Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ

Từ Bi Bác Ái Công Bình
Toà Thánh Tây Ninh

 

 

 

THÁNH NGÔN HIỆP TUYỄN

quyển I (tiếp theo)

 

 

 

Thánh-Thất Tây-Ninh
Jeudi 2 Décembre 1926

28 tháng 10 năm Bính Dần

Thái-Bạch


Thầy sai Bần-Ðạo đến sắp đặt trang nghiêm trong Thánh-Thất.


Bần-Ðạo phân phép từ ngày nay hễ nhập Thánh-Thất thì phải giữ phép:

Nam Nữ bất thân
Nam ở Ðông hiên - Nữ ở Tây hiên.
Hai bên không lân cận nhau, Nam theo Nam, Nữ theo nữ.
Cấm cười cợt trửng giỡn nhau.


Trừ ra vợ chồng hay là chị em ruột, anh em ruột đặng chuyện vãn nhau nơi tịnh đàn. Còn kỳ dư như hai đàng muốn chuyện vãn nhau, phải có hai người chứng, một bên Nam, một bên Nữ.

 

Phòng-trù dầu phải chung lộn nhau buổi nấu nướng, khi dọn ăn chẳng đặng lộn xộn cùng nhau . . . Nghe à . . .!

Thơ, Thanh, hiền-hữu phải viết luật cấm nầy dán nơi Thánh-Thất . . . Nghe à !..

 

 

Lundi 6 Décembre 1926
2 tháng 11 năm Bính Dần

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Hỉ chư Môn-đệ, chư Ái-Nữ, chư Nhu, chư Tín-Nữ.

 

Chư Nhu nghe:

Ta vì lòng đại-từ đại-bi vẫn lấy đức háo sanh mà dựng nên mối Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ; tôn chỉ để vớt những kẻ hữu phần vào nơi địa-vị cao thượng, để tránh khỏi số mạng luân hồi và nâng những kẻ tánh đức bước vào cõi nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở nơi trần thế nầy.

 

Than ôi! Ðều vui sướng lao trần chẳng ai buộc mà nhiều kẻ tìm tới, mối đạo-đức trau thân là phương châm thoát tục, mà lắm kẻ trốn lánh, bài bác mối Ðạo Trời, khua môi, uốn lưỡi, mà tưởng cho mình hơn đặng các phẩm nhơn sanh, chớ chẳng dè là một hình phạt rất nặng nề đã chực chúng nó nơi chốn A-Tỳ. Ai đặng phước thêm cao trọng, ai vô phần thì trí não vẫn mơ-hồ; nét hạnh đời càng mê muội, biết biết, không không, luật Trời đã định, phần công quả trả cho rồi thì cảnh u nhàn là nơi rước khách tục trong lúc chung-qui đó.  

 

Sanh nhằm đời có một Ðạo chánh chẳng phải dễ, mà bước lên con đường chông gai, lần vào non thẳm kiếm ngọc lại càng khó; khó để nơi lòng chớ đem thói ám muội mơ-hồ vào đường Ðạo-Ðức, sau ăn-năn rất muộn.

 

 

9 Décembre 1926
2 tháng 11 năm Bính Dần

 

THẦY

Các Con

 

Các con nghe:

Ngày nay đã mất hết một người Môn-đệ của Thầy, lại là một đạo- hữu của các con đã cùng các con nghiêng vai gánh vác một trách nhậm trong Ðại-Ðạo Tam-kỳ.

 

Tương mản phần cũng nơi số mạng tiền định, nó có phước là vì đặng về Thầy trong mấy ngày rốt của kiếp trần ai của nó. Sự thác cũng có khi vui và cũng có lúc buồn. Người thế nếu biết sống nghĩa là biết dụng mình cho có ích vào xã hội, biết dưỡng tánh tu thân, thì sự thác chẳng qua là sự mong mỏi của kẻ hành-trình đã xong trách nhậm trở về phục-sự đặng lãnh phần thưởng xứng đáng mà thôi.

 

Tương tuy chưa đặng như mấy kẻ ấy, song lòng đạo đức đã ra vun đắp mối đạo Trời, thì địa- vị cũng khi khác thế thường đặng. Ðiểm chơn-thần của nó còn phải đến hầu trước Tòa Tam-Giáo mà đợi lịnh phát lạc tùy theo công quả tội tình của nó tự bấy nay; ấy là Thánh-Ý của Thầy đã lập luật riêng cho mỗi đứa trong các con đó. Chư Môn-đệ cũng nên hiểu biết.

 

Còn việc an táng nó các con cũng nên lưu ý chung với nhau mà lo bề nhơn đạo cuả các con cho an toàn.

Trang, con nói với Trung, Thơ, Tương, Hòa và các Thiên-Phong đều có mặt mà đưa nó lên đường, là chỗ nó an giấc ngàn năm, cũng để tiếng đặng một người đạo hạnh vậy. Trừ ra đứa nào phải vắng mặt bận việc thì chế đặng. Còn về sự làm rỡ ràng trong Ðạo-hữu, các con nên liệu tính cho kịp. Sự cầu kinh, thì do nơi đám tang mẹ Hậu, đều khác hơn một thí.

 


Ðàn tại Chợ Lớn ngày 13-12-26

 

THẦY

Các Con

 

Vốn Thầy tạo lập nền Chánh-Giáo cho dân Nam-Việt chẳng phải là việc nhỏ đâu. Các con vì biết Ðạo là quý thì phải ân cần trân-trọng; đợi đến ngày thành tựu các con mới thấy rõ Thiên-cơ, thì chừng ấy các con muốn lập công bằng buổi nầy sao đặng, vì mỗi việc khó-khăn, trắc trở là lúc sơ khai. 

 

Vậy Thầy khuyên các con rán thành tâm hành Ðạo, mà Ðạo không phải giữ bằng lỗ miệng không đâu.

 

Thầy thấy nhiều đứa trong các con có ý theo Ðạo đặng toan kế làm nhiều việc chẳng lành? Thầy vì thương nhơn-loại, muốn cứu hết nên thường thâu nhập nhiều đứa vô tâm, cũng muốn cho chúng nó ăn-năn chừa lỗi, ngõ hầu hưởng phước, mà chúng nó không biết tự hối thì làm sao mong rỗi đặng. Ðến buổi chung-qui mới thấy Thiên-đàng, Ðịa-ngục thì đã muộn rồi. Các con phải xét mình cho lắm nghe !

 

 

Mercredi 15 Décembre 1926
11 tháng 11 năm Bính Dần

Thái-Bạch

 

Hỉ chư Ðạo-hữu Chư-Nhu , Chư Tín-Nữ


Chỉnh đàn cho nghiêm đặng Thầy ngự.
Qu'on dise à ces Francais, qu'ici est une maison de prières qu'il ne faut pas qu'il la considèrent comme une curiosité.

 

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

M....., Debout et lis.

Toute chose vient à son heure.Tu as vu et su ce que la plupart de tes compatriotes cherchent à voir et à savoir. Ce n'est qu'à la suite de la conclusion des recherches spirites que j'enseigne cette nouvelle doctrine.

N'ai-je pas prédit que le spiritisme est une religion d'avenir? Tu as naturellement l'intention de créer en ce pays, une relation morale des deux races francaise et annamite appelées à vivre ensemble par ma volonté dans une communauté de vie et d'intérêts. Tu seras satisfait par une vie d'un homme de bien. Tes voeux seront exaucés. Tu seras plus tard un de mes fervents disciples pour prêcher au monde la paix et la concorde.

 

L'équipe francaise sera bientôt créée.

 

Tu sera force de revenir en France en 1928, pour soutenir cette doctrine au Congrès Universel. Tu seras grand et puissant pas volonté.

 

Au revoir. c'est assez pour toi.

 

Dịch ra Việt ngữ


M... Hãy đứng dậy và đọc.

Mọi việc đều đúng giờ đã định.

 

Con đã thấy và hiểu những điều mà phần đông đồng bào của con đang tìm hiểu. Chỉ sau nhiều cuộc khảo cứu và sưu-tầm về Thần-linh học mà Thầy đem truyền nền đạo-lý mới mẻ nầy.

 

Thầy há chẳng có lời tiên-tri rằng Thần-linh-học là một nền Ðạo tương lai sao?

 

Hẳn nhiên con đã thành tâm thật ý muốn gây tại xứ nầy tình liên-lạc tinh-thần giữa hai dân tộc Pháp-Việt mà Thầy chí quyết cho họ được chung sống trong cộng đồng quyền lợi và sinh hoạt.

 

Con sẽ đắc kỳ sở nguyện của một người làm phải. Lời khẩn nguyện của con sẽ được chấp thuận. Sau nầy con sẽ là một trong các môn-đồ trung thành của Thầy để đi truyền-bá hòa-bình và tương-ái trên khắp hoàn cầu.

Ban truyền giáo Pháp sẽ được thành lập gần đây.

 

Con cần phải về Pháp trong năm 1928 để binh vực giáo lý của Thầy tại Hội-Nghị Ðại-Ðồng Tôn-Giáo.

Con sẽ trọng đại và đủ quyền năng do Thiên-Ý.

 

Bấy nhiêu cho con rõ. Thầy từ giã.

 

 

 

Vendredi 17 Décembre 1926

13 tháng 11 năm Bính Dần

Thái-Bạch

 

M.D... est prié d'attendre la venu du Divin-Maitre

 

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

DIEU TOUT-PUISSANT qui vent sous le nom de CAO ÐAI pour enseigner la Vérité en Annam.

D....., Debout et lis.

 

Je tiens à te dire que rien ne se crée et n'existe sur se globe sans ma volonté. De pauvres esprits prétendent qu'ils sont dans le secret de Dieu. Or, je ne donne à nul humain ici-bas d'en faire la révélation. Pour venir à moi, il faut des prière. Je ne néglige pas à me manifester quand ces prières sont sincères. Il suffit, pour vous convaincre que je suis bien Jéhovah des Hébreux, Le Dieu des Armées des Israélites, le Dieu inconnu des Juifs et le vrai Père de Jésus-Christ, de me prier par le prête-nom CAO-ÐAI pour que vos voeux soient exaucés. Tu viens à moi avec un sentiment sincère pour bien faire aux peuples soumis qui te sont confiés. Je te prie alors de propager cette doctrine à tous tes protégés. C'est la seule qui maintient l'humanité dans l'amour des créature et vous apporte une paix durable.

 

Bản dịch ra Việt Ngữ

 

Vendredi 17 Décembre 1926
13 tháng 11 năm Bính Dần

Ðức Thái-Bạch

 

M.D... Hãy chờ Ðức Chí-Tôn đến.

 

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

D. hãy đứng dậy và đọc.

 

Thầy cho con hiểu rằng nếu không có ý muốn của Thầy, thì trên qủa địa-cầu nầy chẳng có vật chi sanh tồn tất cả.

 

Lại có lắm kẻ đáng thương hại lại tự-phụ rằng họ hiểu thấu cả lẽ mầu-nhiệm của Ðấng Tạo-Hóa. Nhưng Thầy không bao giờ cho một kẻ nào dưới cõi trần nầy tiết lậu Thiên-cơ cả. Muốn đến Thầy thì phải cầu nguyện. Thầy không bao giờ không cảm ứng với những lời cầu nguyện chơn-thành. Như thế đủ chứng tỏ cho các con tin rằng Thầy là Ðức Jéhovah của dân Hébreux vị chủ tể của quân-lực dân Israel, vị Thánh vô danh của dân Do-Thái, Ðức Ðại-Từ-phụ của chúa Jésus Cứu Thế. Con chỉ cần cầu-nguyện Thầy với danh hiệu Cao-Ðài thì sẽ có sự cảm-ứng-chấp-thuận.

 

Con đến đây với tấm lòng thành thật để làm việc phải cho giống dân biết phục-thiện hiện đang giao phó cho con. Vậy Thầy nhờ con truyền bá giáo-lý nầy cho dân tộc đặt dưới quyền bảo hộ của con.

 

Chỉ có cách đó mới có thể kềm giữ nhơn-loại trong tình yêu sanh-chúng và đem lại cho con một cuộc đời hòa bình bền bỉ.

 

 

 

Dimanche 19 Décembre 1926
15 tháng 11 năm Bính Dần

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Các con nghe:


Một sự các con chưa hề biết đến, đặng hiểu Ðạo quí trọng là dường nào, lo tu tâm dưỡng tánh.

 

Các con đã sanh ra tại thế nầy, ở tại thế nầy, chịu khổ não tại thế nầy, rồi chết cũng tại thế nầy. Thầy hỏi: Các con chết rồi các con ra thể nào? Các con đi đâu ?

 

Chẳng một đứa hiểu đặng cơ màu nhiệm ấy. Thầy dạy: Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong nơi vật -chất mà ra thảo mộc, từ thảo mộc đến thú-cầm, loài người phải chịu chuyển kiếp ngàn ngàn, muôn muôn lần, mới đến Ðịa-vị nhơn-phẩm. Nhơn phẩm trên thế nầy lại còn chia ra phẩm giá mỗi hạng. Ðứng bậc Ðế-Vương nơi trái địa-cầu nầy, chưa đặng vào bực chót của Ðịa-cầu 67. Trong Ðịa-cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quý trọng cuả mỗi địa-cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Ðệ-nhứt-cầu, Tam-Thiên-Thế-Giái; qua khỏi Tam-Thiên-Thế-Giái mới đến Tứ-Ðại-Bộ-Châu, qua Tứ-Ðại-Bộ-Châu mới vào đặng Tam-Thập-Lục-Thiên; vào -Tam-Thập-Lục-Thiên rồi phải chuyển kiếp tu-hành nữa, mới đặng lên đến Bạch-Ngọc-Kinh, là nơi Ðạo Phật gọi là Niết-Bàn đó vậy.

 

Các con coi đó thì đủ hiểu các phẩm trật các con nó nhiều là dường nào; song ấy là phẩm trật Thiên-Vị.

 

Còn phẩm trật Quỉ-vị cũng như thế ấy; nó cũng noi chước Thiên-Cung mà lập thành Quỉ-vị, cũng đủ các ngôi, các phẩm đặng đầy đọa các con, hành hài các con, xử trị các con. Cái quyền hành lớn lao ấy , do Thầy ban cho nó nên đặng quyền cám dỗ các con, xúi biểu các con, giành giựt các con, mà làm tay chân bộ hạ trong vòng tôi tớ nó.

 

Thầy đã thường nói: hai đầu cân không song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý. Luật công bình Thiêng-Liêng buộc phải vậy. Thầy lắm phen phải bị mất, bị giựt con cái của Thầy vì chúng nó.

 

Thầy đã chỉ rõ hai nẽo tà chánh, sang hèn rồi, vậy Thầy cũng chỉ phương hướng cho các con đi khỏi lầm lạc. Các con hiểu rằng: trong Tam-Thiên-Thế-Giái còn có Quỉ mị chuyển kiếp ở lộn cùng các con thay, huống lựa là "Thất-Thập-Nhị-Ðịa" nầy, sao không có cho đặng ?

 

Hại thay! Lũ quỉ là phần nhiều; nó bày bố ra mỗi nơi một giả cuộc, mà dỗ dành các con. Vì vậy, Thầy đã nói tiên tri rằng:

 

Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn cùng các con, lại hàng ngày xúi biểu chúng nó cắn xé các con, song Thầy cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo-đức của các con.

 

Ấy vậy Ðạo-Ðức các con là phương pháp khử trừ quỉ mị lại cũng là phương pháp dìu dắt các con trở lại cùng Thầy. Các con không đạo, thì là tôi tớ quỉ mị. Thầy đã nói Ðạo-Ðức cũng như một cái thang vô ngằn, bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao, tối trọng là ngang bực cùng Thầy, hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa.

 

Vậy Thầy lại dặn các con: nếu kẻ không tu, làm đủ phận người, công-bình, chánh-trực, khi hồn xuất ra khỏi xác thì cứ theo đẳng cấp gần trên mà luân hồi lại nữa thì biết chừng nào đặng hội-hiệp cùng Thầy? Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn-loại Càn-Khôn Thế- Giái, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng; mà . . . hại thay! . . . mắt Thầy chưa đặng hữu hạnh hoan lạc, thấy đặng kẻ ấy.

 

Vậy Thầy dặn: Ðạo là nơi các con nên quý trọng đó vậy.

 

 

Thầy

Các con

 

Các con phần nhiều biết tiếng Langsa.

Thầy dùng nói cho các con hiểu Ðạo-Lý.

Qu'est-ce que la noblesse, la richesse, la gloire?

La noblesse est l'ensemble de titres plus ou moins enivrants décernés aux hommes par les hommes.

Quelle est la valeur de ces titres?

N'est-ce pas suivant la valeur de ceux qui les donnent?

Donnés pas un humain, ils ne sont que trop humains.

Ce qui vient d'un homme n'a rien de résistant. C'est sujet à détérioration. Ils sont détruits dès qu'on enlève la vie de celui qui les détient. Cherchez la Noblesse céleste, c'est la seule éternelle.

La richesse est l'ensemble de toute préciosité qu'on ramasse en ce monde.

Que comprend-elle?

L'or, l'argent, la pourpre, la soierie etc . . .

L'or, l'argent ne sont que simples métaux.

La pourpre n'est que couleur.

La soierie n'est que matière animale.

Prenez-vous toutes ces choses en vraies richesses?

Elles ne sont qu'insignifiantes d'après leur provenance.

Cherchez, vous autres, la Richesse en la Vertu de Dieu, c'est la seule que vous aurez éternellement; nul ne pourra vous la dérober.

La gloire est souvent contre la vertu. Elle est éphémère. Elle provient souvent de la fourberie. La Gloire de Dieu est la seule qui résiste à toutes épreuves.

(Trung bạch : Mấy con phải làm sao mà tìm đặng la Noblesse, la Richesse et la Gloire de Dieu?)

Thầy trả lời : "Tu".


Bản dịch ra Việt Ngữ

 

Thầy các con.

Các con phần nhiều biết tiếng Langsa,

 

Thầy dùng nói cho dễ hiểu đạo-lý.

- Phẩm-tước là gì? Của cải danh-vọng là gì?

Phẩm tước là sự tổng-hợp các chức tước đã bày ra để quyến rũ người hoặc ít hoặc nhiều. Những chức-tước ấy do người đời tạo ra phong-thưởng kẻ khác.

- Giá-trị của các chức-tước ấy ra sao?

- Giá-trị những chức tước ấy tuỳ theo mà tạo nó ra.

- Việc chi do người đều phàm cả nó không bền, thường thường bị hư hỏng và tiêu tan ngay sau khi người đã được nó tặng bị cướp mất sự sống. Các con hãy tìm tước phẩm nơi cõi thiêng-liêng, tước phẩm ấy mới là vĩnh viễn. Còn tài-sản là tổng-quát các vật quý-giá của con người để thu nhặt trên thế-gian nầy.

- Của cải ấy gồm những gì?

- Vàng bạc chỉ là loại kim-khí tầm thường.

- Hồng là một chất màu.

- Còn lục là chất do loài vật cấu thành ra. Các con xem của ấy là quý giá thật-sự sao?

- Xét từ nơi sản xuất các vật ấy, đều không đáng kể. Các con nên tìm sự giàu đức-tính của Trời. Chỉ có cách đó, mới gọi là vĩnh-cửu. Của quý ấy không ai ăn cướp đặng cả.

- Danh vọng thường hay chống lại với đức hạnh. Nó rất ngắn ngủi và thường thành tựu nhờ sự gian trá.

- Danh-quyền nơi Trời là bền chắc nhứt. Và danh-quyền ấy mới chịu đựng nổi bao sự thử thách. (Trung bạch: Mấy con phải làm sao mà tìm đặng phẩm-tước của cải và danh-vọng của Trời).

Thầy trả lời " Tu ".

 

 

 

Ðại-Ðàn Chợ Lớn ngày 20-12-26

 

THẦY

Các Con

Chư Môn-đệ nghe!

 

Thầy đã muốn cho hoàn toàn phải cần có luật, mà hễ có luật thì cần phải do theo đó mà hành Ðạo, mới khỏi điều sơ thất đặng. Nhiều đứa nhờ công-qủa chút ít mà đặng Thầy trọng dụng, là có ý để chúng nó đặng vui lòng mà bước tới, dè đâu đã chẳng trông sợ nơi lịnh Thầy, lại lấy ý riêng mà làm cho có lời kích bác trong Ðạo. Thầy hỏi có đáng tội chăng ? Nếu Thầy chẳng lấy đức từ bi mà dìu-dắt các con, thì chư Thần, Thánh đã phạt mấy đứa cách nặng nề hơn nữa! Các con khá liệu mà hành Ðạo !

 

Chư nhu nghe ! Ðạo Trời dìu bước nhơn sanh, đường Thánh dẫn người phàm-tục; sanh nhằm lối may mắn, đặng gặp một Ðạo chánh, nếu chẳng lo dưỡng tánh trau mình, để bước vào con đường cực-lạc, thoát đọa Tam Ðồ, một mai cánh rũ bông tàn, rốt cuộc lại ăn năn vô ích.

 

Ta vì thương xót sanh-linh, mở Ðạo Tam-Kỳ để độ người hữu phước, nếu chẳng mau chân, ngày giờ hầu cận, chư Tiên Phật hội Tam-Giáo xin bế lại, thì dầu ta có muốn cứu vớt thêm cũng chẳng qua số Thiên-cơ đặng.

 

 

 

24-12-1926

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Thầy mừng các con.

 

Các con ôi ! Nếu nói rằng Thầy đã cực nhọc từ ngày khai Ðạo đến chừ, Ðạo đặng phổ thông mau chóng dường nầy, thì đáng lẽ Thầy mừng cho các con lắm mới phải. . . . Sao Thầy lại buồn ? Các con ơi ! các con đã chịu lắm khổ não nơi biển trần nầy ... Từ mười ngàn năm rồi, đã ở dưới quyền tà quái áp chế. Vì vậy mà Thầy phải phế hết Bạch-Ngọc-Kinh, Huỳnh-Kim-Khuyết, giáng trần độ rỗi các con, chớ chi Thầy đến mà làm cho giảm sự khổ não cuả các con chẳng đặng nữa thì thôi, lẽ nào còn lập Tân-Luật ràng buộc các con thêm nữa. . . . Vì cớ mà Thầy buồn. . . . Thầy tỏ thật, cái luật lệ, Thầy khiến các con hiệp chúng trí mà lập thành đây, nó có ảnh hưởng về đạo-đức Tiên-Phong Phật-Sắc cuả các con, nên Thầy buộc mình cam chịu vậy; chẳng luật lệ thì trái phép, mà trái phép thì làm thế nào vào Bạch-Ngọc-Kinh cho đặng . . .

 

Vậy các con rán làm phận sự cho hoàn toàn, rồi có Thái-Bạch giáng-cơ sửa luật.

 

 

 

Ðại-Ðàn Chợ Lớn ngày 27-12-26

 

THẦY Các Con

Chư Môn-đệ nghe ! 

 

Phần nhiều trong các con chẳng để lòng thờ kính Thầy, tưởng cho đem thờ Thầy vào nhà là chủ ý cầu một việc lợi riêng chi cho gia quyến vậy thôi, chớ chẳng hiểu là một nguồn trong sạch để rửa các lỗi phàm tục cuả các con. Nhiều đứa lại còn mờ-hồ, đã thờ Thầy mà còn chưa chắc ý rằng thờ đặng chi, và mở Ðạo có ích gì?

 

Than ôi ! Ðã bước chân vào đường Ðạo hạnh mà chẳng để công tìm kiếm, học hỏi cho rõ ngọn nguồn, thì làm phận sự Môn-đệ như thế có ích chi cho nền Thánh đâu ? Ðạo Trời khai ba lượt, người tục lỗi muôn phần, sanh đứng vào vòng thế cuộc, chưa biết mình đã lãnh một vai tuồng, đặng chờ lúc kết quả hồn quy Thiên ngoại, lánh khỏi xác phàm trở về nơi khởi-hành mà phục các điều đã thi hành giữa sân khấu là chốn trần ai khốn đốn này; phận chưa xong phận, thân chẳng nên thân, thân phận lo tính chưa rồi, còn mong mỏi chi dụng mình vào đường đạo-đức để cho có ích chung nữa đặng. Lương tâm của các con là một khiếu thiêng-liêng của Thầy ban để sửa trị riêng các con trong đường tội lỗi và ban thưởng trong việc nhơn đức; làm một việc phải tức là do nơi ý Trời, phạm một nét vạy tà là cải nơi Thiên-Luật ; phải quấy Thần Thánh chỉnh chép biên, thưởng phạt duy đợi ngày chung cuộc! Khá biết lấy!

 

 

 

Cầu kho, le 8 Janvier 1927

 

THẦY, Các Con

Thầy vui thấy nhơn-sanh biết hối ngộ, chẳng quản dặm dài, đến hội hiệp nhau mà để bước vào đường Ðạo-Ðức.

 

Các con phải biết hễ là người thì phải biết Ðạo ; không biết Ðạo không phải là người. Cái chánh cái tà rồi đây sẽ phân biệt nhau. Nếu các con còn để một vài điểm mơ-hồ trong dạ thì làm sao chóng đến nơi, đến chốn đặng ?

 

Các con phải đồng tâm hiệp lực nhau, bỏ hết các đều tệ theo thường tình, thì mới để thành Ðạo. Vậy Thầy khuyên các con đứa nào có trí lực bao nhiêu khá đem ra mà thi thố, chớ đừng sụt-sè theo thói nữ nhi, vậy cũng uổng cái điểm linh quang cuả Thầy ban cho các con lắm.

 

Các con hiểu à !

 

 

 

Chợ Lớn, le 10-1-1927

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Chư Môn-đệ và chư nhu nghe:

 

Chim về cội, nước tách nguồn, từ xưa kiếp con người giữ thế, chẳng qua là khách đi đường, phận sự muốn cho hoàn toàn, cần phải có bền chí và khổ tâm; có bền chí mới đặng đạt phẩm vị thanh cao; có khổ tâm mới rõ tuồng đời ấm lạnh; lăng-xăng xạo-xự, mùi chung đỉnh, vẻ cân đai, rốt cuộc chẳng khác chi một giấc huỳnh lương mộng; mỗi bậc phẩm đều đặng một vai tuồng cuả Ðấng cầm quyền thế-giái ban cho; dầu thanh cao, dầu hèn hạ cũng phải gắng làm cho rồi trách nhậm, hầu buổi chung cuộc, hồn lià cõi trần, đặng đến nơi khởi hành mà phục hồi công cán; ai giữ trọn bậc phẩm thì đặng toà nghiệt cảnh tương công chiếc tội, để vào địa vị cao hơn chốn Ðịa cầu 68 nầy; ai chẳng vẹn trách nhậm nhơn sanh, phải bị đọa vào nơi u-minh-địa, để trả cho xong tội tình căn quả cho đến lúc trở về nẻo chánh đường ngay mà phục hồi ngôi cũ; bằng chẳng biết sửa mình thì luật Thiên-điều chồng-chập, khổ A-Tỳ phải vướng muôn muôn đời đời mà đền tội ác. Bậc nhơn-sanh vì đó mà phải chịu thiên niên chìm đắm vào số luân hồi; vay trả, trả vay, căn quả chẳng bao giờ tiêu đặng. Các bậc Thần Thánh nếu chẳng biết mối Ðạo là phương châm tìm nguồn trong rửa bợn tục, thì biển khổ trần nầy cũng khó mong thoát đặng.

 

Trời Nam may đặng một yến sáng của Ðấng Ðại-Từ-Bi dẫn khách trần bước lần ra con đường hắc ám, để tránh khỏi bến mê; dụng nâu sồng thế cân đai, mượn khổ tâm thay chung đỉnh, lấy hạnh đức làm nấc thang bước lên tột lừng trời, vẹt ngút mây xanh, trông vào cảnh thiên-nhiên, biết rõ cơ màu nhiệm mà làm khách u-nhàn thanh nhã, núi thẫm rừng xanh. Phủi hết muôn sự ở cõi trần vô vị nầy, ấy là một sự khó thi hành của khách phàm tục; mấy ai nong-nã tìm đến cảnh Thiêng-liêng mà nhiều kẻ lại tìm vào vực thẳm.

 

Ðạo Trời qua bến tục, đường Thánh dẫn khách trần; nếu chẳng biết thế thời, giọt nước nhành dương hết chờ khi rưới khổ đặng.

 

 

 

Tây-Ninh 16-1-27
13 tháng 12 năm Bính Dần

Thái-Bạch


Lão khen chư Ðạo-Hữu . . . Ðại hỉ . . . Ðại hỉ . . .

 

Thượng-Tương-Thanh, coi Lão hành sự mà bắt chước.

Mời Chưởng-Pháp Phái Nho.
Thơ, chư Hiền-Hữu bình thân.


Ðứng dậy phân hai bang.

Chưởng-Pháp, Ðầu-Sư tọa vị. Phối-Sư tam Phái tới trước. Thái-Thơ-Thanh phải ôm bộ chú giải các luật, Tân-Luật của các Hiền-Hữu đến dâng cho ba vị Ðầu-Sư, ba vị Ðầu-Sư đồng đứng dậy bái và tiếp luật một lượt, thế nào sáu bàn tay đều có trong sáu bộ luật, ngay giữa, dạy cả ba tiếp dưng lên; Chưởng-Pháp cũng phải bái mà tiếp một lượt, đội dưng lên đại-điện, day vô đưa lên chí trán. Nghe dạy: Lão giao luật nầy cho nhị vị Chưởng-Pháp xem xét lại nữa, trong một tháng phải rồi mà giao lại cho Hộ-Pháp cầu Lão sửa Luật. Phải làm một phòng thanh tịnh mà giả làm Hiệp-Thiên-Ðài, Thập-Nhị-Thời-Quân phải có mặt, Thượng-Sanh, Thượng-Phẩm phải có mặt.

 

Phải tái cầu nghe dạy:
Nhị vị Chưởng-Pháp đem Luật dể ngay tượng Lão một đêm nay.


Dương phải đội Hiệp-Chưởng như Luật, đắp khậu như Luật.


Nương phải sắm Thiên-Phục như Thơ vậy nghe.


Ðem Luật để lên rồi xuống tọa vị, lên điện để xuống.


Chư Thiên-Phong đồng lạy Thầy.

 

 

 

TÁI CẦU

Thái-Bạch

 

Thiên-Ðiều mầu-nhiệm của Ðạo còn thiếu sót lắm.

 

Cười . . .

Những điều ấy chư Hiền-Hữu biết đâu mà lập cho đặng.

 

Hại thay! Nếu chẳng có cơ mầu-nhiệm bí mật ấy thì chẳng thành Luật, nếu chẳng thành Luật, thế nào thành Ðạo ?

 

Cười . .

Lão tâu cùng Ðại-Từ, Ðại-Bi, xin thêm vào luật những điều bí mật yếu trọng ấy; vậy chư Hiền-Hữu cũng phải cầu khẩn với Lão, nội hạ tuần tháng nầy thì khởi nguyện; dặn các Thánh-Thất, các Ðạo-Hữu phải để lòng thành khẩn: hiệp sức làm một với Lão mà nài xin Thánh Luật; nghe à.

 

Hễ Ðạo trọng thì tức nhiên chư Hiền-Hữu trọng, vậy thì chư Hiền-Hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời. Từ đây Lão hằng gìn giữ chư Hiền-Hữu hơn nữa; nếu Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh, là có ý muốn giá trị của chư Hiền-Hữu thêm cao trọng nữa; vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà nghe.

 

 

 

17-1-27
14 tháng 12 năm Bính Dần

 

Thầy các con

 

Thượng-Trung-Nhựt, con là anh phải dạy lại các em một lần nầy là chót; Thầy vẫn đã thường nói rằng: Thầy đến lập cho các con một nền Chơn-Ðạo, tức là mỗi sự chi dối trá là chẳng phải của Thầy. Thầy đến là chủ ý dạy cả nhơn-sanh đặng hòa bình, chớ chẳng phải đến dục thêm nghịch lẫn nhau. Thầy lại thường nói rằng sự sang trọng vinh hiển của các con chẳng phải nơi thế-giái nầy. Thầy lại đến lập trong nước các con một nền Chánh Ðạo đủ tư cách độ rỗi chúng sanh. Các con và cả dân tộc các con vì nơi Ðạo mà đặng đoạt đến phẩm vị cao thượng; cái phẩm vị ấy do nơi đâu mà có? Là bởi đạo-đức của các con, đạo-đức thắng hung bạo là thường tình, các con hằng thấy sự đời thường vậy. Thầy là Ðấng Chí-Tôn, cầm quyền thưởng phạt, há lại không quyền hành mà làm mọi việc một mình Thầy đặng sao, lại phải sở cậy tay phàm, chẳng qua là Ðạo-Ðức thiếu kém các con đó, nó làm cho các con bị phạt. Từ đây phải tin tưởng một Thầy và nghe lời Thầy dặn: giữ Ðạo-Ðức cho bền, còn ngoại trừ sự chi nghịch với Chơn-Ðạo thì là mưu chước tà quái.

 

Thầy ban ơn cho các con.

 

 

 

Tây-Ninh 18-1-27
15 tháng 12 năm Bính Dần

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Các con, chư chúng sanh; bình thân chư Thiên-Phong, còn các chúng sanh ngồi . . . Các con nghe:

 

Vì sao mà phải giới tửu ?

Thầy đã dạy rằng: Thân thể con người là một khối chơn linh cấu kết lại; những chơn linh ấy đều là hằng sống; phải hiểu rằng: ngũ tạng lục phủ cũng là khối sanh vật mà thành ra, nhưng mà phận sự chúng nó làm, hiểu biết hay là không hiểu biết, đều do nơi lịnh Thầy mà phán dạy.

 

Trước Thầy nói vì cớ nào rượu làm hại cho thân thể con người về phần xác.

 

Hình chất con người vẫn là thú, phải ăn uống mới nuôi sự sống, như rượu uống vào tỳ vị nó chạy

 

vào ngũ tạng lục phủ đủ hết, thì trái tim con người chẳng khác nào như cái máy chánh để trữ sự sống, cũng phải bị nó thâm nhập vào làm cho sự lao động quá chừng đỗi thiên nhiên đã định, thôi thúc huyết mạch phải vận động một cách vô chừng mà làm cho sanh khí nơi phổi chẳng đủ ngày giờ nhuận huyết tinh sạch cho được. Trược huyết ấy thối lại cùng trong thân thể, để vật chất ô-trược vào trong sanh vật. Mỗi khối ấy ăn nhằm phải bịnh, một ngày thêm một chút, hết cường tráng, cốt chỉ lần lần phải chết thì thân thể các con phải chết theo.

 

Nhiều kẻ bị chết nửa thân, vì rượu nên ra đến nỗi - Thầy dạy về hại của phần hồn các con, là khí chất (le sperme évaropé) nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy, nơi trung tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là Vi-Hộ; nơi ấy Hộ-Pháp hằng đứng mà gìn -giữ chơn linh các con khi luyện thành Ðạo đặng hiệp một với Khí, rồi Khí mới thấu đến Chơn-Thần hiệp một mà siêu phàm nhập Thánh, thì óc là nguồn cội của Khí mà óc cũng bị huyết mạch vận động vô chừng làm cho đến nỗi táng loạn đi thì chơn thần thế nào đặng an tịnh mà điều khiển; thân thể phải ra ngây dại, trở lại chất thú hình; mất phẩm nhơn-loại rồi, còn mong chi đặng phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật. Lại nữa, buổi loạn thần ấy để cửa trống cho tà mị xung đột vào, giục các con làm việc tội tình mà phải phận luân hồi muôn kiếp. Vậy Thầy cấm các con uống rượu, nghe à!

 

Thầy ban ơn cho các con. Thầy thăng.

 

 

 

Ðàn tại Ðình Mỹ-Lộc 18-1-27
15 tháng 11 năm Bính Dần

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Hỉ chư môn đệ, Hỉ các đẳng chúng sanh nam, nữ.

Tịnh , Tịnh

 

Chúng-sanh chưa rõ nền Ðạo là quí trọng dường nào. Ðạo cũng do nơi phàm mà phát ra, và tiếp lấy cái thiêng-liêng của Thầy hiệp đồng, mới sanh sanh, hóa hóa, thấu đáo Càn-Khôn. Người mà biết Ðạo, ấy kẻ hữu phần, còn người chưa thấu đáo nền Ðạo, ấy là kẻ vô duyên.

 

Hiểu há! Thầy cho phép cầu Ðạo, góp sớ.

 

Thầy từ-bi toàn thâu chư chúng sanh đặng Thầy cho phép Thần-Hoàng-Bổn-Cảnh giáng cơ mà dạy dân trong phần trách nhậm của nó.

 

Thăng.

 

 

 

Thần-Hoàng-Bổn-Cảnh.

 

Chào chư Thiên-Phong.

Chào cả thảy các đạo-hữu và các đẳng chúng nam nữ trong thôn lân.

" Thần-ẩn tứ hải thủ châu danh
Hoàng-hữu ấn-phong tải độ thành
Mỹ thới dân khương bình thái-trị
Lộc cao hà nễ thọ thời sanh.
Mỹ có công thành khẩn vái
Lộc lừa tại thế phước tùng lai
Nhơn dân, lê thứ đồng bình-trị
An nhủ an cư thấu Ðạo tài”.

Từ thuở ta vâng chiếu chỉ đến trấn nhậm nơi đây, Ta một tấm lòng cho lê thứ đặng an cư lạc nghiệp, thạnh vượng mùa màng; mỗi mỗi đều hằng lo lắng cho chúng sanh nơi phần trách nhậm. Nay có lịnh Ngọc-Hoàng chiếu chỉ cho phép Ta giáng cơ mầu-nhiệm mà tỏ nền Ðạo là quí trọng cho lê thứ hiểu. Lê thứ đâu rõ thấu việc trời đã định hơn mấy chục ngàn năm nay. Lê thứ nghe: Kỳ hạ-ngươn hầu mãn, nhơn vật vì tai nạn mà phải tiêu tan, mười phần còn lại có một mà thôi. Than ôi! Buồn thôi! Nghĩ vì Thiên-cơ đã định vậy thế nào mà cải cho đặng, duy có mở tấm lòng từ thiện ăn năn sám hối, lo việc tu hành; đồng với nhau cả quốc dân mà quỳ lụỵ khẩn cầu coi Trời đoái tưởng đến chăng? Bởi thế nên Ngọc-Ðế va chư Phật, chư Tiên, chư Thánh mới lập hội Tam-Kỳ Phổ-Ðộ đặng có cứu vớt chúng sanh, đương linh đinh nơi biển khổ. Nếu gặp thuyền Bát nhả mà không xuống, không theo thì chắc thế nào cũng chơi vơi nơi mé biển.

 

Còn phần viên chức sắc cúng tế, bảo lên quỳ trước đại-diện cho Ta tỏ lòng thi ân cho chúng nó.

 

Vui thay! Mừng thay! Cả nhân dân đều biết Ðạo, duy còn một chút ít mà thôi. Từ đây ta hết dạ hết lòng mà lo-lắng, săn sóc chăm nom hơn khi trước nữa. Ta tỏ cho chức sắc hiểu, tại sao mà ta lo hết bổn phận. Ấy là từ đây Ngọc-Ðế truyền lịnh cho ta phải theo phò chư Cao đạo-hữu, nên Ta lo lắng bội phần, hơn khi trước; mỗi khi có việc chi tai biến hay có những bịnh truyền nhiễm, thì đến đây ta sẽ dạy cho mà lánh những đều tai hại. Còn việc tế lễ cúng, ta muốn dùng đồ chay hay là cây trái, chớ sát sanh. Ta cũng tỏ cho chư chức-sắc hiểu rằng: Tế tự là tại sao ? Phàm có lòng tin mới cúng chớ, cúng là lấy có lễ đó, gọi là kỉnh trọng; chớ Thần Thánh nào ăn của ai. Bởi thế nên ai dùng vật thực mà cúng tốt hơn dùng trái cây. Ai có lòng thì tế lễ chi chi ta cũng chẳng trách đặng, vì cựu lệ bày đến ngày nay -Nay ta muốn theo Thánh-ý của Ngọc-Ðế. Vậy chức sắc liệu làm sao ? . . .

 

Trả lời thử ? Cười...

Thôi ta chào chư Thiên-Phong và các Ðạo-Hữu, các đẳng chúng sanh nơi bổn thôn. Ta lui

 

 

 

Ðàn tại An Hóa 22-1-27
19 tháng 12 năm Bính Dần

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Hỉ chư Môn Ðệ, hỉ các đẳng nhơn-sanh.

 

Xứ nầy mới tiếp Thầy lần đầu nên có nhiều đứa còn để lòng nghi hoặc.

 

Các con cùng Thầy vì lòng bác ái, chẳng nài khó nhọc đến truyền Chánh-Ðạo; mặc tình những đứa vô lương, các con cứ một đường đi tới; sự phải sự quấy sau nầy chúng nó sẽ rõ. Vậy Thầy sẽ vui lòng cùng các con mà toàn thâu Nam Nữ.

 

Tương, con phải nói những điều cần yếu cho chúng nó nghe. Thầy cho một bài thi chung:

" Thế đại Càn-Khôn cộng nhứt thiên,
Nhơn như sa mạc tại thâm uyên.
Hạnh phùng bình thủy thân an tại
Nhược ngộ phong ba phận đảo huyền.
Kỷ tải phàm trần cam nghiệt chướng
Nhứt thời đạo hạnh thoát oan khiên,
Thùy tri Nam địa sanh phong nhựt
Ðại-Ðạo hoằng khai thế cuộc tuyên”.

Cho phái Nữ vô Thầy dậy. Chư Ái-Nữ. Thầy vi Tam-Kỳ Phổ-Ðộ chẳng phân cao thấp, sang hèn, Thầy chỉ khuyên một đều là Ðạo hạnh các con phải giữ hàng ngày cho nhầm phương pháp nhơn-đạo, tức là Tứ-Ðức đó vậy, các con hiểu à.

 

Nền nhơn luân của con nhà Nam-Việt chẳng lầm, mà tại các con hay nhiễm thường tình mà hư hoại, nên chi Thầy phải nhắc lại cho các con đừng lầm nữa, nghe các con!

 

Nam phái vào. Các con nghe cho rõ, thường ngày các con trông thấy những điều trái tai gai mắt, các con có biết vì tại sao chăng?

 

Như kẻ làm quan ỷ quyền ức hiếp dân lành, đứa ngu nghịch cha phản bạn, làm rối luân thường, các con có biết vì tại sao chăng?... Tại vô Ðạo...

 

Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

 

 

 

26-1-27
23 tháng 12 năm Bính Dần

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Hỉ chư môn đệ, chư chúng sanh; chư chúng sanh nghe:

" Thuyền khơi đợi gió lướt giòng ngân,
Dẫn khách Nam qua khỏi bến Trần
Nhum áo nâu sồng về Cực-lạc
Trau gương trí-huệ phủi đai-cân.
Cơ Trời đến buổi đời thay đổi,
Ðạo Thánh nhầm khi khách gi nhuần.
Khổ hạnh dầu ai thìn một kiếp;
Rừng tòng thoát tục sớm đưa chân”

Ðạo Trời khai ba lượt, khách tục lỗi muôn phần, khách trần ai vẫn lấy sự vui vẻ vô vị chốn sông mê nầy mà quên trọn các đều đạo đức của các Ðấng Thánh trước Hiền xưa. Chung đỉnh mãng tranh giành, lợi danh thường chác buc, kiếp phù sanh không mấy lát, đời giả dối chẳng là bao. Sanh đứng làm người, trót đã mang vào mình một vai tuồng đặc biệt, đã chẳng lo bước hành trình cho xong, mà đắp bồi nợ mảnh hình hài, ngọn rau tấc đất, lại chác lắm điều phiền não ưu sầu, lấy Thánh-Ðức gọi là chơi, mượn hành tàng vô nghĩa mà làm cho vừa lòng ái bất lương.

 

Cái xuân kia chẳng đợi người mà bước đời càng gay trở; lần qua thỏ lặng ác tà, bóng thiều quang nhặt-thúc; con đường hy vọng chẳng biết đâu là tột cùng mà bước đời xem đà mòn mỏi; sự thác vô tình sẽ đến mà vẽ cục sanh ly, pha màu tử biệt, làm cho sự vui vẻ giàu sang, danh vọng, đều thành ra một giấc huỳnh lương, rồi đây vĩnh biệt ngàn năm, ti tình muôn kiếp.

 

Ðài nghiệt cảnh là nơi rọi sáng các việc lỗi lầm, bước luân-hồi sẽ dẫn vào nơi u khổ cùng sầu mà đọa đày đời đời kiếp kiếp. Ấy là buổi chung qui của khách trần đó. Nguồn Tiên, Ðạo, Thánh, dìu bước nhơn sanh, tránh ti lỗi, lìa nẻo vạy, bước đường ngay, mà lần vào nơi Cực-lạc an nhàn, rừng tòng suối lặng, Cảnh thẳm non xanh, để mình vào bực thanh cao, thoát khỏi chốn luân-hồi ràng buộc; ai mau bước đặng nhờ thân, ai luyến trần cam chịu khổ. Ðạo Trời màu-nhiệm, khá biết xét mình sau khỏi đều tự hối.

 

Chúng-sanh khá biết cho!

 

 

 

Chợ Lớn 31-1-27

 

Thầy các con

 

Ngày qua thấm thoát, nhặt thúc bóng quang-âm xuân mãn kế xuân về, nước non màu vẫn cũng như xưa, mà tâm hạnh nhơn tình biết bao thay đổi. Một xuân qua tức là Ðạo một lần bước chóng; ngày nầy năm ngoái vẫn ra sao, mà đến ngày nay màn Chánh-Giáo đã dìm-dà, xủ khuất bóng trần, gương trí-huệ rạng ngần soi khách tục.

 

Thầy mầng cho các con đã chịu lao tâm, tiêu tứ mà vun đắp nền Ðạo, làm cho mối tương thân tương ái càng khăng-khít vững bền; rán công thêm nữa mà đi cho cùng bước đường của các con đã chịu lắm nhọc nhằn, vạch lối chông gai, dìu nhơn hậu-tấn. Môn-đệ nơi đây mảng buộc ràng nhơn-sự mà hiệp chẳng đủ nghe Thánh ý. Vì vậy mà Lý-Thái-Bạch định cho làm Ðại-lễ nơi Thánh-Thất Cầu-Kho, cho các Môn-đệ đó có thể hầu Ðàn đủ mặt. 

 

T... Con cũng nên tới chứng Ðàn và chung cùng với mấy em; chư Môn-đệ cũng vậy.

 

 

 

Thánh-Thất Cầu-Kho 1 Février 1927


Thầy lấy làm không bằng lòng cho mấy đứa vắng mặt hôm nay. Ngày giờ thôi thúc mà các con còn dụ dự giữa chừng - Nền Ðạo cao thâm là mấy, chí phàm không thấu lý sâu; nếu các con chẳng ra khỏi vòng trần tục, thì các con chẳng là luống công theo Thầy kể đã đầy năm. Kiếp trần ai lắm nỗi Vày vò, các con ở nhầm thời đại nầy gặp đặng lắm cuộc tân toan, nên mới để ý vào đường Ðạo-Ðức. Nếu chẳng vậy thì các con cũng đã như ai, đem thân vùi dập trong chốn lợi quyền, tranh tranh cạnh cạnh biết ngày nào rồi ?

 

Ấy vậy các con phải lưu tâm mà chấn hưng mối Ðạo; ấy là kế bảo tồn quốc túy, lại là phương thoát tục. Cơ Trời Thầy không lẽ tỏ ra đây, song các con nên biết xét mình là đứng vào địa vị tối cao hơn muôn loại, nên các con phải có trí độ phi phàm thì mới có đủ tư cách làm người. Các con nên biết Thầy sanh ra mỗi chủng tộc đều có đặc biệt một phần linh diệu riêng, mà cũng vì nhơn loại không chịu khó tìm tòi cho ra lẽ thiên nhiên, cứ thấy những điều cận lợi mà quên hẳn lương tâm; chẳng hay thương mà hay chém giết lẫn nhau; sanh phương tiện thông đồng không muốn, lại tìm kế sát hại lẫn nhau.

 

Nếu các con vì Ðạo Thầy là Ðạo gìn công-lý mà biết mấy sự đó tránh đi, và rủ nhau hiệp làm mối Ðại-Ðồng, thì chẳng những thuận lòng Trời, mà nhơn-loại đặng gi nhuần ân-huệ. Các con hiểu à!

 

 


Tây-Ninh 1-Février-27
01 tháng 01 năm Ðinh-Mão

Thượng-Chưởng-Pháp Tương

 

Hỉ chư Ðạo-Hữu, chư Ðạo-Mui.

Mừng. . . Mừng. . . Mừng. . . Vui. . . Vui. . . Vui. . .

 

Ðại phước cho cả nhơn sanh, đại hạnh cho địa cầu số 68 nầy; em còn phải công quả phổ-độ mới đặng vào Tam-Thập-Lục-Thiên , nhờ Ðại-Từ-Phụ cứu độ em; khuyên nhủ cùng chư huynh, khá coi Thiên vị mình là trọng vì là của báu vô giá; cơn sụt-sè đường Ðạo, xin nhớ lấy danh em, cự chống cùng tà ma quỷ bị cám dỗ.

 

Tương đây, công cán chẳng chi mà còn đặng địa vị nầy, huống lựa là mấy anh độ rỗi toàn cả Cửu-Nhị-Nguyên-Nhơn, thì phẩm cựu sẽ đặng trổi thêm thế nào. Xét lấy đủ vui lòng mà hành Ðạo.

 

 

 

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Các con... Mừng các con.

 

Trung, Cư, Tắc; mấy con nhớ đêm nay năm rồi thế nào, còn nay ra thể nào chăng ?

 

Trịnh-thị Ái-Nữ, Hiếu, hai con đã thấy Thầy giữ lời hứa thế nào chăng?

 

Thầy lập Ðạo năm rồi ngày nầy, thì môn-đệ cuả Thầy chỉ có 12 đứa, mà bốn đứa đã vào nơi tay Chúa-Quỉ, chỉ còn lại tám. Trong tám đứa còn lại thì còn một đôi đứa biếng nhác mà không hành Ðạo, Thầy hỏi nếu chẳng phải quyền hành Thầy, dầu cho một vị Phật thiệt lớn giáng thế đi nữa, cũng chưa có phương chi mà độ hơn bốn muôn sanh linh, nhờ tay có 6 đứa môn-đệ trong một năm cho đặng bao giờ.

 

Thầy vui mừng, Thầy khen tặng hết cả bốn muôn Môn-đệ của Thầy. Thơ con đã ngoan Ðạo, mà sự ngoan Ðạo cuả con đó còn độ lắm kẻ. Thầy khen con.

 

Bính Thầy thưởng công con, cho lên chức Phối-Sư, Thầy cám cảnh lòng yêu mến con, Thầy cảm ơn lòng Ðạo-Ðức con. Sanh linh nhờ công con mà thoát qua khổ hải.

 

Bản, Thầy thăng chức Giáo-Sư. Trò, Thầy cho lên chức Giáo-Hữu, nhiều đứa khác nữa, ngày mùng 9 Thầy biểu đòi về cho Thái-Bạch phong thưởng.

 

Thầy ban ơn trọn cả các con, dầu không có mặt tại đây cũng vậy. Thầy giở cơ lên, các con đều chun ngang qua cho thầy ban phép lành; Thầy cầu cho các con đặng ngoan Ðạo như Thơ vậy, sửa mình cho nên chí Thánh, vì Ðạo năm nay sẽ rõ thấu hoàn-cầu. Môn-đệ tăng thêm hằng hà sa số, phận sự các con lại càng nặng nề hơn nữa, nhưng các con nhớ biết thương Thầy, mà hễ thương Thầy thì ắt thương Ðạo, mà biết thương Ðạo thì thương hết chúng-sanh. Các con biết Thầy là trọng thì biết trọng Ðạo, mà hễ trọng Ðạo thì cũng phải trọng cả chúng sanh.

 

Trong tháng giêng nầy, Thái-Bạch sẽ hội Nữ-Phái đặng lập cho hoàn toàn, Thầy trông công các con lắm đó.

 

Thầy ban ơn cho các con một lần nữa.

Thầy thăng.

 

 

 

Thái-Bạch

 

Hội Thánh nghe Lão ban sắc phục cho Nữ-phái; nghe và từ đây xem sắc tốt ấy mà hành lễ theo đẳng cấp.

Nữ-Phái phải tùng Ðầu-Sư Nữ-Phái, song tùng quyền của Giáo-Tông và Chưởng-Pháp. Ðầu-Sư Nữ-Phái cũng phải chịu công cử theo luật Hi-Thánh ban hành, theo luật lệ Hi-Thánh ban xử đường đời và đường Ðạo, Ðầu-Sư Nữ-Phái mặc một Ðạo-phục y như Ðạo-phục Ðầu-Sư Nam-Phái, phải đi một ni-kim-cô như các vãi chùa, toàn hàng trắng chín vải, áo có thêu bông sen. Cái Kim-cô có choàng từ đầu tới gót. Ði bảo Phương-Thiên, trên chót Phương-Thiên ngang đầu tóc, có Thiên-Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh-Khí, đi giày vô ưu màu trắng, trên chót có đề chữ Hương, nghe à !

 

Phối-Sư cũng mặc in như vậy, song không có mão Phương-Thiên, áo ba vải, nhưng trước ngực có Thiên-Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh-Khí, nghe à !

 

Giáo-Sư mặc áo ba giải, đi Kim-Cô bằng hàng trắng, không giày.

 

Giáo-Hữu mặc Ðạo-Phục như Giáo-Sư, đầu không đi mão, giắt một bông sen, trên bông sen có Thiên-Nhãn Thầy.

 

Lễ-Sanh Nữ-Phái mặc như Giáo-Hữu, nhưng choàng ngang trên đầu một đoạn vải mỏng cột ra sau ót, thả một mí dài, một mí vắn; ngay đầu tóc có dắt một bông sen.

 

Thầy vì thấy nhiều người vắng mặt nên phải đợi đủ mới phong chức. Lâm-Hương-Thanh, Hiền-Muội phải viết thơ mời đủ mặt ngày rằm nầy. Thầy đến phong chức, lập thành Nữ-Phái, nghe à.!

 

 

 

Tây-Ninh,5 Février 1927

(mùng 4 tháng 11 năm Ðinh Mão)

Thái-Bạch

 

Hỉ chư Ðạo-Hữu, chư Ðạo-Mui, chư Chúng-Sanh, hảo hội hiệp.

 

Thảm cho nhơn-loại, khổ cho nhơn-loại!

 

Ðời quá dữ, ti tình ấy, hình phạt kia, cũng đáng đó chút. Lão đã vì thương yêu nhơn-sanh, hi mười ngày nơi Bạch-Ngọc-Kinh cãi cho qua nạn nhơn loại, nhưng luật Thiên-Ðiều chẳng dễ chi sửa đặng. Nạn tiêu diệt hầu gần, hết chém giết lẫn nhau tới buổi bịnh chướng sát hại. Lão thấy hình phạt phải châu mày, nhưng ôm lòng rán chịu, lạy lục cầu khẩn; chư Ðạo-Hữu đâu rõ thấu, ngơ ngơ ngáo ngáo như kẻ không hồn, thấy càng thảm thiết. Lão tưởng chẳng cần nói chi một nước nhỏ nhoi, đã đặng danh Thánh-Ðịa là nước Nam nầy, mà Lão xin không đặng ti cho thành Sài-gòn, Chợ-lớn, Gia-định, Huế, Hải-phòng, Hà-nội thay, thảm! thảm! thảm!...

 

 

 

24-12-26 (27 ???)

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Thầy lấy làm vui mà trông thấy các con hi hiệp nhau đêm nay mà tỏ lòng thành kính. Thầy để lời ban khen hạnh đức của phần nhiều trong chư Môn-Ðệ và chư ái nữ. Sự hội hiệp của các con chẳng phải vì nơi đạo-đức mà thôi, lại cũng vì mối tương thân tương ái nữa. Ngày nầy năm trước các con vẫn còn mơ màng trong giấc mộng trần, đường co duỗi vẫn đã lấy kín chút bợn trần, mà màn thế tục cũng chưa trông khỏa vén; lần lựa cúc xủ xương tan, mai gầy sen nở, ngày tháng qua chẳng là bao mà thế thái nhân tình biết bao thay đổi :

 

Kìa đai-cân nhuộm nước màu thiền, nọ danh lợi xủ lằn trí-huệ. Thầy cũng hoan tâm nắm máy huyền vi, mong rằng các con sẽ tận lực, tận tâm đắp vững nền Ðạo đặng hoàn toàn mà dìu sanh chúng thoát khỏi ti tình; cùng nhau đỡ nâng đem lên con đường cực lạc, vẹt ngút mây xanh, trông vào lối thanh bạch thiêng-liêng là chỗ từ xưa các Chí-Thánh đã tổn lắm công phu mà chưa mong để mình đến được.

 

Thầy cũng để lời rằng: phần nhiều trong các con chưa để hết tâm tánh giúp ích vào đường Chánh-Giáo, Thầy vì thương căn quả của các con mà lấy đức từ-bi đặng Thiên-Phong cho các con là cố ý để các con hành Ðạo cho hoàn toàn, dễ bề tương công chiếc ti tiền khiên, hầu nâng mình vào nơi cựu-vị; song nhiều đưá vẫn còn thế tục đeo-đai, bước trần chưa trở nẻo, còn chất chứa gánh trần ai, ngổn ngang lằn gió bụi, chẳng hiểu rằng: sự khổ hạnh trau mình là nấc thang để bước khỏi chốn luân hồi, ràng buộc. Nếu Thầy chẳng vì thương tâm, thì các Tiên, Phật đã ghi lỗi rất trọng hệ cuả các con mà chẳng khứng cho lập công chuộc tội.

 

Phải thường hỏi lấy mình khi đem mình vào lạy Thầy buổi tối, coi phận sự ngày ấy đã xong chưa mà lương tâm có đều chi cắn rứt chăng? Nếu phận còn nét chưa rồi, lương tâm chưa đặng yên tịnh, thì phải biết cải quá, rán sức chuộc lấy lỗi đã làm, thì các con có lo chi chẳng bì bực Chí-Thánh. Thầy mong rằng mỗi đứa đều lưu ý đến sự sửa mình ấy, thì lấy làm may mắn cho nền Ðạo; rồi các con sẽ đặng thong dong mà treo gương cho kẻ khác. Các con thương mến nhau, dìu dắt nhau, chia vui sớt nhọc nhau, ấy là các con hiến cho Thầy một sự vui vẻ đó.

 

 

 

Février 1927

Thường Cư Nam-Hải Quan-Âm Như-Lai

 

Hỉ chư Ðạo-Hữu, chư Ðạo-Muội, chư chúng sanh.

Thiên-Phong bình thân ... Chư Ðạo Muội nghe.

 

Thiếp lấy làm hân hạnh được trông thấy sự hành Ðạo của chư Ðạo-Muội; từ đây khá chung hiệp nhau mà lo dìu-dắt đàng sau bước tới; nhiều Ðạo Muội chẳng để trọn lòng về nền Ðạo, phải rán công thêm nữa, đặng làm cho đáng nét yêu dấu của Ðấng Chí-Tôn, và cho nở mày khách quần-thoa. Ngày giờ nhặt thúc, nếu diên trì thì bước đường sau khó theo dấu. Thiếp để lời mừng chư Ðạo-Muội, khá chịu nhọc mà làm cho trách nhậm hoàn toàn; ấy là điều thiếp trông mong nơi các Ðạo-Muội vậy.

 

 

 

Thái-Bạch

 

Chư Hiền-Hữu chỉnh tề đợi kiến giá Chí-Tôn

 

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Con nghe: nơi nào Thầy ngự thì nơi đó là Thánh-Ðịa, Thầy đã ban sắc cho Thần-Hoàng Long-Thành, thăng lên chức Văn-Xương, vào trấn nhậm làng Hiệp-Ninh, dạy dỗ dân về Ðạo, Thầy ban trọn quyền thưởng phạt đặng răn làng ấy cho đến ngày biết ăn năn cải quá... Vậy thì làng Long-Thành, các con khá an lòng.

 

Còn tòa Thánh thì Thầy muốn cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên-Ý, ấy là hạnh của Thầy: các con nên xem gương mà bắt chước.

 

Từ Thầy đến lập Ðạo cho các con đến giờ, Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ: các con lựa chọn nơi nào mà Hội-Thánh vừa lòng thì đẹp lòng Thầy. Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa-Thánh, chi chi cũng tại Tây-Ninh đây mà thôi, các con đã hiểu Thánh-Ý Thầy, phải cần kiệm mỗi sự chi vì phương tiện mà thôi.

 

 

 

13 Février 1927
21-1 Ðinh-Mão

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Các con. Cả chư Môn-Ðệ khá tuân-mạng.

Hiệp-Thiên-Ðài là nơi Thầy ngự cầm quyền thiêng-liêng mối Ðạo. Hễ Ðạo còn thì Hiệp-Thiên-Ðài vẫn còn.

 

Thầy đã nói ngũ chi Ðại Ðạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh-Giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh-Giáo mà lập ra phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh-Giáo cho tay phàm nữa.

 

Lại nữa Hiệp-Thiên-Ðài là nơi của Giáo-Tông đến thông công cùng Tam-Thâp-Lục-Thiên, Tam-Thiên-Thế-Giái, Lục-thập-bát Ðịa-cầu, Thập-điện-diêm-cung mà cầu siêu cho cả nhơn-loại. Thầy đã nói sở-dụng thiêng-liêng; Thầy cũng nên nói sở-dụng phàm trần cuả nó nữa.

 

Hiệp-Thiên-Ðài dưới quyền Hộ-Pháp Chưởng-quản, tả có Thượng-Sanh, hữu có Thượng-Phẩm. Thầy lại chọn Thập-Nhị Thời-Quân chia ra làm ba :

 

1 - Phần của Hộ-Pháp chưởng quyền về Pháp-thì

Hậu là Bảo-Pháp
Ðức là Hiến-Pháp
Nghĩa là Khai-Pháp
Tràng là Tiếp Pháp

Lo bảo hộ luật Ðời và luật Ðạo; chẳng ai qua Luật mà Hiệp-Thiên-Ðài chẳng biết.

 

2 - Thượng-Phẩm thì quyền về phần Ðạo, dưới quyền :

Chương là Bảo-Ðạo
Tươi là Hiến-Ðạo
Ðãi là khai Ðạo
Trọng là Tiếp-Ðạo

Lo về phần Ðạo nơi Tịnh-Thất; mấy Thánh-Thất, đều xem sóc chư Môn-đệ thầy, binh vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.

 

3 - Thượng-Sanh thì lo về phần Ðời

Bảo-Thế thì Phước
Hiến-Thế: Mạnh
Khai-Thế:Thâu
Tiếp thế: Vĩnh

Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành Ðạo.

Thầy cho các con biết rằng: hệ trọng quyền thì ắt có trọng phạt.

Thầy ban ơn cho các con

 

(Bảo là giữ gìn, Hiến là dâng, Khai là mở, bày ra, Tiếp là rước.)

 

 

 

Cầu-Kho, 19 Février 1927

 

Thầy các con

Thầy vì lẽ công mà phong chức-sắc cho mỗi đứa là cũng do Toà Tam-Giáo xin, chớ xem lại trong hàng Môn-đệ đã thọ tước cũng chưa đặng mấy đứa cho xứng đáng. Vậy các con đứa nào được thưởng phong cũng chẳng nên vi mừng mà quên phận sự; còn mấy đứa chưa đặng phong thưởng cũng không nên vi buồn mà thất đạo tâm. Các con hiểu à ?

 

Thầy ước sao cho các con biết tự lập thì Thầy mới vui lòng, chớ các con nhập môn cho đông, lãnh Thiên-Phong cho nhiều mà không đủ tư cách, thì các con phải tự hỏi mình coi có bổ ích vào đâu chăng,

Hiểu à !

 

 

 

Khai Ðàn tại Phước-Long-Tự, 

(Chợ-Ðệm) 1 Mars 1927

 

Thầy các con

Cái tình cảm hóa của con người là tình thường ứng hiệp Trời-Ðất, cho nên khi tâm tịnh thường cảm hoài, hằng tìm nơi u huyền mà nghĩ nghị trong trí khôn; ấy là kẻ có sẵn tinh ý thiên nhiên tạo hoá; còn có một hạng người cũng có tánh thiêng liêng ấy, nhưng lại không để trí khôn vào lối cao thượng mà cứ quen thói hung hăng, nghĩ những việc bạo tàn làm những điều ti lỗi; ấy là những kẻ nghịch Thiên, không biết luân hồi là chi cả. Chúng nó lại tưởng rằng kiếp người là kiếp sống chỉ có giây giờ rồi tiêu mất, nên tìm những chước sâu kế đc cho đặng của nhiều, no lòng sướng dạ, trối kệ luân hồi.

 

Thầy hỏi: Vậy chớ cái trí khôn của con người biết thương ghét, vui buồn mà toàn nhơn-loại đều có, khi rốt cuộc thì trí khôn ấy đi đâu ? Không lẽ cái trí khôn ngoan dường ấy mà cũng mất đi đặng sao các con? Thầy hỏi như vậy để cho các con mỗi đứa về suy nghĩ mà trả lời cho mình.

 

Hễ trả lời phù hạp thì dễ biết Ðạo, còn ngu xuẩn thì cũng hườn ngu xuẩn. . .

 

Thầy dạy Nữ-Phái biết trọng Tam Tùng, Tứ Ðức, Nam-Phái - Tam-Cang Ngũ-Thường-Hễ nhơn-đạo thành thì phù hạp Thiên-đạo, nghe à !

 

 

 

Ðại-Ðàn Cầu-Kho

5 Mars 1927

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng hễ vào Ðạo thì phải phế hết nhơn sự; nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng một đều rất thấp thỏi là vào một chỗ u-nhàn mà ẩn-thân luyện Ðạo. Thầy nói cho các con biết: nếu công quả chưa đủ, nhơn sự chưa xong, thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. 

 

Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ-độ chúng-sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy, thì tìm cách khác mà làm âm-chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao. 

 

Các con phải hiểu Thánh-Ý Thầy mà trau dồi chí lớn. Dầu đi lối nào cũng phải cần cái đèn thiêng-liêng chiếu rõ mới đặng vững bước. Làm vua, làm thầy, làm công nghệ, làm đạo-sĩ cũng cần phải có chí lớn mới mong thành tựu đặng. Các nghề dưới thế không có nghề nào là vô dụng mà vô dụng là tại người không chuyên vậy.

 

Chư Ái-Nữ ôi! Các con thường để mắt dòm lên thấy kẻ cao sang thì các con cho rằng các con vô phước; còn nhìn xuống thấy đồng chủng thấp hèn thì các con lại đem lòng khi bạc. Ấy là một điều Vô Ðạo. Thầy khuyên các con phải mở rộng trí ra mà thương nhơn loại, thì mới hạp ý Thầy. Các con phải giữ gìn đức hạnh, đối với kẻ trên bằng chữ khiêm hòa, đối với kẻ dưới bằng chữ khoan dung. Nghe các con !

 

Nam-phái... Chư Môn-đệ mới! Các con nghe.

 

Bấy lâu vì lẽ công bình Thiên-Ðạo nên các con chịu lắm điều đau đớn mà cũng vì không biết tu luyện cái chí cao thượng của Thầy ban cho , cứ một lối thấp hèn quanh quẩn chẳng cho trí não ra khỏi vòng mờ tối, cho nên bước đường hóa nên trở ngại mà lâu tấn bộ. Vậy từ đây các con đã nhập-môn thì phải để ý vào đường Chánh-Giáo mà cùng nhau bước tới cho khỏi lối chông gai. Các con đừng vì tư lợi mà làm mất nhơn cách thì rất uổng cái điểm linh quang của Thầy để vào xác thân của các con lắm. 

 

Các con nghe à !

 

 

 

Avril 1927

Thầy các con

 

Trung, con vì có nhiều trách nhậm cần yếu nên Thầy đã có sai T... thế mặt đặng phổ-độ và tự dạy các môn-đệ nơi mấy tỉnh trên. - Con đã tới một lối đàng trở gay, vì nỗi ấy mà công quả sau nầy mới vẹn toàn đặng. Thầy đã cho phép con và các môn-đệ có trách nhậm xứng đáng đặng tự liệu chung lo mà làm cho hoàn toàn nền Ðạo của Thầy đã vun đắp bấy nay. Có phần lo lắng của các con mới có thể lập nên công quả xứng đáng. Vậy dầu việc chi cũng khá bền lòng đinh sắt, thì con đường trở gai cách mấy cũng tới chốn được. Thầy đã lấy từ bi mà dìu dắt từ bước đường hôm nay các con đặng lấy chí thành của Thầy đã hun đúc mà dìu dắt lại sanh linh; lớn nhỏ phải cần tương thân tương ái nhau, kỉnh yêu chỉ dẫn nhau, đem tấc lòng thanh bạch để làm mảnh gương soi sáng bước đường hậu tấn. Ðường đi cũng còn dài, bước Ðạo còn nhiều nỗi trắc trở; nếu chẳng để dạ nương nhờ lấy nhau, một mai các con phải xa vắng lời Thầy truyền nhủ, thì các con phải trở ra thế nào nữa ?

 

Mấy chuyện con tính đều được - Tâm chí con lay  động ưu tư tất là Thần Thánh dẫn đường để chỉ cho con ra khỏi lối mịt mờ, nhưng đặng cùng không, nên hay hư, đều tại nơi tất thành của mỗi đứa nữa, cứ đường ngay để bước thì dầu thế nào các con cũng dìu nhau mà xong bổn phận đặng. Nếu cứ than khó dừng bước, thì dầu sự dễ cũng không trông thành tựu. Mạng trời đã định, nhưng có sức của các con mới đặng kết quả hoàn toàn.

 

Thầy để lời cho các con biết rằng: Phần nhiều các Giáo-Hữu không xét biết trách nhậm của mình, con phải nhắc cho chúng nó hiểu. Mỗi Giáo-Hữu ít nữa phải thông cội rễ nền Ðạo; chúng nó năng tìm biết Thánh-Ngôn của Thầy đã dạy và thay phiên nhau mà nói Ðạo cho Thiện-Nam, Tín-Nữ hiểu. Nhiều Giáo-Hữu không biết nét chi về việc Ðạo; chư Tín-đồ không trông học hỏi đến đặng, thì chức sắc còn có bổ ích chi. Con phải nhắc cho chúng nó và Hội Thánh phải hội một tháng một kỳ mà chỉ dẩn cho nhau về việc thuyết Ðạo trong mỗi Ðàn, nghe ! Thầy ban ơn cho

 

 

 

12 Avril 1927

 

Thầy

Các con

 

Các con, Thầy cũng đã thấy rõ lòng của các con khắn khít về nền Ðạo là dường nào. Trong các con, nhiều đứa muốn chư Thần, Thánh hành phạt những tánh bất lương của bọn vô Ðạo kia đặng làm cho đường Ðạo vững bền, nền Ðạo mau thành tựu. Nhưng Thiên cơ há vị phàm phu tục tánh mà để cho các con toại kỳ sở nguyện sao. Các con khá thương hại cho lũ vô tâm ấy mà chẳng nên cưu hờn. Thầy vì lấy từ-bi mà dìu-dắt các con, nên tạm sửa chút máy huyền vi, là để cho các con lấy chí thành của Thầy un-đúc bấy lâu, mà đối đãi với kẻ nghịch cho đến ngày mãn công quả.

 

Ðường Ðạo vững bền, chớ nên bạo tính mà cũng chẳng nên giải đãi bần dùng; gắng công trì chí, liệu chừng với nhau mà vẹt cho sạch mấy lối chông gai, để cho dễ bước đường sau tấn bộ. Thiên thơ đã có đủ các máy hành tàng, nhưng Thầy vì thương các con mà phải sửa nét tân khổ ra đường lo liệu. Các con đặng tự do mà hành biến cho xong việc, kẻ lo lắng bao nhiêu, thì đường về chung hiệp cùng Thầy bước đặng bấy nhiêu, kẻ vô tâm trở lòng phá nền Ðạo bao nhiêu, thì hình phạt sẽ chất đầy bấy nhiêu.

 

Tòa Tam-Giáo đã xin ngưng phổ-độ nơi đây nhiều lần, song vì Thầy thấy lòng chí đức của các con mà chẳng nỡ. Lý-Bạch và Quan-Thánh cũng xin hành phạt lũ vô Ðạo, Thầy chẳng khứng là vì muốn để cho các con chịu dày thêm chút ít hạnh khổ đó.

 

... Trong các con mỗi đứa đều lưu tâm tưởng cho nền Ðạo sẽ đặng vững bền đồ sộ, là biết vì Thầy đó. Xưa các Thánh làm cho nên mối Ðạo biết bao là công trình ngày tháng!

Ðạo của Thầy gieo có mấy lâu, mà tình hình thế sự thể nào? Bao nhiêu cũng đủ cho các con vui lòng mà bước tới.

 

 

 

15 Avril 1927 (Phú-nhuận)

 

Thầy

Các con

 

Máy Thiên-cơ các con chưa rõ; các con cứ tưởng lầm rằng Thầy không kềm chế kẻ vô lương đặng. Các con hằng muốn thấy kẻ ấy bị hành phạt nhãn tiền, thì mới vừa lòng các con. Nhưng Thánh-ý Thầy không phải vậy đâu. Thầy đã nói cho các con hay trước rằng: nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy, là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng. Ấy vậy cái vấn đề tự lập là vấn đề các con phải lo đó. Thầy vì công lý mà khai Ðạo cho các con cũng là một phúc hạnh lớn cho các con. Nếu Thầy còn đưa tay bồng ẵm thì các con chẳng còn để ý chịu nhọc vì Ðạo, Thầy lại có nói rằng: Ngày nào các con còn trông thấy một điều bất bình ở đời nầy, thì Ðạo chưa thành vậy.

 

Mối Ðạo Thầy đưa cho các con phăn đầu hết, thì các con phải biết trách nhậm các con lớn lao cao thượng là chừng nào. Nếu các con không biết nghĩa vụ của Ðạo, thì sao cho xứng đáng? Vậy thầy khuyên các con cứ thìn lòng thìn nết, cho có trật tự trong Ðạo, thì tức nhiên muôn điều khó nhọc cũng tan như giá. Các con vì Ðạo là việc công-lý mà công lý đánh đổ cường quyền, thì Ðạo mới phải Ðạo. Các con hiểu à!

 

 

 

20 Avril 1927

Lý-Bạch

 

Trung-Hiền-Hữu, Lão để lời cho hiền-hữu biết rằng trong Môn-đệ của Ðức-Từ-Bi phần nhiều đã chẳng giữ lời Thầy mà xử cho tròn phần nhơn-đạo giao tiếp cùng nhau cho có nét yêu dấu, tạc thù trong niềm Ðạo-Hữu, lại có dạ ghét lẫn, tương phân. Lão hằng để ý về việc ấy, ước sao cho hiền-hữu chăm nom phân rành cho các Ðạo-Hữu đồng biết về việc sẽ xảy ra nơi đó trong lúc sau nầy. Ðức Từ-Bi hằng dạy chư Ðạo-Hữu biết tương thân, tương ái, chia vui sớt nhọc cho nhau, mà hành sự cho rạng vẻ mối Ðạo quý trọng. Chưa đặng bao lâu mà lời dạy bảo chẳng còn chút nét kính tuân, thế thì sau nầy có ngày phải khuất hết dấu Thánh-truyền, thì cách giao tiếp của chư Ðạo-Hữu phải ra sao nữa? Lão muốn cho Hiền-Hữu phải chịu nhọc mà phân rành về việc ấy cho chư đạo-hữu. Lão để ý nghe.

 

Sự ghét lẫn và sự vô tình nếu đem vào nền Ðạo mà gieo truyền cho nhau, thay vì làm cho sanh linh thương mến dìu-dắt nhau lại làm cho chúng sanh càng hềm thù nhau, rồi rốt cuc lại thì một trường náo-nhiệt phải làm cho tánh mạng của chúng nó vì đó mà phải bỏ liều; đem giọt máu vô tâm nhuộm cả tinh thần bị đày vào biển khổ đời đời kiếp kiếp đó. Ðức-Từ-Bi hằng nói Ðạo lập thành là do nơi tâm chí của các Ðạo-Hữu, nhứt là các Chức sắc Thiên phong. Phàm một việc chi muốn thuận lòng trong Ðạo, cần phải hiệp các Thánh luận bàn, đoạn sẽ thi hành thì bước Ðạo tự nhiên vững vàng. Nếu có điều trắc trở, đó là phần trách nhậm của chư hiền-hữu đã chịu lời cùng Ðức-Từ-Bi mà dẫn bước cho cả môn-đệ Thầy. Chư hiền-hữu đã đặng phép tự biến tự liệu mà hành Ðạo, thế thì hiệp vầy chung lo, thảo thuận cùng nhau còn chi hơn nữa đặng?

 

Chư Hiền-Hữu khá để lòng về việc nhơn đạo, chớ bỏ qua mà phụ Thánh-Ý của Ðức-Từ-Bi nghe!

 

 

 

27-4 năm Ðinh Mão (27-5-1927)

Thầy

 

Các con

Hội Thánh là vầy, các con há ? Ảo não! Thảm thay! Thầy tưởng khi chẳng lẽ phải cần nói ra; đợi cho Thánh-chất các con tăng thêm đặng chút nào, lại càng thấy đặng khổ não của Thầy vì các con mà đeo đuổi từ ngày khởi lập nhơn-loại đến chừ, chẳng dè phàm-chất các con nó mạnh mẽ thế nào đè khuất trọn vẹn chút mảy múng Thánh-chất Thầy để vào lòng các con; nên nay Thầy buộc mình phải nói rõ.

 

Các con ôi! Thầy hỏi vậy chớ mỗi phen độ rỗi cho đặng các con, các con có biết Thầy chịu khổ não dường nào chăng ?

 

Quyền hành Chí-Tôn của Thầy, các con nếu hiểu thấu thì các con sẽ thấy nó là một hình phạt rất nặng nề, chẳng khác nào như gông với trống.

 

Thầy lập nhơn loại là dòng giống các con, chỉ tưởng rằng ban đặng phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi cõi thế-giái Càn-Khôn, đặng làm cho rõ Thánh chất mạnh mẽ hơn phàm chất; nào dè còn lại đặng chẳng đủ một phần triệu đấng, thì thế nào Thầy không đau lòng cho đặng ? Thầy chưa hề biết hành phạt các con bao giờ. Từ khai thiên, Thầy đã sanh ra các con, sự yêu mến của một ông cha nhân từ thế quá lẽ, làm cho đến đỗi con cái khinh khí, phản nghịch lại, cũng như Kim-Quan-Sứ là A-Tu-La, Thánh-Giáo gọi là Lucifer phản nghịch, náo động Thiên Cung. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật còn phàn nàn trách cứ Thầy thay! Các con ôi ! Ðã gọi là đấng cầm cân, lẽ công bình thiêng-liêng đâu mà Thầy đặng phép tư-vị. Thầy lấy lẽ công bình thì tức phải chiếu theo Thiên-điều, mà chiếu theo Thiên-điều thì là con cái Thầy, tức là các con phải đọa trầm luân đời đời kiếp kiếp. Các con phải ngồi nơi địa vị Thầy, thì các con thế nào?

 

Mỗi phen Thầy đau thảm khóc lóc các con, phải lén hạ trần, quyết bỏ ngôi Chí-Tôn xuống lập Ðạo, lại bị các con bạc đãi, biếm nhẽ, xua đuổi, bắt buộc đến đỗi phải chịu cho các con giết chết. Ôi! Thảm thay! Thảm thay! Các mối Ðạo Thầy đã liều thân lập thành đều vào tay chúa Quỷ hết; nó mê hoặc các con. Nhiều bậc Thiên Tiên còn đọa ; huống lựa là các chơn-thần khác của Thầy đương nắn đúc thế nào thoát khỏi. Thầy đã chẳng trách phạt Kim-Quang-Sứ lẽ nào lại trách phạt các con. Song hình phạt của Thiên-điều dầu chính mình Thầy cũng khó tránh. Các con tự lập hình phạt cho các con, cũng như Thiên-điều mà Thần, Thánh, Tiên, Phật lập thành đó vậy. Thầy đã cho kẻ thù Thầy đặng hưởng ân-điều của Thầy; lẽ nào truất bỏ phần của các con, song tại các con từ chối, đáng thương mà cũng đáng ghét.

 

Mỗi phen Thầy đến lập Ðạo thì là phải cam đoan và lãnh các con, chẳng khác nào kẻ nghèo lãnh nợ. Các con làm ti lỡi bao nhiêu, oan nghiệt bấy nhiêu, Thầy đều lãnh hết. Các con đã đặng thong dong rỗi, rảnh chẳng lo tu đức mà sửa mình, lại còn cả gan trước mặt Thần, Thánh, Tiên, Phật, gây thêm tội lỗi nữa, thiệt là đáng giận.

 

Thầy chẳng biết bây giờ đây Thầy phải bỏ Ðạo liều đọa với các con, hay là đợi cho Ðạo bỏ Thầy đó các con?

 

Cắt ruột ai lại không đau; nếu Thầy không cầu khẩn Thái-Bạch đình hình phạt cho tới ngày lập thành Tòa-Thánh, các con lấy công mà chuộc tội, thì trong các con chẳng đặng còn lại một phần mười, các con nên lấy lời răn Thầy đây làm vị thuốc khử tội cuả các con; phải sợ mạng lịnh Thái-Bạch.

 

Thầy nhắc các con lại một phen nữa.

Thầy ban ơn cho các con.

Thầy thăng.

 

 

 

Séance du 29 Mai 1927

Lý-Bạch

 

Hỉ chư Ðạo-Hữu, chư Ðạo-Muội.

Bình thân.

 

Nền Ðạo lập nên là nhờ có lòng đạo đức và tánh khiêm cung của mỗi môn-đệ của Ðức Từ-Bi. Nếu đạp vào nẻo Ðạo mà còn bôn chôn tranh lướt theo thói thường tình thì dầu có bao nhiêu Ðạo-Hữu, bao nhiêu công quả đi nữa, mối Ðạo chẳng qua là một trường ngôn-luận của thế-gian đó thôi, chớ công quả đạo-đức mong chi thấy sự kết quả xứng đáng đặng? Phần nhiều Ðạo-Hữu vì tính tình phàm-tục mà làm cho gay trở bước Ðạo, lại e chẳng khỏi sanh ra một trường náo nhiệt trong Ðạo về buổi sau nầy.

 

Ðức Từ-Bi đã lấy lòng quảng đại mà gieo giọt nhành dương để rửa lỗi phàm gian, hầu đem mình giá trắng gương trong vào nơi Cực-Lạc; đã chẳng biết tự cải lại bợn thêm tánh tối tục mà để cho cả muôn người phải chịu khổ tâm; hành Ðạo như vậy có giúp đặng ai chăng? Chư Ðạo-Hữu mựa chớ luận bàn, để phải quấy Lão cũng ra tay sửa trị được vậy; miễn làm xong phận sự là đủ, còn nét vạy tà của ai, để mặc ai. Lão cũng hết lòng chiều theo tánh Từ-Bi của Ðức Thượng-Ðế; bằng chẳng, thì Lão xuống tay bôi xóa hết trường công quả Ðại-Ðạo, thì chúng sanh hết trông mong, mà kẻ chác tội lỗi cũng khó bề lấy sức phàm phu để gây nên rối rấm nữa. Ðen trắng hai màu, chánh tà đôi nẻo, mạnh sức trì chí thì nhờ, yếu tâm lơi bước thì chịu; Ma Ma Phật Phật hai chốn riêng phần, thưởng phạt rồi đây cũng tới.

 

 

 

1 Juin 1927

 

Thầy các con

T...! Từ nền Ðạo khai sáng đặng gieo truyền mối Chánh-Giáo đến nay, thì phần nhiều Môn-đệ đã có trọn tấc thành mà dìu dắt sanh linh và đắp vun mối Ðạo Trời; ấy là những đứa Thầy đã tin cậy đặng gia công dọn lối chông gai để mở trống nẻo thiêng-liêng, dẫn lần dân sanh khỏi sông mê bến khổ, tất là cõi trần vô vị nầy.

 

Ðạo đã lập thành, gót trần của phần nhiều Môn-đệ hầu rửa sạch bợn, nhưng các con phải chịu lắm nỗi gay go mà gieo mối chánh truyền cho đoàn hậu tấn. Gương sáng đã giồi nên, mà con thuyền Bát-Nhã phải tùy máy Thiên-Cơ, lắm phen lắc lở, đắm chìm biết bao khách. Ấy là những Môn-đệ vô phần, đã chẳng giữ nét thanh cao lại mượn thói vạy tà để làm cho bợn nhơ mối Ðạo quý báu của Thầy đã lấy đức háo-sanh mà khai hóa. Con đã để dạ ưu tư về mối Ðạo, đã lắm lần trêu cay ngậm đắng mà nhuộm nét nâu sồng; mong trau rạng mảnh gương để soi chung bước đàng sau mà lần đến cảnh tự tại thung dung, tránh bớt muôn điều phiền não. Ấy là Môn-đệ yêu dấu, khá gìn mực ấy mà đi cho cùng nẻo quanh co. Cân công quả sẽ vì phần phước mà định buổi chung qui cho mỗi đứa. Còn cuối kỳ tháng sáu đây thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Ðạo. Các con sẽ lấy hết chí thành đã un đúc bấy lâu mà lần hồi lập cho hoàn toàn mối Ðạo. Nầy là mấy lời đinh ninh sau rốt khá lưu tâm. Ai vạy tà nấy có phần riêng, cứ giữ nẻo thẳng đường ngay bước đến thang thiêng liêng, chờ ngày hi hiệp cùng Thầy. Ấy là điều quý báu đó.

 

Thầy ban ơn cho các con.

 

 

 

Juillet 1927, Minh-Lý-Ðàn

Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế viết

Cao-Ðài Giáo Ðạo Nam Phương

 

Ta chào các con. Ta cho phép lên hết. Ta chào chung các con. Cười... Ta mừng cho con đó, Trung. Thầy có hi chư Tiên-Phật lại mà thương nghị về sự lập Ðạo tại Ðại-Nam-Việt quốc. Các con khá nghe lời Thầy dặn, chớ khá nghịch lẫn nhau; phải đồng một lòng một dạ mà lo chấn hưng đạo-đức. Tuy bây giờ phân chia nhiều nhánh, nhiều chi, chớ ngày sau cũng có một mà thôi. Các con dầu bên nào cũng thương nhau như con một nhà, chớ khá ganh gổ chê bai nhau. Thầy xin lập Tiểu-Ðàn nầy là Thầy biết con đến đó Trung, con khá nhớ những lời Thầy đã dạy; con phải nên trợ giúp Minh-Lý cho nên việc, nghe há! Có nhiều Ðạo cũng như cái nhà phải có nhờ nào là cột cái, nào là cột con, đòn tay, kèo, rui. Rui là nhỏ, mỏng mảnh hơn hết, mà cũng phải nhờ nó; tuy là kể cho nhiều tên, chớ cất rồi thì có một chủ ở mà thôi. Con Trung, nên về rán tập các Ðạo-Hữu của con cho có lễ phép. Ðạo thành là nhờ lễ. Bên Minh-Lý đây là Séminaire, là chỗ các Thầy tu, ngày sau độ về phần linh hồn đó con. Thôi Thầy về, chút nữa có Thái-Ất giáng.- Thăng. 

 

 

* * *

 

 

Mục lục các ngày thị hiện

 

21-10 Ð.M.1927 

Lời tựa của Hội Thánh

 

Noel 1925 .Thánh-Giáo của Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế đến Ất-Sửu.xưng danh hiệu lần đầu tiên cho bài thi tứ-tuyệt trong đó có tên 12 người Môn-đệ trước .hết của Ðức Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế .

 

3 Janvier 26B.D. Thánh-giáo về việc thủ-cơ chấp-bút .

 

20 Février. Thánh-giáo dạy phải hoà nhau để chung lo

 

1926 B.D. danh Ðạo Thầy và từ đây Thầy khởi sự dạy Ðạo .

 

25 Février 26B.D. Thánh-giáo dạy cách lễ bái và thờ Thiên nhãn .

 

13 Mars 26 . Thánh-giáo dạy rằng cái gì cũng có thiệt mà(B.D.) cũng có dối. Thầy nói trước cho mà

giữ lấy mình. Chung quanh các con Thầy thả một lũ hổ lang để cắn xé các con, song trước Thầy đã cho mặc thiết giáp v.v...

 

7 Avril 1926 . Thánh-giáo xưng danh Nhiên-Ðăng Cổ-Phật (Bính dần) Thích-Ca Mâu-Ni, Thái-Thượng Ngươn-Thỉ thị ngã, kim viết Cao-Ðài .

 

8 Avril 1926 . Ðức Thích Ca giáng cơ mừng đạo để mở quy. ( Bính dần) nguyên đại-đạo Thánh-giáo tiếp theo để giải nghĩa Tam-Kỳ Phổ-Ðộ...

 

22,23-4 . Thánh-giáo dạy sắp Thiên-Phong và lập thệ .

 

24-4-26 B.D. Thánh-giáo dạy rằng từ trước Thầy đã lập ngũ chi đại-đạo và ba kỳ nầy Thầy không giao chánh-giáo cho tay phàm nữa .

 

25,26-4-26 . Thánh-giáo phong Thánh lần đầu .

 

30-5-1926. Thánh-giáo dạy rằng dù cho trẻ con trong bụng (Bính dần) cũng phải độ, sao các con lại đuổi các thiện-nam, tín-nữ ? Trước Thầy giáng sanh lập Phật-giáo, nay dùng huyền diệu mà giáo Ðạo chớ không giáng sanh nữa .

 

31-5-1926. Thánh-giáo dạy rằng Thánh tâm dầu phải chịu Bính dần khổn trần, chất nó vẫn còn và khuyên độ rỗi nhơn sanh .

 

5-6-1926 (5-4 B.D.) Thánh-giáo xưng danh Thích Ca Như Lai Kim viết Cao-Ðài Tiên-Ông Ðại-Bồ-Tát và nhắc lại trong Phật-Tông nguyên-lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay ( là khai Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ ) khuyên chư tăng hành Ðạo và không đặng nói Phật giả vô ngôn nữa .

 

8-6-1926 (26-4 B.D.) Thánh-giáo cho bằng Pháp văn vì có hai người Pháp hầu đàn .

 

18-5 B.D. Thánh-giáo dạy nhạc-lễ và đánh trống chuông .

 

5-7-1926 (B.D) Thánh-giáo khuyên dạy một chức-sắc tên K .

 

15-7-26 (B.D.) Thánh-giáo dạy sắp đặt Ngọc-Ðàn .

 

17-7-26(8-6 B.D) Thánh-giáo dạy thành lập nữ-phái .

 

7-1926(8-6 B.D) Thánh-giáo dạy truyền thọ bửu pháp cho người trai giới được mười ngày đổ lên còn luyện Ðạo phải trường trai .

 

7-1926(13-6 B.D) Thánh-giáo dạy về sự chết và sự hằng sống sanh sanh, hóa hóa. Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới nầy .

 

7-1926(16-6 B.D) Thánh-giáo dạy phải trau dồi hạnh đức cho phù hạp với trách nhiệm...

 

7-1926(21-6 B.D) . Thánh-giáo dạy về tà dâm giới .

 

4-8-1926 B.D . Thánh-giáo dạy rằng Thầy đến lập trường thi công quả. Nếu muốn đến Cực-Lạc hì phải đi cửa nầy .

 

7-8-1926. Thánh-giáo cho biết sự phàm tục là mưu kế (Bính dần) của tà mị để cám dỗ và Thầy cho hổ lang theo cắn xé các con. Ðạo khai tà khởi .

 

9-8-1926(1-7 B.D) Thánh-giáo dạy các môn-đệ đầu tiên phải xuốngCần-Giuộc vì tà mị muốn nhiễu hại môn-đồ. Tái cầu nhiều lần Thầy lập Tam-Trấn, phong tịch và lập thệ v.v...

 

21-8-1926 (14-7 B.D) Thánh-giáo dạy chư môn-đồ phái Minh-Ðường về việc tu bất thành vì Ðạo bế .

 

22-8-26 (15-7-B.D)Thánh-giáo khuyên ông Ð. ăn năn sám hối và lấy công chuộc tội .

 

27-8-26 (30-7 B.D) Thánh-giáo dạy lập họ Thánh-tịch của chức sắc và buộc mỗi vị phải độ cho đặng ít nữa là 12 người .

 

11-9-26 (Bính dần) Thánh-giáo dạy phải tập tánh khiêm nhượng  mà độ chúng .

 

17-9-26 (Bính dần) Thánh-giáo dạy sắp đặt Thánh-Thất, tạo ngôi Giáo-Tông, Chưởng-Pháp, Ðầu-Sư và quả Càn-Khôn .

 

18-9-26 (Bính dần). Thánh-giáo dạy rằng : từ đây trong nước Nam  duy có một Ðạo chơn-thật là Ðạo Thầy đã đến lập .

 

22-9-26 (B.D.)Thánh-giáo dạy phải biết tranh đấu với Thầy  để thắng tà mị .

 

29-9-26 B.D . Thánh-giáo dạy tập cử chỉ khác hẳn thế tình .

 

1-10-26 B.D . Thánh-giáo Pháp văn cho vị Ðạo-Hữu người Pháp .

 

4-10-26 B.D . Thánh-giáo dạy rằng : từ nay Thầy giáng thế chọn : Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam-thập-lục Thánh thất-thập-nhị Hiền, tam-thiên đồ-đệ .

 

12-10-26 . Thánh-giáo dạy mặc đồ bô vải .

 

24-10-26 B.D . Thánh-giáo dạy rằng : Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy v.v... và đồ lễ cúng như Tam-Bửu thì : Rượu là khí, bông là tinh, trà là thần .

 

BD 1926 . Thánh-giáo giao cho Hồ-Quang-Châu mở ÐạoTrung-Kỳ. Tái cầu Thầy dạy chánh-trị với Ðạo chẳng buổi nào liên hiệp cùng nhau . Thánh-giáo Pháp văn cho Ðạo-Hữu Pháp .

 

29-10-1926 B.D . Thánh-giáo dạy về việc thử thất và từ đây quyền thưởng phạt giao vào tay Lý Thái Bạch

 

29-10-26 B.D . Tái cầu Ðức Lý-Giáo-Tông giảng về sự thưởng phạt công bình vì Ðức Chí-Tôn đã giao quyền ấy cho ngài

 

8-10- B.D. Thánh-giáo dạy về Cơ Huyền-diệu của kiếp luân hồi .

 

20-11-26 B.D . Thánh-giáo phân đẳng-cấp chư chức-sắc và dạy việc công cử .

 

23-11-26 B.D . Thánh-giáo giải thích việc xảy ra tại Từ-Lâm-Tự .

 

24-11-26 B.D . Thánh-giáo dạy tiếp việc xảy ra tại Thánh-Thất

 

28-11-26 B.D . Thánh-giáo Pháp-văn cho Ðạo-hữu người Pháp

 

2-12-26 B.D . Thánh-giáo của Ðức Lý-Giáo-Tông dạy phân biệt Nam-Nữ

 

6-12-26 B.D. Thánh-giáo dạy phải ghi Ðạo và lòng chớ đem thói ám muội mơ-hồ vào đường đạo-đức sau ăn năn rất muộn .

 

9-12-26 B.D . Thánh-giáo về việc ông Thượng-Tương-Thanh đăng tiên .

 

13-12-26 B.D. Thánh-giáo dạy nếu biết Ðạo thì phải ân-cần thận trọng Ðạo .

 

15-12-26 B.D . Thánh-Giáo Pháp văn cho Ðạo-hữu người Pháp .

 

19-12-26 B.D. Thánh-giáo dạy về sự chuyển kiếp của con người và của tà-quái. Nếu không tu hành thì không khỏi luân hồi .

 

19-12-26 B.D . Thánh-giáo Pháp-văn cho Ðạo-hữu biết pháp văn nói về giá trị của sự giàu sang danh vọng.

 

20-12-26 B.D. Thánh-giáo dạy về việc lập Tân-Luật.

 

24-12-26 B.D . Thánh-giáo dạy vì sao phải lập Tân-Luật

 

27-12-26 B.D . Thánh-giáo dạy phải làm việc theo ý Trời, phạm nét vạy tà là cải Thiên luật Thần, Thánh chép biên

 

8-1-27 . Thánh-giáo dạy khá đem hết trí lực thi thố chớ sụt-sè

 

10-1-27 . Thánh-giáo dạy phận sự muốn được hoàn toàn cần phải bền chí khổ tâm.

 

16-1-27 . Thánh-giáo dạy rằng Thầy đến lập đạo thì phải vì đạo đức mà đạt đến phẩm vị cao thượng

 

17-1-27 . Thánh-giáo dạy giới-tửu

 

17-1-27 . Thánh-giáo dạy biết đạo là kẻ hữu phần không biết đạo là kẻ vô duyên

 

18-1-27 B.D . Thánh-giáo của Thần-hoàng Mỹ-lộc dạy Ðạo cho dân chúng bổn thôn.

 

22-1-27 B.D . Thánh-giáo toàn thâu nam, nữ cầu đạo và cho một bài thi chung .

 

26-1-27 B.D . Thánh-giáo dạy phải tu mới thoát kiếp luân-hồi

 

31-1-27. Thánh-giáo dạy rán công thêm nữa để đi cho cùng bước đường .

 

1-2-27 Ð.M. Thánh-giáo dạy phải lưu tâm chấn-hưng nền Ðạo Thánh-giáo của Thượng-Chưởng-

Pháp Tương mừng vui cho Ðạo. Thánh-giáo khen nhiều Chức-Sắc và phong thưởng, có Ðức Lý-Giáo-Tông ban sắc phục .

 

5-2-27 Ð.M . Thánh-giáo Ðức Lý về việc Ngài khẩn-cầu cho các thành Saigon, Cholon, Giađinh, Huế, Hải phòng, Hà Nội khỏi tội nhưng không đặng .

 

5-2-27 Thánh-giáo dạy sửa mình và thương yêu nhau .

 

Février 27 . Thánh-giáo đức Quan-Âm Như-Lai khuyên chung hiệp nhau mà hành đạo và dìu dắt đàn sau bước tới .Thánh-giáo thăng chức Văn-Xương cho Thần-Hoàng Long-Thành .

 

13-2-27 Ð.M. Thánh-giáo nói về sở dụng thiêng-liêng và sở dụng phàm-trần của Hiệp-Thiên-Ðài .

 

19-2-27 Ð.M. Thánh-giáo dạy : Thầy ước sao các con biết tự lập và cho đủ tư cách .

 

1-3-27 Ð.M. Thánh-giáo hỏi : vậy chớ trí khôn của con người mà toàn nhơn loại đều có, khi rốt cuộc thì trí khôn ấy đi đâu

 

5-3-27 Ð.M. Thánh-giáo dạy : nếu muốn đắc quả thì chỉ có một đều phổ-độ chúng-sanh mà thôi .

 

5-4-27 . Thánh-giáo dạy : phải dụng chí Thánh Thầy đã un-đúc mà dìu dắt sanh linh .

 

12-4-27 Ð.M. Thánh-giáo dạy rằng kẻ vô tâm trở lòng phá Ðạo thì hình phạt sẽ chất đày .

 

15-4-27 Ð.M. Thánh-giáo dạy phải tự lập, đừng đợi Thầy bồng ẵm .

 

20-4-27 Ð.M. Thánh-giáo Ðức Lý dạy sự ghét lẫn và sự vô tình nếu đem vào nền Ðạo mà gieo

truyền cho nhau, thì sẽ làm cho chúng sanh càng hềm thù nhau .

 

27-4-27 Ð.M . Thánh-giáo dạy rằng : Thầy lấy lẽ công bình thì phải chiếu Thiên-điều rồi con cái Thầy phải đọa trầm luân đời đời kiếp kiếp .

 

29-5-27 Ð.M. Thánh-giáo dạy rằng : nền đạo lập nên là nhờ lòng đạo-đức và tánh khiêm cung của mỗi môn-đồ. Nếu vào Ðạo mà còn bôn-chôn tranh-lướt theo thói thường thì dầu có bao nhiêu đạo-hữu và bao nhiêu công qủa cũng chẳng qua là một trường ngôn-luận của thế-gian đó thôi .

 

1-6-27 Ð.M .Thánh-giáo dạy mối đạo phải trải qua lắm nỗi gay go để gieo mối chánh truyền cho đoàn hậu tấn ( có dạy đến việc ngưng cơ bút ) .

 

Juillet 1927 .Thánh-giáo Ðức Chí-Tôn cho hay Thầy có hội chư Tiên Phật để thương nghị về sự lập đạo tại Nam-quốc và dặn đừng nghịch lẫn nhau

 

về trang chủ