Tiểu dãn các điển tích
kiến trúc nơi Tòa Thánh
(tiếp theo)
10. Hiệp Thiên
Đài
Giữa Lầu chuông
và Lầu trống có một kiến trúc 3 từng, gọi chung
là Hiệp Thiên Đài.
Từng trệt, được gọi là Tịnh Tâm Điện. Người
tín đồ bước vào nơi đây, phải giữ cái tâm cho
trong sạch, tư tưởng thanh khiết, trước khi vào
Chánh điện chầu lễ Đức Chí Tôn. Từ Tịnh Tâm
Điện, 2 bên có 2 cầu thang hẹp đi lên từng trên
:
Lầu 1.
Lầu 1 nầy khi
xưa được gọi là Tham Thiền Điện, nhưng ngày nay
vì có bàn thờ chư vị Chức sắc Đại Thiên Phong
Hiệp Thiên Đài, nên thường được gọi là Lầu
Hiệp Thiên Đài. Lầu 2, tức là từng cao hơn hết,
khi xưa gọi là Tiêu Diêu Điện, nay gọi là Phi Tưởng
Đài, ở mặt trước có đắp hình Thiên Nhãn rất
lớn, và bên trong cũng có hình Thiên Nhãn, có bàn
thờ và đốt nhang. Phi Tưởng Đài là nơi để Đức
Giáo Tông và Đức Hộ Pháp lên thông công cùng Đức
Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng, quyết định những
điều quan trọng trong nền Đạo. Trên nóc Phi Tưởng
Đài là tượng Đức Di-Lạc Vương Phật ngự tòa
sen đặt trên lưng một con cọp vàng.
11. Thất Đầu
Xà
Thất Đầu Xà là con
rắn có 7 đầu. Phật giáo ví Thất Tình (Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc,
Dục) của con người như 7 đầu rắn độc, vì Thất Tình làm hại con
người giống như nọc độc của 7 đầu rắn. Dưới 3 cái ngai của Đức
Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh, có đắp hình Thất
Đầu Xà, đuôi rắn quấn ngôi Thượng Sanh, mình rắn quấn ngôi
Thượng Phẩm, còn 7 đầu rắn ở ngôi Hộ Pháp chia ra : 3 đầu Hỷ,
Ái, Lạc, ngóc lên ở phía sau ngai Hộ Pháp, 2 đầu Ai và Nộ gục
xuống thấp nhất để 2 chân của Đức Hộ Pháp đặt lên chế ngự nó,
2 đầu O Á và Dục gục xuống vừa thấp để 2 tay của Đức Hộ Pháp
đặt lên như đè nén nó xuống. |
 |
Đức Phạm Hộ Pháp có
một bài thuyết đạo Giải nghĩa Thất Đầu Xà, 7 nọc độc của rắn,
xin chép ra sau đây : " Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục ở trong châu
thân con người. Phàm con người ở thế, từ ngôi thiên tử cho đến
hàng thứ dân, ai cũng có đủ 7 cái Tình ấy tất cả, nhưng do người
biết độ lượng cho vừa theo bực trung thì mới khỏi hại đến châu
thân và sự nghiệp.
1.
Chữ Hỷ là mừng : Con người khi gặp việc đáng
vui mừng thì cũng phải trầm tĩnh như thường, chẳng
nên mừng thái quá mà biến thành sự hại. Ví như
Ông Trình Giảo Kim, nghe tin dòng họ Tiết, Tiết Giao,
Tiết Quỳ, phò Lý Đáng, đem binh về phục nghiệp
Đường trào, trừ Võ Hậu, thì Ông ta mừng quá độ,
phát thinh đại tiếu, cười ngất cho đến tắt hơi.
Ấy là mừng quá mà chết. Đời nay có kẻ trúng
số độc đắc mà chết.
2. Chữ Nộ là
Giận : Con người vì giận quá mà sanh hại đến
gia đình, hoặc bị tù tội là khác. Nên có câu :
"Nhứt Nộ sầu tâm khởi, bát vạn chướng môn
khai." Nghĩa là : Một phen giận nổi lên thì trăm
ngàn nghiệt chướng sanh ra, có thể làm tiêu nhà
hại mạng, đến khi biết sự chẳng lành, tỉnh lại
ăn năn thì đã muộn, nghĩ thôi đáng tiếc. Ví như
Ông Châu Công Cẩn (Chu Du), lầm mưu Khổng Minh Gia
Cát Lượng, mà nộ khí xung thiên, đến đổi thổ
huyết lâm lụy mà chết. Ấy là một gương nêu cho
đời lưu ý, còn nhiều sự giận mà chiụ khổ hình.
3. Chữ Ai là Buồn
: Ấy cũng là một điều hư hại đến thân thể
và trí não tinh thần. Có nhiều người gặp việc
sanh ly tử biệt, hay là đấu lực tranh tài mà chẳng
may thất bại, thì cũng buồn thảm đến lụy thân.
Ví như Thạch Sùng đấu của nhà giàu, mà thiếu
mẻ kho, phải chịu mất hết gia tài, rồi ông buồn
rầu mà thất chí đến lụy thân. Ấy là sự buồn
rầu đến hại lớn, đáng làm gương cho người sau.
Nếu khi gặp cảnh chẳng may, phải có năng lực đạo
đức tinh thần mạnh mẽ mà làm kế bảo tồn tức
là phương an ủi tâm hồn mát mẻ.
4.
Chữ Lạc là Vui : Sự vui vẻ hân hoan khoái chí, sự
vui vẻ phải có chừng mực, thì mới tránh khỏi
các điều tai hại biến sanh. Có câu : "Cực lạc
sanh bi." Hễ sự vui thích đến quá mức thì trở
nên buồn thảm, điều ấy vẫn hiển nhiên. Ví như
Trụ Vương Ân Thọ, đắm mê nàng Đắc Kỷ, vui say
tửu sắc, đến nỗi mất nước tiêu nhà hại mạng.
Sự vui chơi của ông có lắm điều tàn ác, nào là
chế bào lạc hại quan trung thần, nào là lập Sái
bồn, Tửu trì, Nhục lâm, sát hại cung nga thể nữ,
vui cho đến mất cả sự nghiệp Thành Thang, làm cho
bá tánh điêu tàn, sanh linh đồ thán. Ấy là sự
vui chơi mà mắc tội với Thiên đình.
5. Chữ Ái là Thương
yêu : Có câu : "Ái nhơn như ái kỷ", nghĩa
là : Thương hết mọi người như thương mình vậy,
mới gọi là Bác ái. Bác ái là rộng thương, mà
thương vì công bình chánh trực, nhơn nghĩa đạo
đức tinh thần, thương nước thương dân, chớ chẳng
phải thương riêng vì cá nhân vật chất, hay vì bợ
đỡ nịnh hót mà thương, hoặc thương vì ái tình
tài sắc. Trong sự thương giới hạn phân minh mới
tránh khỏi điều tai hại. Có tích xưa đời Tam Quốc,
có Đổng Trác và Lữ Phụng Tiên (Lữ Bố), đã kết
nghĩa minh linh dưỡng tử, mà vì ái tình với một
gái Điêu Thuyền, đến đổi cha con giết hại lẫn
nhau. Ấy là do nơi dây ái tình mà điêu tàn chết
thảm. Còn nhiều người tài hay, phá núi lấp sông,
văn chương trí tuệ, mà chẳng vì đạo đức, mảng
sa mê sắc dục mà phải hư hại thân thể.
6. Chữ Ố là Ghét
: Người tu hành không nên chất chứa sự ghét trong
tâm, vì sự ghét giận mà sanh ra thù nghịch lẫn
nhau cho đến tàn hại nhau, mà gây thành oan trái,
trả vay đời đời kiếp kiếp.
Nên Đức Chí Tôn có dạy rằng : Sự thương yêu
là chìa khóa mở cửa Tam thập lục Thiên, đặng
vào nơi Bạch Ngọc Kinh, còn sự ghét là phương tà
mị, nó làm cho lòng người chia rẽ, mất tình đoàn
thể, cốt nhục phân ly cũng do sự ghét. Vấn đề
chữ Ố, nó làm cho lòng người nhiều điều tai hại
nói không cùng. Tóm lại, chỉ nhớ một câu của
Thầy dạy ra : Từ đây các con chẳng đủ sức thương
yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau." Sau lại
có câu phương ngôn của Thầy rằng : " Thương
người khác thể thương thân, Ghét người khác thể
vun phân cho người."
7. Chữ Dục là
Tham muốn : Người có 100 muốn, 1000 muốn, muốn hoài
không dư, nào là muốn nhà cao lầu rộng, áo đẹp
vợ xinh, đồ ăn mỹ vị, muốn thế nào cho được
giàu sang trên thiên hạ. Các điều muốn ấy là về
sự ích kỷ. Nếu được tấm lòng tham muốn về
đạo đức nhơn nghĩa, ích nước lợi dân, ấy là
sự muốn trở nên cao thượng.
Tóm
tắt lại, sự dục vọng của con người rất bao
la quảng đại, đến khi còn một hơi thở cuối cùng
mà mọi điều ham muốn cũng chưa đầy đủ, nên
có câu : "Nhơn tâm bất túc xà thân tượng, Thế
sự đáo đầu đường bộ phàn." nghĩa là : Lòng
người chẳng đủ như rắn nuốt voi, Việc đời
đến lúc cùng tận chẳng khác châu chấu bắt ve.
Cũng vì lòng tham muốn mà rốt cuộc mạnh yếu sang
hèn, cũng vì lòng tham muốn mà mà tương sát lẫn
nhau."
12. Cửu Trùng Đài
& Nghinh Phong Đài
Cửu Trùng Đài
là một kiến trúc lớn, gồm 9 cấp từ thấp dần
lên cao, nối liền Hiệp Thiên Đài và Bát Quái Đài.
Cấp thứ 1 thấp nhứt (từ HTĐ đếm vào), cấp thứ
2 cao hơn cấp thứ 1 là 18 phân, lên đến cấp 5 là
cấp chính giữa CTĐ, vị trí ngang với 2 cửa hông
Tòa Thánh. Nơi cấp thứ 5 nầy dành cho Chức sắc
phẩm Giáo Hữu và tương đương chầu lễ Đức Chí
Tôn. Phía trên nóc của cấp nầy có một kiến trúc
đặc biệt gọi là Nghinh Phong Đài, để nghinh tiếp
các Chức sắc được phong thưởng vào hàng Thánh.
(Ngài Khai Đạo Phạm tấn Đãi dịch Nghinh Phong Đài
ra tiếng Pháp là : Le Dôme de anonisation) (Nghinh là
nghinh tiếp, Phong là phong thưởng, Đài là cái lầu
cao]. Cho nên cấp bên dưới Nghinh Phong Đài dành cho
phẩm Giáo Hữu là phẩm khởi đầu của hàng Thánh,
đối phẩm Địa Thánh. Nghinh Phong Đài gồm có 3
phần : - Phần dưới hình vuông, tượng trưng Đất.
- Phần giửa hình ống tròn, tượng trưng Trời, vì
người xưa cho rằng Trời tròn Đất vuông (Thiên
viên Địa phương).
Trời là Dương, Đất là Âm, Âm Dương tương hiệp
mới phát khởi Càn khôn Vũ trụ và hóa sanh vạn
vật. - Phần trên của Nghinh Phong Đài là một bán
cầu úp xuống, có vẽ bản đồ các lục địa và
đại dương của Địa cầu, tượng trưng cõi trần
của nhơn loại. Phía bên trên bán cầu nầy là hình
Long Mã phụ Hà Đồ (Xem giải thích nơi mục số
18). Trở xuống các cấp CTĐ, 2 cây cột rồng xanh
giữa 2 cấp thứ 5 và thứ 6 có đúc 2 cái Giảng
đài. Sau mỗi đàn cúng có Chức sắc lên đứng trên
Giảng đài nầy thuyết đạo. Chức sắc Nam phái
đứng thuyết đạo bên Giảng đài phía Nam phái,
Chức sắc Nữ phái lên đứng trên Giảng đài phía
Nữ phái. Đặc biệt trong các thời cúng Tiểu đàn
hay Đại đàn, một vị Giáo Sư phái Ngọc lên Giảng
Đài Nam phái để xướng lễ, và một Chức sắc
Bộ Nhạc lên Giảng đài Nữ phái để ra hiệu lịnh
điều khiển 3 Ban Nhạc, Lễ và Đồng nhi. Lên đến
cấp thứ 9 là cấp cao nhứt CTĐ, tiếp giáp với
Cung Đạo, ở chính giữa có 7 cái Ngai sơn son thếp
vàng rất long trọng và lộng lẫy, đặt trên bục
gỗ, chia làm 3 lớp : 1 Ngai Giáo Tông đặt trên cao
hơn hết, kế dưới là 3 Ngai Chưởng Pháp nhỏ hơn,
dành cho 3 vị Chưởng Pháp 3 phái, đặt theo hàng
ngang, và chót hết là 3 Ngai Đầu Sư dành cho 3 vị
Đầu Sư 3 phái Thái, Thượng, Ngọc.
Thượng Chưởng Pháp và Thượng Đầu Sư ngồi trên
2 cái Ngai đặt ở hàng chính giữa, trước Ngai của
Đ. Giáo Tông.
Thái Chưởng Pháp và Thái Đầu Sư ngồi trên 2 cái
Ngai đặt hàng bên tay trái của Đức Giáo Tông. Ngọc
Chưởng Pháp và Ngọc Đầu Sư ngồi trên 2 cái Ngai
đặt hàng bên tay mặt của Đức Giáo Tông.
Việc làm 7 cái
Ngai nầy do Đức Chí Tôn giáng cơ chỉ dạy Ông Giáo
Hữu Kiệt coi sóc mướn thợ làm vào ngày 12-8-Bính
Dần (dl 17-9-1926). TNHT. I. 44 : "
Kiệt ! Con phải giúp Thơ trong việc lập Thánh Thất.
Thầy giao cho con phải săn sóc mướn thợ làm 7 cái
ngai : Một cái trọng hơn hết cho Giáo Tông, 3 cái
cho 3 vị Chưởng Pháp, 3 cái cho 3 vị Đầu Sư; nhứt
là cái ngai của Giáo Tông phải làm cho kỹ lưỡng,
chạm trổ Tứ linh, nhưng chỗ hai tay dựa phải chạm
2 con Rồng, còn của Chưởng Pháp chạm 2 con Phụng,
của Đầu Sư chạm 2 con Lân, nghe à! "Hai bên
7 cái Ngai nầy là 2 hàng tàn, mỗi hàng 3 cây tàn
với 3 màu : Vàng, Xanh, Đỏ.
Cấp thứ 8 (dưới cấp thứ 9 có 7 cái Ngai), 2 bên
có 2 Dàn Bát Bửu, mỗi bên có 3 cây lọng đặt xen
kẽ vào.(Xem giải thích Dàn bát Bửu nơi mục số
20).
13. Bát Quái Đài
Bát Quái Đài là cái đài cao có
hình 8 cạnh đều nhau, mỗi cạnh là một cung của
Bát Quái. Tám cạnh là 8 cung Bát Quái, gồm : Càn,
Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Bát Quái
Đài dùng làm nơi thờ Đức Chí Tôn, các Đấng Giáo
chủ và chư Thần Thánh Tiên Phật. Mỗi khi cúng đàn
tại Tòa Thánh, đều có Đức Chí Tôn và chư Thần
Thánh Tiên Phật giáng ngự chứng lễ. Khoảng giữa
Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài là Cung Đạo. Các
cây cột Rồng (Long trụ) nơi Bát Quái Đài đều
quấn rồng vàng. Ở từng trệt, Bát Quái Đài có
12 cấp hình 8 cạnh đều nhau, bên ngoài lớn và thấp,
vô trong nhỏ lại và cao hơn, xếp như bực thang,
mỗi cấp cao 10 phân. Tất cả các cấp Bát Quái đều
làm bằng đá mài màu vàng, cả các mái cong trên
nóc cũng được sơn màu vàng.
Trung tâm của Bát Quái Đài ở từng trệt nầy là
một cây trụ lớn, rất chắc chắn để giữ vững
Quả Càn Khôn bên trên.
Trên mặt của phần Trung tâm Bát Quái có cẩn đủ
8 Cung Bát Quái, 8 Cung nầy có vị trí đặc biệt
khác hơn Tiên Thiên Bát Quái Đồ của Phục Hy và
Hậu Thiên Bát Quái Đồ của Văn Vương, vì đây
là Bát Quái Cao Đài. (Xem hình vẽ)
Đức Chí Tôn giáng cơ dạy về vị
trí các cung Bát Quái của Đạo Cao Đài như sau :
" Thầy dạy : Tòa Thánh day mặt về hướng Tây,
tức là chánh Cung Đoài, ấy là Cung Đạo, còn bên
tay trái Thầy là Cung Càn, bên tay mặt Thầy là Cung
Khôn. Đáng lẽ Thầy phải để 7 cái ngai của phái
Nam bên tay trái Thầy, tức bên Cung Càn mới phải,
song chúng nó vì thể Nhơn Đạo cho đủ Ngũ Chi, cho
nên Thầy buộc phải để vào Cung Đạo là Cung Đoài,
cho đủ số." (Trich Pháp Chánh Truyền Chú Gỉải,
trang 41).
Các quẻ trong Bát Quái Cao Đài, nếu
đem so sánh với Hậu Thiên Bát Quái Đồ thì thấy
rằng : thứ tự các quẻ giống nhau, nhưng chiều
quay khác nhau. Bát Quái Hậu Thiên quay theo chiều kim
đồng hồ, còn Bát Quái Cao Đài quay ngược chiều
kim đồng hồ, tức là cùng chiều quay tự nhiên của
Địa cầu, cũng là chiều quay tự nhiên của vũ trụ.
Trục Đông Tây của Bát Quái Cao Đài giống với
trục Đông Tây của Bát Quái Hậu Thiên, tức là
trục của 2 cung Chấn, Đoài; nhưng trục Bắc Nam
của Bát Quái Cao Đài và của Bát Quái Hậu Thiên
đối ngược nhau, 2 Cung Khảm và Ly đổi chỗ cho
nhau. Nếu so sánh Bát Quái Cao Đài với Bát Quái Tiên
Thiên, vị trí các Cung hoàn toàn khác nhau. (Xem hình
vẽ)
14. Hầm Bát Quái
Phần
dưới của 12 cấp Bát Quái Đài, tức là thuộc phần
nền của Bát Quái Đài, có đào một cái hầm lớn,
được xây cất kiên cố theo hình Bát Quái, có thông
hơi và có nắp đậy chắc chắn, có cầu thang đi
xuống, gọi là Hầm Bát Quái. Hầm Bát Quái được
dùng làm nơi cất giữ tro thiêu hài cốt của các
Chức sắc Đại Thiên Phong từ hàng Tiên vị trở
lên, tức là từ phẩm Đầu Sư hay tương đương
trở lên. Hài cốt nầy đặt trong liên đài, được
lấy ra từ các bửu tháp, đem làm lễ hỏa thiêu
tại Cửu Trùng Thiên nơi Đại Đồng Xã trước Tòa
Thánh, lấy tro đựng vào thố, bên ngoài có ghi rõ
phẩm tước, Thánh danh, năm sanh năm tử, và ngày
hỏa thiêu, để lưu truyền kỷ niệm về sau.
Trong
đám tang Ngài Bảo Đạo Ca minh Chương (đăng Tiên
ngày 19-10-Đinh Mão, dl 13-11-1927), Đức Chí Tôn dạy
Đức Phạm Hộ Pháp như sau : " Thầy cũng nhắc
lại với con rằng : Đủ 3 năm phải thiêu hài cốt,
lên tượng, đặng đem nó vào Bát Quái Đài nghe !
Nơi mộ nó phải để quan tài khỏi mặt đất một
tấc mà xây tháp y như lời Thầy đã dặn. Trên mặt
tháp để chữ vàng "Bảo Đạo Chơn Quân",
nhớ à ! " (Trích trong Đạo Sử II trang 314 của
Bà Nữ Đầu Sư Nguyễn Hương Hiếu).
Trong Hầm Bát Quái hiện nay có đặt
6 cái thố đựng tro thiêu hài cốt của 6 vị Chức
sắc Đại Thiên phong đã đăng Tiên, kể ra sau đây
:
-
Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung.
-
Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh.
-
Thái Đầu Sư Thái Thơ Thanh.
-
Ngọc Đầu Sư Ngọc Trang Thanh.
-
Thượng Phẩm Cao quỳnh Cư.
-
Bảo Đạo Ca minh Chương.
15. Tứ
Linh
Tứ Linh là 4 con thú thiêng liêng
: Long, Lân, Qui, Phụng. Long là rồng, Lân là con Lân,
Qui là con rùa, Phụng là con chim phụng. Bốn con thú
nầy đều có tánh linh, mỗi khi xuất hiện là báo
điềm lành có Thánh nhân ra đời.
LONG : Rồng.
Rồng
là con vật ở cõi vô hình, theo truyền thuyết kể
lại, chớ khoa khảo cổ học chưa chứng minh được
rồng là con vật có thật như các con vật khác như
Rùa, chim Phụng. Theo Thần thoại, Rồng có hình dạng
rất lạ kỳ : Đầu rồng giống như đầu đà, sừng
giống như sừng nai, cổ giống như cổ rắn, bụng
giống như bụng con giao, mắt giống như mắt thỏ,
tai giống như tai bò, chân giống như chân cọp, móng
giống như móng chim ưng, vảy rồng giống như vảy
cá ly. Có rất nhiều loại rồng, được phân chia
theo màu sắc, hoặc theo hình dạng, hay phận sự của
nó.
Phân
chia theo màu sắc , Rồng có 5 loại theo 5 màu :
-
Rồng trắng : Bạch Long, chúng ta thấy
nơi Bát Quái Đài Tòa Thánh có 8 con rồng trắng nằm
canh giữ nơi thờ phượng trong Bát Quái Đài.
-
Rồng vàng : Huỳnh Long, chúng ta thấy
có 8 con rồng vàng quấn 8 cây cột nơi Bát Quái Đài,
và 2 con rồng vàng quấn quanh 2 cây cột nơi Cung Đạo.
-
Rồng xanh : Thanh Long, chúng ta thấy
rồng xanh quấn trên 18 cây cột của Cửu Trùng Đài.
-
Rồng đỏ : Xích Long, chúng ta thấy
rồng đỏ quấn trên 2 cây cột dưới bao lơn trước
Tòa Thánh.
-
Rồng đen : Hắc Long.
2. Phân chia theo
hình dáng : Có 3 loại :
- Rồng trẻ, đầu chưa có sừng, gọi là Ly Long.
- Rồng sống được 500 năm thì mọc sừng, gọi là
Cù Long.
- Rồng sống được
1000 năm thì mọc thêm cánh, gọi là Ứng Long.
3. Phân chia theo
nhiệm vụ : Có 4 loại :
- Thủ Thiên Cung Long : Rồng giữ Thiên Cung.
- Hành Võ Long : Rồng làm mưa.
Rồng làm mưa gió
thuận hòa gọi là Thiện long.
Rồng làm mưa to, bão lụt gọi là Ác long.
- Địa Long : Rồng ở dưới đất sâu, làm hầm,
khoét hang, làm cho đất khuyết thành sông thành hồ.
- Phục Tạng Long
: Rồng gìn giữ kho tàng của vua Chuyển Luân Thánh
Vương và của các nhà phước đức lớn.
Rồng là loài biến
hoá, làm sáng được, làm tối được, làm lớn được,
làm nhỏ được để có thể chun vào một cái lọ
nhỏ, làm dài được để có thể quấn quanh một
hòn núi. Nhằm tiết Xuân phân, Rồng bay lên Trời, nhằm tiết
Thu phân, Rồng trầm xuống vực sâu. Tương truyền,
Rồng ở đáy biển, gọi là Long Vương, có cung điện,
lâu đài, có tổ chức vua, quan, và dân. Rồng làm
vua, cá lớn làm quan, cá nhỏ làm dân. Theo Truyện
Phong Thần và Truyện Tây Du, bốn biển có Tứ Hải
Long Vương:
-
Đông Hải Long Vương tên là Ngao Quảng,
-
Nam Hải Long Vương tên là Ngao Thuận,
-
Tây Hải Long Vương tên là Ngao Khâm,
-
Bắc Hải Long Vương tên là Ngao Nhuận.
Con ngựa trắng
(Bạch mã) mà Thầy Tam Tạng cỡi đi Tây phương thỉnh
kinh là do một con rồng nhỏ biến thành. Con Tiểu
long nầy vốn là con của Bắc Hải Long Vương Ngao
Nhuận, phạm tội nặng , bị bắt treo lên chờ xử
trảm. May mắn gặp Đức Quan Âm Bồ Tát đi ngang
qua, thấy vậy thương tình, tâu xin Thượng Đế tha
chết cho Tiểu long, để sau nầy Tiểu long biến hóa
thành con Bạch mã đỡ chân Tam Tạng, đi Tây phương
thỉnh kinh, lấy công chuộc tội. Nhờ vậy, sau nầy
bạch mã biến trở lại thành Rồng, trở về Long
Cung.
Có loại rồng lai với ngựa, tạo thành một con thú
linh mình ngựa đầu rồng, gọi là Long mã.
LÂN :
Con
Lân, cũng gọi là Kỳ Lân, vì con đực được gọi
là Kỳ, con cái gọi là Lân. Lân có hình giống như
con hươu nhưng lớn hơn, mình có vảy, đuôi giống
đuôi trâu, chân giống chân ngựa, miệng rộng, mũi
to, đầu có một sừng, lông trên lưng có 5 màu, lông
dưới bụng chỉ có màu vàng, tánh rất hiền lành,
không đạp lên cỏ tươi, không làm hại các sanh
vật, nên được gọi là Nhân thú (con thú có lòng
nhân từ).
Vua chúa nào là người nhân thì được gặp Kỳ Lân.
QUI
: Rùa
Rùa
là con vật sống rất lâu năm, chuyên ăn rau cỏ,
nhiều khi không ăn, chỉ hớp sương mà sống và lớn
lên. Qui sống trên 5000 năm thì gọi là Thần Quy.
Thần Kim Quy là con Thần Quy mình vàng.
Qui sống trên 10 000 năm được gọi là Linh Quy. Tương
truyền, rừng nào có Thần Quy ở thì rừng ấy không
có cây cỏ độc hại, không có các loài thú độc
như : Rắn, rít, beo, vv…
PHỤNG :
Chim
Phụng hay chim Phượng, con mái được gọi là Loan,
con trống được gọi là Phụng. Đó là loài chim có bộ lông ngũ sắc
rất đẹp, được xem là vua loài chim, nên mới gọi
là Phượng Hoàng. Chim Phụng thích đậu trên cây ngô đồng, vì cây
ngô đồng rất cao, để nhìn các con chim khác bay
lượn bên dưới. Mỗi khi chim phụng hót lên, các loài chim khác nghe
được liền bay đến, nhảy múa và hót theo.
Bốn
con vật : Long, Lân, Quy, Phụng, đều có tánh linh,
nên được gọi là Tứ Linh. Mỗi khi có 1 trong 4 con
linh vật nầy xuất hiện thì nơi ấy ắt có điều
lành xảy đến, hoặc có Thánh nhân ra đời. Xin kể
ra sau đây những trường hợp có ghi trong sử sách
về sự linh hiển của Tứ Linh : - Theo Sử Ký nước
Việt Nam ta, Lý Công Uẩn lên ngôi vua hiệu là Lý
Thái Tổ, thấy đất Hoa Lư chật hẹp, nên muốn
đóng đô ở La Thành. Khi nhà vua đến La Thành xem
xét, thấy có một con rồng vàng xuất hiện bay thẳng
lên Trời. Nhà vua biết đó là điềm lành, nên chọn
La Thành làm kinh đô và đổi tên lại là Thăng Long
(Rồng bay).
Nhà Lý truyền được 9 đời vua, kéo dài được
215 năm. - Ở nước Tàu thời Thượng cổ, vua Hiên
Viên Huỳnh Đế cùng Hoàng Hậu tu hành đắc đạo
thành Tiên. Khi đúc xong cái đỉnh có hình cái hồ
lô thì có rồng vàng (Huỳnh long) hạ giáng, chấm
râu vào đỉnh, sau đó, vua và hoàng hậu cỡi rồng
bay lên cõi Tiên.
-
Thời Đông
Châu Liệt Quốc, Tiêu Sử cưới nàng Lộng Ngọc,
con gái út của vua Tần Mục Công. Sau đó 2 vợ chồng
đều thành Tiên, Tiêu Sử cỡi rồng, Lộng Ngọc
cỡi phụng, cùng bay lên Trời.
-
Trước khi bà Nhan Thị sanh ra Đức
Khổng Tử, Bà nằm mộng thấy một con Kỳ Lân đến
trước mặt bà, nhả ra một tờ ngọc thư có đề
chữ : "Thủy Tinh chi tử, kế suy Châu vi Tố Vương."
(Nghĩa là : Con của Thủy Tinh, nối nhà Châu suy làm
vua không ngôi.). Năm Đức Khổng Tử 71 tuổi, người
nước Lỗ đi săn, bắt được một con Kỳ Lân nhỏ
và què chân trái. Đức Khổng Tử hay được, đến
xem thì Ngài biết rằng Ngài sắp trở về cõi thiêng
liêng. Hai năm sau, Đức Khổng Tử mất, thọ 73 tuổi.
-
Theo phong
tục cổ truyền của người Tàu và Việt Nam, trong
những ngày Tết, thường rước Lân và Rồng đến
múa, bởi vì người ta tin tưởng rằng, con Lân, con
Rồng sẽ đem lại điềm lành và điều may mắn cho
gia đình.
-
Theo Sử Ký nước ta, Thần Kim Qui xuất
hiện tặng cho An Dương Vương một cái móng rùa để
làm chiếc nỏ thần. Lúc nào có quân địch tới
đánh thành, lấy chiếc nỏ thần ra bắn một phát,
quân địch chết hằng lọat và tan vỡ. Thần Kim
Qui lại ban cho nhà vua Phép trừ yêu quái để nhà
vua xây được thành Cổ Loa, giữ yên bờ cõi.
-
Bình Định
Vương Lê Lợi, khi mới khởi binh, được một con
Thần Quy nổi lên dâng cho một cây bửu kiếm. Nhờ
có bửu kiếm giúp uy, Lê Lợi đánh đuổi được
quân Minh về Tàu, dựng nền độc lập cho nước
ta, mở ra nhà Lê. Về sau, vua Lê Thái Tổ ra chơi
nơi hồ thì gặp Thần Quy đón trước đầu thuyền,
nhà vua rút gươm chém, Thần Qui lẹ làng hả miệng
ngậm chặt lưỡi kiếm rồi lặn mất, nên cái hồ
đó được vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đặt tên là
hồ Hoàn Kiếm.
-
Vua Hạ Võ, khi trị thủy nơi sông Lạc,
bắt gặp một con Linh Quy, trên lưng của nó, có những
dấu chấm đen trắng đặc biệt, ở vào những vị
trí đặc biệt. Vua Hạ Võ ghi lại các dấu chấm
ấy làm thành một bức đồ, tạo thành sách gọi
là Lạc Thư, cũng gọi là Quy Thư. (Lạc thư là sách
ghi lại bức đồ trên lưng Linh Quy ở sông Lạc;
Quy thư là sách ghi lại bức đồ trên lưng Linh Quy.)
Vua Hạ Võ nghiên cứu Lạc Thư, phát minh ra Hồng
Phạm Cửu Trù, để tổ chức việc cai trị đất
nước. Về sau, người ta cũng căn cứ vào Lạc Thư
để chế ra Ngũ Hành : Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ.
-
Phụng gáy Kỳ Sơn, hay Phụng gáy non Kỳ, là điềm Thánh
Vương là Văn Vương vàVõ Vương ra đời, dẹp nhà
Trụ, mở ra nhà Châu, dân chúng được thái bình,
an cư lạc nghiệp. Trong các Đền, Chùa ở Việt Nam,
các đồ vật thường được trang trí chạm khắc
hay vẽ hình Tứ Linh. Đặc biệt nơi Tòa Thánh Tây
Ninh, sự trang trí nổi bật nhứt là hình các con
rồng đủ màu, quấn trên các cây cột tròn to lớn
: Tại bao lơn Tòa Thánh có 2 cây cột quấn rồng
đỏ, nơi Cửu Trùng Đài có các cây cột quấn trồng
xanh, nơi Bát Quái Đài có các cây cột quấn rồng
vàng, và lại có 8 con rồng trắng nằm theo tư thế
giữ gìn nơi thờ phượng trong Bát Quái Đài. Trên
Plafond dù ở lồng căn giữa nơi CTĐ, có trang trí
hình 6 con rồng (2 rồng vàng, 2 rồng xanh, 2 rồng
đỏ) quấn nhau từng đôi một, với ý nghĩa theo
2 câu kinh trong bài Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế :
"Thời thừa
lục long, Du hành bất tức."
Nghĩa là :
Đấng Thượng
Đế thường cỡi 6 rồng,
đi du hành khắp nơi không ngừng nghỉ.
Nơi plafond bằng
ở 2 bên, có trang trí khung hình bầu dục, trong đó
có đắp một con Phụng, một con Lân, và một con
Rùa, tức là 3 con trong Tứ Linh, hợp với các con
rồng nơi plafond dù, thì đủ tứ Linh.
Đặc biệt, 7 cái ngai đặt ở cấp thứ 9 Cửu Trùng
Đài, sơn son thếp vàng, có chạm trổ đủ Tứ Linh.
(Xem lại mục số 12 : Cửu Trùng Đài và Nghinh Phong
Đài). Như thế, Tứ Linh được sắp theo thứ tự cao thấp
là :
-
Rồng đứng đầu,
-
Phụng ở hàng thứ nhì,
-
Lân đứng hàng thứ ba,
-
Quy đứng hàng chót hết.
16.
Kim Mao Hẩu
Kim Mao Hẩu Kim
mao là lông vàng, Hẩu là tiếng Tàu phiên âm, có
nghĩa là con sư tử. Kim Mao Hẩu là con sư tử lông
vàng.
Theo truyện tích xưa thì :
-
Đức Văn Thù Bồ Tát cỡi Kim Mao Hẩu mỗi
khi đi.
-
Đức Từ Hàng Bồ Tát cũng cỡi Kim Mao Hẩu.
Con
Kim Mao Hẩu của Đức Từ Hàng Bồ Tát, nguyên là
một con thú sống rất lâu năm, biến hóa được
thành người, học tu luyện với Đức Thông Thiên
Giáo Chủ, nên đạt được nhiều phép tắc thần
thông, đắc thành một vị Địa Tiên, hiệu là Kim
Hoa Tiên. Trong trận Vạn Tiên thời Phong Thần, Kim
Hoa Tiên bị Đức Từ Hàng Bồ Tát bắt được, không
giết chết, thâu phục làm đệ tử, đem về Tây
phương, nhưng buộc phải hiện trở lại nguyên hình
là một con Kim Mao Hẩu, để Đức Từ Hàng Bồ Tát
cỡi mỗi khi ra trận. Nơi Tòa Thánh Tây Ninh, phần CTĐ và BQĐ,
mỗi bên có 2 cầu thang đi lên, mỗi cầu thang đều có đắp hình 2
con Kim Mao Hẩu để trấn giữ.
|
 |
Như vậy, có tất cả 8 con Kim Mao Hẩu, và 8 con Kim Mao Hẩu nầy
đều là 8 con đực, vì 8 con đều có lông bờm chung quanh cổ. (Sư
tử đực mới có lông bờm, sư tử cái không có).
Sự tích 8 con Kim Mao Hẩu nầy như sau :
Trong quyển Tiểu sử Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc,
do trường Trung học Lê văn Trung ấn hành, có thuật
lại đoạn Đức Phạm Hộ Pháp xuất Chơn thần về
Bạch Ngọc Kinh, gặp các con Kim Mao Hẩu :
" Thuở nhỏ, Đức Phạm Hộ Pháp còn đi học,
có một đôi lần nằm mê luôn 2 ngày. Lúc xuất Thần
ra đi, Ngài có một người Em thiêng liêng vâng lịnh
Đức Chí Tôn xuống rước Ngài về. Ngài cùng với
người Em đến cửa Bạch Ngọc Kinh thì thấy 8 con
gì như con chó xù, to lớn mạnh mẽ, coi đáng ghê
sợ, có con nằm đưa bàn chân trước ra chắn ngang
để giữ cửa. Người Em bước lên chân nó, thì
nó nâng lên đưa vào cửa, còn Ngài thì sợ, đứng
lại. Người Em ngó ngoái lại thấy sao Ngài không
vào, nên cười và nói : Anh cứ vào, anh đi không
bao lâu mà lạ. Rồi Ngài liền bước lên chơn con
chó xù đó thì nó cũng đưa Ngài vào trong cửa Bạch
Ngọc Kinh. Người Em nói : Anh chờ một chút, Em vào
bạch Đức Chí Tôn. Ngài ngồi xem cung điện rất
nguy nga tráng lệ, thấy toàn bằng trân châu báu ngọc,
dưới lót bằng hào quang sáng đẹp vô cùng. Chờ
hồi lâu, Ngài kêu lớn lên thì người Em chạy ra
nói : Anh đừng sợ, chờ tôi một chút. Bỗng thấy
Đức Chí Tôn đi ra phán rằng : Con có đói không
? Ngài đáp : Thưa
Thầy con đói. Đức Chí Tôn biểu người Em đem ra
3 cái bánh ít trần. Ngài ăn 2 cái thì vừa no, còn
một cái thứ 3, Ngài nghẹn, nuốt không vô, Ngài
muốn liệng nhưng vì sợ lấm cung điện, Ngài rán
nuốt cho được nhưng ngán lắm ! Đức Chí Tôn hỏi
: Con còn đói không ? Đức Hộ Pháp bạch : Con no
lắm rồi. Đức Chí Tôn hỏi : Con có khát nước
không ? Đức Hộ Pháp bạch : Bạch Thầy con khát.
Đức Chí Tôn dạy đem tô nước trong thật đầy.
Ngài uống ngon lắm, khi uống vào, Ngài thấy nhẹ
nhàng như cũ. Đức Chí Tôn bảo người Em đưa Ngài
trở về. Trước khi ra về, Ngài bạch : Thưa Thầy,
cho con xin một con chó xù đem về giữ nhà.
Đức Chí Tôn bảo : Con về trước đi, Thầy sẽ
cho nó xuống sau."
Đức Phạm Hộ
Pháp giải thích :
-
3 cái bánh ít là Tam giáo qui nguyên, là việc
rất khó, như 3 cái bánh ít đó vậy,
-
Còn việc nước thì dễ như uống nước Cam
Lồ.
-
Con chó xù là con Kim Mao Hẩu.
Ngày nay Đền Thánh
cất xong, Đức Chí Tôn cho 8 con Kim Mao Hẩu xuống
trần để trấn CTĐ và BQĐ tại thế, là không ai
dùng bạo quyền nào mà chạm đến nó vậy.
17.
Hai con Hạc và Dây Nho
Phía bên hông Tòa
Thánh, dưới các mái hiên, trên những đường viền
giữa các cây cột, có trang trí Dây Nho, lá Nho và
trái Nho và bên trên là một khung tròn vẽ hình 2
con hạc bay thong thả trên cánh đồng vào lúc bình
minh.
1. Hình 2 con Hạc
bay : lấy ý nghĩa theo 2 câu thơ trong Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển : Bụng trống thảnh thơi con hạc nội,
Lúa đầy túng thiếu phận gà lồng.
Đức Nhàn Âm Đạo
Trưởng giáng cơ giải thích 2 câu thơ nầy theo điển
tích :
" Lý Bạch viết : Lung kê hữu mễ than oa cận,
Dã hạc vô lương Thiên Địa khoan.
Thích nôm : Gà
lồng có lúa đầy bụng hằng ngày mà nồi nước
sôi hằng cận bên, không biết phải bị giết ngày
nào.
Còn con hạc nội, tuy bữa đói bữa no, nhưng Trời
Đất rộng thinh, mặc tình cao bay xa liệng. Tóm lại,
thà cực mà thong thả, còn hơn sướng mà phải chịu
nguy hiểm. Có mối Đạo dìu mình được tự do thiêng
liêng, mà cái tự do thiêng liêng ấy, ta hãy làm con
hạc nội mới mong chiếm được."
2. Hình Dây Nho,
lá Nho, trái Nho :
- Đây là cách
nói đồng âm dị nghĩa, dùng hình ảnh cây Nho để
chỉ Đạo Nho (Nho giáo) ; cũng như trồng cây Sung
trước nhà để cho gia đình được sung túc. Đạo
Cao Đài chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, dùng tinh
hoa của Giáo lý Nho giáo để dạy dỗ nhơn sanh, làm
cho đời hung ác bạo tàn lần lần trở nên hiền
lương đạo đức.
Để biểu thị chủ trương nầy, Hội Thánh dùng
biểu tượng dây Nho, lá Nho và trái Nho để trang
trí chung quanh Tòa Thánh.
- Ngoài ra, việc dùng hình ảnh Dây Nho, Trái Nho, cũng
để tượng trưng Tam Bửu (Tinh, Khí, Thần) của con
người trong Phép Luyện đạo nơi Tịnh Thất :
-
Trái Nho: tượng trưng TINH,
-
Nước Nho: tượng trưng KHÍ,
-
Rượu Nho: tượng trưng THẦN.
18.
Long Mã phụ Hà ĐồLong Mã
là một loài thú linh, đầu rồng, mình ngựa, có vảy rồng,
bề cao 8 thước 5 tấc (thước Tàu), xương cổ dài,
mình không thấm nước. Hà Đồ là bức vẽ có liên
hệ đến sông Hoàng Hà bên Tàu, phụ là mang, đội.
Long Mã phụ Hà Đồ là con Long Mã có mang trên lưng
một bức đồ xuất hiện ở sông Hoàng Hà. Truyện
xưa chép lại sự xuất hiện của Long Mã vào thời
vua Phục Hy (2852 trước Tây lịch) như sau : "
Vào thời vua Phục Hy, trên dòng sông Hoàng Hà, thình
lình có một trận giông lớn nổi lên, nước sông
dâng cao, giữa dòng sông có nổi lên một con quái
mình ngựa đầu rồng, đứng khơi khơi trên mặt
nước, trên lưng thấy có mang một cây bửu kiếm.
Dân chúng thấy sự lạ, cấp báo cho vua Phục Hy biết.
Nhà vua liền đi đến tận nơi, đứng trên bờ quan
sát. Vua Phục Hy là một vị Thánh Đế, biết con
quái ấy là một linh vật, tên gọi Long Mã, rất
hiếm có và ít khi xuất hiện. Ngài phán rằng : "
Nếu phải ngươi đem vật báu đến dâng cho ta thì
hãy lại gần đây.". Long Mã như biết nghe tiếng
người, liền từ từ đi vào bờ, quì xuống trước
mặt nhà vua. Phục Hy thấy trên lưng Long Mã có một
bức đồ gồm 55 chấm đen trắng, vua ghi nhớ rồi
gỡ lấy báu kiếm trên lưng Long Mã. Xong, Long Mã
đứng dậy, trở ra giữa sông và đi mất. Mặt nước
sông Hoàng Hà sụt xuống trở lại như cũ.
Vua Phục Hy vẽ lại các chấm đen trắng trên lưng
Long Mã, tạo thành một bức đồ gọi là Hà Đồ.
Vua Phục Hy nhận xét : Các điểm trắng ứng với
các con số lẽ : 1, 3, 5, 7, 9 và Ngài cho đó là những
số Dương ; những điểm đen ứng với các con số
chẵn : 2, 4, 6, 8. 10 và Ngài cho đó là những con số
Âm. Ngài có được Âm, Dương.
Ngài biểu diễn một vạch liền tượng trưng Dương
và một vạch đứt tượng trưng Âm, Ngài được
2 Quẻ đơn. Ngài thử đem 2 vạch ấy chồng lên nhau,
rồi thay đổi vị trí trên dưới, Ngài được 4
Quẻ đôi (Quẻ có 2 vạch). Vua Phục Hy tiếp tục
chồng thêm 1 vạch nữa vào 4 Quẻ đôi, rồi thay
đổi vị trí các vạch, Ngài được 8 Quẻ ba. Vua
Phục Hy đặt tên cho 8 Quẻ ấy là : Càn, Khảm, Cấn,
Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
Vua Phục Hy sắp đặt vị trí các quẻ theo 8 hướng
Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc,
Tây Nam, và căn cứ trên các hiện tượng tự nhiên
như : Trời, Đất, Nóng, Lạnh, Núi, Đầm, Sương
mù, Sấm sét, vv. . . CÀN là Dương, tượng trưng Trời;
KHÔN là Âm tượng trưng Đất. Càn thì ấm áp, đặt
ở phương Nam, Khôn thì lạnh lẽo đặt ở phương
Bắc.
Ấm lạnh tạo ra hơi nước, sương mù, nên đặt
ĐOÀI tiếp theo Càn. Còn LY là lửa, là mặt trời,
đặt ở phương Đông, là phương mặt trời mọc,
nên Ly tiếp theo Đoài. Hơi nước và khí nóng phát
động tạo ra sấm sét, đồng thời giúp cây cỏ
nẩy sanh , nên đặt CHẤN tiếp theo Ly. Mặt đất
thì lồi lõm, nơi cao thành núi nên đặt CẤN kế
quẻ Khôn; còn nơi thấp thì nước đọng lại tạo
thành sông, biển, đầm, nên đặt KHẢM tiếp theo.
Các sự chuyển động đều phát sanh ra gió, nên đặt
TỐN sau cùng. Đó là Bát Quái của vua Phục Hy có
đủ Âm Dương, Trời Đất, mặt trời, mặt trăng,
và Thủy, Hoả, Phong. Bát Quái Đồ của Phục Hy được
bố trí các quẻ theo hình tròn, đứng từ tâm hướng
ra ngoài, vì Phục Hy quan niệm Vũ Trụ có rộng lớn
bao la đến đâu đi nữa nhưng khởi điểm vẫn phải
ở trung tâm là Thái Cực. Trở lại hình Long Mã trên
nóc Nghinh Phong Đài : Long là rồng, bay lên Trời,
tượng trưng Dương; Mã là ngựa, chạy trên mặt
Đất, tượng trưng Âm. Long Mã tượng trưng Âm Dương,
tức là tượng trưng cho Đạo. Mình Long Mã hướng
theo chiều Tòa Thánh, bộ điệu như đang chạy về
hướng Tây, ý nghĩa là Đạo xuất nơi hướng Đông
và truyền qua hướng Tây, nhưng đầu Long Mã ngó
ngoéo lại hướng Đông, ý nghĩa là Đạo cuối cùng
lại trở về hướng Đông, vì hướng Đông là gốc
của Đạo. Hướng Đông ở đây là chỉ nước Việt
Nam, vì người Tây phương gọi Việt Nam là nước
Viễn Đông. Long là rồng, cũng tượng trưng Không
gian, vì rồng bay trong không trung; Mã tượng trưng
thời gian vì ngựa chạy có mau có chậm, cho nên Long
Mã tượng trưng Không gian và Thời gian, tức là tượng
trưng Càn khôn Vũ trụ, luôn luôn vận chuyển không
ngừng. Trong Đạo Cao Đài, nghi thức tiếp rước
quan khách cao cấp, hàng lãnh đạo quốc gia, hay lãnh
đạo các tôn giáo, hoặc tiếp rước Hội Thánh,
đều có nghi thức múa Long Mã. Đây là điểm đặc
biệt nổi bật của Đạo Cao Đài mà không một nơi
nào khác trên thế giới có được. Điệu múa Long
Mã rất đẹp, tập luyện rất công phu, hình Long
Mã lại đẹp, lạ mắt, nghệ thuật múa đạt được
đỉnh cao.
19.
Tam Thế Phật
Tam Thế Phật là
3 vị Phật lãnh lịnh Đức Chí Tôn xuống trần điều
khiển 3 Nguơn : Thượng Nguơn, Trung Nguơn và Hạ Nguơn.
Trên nóc Bát Quái Đài của Tòa Thánh có đắp một
tòa sen lớn, trên đó có tượng Tam Thế Phật, gồm
3 vị Phật : Đức Phật Brahma đứng trên lưng con
Thiên nga (Ngỗng trời), mặt nhìn về hướng Tây.
Đức Phật Civa đứng trên mình Thấ Đầu Xà (Con
Rắn 7 đầu), mặt nhìn về hướng Bắc. Đức Phật
Christna đứng trên mình con Giao long, mặt nhìn về
hướng Nam. Trong Di-Lạc Chơn Kinh, chúng ta thấy 3
vị Phật nầy (Brahma Phật, Civa Phật, Christna Phật),
đều ngự nơi từng Trời Hỗn Nguơn Thiên, cùng với
các vị Phật : Thanh Tịnh Trí Phật, Diệu Minh Lý
Phật, Phục Tưởng Thị Phật, Diệt Thể Thắng Phật,
Phục Linh Tánh Phật, cùng với vô số các vị Phật
khác, có biết có cảm, có sanh có tử, biết rõ cái
khổ do nghiệp chướng gây ra, luân hồi chuyển kiếp
hóa sanh ra, có khả năng đi khắp các cõi trần cứu
giúp tất cả chơn linh được trở về ngôi vị Phật. Ba vị Phật nầy rất được đạo Bà-La-Môn (nay gọi
là Ấn Độ giáo) tôn sùng. Theo Đạo Bà-La-Môn, nhiệm
vụ 3 vị Phật nầy là : Brahma Phật là vị Phật
Sáng tạo ra CKVT và vạn vật .
-
Civa Phật là vị Phật Tiến hóa, hủy diệt
cái cũ và tạo ra cái mới để tiến hóa. Ngài có
nhiệm vụ dạy bảo loài người trở về con đường
lành, tiến hóa theo Thiên lý.
-
Christna Phật là vị Phật Bảo tồn, luôn luôn
che chở cứu giúp người đời. Theo Giáo lý của
Đạo Cao Đài, Tam Thế Phật có nhiệm vụ điều
khiển 3 Nguơn : Thượng Nguơn, Trung Nguơn, và Hạ
Nguơn.
1. Thượng Nguơn
: là Nguơn Tạo hóa, ấy là Nguơn Thánh đức, tức
là Nguơn Vô tội, do Đức Phật Brahma điều khiển.
Ngài là ngôi thứ nhứt, tượng trưng ngôi Thánh đức,
thuộc Cơ Sanh hóa, ấy là Đấng Sáng tạo ra Vũ trụ
và vạn vật.
2. Trung Nguơn :
là Nguơn Tấn hóa, ấy là Nguơn Tranh đấu, tức là
Nguơn Tự diệt, do Đức Phật Civa điều khiển. Ngài
đứng trên mình con rắn 7 đầu (tượng trưng Thất
Tình của con người) để chế ngự Thất Tình, khiến
cho nhơn loại khỏi bị Thất Tình cám dỗ, Lục dục
khiến sai, thoát khỏi họa tranh đấu tự diệt. Đức
Civa Phật cầm Ống sáo thổi, như muốn dùng âm thanh
trầm bổng cảm hóa tâm hồn nhơn loại để thức
tỉnh hồi tâm, lo việc tu hành. Đức Civa Phật là
ngôi thứ nhì, tượng trưng phần Âm Dương, Cơ sanh
và Cơ diệt. Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo : "
Bần đạo cũng nên chỉ rõ Đức Phật Mẫu đến
tại thế gian nầy, đã tượng trưng bên Ấn Độ,
Phật giáo Ấn Độ gọi Ngài là Civa Phật, là cái
hình ở trên Bát Quái Đài, chúng ta để trên nóc
đó, thấy có "Tinh nhũ" nơi ngực Ngài đó.
Hồi buổi Chí Tôn phân định, phân tánh của Ngài,
lấy Khí, tức nhiên là Ngài, dùng cái linh pháp của
Ngài biến tướng ra, Phật Mẫu thuộc về Âm, Chí
Tôn thuộc về Dương. Âm Dương hiệp lại biến hóa
ra CKVT và sanh ra vạn vật.
Đức Civa Phật,
Ấn Độ làm một cái hình, phân nửa giống đàn
bà, còn cái tướng thì đàn ông, bởi hồi đó, con
người chưa phân rõ chắc chắn Nam Nữ, Âm Dương.
Đức Civa trong huyết khí tức nhiên là huyết, còn
Chơn linh đào tạo Chơn thần là Đức Chí Tôn. Đức
Chí Tôn là Phật, Đức Phật Mẫu là Pháp, Pháp mới
sanh ra vạn vật. Vạn vật ấy do Tinh mà ra, tức
nhiên là Tăng. Thần tức nhiên là Đức Chí Tôn,
Thần phân định Khí, Khí mới phát sanh ra Tinh. Phật
là Đức Chí Tôn, Pháp là Civa Phật tức Phật Mẫu,
Tăng là vật loại trên CKVT nầy. Ấy vậy, Đạo
Phật thờ Phật Mẫu mà không biết. Dầu không thờ
mà Đức Phật Mẫu vẫn ngồi từ tạo Thiên lập
Địa đến giờ, tức nhiên là Đấng tạo ra Vạn
linh đó vậy."
3. Hạ Nguơn : là
Nguơn Bảo tồn, ấy là Nguơn Tái tạo, tức là Nguơn
Qui cổ, do Đức Phật Christna điều khiển. Ngài là
ngôi thứ ba, tượng trưng cuộc tuần hoàn, tiên tri
cho nhơn loại biết việc trí xảo thuộc cơ Tranh
đấu, cũng là cuối Hạ Nguơn Tam Chuyển, khởi xướng
Thượng Nguơn Tứ Chuyển. Thuyết đạo của Đức
Phạm Hộ Pháp : " Dầu cho những người nào chết
nơi chơn trời góc bể đi nữa mà đầy đủ công
nghiệp, tâm đức thì Phật Christna cũng lãnh lịnh
Đức Chí Tôn tuần du trên mặt thế mà rước Chơn
linh ấy về ngay Bạch Ngọc Kinh."
Tóm lại, Đạo
Cao Đài tạo tượng Tam Thế Phật nơi nóc Bát Quái
Đài Tòa Thánh là để tiêu biểu sự tuần hoàn trong
định luật Tiến hóa của CKVT, khởi đi từ Thượng
Nguơn, rồi dần qua Trung Nguơn, Hạ Nguơn, để trở
lại Thượng Nguơn của Chuyển kế tiếp. Ba vị Phật
ấy thay phiên nhau điều khiển 3 Nguơn, làm cho CKVT
luôn luôn tiến hóa.