Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ

Từ Bi Bác Ái Công Bình
Toà Thánh Tây Ninh

 

 

 

THÁNH NGÔN HIỆP TUYỄN

quyển 2 (tiếp theo)

 

 

 

 

 

TÂY-NINH, cuối năm Ðinh-Mão (1927)

THẦY các con

 

Thầy đã lắm công trình dìu dắt các con vào đường đạo đức, mà mỗi ngày Thầy hằng thấy những việc bất bình thì biết ngày nào các con làm nên đặng? Thầy đã lắm phen để lời khuyên dỗ, các con chẳng kể ra chi nên mới có điều trở ngại như lúc này.

 

Các con có thấy, có nghe chăng? Nếu Thầy không vì Tam-Kỳ Phổ-Ðộ này, thì Thầy đã y tấu lời xin của Giáo-Tông mà hủy trường công quả của các con hết thảy. Vậy nay Thầy cũng lấy lòng nhơn mà để vào trí não các con ít lời thêm cho rõ việc thi hành chánh sách của Ðạo.

 

Các con phải biết, Ðạo tại lòng bác ái và chí thành.

 

Bác ái là hay thương xót sanh linh hơn thân mình, cho nên kẻ có lòng bác ái coi mình nhẹ hơn mảy lông mà coi thiên hạ trọng bằng Trời-Ðất.

 

Còn chí thành là mỗi việc lấy lòng thành thật mà đối đãi trong đời và trong đạo; dù kẻ phú quí đến bậc nào đi nữa mà không có lòng bác ái và chí thành thì không làm chi nên việc.

 

Vậy nên Thầy khuyên các con trước hết phải ở sao cho ra vẻ đạo, đừng để ý đến việc công quả mà nêu danh nơi cõi tạm nầy. Các con phải mở rộng tâm chí ra mà hành Ðạo mới nên cho, chớ đừng mơ hồ rằng:

 

Ðạo thành thì mình được làm đặng một vị xứng đáng và đại ích trong Ðạo, điều đó lẽ thì các con không cần Thầy nhắc đến mới phải, nhưng vì còn nhiều đứa háo danh và ham làm một vị chủ tướng trong Ðạo, nên cần phải nói cho mà xét mình. Nếu các con thật lòng vì Ðạo, thì đâu có chậm trễ như vầy.

 

Ngày Thầy khai Ðạo, Thầy cũng có lời để lại cho các con hiểu rằng: lũ ma hồn quỉ xác nó cứ theo phá khuấy các con là nó muốn phá Ðạo đó, lại cũng vì các con không thoát tục đó chớ; các con mà có sức chống chỏi, thì lũ ấy phải xa và Tòa-Thánh hôm nay đã thành một nơi đô hội, mà các con cũng đặng sum vầy một cửa, anh lớn, em nhỏ, một lòng, một dạ, lấy Ðạo làm gốc mà lập nên một tiểu Thiên-Ðịa, há chẳng hơn giàu sang bốn biển sao? Há chẳng phải một điều phước hạnh lớn lao hơn mọi sự sao? Các con hiểu chăng? Nếu các con hiểu đặng ý Thầy thì rất may cho Ðạo đó.

 

Thầy hỏi các con vậy chớ Chức-sắc của Thầy ban cho các con để làm gì?

 

Nếu các con phủi trần thế mà lo cho Ðạo thì sao Tòa-Thánh còn thiếu tay giúp Ðạo, để cho đến đổi càng ngày càng tiều tụy, mà ra một cảnh điều tàn.

 

Nếu các con biết Ðạo thì hiệp nhau về Tòa-Thánh mà chung lo cho xong, đừng quyến luyến hồng trần nữa, nghe à!

 

THĂNG.

 

 

(Mậu-Thìn 1928)

NHÀN-ÂM ÐẠO-TRƯỞNG

 

Chư Ðạo-hữu biết trước, muốn rèn lòng đạo đức phải khởi nơi đâu cho chắc bước đường chăng?

 

Ðạo đức cần trau nơi tâm là chỗ chẳng ai thấy được. Rèn trau cho thuần tâm mỹ tánh, rồi mới lần đến bề ngoài, trọn hết cả ngoài trong, thì chừng ấy thân hình tâm trí chắc khư, nào ai lay chuyển cho được.

 

Lo ngoài quên trong, che bề trong trau bề ngoài, ấy là cách thức của Hớn Lưu-Bang đối đãi với tướng sĩ đó, cũng như có xác không hồn, chuộng hữu hình mà quên các huyền bí chơn truyền. Than ôi! có hình thể, xương thịt mà chơn hồn phưởng phất nơi xa, thì cái thân vô dụng ấy trơ trơ như khối đá dựa đường, như khúc cây bên trủng. Có đèn dầu đày mà thiếu hơi lửa nhen lên, thì cũng phải mờ mịt thâm u, trông chi soi sáng.

 

Ấy vậy, nên biết mà răn mình, cái tâm là vật người không thấy được, khá giồi trau nó trước, nếu bỏ tâm kia ra ngoài, mà rèn hình thể, thì chẳng khác chi quì đọc kinh, đèn đốt đỏ bừng, mà thiếu Bức Thiên-Nhãn trên điện vậy. Hồn ma bóng quế cũng lên ngồi, mà ngạ quỉ vô thường cũng xẩn bẩn, đó là phương đem đường cho quỉ vương chẳng một ai tránh được nghe.

 

Nên hiểu kỹ lời, bằng chẳng thấu thì tu có ích chi.

 

THĂNG.

 

 

(3-2-1928)

THẦY,

 

Các con

 

Thầy lấy làm đẹp lòng mà trông thấy bước đường các con đã sớm cải sửa, để chung lo vun đắp nền Ðạo. Các con cũng tự biết rằng: Sự hành tàng nào về Ðạo, mà vừa lòng trong cả chư Chức-sắc và chư Tín-đồ, ấy là hiệp thiên ý. Còn điều nào mà phần nhiều môn đệ của Thầy chẳng khứng chịu theo, ấy là bất hiệp thiên ý đó.

 

Ðạo một ngày một nên, bước đường của các con một ngày một thêm trở gay khó nhọc, nhưng nếu các con chẳng dụng quyền hơn dụng đức, biết thương sanh chúng hơn thân mình, vì Ðạo hơn vì danh vọng theo thói đời, thì các con thế nào cũng được vững con đường mà đi cho cùng bước Ðạo.

 

Ðời cũng vậy, mà Ðạo cũng vậy, hễ chác danh cao, quyền lớn, bực quí phẩm Tiên, thì phải dày chịu gian nguy, nặng đeo sầu thảm. Các con hãy suy đó mà gìn tròn phẩm hạnh, vẹn giữ bước đường, chậm rãi từ năm từ hồi, thì tự nhiên được lương tâm yên tịnh. Còn những đứa choán phẩm ham quyền, cũng có lúc gặp điều hành phạt thiêng liêng, mà nêu gương cho đoàn sau soi lấy. Các con đã từng nghe lời Thầy khuyên nhũ về chuyện ngừa cơ bút, thế mà một phần chẳng chịu sửa cải đường ngay cho khỏi lâm vào nẻo tà mị, đã vi lịnh Thầy mà dìu dắt các con lạc bước.

 

Thầy cũng đại lụy mà ngó thêm một phần môn đệ xứng đáng của Thầy phải sa vào vực thẳm. Các con nên ghi nhớ mà coi chừng đường lối sau nầy.Thầy đã chỉ rõ nẻo quanh co, thì khá liệu chừng mà bước tới, tâm bền dạ vững, kính mến Thầy, là yêu dấu Thầy đó, nên nghe à.

 

T...,T..., C..., Từ đây nên liệu chừng nhau mà điều đình gánh Ðạo, điều nào mà theo Tân-luật, do Thánh-ý, hiệp lòng chư đạo hữu, bổ ích cho nền Ðạo thì các con nên thung dung liệu nhau mà thi hành, chẳng cần phải đợi cầu hỏi.

 

Các con được tin cậy nhau, dìu dắt nhau, nâng đỡ nhau, mà phủi hết sự hiềm nghi nhau theo thế tình, ấy là các con hiến cho Thầy một sự vui vẻ, lớn lao hơn hết đó. Còn kẻ phản bạn trở lòng, luật Thiên-điều cũng có buổi trừng răn cách xứng đáng vậy.

 

C..., Thầy cấm từ đây chẳng nên lấp lửng cầu cơ hay chấp bút chi, vì là một sự hại lớn lao cho Ðạo. Ðả phá đức tín ngưỡng của chúng sanh, lại làm cho nhơn sanh bị nhơ trược.

 

T..., Thầy cũng lấy từ bi dung cho, bằng tái phạm sẽ bị Tòa Tam-Giáo trục xuất. Con nên biết, cứ ai lo phần nấy, đừng lỗi phận sự thì được thanh lặng yên vui. Các con khá lưu tâm.

 

Thầy ban ơn cho các con.

 

THĂNG.

 

 

Ngày 19 tháng 3 năm 1921

THÁI-BẠCH

 

Ðại hỉ, Ðại hỉ.

Cười... Lão nên cắt nghĩa phẩm vị của chư hiền hữu. Tỷ như ngôi của Thượng Ðầu-Sư, Ngọc Ðầu-Sư, Thái Ðầu-Sư, Hộ-pháp, Thượng-phẩm, Thượng-sanh, hay là Giáo-Tông của Lão đi nữa, dầu ngày sau có nhượng cho ai, thì họ ngồi địa vị của mình, chớ chẳng hề ở thế nầy có hai Thái-Bạch, hai Thượng-Trung-Nhựt, hai Ngọc-Lịch-Nguyệt, hai Thái-Nương-Tinh, hai Hộ-pháp, hai Thượng-phẩm, hai Thượng-sanh bao giờ, hiểu à.

 

THĂNG.

 

 

TÒA-THÁNH, ngày 10 tháng 3 năm Mậu-Thìn (1928)

THẦY

 

Các con

 

C.H... Thầy thấy hai con chịu nhiều điều sầu thảm, Thầy mừng, mà cái mừng ấy, đỗ ra chứa chan giọt lụy.

Ðường đời khúc mắc chông gai là lẽ Thiên-cơ đã định vậy, cái nơi để cho cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến kiến công lập vị. Người đời chẳng khác con buôn trong buổi chợ; cả sức lực, cả trí não, tinh thần đều bị tiêu tán nơi ấy, vì vậy mới hoại chơn linh, thất ngôi diệt vị.

 

Bởi vậy cho nên, nhiều bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật cam lòng thủ phận, chẳng dám vọng cầu, đem thân vào cảnh đọa, nhưng mà chẳng tái kiếp, thì như nhu sĩ trốn thi; thế nào giữ vững địa vị cao thượng?

 

Cuộc đời khó khăn tỷ như bài thi, nếu dễ, thì ai thi cũng đặng, cuộc thi có ý vị gì đâu? Hễ bài càng khó thì đậu càng cao, đậu cao mới ra có giá; Thầy tưởng như nơi thế gian nầy có đứa con nào Thầy cưng trọng hơn hết thì là các con, nhưng mà chẳng lẽ Thầy làm giám khảo lại cấp nấp bài thi, lén cho mỗi đứa, thì cái đậu của các con có ra chi?

 

Lại nữa, Thầy biết trước rằng: không cần giúp các con cũng dư sức đậu đặng, thì dường ấy, nếu Thầy giúp, tức hại thể diện các con, chớ không giờ phút nào Thầy xa các con.

 

Các con chịu khổ hạnh là Thầy muốn vậy.

 

Nhà nghèo, hạnh tốt, ấy là gương treo dạy đời, các con khá bền lòng son sắt, cái hạnh tốt là thang vạch ngút mây xanh; tâm thành là để giồi trau tánh tục; lòng đạo đức quí hơn là miếng đỉnh chung; tố bần hàn tùy mình mà hành đạo, thì công quả ấy trổi hơn hạng thượng lưu đó các con.

 

THĂNG.

 

 

(2-4-1928)

THẦY, các con

 

Thầy cho L... vào hầu, phải giữ chừng theo lời hứa với Hiệp-Thiên-Ðài nghe các con. Thầy đã cho chư Tiên lộ một hai điều cần yếu của Ðạo cho các con rõ trước; thế thì việc bất bình đương ở trong Ðạo đã có định, mà các con cũng chẳng thể chi ngăn ngừa. Các con phải hiểu rằng: mỗi đứa có trách nhiệm lớn lao về Ðạo. Trước khi lãnh mạng Tam-Giáo-Tòa, xuống chịu mình với chúng sinh lúc Tam-Kỳ Phổ-Ðộ nầy, đều có cam đoan hứa làm tròn phận sự. Thầy là Ðấng CHÍ-TÔN chủ trương khai sáng nền Ðạo, cũng buộc mình cam đoan mà lãnh các con, thế thì mỗi đứa đều mang nặng nơi mình một phần trách cứ chẳng nhỏ. Nếu Ðạo chẳng thành thì phần phạt Thiêng-liêng, vì cân tội phước mà định đoạt.

 

Quỉ vương lại thừa dịp hành tàng bất chánh của nhiều đứa trong Ðạo, mà giựt giành chia xẻ các con với Thầy. Nó lại tùy theo hạnh đức của mỗi đứa mà dắt lần ra cho khỏi đường chánh giáo. Thầy bảo lãnh các con, ung đúc chí Thánh của các con, đã mãn kỳ phải giao quyền lại cho Tòa Tam-Giáo được phép lấy mực công bình mà chuẩn phê các cử chỉ của mỗi đứa. Than ôi! Xa Thầy chưa bao lâu, mà vì lợi lộc ham muốn của thế tình, nhiều đứa phải chịu để xác cho tà quái xung nhập. Thầy cũng thương hại mà khó thể cứu rỗi được. Ðứa nào chánh, thì được nghe lời của Thầy dạy dỗ; đứa nào tà, phải bị lời quỉ mị dẫn đường. Các con nếu biết chánh tà, thì nên vì Thầy, vì chúng sanh mà dìu dắt cho nhau, chớ phế hết, mà trễ ngày giờ, chẳng thế chi trì lại với sự lầm lạc cám dỗ.

 

Các con hiểu à !...

 

C....,T....,S.... ba con đã lãnh mạng lịnh lớn lao vẹt đường tăm tối trong buổi ban sơ, Thầy lại khiến cả ba đứa phải liên hiệp nhau, mới có thể xây đắp nền Ðạo cho đến cùng.

 

THĂNG.

 

 

Ngày 15-4-1928 (Mậu Thìn)
THẦY, Các con!

 

Cười... Ứ hự, con đứa thì vầy, đứa thì khác, thảm, thảm, thảm, T... con ôi! Thầy biết bao phen săn sóc các con mà chịu đau thảm. Thầy chỉ có một lòng mơ ước cho các con biết yêu thương, trọng Thánh-Ðức của Thầy. Chẳng lẽ ngôi Tiên, phẩm Phật là địa vị tối trọng của các chơn linh mà Thầy lại đàng bất công, tự nhiên đem các con mà để trên đó. Thầy lại hằng gánh vác sự khó khăn, chỉ cậy các con là một lòng yêu thương sanh chúng, gắng công phổ độ. Thầy đã gầy phương thế cho các con đủ quyền hành lập đạo, chờ các con nên thể thống, chi chi từ thử cũng một tay Thầy. Thầy để rộng quyền cho các con thay mặt thầy mà dìu dắt lấy nguyên nhơn, đã chịu nạn luân hồi nơi khổ cảnh. Thầy đã định, thì dầu cho ai cũng chưa qua phép đặng. Con coi cái vinh diệu có chi bằng chăng? Thầy đã giao cho mỗi đứa một quyền hành, thì Thầy cũng tưởng rằng các con biết trọng phẩm giá Thiêng-liêng, mà bớt tánh phàm chút ít, nào dè nhiều đứa lại coi thế trọng hơn Thầy, coi Thầy dường như kẻ vô hình vô ảnh, cái mạng lịnh tom góp con cái Thầy lại một nhà, đã xa như lời nói phỏng, nhơn sanh phàn nàn, thì Ðạo nào nên đặng đó con.


Sự Thầy đã dạy, nếu sái hết. Thầy tưởng chẳng còn nói, nếu ai là đạo đức, đọc đến cách lập pháp của Thầy mà chẳng mừng giùm cho nhơn loại. Thầy buộc mình hứa cùng Ngọc-Hư-Cung rằng: Nếu Ðạo còn, thì Thầy cũng theo gìn các con. Các con coi lời Thầy trọng hệ là dường nào, như biết coi Ðạo trọng, thì cả tinh thần các con cũng nên tom góp vào mỗi điều đó maé trông cậy nơi Thầy lập pháp. Hiện Thiên-Ðài còn chưa muốn nhìn, thì Ðạo một ngày kia cũng sẽ bị từ chối. Thầy tìm phương sửa cải cũng đáng đó chút. Nhưng cũng bởi chư Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho rõ cơ Ðạo của thế gian nầy, nên Thầy không giáng cơ mà phân giải nữa.

 


Các con đã chịu một trách nhậm nơi mình, nếu Thầy chẳng để các con học tập, mà lập nên địa vị mình trước mặt chúng sanh cho xứng đáng, thì Ðạo cũng chưa ra vẻ Ðạo. Vì vậy mà Thầy chịu ép lòng để cho các con hằng nhớ rằng: chẳng giờ phút nào Thầy xa các con hết. Nghe à!

Cậy kẻ dạy con cũng lẽ thường,
Cho roi cho vọt mới là thương.
Nhơn tình ví chẳng mưu thâu phục,
Thế giới mong chi phép độ lường.
Nhỏ dại Thầy muôi mùi Ðạo hạnh,
Lớn khôn bây xứng mặt hiền lương,
Vinh hoa phẩm cũ ngôi xưa đó,
Khổ cực các con chớ bỏ trườn

Thầy ban ơn cho các con.


T..., chi chi cũng ẩn nhẫn đợi lịnh Thầy, nghe con.

 

THĂNG.

 

 

(16-4-1928)
THẦY, các con


Thầy đã nói: Ðãi cả môn đệ Thầy đồng một mực, bất luận bậc phẩm, kẻ nào căn nhiều quả nặng, thì Thầy giao trách nhiệm lớn lao, kẻ nào căn ít, quả thiệt thòi, thì lãnh phần trách nhiệm nhỏ nhen, cả thảy đều con của Thầy, trừ ra tôn ti thượng hạ nơi việc hành chánh, thì đồng một bậc cả, chẳng ai đặng vì quyền mà lấn lướt, chẳng ai đặng vì mạng lịnh mà đè ép, xua đuổi ai, ấy là tôn chỉ bề ngoài của Ðạo, chẳng giữ cho trọn, phương chi khỏi gây rối được?


Thầy là bậc CHÍ-TÔN và các địa vị Chơn-Phật xưa, nhiều lúc phải xuất chơn linh để mình vào trần thế đặng dìu dắt chúng sanh; nếu chẳng nhờ lấy công ấy, thì ngày nay đâu có tên tuổi của nhiều Tôn-giáo mà cả nhơn sanh chia ra sùng bái? Con nên để ý nhiều vào lời Thầy dạy dỗ, và cũng có nhiều Thánh-Ngôn của chư Tiên vì thương con, chỉ vẻ mà con chẳng để ý vào đó

 

THĂNG.


 

(23-4-1928)

THANH-TÂM
Mừng mấy anh:
. . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . .

 

Ðạo mở rộng, giống Ðạo gieo đã trót hai thu, mà người thiệt vì Ðạo chẳng có bao nhiêu, thế nên hồi chưa mở rộng nền Ðạo, Ðức Thích-Ca dòm vào thế cuộc mà than rằng:


Lộ vô nhơn hành, điều vô nhơn canh.
Ðạo vô nhơn thức, ta hồ tận chúng sanh!


Ba anh có hiểu chăng?
 

Sao gọi vô nhơn hành, anh M...N...?
 

Ðường có người đi nhiều, mà không ai là người phải, đường đi dập dìu thiên hạ, mà toàn là ma hồn quỉ xác, tâm giả dối, hạnh hung bạo, mật chứa đầy tà khí, thế nào gọi là người.


Còn điều vô nhơn sanh là sao? anh N.Ð...?


Ruộng đầy, là tỷ với tâm, tâm không ai giồi trau Ðạo nơi tâm, thì tâm ví như điền, có điền mà chẳng có cày bừa, đặng đem hột lúa gieo vào, cho đặng trổ bông đơm hột, thì ruộng tất phải bỏ hoang; bỏ hoang thì sâu bọ rắn rít xen vào ẩn trú; người mà có tâm như vậy ra thế nào? Ruộng sẵn, giống sẵn, cày bừa sẵn, duy có ra công làm cho đất phì nhiêu, đặng cho buổi gặt hưởng nhờ, mà không chịu làm ra thế thì phải diệt tận chơn linh. Hai câu sau là kết cuộc.

 

THĂNG.


 

Tòa-Thánh Tây-Ninh, ngày 5-5 Mậu-Thìn
(22-6-1928)

THẦY,

 

Các con, mỗi đứa đã tự mở một con đường, thì Thầy vẫn không vui được trong sự phân chia, nên hay là hư, phải hay là quấy, Thầy chỉnh để tâm các con liệu lấy. Tâm cứng cỏi, Ðạo điều hòa, thì cứ bước tới Thầy, tâm trí bất định, đạo hạnh không hoàn toàn, thì con đường hám lợi xu danh tới hang sâu vực thẳm đó, vì sức các con đã rã rời thì tài nào níu kéo đỡ nâng khuyên nhũ nhau được.


Con đường vô tư để tìm cứu khổ cho chúng sanh là con đường Ðạo đức. Ngọn đèn thiêng liêng sẽ chực soi tỏ bước của các con; khác với con đường ấy là đường của quỉ vương đem lối.


Vậy nên nhớ mấy lời thầy, chẳng phải đọc sơ qua mà coi làm chơi cần chiêm nghiệm kỹ lưỡng mà hiểu nghe. Hại thay! đã nhiều lần các con chẳng hiểu ý, Thầy cũng đau lòng mà thấy các con đi sái bước. Nhưng than ôi! cơ thử thách chỉ dùng với những đứa tâm phàm lẫn chất thánh.

 

 THĂNG.


 

TÒA-THÁNH, ngày 11 tháng 5 Mậu-Thìn
(28 Juin 1928)

THẦY, các con

 

H...! con nghe thầy nói chuyện làm đường cát trắng, con.
 

Thầy đố con biết làm sao cho đường đen ra trắng?
 

(H...h...: Bạch Thầy, con không biết).
 

Nghe con, đây làm theo:


Ðổ đường đen vào một cái hũ, thọc lủng đít, rồi định chừng cho hai phần hũ đường, còn một phần hũ thì đổ bùn non cho tới miệng, đem phơi nắng chừng một tuần, thì đường trở nên trắng, gạt lớp bùn đi thì con đặng một thứ đường trắng phau phau rất ngon, rất đẹp đó con.


Cái khổ hạnh của con giống như đường đó, con à, con có biết Thầy khóc như con vậy chăng con.

 

Nếu con không vậy, làm sao đáng con cái của Thầy. Con chỉ nhớ rằng Thầy thương con là đủ. Ðặng thế gian yêu mến ắt Thầy phải ghét mà Thầy ghét con thì còn chi con, con khá nhớ!


C...,CH..., lo Tịnh-Thất với em nghe!


T...đã đổ biếng ra rồi đa nghe!
 

C..., kêu hai anh lớn vào chầu Thầy, phò Ðại-Ngọc-Cơ, kẻo nó nghi ngờ nữa, nghe con!

 

THĂNG.


 

Ngày 4 tháng 6 năm Mậu-Thìn (1928)

Ðầu giang phong ngộ đã thuyền trì,
Tự khổn tàn cơ tự mạng tri.
Khải tịch nhược hoài thiên tứ cổ,
Chung minh bán điểm khẩn Từ-Bi.

TIÊU-SƠN ÐẠO-SĨ

 

Nền Ðạo vừa khỏi lối chông gai, lại phải còn gặp nỗi u hiểm, rán cẩn thận và biết dìu bước theo thế thời thì công trình khỏi phải trôi theo dòng bích. Biết mình, biết Ðạo, biết thế thời, thì cũng gắng biết nên hư; biết người, biết phải chẳng, biết chánh tà, mà day trở trong đường đạo đức.


Ðạo chưa yên là tại người hành Ðạo kém bề hạnh đức, kẻ được hạnh mất phần minh mẫn, người thông hiểu Ðạo kém đức, thiếu khiêm cung, kẻ trọn tâm thành, mạnh phần ham danh lợi. Lao nhao, lố nhố, cũng thì một con đường, cũng thì về một chỗ, mà kẻ đi xe ép người đi bộ, người thông hiểu nẻo lộ, gạt gẫm đứa khạo khờ, kẻ côi thế chịu bơ vơ, người quá ham đi mà sa hố, rốt lại cũng quạnh quẽ con đường. Mấy ai hiểu thấu.


Những kẻ nào đã vì tà dâm mà để cho nhơ bợn chơn linh, cho lũ tà khuấy rối thì chẳng khi nào được trọn tinh thần ngay thật như xưa mà dìu dắt ai cho chánh đáng. Phải kể như không có những kẻ ấy trong nền Ðạo, và coi đó mà gìn bước đường của mình.


Chư đạo hữu đã thấy phần nhiều chư Chức-sắc cũng vì phàm tâm mà chẳng chịu chung kết liên hiệp nhau. Hiệp-Thiên-Ðài là cơ mầu nhiệm quí hóa, mà đã vì lỗi của một hai kẻ mà đã ra như một phần vô dụng, bảo sao Ðạo chẳng rối được. Hiệp-Thiên-Ðài là gốc Ðạo, mà chẳng trọn phần cho chư chúng sanh tin cậy, thì Ðạo một ngày kia thế cũng chẳng bền ở nơi tâm trí của cả người hành đạo, mạnh được yếu thua, khác nào một trò đời vô vị. Nên khéo tính cho lắm.


Hiệp-Thiên-Ðài có Ðức CHÍ-TÔN là chủ quản. Quyền thưởng phạt nơi Ngài mà thôi. Tân luật lập còn thiếu sót nhiều, bởi Chức-Sắc Hiệp-Thiên-Ðài chẳng để mắt đến, quyền hành thưởng phạt lộn xộn, nên phải chịu dưới quyền Tòa Tam-Giáo Cửu-Trùng-Ðài. Sau sẽ có Thánh-L dạy lại. Còn chưa phân minh nhiều chỗ.


Nếu chư đạo hữu biết quyền phận mình, nên giữ đừng cho phạm đến danh dự chung ấy là

giữ cơ mầu nhiệm của Ðạo cho ngày sau đó.

 

Lỗi ai nấy mang, công ai nấy hưởng, địa vị khá biết gìn. Nên kiếm hiểu rõ lời Bần-Ðạo.

 

THĂNG.

 

(18-7-1928)

CHƠN-CỰC LÃO-SƯ

 

Hỉ chư đạo hữu.
 

Chư đạo hữu đã nghe lời Thánh-Giáo về vận mạng nên hư của nền Ðạo. Vậy có hiểu rõ tôn chỉ chánh đáng của Ðạo là sao chưa? M.N. nói thử...


Ấy là hành chánh, còn tôn chỉ là sao? Hiệp đặng chi? Kết dây thân ái đặng chi? Hiểu, như

chưa cạn đó.


Chư đạo hữu phải biết rằng : Ðạo trước khi gieo truyền cho ngoại quốc, phải dìu dắt kết chặt dân sanh nơi vùng Nam nầy, đặng cùng nhau trên con đường chung hợp hòa bình, chậm rãi lần ra khỏi lối khốn khổ lao lung nơi cõi trần nầy, rồi tự tại ngâm câu thái bình. Chừng ấy chim về cội, cá về sông, hớn hở trau về thiện niệm mà bước lên nấc thang Thiêng liêng mới đặng.


Ngày nào Ðạo nơi đây chưa hòa, người nơi đây chưa đủ sức kềm chế lấy nhau; và chưa đủ tinh thần ngay chánh, chỉ nẻo dẫn đàng, người Ðạo chưa phế được tham danh chác lợi, thì ngày ấy Ðạo nơi đây chưa gọi là trọn thành, thì cũng chưa một ai mong khởi công mà tầm địa vị Thiêng-liêng được.


Chư đạo hữu phải lọc lừa lại, tìm người có tâm chí, kết liên thân ái, chung hiệp nhau, bỏ sự lãng phí, dụng đồng tài nơi giọt mồ hôi, được tích thiểu thành đa, gầu dựng một cái nhà chung, để ngày phong võ nương dựa được thung dung, ngồi ngắm thế sự và chấn hưng mối Ðạo quí hóa; ấy là không làm mà no; không đất mà ấm cúng đó. Phương chi ràng buộc hình hài, thần hao trí mệt cả ngày, rốt lại còn chi tráng kiện mà lo xa rộng nghĩ ?


Ðạo chẳng phải một hội to để lo chôn thây, cũng chẳng phải mối hàng để nhóng giá, mà chư đạo hữu hiện thời đã thấy Ðạo có ích về hai sự ấy mà thôi.


Buồn! Người Ðạo đã bơ thờ như gái mới về nhà chồng ban sơ, ruột trống lỗng như thùng không, trí não chưa thấy xa hơn gối. Nhóm lại nghịch lẫn nhau, dèm siểm nhau, lo đứng trên người khác, nhưng lại không tài liệu biện cho có ích chi cả.


Ðấng CHÍ-TÔN, vì thương dân tình nơi đây, đã khổ tâm nên gieo Ðạo, đem chiếc thuyền cận bến để dìu dắt vào chỗ bình địa đặng tự tại thung dung, mà vì chưa hiểu thấu căn nguyên, khổ bao giờ trông thoát?


Ðạo sắp tàn, nỗi Ðạo phân chia, chư Ðạo hữu phải lo níu kéo lại một mớ, người nào hay người nấy, rồi đây, mỗi chỗ mỗi dựng riêng ra, chư Ðạo hữu mới tùy thế đó mà tom góp lại...


M...N... Hành lễ do Thánh-giáo lúc nơi Ðàn Cầu-kho. Chẳng nên bày vẽ nhiều.
(Văn pháp bạch. . . . . . . . . . . . . . . .)
 

Ðược, nhưng còn sơ sót, món nào liệu chẳng có ích, thì nên chế giảm, trừ ra Nhạc phải giữ cho toàn, đi lễ cho có vẻ nghiêm nghị, ấy là hai món đại khái đó.


Nhạc còn chưa đủ thể cách, đờn để rước chư Tiên, Thánh không phải vậy là đủ, người Nhạc-công phải ăn mặc tinh khiết. Sắp đặt vào khởi Nhạc phải có thứ lớp phân minh, chớ chẳng phải muốn đờn bài chi cũng đặng, ấy là trái Thánh-ý đó. Phải sắp đặt lại nghe à!


Nơi đàn nào mà khác hơn Thánh-giáo và bày biện nhiều trái cách, thì Ðạo hữu không phép tham dự.

 

THĂNG.


 

CHỢ LỚN, ngày 28 Juillet 1928 (Mậu-thân)

THẦY, các con

 

Các con xa Thánh-giáo của Thầy đã lâu, tưởng lòng cũng hằng ước mơ hoài vọng, mà Thầy lâu đến để lời tâm huyết chỉ giáo cho các con, Thầy cũng buồn lòng mà thấy bầy con lao nhao lố nhố lặn hụp chìm đắm giữa cõi hư sanh nầy.


Các con ôi! Thầy lấy đức háo sanh, mà dìu dắt các con, chẳng khác nào như kẻ làm cha nưng niu dạy dỗ một trẻ bé, trông nom cho nó mau trưởng thành, hầu lưu danh truyền nghiệp, cho có tên tuổi với đời.


Sự nên hư của tôn chỉ nền Ðạo có một phần ảnh hưởng rất lớn lao với quyền thế của Thầy, danh vọng của Thầy và luôn đến ngôi vị của Thầy nữa, con nên thì Thầy vui, con buồn thì Thầy buồn, mà con đau đớn tất Thầy đau đớn.

 

Vậy trong đời này, sự buồn vui, vinh nhục, phước họa cũng chẳng khác nào mấy ngọn sông, mấy hòn núi của Thầy lấy luật thiêng liêng mà tạo; sông có thể thành ruộng, núi có thể diệt tiêu mà làm biển cả, cũng như buồn lắm lúc hóa ra vui, sự vinh thành nên nhục, cái phước đổi cái họa vậy.


Thầy thương phần nhiều các con dám xả diệt thế trần, trông mong noi chí của Thầy mà dìu dắt đoàn em dại. Nhưng than ôi! bầy quỉ rất hung hăng, một con sâu làm rầu cả mùa màng, vì vậy mà con đường của các con bị linh chinh vì nơi hành động của một hai kẻ có trách nhiệm xứng đáng; cái họa lây vạ tràn kia, nhiều khi phải bôi xóa đến công trình xứng đáng của mỗi con và nhận chìm luôn đến con thuyền Bát-Nhã, có lẽ mỗi con cũng hiểu thấu..


Các con ôi! Thầy thương đến tâm thành chánh trực Ðạo đức khiêm cung cũng như Thầy xóa kẻ xảo trá gian tà cầu danh chác lợi.


Ôi! Thầy cực nhọc bao phen, mà nay con đường ngó lại còn dài thăm thẳm, Thầy chỉ mong mỗi con tỉnh hồn, thức trí ngó lại bước đường sái trước kia, mà lập tâm làm việc chánh đáng, theo lần Thầy, thì sự may mắn ấy không còn chi cho Thầy vui hơn nữa.


Tr...! con chớ phiền muộn lo buồn chi, địa vị mỗi con Thầy đã lập thành, cái tai nạn kia vừa qua, thì có lẽ một ngày Thầy sẽ thấy các con thung dung mà hiến cho Thầy một sở trông cậy chắc chắn, quyền Thiêng-liêng của Thầy nơi tay, nếu chẳng phải để dắt các con, chớ cho ai được?


Khá trông cậy cao thượng anh phong mà nhìn sự đau đớn, chính mình Thầy đây không tránh khỏi.


Ðời vui tạm sống thừa;

 

Ðạo Thiêng-liêng bất tận.


Nên cân nặng nhẹ, trọng khinh mà chìu theo thời thế và tin tưởng trông cậy nơi Thầy, thì kiếp phù sanh của mỗi con và duyên tiền định của mỗi đứa đều nằm trong tay Thầy hết;

 

Tr... con hiểu há?


Tr... con rán khuyên cạn bạn con và rán mà tuân lời Lý-Bạch; ấy là hai chuyện Thầy cậy con.
 

Thầy ban ơn cho các con.


THĂNG.
 

 

Cầu-Nhiếm, ngày 19 tháng 6 Mậu-Thìn (5 Aout 1928)

THẦY, các con

 

Tr...,Th... ! hai con đã để công trình đi đến nhiều chỗ đặng gieo truyền mối đạo của Thầy, nhưng hai con chưa rõ tình thế của mối Ðạo lúc nầy ra sao?


Ðạo hiện giờ cũng chẳng khác chi người bịnh mà lương y coi chưa ra chứng, bề ngoài coi chẳng có vẻ chi trầm trọng, nhưng một ngày kia nếu chẳng rõ mà chế cải thì xuất lại trong mà loán ra ngoài, thế mạnh như núi đè cây, biển tràn bờ, chẳng thế chi ngăn chống nỗi; ấy là lúc bịnh xung phong trong ngũ tạng lục phủ, nhập đến cao hoang, thì người bịnh dầu số Trời cứu cũng không qua đặng.


Các con dòm nền Ðạo bề ngoài coi diềm dà sung túc mà chẳng thấy rõ cái mạch bịnh trong tâm, chẳng khác chi thế Sở chế bạo Tần, ham cái mạnh bề ngoài, biết cái sợ nơi mặt chớ chẳng rõ lòng người ra sao, mà không độ cái mạnh cấp thời đó sẽ dần dần tan như giá mà đổi ra yếu hèn thấp nhược; mỗi chỗ đều mong độc lập riêng. Người trong đạo phần nhiều mong hiệp thế riêng cho mình mà kình chống trở mặt với mỗi con.


Ðạo thế chẳng kíp thì chầy sẽ thành ra một mối hàng mà mỗi người trong Ðạo, sau khi giành giựt, cấu xé nhau, thì sẽ phân chia tan thành manh mún để trò cười về sau đó.
Ấy là tại nơi đâu?


Người hành đạo chẳng đủ quyền chế cải, kẻ tự cao muốn chiếm vị cầu danh, nghịch tư cách đối đãi với thế tình, gây ác cảm mà tạo thù oán. Hai con phải biết chỗ yếu nhược của Ðạo nơi đó mà kiếm phương, tìm chước, lấy cộng hòa, hiệp nhơn ý mà điều đình sửa cải cho chóng, làm sao cho mỗi đạo hữu các con đều ngó về Tòa-Thánh mà xưng tụng ân huệ của mỗi con có trách nhiệm xứng đáng; và làm sao cho dứt mối hiềm thù riêng của mỗi đứa, hiệp đồng trí thức mà làm cho người ngoài dòm vào, nhìn nhận mối Ðạo quí hóa và thảy đều sùng bái cử chỉ cao thượng của các con. Chừng ấy các con dầu không mạnh cũng ra mạnh, không đông cũng nên đông, mà việc phổ độ nhơn sanh chẳng còn điều chi trắc trở.


Ðạo trễ một ngày thì hại cho chúng sanh một ngày, mà mỗi đứa đều gây ác cảm làm cho mối Ðạo thành ra bánh vẽ, thì chừng nào Ðạo trọn thành nơi đây? chừng nào cho đạo truyền ra ngoại quốc?


Trong cơn mơ màng như người say chưa tỉnh, thì ngoài thế nào được đầm ấm mà gieo lần ra, các con biết xưa những chi cho mà trái cả nhơn tâm thì khó bền khó vững; chánh sách cộng hòa yên tịnh là chánh sách của các con đặng dùng lập Ðạo mà thôi.


Kiêu hãnh thái thậm, vào muốn có người trình, ra muốn có người cúi, khoát nạt, đè ép, biết mình mà chẳng màng biết đến người, hay ỷ sức mà chẳng dòm xem thời thế chẳng thâu phục nhân tâm, chẳng biết dùng khiêm từ mà đãi khách, là những nét của các bậc Vương-Bá xưa dùng mà phải tan tành vũ trụ đó. Nay các con lập một Ðạo cũng chẳng khác chi lập một nước, phận sự lại còn khó khăn hơn, liệu mà sửa cải, liệu mà điều đình, mới có thể chống ngăn lại sự tàn hại mà làm cho nền Ðạo được vững, người được hòa, tâm được hiệp, ngoài được mạnh, trong được thung dung, gieo giống quí mầu thì công ấy chẳng chi sánh được.


Thầy vì thương chúng sanh, tưởng công lao của mỗi đứa, nên chẳng nỡ để cho mối Ðạo điêu tàn; nhưng nếu trong các con chẳng có đứa nào lãnh phần chế biến làm cho hòa thuận chung vui, để cho đến đổi hiềm thù oán ghét nhau mà để trò cười muôn thuở, uổng công dìu dắt của Thầy bấy lâu, thì biển khổ sông mê là nơi các con chịu đời đời kiếp kiếp đó.


Thương chẳng đặng thấy nên, thì dầu cho các con càng đông, lại càng thêm nhiều người làm rối, thêm mối hận, để chờ dịp cắn xé nhau chớ chẳng ít chi, nên biết nghe!


Thầy ban ơn cho các con.


THĂNG.

 

Năm Mậu-Thìn (1928)

THẦY, các con


BẤT SÁT-SANH


Thầy đã nói với các con rằng: khi chưa có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới thì khí Hư-Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-Cực.


Thầy phân Thái-Cực ra Lưỡng-Nghi, Lưỡng-Nghi phân ra Tứ-Tượng, Tứ-Tượng biến Bát-Quái, Bát-Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm, gọi là chúng sanh.


Các con đủ hiểu rằng:


Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra, hễ có sống, ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận.


Cái sống của cả chúng sanh, Thầy phân phát khắp Càn-Khôn Thế-Giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh không cho biến hóa.


Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên sanh hay hóa sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu mau đều định trước, nếu ai giết mạng sống, đều chịu quả báo không sai; biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân hồi mà ra đến đổi ấy.


Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn sanh điều ấy.


THĂNG.

 

Năm Mậu-Thìn (1928)

THẦY, Các con

 

BẤT DU-ÐẠO


Ôi! Thầy sanh các con thì phải yêu trọng các con chẳng cùng, mà Thầy cho các con đến Thế-Giới này với một thánh-thể thiêng-liêng, y như hình ảnh của Thầy, không ăn mà sống, không mặc mà lành, các con lại không chịu, nghe điều cám dỗ mê luyến hồng trần, ăn cho phải bị đọa, dâm cho phải bị đày, nên chịu nạn áo cơm, dục thuyền cầu lợi.


LỢI, Thầy cũng đã dành cho các con chung hưởng cùng nhau mà cũng vì tham, đứa chứa nhiều, đứa chịu đói.


QUYỀN, Thầy cũng ban cho các con in như Thầy đã ban cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, hầu cho đủ thế kềm thúc lấy nhau đặng giữ vẹn thánh chất yêu sanh của Thầy, mà quyền ấy trở nên một cơ thể buộc trói nhơn sanh trong vòng tôi mọi. Ôi! Thảm thay! Cái thất vọng của Thầy nên ghê gớm, các con có hiểu vì sao mà cả nhơn sanh gian tham chăng?


Thì cũng muốn cho nhiều sanh mạng chịu phục dưới quyền thế lợi lộc đó, vậy sự yếu trọng của con người là nạn cơm áo, nắm chặt quyền phân phát cơm áo, thì chưa ai đã chịu thọ sanh nơi thế nầy lánh khỏi.


Muốn cho đặng quyền hành ấy thì làm thế nào?


Dùng hết mưu chước quỷ quyệt, thâu đoạt cho đặng lợi lộc quyền thế cho nhiều, vì vậy mà đời trở nên trường hỗn độn, tranh tranh,đãu đấu, giựt giựt, giành giành, gây nên mối loạn, nhơn loại nghịch lẫn nhau, giúp cho phép tà quyền mạnh hơn, yếu thiệt, mất phép công bình thiêng liêng tạo hóa; cái trường thảm khổ của thế gian cũng do nơi đó mà ra.


Vậy gian tham đã thâm nhập vào lòng, thì lòng hết đạo đức.


Tham gian nhập vào nhà, thì nhà không chánh giáo.


Tham gian đã nhập vào nước, thì nước hết chơn trị.


Tham gian đã lộng toàn thế giới, thì thế giới hết Thánh, Thần,


Thầy không cần nói sự gian tham có thể giục các con lỗi đạo cùng Thầy mà bị lắm điều tội lỗi. Ấy vậy gian tham là trọng tội.


THĂNG.
 

 

Năm Mậu-Thìn (1928)

BẤT TÀ DÂM

 

VÌ SAO TỘI "TÀ DÂM" LÀ TRONG TỘI ?

 

Phàm xác thân con người tuy mắt phàm coi thân hình như một, chớ kỳ trung nơi bổn thân vốn một khối chất chứa vàn-vàn, muôn-muôn, sanh-vật.

 

Những sanh vật ấy cấu kết nhau mà thành khối vật chất có tánh linh vì vật chất nuôi nấng nó cũng đều là sanh vật, tỷ như: rau, cỏ, trái, lúa, gạo, mọi lương vật đều cũng có chất sanh.

 

Nếu không có chất sanh, thì thế nào tươi tắn đặng mà chứa sự sống, như nó khô cũ thì nó chết, mà các con nào ăn vật khô héo bao giờ. Còn như nhờ lửa mà nấu thì là phương pháp tẫy trược đó thôi, chớ sanh vật bị nấu chưa hề phải chết.

 

Các vật thực vào tỳ vị lại biến ra khí, khí mới biến ra huyết, chẳng cần nói, các con cũng biết cái chơn linh khí huyết là thế nào?

 

Nó có thể hườn ra nhơn hình mới có sanh danh, tử tử, của kiếp nhơn loại.

 

Vì vậy mà một giọt máu là một khối chơn linh, như các con dâm quá độ, thì sát mạng chơn linh ấy.

 

Khi các con thoát xác, thì nó đến tại Nghiệt-Cảnh-Ðài mà kiện các con, các con chẳng hề chối tội đặng.Phải giữ gìn giới cấm ấy cho lắm.

 

THĂNG.

 

 

18-1-1927 (Bính-Thìn)

BẤT ẨM TỬU

 

VÌ SAO PHẢI "GIÁI-TỬU"

 

Thầy đã dạy rằng: thân thể con người là một khối chơn linh cấu kết, những chơn linh ấy đều hằng sống, phải hiểu rằng: ngũ-tạng, lục-phủ, cũng là khối sinh vật mà thành ra, nhưng phận sự chúng nó làm, thảng hiểu biết hay là không hiểu biết, đều do nơi mạng lịnh Thầy đã phán dạy.

 

Vậy Thầy lấy hình chất xác phàm các con mà giảng dạy. Trước Thầy nói vì cớ nào rượu làm hại cho thân thể con người về phần xác.

 

Hình chất con người vẫn là thú, phải ăn uống mới nuôi sự sống, như rượu vào tỳ vị, nó chạy vào ngũ-tạng lục-phủ hết, thì trái tim con người chẳng khác nào như cái máy chánh để trử sự sống, cũng phải bị thâm nhập vào làm cho sự lao động quá chừng đỗi thiên nhiên đã định, thối thúc huyết mạch phải vận động một cách vô chừng, mà làm cho sanh khí nơi phổi chẳng đủ ngày giờ nhuận huyết tinh sạch cho đặng, trược huyết ấy thối lại cùng trong thân thể, để vật chất ô trược vào trong sanh vật, mỗi khối ăn nhằm phải bịnh, một ngày thêm một chút, hết cường tráng, cốt tủy lần lần phải chết, thì thân thể các con phải bị chết theo.

 

Nhiều kẻ phải bị chết nửa thân mình vì rượu, nên ra đến đỗi.

 

Thầy dạy về cái hại của phần hồn các con:

 

Thầy nói cái chơn thần là nhị xác thân các con, là khí chất (le sperme), nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy, nơi trung tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là Vi-Hộ, nơi ấy Hộ-Pháp hằng đứng mà giữ gìn chơn linh các con. Khi luyện thành Ðạo đặng hiệp một với khí, rồi mới đưa thấu đến chơn thần, hiệp một mà siêu phàm nhập thánh.

 

Vậy thì óc là nguồn cội của khí, mà óc cũng bị huyết vận động vô chừng, làm cho đến đổi loạn tán đi, thì chơn thần thế nào đặng an tịnh điều khiển, thân thể phải ra ngây dại, trở lại chất thú hình, mất phẩm nhơn loại rồi, còn mong chi đặng phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật.

 

Lại nữa buổi loạn thần ấy để cửa trống cho tà mị xung đột vào, giục các con làm việc tội tình mà phải chịu phận luân hồi muôn kiếp.

 

Vậy thầy cấm các con uống rượu, nghe à !

 

THĂNG

 

Năm Mậu Thìn (1928)

BẤT VONG NGỮ

 

TAI SAO CẤM VỌNG NGỮ

 

Thầy đã nói rằng nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sanh tồn. Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng : đấng chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần Thánh, Tiên, Phật và các Ðấng trọn lành nơi Ngọc-Hư-Cung, nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dân vào Tòa phán xét, bởi vậy nên một mảy không qua, dữ lành đều có trả ; lại nữa, các chơn linh ấy, tánh Thánh nơi mình đã chẳng phải giữ gìn các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường nghe đời gọi là "lộn lương tâm" là đó.

 

Bởi vậy Chư Hiền, chư Thánh Nho nói rằng : "Khi nhơn tức khi tâm"

Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã".

 

Như các con nói dối, trước chưa dối với người, thì các con đã nói dối với lương tâm, tức là chơn linh.

 

Thầy đã nói chơn linh ấy đem nạp vào Tòa phán xét từ lời nói của các con, dầu những lời nói ấy không thiệt hành mặc dầu, chớ tộI hình cũng đồng một thể.

 

Nơi Tòa phán xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ, nên Thầy dạy các con phải cẩn ngôn, cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tộI cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể.

Các con khá nhớ !

THĂNG

 

 

Năm Kỷ-Tỵ 10-2-1929

THẦY, Các con

 

Ngày tháng vẫn mỏi mòn, mà đường Ðạo nhắm còn dài đăng đẵng, một mùa xuân qua là một dặm đường phải bước tới, mà Thầy ngảnh lại bước đường của môn đệ Thầy vẫn thấy sụt sè, chớ chưa thấy chi có mòi tấn phát. Dần qua Mẹo lại, Thìn đến Tị về, xuân đổi lại xuân thay, năm kề rồi năm mãn. Ôi! tất bóng quang âm nhặt thúc, mà xem lại tâm hạnh của mỗi con của Thầy, thì nét Ðạo vẫn kém hơn, đức chưa thêm được, tâm chí mòn mỏi lối đường ngay, mà nấu nung về nẻo vạy, e cho nền tảng thiêng liêng đồ sộ phải nghiêng ngửa. Rồi đây các con cũng chưa chắc hết tranh cạnh giành xé nhau, mà làm cho nền Ðạo phải chia tan tành.

 

Ðạo còn chưa tà vạy, người còn say mối lợi danh, thì phương chi cứu chữa bịnh Ðạo cho hết. Thầy cũng lắm đau thương, nhưng cũng chẳng cãi sửa chi đặng. Thầy đã giao trách nhiệm lớn lao cho mỗi đứa đáng tin cậy; chúng nó chẳng biết điều đình, thì phú mặc tà quái xâm phạm mà thôi.

 

Ôi! Xuân tàn xuân đến, cái xuân của người đã sắp lụn hao, mà rồi cái xuân của Trời-Ðất, nước non cũng chưa chắc là vô cùng vô tận.

 

Các con, nếu biết đời khổ tâm, biết vày vò tình thế, biết chịu kém sút trong nẻo lợi đường danh, biết thiệt mình mà đặng cho kẻ khác, biết đổ lụy cho kẻ vui cười, biết nhọc nhằn trong kế sinh nhai, biết giữ tâm chí cho thanh bạch, đừng nhơ bợn của chẳng nên dùng; biết động mối thương tâm, thương người hơn kể mình, thì là các con được tắm gội hồn trong, mà về cùng Thầy đó. Nét nào chưa vẹn, khá biết sửa lần chớ nên trì hưỡn. Ðạo suy, đức kém, tà quái lừng hơi, các con gắng chung tâm xua trúc hết lũ vạy tà, thì hiến công lớn cho Thầy đó.

 

Thầy ban ơn cho các con.

 

THĂNG.

 

Tòa-Thánh Tây-Ninh, ngày 16 Avril 1929

(nhằm ngày 7-3 Giờ Tý)

THẦY,

 

Các con

 

M... Ng... kêu mấy anh con, kêu nữ phái, vì chúng nó vái ở dưới tội nghiệp.

 

Thầy đã nói rõ rằng : Thượng-Phẩm phải về Thầy trước các con, nhưng mà hại thay vì biếng nhác, các con không đọc Thánh-Ngôn của Thầy mà kiếm hiểu.

 

T...! con có nhớ lời Thầy nói với các con rằng : Ðạo vốn vô vi, nếu Thượng-Phẩm không trở lại thiêng liêng chi vị thì ai đem các chơn hồn vào cửa Thiên giùm cho các con, lại nữa các con vốn là kẻ dẫn đường cho cả chúng sanh thay mặt Thầy nơi thế nầy về phần đời, còn phần Ðạo cũng phải có đôi đứa mới đặng cho, cười!

 

Th...! Con phải xây cái Tháp của Thượng-Phẩm phía trước ba nhánh, phải day mặt về đông, giống như ngó vào điện mà hầu Thầy vậy. Song, ba từng phải lợp ngói như nóc chùa của các Ðường-Nhơn vậy nghe.

 

Ðừng làm như cái Tháp của Bảo-Ðạo, vì hai đứa phẩm vị khác nhau, chung quanh Bát-Quái-Ðài phải làm như hình có cột, tại chính hiữa Tháp phải có một lỗ cho Nhựt-Quang rọi tới Liên-Ðài.

 

Các con sẽ bị Thái-Bạch quở phạt, liệu lấy mà sửa mình, phải tùy theo lịnh dạy của nó, đặng nó giảm nộ chút ít nghe!

 

THĂNG.

 

 

Ngày 11 tháng 1 năm 1930 (12-12-Kỷ-Tỵ)

THẦY,

 

Các con

 

Thầy thường nói với các con rằng: Các con là cơ thể của sự thương yêu, mà các con không còn hiểu sự thương yêu là gì, bởi nơi nào đó? T... kiếm coi.

 

(T... bạch.........)

 

Không con. Sự thương yêu là giềng bảo sanh của Càn-khôn Thế-giới. Có thương yêu, nhơn loại mới hòa bình, Càn-khôn mới an tịnh.

 

Ðặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau, mới giữ bền cơ sanh hóa.

 

Còn nghịch cơ sanh hóa là ai, các con có biết không? T... kiếm coi.

 

(T... bạch........)

 

Không con. Con nói đó là nói dối cho tà quái, chớ thiệt là cho Quỉ-vương. Quỉ-vương là tay diệt hóa. Cũng như có sống của Thầy, ắt có chết của Quỉ-vương vậy. Vậy thì các con coi Quỉ-vương lấy cơ thể nào mà toan hại các con?

 

(T... bạch: Quỉ-vương xúi giục người không đem lòng bác ái mà gây rối lương sanh).

 

Sao con không dùng tiếng chết mà tỏ lý cao sâu? Vì có ghét nhau, vạn loại mới khi nhau; khi lẫn nhau mới tàn hại lẫn nhau, mà tàn hại lẫn nhau, là cơ diệt thế.

 

Vậy Thầy cấm các con từ đây, nếu không đủ sức thương yêu nhau, thì cũng chẳng đặng ghét nhau, nghe à!

 

THĂNG.

 

 

TÂY-NINH, ngày 7-2-1930 (9-1 Canh-Ngọ)

THẦY,

 

Các con, Thầy quyết lấy đức háo sanh mở đạo, cứu rỗi sanh linh, cho kịp trước kỳ Hạ-ngươn nầy, nhưng Ðạo chẳng hoàn toàn, con đường đi chưa cùng bước, là vì tại nơi lòng nhiều đứa, chưa để hết tín ngưỡng mà nghe lời Thánh-giáo, cho nên lần hồi, nền Ðạo phải ra tan tành manh mún.

 

Kẻ hữu đức buồn lòng thối bước, đứa chơn thành không vui nắm tay theo; ma hồn quỉ xác loan vào; kẻ đức thiếu níu đứa không nhân; thành ra nhơn kém đức suy, cứ thẳng một đường tà dung ruổi.

 

Cơ lập Ðạo là nhiệm mầu vô giá; biết Ðạo, biết ta, biết người, biết thế, biết thời, biết vinh hư, biết tồn vong ưu liệt, rồi mới có biểt hổ mặt thẹn lòng, biết sự thế là trò chơi, biết tuồng đời là bể khổ; biết thân nô lệ dẫn kiếp sống thừa, biết nhục vinh mà day trở trên con đường tấn thối. Có đâu dường đời còn lắm giành xé, hại lẫn nhau, mong chi đặng tầm Tiên noi Phật.

 

Công Thầy bố hóa, bị lũ học trò tham lam ngu xuẩn, dục lợi cầu danh làn cho tà quái lẫn vào, dìu dắt vào chốn hang sâu vực thẳm; thế mà hồn Ðạo phải chịu ngàn năm phưởng phất.

 

Thầy thấy nhiều đứa xã thân cầu Ðạo, diệt tục xủ phàm, để mình làm hướng đạo. Hỏi vậy có ai xứng đáng chưa?

 

M... Ng...?

 

M... Ng... bạch:. . . . . . . .

 

Ôi! Thầy vì mấy chục ức nguyên nhân, không nỡ để cho ngôi phẩm tan tành, chớ lấy luật thiên thơ thì không một ai dự vào Kim-Bảng.

 

Tu hành vẫn trái với thế tục, mà trái với thế tục mới đặng gần ánh Thiêng-liêng. Thầy thấy nhiều, tu cũng muốn tu mà thế tục cũng không muốn chừa bỏ. Thế tục là nét dìu dắt cho mất tánh thiêng liêng, phải lấy nghị lực cang-tâm mà kềm chế, thì cái lối diệt vong, mới chẳng làm uổng công phu hành đạo cho.

 

Áo dà cũng muốn mặc, giày đạo cũng muốn mang, muốn đứng trước cả nhân sinh, để cho họ biết mình hướng đạo. Ðường Tiên cũng lấp lững, nguồn Thánh cũng toan vào, mà thấy bạc rơi cũng không bỏ, lợi mún chẳng từ, mượn danh Ðạo mà tạo danh mình, vô Thánh-điện mà hơi tà còn phảng phất. Muốn cho nhà thiệt cao, áo thiệt tốt, mượn lốt cọp dọa cáo bầy bụng trống rỗng, túi thâu đầy toan làm thầy lũ dại.

 

Ôi! lốt Ðạo, lốt Ðạo, Thầy buồn cho trẻ ngây, chẳng còn biết làm sao đem Thánh-giáo vào tai chúng nó được.

 

Thầy nhớ xưa, kẻ mộ Ðạo, chịu ngàn cay muôn đắng, biết có người mà chẳng biết nhọc mình; giày gai áo bả, đội nguyệt, mang sao, gió trước lọt chòi tranh, mưa sau hư giạu lá , bần hàn chẳng quản, tay trắng dìu người, một mảy không bợn nhơ, mới có thể lập ngôi cho mình đặng, có đâu lấy của lấn nhân, mượn quyền xua đức, kẻ chân thành lánh mặt, đứa tà mị áp vào, rồi cúm núm mang hơi tà, lại dua nói rằng thờ chánh-giáo.

 

Thầy hỏi: ai chứng cho?

 

Lễ-Nhạc chẳng hoàn toàn, nhiều đứa cậy tài học giỏi lượm lặt sạch xả rác hủ nho; mong bài bác đặng vinh mặt. Thầy bây giờ chỉnh để phú Thiên-điều hành luật, ai biết nguồn cội, vội sửa mình; mới mong tránh khỏi lũ tà ma, mà đi cho cùng bước Ðạo.

 

Uổng thay! nền Ðạo chẳng phải hư, ngày nay không phương tái lập. Thầy giao cho mấy đứa, vì Ðạo vì đời khá hiệp trí chung lo, họa may mới vớt người đặng muôn một.

 

M...N... con được phép cho mấy anh Tr..., Tr..., coi

 

Thánh-giáo của Thầy. Thầy cho các con hay rằng: Ðại lễ Tòa-Thánh chẳng hoàn toàn theo cách thức dạy trước đây thì khá biết rằng, có tà quái chứng mà thôi nghe!

 

Thầy khuyên các con:

Bước Ðạo lần chơn một dạ thành,

Xu trần chớ luyến lợi cùng danh.

Nâu sồng nhuộm áo pha màu khổ.

Tránh mối oan khiên chớ buộc mình.

Thầy ban ơn cho các con.

 

THĂNG.

 

 

12-4-1930 (17-3 Canh-Ngũ)

NHÀN-ÂM ÐẠO-TRƯỞNG

 

Hỉ chư Ðạo-hữu.

 

Ðã lâu, Bần Ðạo không được giáp mặt chư đạo hữu, để luận một vài câu chuyện về đạo đức. Hôm nay, Bần Ðạo cũng để dạ khen một ít hiền hữu, đã để hết tâm chí trao giồi thánh chất, mà cũng buồn nhiều đạo hữu còn chăm nom bước thế hơn đường tu. Ðức CHÍ-TÔN đã lấy Từ-Bi mà châm chế, mong ngày Ðạo được hòa bình. Vậy khá chung trí, hiệp tâm mà tái dìu mối Ðạo. Ấy là phương chuộc lỗi sửa mình, mà trở về ngôi cũ đó. Phải khá lo xa.

 

H... hiền hữu lúc này chuyên về văn chương quốc âm nhiều lắm há?

 

Nhiều đạo hữu khác đã từng được Thánh-Giáo và học hỏi đã thông, vậy Bần-Ðạo xin giải giùm bài thi nôm này:

Ðường về chớ nệ bước non sông,

Lần đến tìm nơi cảnh bá tòng.

(1) Bụng trống thảnh thơi con hạc nội.

(2) Lúa đầy túng thiếu phận gà lồng.

(3) Cô phần ngảnh lại đà bao tuổi,

(4) Sô diện xem qua khỏi mấy dòng.

Một điểm quanh co lên một nấc.

Lần lừa ngày tháng ắt qua đông.

 (Nhiều người giải 4 câu trên, qua đến điển-tích và cặp luận thì không ai hiểu hết, nên Ngài giải nghĩa).

 

GIẢI:

 

(1,2) Lý-Bạch viết: Lung kê hữu mễ than oa cận,

Giả hạc vô lương thiên địa khoan.

 

Thích-nôm : Gà lồng có lúa đầy bụng hằng ngày, mà nồi nước sôi hằng cận bên, không biết phải bị giết ngày nào. Còn con hạc nội, tuy bữa đói bữa no, nhưng trời đất rộng thinh, mặc tình cao bay xa liệng.

 

Tóm lại, thà cực mà được thông thả, còn hơn sướng mà phải chịu nguy hiểm. Có mối Ðạo dìu mình được tự do thiêng liêng, mà cái tự do thiêng liêng ấy, ta hãy làm con hạc nội mới mong chiếm được.

 

(3) Cô phần là mả hoang. (4) Sô diện là nhăn mặt.

 

Nghĩa giải riêng "Luận nhứt và luận nhì" chớ không phải chung nghĩa.

 

GIẢI :

 

Ta nhìn mấy cái mồ hoang, mả lạnh, nếu tìm mà hỏi cho rõ tông tích, thì toàn là những kẻ thiếu niên nằm nơi đó, thế thì đời người như bọt nước, như mây bay; nếu chẳng lo tu cho sớm, chừng khuất bóng rồi, té ra mình chưa gặp Ðạo.

 

Ðức Thích-Ca nói: Mạc đãi lão lai phương học Ðạo,

Cô phần tận thị thiếu niên nhơn.

 

Nghĩa là: Chớ có đợi lúc già mới học Ðạo, những mồ hoang ấy toàn là của kẻ còn trai trẻ.

Chư đạo hữu hiểu rõ chưa?

 

(4) Dòng đây là dòng nước, nước mà bị gió thổi, có con sông nào khỏi nhăn mặt, nước bị gió như người bị cường quyền, nếu chẳng thoát ra quyền ấy, thì chưa dễ chắc còn thân, Ðạo là phương dìu người khỏi quyền ấy mà thôi.

 

Cổ nho có câu: "Thanh sơn nguyên bất lão, vị tuyết bạch đầu,

"Lục thủy bổn vô sầu, nhơn phong sô diện!

 

Nghĩa là: Núi kia chẳng phải già, mà bị tuyết đóng nên bạc đầu. Nước kia chẳng phải sầu mà bị gió thổi nên nhăn mặt. Phải tìm cao xa mà hiểu.

 

Còn hai câu chót ai cũng hiểu. Vậy chư đạo hữu rán học đạo nghe.

 

THĂNG.

 

 

Giờ sửu 23-3 Canh-Ngũ (21-4-1930)

TÁI CẦU :

THẦY, Các con

 

Tr...! Thầy lập nền Ðạo nầy ra, là do nơi Thiên-thơ, lại cũng có lòng Từ-Bi, để vớt cả mấy chục triệu nguyên nhân lớn lao, trở hồi cựu vị. Thầy biết có những chơn linh, vì lãnh mạng tá phàm, mà dìu dắt các con của Thầy, nên chẳng nại công lao nhọc, yêu cầu cùng Tam-giáo nới tay cho Thầy cứu rỗi các con.

 

Than ôi! Công trình Thầy và các Ðấng Thiêng liêng thì nhiều, mà tấc thành của mỗi con, thì không đặng mấy; nhiều phen sống khổ, muốn chìm đắm các con, mà Thầy phải sợ cho đến nhăn mày khổ lụy. Thấy vậy, chẳng đành. Thầy phải sửa cải Thiên-cơ, mà để cho mỗi đứa được có ngày giờ, và thế lực mà dìu dắt nhau, cho tròn phận sự; nhưng rốt lại, tà quyền cũng lấn lướt chất Thánh, bước tục dẫn chơn phàm; Thầy rất đau lòng mà dòm thấy con cái liếu xiếu, bị lầm vào đường tà quái.

 

Ðứa thì bị mê tài, đứa thì ham cận sắc, đứa bị biếm vào lối lợi quyền, đứa bị xô vào nơi thất đức. Mỗi đứa mỗi nẻo, đều quăng sạch chất thiêng liêng, lầm lũi đưa tay theo mấy mươi động.

 

Hại nữa, là các con lại bị nó tàng ẩn, xô cho dang nhau, bứt nghiến tình đoàn thể chặt lìa dây liên lạc; giành xé cắn rứt nhau, như kẻ khác nhà, gà riêng ổ, cho đừng có thế lực chi, mà kình chống với chúng nó, rồi rốt cuộc lại, thì các con phải lần lần bị manh mún phân chia, sa vào hang sâu vực thẳm.

 

Thầy tưởng để cho các con lo liệu giành giựt, đương cự với chúng nó, nhưng dòm Thiên-thơ, thì tám phần mười, đã sa ngay vào chơn của quỉ vương vày đạp, mà lại phần đông, các con là bậc phẩm cao, chức trách trọng hậu. Thầy phải ép lòng chịu tư vị với các con, mà thố lộ một ít. Vậy nên biết mà kềm sửa bước đường, đặng cứu chửa căn bịnh cho nhau, và ngăn ngừa bước đường cho những đứa sẽ đến.

 

Tà đã thắng chánh, thì con làm thế nào mà đương cự cho kham. Con là đứa Thầy đã tin cậy hồi mới ban sơ; tuy bước đường cũng lắm lúc sai lầm, nhưng nhờ các Ðấng Thiêng-liêng thương mà chỉ dẫn; nên bước vừa trờ tới, kịp lúc trở ra. Thương hại thay cho nhiều đứa khác, quyền chưa từng nắm, của chưa đặng cầm, sắc chưa từng gần, lợi chưa từng thấy; bị lũ quái tùy Thiên-thơ, đem treo trước mắt, mà phải lầm lũi bước đường; chơn linh quí hóa kia mắc lẫn với xác phàm, mà phải chịu muôn đời chìm đắm.

 

Ðạo tuy cao, song nên biết sức quỉ, cũng chẳng hèn, nếu không ngăn ngừa, dằn lửa nóng trong tâm, thì lửa Tam-muội của Quỉ-vương đốt cháy. Con khá hiểu lời Thầy, và nên biết rằng, nếu con chẳng dụng quyền lực của Thầy, ban cho con, mà đương cự dìu dắt các em, thì một ngày kia, nó dẫn đi lần hồi hết; rồi còn một mình, như chim lẽ bạn, như phụng lạc bầy; gặp cơn giông tố kia, cũng chẳng sức gì đởm đương cho khỏi xa nơi hắc ám. Chừng ấy thì thế giới phải tạo lập lại, sụt các con cho đến địa cầu bảy mươi hai, đặng chờ lúc thiên niên đày vào Nghiệt-Cảnh. Nên biết trách nhiệm rất nặng nề, nếu chẳng kham, thì con đường thiêng liêng kia, đâu an vị được.

 

B...! Thầy đã lấy ân huệ ban cho con, rất xứng đáng, cái ân huệ ấy, là tấm sắt hộ tâm; sao chẳng giữ gìn trọng trách, làm cho chinh lòng nhau. Chưởng-Ðạo Kim-Biên lãnh mạng Thầy mà dìu dắt; hễ có một bực trổi hơn, thì con đường phải gay trở thêm. Nếu cái nhẫn kia chẳng đặng để đứng đầu, làm cho nó phiền, trả chức lại, cũng như Lý-Bạch ngày nọ thì mong chi đi cho cùng bước.

 

Thầy thấy thiên thơ mà đau lòng, nên mấy lời nầy là lời chót thiết yếu chung; nơi đây cũng vậy, mà Kim-Biên cũng vậy, khá chung lo mà gỡ rối, nghe!

 

Thầy ban ơn cho các con.

 

THĂNG.

 

 

Ngày 12-5 Canh-Ngọ (8-6-1930)

QUAN-THÁNH ÐẾ-QUÂN

 

Hỉ chư Ðạo hữu,
Nền Ðạo chưa lập thành mà bên trong, thì người biếng trau thánh chất, nơi ngoài, người lại muốn kêu nài so đo với các Ðấng Thiêng-Liêng, đặng làm cho rõ mình là thấy xa hiểu rộng.


Thời thế đã đổi dời, họa Thiên-điều hầu kế cận; từ Nam chí Bắc, khắp Ðông qua Tây, thỉnh thoảng trường náo nhiệt khởi động, diệt tàn kẻ vô đạo. Xác phàm mắt thịt, nếu đã sẵn ánh thiêng liêng, mà không sớm tĩnh hồn, thì mảnh tro bụi kia, chẳng khỏi chịu hình đòi lúc. Than ôi! Trời cao minh soi xét, mà người vẫn mê muội ám mờ, đem mảnh trí cỏn con kia, chống kình với khuôn linh Tạo-hóa. Muốn học mùi Ðạo, mà lại kéo nài giao kết, thì dầu cho bậc phẩm nào đi nữa, cái ân đức Từ-Bi cũng khó chiều theo được.


Các Ðấng Thiêng-Liêng xưa kia khổ hạnh, công cán thế nào mới được về ngôi cao phẩm quí, há chẳng phải là gương tín thành đáng noi dấu hay sao?


Ðời mộng ảo nầy, sự còn mất như bọt nước mây bay, khá qui chánh cải tà, nắm giữ lòng thiện niệm, thì một may mới tránh khỏi bẫy vô thường của quỉ vương đương giành xé. Tánh kiêu căng tự đại, là hang thẳm chôn lấp trọn thân hình hồn phách đó; nên ghi nhớ mà lập tâm sửa mình. Khá gắng nhớ bài nầy:

Khuôn đời chưa dễ tạo nên hình,
Tóc bạc còn mờ lối nhục vinh.
Hòn ngọc khó đem trau thánh chất,
Cân vàng khôn lấy nện chày kình.
Phước Trời gieo sẵn còn giao kết,
Lợi thế chưa nên xúm giựt giành.
Thời cuộc tuần hườn tai ách khởi,
Liệu mà xông lướt liệu đua tranh
.

Các Ðạo-Hữu Thiên-phong nên giảng bài nầy cho chúng sanh.


THĂNG.

 

 

Ngày 12-5 Canh-Ngọ (8-6-1930)

NHÀN-ÂM ÐẠO-TRƯỞNG

 

Hỉ chư Ðạo-Hữu, chư Ðạo-muội.

 

Bần-Ðạo vâng Ðức CHÍ-TÔN đến tỏ cùng chư Ðạo-Hữu yêu dấu ít lời.

 

Bần-Ðạo rất buồn cho nhơn sanh, chưa kịp nương bóng Ðạo, để đến đỗi ngày nay Thiên-Ðiều đã cận, nên biển khổ phải chịu đắm chìm, khó mong siêu rỗi đặng. Cũng nơi Thiên-tai, ách nước, nhưng rất đau lòng, dòm thấy muôn ngàn nhơn loại lặn hụp chới với nơi vực thẳm hang sâu kia, mà con thuyền Bát-Nhã cũng còn sóng dập gió dồi, linh đinh trên biển khổ, sông mê, khó vớt người bị đắm.


Nền Ðạo thung dung được đứng sững trên cõi Việt, mà đùm bọc che chở những kẻ hữu phước, hữu phần, nếu dần dà chẳng tỉnh ngộ, mà ung đúc cho cứng như khối tinh thần, để nay trở bước, mai đổi đường, thì mảnh xác phàm tục kia, tránh sao khỏi lối tan tành ra tro bụi.


Bần-Ðạo khuyên khá hết dạ kỉnh thành, mà vọng ngưỡng nơi Ðấng CHÍ-TÔN, thì con đường được thung dung đằm ấm, chí ư đem họa cỏn con biến đổi trong gia đình, mà so sánh trành tròn với đức háo sanh của Tạo-hóa, thì đường đạo đức minh quang, thế nào trông chờ bước tới nữa, mà vẹt ngút mây xanh trông vào cảnh tự tại.


Vào nơi đạo đức rồi, dầu cho phải cắt ái ly gia, chia tình xẻ nghĩa, máu thịt đoạn ly, mà làm cho tròn trách nhiệm xứng đáng của mình, để hiến thân chuộc sanh mạng cho muôn ngàn kẻ đồng bào, thì cái đau đớn thường tình, sự khổ tâm ở thế kia, đau khổ nào có tiếc. Ấy là cử chỉ của bậc Thánh trước, tìm mối chơn đạo như thế, chư đạo hữu nên ghi.

 

THĂNG.

 

 

Ngày 5 tháng 5 Canh-Ngọ (10-6-1930)

LÝ-BẠCH


Hỉ chư Ðạo-hữu,
. . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .

 

Ðạo chẳng phải một món hàng mà nay đem cầu người nầy, mai đem nài kẻ kia, cho họ biết mà nhìn nhận, thật nên nhục thể Ðạo quá!


Ðấng CHÍ-TÔN đã gieo giống quí hóa rồi, thì cần phải vun trồng cho cội sởn sơ. Cội sởn sơ mới có đâm chồi trổ tược nhành lá sum sê, hoa đơm sắc sảo, rồi mới đến trái oằn sai mà thành kết quả xứng đáng.


Chừng hương nực mùi, hoa đơm trái rồi, ngàn dặm cũng tìm đến hưởng nhờ giống quí, nhọc chi phải hạ mình mà làm cho nhẹ nhàng phẩm giá.


Các Ðạo-hữu cứ đường ngay thẳng tới, chung lưng đâu cật mà lo việc mình, thì muôn việc đều nơi CHÍ-TÔN sắp đặt nghe.


Tr... hiền hữu rõ chưa? Ðã lầm nhiều rồi đó. Danh Ðạo đã hán một lần rồi, rán mà chuộc lại. Tòa-Thánh là cội nguồn, ngày nào được sừng sựng đứng vững, nêu trên miền Tây vực nầy, ấy là ngày họ cầu thỉnh các Ðạo hữu đó. Nên biết mà lo.


THĂNG.



 

Tòa-Thánh, ngày 24 Décembre 1930 (Canh-Ngọ)

ÐẠI-ÐẠO TAM-KỲ PHỔ-ÐÔ

LÝ-GIÁO-TÔNG

 

Hỉ chư Hiền hữu, chư Hiền muội.


Lão đã mang một cảm tình rất nặng cùng chư hiền hữu, hiền muội rồi đó; Lão là người đã đứng ngoài vòng thế sự hèn lâu, nên đòi phen bợ ngợ, phải tìm tàng lượng trí lý mỗi người, ôi! nghĩ nên rất khó! Vì khi nãy, Lão thấy con cái CHÍ-TÔN đông đảo dường ấy, may là một nước Việt-Nam chưa đủ trọn, mà dường nầy, ngày nào Ðạo đã truyền bá toàn trong nhơn loại, trọn khắp ngũ-châu, mới sao nữa!


Ngán thay cho cái trách nhiệm nặng nề, vì trót đã hứa lời cùng Từ-bi ra tế độ, hễ trách phận đàn anh, tuy nhiên lấy oai quyền khuyến nhũ trừng trị lấy em mặc dầu, chớ cũng nên hiểu tâm của mỗi đứa. Lão chỉ sợ một điều là Lão không phương gần kẻ tà tâm, toan dạy dỗ. Còn như gần kẻ đạo đức chơn thành thì rất dễ, song chẳng cần ích, tâm Thánh là ngôi vị của Ðấng Thiêng-Liêng, không lo trau giồi thì cũng còn tự nhiên vì vẻ đẹp; còn vẻ đẹp thiên nhiên đã mang nặng thi hài nơi khổ cảnh nầy mà không mất thì đoạt vị đã đặng rồi, lại cần ai nâng đỡ; ấy vậy, Lão đến mà gieo hột Thánh-cốc nơi lòng của kẻ tà tâm, mong cho đơm bông kết quả, đặng liệu thế hồi tâm, chớ chẳng phải đến rước người hiền ngõ.


Lão đây cũng vậy, mà chư hiền hữu cũng vậy, chúng ta đã đến tạo thế sửa đời vẫn là phận sự của chúng ta đã hẳn, hãy biết phận mình mới an tâm, liệu thế chuyển xây, đã có khó ắt có hay, đã có gay thì có thuận, bền chí xem mảy mún cơ Ðời. Chư hiền hữu, chư hiền muội, xem trong năm khai Ðạo, biết bao khổ não truân chuyên, Lão vì đã thấy rõ, nên không nỡ ngồi an xem cơ thắng bại, Lão nhứt định đứng chung vai đấu cật cùng chư hiền hữu, chư hiền muội mà chia bớt khổ tâm.


Lão chẳng phải sợ, vì chưa có quyền hành hữu vi nào mà phạm đến Lão đặng, chỉ sợ giùm cho chư hiền hữu, chư hiền muội mang nặng phi phàm mà chịu cường quyền đè nén. Chư hiền hữu, chư hiền muội, có đạt được phép tiên tri như vậy đâu mà mong tránh khỏi.


Lão nghĩ như thế, nên nhứt định tái-thủ quyền hành, đem cặp nhãn thiêng liêng thay vì cặp nhãn của Thầy đặng thấy giùm mọi điều cho chư hiền hữu, chư hiền muội, đặng quyết thắng chúng sanh trong kỳ khai đạo nầy, thì Lão tưởng khi Lão chưa phải là người vô dụng vậy.


Lão nặng mang tình nghĩa cùng một bạn thiêng liêng vì đời lãnh mạng, tạo Ðạo đặng cứu chúng sanh mà phải chịu mông trần vào cảnh đọa. Lão nên nói rằng : cơ thưởng phạt của Thiên-Thơ thì lắm điều trái hẳn với trí người tưởng tượng, có nhiều khi thưởng hữu hình mà làm hình phạt vô vi, mà có khi lấy hình phạt hữu vi mà thưởng thiêng liêng công nghiệp.


Vậy cái thưởng và cái phạt của Lão dùng điều đình Thánh-Giáo, nhiều khi chư hiền hữu, chư hiền muội không phương thấy lý đặng. Nên khá dè chừng, đừng vội luận nhảm, bàn khùng, mà mang tội thiêng-liêng rất uổng, nghe!


THĂNG.
 

 

Mồng 9 tháng 2 Tân-Mùi (20-4-1931)

Ngọc Hoàng Thượng Ðế viết

Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Ðạo Nam Phương

 

Hỉ chư môn đệ.


Tr...! Nền Ðạo chinh nghiêng, ấy cũng nơi Thiên-định. Nước có trị loạn, đời có hưng vong, thì Ðạo tất phải có dùn thẳng : quanh co, rồi mới đến thẳng rẳng đường ngay mà lập nên thể thống.


Thầy đã vì chúng sanh mà lập Ðạo, nhưng kẻ phàm tục còn ám muội, tham danh chác lợi, lấn tước cầu quyền, thì ấy là tự chúng nó gieo mình nơi vực thẳm; cân thiêng liêng thế nào, rồi cũng vì tội ấy, mà để cho các con biết sự khinh trọng lúc kết cuộc ra sao.


Con khá giữ mực thẳng, mà đi cho cùng bước Ðạo; ấy là tri thiên mạng đó.
Cuộc biến đổi đau đớn ở thế tình, chẳng qua là do Thiên-Thơ định đoạt. Rủi may, may rủi, khá biết có Thầy, có Ðạo; vui lòng thiện niệm, thì sự lo lắng mảy mún chi của con, cũng có nơi thiêng liêng biết đến, nghe!


Chớ nên xao tâm động trí, ngơ ngẩn theo thường tình, thì não cân được tự minh, mới có thể ngăn cản tà mị độn nhập vào mà khuấy rối; Ấy là lời dặn đinh ninh, nếu chẳng lưu tâm, thì chẳng khỏi sự khổ xảy tới.


Nên biết nghe!

 

Ð... đến nghe dạy, nghe và kiếm biết.

Cái Ðạo cang thường có thế thôi,
Thương sanh giữ vẹn chớ nghiêng dời
Nhọc đời chưa dễ công đeo đuổi,
Nâng thế tua trau quả đắp bồi.
Chích cách riêng vui con hạc lánh.
Ngừa thuyền còn đợi nhánh tùng rơi.
Ðường tơ đã đứt đừng toan nối,
Ðạo đức thìn lo trở lại ngôi.

Căn xưa quả cũ, đã trả vẹn thì con đường đạo đức, tất là nấc thang dìu đến phẩm cũ ngôi xưa. Biết thiên mạng, biết mình, biết chúng sanh. Ấy là biết tìm ngọn đuốc sáng sủa tôn chỉ thanh cao, mà nâng mình khỏi nơi biển khổ vậy......


THĂNG.
 

 

Ngày 1-8-1931 (Tân-Mùi)

Ð.Ð.T.K.P.Ð. LÝ-GIÁO-TÔNG

 

Th... Tr... Nh... ngày nay Lão đã nhượng nửa quyền hành cho đó, là có ý để mắt coi hiền hữu đúng phận cùng chăng? Lão hạ mình bỏ quyền Nhứt-Trấn, lãnh việc Giáo-Tông mà lập vị cho đoàn em bước tới. Lão đã lắm phen thấy điều khó khăn mắc mỏ của phần ấy, nên ra tay giục loạn đặng phân rõ chánh tà, hầu giúp phương cho Hội-Thánh trừ khử.


Lão để mắt coi cái công bình phàm của chư hiền hữu giữa Tòa Tam-Giáo là dường nào? Lão lại còn lấy công bình thiêng liêng mà để phương cho mỗi vị tội nhân cải lỗi lấy mình, ấy là thể lòng từ-bi của Ðức CHÍ-TÔN. Bằng chẳng, thì Lão đã hạ cơ trục xuất cả thảy, chư hiền hữu đừng tưởng lầm rằng vì Ðạo chinh nghiêng mà buộc Lão tùng đời; ấy là lời tuyên ngôn của Lão đã hứa quyết. Hiền hữu làm thế nào cho vừa trách nhiệm thì làm cho Lão xem thử.


Ng... Tr... Th... Lão để lời ban khen đó, nên hư của Ðạo đều nơi tay hiền hữu, hiền hữu khá liệu lấy mà giữ gìn. Lão ở trong thân hiền hữu, hiền hữu ở trong thân của Lão, Lão đủ quyền hành mà xây chuyển thiên cơ được cùng chăng cũng do hiền hữu. Khá kính lịnh.


CHÍ-TÔN để lời mừng cho hiền hữu.


Th... T... Th..., Lão mừng hiền hữu đó. Lão vì CHÍ-TÔN đã hứa mà lo lập vị cho đáng giá, vậy hiền hữu cũng phải tận tâm mà chung lo với Lão mới phải.


Ngày nay đã hành chánh, thì cũng nên lập mình cho đủ tư cách của một người cầm sanh mạng của nhân loại. Chưa có ngôi vị Ðế-vương nào mà sánh với phẩm vị Thiêng-Liêng đặng, khá phân biệt trượng khinh mà giữ gìn kẻo bị tà dâm rối loạn. Hiểu à.


Lão chưa hề thấy ai để trọn tấc lòng mà làm nên danh thể cho Ðạo, mà kẻ phá Ðạo hư rất nhiều. Hiền hữu rán mà trừ tà, diệt mị cùng Lão, kẻo ngày sau tránh không qua lời tiên tri của Lão đa nghe! Phải hiệp đồng cùng cả Chức-sắc Ðại-Thiên-Phong mà khử loạn, bằng chẳng vậy thì Lão nhứt định không cho ai thăng cấp một người. Hiền hữu biết rằng trong trận trí binh nầy, nếu không đủ tài tình oai dõng thì chẳng hề thắng đặng. Hiền hữu đã lãnh trách nhiệm nặng nề giáo hóa, thì khá dạy sanh chúng biết lẽ chánh tà mà toan độ rỗi, còn mưu chước của quỉ quái, tinh ma là mưu của Lão để phân biệt chơn giả, vàng thau, cho phẩm giá trọng khinh. Nếu hiền hữu để tai vào lời dối trá thì là làm binh khí cho chúng nó hại Ðạo đa, nghe!


THĂNG.

 

Tây-Ninh (Thảo xá Hiền-Cung), ngày 23 Décembre 1931

THẦY, các con,

 

Thầy lấy làm vui được gặp các con đủ mặt ngày nay mà hầu Thầy. Các con nghe lời dặn cần yếu nầy, mà làm phận sự các con cho vẹn vẻ cùng Thái-Bạch. Các con phải nhớ rằng toàn thế giới Càn-khôn, chỉnh có hai quyền: trên là quyền hành CHÍ-TÔN của Thầy, dưới là quyền hành của sanh chúng. Thầy đã lập hình thể hữu vi của Thầy, nghĩa là Hội-Thánh của Ðại Ðạo ngày nay rồi thì Thầy cũng phải ban quyền hành trọn vẹn của Thầy cho hình thể ấy, đặng đủ phương tận độ chúng sanh, còn các con cả thảy đều đứng vào hàng sanh chúng, dưới quyền hành chuyển thế của đời, nghĩa là toàn nhơn loại đồng quyền cùng Thầy, mà tạo hóa vạn linh vốn là con cái của Thầy, vậy thì vạn linh cũng có thể đoạt vị vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.


Trong quyền hành ấy có nhiều đẳng cấp, nên khỏi phải chịu phẩm Người; ấy là người chủ quyền của vạn linh. Thầy nói rõ : quyền CHÍ-TÔN là Thầy, quyền Vạn-linh là sanh chúng, ngày nào quyền lực CHÍ-TÔN đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì Ðạo mới ra thiệt tướng. Thầy đã ban quyền hành CHÍ-TÔN của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp. Vậy thì quyền hành CHÍ-TÔN của Thầy đặng trọn vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một. Còn cả nhơn loại thì là quyền lực Vạn-linh. Quyền hành CHÍ-TÔN của Thầy, duy có quyền hành Vạn-Linh đối phó mà thôi.


Thái-Bạch hằng giận các con rằng : mọi điều chi nó đã hiệp đồng cùng Hộ-Pháp mà ban hành, thì các con lại còn có khi lịnh mà xem rẻ rúng. Vậy thì từ đây hễ có mạng lịnh chi đã đủ hai đứa nó hạ truyền thì các con phải hội đủ nhơn sanh Hội-Thánh và Thượng-Hội mà xét nét cho cặn kẻ phân minh, đặng thi hành phận sự.


Thái-Bạch đã hứa cùng Thầy rằng, qua ngày Tòa Tam-Giáo nữ phái rồi, thì nó sẽ phong Thánh thêm nữa. Các con rán mà chìu theo lòng nó nghe.


Thầy ban ơn cho các con.


THĂNG.


 

Thánh-Thất Kiêm-Biên, ngày 14 tháng 2 Nhâm-Thân.

(20 Mars 1932)

NGUYỆT-TÂM CHƠN-NHƠN

 

Bần-Ðạo chào Quyền Giáo-Tông, Hộ-pháp, Tiếp-Ðạo và Hội-Thánh Ngoại-Giáo. Nam nữ Thiên-phong xin nghe : nước Thiên-Ðường thì ít kẻ, cửa địa ngục vẫn nhiều người, chưa từng thấy hạng nhơn sanh nào mà tự trọng thân hình, chẳng hữu ích chi cho cả cơ Tạo mà đoạt vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ngôi vị Thiêng-liêng chẳng phải do nơi sự cầu may mà đặng.


Bần-Ðạo khi đắc lịnh làm Chưởng-Ðạo lập Hội-Thánh giáo đạo tha phương, thì tùng lòng bác ái của CHÍ-TÔN, mở rộng thế cho nhơn sanh dâng công đổi vị, Bần-Ðạo chẳng kể là nguyên nhân, hoá nhân hay là quỉ nhân, ví biết lập công thì thành Ðạo. Bần-Ðạo để cho mỗi người tự do định phận, lại tùy thế khó khăn mà gầy thành công quả ấy vậy, nếu lấy phép công bình thì tự nhiên, nên thì thâu, hư thì bỏ. Bần-Ðạo đã chán thấy kẻ bất lực rất nhiều. Vậy Bần-Ðạo để lịnh cho mỗi vị Thiên-phong xét mình khai tội cùng Giáo-Tông và Hộ-Pháp, rồi sau mới định rõ đều thưởng phạt.


THĂNG.

 

Tòa-Thánh Tây-Ninh, tháng 10 năm (1932).

BÁT-NƯƠNG DIÊU-TRÌ-CUNG

(Giải thích về Âm-quang)

 

Âm-quang là khí chất hỗn độn sơ khai, khi CHÍ-TÔN chưa tạo hóa; lằn âm khí ấy là Diêu-Trì-Cung chứa để tinh vi vạn vật, tỷ như cái âm quang của phụ nữ có trứng cho loài người. Khi CHÍ-TÔN đem dương quang ấm áp mà làm cho hóa sanh, thì cái khoảnh âm quang phải thối trầm làm tinh đẩu là cơ quan sanh hóa vạn linh. Song lằn âm quang ấy có giới hạn, nghĩa là nơi nào ánh linh quang của CHÍ-TÔN chưa chiếu giám đến, thì phải còn tối tăm mịt mờ, chẳng sanh , chẳng hóa. Vậy thì nơi khiếm ánh Thiêng-liêng là âm-quang, nghĩa là âm cảnh hay là địa ngục, Diêm đình của chư Thánh lúc xưa đặt hiệu. Vậy thì chính lời nhiều Tôn-giáo, nơi ấy là những chốn phạt tù những hồn vô căn, vô kiếp, nhơn quả buộc ràng, luân hồi chuyển thế, nên gọi là âm-quang, đặng sửa chữ Phong-đô địa-phủ của mê tín gieo truyền, chớ kỳ thật là nơi để cho các chơn hồn giải thân định trí (một nơi trung gian giữa Thiên đường và địa ngục hay là mờ mờ mịt mịt). Ấy là một cái quan-ải, các chơn hồn khi qui Thiên, phải đi ngang qua đó. Sự khó khăn bước qua đó là đệ nhứt sợ của các chơn hồn. Những tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người, cũng nhờ cái sợ ấy mà lo tu niệm. Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tùy chơn thần thanh trược CHÍ-TÔN buộc đường trai cũng vì cái quan-ải ấy.


Em nói thiệt rằng, mấy anh hiểu thấu, thiệt kinh khủng chẳng cùng, nếu để cho chơn thần ô trược thì khó mong trở lại cõi thiêng liêng và về cùng Thầy đặng.


Em biết đặng nhiều hồn còn ở lại nơi ấy trót ngàn năm chưa thoát qua cho đặng. Thất-Nương ở đó đặng dạy dỗ, nâng đỡ các chơn hồn, dầu sa đọa luân hồi cũng có người giúp đỡ. Nghe lại coi có phải vậy chăng?

 

THĂNG.

 

 

Tây-Ninh (Phạm-Môn) 12 Février 1933 (29-12 Quí-Dậu)

BÁT-NƯƠNG 

Mầng nhau vì thấy giúp nên nhau,

Mầng Ðạo từ đây đẹp vẻ màu.

Mầng xác chí linh thêm mãnh lực,

Mầng thần chơn lý đặng danh cao.

Mầng duyên nhân loại đường tu vững,

Mầng phước nguyên hồn chẳng chút hao.

Mầng Ðạo từ nay nâng thế giới,

Mầng nền chánh giáo trở thanh cao.

Em an dạ, từ đây đã quan kiến sự kết cuộc của CHÍ-TÔN đã định trước. Em nhớ lại, khi Ngọc-Hư định cho Hiệp-Thiên-Ðài cầm số mạng nhơn sanh, lập thành chánh giáo, thì Ðại-Từ-Phụ lại trở pháp giao quyền ấy cho Cửu-Trùng-Ðài. Cả Ngọc-Hư chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều ngạc nhiên sự lạ. Ðại-Từ-Phụ phổ giáo rằng : Hay, hay không lẽ để phận hèn, ngày sau sẽ rỏ Thánh-ý Người quyết liệu.

 

LỤC-NƯƠNG-DIÊU-TRÌ-CUNG

 

Em chào mấy anh, em đương ở Ngư-Quan-Cung, Bát-Nương đến cho hay rằng mấy anh đương ngưỡng nghĩa, nên vội vã đến hầu. Khi mơi nầy em đặng tin lành : Ngọc-Hư lo chuyển pháp. Cả Thiên-Thơ hủy phá, sửa cải pháp chơn truyền. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật vui mừng chẳng xiết, Diêu-Trì Từ-Mẫu đẹp dạ không cùng, nhưng vì cái mừng ấy mà làm cho Người đổ lụy ngâm bài than nầy :

Vú mẹ chưa lìa đám trẻ con,

Ðộ sanh chưa rõ phận vuông tròn,

Quyền cao Ngự-Mã là vinh bấy,

Phận mỏng Hiệp-Thiên biết giữ còn.

Lợt điểm Thánh tâm trần tục khảo.

Vẻ tươi bợn thế nét dò đon.

Thà xưa ví bẵng nay gìn vậy,

Lòng mẹ ngại ngùng con hỡi con!

Nhị-Ca ôi! bài thi làm cho cả Diêu-Trì đều đổ lụy. Mấy anh nên lấy nó làm phép hằng tâm, thì bước vinh diệu thiêng liêng không lạc nẻo.

 

Anh Qu... Th... lịnh Quan-Âm dạy anh ẩn nhẫn, đợi Người lo giúp.

 

THĂNG

 

 

Ngày 17 thánh 3 Quí-Dậu (1933)

THƯƠNG-CƯ NAM-HẢI QUAN-ÂM NHƯ-LAI

 

Thiếp mừng mấy em, mấy em nghe à.

 

Ðạo quí là tại hòa. Các em thử nghĩ mà coi, tạo Thiên lập Ðịa cũng bởi âm dương hòa hiệp sanh hóa muôn loài, cũng bởi một chữ hòa, đến đổi như thân của người có tạng có phủ. Tạng phủ ấy, nếu chẳng hòa, thì con người chẳng hề sống bao giờ. Kịp đến tâm hồn bất hòa thì thất tình lục dục đều phát khởi tranh ngôi với thần lương tâm, nếu kém lực, thì con người ấy duy có sanh họa, trong vòng vật dục chớ chẳng hề biết Thiên-lý là gì?

 

Các em thử nghĩ cái phẩm giá của kẻ ấy cao hèn là thế nào, người chẳng có hòa là thế đó.

Còn gia đình chẳng hòa, thì dân cư bất mục, nước chẳng hòa thì sanh ly loạn. Còn cả thế giới bất hòa, thì nhơn loại đấu tranh. Vì vậy thiếp khuyên các em dĩ hòa vi tiên.

 

THĂNG.

 

 

Ngày 21 tháng 4 năm 1938 (Quí-Dậu)

THƯƠNG-CƯ NAM-HẢI QUAN-ÂM NHƯ-LAI

 

Thiếp chào các em. Các em có hiểu vì sao mà phải khai rộng lòng thương cho đến bác-ái chăng?...Vì vạn vật do Ðức Từ-Bi mà sanh hóa trong cả thế gian, vậy vạn vật đồng nhứt thể. Tánh háo sanh của Ðức Ðại-Từ-Bi cũng nhân đó mà vô biên, vô giới. Còn chúng ta lại là một loài trong vạn vật, thì chúng ta cũng ở trong luật hóa sanh ấy. Vì vậy mà hễ giết một mạng sống thì đau lòng Ðức Ðại-Từ-Bi, mà hễ đau lòng Ðức Ðại-Từ-Bi, thì Thiên sầu Ðịa thảm. Các em thử nghĩ, người tục có dám phạm đến oai Trời chăng?

 

Cứ do đó, thì ta đủ rõ rằng : Ta phải mở lòng bác ái, thương xuống đến các vật yếu hèn, một là tránh khỏi sa vào luật quả báo, vì luật Thiên-điều chẳng hề vị ai. Tuy mắt thịt không bao giờ thấy được, chớ kỳ thiệt một mảy lành dữ không qua được. Các em có lẽ hiểu câu:"Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu". Ấy là một lẽ, còn một lẽ nữa là người sanh trong cõi trần, Ðức Ðại-Từ -Bi ban cho một tánh tối linh hơn vạn vật, là có ý để thay thế cho Người mà dìu dắt loài yếu hèn hơn.

 

Các em thử xét, ở đời nếu cha phàm mà rủi có một đứa con bất hiếu, thì có phiền chăng? Còn Ðức Ðại-Từ-Bi mà có con không lòng bác ái thì thế nào? Mà người có nên trái lòng Trời là Ðức Ðại-Từ-Phụ chăng?

 

THĂNG.

 

 

Ngày 8 tháng 5 năm 1933 (Quí-Dậu)

 

QUANG minh chánh đại lập tâm thành,

ÂM chất khả tu Ðạo khả minh.

BỒ liễu nhứt nhơn sanh biến hóa,

TÁT thành kim thể đắc trường sanh.

 

Chào các em. Các em phải lo cúng kiến thường.

1._ Một là lập cho Chơn thần được gần gủi các Ðấng Thiêng liêng cho đặng sáng lạn.

2._ Hai là cầu khẩn với Ðức Ðại-Từ-Bi tha thứ tội tình cho các em và cả chúng sanh.

3._ Ba là có tế lễ thì tâm phải có cảm, cảm rồi mới ứng, ứng là lẽ tự nhiên.

4._ Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương tri lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ. Các em nhớ à.

 

Còn việc phổ độ, các em chớ nên vội quá, mà cũng chẳng nên biếng nhác quá.

 

Các em mỗi đứa phải để lòng vào đó thì mới có cảm động đến Ðức Ðại-Từ-Bi và có để lòng lo thì mới thành. Dầu một việc nhỏ mọn ở thế gian nầy cũng phải vậy. Huống chi Ðại-Ðạo là việc cứu vớt cả chúng sanh đương chìm đắm trong biển trầm luân kia.

 

Các em rán noi theo lời Thiếp thì có ngày được vinh diệu. Cái vinh hoa ấy ở thế gian chẳng hề có đặng.

 

THĂNG.

 

 

HỘI-THÁNH NGOẠI-GIÁO Kiêm Biên

Ðêm mùng 3 tháng 4 năm Quí-Dậu (26-Mai-1933 - 12:35)

CHƯỞNG-ÐẠO NGUYỆT-TÂM hay VICTOR HUGO

 

Chào chư Ðại-Thiên-Phong, chư hiền hữu, chư hiền muội. Phàm Pháp-luật lập thành, đều tùy sở dụng, buộc kẻ chung công hiệp trí tác thành một cơ sở vĩ đại, đông tây tương thân tương ái. Bởi cớ mà Luật-Pháp vẫn nhiều mặt đặc biệt cùng nhau, tùy theo phương dụng, chẳng thế dùng một mặt Luật-pháp nào mà thay thế vào một cơ sở khác hành vi cho đặng; cần thì mới lập, còn vô ích thì bỏ. Vậy các Luật-pháp của CHÍ-TÔN đã đào tạo đều hữu ích cho cơ quan hành động cho Thánh giáo của Người, một cái dấu bỏ ra cũng chẳng đặng. Hễ tùng thì Ðạo thành, còn nghịch thì Ðạo diệt. cả thảy Hội-Thánh chưa ai đặng quyền ra khỏi ngoại luật. Chúng ta vâng theo mới đắc thành quyền hành Hội-Thánh, thảng có một người nghịch thì làm rối loạn chơn truyền.

 

Kẻ nghịch cùng thế Ðạo, thì tội trục ngoại xã hội hay là diệt tàn cho khỏi lưu hại, còn kẻ nghịch cùng Ðạo pháp thì tội trục ngoại Thánh-Thể CHÍ-TÔN hay là có ngày quyền thiêng liêng diệt thác.

 

Chúng ta từ đây coi kẻ phạm Pháp-Luật như thù địch của Ðạo, dùng phương trừ khử. Bần-Ðạo đã thọ sắc linh Ngọc-Hư lo chuyển pháp, thì không phương tha thứ điều phạm bao giờ. Từ đây Hội-Thánh Ngoại-Giáo giữ nghiêm Pháp-Luật.

 

Bần-Ðạo xin để lời cầu khẩn cùng Giáo-Tông và Hộ-Pháp cũng để lòng lo phương kế trừ hại, đừng vì bác ái từ bi vị nễ.

 

THĂNG.

 

 

Ngày 9-4 Giáp-Tuất (1934)

THẤT-NƯƠNG DIÊU-TRÌ-CUNG

 

Tiếc thay, em có dặn trước ngày em đến, đặng hội hiệp đông đủ cùng nhiều chị, nhưng phò loan trễ nãi, nên em không phương gặp đặng, nhất là về việc Diêu-Trì-Cung bị mượn danh nơi khác mà dối gạt nhơn sanh. Cái hại ấy vốn chẳng vừa về phần tín ngưỡng. Chớ chi thất tại tà quyền, thì có mấy em trừ khử, nhưng tại nơi đồng tử thì mấy em không phương giải nạn cho mấy người mê tín.

 

Thưa cùng mấy chị, em xin nhắc nhở điều nầy. Ngày hội Ngọc-Hư đặng lo phương tiếp pháp của Tây-Phương Cực-Lạc qua, em đã đặng nghe thấy những lời của Ðịa-Tạng-Vương Bồ-Tát than thở rằng: Ngài là Phật, nên khó gần gũi các hồn nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ. Bởi cớ nơi âm quang, nữ hồn còn bị luyện tội nhiều hơn nam phái bội phần. Em lại nghe người ước rằng : chớ chi có một Ðấng Nữ-Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong của Phong-Ðộ thoát kiếp. Em mới để dạ lo lường cả lòng lẫn ái đến đó, em đã chán thấy nhiều tội tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều phương thế cho từ đây mấy chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm-quang hãm tội.

 

Em nên nói rõ Âm-quang là gì trước đã, rồi thì mấy chị mới hiểu đặng.

 

Âm-quang là nơi Thần-Linh-Học gọi là nơi Trường-Ðình của chư hồn giải thể hay nhập thể. Ðại-Từ-Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là "Tịnh-tâm-xá , nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm, xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội. Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác, thì tự nhiên tránh khỏi Âm-Quang. Nói cho cùng nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình, mà phút chót biết ăn năn tự hối cầu khẩn CHÍ-TÔN độ rỗi, thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm-Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của CHÍ-TÔN, là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.

 

Ôi! Tuy vân, hồng ân của Ðại-Từ-Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy; đó là mấy đạo hữu tín đồ bị thất thệ. Em trông thấy bắt đau lòng, phái Nữ lại là phần đông hơn hết.

 

THĂNG.

 

 

20-7-1934

THẦY, Các con.

 

. . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

Hồi trước còn ngu xuẩn, kẻ phò cơ không đủ tinh thần như mấy con, vậy nên mỗi khi cầu cơ, lấy làm khó nhọc lắm, mới được một vài lời của người khuất mặt: như đồng thật mê, thì ra thi hay, song khi rồi đàn, thì thần của nó phải si. Nếu dùng đồng mê, thì Ðạo biết bao giờ phổ thông đặng.

 

(Hỏi về việc nhập xác)

 

Chơn thần của các con gặp tà khí thì khó chịu, nên xin Thầy xuống điển nhiều đặng ngăn tà mị, một đôi khi phải nhập xác vì điển xuống nhiều. Cũng một lẽ ấy, mà mỗi lần lập thệ đều có nhập xác.

 

THẦY, các con

 

Thầy khen đạo tâm của hai con. Trước Thầy chỉ biểu hai con cứu bịnh cho trong đạo hữu mà thôi, là vì Thầy có ý để cho hai con liệu mà đối đãi với nhơn quần. Lòng nhân của hai con mà Thầy vốn rõ, rất hạp với tánh háo sanh của tạo hóa. Chẳng những phải cứu trợ kẻ ngoại đạo, mà lại cứu kẻ nghịch cùng mình trong cơn nguy nữa.

 

THĂNG.

 

 

Ngày 15-7 Giáp-Tuất (1934)

CAO THƯỢNG-PHẨM

 

. . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

Hồi em còn ở thế, sức giận của em đến đỗi, nếu em được Thiêng liêng vị tức cấp, thì có lẽ cây quạt của em đã đưa họ trụm vào Phong-đô không sót một ai. Nhưng chừng bỏ xác phàm, được nhãn huệ quang rồi, em lại thương đau, thương đớn, dường như sợ cho họ sái đường lạc nẻo, thì phải mất một bạn Thiêng-Liêng rất quí trọng vậy, thành thử, phải dìu dắt chìu theo tâm phàm họ cao thấp mà sửa từ bước, độ từ chặn. Mà nếu rủi dìu họ không được, thì phải tận tụy với trách nhiệm làm thế nào cho họ đừng sa đọa Phong-đô, để cầu với Tam-Giáo Tòa, cho họ tái kiếp mà chuộc căn quả.

 

Thế, anh có vì việc nhỏ nhen vô vị mà nỡ ngó Ðạo chinh nghiêng à!

 

Trách nhiệm là trách nhiệm, cá nhân là thứ chi, phải biết nguồn cội là gốc, thì mới tránh khỏi thường tình đặng.

 

Các đấng Thiêng-liêng đã thường nói :"Lợi danh thường tình là nhỏ, danh giá Ðạo là trọng. Ðãi người một bực, bất kể tên gì, chịu thiệt thòi mà làm phận sự. Trễ nãi của bước Ðạo thế nầy, thì Thầy có khổ tâm khai Ðạo cho chúng ta độ rỗi sanh linh đâu. Sự trễ nãi là sự phàm tâm của ta, anh cũng cần nên đoạn khổ cho người, chớ nên tạo khổ cho ai, đường đời là bến sông mê, thoát mê thoát khổ được, ai lại còn mang theo phằng phược vào mình mà để cho loạn tâm mệt trí về nơi đó, chẳng uổng kiếp sanh lắm ru?

 

THĂNG.

 

 

Ngày 16-tháng 7 Giáp-Tuất (1934)

THÁI THƯƠNG ÐAO TỔ

 

Hỉ chư Ðạo Hữu, Cười...

 

Có lẽ chư Ðạo-Hữu vẫn ngạc nhiên vì Bần-Ðạo đến thình lình, mà chư Ðạo-Hữu không để tâm trước đó chăng?

 

(M...NG... bạch : Quả nhiên như lời của Ngài, vì Thượng Phẩm có để lời trước rằng CHÍ-TÔN sẽ giảng dạy).

 

CHÍ-TÔN đã sở cậy Bần-Ðạo thố lộ chút ít điều mật yếu, để dìu bước chư Ðạo-Hữu trong buổi loạn lạc trong nền Ðạo buổi nầy.

 

M...NG... Hiền Hữu có nhớ những lời Bần-Ðạo đã giải bày lúc trước bằng nhiều cách và lấy danh từ khác nhau mà dìu dẫn chăng?

 

Cơ Trời mầu nhiệm, đối với đời, mà máy Thiên cơ đối với Ðạo, lại càng huyền vi thâm trọng hơn nữa, có lẽ tâm phàm dầu cao kiến đến đâu, cũng chưa đạt thấu được. Những vai tuồng của CHÍ-TÔN sắp đặt trên sân khấu Ðạo, nếu so sánh lại cũng chẳng khác chi những bậc nguyên nhơn lãnh phận sự dìu đời từ xưa đến nay mà thôi.

 

Muốn an tâm tỉnh trí và đè nén lửa lòng, cần phải có một nghị lực vô biên, một tâm trung quảng đại, thì mới khỏi bực tức với những trò đã vì mạng lịnh Thiêng-liêng phô diễn ở nơi thâm hiểm nặng nề nầy.

 

Nên biết rằng, mỗi việc chi đều có hạn định, có căn nguyên, đầu các bậc tiền bối cũng vậy. Phải lấy nết đạo đức mà xét đoán, thì mới hiểu thấu sự mầu nhiệm vĩ đại của CHÍ-TÔN sắp đặt.

 

Xưa Hớn-Bái-Công chưa phải là chánh đáng một vị Minh-Quân, mà cơ Trời vẫn để cho nghiệp Hớn ba trăm năm quyền bỉnh. Nào tật đố hiền tài, hữu thỉ vô chung, nghe lời sàm tấu, giết người lao công hạn mã, nếu chẳng phải chí của Trương-Lương thì không thể nào khỏi xung tâm oán trách. Võ-Tắc-Thiên hoang dâm thái thậm, Tùy-Dương-Ðế lỗi Ðạo muôn phần, khi Sở-Hạng bạo ngược vô biên, Tần-Thủy-Hoàng hôn quân cực điểm, nhưng, than ôi! Máy Thiên-cơ buổi nọ nếu phải chìu chuộng một ít vị công thần bị khép vào vòng những kẻ đã chịu sở bức, thì phải thay đổi, bôi xóa sự nghiệp non sông của những chúa tễ ngu muội ấy chăng?

 

Cười...

 

Ðời là đời, Ðạo cũng vậy, chi chi cũng có định phân mực thước. Những kẻ chí sĩ lãnh trách nhiệm nghiêng vai gáng vác cả non sông, đều làm phận sự, công nghiệp nhiều ít ấy, tính lời vốn với Tòa Thiêng-liêng, hoặc ghi tên tuổi vào thanh sử thiên niên, chớ chẳng phải để kể công trình với chúa tể ấy.

 

Than ôi! cái nư giận thường làm đổ nát những công sáng tạo đã qua, không biết bao nhiêu vĩ đại.

 

Hiền hữu chỉ biết hành động của người, mà chưa biết đến Thiên cơ của Ðức CHÍ-TÔN. Có biết thạnh suy, mà chưa chịu biết để công linh đào tạo thời thế, đặng dìu dắt chúng sanh cho kịp buổi.

 

Bần-Ðạo hỏi bốn hiền hữu có ai đã mang sao đội nguyệt, ăn mật nằm gai, chịu muôn sự khổ hạnh cõi đời để tạo hạnh phúc cho nhơn sanh chưa?

 

(T...Ð...bạch...)

 

Cười... Ðối với bực hiền xưa, chưa đặng muôn một nếu CHÍ-TÔN không lập sớm Ðại Ðạo, chờ đôi ba chục năm nữa, e khi các bậc nguyên nhơn đang vị hiện thời, đều phải chịu luân hồi không biết mấy kiếp.

 

Ngày giờ nhặt thúc, sanh chúng đương bơ vơ, chẳng biết đuốc huệ soi về phương nào, mãng nói nói cười cười. M... NG... hiền hữu có rõ ngày chung cuộc xây trở về đâu chăng?

 

Chắc hẳn không, nhưng Thiêng-liêng vị xin hiền-hữu cũng nhớ để công tâm, trí não vào chúng sanh với, hiền hữu chịu chăng?

 

(M...Ng...bạch...)

 

Cười... trách nhiệm là trách nhiệm,muốn làm thì dầu bao nhiêu cũng gọi thiếu, dầu ngày nào cũng gọi chẳng sớm, sớm là sớm nơi cái tâm bất định mà thôi. CHÍ-TÔN đã vì nỗi con cái của Ngài mà sửa chỉnh bước đường, thì hiền hữu lại há không vì sự yêu đương quí hóa ấy mà sửa đổi tâm trí cho quảng đại sao?

 

Tà chánh, cười... Bần-Ðạo nói thiệt, cũng chưa dám định đoạt. Trong cái rủi thường có sự may; trong cái may vẫn khép cầm sự rủi khó lường được, điều cần là nên làm mà thôi. Nếu luận tà chánh, thì chưa một ai dám còn mang mắt phàm xưng tụng mình là chánh. Cái tà, vì Thiên-cơ sử dụng, tà vì cơ thử thách của Tam-Giáo Tòa; tà vì những quỉ xác ma hồn lẫn lộn của quỉ vương để làm cho công phu lỡ lở. Mỗi cái tà có duyên cớ ấy, ngày sau đều có sự biến đổi Thiêng-liêng, hoặc có một kết quả. Ngày chung qui, chỉ đem về Thầy một chữ tâm và những công nghiệp đã gây thành cho sanh chúng. Nền Ðại-Ðạo đã chia ba, theo lời Bần-Ðạo đã nói, M..;NG...hiền hữu muốn lập công nơi nào?

 

Tòa-Thánh, Trung-ương, Hậu-Giang?

 

(M...NG... bạch... nơi Tòa-Thánh)

 

Tòa-Thánh là gốc cội của Ðạo, nếu muốn lập công nơi đó, vì Thầy đã dạy, thì nên làm đi, cách xây đổi phương lược tùy cơ ứng biến, ấy là cơ nghiệp riêng của mỗi đạo hữu, Bần-Ðạo không dám dạy, nếu chờ thì phải trễ chăng? hiền hữu nên xét, Ðời khác Ðạo khác, những sự lỗi lầm của mình tạo khổ cho mình mà nguyên nhân vẫn cứ huyền bí, mắt thịt tâm phàm chưa dễ độ đặng, nên xét cho xa.

 

THĂNG

 

 

HÔ PHÁP-ÐƯỜNG, ngày 18 tháng 10 năm Ất-Hợi

(13 Novembre 1935)

LÝ-THÁI-BẠCH

 

Lão chào HỘ-PHÁP, chư Chức sắc HIỆP-THIÊN, CỬU-TRÙNG, và HỘI-THÁNH NGOẠI-GIÁO.

 

Ðợi lão biểu CAO-THƯỢNG-PHẨM nâng loan (buông cơ), Lão đến tư đường của HỘ PHÁP nên cho miễn lễ, đứng hết.

 

HỘ-PHÁP, hèn lâu lão không đến chuyện vãng cùng nhau đặng, một là vì không cơ bút, hai là vì thiên thơ biến chuyển, Lão có đến cũng chẳng ích chi. Nay vì lễ Ðạo-Triều, nên đến chúc mừng chư hiền hữu. Lão để lời cám ơn HỘ-PHÁP đã chịu lắm phen nhọc nhằn khổ não làm cho Ðạo ngày nay đặng ra thiệt tướng. Lão chỉnh thẹn có một điều là Lão chưa giúp hay vào đó. Lão đa tạ, đa tạ.

 

HÔ-PHÁP bạch.......

 

Cười... Lão chẳng nói rõ, hiền hữu cũng thấy hiển nhiên rằng từ thử, thảng Lão có muốn nên cho Ðạo đi nữa thì cũng không thi thố chi đặng với một Hội-Thánh hữu hư, vô thiệt như vậy có phải ? May thay ! Thiên-Thơ do một mặt chẳng chi dời đổi trở ngăn, nên may ra nữa, từ đâY Lão có phương cầm quyền trị thế.

 

(HỘ-PHÁP bạch : Thiên-Thơ đã đổi, để tử xin giao quyền hành của Quyền Giáo-Tông lại cho Ngài đặng Ngài đủ oai cầm Thiên-Thơ vững chặt).

 

Cười, Lão e cho, một là Lão đã cho, không lẽ lấy lại, hai là hành pháp thì dễ, hành hình thì khó, không có nửa quyền trị thế của Lão nơi tay thì HỘ PHÁP có thể nào điều hành HỘI-THÁNH cho đặng. Ấy vậy cứ để y.

 

Nghe thi nầy và kiếm hiểu :

Bát nhã từ đây vững lái thuyền,

Tuông pha khổ hãi độ nhơn duyên.

Gay chèo thoát khổ đầy linh cảm,

Rạch nước trừ oan đủ diệu huyền.

Thổi thẳng cánh buồm thì lão thủ,

Nâng an lòng bản cậy Thần-Tiên;

Phong ba mấy độ đà qua khỏi,

Ném thử Gián-Ma đóng Cửu-tuyền.

THĂNG

 

về trang chủ