ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ

* * *

ĐẠI ĐẠO BÍ SỬ

 

Soạn Giả:
TRẦN VĂN RẠNG
Giáo sư sử học

Đại Đạo Năm Thứ 46
1971

 13- BÁT TIÊN GIÁNG TRẦN

Việc chi trên cõi tuần hoàn này cũng do Thiên thơ định sẵn. Lúc mới thâu môn đệ đầu tiên, Đức Chí Tôn đã dùng huyền diệu cho Ngài Ngô Minh Chiêu thấy cảnh Bồng Lai để ham Đạo mà trọn tu, làm người nhân chứng thứ nhứt trong Đạo. Chính cảnh Bồng Lai báo hiệu cho Bát Tiên lâm phàm lập Đạo cứu đời.

Vào đêm 17-6-Qúi Hợi ( 30-7-1923) tại Miếu Nổi, Tào Quốc Cựu giáng cơ khuyên tu như sau :

    "Chư nhu có phước có duyên nên mới gặp Đạo ở kỳ thứ ba. Hữu duyên đắc ngộ Tam Kỳ độ. Tiên Thánh đều lâm phàm mà độ kẻ nguyên nhân" ( Đại Đạo Căn Nguyên, trang ?)

. Miếu Nổi nằm trên cồn đất độ trăm thước ở giữa sông Bến Cát, một nhánh của sông Bình Lợi ( Gia định).

Theo sách Tử Nguyên và Quảng sự Loại, Bát Tiên là những người phàm tu thành Tiên. Kể thứ tự như sau :

      1. Lý Thiết Quả
      2. Chung Ly Quyền
      3. Lữ Động Tân
      4. Trương Quả Lão
      5. Lam Thể Hòa
      6. Hà Tiên Cô
      7. Hàn Trương Tử
      8. Tào Quốc Cữu

Trong Kỳ Ba giáo đạo nầy, Bát Tiên lâm trần phổ độ chúng sanh với thi phàm xác thịt là :

      1. Lê Văn Trung
      2. Cao Quỳnh Cư
      3. Cao Hoài Sang
      4. Ca Minh Chương
      5. Thái Bính Thanh
      6. Nguyễn Hương Hồ
      7. Vương Quan Kỳ
      8. Ngô Văn Chiêu

1. LÝ THIẾT QUẢ :
Người đất Giáp, sinh đời nhà Tùy, tên là Hồng Thủy, tiểu tự Thiết Quả ( hay Quẩy). Người khôi ngô, tu luyện ở Nham Động. Trước khi đi học với Lão Tử, Thiết Quả dặn đệ tử : "Xác ta ở đây, hồn ta đi trong 7 ngày. Sau thời gian đó ta không về thì hủy xác". Mới 6 ngày, mẹ bị đau, người học trò vội hủy xác Thầy. Lý Thiết Quả xong việc trở về , không thấy xác, nên nhập vào tử thi của một kẻ hành khất. Do đó, Lý Thiết Quả có chân què, vẻ mặt và thân hình xấu xí, tay cầm bầu rượu.

Ông LÊ VĂN TRUNG ( 1876 - 1934 ) có ngươn linh của Lý Thiết Quả. Hai vị nầy có điểm giống nhau là cứu độ người. Người Chợ Lớn sinh ra trong một gia đình Nho phong. Ông rất thông minh năm 17 tuổi đã được bổ vào ngạch Thư ký Soái phủ Sài Gòn. Năm 1906, ông đắc cử Hội Đồng Quản Hạt. Năm 1911, ông đề xướng trường Nữ Học Đường, được Bắc Đẩu Hội Tinh.

Được Đức Cao Thượng Phẩm phổ độ, ngày 6-10-1925, ông từ chức Nghị viên để phế đời hành đạo. Ngày 23-4-1925 đắc phong Đầu Sư, thánh danh Thượng Trung Nhựt. Ngày 03-10-Canh Ngọ Đức Lý Giáo Tông ban cho Ngài chức Quyền Giáo Tông hữu hình.(1930).

Sau cơn bịnh nhẹ, Ngài vĩnh du Tiên cảnh vào ngày 13-10-Giáp Tuất (19-11-1934), liên đài được xây tháp phía sau Bát Quái Đài Toà Thánh. Tính từ ngày Khai Đạo (19-11-1926) tại Gò Kén đến ngày Đức Ngài qui tiên đúng 8 năm không thừa không thiếu 1 ngày. Điều ấy đúng vào con số Bát Tiên mà Ngài là người đứng đầu và trên cả chúng sanh.

Đức Phạm Hộ Pháp đề thơ (1949) như vầy:

      Bầu linh, gậy sắt quảy du Nam,
      Nương bóng Từ Bi đến cõi phàm…
      Bảy bạn, ai còn nơi cõi thế,
      Đông du xin nhắc chuyện ông Lam.

2. CHUNG LY QUYỀN:
Chung Ly Quyền, tự Vân Phòng, người đất Hàm Dương, làm tướng đời Hớn, nên còn gọi là Hớn Chung Ly. Chung Ly râu dài, mặt sáng, mình cao tám thước nên được vua Hớn phong làm Nguyên soái đi đánh quân Phiên. Lý Thiết Quả thấy Chung Ly ham chinh chiến nên khiến cho thất trận chạy lạc vào núi gặp đệ tử ông Đông Huê. Ông ấy mời cơm chay rồi nói : "Công danh như bọt nước, phú quí như đèn trước gió. Thừa dịp này, tướng quân nên đi tu, ham chi phú quí."
Chung Ly hỏi: "Luyện phép chi được sống lâu?"
Đông Huê đáp : Trống lòng là đừng lo chi cả, đặc bụng là không đam mê sắc dục, lo gì không trường thọ.
Chung Ly Quyền xin thọ giáo. Sau gặp Chính Dương Chơn Nhơn truyền thêm phép Tiên và đắc đạo. Tay cầm cây Long tu phiến.

Ông CAO QUỲNH CƯ (1887-1929) có ngươn linh của Chung Ly Quyền. Hai vị này có điểm giống nhau là tâm tu. Ông sinh trong gia đình Nho phong ở Hiệp Ninh (Tây Ninh).

Trong thời kỳ làm Thơ ký Sở Tạo Tác tại Sài Gòn, ông thường cùng các bạn họp xây bàn 2, được Đấng A Ă Â giáng đàn cho thi. Sau được Đức Phật Mẫu và Thất Nương hướng dẫn vào đường đạo.

Ngày 23-4-1925, ông thọ phong Thượng Phẩm, sau khi lập bàn Vọng Thiên cầu Đạo (1-11-Aát Sửu). Ngày 7-10-1926 lập tờ khai Tịch Đạo với chánh phủ Pháp. Ngày 18-11-1926 (14-10-Bính Dần) thiết Đại Lễ Khai Đạo tại Từ Lâm Tự. Ngài phò cơ viết ra Bộ Pháp Chánh Truyền thành lập Hội Thánh.

Năm 1928, Ngài bị khảo đảo, sau khi Thánh Thất dời về chùa mới ở làng Long Thành. Quá đau lòng, Ngài lâm bịnh và qui Tiên ( 1-3-Kỷ Tỵ) tại Thảo Xá Hiền Cung, liên đài được xây cánh trái trước Toà Thánh.

3. LỮ ĐỒNG TÂN :
Lữ Đồng Tân tên là Nham, tên chữ là Động Tân, thuộc gia đình vọng tộc đời Đường.

Ông mắt phụng, mày tằm tay dài như vượn, cổ cao, mũi thẳng, xương gò má nhô lên, thích ăn mặc như đạo sĩ. Năm 20 tuổi lấy hiệu là Thuần Dương, thi đỗ cử nhân. Khi đến Trường An, Lữ Đồng Tân gặp Chung Ly Quyền trong một quán trọ. Chung Ly muốn ông đi tu nên bày việc nấu nồi kê. Trong khi Lữ Đồng Tân ngủ mê, thấy mình thi đỗ Trạng Nguyên cập đệ, hai lần cưới con gái nhà quyền thế. Có sui gia,cháu nội ngoại đầy đủ. Con cháu đều đỗ đạt vẽ vang, hạnh phúc trong 40 năm. sau bị nịnh thần vu oan, bị tịch biên gia sản và bị đày qua núi Lãnh Biểu, cực khổ vô cùng, ông ôm mặt khóc rồi giựt mình thức giấc. Ông thấy Chung Ly Quyền còn nấu nồi kê chưa chín nên phá lên cười và nói : " Huỳnh Lương do vi thục, nhất mộng đáo Hoa Tư" ( Nồi kê chưa chín, mộng đã đến nước Hoa Tư).
Rồi ông quay sang Chung Ly hỏi : Ông biết tôi nằm mơ thấy gì không ?
Chung Ly đáp : Chiêm bao 40 năm, công việc cả muôn mà không đầy giây lát. Việc được không đủ mừng, việc mất không đủ lo, nhưng có ý thức đại giác, thế gian nầy chỉ là giấc mộng lớn mà thôi.

Lữ Đồng Tân nghe lời nói phải, giác ngộ, bèn lạy Chung Ly Quyền và xin theo học phép Tiên. Sau Đồng Tân đắc đạo, tay cầm thư hùng kiếm .

Ông CAO HOÀI SANG ( 1900 - 1971) có ngươn linh của Lữ Đồng Tân. Hai vị nầy có điểm giống nhau thích âm nhạc.

Ông sanh trong gia đình đạo đức ở xã Thái Bình (Tây Ninh). Sau khi đỗ Thành Chung, ông vào làm việc ở Sở Thương Chánh Sài gòn. Ông cũng ngộ đạo một lượt với ông Cao Quỳnh Cư và đắc phong Thượng Sanh ( 19-11-1926).

Ngày 16 - 7 - 1970, Ngài về hành đạo tại Toà Thánh với danh vị Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài. Ngày 21-1-1965, tạo tự cách Pháp nhân cho Đạo và đưa Ban Thế Đạo vào vai trò nhập thể.

Sau cơn cảm nhẹ, lúc 17 giờ ngày 21-4-1971, Ngài triều Thiên, đắc vị Kim Tiên.

4. TRƯƠNG QUẢ LÃO :
Trương Quả Lão là con dơi trắng tu hành thành Tiên, làm bạn với Lý Thiết Quả, ở ẩn trong núi Trung Điền (Hàng Châu). Tên thật là Trương Quả, chữ Lão là già được người đời thêm vào.

Dưới đời Đường, niên hiệu Khai phong ( 713 - 733), Võ Hậu cho triệu về Kinh, nửa đường ông giả chết. Đường Minh Hoàng nhiều lần đem sắc rước, ông mới chịu ra và được phong là Ngân Thanh Lộc Đại phu. Sau ông xin về ẩn dật trên núi, lấy hiệu là Thông Huyền tiên sinh, qui Tiên dưới đời Thiên Bảo ( 742 - 755).

Thật ra, thời nào người ta cũng thấy ông Tiên cưỡi lừa đó vì ông tự nói : "Ta sinh năm Giáp Tý đời Nghiêu". Tay cầm cây gậy như một ông già (lão).

Ông CA MINH CHƯƠNG ( 1864 - 1927) là một nhà cựu học thâm nho, ở làng Mỹ Lộc ( Chợ Lớn), có ngươn linh của Trương Quả Lão. Hai vị có điểm giống nhau đều sanh năm Giáp Tý và hay xuất hiện ở dương trần. (Ông Chương xuất hiện dưới xác của Hồ Bảo Đạo).

Ông bản tính ôn hòa, khiêm cung, được tiếng là người con chí hiếu. Thêm vào lòng quảng đại thương đời, dân trong làng cử ông làm Hương Bộ. Ông cho mở trường học huyện Phước Lộc ở Bà Rịa.

Khi Đạo mới khai, Ngài phế đời theo Đạo và đắc phong Bảo Đạo. Người cao tuổi nhất trong Đạo lúc bấy giờ. Vì tuổi cao lại miệt mài với trách nhiệm thiêng liêng, Ngài đăng Tiên vào ngày 19-10-Đinh Mão ( 1927) (3) và giáng cho bài thi :p>

      Từ đây ra khỏi chốn nhơn gian
      Thủy tú sơn tịnh thích chí nhân
      Vì bởi lục căn lòng chẳng bợn
      Cho nên mới đặng nhập Tiên bang

5. LAM THỂ HÒA :
Lam Thể Hòa là ông Tiên bị đày đọa làm khách trần. Tính tình thuần hậu nhất trong Bát tiên .
Ông thích mặc áo rộng màu xanh, buộc dây lưng đen thật to, một chân đi đất, một chân đi giày. Mùa hạ mặc áo lót bông, mùa đông nằm trên tuyết. Thường ngày, ông cầm cặp sanh dài 3 thước ta, vừa đi, vừa nhịp ca ngoài chợ mà kiếm tiền bố thí cho người nghèo.

Đạp ca Lam Thể Hòa
Thế giới năng kỷ hà ?
Hồng nhân nhất xuân thu
Lưu quang nhất trịch thoa
Cổ nhân hổn hển khứ bất phản
Kim nhân phân lai cánh đa
Triệu kỵ loan phụng cáo bích lạc
Mộ kiến tang điền sinh bạch ba
Trường cảnh minh huy tại không tế
Kim ngân cung khuyết cao ta nga

Dịch ca :
Nhịp chân ca Thái Hòa
Thế giới được bao lâu ?
Nhan sắc như xuân cội
Thời hạn tựa thoi đưa
Người xưa không trở lại
Người mới đến quá thừa
Sáng cưỡi loan trời thẳm
Chiều dâng thành sóng xa
Không trung lâu đài sáng
Cung điện cao nguy nga

Về sau, trong lúc uống rượu với Lý Thiết Quả nơi Hào Lương, bỗng trên mây có xe hạc, tiếng tiêu thanh thoát đưa hai ông bay bỗng, trở về Tiên vị, tay ông cầm Giỏ Hoa Lam.

Phối sư THÁI BÍNH THANH tên thật Lâm Quang Bính ( 1873 - 1931) người Rạch Giá, là ngươn linh của Lam Thể Hòa. Hai vị giống nhau ở tánh tình thuần hậu, ý tứ từ hòa, thương người nghèo.

Ông được phong Giáo sư phái Thái ngay từ buổi đầu. Ông chưa rõ tự sự mới bạch rằng : Thưa thầy, Lam Thể Hòa mặc áo xanh, sao Thầy ban cho phái Thái (áo vàng). Đức Chí Tôn chuyển cơ viết : "Đó là bí pháp, con biết sao được".

Vai trò của ông trong việc xây dựng Toà Thánh cũng rất lớn. "Hộ Pháp, Thượng phẩm, nội trưa nầy phải cắm một cây viết vào đầu cơ, lấy một miếng giấy lớn, vào điện phò loan cho Lão vẽ (khuôn viên Toà Thánh). Bính Thanh phải có mặt, còn kỳ dư không cho ai vào điện hết, nghe à !"

6. HÀ TIÊN CÔ :
Hà Tiên Cô là người con gái mang họ Hà ở huyện Linh Lăng, tỉnh Hồ Nam, tên là Tố Nữ, sinh vào đời Đường.
Thuở nhỏ, trên đầu có 6 xoáy, mọi người lấy làm kỳ. Năm 15 tuổi, cô xin cha mẹ đến ở Khe Vân Mẫu. Đêm nằm mộng thấy Tiên dạy ăn hột Vân Mẫu sẽ nhẹ mình và trường thọ.

Cô vội đi tìm hạt Vân Mẫu thì gặp Lý Thiết Quả và Lữ Đồng Tân đang hái thuốc. Thấy cô gần thành Tiên, Lữ Đồng Tân cho cô một quả Đào. Cô ăn mới nửa trái thì thấy không đói nữa, biết được mọi sự họa phước, lành dữ trên đời. Mọi người cho cô là Thần Tiên, cất lầu cho cô ở và gọi cô là Hà Tiên Cô.

Bà Võ Hậu nghe tiếng, cho người đến rước, đi được nửa đường, cô biến mất. Sau Lý Thiết Quả độ dẫn hai mẹ con cô đều thành Tiên. Tay Hà Tiên Cô cầm bông sen.

Hà Tiên Cô là ngươn linh của bà giáo sư Hương Hồ ( Huỳnh Thị Hồ) con gái của bà Đầu sư Hương Thanh ( Lâm Thị Thanh). Bà Bát Nương giáng đàn, bà Hồ có kinh nguyệt không lên lầu được nên Bà Bát Nương dạy :

      THI
      Thân phận phàm nhơn trước đã đành
      Chẳng vì nguyệt huyết kỵ anh Linh
      Âm dương Nam Nữ hoa trêu bướm
      Hòa ái tương sanh thủy nhập bình
      Tạo hóa ví tay xây đảnh trí
      Chúng sanh nên mặt tạo khuôn hình
      Thơ trời đâu dễ chê đồ tạo
      Tốt xấu sạch dơ tại miệng mình
      Đó là một quan niệm tiến bộ của nền Tân Tôn giáo .

7. HÀN TRƯƠNG TỬ :
Hàn Trương Tử sinh vào đời Đường, người huyện Nam Dương kêu Hàn Dũ ( tức Xương Lê) bằng chú.
Thuở nhỏ, theo Lữ Đồng Tân học đạo Tiên. Sau về quê gặp ngày sinh nhật Hàn Dũ. Hàn Dũ có ý trách Hàn Trương bỏ nhà đi lưu lạc. Hàn Trương liền thưa rằng : "Xin chú đừng giận, cháu có nghề nầy xin kính mừng sinh nhựt." Nói xong, Hàn Trương nhóm đất rồi trùm lại, trong giây lát dở ra nhiều hoa nở, mỗi cánh đều có chữ vàng :

      Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại
      Tuyết ửng Lam quan mã bất tiền

Xương Lê không hiểu gì cả. Sau vì can vua sùng Đạo Phật mà bị đày ra Triều Châu. Khi đến Tần Lĩnh, Lam quan, Hàn Dũ được Hàn Trương ra đón. Hàn Dũ nhờ đó biết được ý hai câu thơ của Hàn Trương bèn làm tiếp :

      Nhứt phong triêu tấu Cửu Trùng Thiên
      Tịch phiến Triều Câu lộ bát thiên
      Dục vị Thánh Triều trừ tệ sự
      Khảm tương suy hũ tích tàn niên
      Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại
      Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền
      Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý
      Hảo thu ngô cốt chướng giang biên

      Dịch thơ
      Buổi sớm dâng vua một bức thư
      Triều Châu chiều đến bị đày lưu
      Muốn vì Thánh chúa trừ tệ nạn
      Đâu tiếc cuối đời vận đã suy
      Tần Lĩnh mây che nhà chốn ấy
      Ải Lam tuyết phủ ngựa không đi
      Biết mi hảo ý từ xa đến
      Thu nhặt cốt ta ở bến ni !

Thấy Hàn Trương đoán không sai, từ đó Hàn Dũ mới trọng Đạo. Rạng ngày, Hàn Trương dâng dâng cho chú một bầu thuốc, nói : - Chú uống thuốc nầy khỏi bịnh và không bao lâu nữa được phục chức nhờ bài văn tế cá sấu.
Nói rồi, Hàn Trương từ biệt chú. Về sau, nhờ vua tề đuổi được cá sấu, Hàn Dữ được phục chức cũ.

Hàn Trương thành Tiên, người đời gọi là Hàn Trương Tử hay Tương Tử, tay cầm ống tiêu .

Ông VƯƠNG QUAN KỲ ( 1880 - 1940) người tỉnh Chợ Lớn, cháu nội Thống Chế Vương Quang Hạc, ông ngoại là nhà nho yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt. Ông là tri phủ Sở Thuế Thâu Sài gòn.

Song thân ông Kỳ là Vương Quan Để và Huỳnh Thị Bảy. Ông học Lycee Chasseloup, đậu Diplôme, cùng làm việc với ông Ngô Văn Chiêu ở dinh thống đốc Nam Kỳ.

Ông theo Đạo được Đức Chí Tôn phong phẩm Giáo sư ( 26-4-1926) và cho bài kệ

      BÀI KỆ
      Nhựt nhựt tân hề nhựt nhựt tân
      Niên đáo tân hề đạo khả tấn
      Vô lao công quả tri đương tác
      Niên hóa niên hề đạo tối tân .

Ông Kỳ là bào đệ của Vương Quan Trân, thân sinh cô Vương Thị Lễ (tức Thất Nương Diêu Trì Cung) hướng dẫn Tam vị Thiên sứ học Đạo buổi đầu. Trong " Con đường thiêng liêng hằng sống" Đức Phạm Hộ Pháp nói về ông như sau:

    " Bần Đạo nói rõ người ấy là Vương Quan Kỳ chú ruột của Thất Nương. Người mở Đạo mà chẳng biết Đạo là gì hết và cả hành tàng ( người ấy) nếu chúng ta thấy sẽ lên án là Tả Đạo Bàng Môn chắc hẳn vậy.

    "Người đó bận Thiên phục giống hình đội mão Giáo sư, áo tốt lại dắt vai, mão cầm nơi tay, bận quần cụt ở trần đi ngật ngờ, ngật ngưỡng cười một mình không biết cười cái gì, đi ngang qua Bát Quái Đài, như không vậy". Đó là ngươn linh của Hàn Trương Tử thích phóng túng tiêu dao.

8. TÀO QUỐC CỮU :
Tào Quốc Cữu ( hay Cựu) tên Hữu, là con trai thừa tướng Tào Ban, người đất Linh Thọ, em hoàng hậu, vợ của Tống Thái Tổ.
Tào Hữu, tướng khôi ngô đẹp đẽ, được vua và hoàng hậu qúi mến, nên tặng cho một bài vàng. Ngược lại, người em ỷ thế hại dân. Sợ liên lụy, Tào Hữu bán hết sản nghiệp bố thí cho dân nghèo, rồi mặc đồ đạo sĩ đi tu.

Tào Hữu gặp Lữ Thuần Dương, bị Tiên ông nầy gạn hỏi :
- Đạo ở đâu mà tu ? Tào Quốc Cữu chỉ trái tim. Thuần Dương cười nói : - Lòng là trời, mà trời là Đạo, đã biết cội rễ, tu chắc thành Tiên.

Tào Quốc Cữu hay Cựu xin thọ giáo và đắc đạo. Tay cầm cặp sanh. Năm 1923 Tào Quốc Cựu giáng đàn Bến Cát ( Gò Vấp) " Hữu duyên đắc ngộ Tam Kỳ độ," báo trước đạo Tam Kỳ xuất hiện .

Ông NGÔ VĂN CHIÊU ( 1878 - 1932) sinh tại Bình Tây, Chợ Lớn có ngươn linh của Tào Quốc Cựu. Hai vị giống nhau ở điểm lánh trần. Năm 1920 ông làm chủ quận Hà Tiên, rồi ra Phú Quốc mà ngộ Đạo Cao Đài. Năm 1921, Tiên Ông giáng dạy ông " Chiêu, tam niên trường trai".

Một buổi sáng ngồi trên võng. Ngài bỗng thấy một con Mắt thật lớn chói lọi như mặt trời. Ông sợ vái rằng : Bạch Tiên Ông như phải Tiên Ông dạy đệ tử thờ Thiên nhãn, xin cho biến tức thì. Ông vái xong, Thiên Nhãn lu dần rối mất.

Năm 1924, do lời cầu xin, ông đã thấy được cảnh Bồng Lai. Sau đó, ông đổi về Sài gòn liên lạc với nhóm xây bàn Cao Quỳnh Cư.

Đàn đêm 14-4-1926, đấng Chí Tôn ban cho Ngài phẩm Giáo Tông. Nhưng vì tu theo vô vi nên không đi phổ độ.

Ngài về Cần Thơ lập phái Chiếu Minh vô vi rồi liễu đạo trên sông Cửu Long (1932) và đắc vị : Quốc Cựu Minh Chiêu ( gồm đủ tên ngươn linh và thánh danh).

      Từ ngày xa thế đến Tiên bang
      Lo lắng nhơn sanh bước lạc đàng
      Đức rộng cao dày là qúi báu
      Đặng lên Bồng cảnh chép biên hoàng

Từ lâu, có sự hiểu lầm giữa Toà Thánh Tây Ninh truất phẩm Giáo Tông của Ngài Ngô Minh Chiêu. Thật sự, Ngài Lê Văn Trung chỉ là quyền Giáo Tông, dù sau khi Ngài Ngô Minh Chiêu đăng Tiên.

Ngài Lê Văn Trung do Đức Lý phong cho để giữ đạo về mặt hữu hình. Đạo Cao Đài từ trước tới nay chỉ có một Giáo Tông duy nhứt với tịch đạo Thanh Hương. Toàn Đạo hiện vẫn theo tịch đạo đời Giáo Tông thứ nhứt.

Bát Tiên tiền bối dự Hội Yến, được Đức Phật Mẫu ban rượu quỳnh tương và trái đào tiên. Còn được bốn Nữ nhạc Đổng Song Thành, Vương Tử Phá, Hứa Phi Yến, và An Phát Trinh đào, sáo, ca múa hầu chư Tiên Hội Yến.

Ngày nay, chư vị thời quân, các Chức sắc có ngươn linh Bát Tiên, trong đêm Hội Yến, đứng hầu Đức Phật Mẫu và Cửu vị Nữ Phật, đãi tiệc, rót rượu, vừa thực hiện Bí pháp truyền thống vừa thực hành thể pháp dương gian.

 

về trang chủ  

xem trang sau