ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ

* * *

ĐẠI ĐẠO BÍ SỬ

 

Soạn Giả:
TRẦN VĂN RẠNG
Giáo sư sử học

Đại Đạo Năm Thứ 46
1971

 

 

 

Người đệ tử Cao Đài thứ nhứt là ông Ngô Văn Chiêu ( 1878 - 1932), người Bình Tây, Chợ Lớn. Chính ông đã được Đấng Chí Tôn dạy cách thờ Thiên Nhãn trước nhất.

 

Một buổi sáng lối 8 giờ, vào năm 1921, ông đương ngồi trên võng, bỗng thấy trước mắt cách xa độ hai thước, lộ ra con mắt thiệt lớn rất huyền diệu thiêng liêng, chói ngời như mặt trời, ông lấy làm sợ hãi, lấy hai tay đậy mắt lại. Chừng 30 giây, ông mở mắt ra thì thấy con mắt cũng còn và lại chói sáng hơn nữa. Ông liền chấp tay vái rằng : "Bạch Tiên Ông, đệ tử biết rõ huyền diệu của Tiên Ông rồi. Đệ tử xin Tiên Ông đừng làm vậy, đệ tử sợ lắm. Như phải Tiên Ông bảo thờ Thiên Nhãn thì xin cho biến mất tức thì". Vái xong thì con mắt lu dần rồi mất. Sau khi ông tu học được ba năm. Tiên Ông khen ông tu kỹ.

 

Một hôm Tiên Ông giáng cơ ban cho ông một đặc ân, tự ý ông chọn thì sẽ ứng hiện tức thì. Ông mới bạch : "Bạch Thầy nghe nói cảnh Bồng Lai đẹp vô cùng Thầy có thể cho đệ tử thấy cảnh ấy được không ?". Cơ gõ một cái chớ không trả lời.

 

Ít lâu sau vào một buổi chiều, cuối tháng giêng năm Giáp Tý (2-1924), Ông ra đứng hóng gió và lên Dinh Cậu nhìn ra khơi biển Phú Quốc. Bất thần nơi chỗ trời biển giáp nhau lộ ra một cảnh rất xinh đẹp. Cảnh này vừa tan biến thì cảnh khác hiện ra ngay. Sau rốt, ông thấy một cảnh có Thiên Nhãn, trên xổ ngay xuống một hàng có 3 chữ Nhựt, Nguyệt, Tinh ngoạn mục vô cùng. Ông xem mê mẫn tinh thần. Lối chừng 15 phút thì cảnh ấy lu mờ dần rồi mất.

 

Về sau, phò cơ ông mới được Tiên Ông cho biết cảnh ấy là Bồng Lai. Do đó ông mới bảo người đệ tử là Đốc học Thới vẽ lại cảnh ấy mà thờ.

 

 

Là đệ tử Cao Đài, ai cũng biết buổi đầu mới lập giao, các vị thời khai nguyên được Đấng Chí Tôn, Phật Mẫu và các đấng dành cho nhiều huyền diệu để trụ vững đức tin.

 

Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890 - 1959) người làng An Hoà, Tây Ninh đã nhiều lần về chầu Thượng Đế nhưng có hai lần quan trọng nhất. Lần thứ nhứt vào năm 1907 và lần thứ hai lúc được ân phong mà Ngài chưa nhận nên Đấng Chí Tôn dùng huyền diệu cho Ngài về Bạch Ngọc Kinh để biết ngôi vị thiêng liêng và nhiệm vụ cao trọng của Ngài trong nền Tân Tôn giáo.

 

Năm 17 tuổi ( 1907), Ngài thiếp đi một lần để diện kiến Thiên cung. Nhờ đó mà Toà Thánh Tây Ninh xây đúng mẫu mực Thiên đình. Lần thứ hai Đức Ngài viết "Tam Thập Lục Thiên hồi ký"

Đêm rằm tháng giêng năm Đinh Mùi, Ngài nhìn ánh trăng hư ảo khẽ ngâm bài "Nhân Nguyệt vấn đáp" rồi tâm dần dần tê mê theo cơn gió nhẹ ru. Khi mở mắt ra, Ngài thấy chan hòa một thứ ánh sáng huyền diệu mà Ngài đang lửng chửng trên đường bằng phẳng, sạch sẽ và trắng như tuyết. Bỗng thấp thoáng đằng xa đi lại một vị sư già, mặc áo cà sa vàng, nét mặt từ bi và cất tiếng hỏi :

 

- Em có nhớ qua không ?

Ngài nhìn vị sư , chợt nhớ ra vội đáp :

- Dạ nhớ .

 

Vì năm lên mười tuổi theo học chữ Nho, thường hầu Thầy đi cân thuốc ở tiệm Đức Vọng chợ Tây Ninh, Ngài đã gặp vị sư này bàn với Thầy Ngài về tướng Ngài như vầy : "Cậu bé này vào bậc siêu phạm, sự nghiệp vô cùng cao cả"


Vị sư già đưa Ngài đến 1 tòa lâu đài màu trắng tin và bảo Ngài :

- Em chờ qua ngoài này, qua vào trong một chút nhé.

 

Ngài chờ lâu quá không thấy vị sư trở lại bèn vừa kêu vừa gõ cửa, vẫn không ai trả lời. Ngài mới đi vòng quanh thấy nhà có 8 góc và 8 cửa đều giống nhau đóng kín mít. Nhìn kỹ, Ngài mới nhận ra mỗi cửa đều có 1 con đường trắng chạy về phía chân trời xa. Trong lúc băn khoăn chưa biết chọn con đường nào, bỗng ở phía có bóng đèn lòe sáng, Ngài liền phăng tới, gặp 1 tòa nhà mà cửa vẫn đóng. Ngài gõ liên hồi mấy tiếng, không thấy ai trả lời. Ngài bấn loạn muốn thối chân thì 1 tiểu đồng xuất hiện và chỉ ngay vào mặt Ngài mà nói :

 

- Anh có phải là anh Tắc không ?
- Sao em biết qua ? Cậu bé mỉm cười
- Sao tôi lại không biết. Thầy đợi anh trong nhà.

 

Ngài ngạc nhiên hỏi :

- Thầy là ai hở em ?
- Rồi anh sẽ biết. Nói xong tiểu đồng bước vào nhà.

 

Ngài bước theo gặp con kim mao hẩu nằm ngang, ngần ngại nên tiểu đồng cười giục :

- Có gì mà sợ, nó không cắn đâu. Anh cứ theo tôi, đừng ngại gì cả.

 

Ngài vừa bước qua, cửa tự động đóng lại. Ngài và chú tiểu đứng trong hành lang rộng mênh mông. Theo chiều dài hành lang có 5 phòng lớn, mỗi phòng có 1 cửa đóng. Chú tiểu đưa Ngài đến cuối phòng và dặn :

- Anh chờ đây. Lúc nào Thầy kêu tôi sẽ cho anh hay.

 

Chờ lâu quá sốt ruột, phần sợ con Kim mao hẩu, ngài bạo dạn gõ cửa. Chú tiểu nghe tiếng gắt gỏng :

- Anh làm vì rối thế ? Anh nhát quá, thôi ở đây mà chờ Thầy.

 

Ngài ngắm xung quanh phòng, thấy dài đến 20 thước, rộng 10 thước, bốn mặt tường và nền nhà là 1 khối cẩm thạch phẳng liền cực đẹp …

Từ ngoài 1 ông già cao lớn, mặc áo xanh, râu tóc bạc trắng bước vào phòng. Ngài chấp tay xá. Nhìn kỹ, Ngài nhớ ra, ông già này là người đi với nhà sư mà Ngài đã gặp trong tiệm thuốc Đức Vọng. Ông đi thẳng lại chiếc ghế bành ung dung ngồi xuống và bảo Ngài :

- Con ngồi xuống đi.

 

Trước nhứt, ông già hỏi thăm về gia đình nhưng trừ người chị thứ tư đã mất không hỏi, làm Ngài ngạc nhiên vô ngần. Sau lúc phê phán từng người trong gia đình, ông già gọi tiểu đồng

- Con đem bánh cho anh con ăn

 

Tiểu đồng mang và đặt trước mặt Ngài một đĩa bạc lớn, trên đựng đầy bánh hơi bốc lên thơm phức. Các chiếc bánh bột lọc hình tròn, nửa đỏ nửa trắng, xếp theo hình nón. Ngài được ông già mời ăn và uống nước bằng tô lớn vàng ròng. Đợi Ngài ăn xong ông già trầm ngâm nói :

- Hôm nay con ăn hai cái bánh rưỡi và uống 1 tô nước. Những thứ đó sẽ ám hợp vào đời hành đạo của con sau này.

 

Nếu Ngài ăn hết ba cái bánh (tượng trưng Tam giáo) thì việc Đạo đã xong, nhưng Ngài chỉ ăn có hai cái rưỡi (chọn lọc) tức là chưa xong, ứng với quẻ 64 Hỏa Thủy vị tế trong việc Đạo biến hóa vô thường mà Ngài phải lo liệu sau này.
Ngài tạ từ ông già, nhưng nhớ đến con Kim mao hẩu. Ngài vái xin con vật đó. Ông già tỏ vẻ ưng lòng và đáp :

- Con cứ về đi, sau này nó sẽ xuống với con.

 

Khi trở ra, Ngài bước lên lưng con Kim mao hẩu và đạp lên mông thì cánh cửa tự mở. Lúc đến tòa lâu đài 8 góc, tiểu đồng từ tạ :

- Bây giờ em chưa thể cùng đi với anh được. Sau này thầy sẽ cho em xuống với anh. Thôi anh về đi

 

Ngài sực nhớ đi chơi quá lâu, vội chạy nhanh về, vô ý vấp phải mô đất, té lộn đi 1 vòng. Ngài giật mình tỉnh dậy, thoang thoảng bên tai tiếng khóc vang dậy, mở mắt ra thấy mọi người tấp nập chung quanh mình. Kẻ thì kéo tóc, người thì giựt tay, gọi tên Ngài ầm ỹ.
Ngài chờn vờn ngồi dậy như nói trong mơ : - Con chó tôi đâu rồi ? Người người ngơ ngác, nhưng Ngài lại nhớ đến con Kim mao hẩu trong giấc mộng dài diện kiến Thiên cung.

      Xa trông vật đã xây tròn
      Bát hướng Đài, ngưng thấy nước non
      Động cũ, Thầy Tiên còn để dấu
      Chùa xưa Phật Tính mát lui rèm
      Chấp kinh, Khổng sĩ nho phong giỏi
      Nắm nghiệp Đào quân nhất thuộc khôn
      Nẻo Thánh tuy nhiên tay đẩy cỏ
      Nền Văn Miếu thấy khỏi hương còn

      ( Tam thập lục Thiên Hồi ký)

 
về trang chủ  

xem trang sau