TÓM LẠI :
-
Đại Hội Long Hoa là một cuộc thi cần thiết
để tuyển chọn người đạo đức trong thời kỳ
cuối Hạ nguơn Tam Chuyển bước qua Thượng nguơn
Tứ Chuyển, để tạo lập đời Thượng nguơn Thánh
đức.
-
Những người bị loại ra khỏi Đại Hội Long
Hoa là những người kém tiến hóa, tức là họ còn
gian ác xấu xa, thiếu đạo đức. Họ phải ở đó
chờ đợi hằng triệu năm sau để lớp thú cầm
tiến hoá lên phẩm người thì họ cùng nhập vào
mà bắt đầu một giai đoạn tiến hóa mới.
-
Tỷ lệ tuyển chọn của Đại Hội Long Hoa
kỳ ba nầy là 1/10. Trong 10 người chỉ có một người
đậu mà thôi, còn 9 người kia bị loại và bị tiêu
diệt. Linh hồn của họ phải chờ đợi như vừa
trình bày bên trên.
-
Đức Di-Lạc Vương Phật đứng làm Giáo Chủ
Đại Hội Long Hoa, chính Ngài là Chánh Chủ Khảo
chấm thi đậu rớt.
5- Tám khuôn hình nơi bao lơn Tòa Thánh
I.
Hạ Võ
trị thủy : tượng trưng NÔNG.
II.
Ngu Thuấn
cày voi : - - CANH.
III.
Toại Nhân
- Hữu Sào : - - CÔNG.
IV.
Phạm Lãi
- Tây Thi : - - THƯƠNG
V.
Khương
Thượng ngồi câu : - - NGƯ.
VI.
Khương
Thượng ngồi câu: - - TIỀU.
VII.
Sào Phủ
- Hứa Do : - - MỤC .
VIII.
Châu Mãi
Thần : - - SĨ.
Khuôn hình số
I :
Nông
Hạ Võ trị thủy
-
Ông Hạ Võ
được vua Thuấn sai đi xẻ núi đào sông, làm cho
nước chảy thông ra biển, tránh lụt ngập cho dân,
giúp cho nghề nông phát triển mau lẹ. Hạ Võ là
con Ông Cổn. Ông Cổn làm quan dưới triều vua Nghiêu.
Vua Nghiêu sai ông Cổn trị thủy , ông Cổn làm việc
trong 9 năm nhưng không thành công được điều gì.
Sau, Ông Thuấn lên nối ngôi vua Nghiêu, lại sai con
Ông Cổn là Hạ Võ tiếp tục công việc trị thủy.
Hạ Võ vất vả làm việc trong 10 năm, làm rất khẩn
trương, đi qua cửa nhà mà không có thời giờ vào
thăm nhà. Ông đã khai thông được các sông ngòi,
đào thêm các kinh rạch, nhờ vậy, nước lụt thuận
dòng chảy ra biển. Đất đai không còn bị ngập
lụt nên dân chúng cày cấy trồng trọt được, làm
cho Nông nghiệp phát triển mau lẹ.
Nhờ công nghiệp
to lớn nầy, Ông Hạ Võ được vua Thuấn phong làm
chức Tư Không, điều khiển các quan. Vua Thuấn ở
ngôi được 33 năm, lúc đó đã được 93 tuổi, nhận
thấy con là Thương Quân bất tài, không phải là
người hiền, nên vua Thuấn bắt chước vua Nghiêu,
truyền ngôi cho người hiền là Ông Hạ Võ. Vua Thuấn
phủ dụ Ông Hạ Võ : " Lại đây Ông Võ ! Trời
ra tai họa nước lụt, có ý răn ta. Nay tin giữ được
lời nói, làm được thành công, ấy là tài của
ngươi; chăm chỉ việc nước, tiết kiệm việc nhà,
bụng không tự mãn, ấy là đức tốt của ngươi.
Ngươi không khoe tài, không khoe công, thiên hạ không
ai cùng ngươi tranh công. Ta quí các đức tốt của
ngươi, khen cái công to của ngươi.
Lịch số của
Trời nay đến lượt ngươi, ngươi đáng lên ngôi
vua. Lòng người dễ thiên về vật dục, rất nguy
! Lòng mến đạo thì rất nhỏ. Cần phải xét cho
tinh, giữ một mực, tin theo đạo Trung Dung, không
thái quá, không bất cập. Những lời nói vu vơ, không
bằng cứ vào đâu, chớ nghe. Những mưu kế độc
chuyên, không hỏi ý kiến công chúng, chớ dùng.
Đáng yêu chẳng phải là vua ư ? Đáng sợ chẳng
phải là dân ư ? Dân không có vua, dân trông cậy
vào đâu ? Vua không có dân, vua cùng ai giữ nước? Ngươi nên thận trọng ngôi vua, tu tỉnh những
nguyện dục của mình. Nhớ rằng, để dân chúng phải khốn cùng thì
lộc Trời sẽ hết. Lời nói ở miệng ra, có khi thiện cảm, có khi
gây việc binh nhung. Ngươi nên lưu ý".
Sáng ngày
mùng 1 tháng Giêng, Ông Võ chịu mệnh ở miếu thờ vua Nghiêu, tổng
xuất trăm quan, lên ngôi vua, nối đời vua Thuấn . Năm ấy là năm
2205 trước Tây lịch.
Khuôn hình số
II :
Canh
Ngu Thuấn cày voi
-
Ông Thuấn họ Ngu, cha là Cổ Tẩu, mẹ là Ốc
Đăng rất hiền đức mà mất sớm. Cổ Tẩu có tánh
ương gàn, mê muội, cưới vợ kế, sanh một con trai,
đặt tên là Tượng. Cảnh mẹ ghẻ con chồng thật
là khắc nghiệt. Em Tượng lớn lên rất điêu ngoa.
Cổ Tẩu thường nghe lời vợ kế mà đày đọa Thuấm
làm nhiều điều khổ sở.
Có lần mẹ ghẻ xúi Cổ Tẩu sai Thuấn đi cày ở
đất Lịch Sơn, là nơi nổi tiếng có nhiều cọp
dữ, mục đích là để cho cọp ra ăn thịt Thuấn
mà trừ khử Thuấn đi. Thuấn nghe lời cha mẹ, đem cày đến Lịch
Sơn không chút than van. Lòng hiếu thảo của Thuấn cảm động Trời
cao, khiến cọp dữ không dám đến gần, voi trong rừng ra cày đất
cho Thuấn, chim muôn bay đến nhặt cỏ. Thấy không hại được Thuấn
bằng cách đó, bà mẹ ghẻ lại xúi Cổ Tẩu sai Thuấn đi đánh cá ở
đầm Lôi Trạch, là nơi thường có gió to sóng lớn nhận chìm ghe
thuyền, không ai dám bén mảng tới đó. Thuấn vẫn nghe lời cha mẹ,
đến đó đánh cá bình yên, sóng gió lúc đó êm lặng như ngầm giúp
cho người con hiếu thảo.
Dù bị hãm hại nhiều lần, nhưng Thuấn không hề oán ghét
mẹ ghẻ, và đối với em Tượng vẫn thương yêu như em ruột, sống
hiền hòa hiếu thuận, luôn luôn lo phụng dưỡng cha và mẹ ghẻ, van
vái Trời Phật cho cha mẹ và em được khỏe mạnh sống lâu. Với tấm
lòng cao cả của Thuấn, bà mẹ ghẻ lần lần hối hận những việc làm
độc ác vừa qua, trở lại sống hiền lương và thương yêu Thuấn.
Tiếng hiếu thảo của ông Thuấn được đồn vang trong dân chúng, đến
tai vua Nghiêu đang trị vì thiên hạ. Vua Nghiêu không muốn
truyền ngôi cho con là Đan Chu, vì thấy con không đủ tài đức đem
lại hạnh phúc cho dân, lại nghe Thuấn là người hiền, nổi tiếng
hiếu thảo, đáng được truyền ngôi, nên vua Nghiêu hỏi ý kiến của
quần thần:
-
Trẫm ở ngôi được 70 năm, ta muốn tìm một
người hiền để truyền ngôi. Các khanh tiến cử
ai ?
-
Các quan tâu rằng : Ở trong dân chúng có một
người hiền nổi tiếng hiếu thảo, đó là Ngu Thuấn
ở đất Ngu.
-
Phải, Trẫm cũng có nghe, Nhưng người ấy thế
nào ?
-
Quan Tứ Nhạc thưa rằng : Người ấy là con
một người mù lòa, cha ngoan cố, mẹ ghẻ lắm điều,
người em dị bào tên Tượng lại có tánh ngạo ngược,
thế mà Thuấn vẫn một lòng hiếu thuận, khiến
cho họ hối lỗi, trở lại làm thiện, không xảy
ra sự gian ác thêm nữaVua Nghiêu nói : Ta thử xem
sao, ta gả 2 con gái ta cho người ấy để xem cách
người ấy tề gia như thế nào ? Thế là vua Nghiêu
sửa soạn hành trang, đưa cả 2 con gái là Nga Hoàng
và Nữ Anh đến bờ sông Vỵ, gả hết cho Thuấn.
Vua Nghiêu răn hai con gái rằng : Phải kính cẩn giữ
cho trọn đạo.
Sau
3 năm dò xét, Vua Nghiêu kêu Ông Thuấn bảo : Lại
đây, ngươi Thuấn ! Ta hỏi công việc và xét lời
nói của ngươi đều có thành tích. Đến giờ đã
3 năm, ngươi đáng được lên ngôi làm vua thay ta.
Ông Thuấn tự khiêm mình là đức kém, nhưng vua Nghiêu
không chịu. Ngày mùng 1 tháng Giêng, Ông Thuấn chịu
mệnh, lên ngôi vua nơi miếu thờ Đức Văn T
Khuôn hình số
III :
Công
.
Toại Nhân - Hữu
Sào
-
Toại Nhân là người có công phát minh ra lửa,
bằng cách lấy cây nhọn dùi vào gỗ, tạo sức nóng
làm lửa phát ra. Hữu Sào là người phát minh ra cách
cất nhà trên cây, làm giống như cái tổ chim, để
ở. Sách Hàn Phi Tử viết : Đời Thái cổ nước
Tàu, người ít mà cầm thú thì nhiều, dân không
thắng nổi thú dữ như cọp, voi, sấu, rắn, vv …
Có Đấng Thánh nhân dấy lên, bày cho dân cách kết
cây lại, làm giống như một cái tổ chim trên cây
để ở. Khi gặp nguy hiểm thì trèo lên cây, vào
đó cư trú an toàn. Dân chúng vui lòng, tôn lên làm
vua, gọi là Hữu Sào. (Sào là cái ổ) Dân chúng lại
ăn trái sống, thịt sống, tanh hôi, làm thương tổn
tỳ vị, thường mắc bịnh tật, bị chết rất nhiều.
Có Đấng Thánh nhân dấy lên, bày cho dân dùi vào
gỗ để lấy lửa, dùng củi đốt lên để nấu
chín thức ăn, khử mùi tanh hôi, lại dễ tiêu hóa.
Dân chúng vui lòng, đồng tôn lên làm vua, gọi là
Toại Nhân. (Toại là lấy lửa). Việc phát minh ra
lửa là một thành tựu vĩ đại của loài người
nguyên thủy, tạo ra một cuộc biến đổi toàn diện
về đời sống của con người. Nhờ có lửa, con
người ăn các thức ăn được nấu chín, cơ thể
của con người biến đổi theo chiều hướng tiến
hoá tốt đẹp. Cũng nhờ có lửa, con người biết
đốt nóng kim khí để rèn, đúc các dụng cụ bằng
kim khí, nâng mức sống lên một đẳng cấp rất
cao so với loài cầm thú. Toại Nhân và Hữu Sào,
với 2 phát minh quan trọng, đã đưa con người nguyên
thủy tiến hoá lên một bực cao, thoát khỏi tình
trạng ăn lông ở lỗ chung đụng với loài cầm thú.
Do đó, Toại Nhân và Hữu Sào được xem là 2 vị
Tổ Sư của ngành chế tạo công nghiệp.
Khuôn hình số
IV :
Thương.
Phạm Lãi - Tây
Thi
1.
Phạm
Lãi là vị tướng tài ba đã giúp vua nước Việt
là Việt Vương Câu Tiễn đánh thắng và giết chết
Vua Ngô Phù Sai, trả được cái nhục mất nước,
vào thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu.
Sau khi thành công, Phạm Lãi bí mật rút lui
khỏi quan trường (Công thành thân thối), cùng với
người đẹp Tây Thi, lên thuyền đi vào Ngũ Hồ,
sống cuộc đời phóng khoáng tự do.
Sau đó, Phạm Lãi thay đổi tên họ, trở thành Đào
Châu Công, chỉ huy một đoàn thương thuyền và một
đoàn thương xa, chuyên đi buôn bán, mua hàng hóa từ
nơi dư thừa, chở đến bán ở các nơi thiếu thốn,
rất được các nước chư Hầu hoan nghinh. Đào Châu
Công có một hệ thống xe, thuyền vận tải hàng
hóa đi khắp các thị trấn lớn của nước Tàu thời
bấy giờ. Việc thương mãi của Đào Châu Công thật
là phát đạt.
-
Tây Thi, là người con gái rất đẹp của nước
Việt, giặt lụa ở Trữ La thôn.
Vua nước Việt
là Câu Tiễn muốn đem quân sang đánh nước Ngô.
Phạm Lãi can rằng :
Không nên, tôi nghe nói việc binh là điều gở, đánh
nhau là điều trái với đức, tranh nhau bằng quân
sự là việc thấp nhứt. Lo âm mưu làm trái với
đức là việc Thượng Đế cấm. Nếu làm tất bất
lợi. Việt Vương không nghe, đem binh đánh Ngô, bị
vua Ngô Phù Sai và Tướng Quốc Ngũ Tử Tư đánh cho
đại bại, bị bắt làm tù binh. Ngũ Tử Tư yêu cầu
vua Ngô giết ngay Câu Tiễn để khỏi lưu hại về
sau. Nhưng Văn Chủng đã dùng nhiều tiền bạc lo
lót cho Thái Tể Phỉ, một đại thần của vua Ngô,
tìm cách cứu mạng Câu Tiễn, nên Thái Tể Phỉ tâu
với vua Ngô, không nên giết Câu Tiễn, chỉ nên giam
cầm mà thôi. Vua Ngô sắp ưng thuận thì Ngũ Tử
Tư lại can nữa : Nếu nay mà Đại Vương không tiêu
diệt nước Việt, thì sau nầy sẽ hối hận. Câu
Tiễn là người có chí khí, lại có 2 bề tôi tài
giỏi là Phạm Lãi và Văn Chủng phò tá, nước Việt
sẽ mau hùng cường, nhứt định sẽ đánh lại nước
Ngô. Vua Ngô không nghe, chỉ bắt Câu Tiễn giam cầm
đày đọa một thời gian rồi thả cho trở về nước.
Việt Vương Câu Tiễn được tha về nước rồi thì
giấu mình, nuôi chí phục thù, nhưng ngoài mặt giả
bộ an phận phục tùng vua Ngô, hằng năm triều cống.
Phạm Lãi bí mật luyện tập quân đội, tích thảo
đồn lương; Văn Chủng lo sửa sang việc chánh trị
và kinh tế, đồng thời tuyển lựa một đoàn mỹ
nữ, huấn luyện đủ các ngón nghề mê hoặc Ngô
Phù Sai, để Việt Vương dâng hiến cho vua Ngô.
Trớ
thêu thay, trong đoàn mỹ nữ có nàng Tây Thi đứng
đầu lại là người yêu của Phạm Lãi. Nhưng cả
2 người đều hy sinh tình riêng để lo báo đền
ơn nước. Ngô Phù Sai hết sức bằng lòng đoàn mỹ
nữ nầy và đặc biệt sủng ái Tây Thi. Ngũ Tử
Tư vội vào triều can vua Ngô nhiều lần, nhưng vua
không nghe, lại còn có ý bực bội. Bảy năm trôi
qua, nước Việt đã khá hùng mạnh. Việt vương nóng
lòng phục thù, muốn đem binh đánh Ngô, nhưng Phạm
Lãi can vì chưa phải lúc. Trong lúc đó, bên nước
Ngô, Ngô Phù Sai tin dùng Thái Tể Phỉ, lại được
Văn Chủng đem vàng bạc đút lót người để cố
ý gièm pha hãm hại Ngũ Tử Tư. Âm mưu nầy dần
dần thành công. Ngũ Tử Tư bị vua Ngô bức tử.
Trước khi chết, Ngũ Tử Tư bảo :
Các ngươi hãy móc cặp mắt của ta đặt ở cửa
thành phía Đông để ta xem quân nước Việt tiến
vào. Việt Vương Câu Tiễn hay tin Ngũ Tử Tư bị
bức tử chết thì rất mừng, liền vời Phạm Lãi
đến thương nghị việc đánh Ngô, nhưng Phạm Lãi
vẫn can, vì tuy nước Ngô mất tướng tài là Ngũ
Tử Tư, nhưng thế của nước Ngô còn mạnh lắm.
Mùa Xuân năm sau, vua Ngô Phù Sai làm Bá Chủ chư Hầu
ở phía Nam, đem đại quân lên phía Bắc, họp với
các chư Hầu ở Hoàng Tri. Tinh binh của nước Ngô
đều đi theo, chỉ chừa lại những lính già giữ
thành mà thôi. Việt Vương Câu Tiễn lại thương
nghị với Phạm Lãi và Văn Chủng xem lúc nầy đánh
Ngô được chưa. Phạm Lãi đáp : Đúng lúc nầy mà
Đại vương tấn binh thì nhứt định đại thành
công, giết được Ngô Phù Sai, trả cái thù thuở
trước. Việt Vương Câu Tiễn xuất toàn lực bất
ngờ tấn công nước Ngô. Quả nhiên quân Ngô đại
bại. Ngô Phù Sai dẫn binh trở về tiếp cứu, nhưng
Ngũ Tử Tư đã chết rồi, trong triều không còn trung
thần, đâu có ai chống nổi Phạm Lãi và Văn Chủng.
Ngô Phù Sai đành thảm bại, che mặt ân hận nói
: Ta không còn mặt mũi nào nhìn thấy Ngũ Tử Tư
nữa. Nói rồi, Ngô Phù Sai rút gươm tự sát. Toàn
quân Ngô đều tan rã đầu hàng. Phạm Lãi đã có
kế hoạch chuẩn bị sẵn từ trước, liền chạy
thẳng lên Cô Tô Thành, vào ngay cung cấm để tìm
nàng Tây Thi, người yêu cũ 17 năm về trước, đưa
nàng xuống ngay một chiếc thuyền lớn đã đậu
chờ sẵn, rồi dùng mũi kiếm khắc vào thẻ trúc
một mật thơ gởi cho Văn Chủng : "Việt Vương
có nói : Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ
khôn đã chết thì chó săn bị làm thịt. Vua Việt
là người cổ dài, miệng diều hâu, có thể cùng
chung lo lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng chung
hưởng với ông ta khi thành công. Sao bạn không bỏ
đi ? Nếu Tử Hội còn tham mến công danh, ắt ngày
sau không khỏi bị tai họa."
Phạm Lãi gọi
một cận thần đến dặn : " Đợi ta đi khỏi
Cô Tô Thành chừng nửa giờ thì ngươi đem bức mật
thư nầy giao cho Đại Phu Văn Chủng. "Xong, Phạm
Lãi cho thuyền rời ngay Cô Tô Thành, đi về phía
Ngũ Hồ. Gió thổi mạnh, thuyền lướt nhanh, Thái
Hồ mênh mông nhìn thấy trước mặt. Phạm Lãi và
Tây Thi cùng nhìn lại phía sau, Cô Tô Thành đang còn
ngập trong biển lửa, kết thúc một triều đại
trong những mối oan cừu. Phạm Lãi thở dài : "
Tất cả đã kết thúc, hận cũ được tiêu tan, thì
thù mới sẽ tới. Việt Vương ngày nay rồi sẽ theo
vết xe đổ của Ngô vương. Văn Chủng không chịu
bỏ đi hôm nay thì ngày kia cũng giống như Ngũ Tử
Tư mà thôi." Phạm Lãi nhìn Tây Thi nói : Ân cừu,
Ngô quốc, Việt quốc, Sở quốc, có liên quan gì
đến ta nữa chứ ? Tây Thi, từ rày về sau, chúng
ta không màng đến các chuyện ấy nữa. Sóng nước
Ngũ Hồ sẽ rửa sạch tất cả, để chúng ta không
còn dính đến thế sự nữa. Tây Thi, để ta giới
thiệu người nhà của ta ra mắt nàng.
Phạm Lãi đưa Tây Thi vào khoan thuyền giữa. Con lớn
tên là Phạm Bình 15 tuổi, con kế là Phạm An 11 tuổi.
Cả hai lớn lên trong gian khổ, người hơi gầy nhưng
chắc nịch.
Tây Thi nói : Phạm An giống hệt chàng lúc chàng cách
nay 17 năm. Phạm Lãi đưa Tây Thi đi xem khắp các
nơi trên thuyền. Trên thuyền tất cả có 10 thanh
niên và 10 thiếu nữ. Phạm Lãi cho họ kết làm vợ
chồng với nhau. Phạm Lãi nói : Chúng ta sẽ đến
một nơi không có khói lửa của nhân gian, 10 cặp
vợ chồng nầy sẽ sanh con đẻ cháu không ngừng.
Rồi họ đi xem các đồ vật trong thuyền, nào nông
cụ, nào hạt giống, lương thực, muối ăn, rương
tráp. Tây Thi ngạc nhiên hỏi : Chàng đã chuẩn bị
sẵn hết à ? Phải, lúc rời Hội Kê đi đánh nước
Ngô, ta đã chuẩn bị đầy đủ tất cả. Nghĩa là
chàng chắc chắn chiến thắng ? Dĩ nhiên là phải
chiến thắng, bởi vì Ngô quốc tuy mạnh hơn Việt
quốc, nhưng họ thiếu những tướng tài giỏi cầm
quân, trong triều, phần lớn là bọn dua nịnh. Ta
đã chuẩn bị 17 năm rồi, vì nàng mà ta lo liệu
chu toàn tất cả.
Phạm Lãi và Tây Thi rời bỏ tất cả, cắt đứt
mọi mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Họ vô
tư ca hát vui vẻ trên thuyền, khi câu cá, lúc đọc
sách, mặc cho thời gian trôi theo dòng nước biếc.
Một hôm, chàng cho thuyền ghé lại một bến sông,
đem cá lên bờ để đổi lấy muối và lương thực.
Người nhà tên là A-Mang lên bờ một lúc lâu rồi
trở về thuyền báo cáo với chủ nhân : Việt vương
treo giải thưởng nhiều vàng cho ai tìm được Phạm
Đại Phu. Việt vương và Văn Đại Phu kéo đại quân
cùng với 800 xe lên phía Bắc hội minh với 2 nước
Tề và Lỗ. Việt vương chia nước Ngô thành quận,
huyện, lấy đất ở sông Hoài cho Sở, trả cho nước
Tống đất Ngô, trả cho nước Lỗ dãy đất trăm
dặm ở phía Đông sông Tứ. Việt vương Câu Tiễn
bây giờ làm Bá chủ chư Hầu ở phương Nam. Tây
Thi bảo : Thiếu Bá, chàng hỏi nhiều như thế để
làm gì ? Các việc ấy không liên quan gì đến chúng
ta. Chúng ta rày đây mai đó, mọi việc trên đất
liền , chúng ta không nên biết tới. Nhưng Thái Hồ
không rộng lắm, lại rất gần nước Việt, e có
hôm, chúng ta phải dời đi. Lúc Việt vương từ Trung
nguyên trở về, chúng ta không dễ gì an cư trong Thái
Hồ. Phạm Lãi cho thuyền vượt biển sang Tề, tự
đặt tên mới cho mình là Chi-Di Tử-Bì.
Sau một thời
gian, Phạm Lãi cảm thấy là cũng khó ở yên được
nơi nước Tề, nên quyết định chuyển sang ở đất
Đào, là nơi phát tích vua Nghiêu, ở phía Nam nước
Tề, giờ đây trở thành một nước nhỏ, không có
xung đột, lại có thể giao lưu với các nước khác
rất thuận lợi. Chàng đã sai Phạm An đến đất
Đào, lựa chỗ tốt mua 1000 mẫu đất làm cơ sở.
Phạm Lãi cho đóng nhiều chiếc thuyền buôn và nhiều
chiếc xe chở hàng hóa. Chàng hoàn toàn chuyển sang
ngành thương mãi. Chàng nói với Tây Thi : Ta đã nghiên
cứu kỹ đại thể trong thiên hạ, biết rằng chẳng
bao lâu nữa sẽ có những cuộc biến động mới
lớn lao, nhưng chúng ta không sợ biến động, bởi
vì biến động là cách nâng cấp tiến bộ xã hội.
Sau nầy, người làm chánh trị sẽ nhiều hơn, vì
họ chọn con đường chánh trị để vinh thân. Nhưng
ngoài chánh trị, ta còn phát hiện được một con
đường khác rất quan trọng mà trước đây chưa
biết. Đó là con đường thương mãi. Thế giới của
chúng ta mỗi ngày thêm đông đúc, cuộc sống càng
lúc càng phức tạp hơn. Dân chúng rồi đây sẽ cần
nhà thương mãi hơn nhà chánh trị. Ta sẽ dốc hết
tinh lực còn lại để lo cho công việc nầy : Đem
cá, muối dư thừa nơi nước Tề, chở qua bán nơi
nước Tần vì nước Tần không có 2 thứ ấy; rồi
lại chở bông vải từ nước Tần về Trung nguyên.
Thực phẩm của 2 nước Ngô, Sở dư thừa, trong lúc
ở Tống , Trần, Trịnh lại thiếu hụt; tơ lụa
của Hàn, Sở có thể chở qua Tề, Lỗ đổi lấy
đồng thau .
Ôi ! Bao nhiêu việc cần thiết cho ta
làm ! Từ đây, ta lấy tên là Đào Châu Công. Mọi
người nhớ gọi ta như vậy. Bấy giờ nước Tàu
bước vào thời kỳ Chiến Quốc, các nước chỉ
lo đánh nhau, loạn lạc khắp nơi, nhưng lại thấy
xuất hiện những đoàn xe hay đoàn thuyền mang nhãn
hiệu Đào Châu đi lại qua các nước một cách dễ
dàng để chở hàng hóa cần thiết đến đổi các
hàng hóa dư thừa của địa phương. Các đoàn xe,
thuyền nầy đều xuất phát từ đất Đào.
Nhờ
các đoàn xe, thuyền thương mãi nầy mà dân chúng
có được nhiều hàng hóa tiêu dùng, đời sống dân
chúng được khá hơn, mặt khác nó cũng đem lại
lợi tức cho Đào Châu Công rất lớn. Đào Châu Công
cùng với bà vợ tuyệt đẹp đi viếng kinh đô Hàm
Dương của nước Tần, được vua Tần tiếp đãi
vào bực thượng khách. Trên đường về tới Hàn
Đang có tin cấp báo từ đất Đào, nên cả 2 người
phải tức tốc trở về đất Đào. Nguyên do, con
thứ Phạm An gây chuyện ở nước Sở, tranh chấp
và lỡ tay giết chết một vị công hầu. Phạm An
bị bắt và bị xử tử hình.Vợ con của Phạm An
quì xuống trước mặt Phạm Lãi cầu xin cứu mạng
cho chồng. Phạm Lãi rất bi thương, song thần sắc
vẫn tiêu dao, bảo con dâu : Chuyện nầy rất khó,
ta không nắm chắc được 10 phần, nhưng chỉ biết
tận lực, còn tùy số mạng của nó. Bây giờ ta
sai Tử Hòa (đứa con út) vào nước Sở để cứu
An thì may ra khỏi được. Phạm Bình lên tiếng thưa
rằng : Con là trưởng nam của cha, trong nhà có việc
gì quan trọng là cha sai con đi, lẽ nào chuyện sống
chết nầy lại sai em út của con đi thì thật là
sỉ nhục cho con, làm mất truyền thống trưởng tử
của gia đình. Xin cha để cho con đi, nếu không con
sẽ tự sát. Tây Thi cũng cho lời nói của Phạm An
là đúng. Phạm Lãi có dụng ý riêng, khó nói ra mà
trong nhà không ai để ý tìm biết, nên đành phải
sai Phạm Bình đi. Âu cũng là số mạng của Phạm
An không thể cải lại được. Phạm Lãi căn dặn
Phạm Bình rất kỹ lưỡng : Vào nước Sở, tìm đến
Trang Tiên Sinh, dâng 1000 lượng vàng và bức thơ nầy
của ta, đoạn ở chờ tại kinh đô nước Sở. Khi
thấy An ra khỏi ngục thì lập tức ra thành trở
về đây. Nhớ đừng làm gì khác hơn mà thất bại.
Phạm Lãi dặn đi dặn lại mấy lượt rồi mới
cho Phạm Bình đi. Bình đi rồi, Phạm Lãi rất buồn,
lòng trĩu xuống : Hy vọng cứu An rất ít. Các ngươi
chuẩn bị lo chung sự cho An đi. Tây Thi ngạc nhiên
hỏi : Tại sao chàng lại nói như thế ? - Ta muốn
sai Tử Hòa đi là vì nguyên nhân ấy. - Thiếp chưa
hiểu được ý chàng .- Thằng Bình được sanh ra
trong hoàn cảnh khó khăn, nên coi trọng tiền bạc.
Tử Hòa lại lớn lên trong cảnh giàu sang, nên xem
tiền bạc như cỏ rác. Đối với Bình, việc không
đáng tốn 1000 lượng vàng, không phải không đáng
tốn trước khi việc thành, mà là không đáng tốn
sau khi việc thành. Bởi vì theo dự liệu của ta,
Trang Tiên sinh sẽ nghĩ cách nói cho vua Sở đại xá,
nhân thể tha cho An luôn mà không lộ điều gì. Nhưng
rồi thằng Bình sẽ nghĩ rằng, đại xá tù nhân
là chủ ý của Sở vương, Trang Tiên sinh không có
công lao gì, nên Bình sẽ đến đòi vàng lại.
Thế
là người khác nhờ đại xá mà sống, còn Phạm
An vì đại xá mà chết. Ta mong dự đoán của ta sai. Nhưng Tây
Thi ! Mạng sống của con người đâu phải vì một hai câu dặn mà
thay đổi được, có số mạng tất cả. Hãy chờ xem. - Ôi ! Chàng luôn
luôn liệu việc như Thần, nhưng mong sao lần nầy chàng đoán sai,
An được cứu sống trở về. Chẳng bao lâu sau, Bình chở xác em trở
về tới đất Đào cùng với 1000 lượng vàng lấy lại từ Trang Tiên
sinh. . . . . . . . . .
Khuôn hình số
V :
Ngư
Khương Thượng
ngồi câu
-
Sau khi Khương Thượng giết chết Tỳ Bà Tinh,
Đắc Kỷ đem lòng thù oán. Đắc Kỷ vẽ họa đồ
xây cất Lộc Đài rất xa xỉ, rồi xúi vua Trụ cử
Khương Thượng làm Đốc Công cất Lộc Đài. Khương
Thượng tìm cách từ chối và khuyên vua Trụ không
nên xa xí. Vua Trụ nổi giận, bắt Khương Thượng
hành hình bào lạc. Khương Thượng nhanh chân trốn
thoát, độn thủy trở về nhà cho vợ là Mã Thị
biết, rồi đi qua Tây Kỳ ẩn mặt nơi Bàn Khê, đói
ăn trái cây, khát uống nước suối, lấy việc gieo
câu sông Vỵ làm vui, chờ thời ra giúp nhà Châu.
(Xem thêm chi tiết nơi Tiểu sử : Đức Khương Thượng
Tử Nha, trong Phần thứ tư).
Khuôn hình thứ
VI :
Tiều
Bá Nha - Tử Kỳ
-
Bá Nha họ Du tên Thụy, người ở Sính Đô
nước Sở (nay là phủ Kinh Châu, tỉnh Hồ Quảng).
Tuy là người nước Sở, nhưng làm quan cho nước
Tấn, chức Thượng Đại Phu.
-
Tử Kỳ, họ Chung tên Huy, nhà tại Tập Hiền
Thôn, gần núi Mã Yên, ở cửa sông Hán Dương, là
một danh sĩ ẩn dật, báo hiếu cha mẹ tuổi già
nua, làm nghề đốn củi (Tiều).
Một hôm, Bá Nha
phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua Sính Đô nước Sở,
vào triều kiến vua Sở, trình quốc thư và giải
bày tình giao hiếu giữa 2 nước, được vua Sở và
quần thần thiết tiệc khoản đãi. Bá Nha nhơn dịp
nầy đi thăm mộ phần tổ tiên, thăm họ hàng, xong
vào từ biệt vua Sở trở về nước Tấn. Khi thuyền
trở về đến cửa sông Hán Dương, nhằm tiết Trung
Thu, trăng sáng vằng vặc, phong cảnh hữu tình, Bá
Nha cho lịnh cắm thuyền dưới chân núi Mã Yên để
thưởng ngoạn. Cảm thấy hứng thú, muốn dạo chơi
một vài khúc đàn, Bá Nha liền sai quân hầu lấy
chiếc lư ra, đốt hương trầm xông cây dao cầm đặt
trên án. Bá Nha trịnh trọng nâng đàn, so dây vặn
trục, đặt hết tâm hồn đàn lên một khúc réo
rắt âm thanh, quyện vào khói trầm, chưa dứt, bỗng
đàn đứt dây. Bá Nha giựt mình tự nghĩ, dây đàn
bỗng đứt thế nầy ắt có người nghe lén tiếng
đàn, bèn sai quân hầu lên bờ tìm xem có ai là người
nghe đàn mà không lộ mặt. Quân hầu lãnh lịnh lên
bờ thì bỗng có người từ trên bờ lên tiếng :
- Xin đại nhân chớ lấy làm lạ, tiểu dân là tiều
phu kiếm củi về muộn, trộm nghe được một khúc
đàn tuyệt diệu của Ngài. Bá Nha cười lớn bảo
:- Người tiều phu nào đó dám nói 2 tiếng "nghe
đàn" với ta, sao ngông cuồng thế ?- Đại nhân
nói sai quá vậy. Há chẳng nghe : Thập thất chi ấp,
tất hữu trung tín (Một ấp 10 nhà ắt có nhà trung
tín). Nếu đại nhân khinh chỗ quê mùa không người
biết nghe đàn, thì cũng không nên có người khảy
lên khúc đàn tuyệt diệu. Nghe đáp xong, Bá Nha hơi
choáng váng, hối hận những lời vừa thốt ra, vội
bước ra mũi thuyền, dịu giọng nói : - Người quân
tử ở trên bờ, nếu thực biết nghe đàn, biết
vừa rồi ta khảy khúc gì không ? - Khúc đàn đại
nhân vừa tấu đó là : Đức Khổng Tử khóc Nhan
Hồi, phổ vào tiếng đàn, lời rằng : - Khá tiếc
Nhan Hồi yểu mạng vong, Dạy người tư tưởng tóc
như sương. Đàn, bầu, ngõ hẹp vui cùng đạo,
Đến cuối câu
thứ ba thì dây đàn đứt, còn lại câu thứ tư là
: Lưu mãi danh hiền với kỹ cương. Bá Nha nghe xong,
đúng quá, mừng rỡ sai quân hầu bắc cầu lên bờ
mời người quân tử xuống thuyền đàm đạo. Người
tiều phu ung dung xuống thuyền, chấp tay vái Bá Nha.
Bá Nha vội đưa tay đáp lễ, nói : - Xin quí hữu
miễn lễ cho. Rồi bắc ghế mời ngồi, phân ngôi
chủ khách. - Quí hữu biết nghe đàn, ắt biết ai
chế ra đàn? - Mong ơn Ngài hỏi tới, kẻ tiểu dân
đâu chẳng dám nói hết cái biết của mình. Khi xưa,
vua Phục Hy thấy tinh hoa của 5 vì sao rơi xuống cây
ngô đồng, chim phượng hoàng liền đến đậu. Vua
Phục Hy biết ngô đồng là thứ gỗ quí, hấp thụ
tinh hoa Trời Đất, có thể làm đồ nhã nhạc, liền
sai người đốn cây ngô đồng xuống, cắt làm 3
đoạn để phân Thiên, Địa, Nhơn. Đoạn ngọn thì
tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá
đục mà nặng, duy có đoạn giữa thì tiếng vừa
trong vừa đục, có thể dùng được, liền đem ra
giữa dòng sông nước chảy ngâm đủ 72 ngày đêm,
rồi lấy lên phơi khô, chọn ngày tốt , thợ khéo
là Lưu Tử Kỳ chế làm nhạc khí, bắt chước Nhạc
Cung Dao Trì, vì thế đặt tên là Dao cầm. Dao cầm
nầy dài 3 thước 6 tấc, án theo 360 độ chu Thiên
, phía trước rộng 8 tấc án theo Bát tiết, sau rộng
4 tấc án theo Tứ Tượng, dầy 2 tấc án theo Lưỡng
Nghi, đầu như Kim đồng, lưng như Ngọc Nữ, trên
chạm Long Phụng, gắn phím vàng trục ngọc. Đàn
ấy có 12 phím tượng trưng 12 tháng, lại thêm một
phím giữa tượng trưng tháng nhuận, trên mắc 5 dây,
ngoài tượng Ngũ Hành, trong tượng Ngũ Âm : Cung,
Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Vua Thuấn khảy đàn Ngũ
Huyền (Dao cầm), ca bài Nam Phong, thiên hạ đại trị.
Vua Châu Văn vương bị Trụ vương giam cầm nơi Dũ
Lý, con trưởng là Bá Ấp Khảo thương nhớ không
nguôi, nên thêm một dây đàn nữa gọi là dây Văn,
đàn nghe thêm ai oán.
Võ vương đem quân phạt Trụ, thêm một dây phấn
khích gọi là dây Võ (Võ huyền).
Như thế, Dao cầm lúc đầu có 5 dây, sau thêm 2 dây
Văn và Võ nữathành 7 dây, gọi là Thất huyền cầm.
Đàn ấy có 6 kỵ, 7 không, 8 tuyệt, kể ra :
-
Sáu Kỵ là : Rét lớn, nắng lớn, gió lớn,
mưa lớn, sét lớn, tuyết rơi nhiều.
-
Bảy Không là : Nghe tiếng bi ai và đám tang
thì không đàn, lòng nhiễu loạn thì không đàn, việc
bận rộn thì không đàn, thân thể không sạch thì
không đàn, y quan không tề chỉnh thì không đàn,
không đốt lò hương thì không đàn, không gặp tri
âm thì không đàn.
-
Tám Tuyệt là : Thanh cao, kỳ diệu, u uất, nhàn
nhã, bi đát, hùng tráng, xa vời, dằng dặc.
Đàn
ấy đạt đến tận thiện tận mỹ, hổ nghe không
kêu, vượn nghe không hú, một thứ nhã nhạc tuyệt
vời vậy. Bá Nha nghe xong, kính phục bội phần, hỏi
thêm : - Quí hữu quả thấu triệt nhạc lý. Khi xưa,
Đức Khổng Tử đang khảy đàn, Nhan Hồi từ ngoài
bước vào, thoảng nghe tiếng đàn u trầm, nghi là
có ý tham sát, lấy làm lạ, liền vào hỏi Đức
Khổng Tử. Ngài đáp : Ta đang khảy đàn, bỗng thấy
mèo bắt được chuột, liền khởi lên ý niệm tham
sát mà hiện ra tơ đồng. Nhan Hồi đã nghe tiếng
đàn mà biết lòng người khảy đàn. Nay Hạ quan
khảy đàn, lòng tư lự điều gì, quí hữu có thể
đoán biết chăng?
- Đại nhân thử dạo một khúc xem.
Bá Nha nối lại dây đàn, tập trung tinh thần đến chốn non cao,
khảy lên một khúc. Tiều phu khen rằng : - Đẹp thay vòi vọi kìa,
chí tại non cao. Bá Nha ngưng thần, ý tại lưu thủy, khảy lên một
khúc nữa. Tiều phu lại khen rằng : - Đẹp thay, mông mênh kìa,
chí tại lưu thủy. Bá Nha thấy tiều phu đã thấy rõ lòng mình qua
tiếng đàn, lấy làm kính phục, liền gác đàn, sai bày tiệc rượu,
đối ẩm luận đàm. Hai người hỏi nhau tên họ, nguyên quán, nghề
nghiệp. Bá Nha lại sanh lòng cảm mến Tử Kỳ về sự hiếu với phụ
mẫu, nên xin kết nghĩa làm anh em với Tử Kỳ, để không phụ cái
nghĩa TRI ÂM mà suốt đời Bá Nha chưa từng gặp. Hai người đến
trước bàn hương án lạy cầu Trời Đất, rồi lạy nhau 8 lạy kết làm
anh em. Tử Kỳ nhỏ hơn Bá Nha 10 tuổi nên làm em. Hai anh em đối
ẩm cùng nhau tâm sự mãi cho đến sáng mà không hay. Tử Kỳ vội
đứng lên từ biệt. Bá Nha bùi ngùi xúc động, hẹn ước với Tử Kỳ,
đúng ngày Trung Thu năm sau, hai anh em sẽ hội ngộ nhau tại
ghềnh đá nầy. Bá Nha lấy ra 2 đỉnh vàng, 2 tay nâng lên nói : -
Đây là chút lễ, kính dâng bá phụ và bá mẫu. Tấm tình chí thành,
em đừng từ chối. Hai người từ biệt, lòng đầy lưu luyến. Chẳng
bao lâu, thuyền về tới bến. Bá Nha vào kinh đô tâu trình Tấn
Vương các việc, được Tấn vương khen tặng. Thời gian lặng lẽ trôi
qua. . .
Nhớ ngày ước hẹn với Tử Kỳ, Tử Nha tâu xin vua Tấn cho nghỉ phép
về thăm quê nhà. Bá Nha thu xếp hành trang để đến núi Mã Yên kịp
ngày Trung Thu ước hẹn. Kìa là núi Mã Yên mờ mờ sương lạnh, tịch
mịch, không một bóng người. Bá Nha nghĩ thầm, năm trước nhờ
tiếng đàn mà gặp được tri âm, đêm nay ta phải đàn một khúc để
gọi Tử Kỳ. Rồi sai đốt hương trầm, đem Dao cầm ra so dây. Bá Nha
đặt hết lòng nhớ nhung của mình vào tiếng đàn réo rắt, bỗng
trong tiếng đàn lại có hơi ai oán nổi lên. Bá Nha dừng tay suy
nghĩ : Cung Thương có hơi ai oán thảm thê, ắt Tử Kỳ gặp nạn lớn.
Sáng mai ta phải lên bờ dọ hỏi tin tức của Tử Kỳ. Đêm ấy, Bá Nha
hồi hộp lo âu, trằn trọc suốt đêm, chờ cho mau sáng, truyền quân
hầu mang theo Dao cầm, 10 đỉnh vàng, vội vã lên bờ, tiến vào núi
Mã Yên.
Khi qua cửa núi, gặp
ngã ba đường, chưa biết nên đi theo đường nào,
đành ngồi đợi để chờ người trong xóm đi ra
hỏi thăm. Không bao lâu, gặp một lão trượng tay
chống gậy, tay xách giỏ, từ từ đi lại. Bá Nha
thi lễ, hỏi : - Xin lão trượng chỉ giùm đường
nào đi Tập Hiền Thôn ? - Thượng quan muốn tìm nhà
ai ? - Nhà của Chung Tử Kỳ. Vừa nghe 3 tiếng Chung
Tử Kỳ, lão trượng bỗng nhòa lệ, nức nở nói
: - Chung Tử Kỳ là con của lão. Ngày rằm Trung thu
năm ngoái, nó đi đốn củi về muộn, gặp quan Đại
Phu nước Tấn là Du Bá Nha kết bạn tri âm. Khi chia
tay, Bá Nha có tặng cho nó 2 đỉnh vàng, rồi dùng
tiền nầy mua sách về học thêm, ngày đi đốn củi,
tối về học sách, mãi như vậy, sức khỏe hao mòn,
sanh bệnh rồi mất. Bá Nha nghe vậy thì khóc nức
nở, thương cảm vô cùng. Lão trượng ngạc nhiên
hỏi quân hầu thì biết thượng quan đây chính là
Du Bá Nha, bạn tri âm của Chung Tử Kỳ. Chung lão
biết vậy lại càng bi thảm hơn nữa nói : - Mong
ơn thượng quan không chê con lão hàn tiện. Lúc mất,
nó dặn rằng : Con lúc sống không vẹn niềm hiếu
dưỡng, lúc chết không vẹn nghĩa tri giao, xin cha
chôn con nơi cửa núi Mã Yên để thực hiện lời
ước hẹn với quan Đại Phu Du Bá Nha. Lão
phu y lời con trối lại. Con đường mà thượng quan
vừa đi qua, bên phải có một nấm mộ mới, đó
là mộ của Tử Kỳ. Hôm nay là đúng 100 ngày, lão
mang vàng hương lên cúng mộ, không ngờ gặp được
thượng quan.
Bá Nha ngậm ngùi nói : - Việc đời biến đổi, may
rủi không lường. Xin Lão bá đưa đến mộ Tử Kỳ,
bốn lạy cho vẹn tình tri kỷ. Khi đến phần mộ,
Bá Nha sửa lại áo mũ, sụp lạy khóc rằng : "
Hiền đệ ơi, lúc sống thông minh anh tuấn tuyệt
vời, nay chết , khí thiêng còn phảng phất, xin chứng
giám cho ngu huynh một lạy ngàn thu vĩnh biệt. "
Lạy xong, Bá Nha phục bên mồ, khóc nức nở. Sau
đó, Bá Nha gọi mang Dao cầm tới, đặt lên phiến
đá trước mộ, ngồi xếp bằng trên mặt đất một
cách nghiêm trang, so dây tấu lên một khúc nhạc thiên
thu, tiễn người tri âm tài hoa yểu mạng. Bỗng thấy
gió rừng thổi mạnh, mây đen kéo lại, u ám bầu
trời, hồi lâu mới tan. Có lẽ đó là anh hồn của
Tử Kỳ hiển linh chứng giám. Tấu khúc nhạc xong,
Bá Nha phổ lời ai oán, thay lời ai điếu, vĩnh biệt
bạn tri âm, rồi đến vái cây Dao cầm một vái,
tay nâng đàn lên cao, đập mạnh vào phiến đá trước
mộ Tử Kỳ, đàn vỡ tan nát, trục ngọc phím vàng
rơi lả tả. Chung lão không kịp ngăn, sợ hãi nói
rằng : - Sao đại quan hủy cây đàn quí giá nầy
? Bá Nha liền ngâm 4 câu thơ thay câu trả lời : Dao
cầm đập nát đau lòng phượng, Đàn vắng Tử Kỳ,
đàn với ai ?
Gió Xuân khắp mặt bao bè bạn,
Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay !
- Nguyên do là vậy.
Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật cao siêu. Nhân
đây, xin mời thượng quan đến nhà lão để lão
cảm tạ tấm lòng tốt đẹp của thuợng quan đối
với con lão. - Cháu quá bi thương trong lòng, không
dám theo bá phụ về quí phủ e gợi thêm nỗi đau
lòng. Nay nghĩa đệ vắng số mất rồi, cháu kính
dâng lên bá phụ vá bá mẫu 10 đỉnh vàng, một nửa
dùng mua mấy mẫu ruộng làm Xuân Thu tế tự cho Tử
Kỳ, một nửa xin để phụng dưỡng bá phụ và bá
mẫu trong tuổi già. Chừng cháu về triều, dâng biểu
lên vua xin cáo quan về quê cũ thì cháu xin đến rước
bá phụ, bá mẫu đến an hưởng tuổi già. Nói xong, Bá Nha lấy vàng dâng lên, rồi khóc lạy
mộ Tử Kỳ một lần nữa, mới trở về thuyền.
Chung lão cảm động không cùng, nghẹn ngào đứng
lặng nhìn theo bóng Bá Nha cho đến khi khuất bóng.