pháp; nhứt là dùng cái Thể-Pháp ngắn-ngủi khó lòng lắm, nhứt là phải thúc lại trong thời gian ngắn-ngủi nầy. Vì thấy mỗi khi cúng rồi cả thảy đều mỏi-mệt, nên Bần-Đạo không muốn để cho Hiền-Hữu, Hiền-Huynh, Hiền-Tỷ, Hiền-Đệ, Hiền-Muội mỏi-mệt như thế; khó lắm không phải dễ. Thuyết-pháp không phải dễ, dễ chăng là mấy bà lên nói hai ba câu rồi xuống, kết cuộc của mấy bà là vậy thôi; thế nên hôm nay tóm-tắt như vậy thôi, cũng như có vị Giáo-Sư lên đài đứng sợ hãi quá, không phải dễ, vì chưa có ngày giờ tìm-tàng. Mỗi khi Bần-Đạo thuyết, Bần-Đạo để riêng một chỗ trống để cho tinh-thần toàn-thể Thánh-Thể con cái của Đức Chí-Tôn kiếm hiểu châm thêm cho được cao siêu, chúng ta có thể tìm-tàng được.

 

Bần-Đạo cố đưa chìa khóa cho cả thảy nắm trong tay, đặng mở ra hầu dìu dắt cả thảy đi cho trọn vẹn trong khối Linh-Đài của Đức Chí-Tôn.

 

Ấy vậy, chúng ta kiếm hiểu cái hạnh-phúc chơn thật của con người, tức nhiên của kiếp sanh do đâu mà có? Bần-Đạo thường khuyên nhủ, nếu muốn kiếm một sự thật của một chơn-lý hay một triết-lý vô-hình vô-cảnh khó lắm; chúng ta phải thấu đáo cho tận cùng, duy chúng ta tìm-tàng dễ-dàng là chúng ta chỉ tìm nơi cái Linh-Đài, lấy cái nhỏ mà tìm cái lớn. Thoảng như chúng ta muốn tìm phương-pháp giải quyết cái thống-khổ đương nhiên nơi mặt địa-cầu nầy, họ đương đi trong cảnh vô-hình để họ tìm hạnh-phúc cho nhơn-loại.

 

Ôi biết bao nhiêu cái mưu chước đặng tìm hạnh-phúc, mà tội nghiệp thay cho nhơn-loại họ cũng tìm, họ đương khao-khát cái hạnh-phúc thương yêu đặng để sống. Ai đề xướng tạo ra hạnh-phúc cho họ thì họ theo, họ chỉ theo Hitler vì họ tưởng Hitler tạo hạnh-phúc cho họ đặng. Như dân Ý họ theo Moussolini họ cũng tưởng Moussolini tạo hạnh-phúc cho họ được mà thôi.

 

Đương giờ phút nầy, các chủng-tộc nơi mặt địa-cầu nầy, giờ phút nầy thiên-hạ đương bị lòe-loẹt vì hạnh-phúc ấy làm cho tinh-thần loài người đương hoang mang bất nhứt, cũng vì khao khát hạnh-phúc mà thiên-hạ bị lường gạt tinh-thần. Chúng ta suy gẫm kiếm hạnh-phúc của loài người do nơi đâu mà có?

 

Bần-Đạo để cho cả thảy đều suy gẫm tìm kiếm; Bần-Đạo nói trắng ra thì chúng ta tự nghĩ mỗi anh em, mỗi người đều tự kiếm lấy mình coi hạnh-phúc mình ở chỗ nào; kiếp sống chúng ta từ thuở lọt lòng hạnh-phúc ở đâu, tìm thử coi? Chúng ta không thấy gì hết, chúng ta duy có biết đau khổ mà thôi. Bởi cớ cho nên, Bần-Đạo khuyên cả toàn-thể nhìn ngay "Tứ-Diệu-Đề" của Đức Phật Thích-Ca là đúng, mà sự phản-kháng của các Chơn-linh nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa không cãi qua lẽ đó được.

 

Chúng ta nên biết kiếm coi sanh của chúng ta là khổ, kiếp sanh của chúng ta từ buổi lọt lòng Nam-Nữ cũng vậy, phải tìm coi hạnh-phúc do nơi đâu mà có?!

 

Bần-Đạo dùng phép hồi-quang phản-chiếu xem kiếp sống của Bần-Đạo, chịu thống khổ bao nhiêu và được bao nhiêu hạnh-phúc chơn thật. Bần-Đạo phải đi từ chỗ nào Bần-Đạo ngó thấy Bần-Đạo sanh ra gặp nhà nhân-từ đạo-đức. Ông Thân Bần-Đạo làm một vị quan của đời Pháp thuộc ( lúc ấy Bần-Đạo mới có bốn tuổi ); chức tước ấy cũng khá, có dư dả, dư ăn, đủ mặc, nếu ăn hối-lộ có thể làm giàu được. Nhưng Ông Thân của Bần-Đạo đạo-đức lắm, người dĩ-đức vi-trọng. Ông thường thấy sự bất công thì Ông phản đối ngay, nhứt là trường hợp bị áp-bức nòi giống của đám dân nghèo. Đem tinh-thần ra cứu đời như thế nên đứng không bền-bỉ, vì vẫn bênh vực những kẻ yếu hèn, kẻ cô đơn; phản đối kịch-liệt với cái oai-quyền đặc-biệt của thiên-hạ. Thiên-hạ ghét những người phản đối với họ, nên họ đuổi Ông; rồi Ông về với Bà Mẹ Bần-Đạo lo tảo lo tần mua bán để muôi sống. Bần-Đạo thứ tám còn em thứ chín nữa ở với nhau như bầy con ở trong cái ổ nghèo, ổ rách vậy. Mấy anh mấy chị lớn họ lập nên danh kẻ có chồng, người có vợ; chỉ có một mình Bần-Đạo ở với Cha-Mẹ mà thôi. Bần-Đạo là con chót, con áp út phải ở trong gia-đình đó, ngày buổi ấy tưởng mình vô phước; mà ngó lại buổi ấy Bần-Đạo chưa biết gì hết chỉ có biết thương nhau mà thôi. Thương Cha có công sanh dưỡng và công-chánh, thương mẹ bảo trọng gia-đình lo tảo lo tần nuôi con, thương anh em trong gia-đình duy có biết thương mà lo học; sợ không học Ông, Bà, Cha, Mẹ buồn rầu; nói con không học Cậu, Mợ buồn lắm. Vì thương yêu nên quyết chí học, học là tánh-đức của thiên-nhiên; thương nhiều quá, thương trong gia-đình hơn ai hết, anh em cũng vậy. Hạng nhứt trong nhà bất hòa là điều khổ hơn hết. Anh Chị bất hòa Bần-Đạo theo năn-nỉ, khóc lóc giải hòa; ngó lại hồi lúc đó đến bây giờ, thì lúc đó hạnh-phúc nhiều hơn hết, chỉ có biết thương yêu mà thôi.

 

Đến chừng lập được thân danh ra đứng đợt với đời, kiếp sống từ đó xét lấy mình thì thời buổi ấy, đã tính trong óc - Cha đã chết từ hồi mới lên 12 tuổi chỉ ở với Mẹ; thương Mẹ sợ Mẹ chết nữa không biết ở với ai ?! Sợ quá chừng quá đỗi khi nằm ngủ cũng sợ.

 

Ở Tây-Ninh nầy người ta thường chôn đám xác ban đêm, khi ngủ nghe họ hò, giựt mình thức dậy mò kiếm Bà Già, Bà Già hay, hỏi con làm gì vậy ?! Con nghe người ta đưa đám xác con sợ Mẹ chết quá. Cũng vì sự thương quá đỗi, chừng được 17 tuổi quyết định ra làm việc để trả hiếu cho Mẹ.

 

Bần-Đạo hiện tại ở Tây-Ninh thiên-hạ còn nhớ, buổi ấy không biết gì hết, duy có biết thương Mẹ mà thôi, thêm nữa mấy đứa em gái tới ngày giờ định gả lấy chồng chớ không còn ở chung nữa. Lúc ấy Bần-Đạo đã thi đậu, nếu ra làm với hãng buôn ăn lương lớn mà sợ không biết nuôi Mẹ được không? Lại bị người anh rễ nói: Em làm việc cho hãng buôn ngoài không có danh-dự gì hết, nghe lời nên xin sở nhà nước. Làm việc mỗi tháng lương 70, 80 đồng là nhiều lắm. Ăn xài hơn ai hết mà cũng dư một đôi chục bạc để nuôi Mẹ; đến chừng lương còn hai chục đồng một tháng chừng đó thiếu nợ, lại còn thêm một bà vợ nữa, công việc bối-rối xãy ra không biết bao nhiêu, tới chừng đó không còn lo cho Mẹ được nữa; còn lo gì nữa được! Lúc đó khổ về thể-xác mà tinh-thần cũng khổ nữa, không biết buổi nào quên được. Mà trong gia-đình khi đó tạo hạnh-phúc được chưa? Chưa tạo hạnh-phúc được thì bà Mẹ đã chết.

 

Năm Bần-Đạo được 22 tuổi, đau đớn biết bao nhiêu, chỉ có biết một điều là lo lập thân danh đặng nuôi Mẹ, lập đặng thân danh để bảo trọng anh em. Đến chừng thành danh rồi khổ đáo để. Cha, Mẹ đã khuất hết, dầu thương bao nhiêu cũng không còn, lại bị ác nữa là vợ con gia-đình sanh đẻ mãi; đâu có lo ngoài được nữa, khởi thống-khổ tâm hồn. Tới chừng cao sang sung-sướng ngó lụn lại không còn thấy Cha, Mẹ vì Cha, Mẹ đã chết hết. Hai Đấng ấy đã chết hết thôi mình đeo theo anh em, em chết nữa, lần lượt bao nhiêu người thân-ái đều chết hết; bao nhiêu cái thương nồng-nàn chỉ để nơi người Anh Rễ, thương hơn anh ruột nữa. Có một người em gái thứ chín, đó là người bạn thân mến trong kiếp sanh của Bần-Đạo mà đã qui liễu rồi. Tới chừng ấy tâm hồn ngơ-ngẫn, xác thịt bơ thờ; đi ra ngoài đồng ngó ngọn cỏ, con chim nó cũng nhắc; nghe tiếng hót của mấy em cấy lúa, nghe tiếng hò của người chèo ghe cũng nhắc tới nỗi đau thương. Từ ngày ấy, không biết buổi nào được vui, chỉ muốn tu, muốn tìm cảnh tu, cho đến từng tuổi nầy đáo để tâm hồn quá lẽ!

 

Nhờ Đức Chí-Tôn đem cây đuốc Huệ-Quang chiếu diệu tâm hồn nầy đặng gỡ mối đau khổ. Vì cớ cho nên Bần-Đạo theo, càng theo cái lý-tưởng càng để tâm hồn theo Ngài, rồi Ngài gieo tình thương yêu nồng-nàn hơn muôn triệu lần của gia-đình nữa.

 

Hễ biết tu thì biết Đạo, hễ biết Đạo rồi thì biết dìu-dắt anh em chị em tình yêu thương nồng-nàn đáo để, thương hình-trạng của thiên-hạ muôn ngàn đau khổ.

 

Bần-Đạo đã sống bao nhiêu năm khổ chỉ biết chung chịu điều thống khổ với nhau; mấy anh lớn, mấy chị lớn lần lượt họ đi về chầu Đức Chí-Tôn hết, chỉ để một mình Bần- Đạo quằn-quại gánh vác hai vai; khổ anh khổ em mà các bạn còn bơ-thờ chẳng biết đạo hạnh là gì hết; nỗi lo nghiệp Đạo, nỗi lo dạy-dỗ mấy em, nỗi lo cho đám con trẻ, mà mấy kẻ không có tay giúp đỡ vì Đạo, binh vực cho Đạo, mà tình-trạng thể tánh còn thay đổi.

 

Trái lại Bần-Đạo đem thân mình vô cửa Đạo đặng thoát ly thống-khổ cho tâm hồn, mà nó lại còn tăng thêm cái thống-khổ nữa. Hỏi cái thống-khổ của Bần-Đạo nơi đâu mà sản xuất, trong cảnh khổ ấy Bần-Đạo cũng có thể tìm hạnh-phúc đặng mà sống, nếu không có hạnh-phúc thì Bần-Đạo đã chết rồi, chết rồi thuở thiên-hạ cường quyền áp-bức đồ lưu nơi hải-ngoại; chết hồi buổi Đạo nguy biến suy vong, nếu không có hạnh-phúc tinh-thần an-ủi thì đâu có sống đến ngày nay.

 

Có chớ, có hạnh-phúc an-ủi được tâm hồn của Bần-Đạo là khối thương yêu của Bần- Đạo, thương yêu con cái của Đức Chí-Tôn, của triệu tâm hồn ấy là hạnh-phúc chân thật.

 

Bần-Đạo không kiếm mà thể xác đặng mạnh-mẽ, năng-lực đó nó làm cho Bần-Đạo sống, sống đặng quyết thắng cả cái thống-khổ là do hạnh-phúc thương yêu ấy. Bần-Đạo thương yêu chân thật con cái của Ngài, rồi Bần-Đạo thấy cả thảy con cái của Ngài thương yêu Bần-Đạo lại một cách chân thành. Hỏi trong buổi chưa thương họ còn có kẻ ganh hiềm, ghét ngỏ, vì tinh-thần ganh tị của họ; nhờ sự thương yêu chơn thật của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn đem chứng cớ ra công-lý, làm cho toàn cả thiên-hạ ngó thấy khối thương yêu công-bình Thiêng Liêng hiện-tượng ra đặng làm chứng cho Bần-Đạo. Vì thương yêu nên mới tạo hạnh-phúc, vì thương yêu nên mới tạo ra tổ-nghiệp. Ngày giờ nầy các hạnh-phúc thiệt tướng là bởi khối yêu thương vô tận đối với con cái của Đức Chí-Tôn, tức nhiên là trong Đạo-Đức đó vậy. Hạnh-phúc nó làm cho Bần-Đạo sống một cách mạnh mẽ, sống một cách oai quyền; cả thảy đoán xét lại, khi chúng ta tạo dựng được một cái đại-nghiệp hay gầy dựng một công-nghiệp nào mà đặng hưỡng đặc-ân của nó, thì công-nghiệp ấy vẫn còn giá-trị.

 

Còn chúng ta có thể tạo công-nghiệp cũng không phải là một thời gian, một thời gian không thể gì đặng. Nếu cả triệu con người tin tưởng đặng, dầu công-nghiệp ấy phải đem mạng sống của mình đặng ký thác cho nó đi nữa cũng phải làm.

 

Giá-trị gì một mạng sanh, đem đổi hạnh-phúc cho cả triệu người mà sao không đổi, cái hạnh-phúc chơn thật.

 

Bần-Đạo cho hay nếu Đạo Cao-Đài sẽ hưởng được cái hạnh-phúc vô ngàn của Đức Chí-Tôn ban bố ngày nay đã thiệt-tướng vì vinh-hạnh đó, Bần-Đạo đã lập được đại công đối với toàn cả con cái của Đức Chí-Tôn, Bần-Đạo đã lập được là nhờ cái quyền-năng vô đối của hạnh-phúc ấy.

 

Kỳ tới Bần-Đạo sẽ giảng thêm năng-lực thương yêu và hạnh-phúc của loài người.

 

 

về trang chủ