NHỮNG CUỘC MẠN ĐÀM THÂN MẬT VỚI THẾ GIỚI BÊN KIA

THÔNG LINH HỌC TRƯỚC VẤN ÐỀ CỦA SỰ HOÀI NGHI

 1/ Sự hình thành trái đất

Có 2 định hệ về nguồn gốc và sự hình thành của trái đất. Theo quan điểm chung, điều mà thường được các nhà khoa học nhìn nhận ; nó được cấu tạo do sự dần dà kết tụ những phân tử của vủ trụ ở một điểm nào đó trong không gian và tất cả các hành tinh khác cũng có quá trình hình thành tương tự.

 Theo hệ tư tưởng thứ hai, vừa xuất hiện trong thời gian gần đây và được xây dựng trên thần khải của một vị Thần minh, thì trái đất được hình thành từ sự kết hợp bốn vệ tinh của một hành tinh đã biến mất từ xa xưa. Quá trình kết hợp này được thực hiện theo ý nguyện của bản thân các hành tinh nhỏ đó; còn vệ tinh thứ năm, chính là mặt trăng , đã từ chối tham gia quá trình kết hợp này, và tự tạo cho nó một quĩ đạo riêng. Những khoảng trống giữa các hành tinh này do thiếu sự kết hợp của mặt trăng, đã tạo nên các vực sâu được bao phủ  bởi các đại dương. Các hành tinh khi sáp nhập đều mang theo các thực thể có trên nó, đó là con người, động thực vật của riêng nó… Những thực thể này, sau khi thoát khỏi trạng thái hổn độn, khi quá trình sáp nhập đã thực hiện xong và cân bằng được tái lập, đã trở thành cư dân của trái đất hiện nay. Họ chính là thủy tổ của các giống người trên trái đất: da đen ở châu phi, da vàng ở châu Á, da đỏ ở châu Mỹ và da trắng ở châu Âu.

 Hệ tư tưởng nào trong hai hệ trên chúng ta có thể coi là đúng với sự thật?

 Cũng như với các câu hỏi lớn khác, chúng ta cần phải có một giải pháp có lý cho nó.

Nhận xét: Thực tế, câu hỏi này và một số câu hỏi khác có liên quan nằm ngoài  yếu tố tinh thần, mục đích chính của chủ nghĩa thông linh. Cho nên thật nhầm lẫn khi người ta cho đó là đối tượng của các phân tích trong thông linh. Ngoài ra, liên quan đến nguyên tắc về sự vật, chúng tôi biết là các siêu linh, không phải điều gì cũng biết, chỉ nói những gì mà họ biết hoặc tin tưởng thật sự; nhưng luôn có những người dựa vào sự trái ngược giữa hai hệ tư tưởng mà qui đến kết luận chống lại thông linh học, nói một cách chính xác là bởi cả hai hệ thống đều do các siêu linh đưa ra, vì vậy chỉ nên so sánh các lý lẽ thuận hay nghịch ngay trong học thuyết, và dựa trên sự đồng tình của số đông mà đưa ra các đánh giá về giá trị của các cuộc đối thoại trong thế giới thông linh.

 2/ Địa linh (linh hồn của trái đất)

Chúng tôi đã tìm thấy một giả thiết sau đây trong cuốn sách có tên là: Khái quát về tôn giáo hòa đồng:

 “Thượng đế đã tạo ra đàn ông, đàn bà, và tất cả những thực thể đẹp nhất và trác tuyệt nhất, nhưng để bổ sung thêm tính năng động, Người cũng phú cho những thần hồn của các hành tinh năng lực tạo ra các thực thể ở cấp thấp hơn, bằng cách tổ hợp các dòng khí tăng sinh của chính nó, được biết đến với cái tên dòng cực quang, hoặc kết hợp dòng khí đó với các dòng khí từ các hành tinh khác. Thế nhưng, thần hồn của trái đất (địa linh) cũng như con người, có quĩ đạo của riêng nó, nghĩa là khả năng lựa chọn đi theo hướng thiện hoặc cái xấu, lại đi theo hướng thứ hai này. Do vậy mà đưa đến những sáng tạo khiếm khuyết và sai lầm, như tạo ra những động vật hung dữ và đầy nọc độc, những loài thực vật tạo ra độc tố. Nhưng loài người sẽ triệt tiêu các thực thể có hại đó, khi mà cùng với địa linh đi theo con đường hướng thiện, loài người sẽ thực hiện một cách thông minh hơn việc quản lý trái đất, từ đó mà tạo cho trái đất trở nên khối vận động ngày càng hoàn thiện.

Có điều gì là chính xác trong giả thiết này, và chúng ta cần phải nghe địa linh nói gì?

 3/ Vị trí của linh hồn con người?

Cũng trong cuốn sách nói trên, có một đoạn được coi là Chìa khóa của cuộc sống, trang 754, có viết:

 “Linh hồn có nguồn gốc từ hào quang của Thượng đế, mang hình dáng của thực thể con người mà nó điều khiển. Linh hồn ngự trị trong phần trí óc nằm giữa hai bán cầu não. Ở những người hoà hợp và thống nhất, linh hồn, phần kim cương chói lòa, sẽ đội một vòng hào quang sáng trắng, đó là vòng hào quang hòa hợp.”

Có gì là đúng trong giả thiết này?

 4/ Nơi cư trú của linh hồn

Cũng trong cuốn sách trên có viết:

 “Khi còn ở vùng các hành tinh, các siêu linh bắt buộc phải tái kiếp để tiến bộ dần lên. Khi đến được vùng mặt trời, họ không còn phải tái kiếp nữa, mà họ sẽ tiến bộ dần lên khi chuyển lên các mặt trời ở cấp bậc cao hơn, và từ những mặt trời ở thứ bậc cao nhất họ sẽ đến với thiên đường. Giải ngân hà, nơi mà ánh sáng rất êm  dịu, là nơi nghỉ ngơi của các thiên thần và thần linh.

Điều đó có thật không?

 5/ Những biểu hiện của siêu linh

Theo học thuyết do một siêu linh đưa tới, thì không một siêu linh nào có thể biểu lộ mình hay đối thoại với con người, họ không hề làm trung gian giữa thượng đế và nhân loại, bởi vì, Thượng đế, toàn năng và hiện diện khắp nơi, sẽ không cần phụ trợ nào để thực hiện các ý nguyện của Người, Người tự mình thực hiện tất cả. Trong tất cả các đàm thoại được cho là từ thế giới thông linh, chính Thượng đế đã dùng hình thức, dáng vẻ, ngôn ngữ, chữ viết, của các siêu linh mà người ta đã kêu cầu và tin rằng đang nói chuyện. .Do đó, khi một người nào đó chết đi, sẽ không còn bất cứ mối liên hệ nào nữa giữa anh ta và những người anh ta để lại nơi trái đất, và trong thế giới siêu linh, trước khi được tái kiếp tiếp tục để tiến bộ dần lên, anh ta sẽ luôn ở mức phát triển đã đạt được. Chỉ riêng Thượng đế mới có thể biểu lộ mình, do vậy, những cuộc đàm thoại mang tính thô thiển, tầm thường, báng bổ, lường gạt đều do Người tạo ra, nhưng là để thử thách con người, cũng như Người đã đưa ra những cuộc đàm thoại mang ý nghĩa giáo huấn cao vậy. Siêu linh đưa ra học thuyết này nói rằng chính mình là Thượng đế, và dưới cái danh này đã đưa ra một học thuyết lớn về tư tưởng, xã hội và tôn giáo.

Nên nghĩ gì về hệ tư tưởng này, các kết luận và bản chất của siêu linh đã đưa ra nó?

 6/ Những vị thần phản nghịch bị truất phế và thiên đường bị mất

 Chúng ta nghĩ gì về lý thuyết liên quan đến chủ đề này trong bài báo trên của Ngài Allan Kardec?

 Siêu nhiên

Bài viết của ngài Guizot (bài thứ 2 – số báo tháng 12/1861)

 Trong số báo trước đã đăng tải một chương hùng biện đáng chú ý của Ngài Guizot về Siêu Nhiên, và về chủ đề này chúng tôi được đề nghị đưa ra một số các nhận xét phê bình, nhưng tất nhiên chúng sẽ không làm giảm đi niềm kính trọng của chúng ta đối với nhà văn nổi tiếng thông thái này.

 Ngài Guizot tin vào siêu nhiên; ở điểm này, cũng như nhiều các vấn đề khác, điều mấu chốt là thống nhất cách hiểu về nghĩa của ngôn từ. Theo nghĩa đen, siêu nhiên là biểu hiện của cái gì đó vượt trên tự nhiên, nằm ngoài các qui luật tự nhiên. Nói một cách cụ thể hơn, siêu nhiên không tuân theo bất cứ qui luật nào, đó là một ngoại lệ, một sự vi phạm các qui luật về Sáng tạo; hay ngắn gọn hơn, nó đồng nghĩa với nhiệm mầu. Theo nghĩa riêng, hai từ này đã vượt ra khỏi ngôn ngữ tượng hình, người ta dùng nó để chỉ bất cứ cái gì đó lạ thường, đáng ngạc nhiên, khác thường; Người ta diễn tả một cái gì đó gây ngạc nhiên là cái đó thật huyền diệu, cũng giống như một cái gì đó có rất rộng lớn là vô tận, một cái gì đó có số lượng rất lớn là nhiều không kể xiết, hoặc một cái gì đó kéo quá dài là vĩnh cửu, cho dù trên thực tế, người ta vẫn có thể đo đếm tính toán chúng hoặc xác định một thời hạn cho cái cuối cùng. Cũng bởi chính lý do đó, trước tiên người ta cho  siêu nhiên là cái gì đó vượt ra ngoài giới hạn của tính có thể. Những kẻ tầm thường ít hiểu biết thường dùng từ này cho những gì mà họ không hiểu. Nếu như ta cùng hiểu siêu nhiên là những gì vượt ra ngoài các nguyên nhân đã được biết đến, thì khi đó, từ này sẽ không còn nghĩa thực sự chính xác, bởi những gì được coi siêu nhiên ngày hôm qua, hôm nay có thể sẽ không còn như vậy nữa. Chẳng phải có biết bao điều mà xưa kia được coi như vậy, nhưng khoa học ngày nay đã xếp chúng vào những quy luật thông thường! Với những tiến bộ đã đạt được, liệu chúng ta có thể tự mãn cho là mình đã biết được mọi bí mật của Thượng đế ? Và phải chăng tự nhiên cuối cùng đã nhượng bộ chúng ta về tất cả ? Chẳng phải là cứ mỗi ngày qua lại có thêm một phủ định cho sự tự phụ kiêu ngạo này ? Nếu một điều được coi là siêu nhiên ngày hôm qua mà nay là bình thường, thì có thể suy luận một cách hợp lý là điều ngày nay đang được coi là siêu nhiên có thể trong tương lai sẽ không là vậy nữa. Về phần mình, chúng tôi định nghĩa theo nghĩa chính xác nhất, siêu nhiên dùng để chỉ những hiện tượng đi ngược lại với qui luật của tự nhiên. Hiện tượng siêu nhiên hay huyền bí mang tính ngoại lệ, nhưng nếu tiếp tục xảy ra, thì nghĩa là nó tuân đã theo một qui luật đã hoặc chưa được biết tới, và như vậy nó sẽ trở lại là những sự việc tự nhiên thông thường.

 Nếu như ta giới hạn tự nhiên chỉ dùng trong thế giới vật chất, hữu hình, thì tất nhiên tất cả sự vật trong thế giới vô hình đều là siêu nhiên; nhưng thế giới siêu nhiên cũng tuân theo các qui luật của nó, vậy chúng tôi nghĩ là nên định nghĩa tự nhiên một cách hợp lý hơn như sau: Tự nhiên bao gồm toàn bộ các tạo phẩm sáng tạo theo những qui luật bất biến của Đấng Toàn Năng. Nên, cũng như thông linh học đã nêu ra, vì thế giới vô hình là một trong các  lực lượng, một trong những sức mạnh tác động lên vật chất, nên nó đóng một vai trò quan trọng trong tự nhiên; do đó đối với chúng ta các hiện tượng thông linh không phải là siêu nhiên, huyền diệu; vì vậy ta thấy rằng thông linh học, không hề muốn làm tăng thêm tính siêu thực mà thực sự muốn hạn chế và làm nó mất đi hoàn toàn.

Như đã nói, ngài Guizot tin vào siêu nhiên, nhưng theo nghĩa huyền diệu mầu nhiệm, điều đó không hề đưa đến lòng tin vào thế giới siêu linh và các biểu hiện của nó; còn với chúng tôi, tuy là các hiện tượng thông linh không có gì là khác thường, nhưng không thể suy diễn là trong một số trường hợp, Thượng đế không thể làm trái lại các luật lệ của chính mình, bởi Người là toàn năng. Người có làm điều đó không ? Ở đây chúng ta không xem xét điều đó ; Để làm điều đó, cần phải tranh luận từ từng sự việc riêng rẽ, chứ không phải từ nguyên tắc; thế nên, thử đặt mình trên quan điểm của Ngài Guizot, nghĩa là công nhận các sự việc huyền diệu là có thực, chúng ta hãy phản bác lại kết luận sau. được rút ra từ đó, kết luận đó là: Tôn giáo không thể không gắn với siêu nhiên, và chứng minh điều ngược lại là kết luận của Ngài chỉ dẫn đến triệt tiêu tôn giáo.

 Ngài Guizot xuất phát từ nguyên tắc là tất cả các tôn giáo đều được xây dựng từ siêu nhiên. Điều đó đúng nếu ta hiểu siêu nhiên là những gì không thể hiểu được; nhưng nếu ta tìm hiểu lại mức độ hiểu biết của con người vào thời kỳ tạo lập các tôn giáo ta thấy hiểu biết lúc đó về thiên văn, vật lý, hóa học, địa lý, tư tưởng …,  hạn chế như thế nào, rất nhiều các hiện tượng nay đã được hiểu  và giải thích rõ ràng, nhưng vào thời kỳ mông muội đã được coi là huyền diệu vì những lý do đó. Thêm vào đó là ngôn ngữ tượng hình, ký hiệu và phúng dụ mà các dân tộc phương đông sử dụng, luôn ẩn chứa các hư cấu, do đó mà nếu ngu dốt sẽ không thể khám phá ra được chính xác nghĩa của chúng. Hơn nữa, những lãnh tụ sáng lập tôn giáo, những con người trác tuyệt hơn, hiểu biết hơn người thường, để có thể gây ảnh hưởng đến số đông, đã tạo cho mình uy thế của một siêu nhân, và một số người còn tham vọng lợi dụng lòng tin của mọi người nữa, ví dụ như Noma, Mahomet và rất nhiều những người khác. Các bạn nói, đó là những kẻ bịp bợm. Hãy lấy các tôn giáo theo thiết chế Mô I Dơ : tất  cả đều công nhận sự sáng tạo thế giới theo Sách Sáng chế (kinh Cựu Ước): thế nhưng thực tế thì có gì siêu nhiên hơn sự hình thành này của trái đất, bắt đầu từ hư vô, vượt qua thời kỳ hỗn mang, và có các thực thể sống đến cư ngụ, con người, động thực vật, tất cả đều được tạo ra và sinh trưởng, và toàn bộ quá trình đó diễn ra trong sáu lần 24 giờ, y như phép mầu nhiệm của đôi đũa thần vậy ? Đó chẳng phải là sự vi phạm điển hình nhất các qui luật tác động lên vật chất và sự tiến bộ của các thực thể ? Chắc chắn, Thượng đế có thể làm điều đó; nhưng Người có làm không ?  Mới cách đây vài năm, người ta vẫn còn coi điều đó là niềm tin tuyệt đối, giờ đây, khoa học đã thay thế sự hình thành huyền diệu của trái đất bắng các sự kiện tự nhiên, bằng cách chứng minh tất cả đều đi theo các qui luật vĩnh cửu. Nhưng tôn giáo có bị ảnh hưởng gì không khi sự kiện làm cơ sở không còn là siêu nhiên nữa ?  Chắc chắn lòng tin vào tôn giáo sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nếu như tôn giáo đó vẫn khăng khăng phủ nhận những sự thật hiển nhiên, trái lại nó sẽ chinh phục thêm nhiều lòng tin khi đi theo các qui luật chung ấy.

 Một sự việc chẳng mấy quan trọng dù có quá nhiều những truy hại mà nó mang đến, đó là việc Josué đã làm mặt trời dừng lại để cho ngày kéo dài thêm 2 tiếng đồng hồ. Cho dù vật thể dừng lại là trái đất hay mặt trời thì sự việc cũng không kém phần siêu nhiên, nó đã đi ra ngoài một trong các qui luật cơ bản nhất, đó là qui luật về lực đang chi phối các thế giới.  Khi thừa nhận trái đất quay, người ta tin rằng đã thoát khỏi khó khăn, nhưng nếu không có quả táo của Newton, ta có thể biết được cơ chế tuyệt vời của Laplace và định luật về lực hấp dẫn. Nếu như vận động của trái đất dừng lại, chỉ ít phút thôi chứ không đến 2 tiếng đồng hồ, lực ly tâm dừng lại, và trái đất sẽ tiến nhanh đến mặt trời; sự cân bằng giữa nước và bề mặt được duy trì nhờ chuyển động liên tục; nên khi chuyển động bị dừng lại, tất cả sẽ bị đảo lộn, thế nhưng lịch sử thế giới không hề ghi lại một biến động nào dù rất nhỏ vào thời kỳ này. Chúng ta không nghi ngờ là Thượng đế đã giúp cho Jousé làm cho ban ngày dài thêm lên, nhưng bằng cách nào ? Chúng ta không hề biết, có thể đó là do dòng cực quang bắc cực, một hiện tượng khí tượng hay một hiện tượng nào đó mà không hề làm ảnh hưởng đến trật tự của sự vật; nhưng chắc chắn, đó không phải là hiện tượng mà hàng thế kỷ nay người ta coi như một tín điều, nếu ngày xưa người ta có thể tin vào đó, một cách khá tự nhiên, thì ngày nay lại không thể trừ khi chối bỏ khoa học.

 Nhưng, người ta cho rằng, tôn giáo còn dựa trên rất nhiều các sự việc chưa lý giải được hay không thể lý giải được. Chưa lý giải được, điều đó chính xác; còn không thể lý giải được, đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác; ai có thế biết được những khám phá và hiểu biết của loài người trong tương lai ? Chẳng phải ta đã chứng kiến, dưới ảnh hưởng của thôi miên, miên hành, thông linh học, đã tái tạo lại các hiện tượng xuất thần, ảo giác, bóng ma, quan sát từ xa, chữa bệnh tức thì, tự nhấc bổng, các giao tiếp bằng tiếng và bằng các cách thức khác với các thực thể trong thế giới vô hình, các hiện tượng mà thời xa xưa được cho là kỳ dị, thì ngày nay đã được xếp vào những hiện tượng tự nhiên theo qui luật cấu thành các thực thể. Các cuốn sách thánh luôn chứa đựng nhiều các sự việc được coi là siêu nhiên, và ta còn thấy rất nhiều các sự việc tương tự và huyền diệu hơn nữa trong các tà giáo cổ xưa, nếu chân lý của một tôn giáo phụ thuộc vào số lượng và bản chất của các sự việc này, thì chúng ta khó có thể biết tôn giáo đó mang bao nhiêu chân lý.

Ngài Guizot đã đưa ra, như bằng chứng về hiện tượng siêu nhiên, sự hình thành của con người đầu tiên, Ngài cho rằng, chắc chắn anh ta phải là người trưởng thành, vì nếu như anh ta là trẻ con, thì anh ta sẽ không thể tự nuôi sống bản thân được khi chỉ có mình mình. Nhưng nếu như Thượng đế đã tạo ra một ngoại lệ khi tạo ra anh ta là một người trưởng thành, thì tại sao Người không cung cấp cho anh ta các phương tiện để sống nếu như tạo ra anh ta là một đứa trẻ, và điều đó sẽ không vượt ra ngoài trật tự đã được thiết lập ? Vì các thú vật đã xuất hiện trước loài người, liệu đối với đứa trẻ đầu tiên này, câu chuyện hoang đường về Romulus và Rémus có phải là hiện thực không ?

Chúng ta đã nói về đứa trẻ đầu tiên, thì chúng ta cần phải nói về những đứa trẻ đầu tiên; bởi vấn đề về nguồn gốc duy nhất của loài người luôn là một chủ đề gây tranh cãi. Trên thực tế, các qui luật về nhân loại học luôn chứng minh điều không thể trên thực tế là khả năng sinh sản của duy nhất 1 ngưới có thể chỉ trong vài thế kỷ đã làm nên cư dân của cả trái đất, và chuyển hóa thành các giống dân da đen, da vàng, và da đỏ; người ta đã chứng minh rằng sự khác biệt này nằm trong cấu tạo các cơ quan nội tạng chứ không phải do tác nhân khí hậu.

 Ngài Guizot đã giữ một giả thiết nguy hiểm là không một tôn giáo nào có thể tồn tại mà không có siêu nhiên; và ông đã cho là các chân lý của Cơ đốc giáo đều dựa trên một nền tảng duy nhất là sự mầu nhiệm, hẳn ông đã đưa ra cho Cơ đốc giáo một chỗ dựa quá bấp bênh, mà các thành phần của nó đang tan rã từng ngày. Chúng tôi xin đưa ra một cái khác chắc chắn hơn: đó chính là các luật lệ bất biến của Thượng đế. Nền tảng này thách thức cả thời gian và khoa học ; bởi thời gian và khoa học sẽ phải xác nhận nó. Luận đề của Ngài Guizot sẽ dẫn thẳng đến kết luận là: tới một thời gian nào đó, sẽ không còn tôn giáo nào có thể tồn tại, ngay cả Thiên chúa giáo, nếu những gì coi là siêu nhiên được chứng minh là tự nhiên. Đó có phải là điều mà ông muốn chứng minh ? Không, nhưng từ hệ quả các lập luận của ông, chúng ta đã bước thêm một bước dài: bởi dù cho người ta cứ cố sức đưa ra và dùng hết các lập luận này đến lập luận khác, cũng không thể giữ được đức tin khi một sự việc siêu nhiên được chứng minh là không phải như vậy.

 Về phương diện này, chúng tôi ít hoài nghi hơn Ngài Guizot rất nhiều, và khẳng định rằng, Thượng đế luôn xứng đáng với lòng tôn thờ, biết ơn và kính phục của chúng ta vì Người đã không vi phạm nhựng luật lệ của chính mình, những luật lệ vĩ đại trước tiên là bởi tính bất biến của chúng, và Người cũng không cần phải làm ra các hiện tượng siêu nhiên để mình được tôn thờ,  và do đó, một tôn giáo sẽ có càng ít những kẻ báng bổ khi nó được công nhận là có lý về tất cả mọi phương diện. Thế nên, theo chúng tôi, cơ đốc giáo sẽ không có gì để mất trong quá trình thừa nhận này; nó chỉ phát triển thêm: nếu như điều gì có thể làm tổn hại nó trước dư luận đông đảo, thì chắc chắn đó là sự lạm dụng các sự kiện siêu nhiên và huyền diệu. Hãy cho mọi người nhìn thấy sự vĩ đại và sức mạnh của Thượng đế trong tất cả các công trình của Người. Hãy chỉ ra sự thông thái và khả năng tiên liệu đáng kính phục của Người từ sự nảy mầm của một chồi cây cho đến cơ cấu vận động của vũ trụ: những điều huyền diệu không hề thiếu, hãy làm thay đổi trong tinh thần họ ý tưởng về một Thượng đế ganh ghét, cáu kỉnh, hằn học và bất lực bằng một Thượng đế nhất mực công bằng, tốt bụng và khoan dung, Người không bao giờ dùng đến các nhục hình vĩnh viễn và vô vọng cho những tội lỗi nhất thời; khi ngay từ thơ ấu họ đã được nuôi dưỡng bằng những ý tưởng ấy và chúng lớn dần lên cùng lý lẽ, bạn sẽ có nhiều tín đồ nhiệt thành và chân thành hơn là khi ru ngủ họ bằng các phép phúng dụ mà bạn ép họ phải theo đúng từng ly từng tý,  rồi sau đó chúng sẽ bị chính họ gạt ra, và điều đó dẫn họ đến nghi ngờ và thậm chí phủ nhận tất cả. Nếu bạn muốn duy trì một tôn giáo bằng uy thế của sự huyền diệu, thì chỉ có một cách duy nhất, đó là kìm hãm con người trong tăm tối ngu dốt; hãy xem: điều đó có thể chăng. Càng cố gắng dẫn ra hành động của Thượng đế luôn là huyền diệu và ngoại lệ, thì càng làm cho chúng ta không thấy được hành động đó trong những huyền diệu mà ta coi nhẹ.

 Chắc chắn người ta sẽ viện dẫn sự ra đời thần diệu của Chúa Jésu, như điều không thế lý giải bằng các qui luật tự nhiên, và coi đó là một trong những bằng chứng giá trị nhất về bản chất thần thánh của Người. Ở đây chúng ta không xem xét vấn đề này; nhưng thêm một lần nữa, chúng tôi không hề nghi ngờ về quyền lực của Thượng đế cho phép Người vượt ra ngoài các luật lệ của chính mình, điều mà chúng tôi nghi ngờ, đó là tính nhất thiết phải có sự vượt ra ngoài khuôn khổ này để hình thành một tôn giáo.

 Thông linh học và thôi miên học, như người ta nói, khi tái tạo lại các hiện tượng được cho là huyền bí, đã chống đối lại các tôn giáo đương thời, bởi các khoa học đó mưu toan lấy đi tính chất siêu nhiên của các hiện tượng này. Sẽ làm được, nếu những điều đó là thực ? Người ta không thể cản trở các khoa học này, bởi chúng không phải là đặc quyền của riêng ai mà là của toàn thế giới. Ta cũng có thể nói như vậy về vật lý, hóa học, thiên văn học, địa lý, khí tượng, hay nói ngắn gọn là tất cả các môn khoa học. Về phương diện này, chúng tôi có thể nói, chủ nghĩa hoài nghi theo đa số, không có nguồn gốc nào khác ngoài tính không thể có của các hiện tượng huyền bí này; khi phủ nhận cái căn cứ mà ta đang dựa vào đó, họ phủ nhận tất cả những phần còn lại. Hãy chứng minh cho họ tính hiện thực và có thể của các hiện tượng này, bằng cách tạo lại chúng trước mắt họ, tất nhiên họ sẽ có niềm tin. – Nhưng như vậy là làm Chúa Jésu mất đi vẻ thần thánh ? - Vậy bạn thích là họ không tin vào bất cứ gì hơn là tin vào một điều gì đó sao ? Phải chăng Người chỉ có duy nhất phương tiện đó để chứng minh thiên tính của sứ mệnh mà Chúa Jesu mang ? Tính cách của Người chẳng phải trăm lần vượt hơn, từ tính cao siêu của học thuyết đến tấm gương về đức hạnh của Người ? Nếu chỉ nhìn nhận tính cách của Người trong các hành động vật chất Người đã làm, thì sao không làm điều tương tự với người khác, đơn cử như Apollonius – Thyane, vị thần cùng thời với Người ? Vậy tại sao chúa Jésu sau cùng đã chiến thắng hắn ? Bởi Người đã làm nên huyền diệu vĩ đại hơn nhiều so với việc biến nước thành rượu vang, nuôi sống 4 ngàn người chỉ với năm chiếc bánh, chữa lành bệnh cho những người động kinh, đem lại ánh sáng cho người mù hay làm cho những người tàn tật đi lại được. Sự huyền diệu này chính là Người đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới: đó là một cuộc cách mạng được thực hiện từ lời nói của một con người xuất thân từ lán trại trong 3 năm thuyết giáo, không cần đến bất cứ một ghi chép nào, mà chỉ có được sự giúp đỡ của một số dân chài tối tăm ngu dốt. Đó mới là huyền diệu thực sự, chỉ có mù lòa thực sự mới không nhìn thấy có bàn tay của Thượng đế trong đó. Hãy giúp con người khám phá ra các hiện thực này, đó chính là cách thức tốt nhất để tạo nên những đức tin vững chãi.

 

Trích "La Revue Spirite 1862"

Lan Châu dịch thuật - NTT hiệu đính

 

về trang trước  

nguyên bản Pháp văn