Tiểu dãn các điển tích
kiến trúc nơi Tòa Thánh
(tiếp theo)
Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh
Cư (1888-192)
Ngài Cao quỳnh Cư sanh năm Mậu Tý
(1888) tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh thượng,
tỉnh Tây Ninh. Thân phụ là Ông Cao quỳnh Tuân, Thân
mẫu là Trịnh thị Huệ, bào huynh là Cao quỳnh Diêu,
đắc phong Bảo Văn Pháp Quân. Năm 1907, Ngài Cư lập
gia đình với Cô Nguyễn thị Hiếu, sau đắc phong
Nữ Đầu Sư (1968).
Năm 1915, Ngài làm Thơ ký tại
Sở Hỏa Xa Sài gòn. (Việc
Xây bàn, tổ chức Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, Vọng
Thiên Cầu Đạo, việc thọ phong chức Thượng Phẩm,
xin xem nơi phần Tiểu Sử Đức Hộ Pháp Phạm công
Tắc).
Nhờ sự hướng dẫn của Đức Lý Giáo Tông,
Đức Cao Thượng Phẩm cùng Hội Thánh mua được
miếng đất rừng ở làng Long Thành để cất Tòa
Thánh. Việc tổ chức di chuyển từ Chùa Từ Lâm
ở Gò Kén về đất mới mua, do Đức Cao Thượng
Phẩm đảm nhiệm. Đức Cao Thượng Phẩm chỉ huy những
người Miên làm công quả lo khai hoang, chặt cây phá
rừng, để cất Tòa Thánh tạm, cất Hậu Điện,
Đông Lang, Tây Lang, Trù phòng, Trường học, đều
làm bằng cây, vách đất, lợp tranh, tạm thời có
chỗ làm việc cho Hội Thánh. Tạo dựng đâu đó
xong xuôi, Ngài bị bọn xấu vu oan cho Ngài nhiều
việc xấu và buộc Ngài phải rời Tòa Thánh, trở
về tư gia của Ngài ở gần chợ Tây Ninh. Tại đây,
Ngài dựng nên Thảo Xá Hiền Cung làm nơi tu dưỡng.
Ngài buồn phiền nên sanh bịnh và thoát xác đăng
Tiên vào ngày 1-3-Kỷ Tỵ (1929), lúc 11 giờ trưa,
hưởng 42 tuổi. Đức Phạm Hộ Pháp cho biết, nguyên
căn của Đức Cao Thượng Phẩm là Đại Tiên Hớn
Chung Ly trong Bát Tiên.
Đức
Thượng Sanh Cao hoài Sang (1901-1971)
Ngài Cao hoài Sang, sanh ngày 11-9-1901
(Tân Sửu) tại làng Thái Bình tỉnh Tây Ninh. Thân
phụ là Cao Hoài Ân, Thân mẫu là Hồ thị Lự, sau
đắc phong Nữ Đầu Sư hàm phong (1968), bào huynh là
Thời Quân Tiếp Đạo Cao đức Trọng.
Buổi xây bàn
đầu tiên để tiếp xúc với các vong linh được
tổ chức tại nhà Ngài Sang ở phố Hàng dừa Sàigòn.
(Việc Xây bàn, tổ chức Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung,
Vọng Thiên Cầu Đạo, việc thọ phong chức Thượng
Sanh, xin xem nơi phần Tiểu Sử Đức Hộ Pháp Phạm
công Tắc).
Sau khi Đức Phạm Hộ Pháp lưu vong sang
Cao Miên năm 1956, Hội Thánh thiếu người trực tiếp
cầm giềng mối Đạo, nên thỉnh Đức Cao Thượng
Sanh, từ Sàigòn về Tòa Thánh Tây Ninh đặng điều
hành nền Đạo. Từ đây,
Ngài trọn phế đời hành đạo. Ngài tiếp nối Đức Phạm Hộ Pháp, xây
dựng thêm các cơ quan trong đạo, như Nhà Hội Vạn Linh, Cơ quan
Phát thanh Giáo lý, Văn phòng Ban Thế Đạo, Bắc Tông Đạo, Tần
Nhơn, Nam Đầu Sư Đường, Học Đường Bộ Nhạc, vv . và phát huy việc
phổ thông giáo lý Đại Đạo.
Đức Cao Thượng Sanh có tài năng đặc biệt
về Cổ nhạc Việt Nam, nhờ vậy mà nền Âm Nhạc của Đạo Cao Đài được
Ngài chỉnh đốn hoàn hảo. Tuổi già sức yếu, công việc Đạo đa
đoan, Đức Cao Thượng Sanh ngọa bịnh và đăng Tiên ngày 26-3-Tân
Hợi, lúc 5 giờ chiều, hưởng thọ 71 tuổi.

(LƯU Ý : Muốn biết Tiểu sử chi
tiết của 5 vị Chức sắc Đại Thiên Phong kể trên,
xin xem quyển sách : Danh Nhân Đại Đạo).
2- Đạo kỳ
là lá cờ đạo, tượng trưng Đạo
Cao Đài, gồm 3 màu : Vàng, Xanh, Đỏ. Do đó, lá cờ
đạo nầy còn được gọi là Cờ Tam Thanh, vì Thái
Thanh có màu vàng, Thượng Thanh có màu xanh và Ngọc
Thanh có màu đỏ. Tại bao lơn trước Tòa Thánh, trong
những ngày lễ của Đạo đều có treo lá cờ Đạo
rất lớn, hình chữ nhựt, có màu vàng ở bên trên,
màu xanh ở giữa và màu đỏ ở dưới chót. Trên
phần nền vàng, có thêu 6 chữ Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ, trên phần nền xanh ở giữa có thêu một
Thiên Nhãn và Cổ Pháp Tam giáo : Bình Bát Du, Cây
Phất Chủ và quyển Kinh Xuân Thu. Trên phần màu đỏ
không có thêu gì cả. Ý nghĩa của lá cờ Đạo Cao
Đài được Đức Phạm Hộ Pháp giải thích , xin
tóm tắt như sau :
-
Màu vàng là của phái Thái, tượng trưng Phật giáo.
-
Màu xanh là của phái Thượng, tượng trưng Tiên giáo.
-
Màu đỏ là của phái Ngọc, tượng trưng Thánh giáo tức Nho
giáo.
|
 |
Ghép 3 màu lại trong một khuôn hình
chữ nhựt, với 3 phần đều bằng nhau, tượng trưng
tôn chỉ của Đạo Cao Đài là Tam Giáo Qui Nguyên.
Thiên Nhãn là biểu tượng của Đức Chí Tôn,
thờ Thiên Nhãn là thờ Đức Chí Tôn. Thêu Thiên
Nhãn và Cổ Pháp Tam giáo trên Đạo Kỳ, dưới 6
chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là để chỉ rằng,
Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập ra trong thời Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với tôn chỉ Tam giáo qui nguyên,
nghĩa là đem 3 nền Tôn giáo lớn ở Á Đông qui về
một gốc Đại Đạo do Đức Chí Tôn làm chủ.
3-. Cổ Pháp Tam giáo
Trên lá cờ Đạo, hay trên lan can
lầu Phi Tưởng Đài, đều có hình Cổ Pháp Tam giáo.
Cổ Pháp Tam giáo gồm : Bình Bát Vu, Cây Phất Chủ
và Quyển Xuân Thu. Bình Bát Vu đặt ở giữa, Phất
Chủ và Xuân Thu đặt ở 2 bên.
-
Bình Bát Vu tượng trưng Phật giáo.
-
Cây Phất Chủ tượng trưng Tiên giáo.
-
Sách Xuân Thu tượng trưng Nho giáo.
|
 |
Ghép 3 món ấy lại với nhau để
tượng trưng tôn chỉ của Đạo Cao Đài là : Tam
giáo qui nguyên, tức là đem 3 nền tôn giáo lớn ở
Á Đông (Phật giáo, Tiên giáo và Nho giáo) hiệp trở
về một gốc, gốc đó là Đại Đạo, do Thượng
Đế làm chủ.
Phật Mẫu Chơn Kinh : Xuân Thu, Phất
Chủ, Bát Vu, Hiệp qui Tam giáo hữu cầu chí chơn.
Bát Vu : Bát Vu là
cái bình bát đựng đồ ăn của các tăng ni Phật giáo, phái Khất Sĩ,
dùng để đi khất thực. Mỗi vị sư, sau khi thọ giới cụ túc, được
vị Hòa Thượng nhơn danh Giáo Hội, truyền cho một cái bát, hoặc
khi cái bát bị bể, thì Giáo Hội cũng phát cho cái khác.
Lúc thọ lãnh
bát, vị sư nguyện 3 lần bài chú sau đây : " Thiện tai Bát-đa-la,
Như Lai ứng lượng khí : Phụng trì dĩ tư thân, trưởng dưỡng trí
mạng. Án chỉ rị chỉ rị phạt nhựt ra hồng phấn tra." Nghĩa là :
Lành thay cái Bát-đa-la, món đồ ứng lượng của Phật. Tôi nay
phụng trì để nuôi thân và nuôi lớn cái mạng trí huệ. Sau cùng là
Câu Thần chú bằng tiếng Phạn. Bát-đa-la là phiên âm từ tiếng
Phạn :PATRA, có nghĩa là cái bát, cái bình bát hay Bình bát vu.
Bình Bát Vu còn là một trong 2 tín vật của Phật giáo mà các Tổ
Sư gìn giữ làm bảo vật để truyền kế ngôi Tổ Sư. Hai tín vật đó
là : Y và Bát. Y là cái áo cà sa và Bát là cái Bình Bát vu.
Nguyên 2 tín vật nầy là của đức Phật Thích Ca xử dụng trong lúc
Đức Phật còn sanh tiền. Khi Đức Phật tịch, Phật truyền 2 món nầy
lại cho Ma-Ha Ca-Diếp làm tín vật để giữ ngôi Nhứt Tổ Phật giáo
Ấn Độ. Sau đó, Ma-Ha Ca-Diếp truyền Y Bát lại cho A-Nan làm Nhị
Tổ Phật giáo Ấn Độ. Y Bát nầy truyền dần xuống đến đời Tổ Sư thứ
28 là Bồ-Đề-Đạt-Ma, thì Đạt-Ma Tổ Sư đem Y Bát sang Trung Hoa để
mở mang Phật giáo tại nước nầy. Đat-Ma Tổ Sư trở thành Sơ Tổ của
Phật giáo Trung Hoa. Đạt-Ma Tổ Sư truyền Y Bát lại cho 4 đời Tổ
Sư nữa thì đến đời Lục Tổ Huệ Năng.
Sau đời Lục Tổ
Huệ Năng, không còn lệ truyền Y Bát nữa, vì theo lời di chúc của
Đạt-Ma Tổ Sư, 200 năm sau kể từ ngày Ngài lên Ngôi Tổ thì Y Bát
không được truyền nữa. Vì sự hệ trọng của Y và Bát như thế, nên
Đạo Cao Đài chọn Bình Bát Vu làm Cổ Pháp tượng trưng Phật giáo.
Phất Chủ : Phất là
quét, chủ là con chủ. Con chủ là loài thú thuộc
loài nai, hình dáng như con hươu nhưng lớn hơn, lông
đuôi dài chấm đất, khi đi thì cái đuôi phẩy qua
phẩy lại để quét cho sạch bụi.
Do đó, Phất chủ là cái chổi quét bụi làm
bằng lông đuôi con chủ, nên cũng gọi là Phất trần
(quét bụi). Các vị Tiên thường dùng lông đuôi
chủ để làm chổi quét bụi.
Nhưng đây là cây chổi
Tiên, nên nó có rất nhiều phép tắc mầu nhiệm,
nó dùng để quét sạch bụi trần bám vào che lấp
cái Tâm, để cho cái Tâm được trong sạch sáng tỏ.
Nguồn gốc cây Phất chủ là của Đức Thái
Thượng Lão Quân. Do đó, Phất chủ là bửu bối
của Tiên gia. Đạo Cao Đài chọn Phất chủ làm Cổ
Pháp tượng trưng Tiên giáo.
Xuân Thu : Xuân Thu là
tên của một quyển sách do Đức Khổng Tử sáng tác vào lúc cuối
cuộc đời của Ngài, sau khi Ngài đã san định xong Ngũ Kinh. "
Xuân Thu là tên của một bộ sử nước Lỗ do Đức Khổng Tử ghi chép
những việc quan trọng xảy ra hằng năm, từ đời Lỗ Ân Công nguyên
niên, tức là từ năm thứ 49 đời vua Chu Bình Vương, đến đời Lỗ Ai
Công năm thứ 14, tức là năm thứ 39 đời vua Chu Kinh Vương, trong
thời gian 242 năm.
Đây là một giai
đoạn lịch sử Trung Hoa, thời kỳ mạt điệp nhà Chu (Châu), ngôi
Thiên tử suy nhược, bị bọn Ngũ Bá : Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công,
Tần Mục Công, Tống Tương Công, Sở Trang Công, nổi lên lấn át
quyền Thiên tử, các nước chư Hầu tranh chiếm lẫn nhau, các sử
gia gọi là thời đại hỗn loạn , nên người đời sau mượn tên Kinh
Xuân Thu để gọi thời đại ấy là thời Xuân Thu (722-480 trước Tây
lịch).
Mặc dầu Kinh
Xuân Thu là một cuốn sách lịch sử, nhưng khi ghi chép, Đức Khổng
Tử vận dụng văn tự và bút pháp để khen chê, để phân biệt kẻ
thiện người ác hết sức minh bạch và đanh thép, nên người đời sau
đã phải công nhận đó là búa rìu trong Kinh Xuân Thu (Xuân Thu
phủ việt), cũng như nói: Đức Khổng Tử làm Kinh Xuân Thu mà bọn
loạn thần tặc tử sợ (Khổng Tử tác Xuân Thu nhi loạn thần tặc tử
cụ). Vì thế Kinh Xuân Thu đã có tác dụng về Đạo lý, đã giữ địa
vị quan trọng trong nền văn hóa Đông phương nói chung và Nho
giáo nói riêng, trong sự biểu dương học thuyết "Chính danh, Nhất
quán, Trung Dung, Đại Đồng" của vị Vạn Thế Sư Biểu mà dân tộc
Việt nam đã chịu ảnh hưởng hơn 2000 năm nay. Kinh Xuân Thu còn
có tính cách điển hình gương mẫu cho người đời sau phải tôn
trọng danh dự và nhiệm vụ trong khi viết sử, và được liệt vào 5
Bộ Kinh căn bản của Nho giáo : Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh
Dịch, Kinh Xuân Thu." (Theo Ông Lê phục Thiện, chuyên viên Hán
học, TTHL).
Xem như thế,
Kinh Xuân Thu là một bộ sách rất quan trọng, tiêu biểu cho Đức
Khổnng Tử, mà cũng tiêu biểu cho Nho giáo. Đức Quan Thánh thuở
sanh tiền lấy Kinh Xuân Thu làm sách gối đầu. Do đó, Đạo Cao Đài
lấy Kinh Xuân Thu làm Cổ Pháp tượng trưng Nho giáo.
4- Hội Long Hoa
Phía dưới bao lơn trước Tòa Thánh có 4 cây
cột, mỗi bên 2 cây đứng kế nhau, một cây quấn rồng đỏ, một cây
quấn bông sen. Hai cây cột đứng kế nhau ấy tượng trưng 2 chữ
LONG HOA. Long là rồng, Hoa là cái bông). Tượng trưng như vậy
là có ý nói rằng, Đại Hội Long Hoa kỳ nầy sẽ mở ra tại Tòa
Thánh Tây Ninh , và Đức Di-Lạc Vương Phật ngự trên nóc Phi
Tưởng Đài sẽ làm Giáo chủ, với 8 khuôn hình chung quanh bao
lơn tượng trưng 8 hạng người của nhơn loại (Sĩ, Nông, Công,
Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục), tức là tượng trưng nhơn loại tụ
họp về Tòa Thánh để tham dự Đại Hội Long Hoa. |
 |
Những người tham dự Đại Hội Long Hoa là
những người đã được Đức Di-Lạc Vương Phật chấm đậu trong kỳ thi
công đức và sẽ được thăng thưởng vào các phẩm vị Thần Thánh Tiên
Phật. Từ khi có nhơn loại đến nay, Đức Chí Tôn đã mở 2 kỳ Đại
Hội Long Hoa : Kỳ nhứt và Kỳ nhì. Sắp tới, Đức Chí Tôn sẽ mở Đại
Hội Long Hoa Kỳ ba :
Cuối Chuyển thứ nhứt, tức là cuối Hạ nguơn Nhứt Chuyển,
có Đại Hội Long Hoa kỳ nhứt, gọi là Thanh Vương
Đại Hội, do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật làm Giáo
Chủ. (Kể từ khi có nhơn loại đến nay đã trải
qua 3 Chuyển : Nhứt Chuyển, Nhị Chuyển, Tam Chuyển.
Mỗi Chuyển có 3 Nguơn : Thượng nguơn, Trung nguơn,
Hạ nguơn. Hiện nay, nhơn loại đang ở vào cuối
Hạ nguơn của Tam Chuyển, sắp bước qua Thượng
nguơn của Tứ Chuyển).
Cuối Chuyển thứ nhì, tức là cuối Hạ nguơn Nhị Chuyển, có
Đại Hội Long Hoa kỳ thứ nhì, gọi là Hồng Vương
Đại Hội, do Đức Phật A-Di-Đà làm Giáo Chủ.
Cuối Chuyển thứ ba, tức là cuối Hạ nguơn Tam Chuyển, sẽ
có Đại Hội Long Hoa kỳ thứ ba, gọi là Bạch Vương
Đại Hội, do Đức Di-Lạc Vương Phật làm Giáo Chủ.
Đạo ví Đời là một trường học vĩ đại, có đủ
các bài học từ thấp đến cao, từ ác tới thiện, từ vật chất đến
tinh thần, để các chơn linh đầu kiếp xuống đây học hỏi, chiêm
nghiệm và tiến hóa. Người làm thiện thì tiến hóa hơn người làm
ác; người ăn chay thì tiến hóa hơn người ăn mặn ; người tu hành
đạo đức thì tiến hoá hơn người không tu. Đại Hội Long Hoa là một
cuộc thi tuyển sau một Chuyển học hỏi và tiến hoá của nhơn loại.
Ai đạt được trình độ tiến hóa cao thì được
chấm đậu, sẽ lãnh được những cấp bằng làm Thần Thánh Tiên Phật
tương ứng với trình độ tiến hóa của mình. Ai rớt thì phải ở lại
cõi trần để tiếp tục học hỏi và tiến hóa, chờ kỳ thi tuyển được
mở ra vào cuối Chuyển tiếp theo. Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ (tức là Đạo Cao Đài) là để chuẩn bị cho con cái của Ngài
trước kỳ thi tuyển vào Đại Hội Long Hoa kỳ thứ ba.
" Người dưới thế nầy, muốn
giàu có, phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy
là về phần xác thịt. Còn Thần Thánh Tiên Phật,
muốn cho đắc đạo, phải có công quả. Thầy đến
độ rỗi các con là thành lập một trường công
đức cho các con nên đạo. Nếu chẳng đi đến trường
Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình, thì chẳng
đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ." (TNHT.
I. 27).
Trong Đại Hội Long Hoa kỳ thứ ba
nầy, người được chấm đậu sẽ được tưởng
thưởng xứng đáng bằng những phẩm vị Thần Thánh
Tiên Phật, và sẽ được đưa vào những thế giới
tiến hóa cao siêu hơn. Những người có công đức
ít sẽ được sống sót tại quả địa cầu nầy
và trở thành giống dân Thần Thông Nhơn để lập
đời Thượng Nguơn Thánh đức.
Còn những người
thi rớt ở Đại Hội Long Hoa nầy , họ phải ở
đó chờ đợi cho đến khi nào lớp thú cầm tiến
hóa lên phẩm nhơn loại thì họ mới nhập vào, để
cùng bắt đầu một chu trình tiến hóa mới. Sự
chờ đợi đó đôi khi phải mất hằng triệu năm
thì lớp thú cầm mới tiến hóa lên được phẩm
người. Hội Long Hoa sa thải những kẻ gian
ác (kém tiến hóa) tức là những kẻ thi rớt bằng
cách nào?
Bằng những tai Trời ách nước như
: Bão tố, lụt lũ, núi lửa, động đất, bịnh chướng
sát hại. Mười phần nhơn loại rớt hết 9 phần,
chỉ đậu 1 phần. Do đó, trước ngày khai Đại Hội
Long Hoa, sẽ có một cuộc tang thương vĩ đại, để
loại trừ 9 phần 10 nhơn loại kém tiến hóa đó,
mà nhiều tôn giáo gọi đó là Tận Thế, là cuộc
Phán Xét cuối cùng.
TNHT.I. 87 : "Kỳ Hạ nguơn hầu
mãn, nhơn vật vì tai nạn mà phải tiêu tan, 10 phần
chỉ còn lại 1 mà thôi. Than ôi
! Buồn thôi ! Nghĩ vì Thiên cơ định vậy, thế nào
mà cải cho đặng, duy có mở tấm lòng từ thiện
ăn năn sám hối, lo việc tu hành, đồng với nhau
cả quốc dân mà quì lụy khẩn cầu coi Trời có
đoái tưởng đến chăng ? Bởi thế nên Đức Ngọc
Đế và chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, mới lập
Hội Tam Kỳ Phổ Độ đặng cứu vớt chúng sanh đương
linh đinh nơi bể khổ. Nếu gặp thuyền Bát Nhã mà
không xuống, không theo thì chắc thế nào cũng chơi
vơi mé biển."
Sau cuộc biến
động dữ dội gọi là Tận Thế đó, thì quả Địa
cầu trở lại yên tĩnh, thời tiết trở lại điều
hòa tốt đẹp, trược khí được thổi tan, nhơn
loại còn lại là những người hiền lương đạo
đức với hình dáng tốt đẹp, mạnh khỏe sống
lâu. Đó là khởi đầu của giống dân Thần Thông
Nhơn lập đời Thượng nguơn Thánh đức. Chư Tiên
Phật sẽ giáng trần hướng dẫn nhơn loại tiếp
tục tiến hóa lên cao hơn nữa. Do đó, Đức Chí
Tôn có nói :
Chừng nào đất
dậy Trời thay xác, Chư Phật, Thánh, Tiên, xuống
ở trần.
Đức Phạm Hộ
Pháp thuyết đạo nói về Đại Hội Long Hoa, xin trích
ra sau đây: " Long Hoa Hội là gì ? Long Hoa Hội
là một ngày, một buổi khảo lựa của toàn thể
các chơn hồn, dầu Quỉ vị hay trong Thần vị cũng
vậy, định khoa mục đặng lập vị thiêng liêng.
Chúng ta hiểu rằng, mỗi Chuyển, tức nhiên là mỗi
khoa mục. Hễ cuối một Chuyển, tức nhiên Hạ nguơn,
là ngày định vị của các đẳng linh hồn. Thánh
giáo Gia-Tô đã nói rằng : " Ngày xét đoán cuối
cùng ", mà kỳ thật là ngày định vị cho chư
Phật đó vậy.
Có một điều trọng hệ đương buổi nầy là buổi
náo nhiệt, tại sao ? Tại mãn Hạ nguơn Tam Chuyển,
Thiên thơ đã định Long Hoa Hội. Thánh giáo Chí Tôn
nói : " Các con phải chung cùng nhau, tức nhiên
lập Long Hoa Hội, định vị cho các chơn linh trong
kỳ Hạ nguơn Tam Chuyển nầy, định vị cho họ đặng
mở Thượng nguơn Tứ Chuyển cho các chơn linh."
Ngài mở Long Hoa Hội ấy, tức nhiên Ngài định chấm
đậu rớt cho các chơn linh vậy. Vì cớ cho nên, chúng
ta ngó thấy có huyền vi bí mật nơi mặt thế nầy
: Đức Chí Tôn đến mở Đạo ngày nay, chúng ta thấy
oan gia nghiệp chướng trả liền buổi nầy, không
cho thiếu, trả mãn mới thôi. "