Tiểu dãn các điển tích

kiến trúc nơi Tòa Thánh

(tiếp theo)

 

Khuôn hình số VII :

Mục Sào Phủ - Hứa Do

 

-         Sào Phủ và Hứa Do là 2 ẩn sĩ nổi tiếng thanh bạch vào thời vua Nghiêu nước Tàu.

Vua Nghiêu là vị vua hiền đức, sanh được 9 người con trai và 2 con gái, nhưng 9 người con trai nầy không có ai hiền như Ngài, nên Ngài không dám truyền ngôi cho con, mà muốn đi tìm người hiền để truyền ngôi vua. Vua Nghiêu giả trang thường dân, đi đến chơn núi Trung Nhạc, phía Nam sông Dịch Thủy, thấy một người đang cầm cái bầu nhỏ múc nước dưới khe. Người đó là Hứa Do. Vua Nghiêu hỏi :

- Ngươi làm gì đó vậy ?
Hứa Do cười rằng : - Tôi ngán cuộc đời, không ham danh lợi, lánh mình một cõi, vui thú thanh nhàn, đói ăn trái cây, khát uống nước suối, giữ mình trong sạch cho mãn kiếp thì thôi. Vua Nghiêu nghe nói thì mừng thầm trong bụng, nghĩ rằng : Người nầy hiền đức, không tham phú quí, chẳng chác thị phi, đáng được truyền ngôi, chắc là trị nước thái bình.


Nghĩ vậy rồi, vua Nghiêu nói rằng :
- Ta đây thiệt là vua Nghiêu giả dân mà đi tìm người hiền đức, đến đây mới gặp, xin mời hiền sĩ về trào để ta truyền ngôi cho mà trị vì thiên hạ cho an ổn thái bình.


Hứa Do nghe vua Nghiêu nói thế, lòng thiệt khó ưa, vì mình chỉ muốn thanh nhàn mà vua Nghiêu đem buộc vào danh lợi, lòng đã cương quyết, liền đập bể cái bầu nước và đáp rằng : - Con chim tiêu liêu làm ổ không quá một nhánh cây, con yến thử uống nước dòng sông chẳng quá đầy bụng. Kẻ quê mùa nầy đã quen cảnh thanh nhàn, cách sống riêng biệt, Bệ hạ muốn nhường ngôi cho cũng vô ích.
Hứa Do nói xong, liền bịt chặt 2 lỗ tai, chạy riết xuống bờ sông Dịch Thủy , khoát nước sông rửa lỗ tai lia lịa.


Vừa đâu có Sào Phủ dắt trâu đến đó, thấy Hứa Do liền nói rằng : - Anh rửa lỗ tai mau mau rồi bước lên cho trống chỗ để tôi dắt trâu xuống cho uống nước. Hứa Do không đáp lại, cứ rửa tai hoài. Sào Phủ hỏi : - Lỗ tai anh dơ lắm sao mà rửa hoài không sạch ? - Hồi nảy tôi gặp vua Nghiêu, kêu tôi về triều để truyền ngôi cho tôi. Tôi nghe điều danh lợi dơ bẩn cả 2 lỗ tai, nay xuống đây rửa nảy giờ đã lâu, nhưng tiếng ấy vẫn còn văng vẳng trong tai, tôi rán rửa thêm cho hết, trễ việc trâu của anh uống nước. - Anh đã làm gì để cho vua Nghiêu biết anh là người hiền đức mà muốn truyền ngôi cho anh ? Nếu người ta biết anh hiền đức, tức là anh đã muốn cho người ta biết anh như thế, chắc chắn hơn nữa là tại anh tỏ cho thiên hạ biết anh là hiền đức. Nếu anh đừng tỏ cho thiên hạ biết anh là hiền đức thì ai biết anh mà truyền ngôi cho, cần chi phải rửa tai. Sào Phủ nói xong, liền dắt trâu lên phía trên dòng nước chảy rồi mới cho trâu xuống uống nước. Hứa Do lấy làm kỳ, hỏi: - Sao anh không cho trâu uống nước tại bến nầy mà lại dắt trâu đi đâu vậy cho mất công ? - Đồ dơ trong tai anh rửa ra, uống dơ miệng trâu của tôi, nên tôi phải dắt trâu lên phía trên dòng nước.

 

Theo lời người ta kể lại thì hiện nay trên núi Cơ Sơn, ở huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam, còn ngôi mộ của Hứa Do. Ở chân núi ấy có gò Khiên Ngưu Khư (Gò đất trâu). Ở bên bờ sông Dĩnh thủy có một dòng suối tên là Độc Tuyền (Suối trâu uống), trên một hòn đá có vết chơn trâu. Đó là nơi mà khi xưa Sào Phủ dắt trâu đến đó uống nước.

 

Khuôn hình số VIII :

Châu Mãi Thần

Châu Mãi Thần, người đất Cối Kê, đời nhà Hán, nhà rất nghèo, nhưng rất ham đọc sách. Thuở hàn vi, chàng phải đi đốn củi rừng đem bán để sanh sống, thường treo sách nơi đầu gánh, vừa đi vừa đọc.
Vợ của Châu Mãi Thần không thể chịu nổi cảnh nghèo túng mãi như vậy được nên đòi thôi chồng, để đi lấy chồng khác khá giả hơn mà nương nhờ tấm thân.


Châu Mãi Thần khuyên vợ : - Năm nay tôi 49 tuổi rồi, qua năm 50 tuổi, tôi biết tôi thế nào cũng lập được công danh. Bấy lâu nay, chúng ta sống trong cảnh cơ cực cũng đã quen rồi, nay nàng rán chờ tôi một năm nữa thì nàng sẽ hưởng được phú quí. Người vợ liền trả lời : - Đến chừng Ông làm quan thì tôi đã chết đói rồi. Thế là vợ của Châu Mãi Thần nhứt quyết bỏ chồng, nàng đi lấy một anh nông dân khá giả trong làng. Châu Mãi Thần rất đau buồn. Chàng lại càng quyết tâm học tập hơn nữa, bất luận ngày đêm, cuốn sách đều kế bên mình. Năm sau, Châu Mãi Thần được Nghiêm Trợ tiến cử lên vua Hán Võ Đế, được vua thâu dụng, phong chức Trung Đại Phu. Lúc bấy giờ xảy ra giặc giã ở vùng Đông Việt. Hán Võ Đế sai Châu Mãi Thần lo chuẩn bị khí giới, thuyền bè, để cho binh sĩ đi dẹp giặc. Sau đó, Châu Mãi Thần được thăng chức làm Thái Thú Cối Kê.


Cối Kê là quê hương của họ Châu. Khi Châu Mãi Thần đến nhậm chức Thái Thú Cối Kê, quân dân địa phương phải ra nghênh đón. Tới nơi, bỗng thấy người vợ cũ chạy đến đón trước đầu ngựa, xin Châu Mãi Thần bỏ qua chuyện lầm lỗi xưa của nàng, cho nàng trở lại làm vợ chàng.


Châu Mãi Thần bèn lấy một bát nước đầy, đổ xuống đất trước đầu ngựa, rồi bảo người vợ cũ : - Nếu nàng hốt nước lại cho đầy bát như trước thì tôi sẽ đem nàng về với tôi như trước. Bát nước đã đổ, làm sao hốt lại cho đầy. Bởi vậy, người vợ biết ý Châu Mãi Thần đã quyết nên hổ thẹn bỏ đi. Tuy vậy, để đáp đền tình nghĩa vợ chồng ngày trước, Mãi Thần cấp cho người vợ cũ và chàng nông dân một ngôi nhà và một số tiền đủ để sống suốt đời. Nhưng người vợ cũ cảm thấy quá xấu hổ, nên treo cổ tự tử. Người nông dân đem xác nàng táng bên bờ ao gần đường lộ. Người đời có khắc một bài thơ 4 câu trên cái bia đặt trước mộ nàng để làm gương cho phụ nữ đời sau : Thanh thảo trì biên mộ nhứt khu, Thiên niên mai cốt bất mai tu. Đinh ninh ký ngữ nhơn gian phụ,


Tự cổ tào khang đáo bạch đầu.

Tạm dịch : Một nấm mộ xanh cạnh vũng bờ, Ngàn năm chôn xác chẳng chôn nhơ.
Đinh ninh nhắn gởi đoàn nhi nữ, Từ cổ vợ chồng trọn tóc tơ.

 

6. Cây Cân Công bình

 

Khi chúng ta đứng tại thềm nơi dưới bao lơn Tòa Thánh, chúng ta ngước mắt nhìn lên thấy một bức họa, trong đó có vẽ một bàn tay từ trong mây đưa ra, cầm một Cây Cân Công bình đặt trên quả Địa cầu của nhơn loại. Đó là bàn tay của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế cầm Cây Cân Công bình thiêng liêng để cân tội phước của mỗi chơn hồn nơi quả Địa cầu nầy, sau khi qui liễu, trở về cõi thiêng liêng, để Đức Chí Tôn có quyết định thưởng phạt một cách thật công bình.


Trong Con Đường Thiêng liêng Hằng sống, Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo có thuật lại, Đức Ngài thấy Đức Chí Tôn cầm Cây Cân Công bình thiêng liêng nơi Bạch Ngọc Kinh :

" Khi Bần đạo vô trong, Đại Từ Phụ, muốn biết Ổng là ai ? Ông nầy có phải là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế không ? Làm sao cho tôi được biết Ổng với.


Bần đạo vừa tưởng thì xa lắm, thấy cái gì bao phủ như tấm màn che vậy, vô gặp rồi, biết Ổng ở trỏng, có tấm màn che, ý muốn cái màn nầy vạch ra đặng thấy Ổng. Vừa muốn thì thấy cái màn vẹt ra, dường như có từng nấc xa lắm, không thể gì tả đặng, kế đó ngó thấy Ổng bước ra, mặc áo trắng, bịt khăn trắng (giống như bộ đồ Tiểu phục của Thượng Chưởng Pháp mặc vậy), cũng có 2 miếng vải lòng thòng sau lưng, râu bạc trắng coi đẹp lắm, thấy thương làm sao đâu ! Trong bụng nói Ổng ngồi tại Linh Tiêu Điện, mình ngó thấy Ổng mặc bộ đồ khác, không lẽ 2 người, chắc không phải là Ổng. Vừa nói rồi thì thấy Ổng bước ra đứng ngay chính giữa , ngó ngay Bần đạo, dường như thể biểu con coi đây, ngó ngay lên Ổng, thấy đạo hào quang chiếu diệu ra, tay cầm cây gậy coi đẹp lắm, cây gậy của Ổng quảy cái bầu, bên mình Ổng mang một cái bị, mặc bộ đồ Ngọc Hoàng Thượng Đế, nắm ngang cây gậy trên tay thành cây đòn cân, Ổng kéo cái bầu ra thành giá cân, Ổng kéo cái bị ra thành trái cân. Ba món báu ấy hiệp lại thành Cây Cân Công bình thiêng liêng mà chính mình đã thấy Ổng nơi Linh Tiêu Điện, không còn ai xa lạ nữa. Cũng Đại Từ Phụ, nhưng thiên biến vạn hóa của Ổng mà tạo Càn khôn Vũ trụ vậy."

 

7. Hai pho tượng : Ông Thiện- Ông Ác

 

 

Hai bên cửa chánh Tòa Thánh, có đặt 2 pho tượng lớn: - Pho tượng đứng sát Bạch Ngọc Chung Đài (phía bên Nam phái), đầu đôi kim khôi, mình mặc áo giáp, tay cầm đại đao, gương mặt hiền từ, đứng trên tòa sen, đó là Ông Thiện, gọi đúng là Thiện Thần, tượng trưng điều thiện, điều chánh.

Pho tượng bên kia, đứng sát Lôi Âm Cổ Đài, (phía bên Nữ phái), đầu đội kim khôi, mình mặc giáp, một tay cầm cái búa, một tay cầm cục Ngọc Tỷ, gương mặt hung dữ, đứng trên tòa lửa (Hỏa đài), đó là Ông Ác, gọi đúng là Ác Thần, tượng trưng điều Ác, điều tà.

 

Sự tích Ông Thiện và Ông Ác như sau :
Thời Thượng cổ, vua Tỳ Kheo có 2 người con trai là Tỳ Văn và Tỳ Võ. Tỳ Văn rất hiền lành, trái lại, Tỳ Võ rất hung dữ.
Vua Tỳ Kheo rất hâm mộ đạo đức. Lúc ấy, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật khai Phật giáo ở Ấn Độ (Nhứt Kỳ Phổ Độ), độ được vua Tỳ Kheo . Vua Tỳ Kheo lo lập chùa để tu niệm và muốn nhường ngôi lại cho con trưởng là Tỳ Văn hiền lành, nhưng lại sợ đứa con thứ là Tỳ Võ hung dữ không chịu. Vua Tỳ Kheo lập kế, sai Tỳ Võ đi các trấn vỗ an bá tánh và đến Hàng Châu chiêu mộ anh tài. Nơi triều đình, vua Tỳ Kheo tuyên bố nhường ngôi cho con trưởng là Tỳ Văn cai trị đất nước, còn ông thì vào chùa tu niệm. Khi Tỳ Võ hoàn thành nhiệm vụ, trở về triều thì thấy anh mình là Tỳ Văn đã lên ngôi vua rồi. Tỳ Võ liền nói : - Anh hiền lắm, làm vua sao được, dân không sợ đâu. Anh hãy để ngai vàng lại cho tôi. Tôi dữ là dữ với kẻ hung ác bạo tàn vô đạo, chớ không dữ với người đạo đức bao giờ. Tỳ Văn nghe em nói vậy, biết là Tỳ Võ muốn lên làm vua, sợ là phải thất lời với vua cha, nên Tỳ Văn vội vàng cầm Ngọc tỷ (ấn của vua bằng ngọc), chạy lên chùa để báo cáo với vua cha sự việc.

 

Nhưng khi Tỳ Văn chạy tới cửa chùa thì bị té chết, linh hồn thoát xác đăng Tiên. Tỳ Võ đuổi theo anh lên chùa, đến nơi thấy xác của anh nằm chết, cúi xuống lấy Ngọc tỷ cầm lên, lòng đầy hối hận ăn năn, thấy con người khi chết đi, không ai đem theo được tiền tài danh vọng, nên cũng quyết bỏ hết sự đời, theo vua cha tu niệm, cuối cùng cũng đắc quả đăng Tiên. Một người dầu lòng dạ hung ác, nhưng biết ăn năn sám hối, giác ngộ tu hành, thì trong một kiếp cũng có thể đắc thành Chánh quả. Hai pho tượng Ông Thiện và Ông Ác, tức Thiện Thần và Ác Thần, tiêu biểu cho sự Thiện và sự Ác, sự Chánh và sự Tà, đối chiếu 2 mặt trái ngược nhau trong cuộc đời. Đời chỉ ra 2 con đường : con đường Thiện và con đường Ác. Dù con người đi theo đường Ác mà đến giờ phút cuối, biết ăn năn sám hối, quày đầu hướng Thiện, thì cũng được Đức Chí Tôn cứu rỗi linh hồn.


Khi Đức Phạm Hộ Pháp trấn Thần 2 pho tượng nầy, Đức Phạm Hộ Pháp có giải thích : " Đời thường lầm lạc, làm điều ác cho là thiện, và thường lấy điều lành cho là ác. Nên từ đây, năng lực của Thiện Thần sẽ phô bày ra mặt Đời, thế nào là Chánh, việc nào là Thiện, làm thế nào là phước, cho thiên hạ rõ. Còn Ác Thần thì phô bày ra mặt Đời, thế nào là Tà, việc nào là Ác, sao gọi là tội, cho nhơn loại rõ.
Hai Ông Thần nầy rất linh hiển, dùng quyền năng thiêng liêng đưa ra thiệt tướng 2 con đường : Phước và tội, siêu và đọa, để cho con cái Đức Chí Tôn khỏi lầm lạc, hầu tránh khỏi con đường tự diệt. Đi vào con đường sanh thì nhơn loại mới mong hòa bình được."

 

8. Lôi Âm Cổ Đài & Bạch Ngọc Chung Đài

- Lôi Âm Cổ Đài : Lôi Âm là tiếng sấm, cổ là cái trống, đài là cái lầu cao. Lôi Âm Cổ Đài là cái lầu cao trong đó có đặt cái Trống Lôi Âm. Trống Lôi Âm là cái trống mà khi đánh lên, tiếng trống phát ra lớn như tiếng sấm nổ.


Tiếng trống Lôi Âm có tác dụng rất mầu nhiệm, theo ý nghĩa của bài Xướng Kệ Trống Lôi Âm, mỗi khi cúng đàn. Bài Kệ nầy gồm 4 câu, có viết ra giấy dán vào nơi giá trống :

Lôi Âm Thánh cổ triệt hư không,

Truyền tấu Càn khôn Thế giái thông.
Đạo pháp đương kim dương Chánh giáo,
Linh quang chiếu diện Ngọc Kinh Cung.

Nghĩa là : Tiếng trống Lôi Âm thiêng liêng huyền diệu vang rền đến các cõi Hư không, Tiếng trống truyền đi như tỏ bày cho tất cả các cõi trong Càn khôn Thế giới biết rõ. Giáo lý và Luật pháp của Đạo Cao Đài hiện nay nêu cao cho mọi người biết đây là một nền Chánh giáo của Đức Chí Tôn. Ánh sáng thiêng liêng chiếu sáng rực rỡ Tòa Bạch Ngọc Kinh.

 

Khi tiếng trống Lôi Âm khởi lên là để báo hiệu cho chư Thần Thánh Tiên Phật biết đến giờ chầu lễ Đức Chí Tôn nơi Bạch Ngọc Kinh.

-         Bạch Ngọc Chung Đài : Chung là cái chuông, bạch ngọc là ngọc trắng, đài là cái lầu cất cao lên. Bạch Ngọc Chung Đài là cái lầu cao trên đó có đặt một cái chuông lớn bằng ngọc trắng. Tiếng chuông Bạch ngọc phát ra có tác dụng rất mầu nhiệm theo ý nghĩa của bài Xướng Kệ Chuông Bạch ngọc mỗi khi cúng đàn. Bài xướng nầy gồm 4 câu, có chép ra giấy dán vào giá chuông :

Thần chung thinh hướng phóng Phong đô,
Địa Tạng khai môn phóng xá cô.
Tam Kỳ vận chuyển kim quang hiện,
Sám hối âm hồn xuất u đồ.

Nghĩa là : Tiếng chuông thiêng liêng huyền diệu phát ra truyền đến cõi Phong đô, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Giáo chủ cõi Phong đô mở cửa tha tội và phóng thích các tội hồn. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức là Đạo Cao Đài, vận chuyển và làm hiện ra một lằn ánh sáng vàng, Các chơn hồn nơi cõi Âm biết ăn năn sám hối tội tình sẽ đi ra khỏi những con đường tăm tối (tức là được siêu thăng)

 

9. Bó hoa

 

Nơi mặt tiền của Lầu chuông (Bạch Ngọc Chung Đài) và Lầu trống (Lôi Âm Cổ Đài), chỗ khoảng rộng nhứt, có đắp hình một bó hoa nhiều màu sặc sỡ, như đang rơi xuống biển lúc mặt trời mọc.


Hình ảnh nầy lấy theo sự tích của vua U Vương nhà Châu (781 trước Tây lịch, trước thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu). Vua U Vương nằm chiêm bao thấy một bó hoa nhiều màu từ trên trời rơi xuống mặt biển trong lúc mặt trời mọc. Sáng ra nhà vua thuật lại điềm chiêm bao cho vị quan đoán mộng xem đó là điềm gì ? Vị quan giải mộng tâu rằng : Bệ hạ thấy biển, ấy là nước của Bệ hạ, thấy mặt trời mọc, ấy là một mối đạo sắp được mở ra, thấy bó hoa ấy là sự tinh túy cao khiết. Như vậy, theo điềm chiêm bao nầy, trong nước của Bệ hạ sắp có một mối đạo mở ra cao quí tốt đẹp. Quả nhiên, sau đó Đức Lão Tử, một hóa thân của Đức Thái Thượng Đạo Quân, hiện xuống cõi trần, mở Đạo Tiên để cứu độ nhơn sanh. Ý nghĩa nầy gợi cho chúng ta nhớ lại 4 câu kinh đầu trong Bài Khai Kinh :

Biển trần khổ vơi vơi trời nước,
Ánh Thái dương giọi trước phương Đông.
Tổ Sư Thái Thượng Đức Ông,
Ra tay dẫn độ, dày công giúp đời.

Đó là chuyện thời xưa. Ngày nay, hình ảnh bó hoa rơi lúc mặt trời mọc, cũng là để tượng trưng cho một điềm lành, báo cho nhơn loại biết là Đạo Cao Đài mở ra tại một nước ở phương Đông để cứu độ nhơn sanh, đem vào tham dự Đại hội Long Hoa.

 

 

về trang chủ  

xem trang sau