THIÊN BÀN THỜ TẠI TƯ GIA

Thiên Bàn thờ tại tư gia (Giáo Hữu THƯỢNG LÝ THANH)

 

 

(tiếp theo)

 

 

Hai cây đèn, trái cây và bông.

 

10 và 12 Hai cây đèn: Gọi là Lưỡng Nghi Quang, tượng trưng cho Nhựt Nguyệt, Âm Dương soi sáng khắp cả Càn Khôn Vũ Trụ, tức là Thái Cực sanh Lưỡng Nghi.

 

3 và 4 Trái cây và bông: Tượng trưng cho bốn mùa, khí hậu ôn hòa, muôn loài sanh trưởng, thảo mộc tươi nhuần, cành lá sum xuê, đơm bông trổ trái, tức là Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng. Tứ Tượng còn có nghĩa là trong chữ (+) thập ấy Âm Dương gác lên nhau, mới ló ra bốn cánh mà gọi rằng "Tứ Tượng thành hình". Bốn cánh ấy phân ra Đông, Tây, Nam, Bắc.

 

Trái cây tượng trưng cho Hậu Thiên ngũ vị đối với Tiên Thiên ngũ khí là năm cây hương hay ngũ sắc là năm sắc hoa. Trái cây còn biểu hiện cho người tu hành được thành công đắc quả.

 

Bình bông biểu hiện cho sự xanh tươi tốt đẹp, chỉ về Tinh là hình thể con người. Năm sắc là tượng trưng cho năm giống dân trên thế giới: Vàng, Trắng, Đỏ, Xanh, Đen.

 

Dâng hiến bông là dâng hiến thể xác của chúng ta cho Đức Chí Tôn tùy phương sử dụng, và xin Đức Chí Tôn ban ân lành cho thể xác chúng ta được tươi tắn như hoa kia vậy.

 

Bởi thế, Đạo Cao Đài không phân biệt màu da sắc tóc, coi nhau là con chung của Đấng Thượng Đế là anh em một nhà. Ngày nào năm sắc dân trên quả địa cầu nầy biết nhìn Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Chúa Tễ cả Càn Khôn vạn loại là cha chung, đồng dâng hiến lễ hòa lên Ngài, thì ngày ấy là ngày đại đồng Huynh Đệ, được hưởng thái bình thạnh trị vậy.

"Năm sắc hoa tươi xin kĩnh lễ,
Cúi mong Thượng Đế rưới ân thiên."

 

Lư Hương.

 

11 Lư Hương: Lư hương tượng trưng trong Càn Khôn Vũ Trụ và sự sanh biến vô cùng, tức là Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái sanh biến vô cùng.

 

Trong Kinh Nhựt Tụng có dạy: "Khi cúng Thầy phải đốt cho đủ 5 cây hương, cắm hàng trong ba cây gọi là: Án Tam Tài; thêm hàng ngoài hai cây nữa gọi là: Tượng Ngũ Khí".

 

Theo lời dạy trên đây, hằng ngày cúng Đức Chí Tôn đốt đủ năm cây hương thật là một huyền vi mầu nhiệm vô cùng. Như cắm hàng trong ba cây gọi là: Án Tam Tài. Tam Tài là: Thiên, Địa, Nhơn (Trời, Đất, Người) hay Phật, Pháp, Tăng.

 

Trong Vũ Trụ có Tam Tài là Thiên, Địa, Nhơn. Riêng về bản thân con người thì Tinh, Khí, Thần được xem là Tam Tài.

 

Cắm hàng ngoài hai cây tượng Ngũ Khí. Bát Quái sanh ngũ hành, ngũ hành biến ngũ khí, ngũ khí biến ngũ sắc. Ngũ khí tức là ngũ hành chi khí.

 

Trời có ba món báu là: Nhựt, Nguyệt, Tinh hay là Tam Ngươn: Thượng, Trung, Hạ. Trời nhờ ba món báu ấy mà dưỡng dục muôn loài, hóa sanh vạn vật, luân chuyển Càn Khôn, mới chia ra ngày, đêm, sáng, tối.

 

Đất có ba món báu là: Thủy, Hỏa, Phong. Đất nhờ ba món báu ấy mà phong võ điều hòa, cỏ cây tươi nhuận, phân ra thời tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông.

 

Người có ba món báu là: Tinh, Khí, Thần. Tinh tức là một chất tinh ba được lọc thật kỹ ở trong người để tư nhuận cho các cơ thể như: nước mắt ở con mắt, nước miếng ở trong miệng, mồ hôi ở châu thân.v.v... Nói chung là hình thể con người.

 

Khí tức là chánh khí ở trong cơ thể con người, nhờ nó mà con người luôn luôn được mạnh khỏe, và một khi chánh khí suy thì tà khí ở ngoài xâm nhập, gây ra bịnh hoạn.

 

Thần thuộc về phần Thiêng liêng linh diệu trong cơ quan suy tư cảm giác của con người, nó vốn bất tiêu bất diệt. Ấy là điểm linh quang do Chơn linh của Tạo Hóa ban cho. Người nhờ ba món báu đó mà tạo Tiên tác Phật.

 

Trời có ngũ khí là: Ngũ Hành chi khí.

Đất có Ngũ Hành là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Người có Ngũ Tạng là: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận.

Thế giới có ngũ châu là: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc.

Về Phật, Pháp, Tăng, Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy:

"Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói: Một Chơn Thần mà biến Càn Khôn Thế Giái và cả nhơn loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.

Các con là chư Phật, chư Phật là các con.

Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn Thế Giái nên mới gọi Pháp. Pháp có mới sanh ra Càn Khôn vạn vật rồi mới có người nên gọi là Tăng.

Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Đạo, mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy."

Đức Chí Tôn lập thành các Đạo thì có Tam Giáo Ngũ Chi.

Tam Giáo là: Phật, Tiên, Thánh.

Ngũ Chi là: Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo.

Nay Đức Chí Tôn đến qui nguyên Tam Giáo, phục nhứt Ngũ Chi; nên đốt năm cây hương là tượng trưng sự qui nguyên và phục nhứt ấy.

Trong Tam Giáo dạy:

  • Phật dạy: Tam Qui, Ngũ Giới.

  • Tiên dạy: Tam Bửu, Ngũ Hành.

  • Thánh dạy: Tam Cang, Ngũ Thường. (Trong Tam Cang, Ngũ Thường có Ngũ Luân)

Tam Qui là:

  1. Qui y Phật:

    Phật dạy người theo học lời Phật, lo tu dưỡng để trở về nguyên tánh trong người tức là tánh Phật. "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh".
    Tiên dạy người tịnh dưỡng Ngươn Thần.
    Thánh dạy người làm tròn bổn phận Vua Tôi, tức là Quân Thần Cang. Làm tròn bổn phận vua tôi thì tịnh dưỡng được Ngươn Thần và trở về với tánh Phật. Tại sao? Quân Thần Cang là Ngươn Thần, vì Thần ở trong mình con người như vị Đế Vương cai quản một quốc gia. Hễ vị Đế Vương hôn muội thì quốc dân bất minh, chư hầu bất phục, làm sao chữa bịnh quốc gia?

  1. Qui y Pháp:

    Phật dạy người học theo Đạo Pháp, mới thiền định được tâm thần, khí phách; trí não mới được sáng suốt. Có sáng suốt mới đạt được Đạo Pháp vô vi.
    Tiên dạy người phải gìn giữ Ngươn Khí.
    Thánh dạy người phải làm tròn bổn phận cha con, là Phụ Tử Cang, tức nhiên gìn giữ được Ngươn Khí. Khí trong người đứng trung gian đặng liên tiếp với Tinh, và Thần. Như đối với quốc gia, khí là chư hầu, bá tước để liên tiếp với vua mà cai trị con dân vậy.

  1. Qui y Tăng:

    Phật dạy người phải giữ gìn thân thể cho được mạnh mẽ và tinh vi, không để vật dục lôi cuốn làm cho thân thể bị hao mòn. Thân thể khỏe mạnh tinh thần mới sáng suốt. "Một tinh thần minh mẫn ở trong thân thể khỏe mạnh".
    Tiên dạy người phải bảo tồn Ngươn Tinh.


  2. Thánh dạy người phải làm tròn bổn phận chồng vợ, là Phu Thê Cang, tức nhiên bảo tồn được Ngươn Tinh. Ngươn Tinh cũng như con dân trong đất nước. Hễ Chúa Thánh, quan trung, tôi hiền thì quốc gia mới thạnh trị.

     

    Người tu luyện Tinh, Khí, Thần được hiệp nhứt, tức nhiên được đắc Đạo thành Tiên, hóa Phật.

    "Nhơn Đạo thành thì phù hạp với Thiên Đạo vậy. Nhơn Đạo bất tu, Thiên Đạo viễn hỉ".

    Như trên đây, chúng ta đã thấy: Tam Qui của Phật hiệp với Tam Bửu của Tiên cùng Tam Cang của Thánh.

     

    Dưới đây, chúng ta sẽ thấy Ngũ Giới của Phật hiệp cùng Ngũ Hành của Tiên và Ngũ Thường của Thánh. "Vì Ngũ Tạng hoạt động mà Ngũ Khí phải hao mòn, suy kém. Nay gặp Tam Kỳ Phổ Độ nhờ Đức Chí Tôn chỉ phép hồi quang phản chiếu cho Ngũ Khí triều tụ nơi khiếu Huyền Quang mà siêu phàm nhập Thánh. Đó là phép Ngũ Khí triều huyên hay là Ngũ Khí triều ngươn".

Ngũ Giới là:

Phật dạy Ngũ Giới là năm điều răn cấm:

  1. Nhứt bất sát sanh, là chẳng nên sát hại sanh vật. Người không sát sanh thì biết tu tâm, Hỏa khí không bị hao mòn, và giữ được lòng Nhân, là người có Nhân.

  1. Nhì bất du đạo, là cấm trộm cướp. Người không trộm cướp thì Can là (gan) không bị xao động, Mộc khí không bị hao mòn, tức nhiên giữ được chữ "Nghĩa", là người có Nghĩa.

  1. Tam bất tà dâm, là cấm lấy vợ người, thả theo đàng điếm, xúi giục người làm loạn luân thường; hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặc lấy lời gieo tình huê nguyệt. Người không tà dâm, thì không bị bại Thận, Thủy khí không bị hao mòn, tức nhiên giữ được chữ "Lễ", là người có "Lễ".

  1. Tứ bất tửu nhục, là cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm thần, làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon, bụng mơ đồ mỹ vị. Người không ăn uống quá độ, thì không bị phạt Tỳ, Thổ khí không bị hao mòn, tức nhiên giữ được chữ "Trí", là người có Trí.

  1. Ngũ bất vọng ngữ, là cấm xảo trá, láo xược, gạt gẫm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy. Nhạo báng, chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách; ăn nói lỗ mãng, thô tục; chửi rủa người, hủy báng Tôn Giáo, nói ra không giữ lời hứa. Người không nói dối, nói nhiều lời thất đức, thì cái phổi được yên tịnh, Kim khí không bị hao mòn, tức nhiên giữ được chữ "Tín", là con người có "Tín", đáng tin cậy.

Đó là:

"Một cội sanh ba nhánh in nhau.
Làm người rõ thấu lý sâu,
Sửa lòng trong sạch, tụng cầu Thánh Kinh".

Một cội là do nơi Đức Chí Tôn mở ra, ba Đạo lớn là ba nhánh, chỉ dạy người tu luyện mà trở về nguyên bổn để hội hiệp cùng Đức Chí Tôn. Đó là Tam Giáo chỉ dạy người có một nguyên lý mà thôi.

Người giữ trọn Tam Cang, Ngũ Thường của Đạo Thánh thì phù hạp với Tam Bửu, Ngũ Hành của Đạo Tiên, đạt đến Tam Qui, Ngũ Giới của Đạo Phật.

Thánh Ngôn Đức Chí Tôn dạy:

Đạo cao thâm, Đạo cao thâm,
Cao bất cao, thâm bất thâm.
Cao khả xạ, hề thâm khả điếu,
Cao thâm vạn sự tại nhơn tâm.

Cao thâm cuộc thế gẫm thường tình,
Đừng mỗi muôn điều đổ Chí Linh.
Lành dữ nơi mình chiêu phước họa,
Thành tâm ắt thấy hết Thần minh.

Hương còn gọi là tâm hương, vì Tâm thuộc Hỏa. Khi chúng ta cầu nguyện thì phát ra một điển lành bay lên không trung, cũng như khi chúng ta đem cây hương vào lửa đốt cho nó cháy, bốc lên một làn khói có mùi thơm bay khắp cả! Điển lành trong tâm chúng ta sẽ nương theo làn khói hương cùng bay đi đến cõi vô hình, cầu xin Đức Chí Tôn chứng giám lời cầu nguyện của chúng ta, ban xuống cho chúng ta một ân điển thiêng liêng.

 

Có câu:

"Đốt hương tưởng niệm linh quang chiếu,
Lễ bái nguyện cầu trí huệ minh".

Lửa trong cây hương chúng ta thấy có một ánh sáng nhỏ. Ánh sáng nầy hết sức bền bĩ, không bộc phát, không tắt. Vì thế nên có câu:

"Con nhẫng mong truyền kế lửa hương.
Nguyện cầu Thất Tổ xin thương,
Cho bền gang tấc noi đường thảo ngay".

Hay là:

"Nguyện nên hương hỏa Tông Đường".

Cách cắm hương.

 

Khi chúng ta đốt năm cây hương, xá ba xá, chúng ta cắm cây thứ nhứt ngay giữa bình hương, tượng trưng cho Ngôi Thiên là Phật. Chúng ta cắm cây thứ nhì vào bên trái của chúng ta, tượng trưng cho Ngôi Địa hay là Pháp. Chúng ta cắm cây thứ ba về bên phải của chúng ta, tượng trưng cho Ngôi Nhơn hay là Tăng.

 

Trở lại cắm cây thứ tư bên trái của chúng ta gọi là Âm. Cắm cây thứ năm trở về bên phải của chúng ta gọi là Dương; hiệp với ba cây hàng trong mới gọi là tượng Ngũ Khí.

Bây giờ phân ra Ngũ Khí, chúng ta sẽ thấy:

 

Ba cây hàng trong:

Cây ở giữa thuộc về Hỏa khí, tức là Trời (Thiên).
Cây ở bìa bên trái ta thuộc về Thổ khí, tức là Đất (Địa).
Cây ở về bên phải ta thuộc về Kim khí, tức là Người (Nhơn).

 

Hai cây hàng ngoài:

Cây ở bìa bên trái ta thuộc về Thủy khí, tức là Âm. Cây ở bìa bên phải ta thuộc về Mộc khí, tức là Dương.

Trong quyển Thiên Đạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, có đoạn nói về năm cây hương như vầy: Luận về phép tu tỉnh, năm cây nhang ấy biểu tượng năm giai đoạn tu hành, tùy theo công đức mà nên đạo quả. Năm cây nhang ấy gọi ngũ phần hương là:

  1. Giới hương: Nghĩa là giữ trọn giới cấm cho tâm mình trong sạch. Chúng ta có sợ Luật Luân hồi Quả báo của Trời, chúng ta mới dấn thân vào đường tu niệm. Khi vào đường tu niệm thì phải trọn giữ giới cấm cho tâm chúng ta được trong sạch, tức là cây hương ở giữa.

  1. Định hương: Nghĩa là thiền định cho tâm thần an tịnh.Bấy giờ chúng ta đã trọn giữ giới cấm rồi, chúng ta phải học về Thể Pháp và Bí Pháp của Đạo. Chừng ấy, chúng ta mới thiền định cho tâm thần an tịnh được, tức là cây hương ở bìa bên trái của ta, thuộc về Pháp.

  1. Huệ hương: Nghĩa là thiền định rồi phát huệ. Khi chúng ta đã thiền định rồi, thì trở thành người có huệ sáng suốt, ấy là đoạt Pháp, tức là cây hương ở bìa bên phải của ta, thuộc về Tăng.

  1. Tri kiến hương: Nghĩa là phát huệ rồi gia công thêm nữa thì sẽ biết cái lẽ mầu nhiệm của Tạo Hóa, tức là đắc Lục thông. Tri kiến, nghĩa là biết và thấy.

    Khi đoạt Pháp rồi, bấy giờ ta thấy qua bên thế giới vô hình, và biết được sự mầu nhiệm của Đức Chí Tôn, ấy là chúng ta đã đoạt Đạo, tức là cây hương hàng ngoài bên trái của ta.

  1. Giải thoát hương: Nghĩa là giải thoát Luân hồi Quả báo. Được giải thoát Luân hồi Quả báo, tức là đoạt đến phẩm vị Phật, là cây hương ở bìa bên phải của ta.

Hai cây hương Tri kiến và Giải thoát, thì đến đây là người đã được trở về với nguyên thủy của người, là "Âm Dương biến tạo Chơn Thần", hay nói "Âm Dương hiệp nhứt phát khởi Càn Khôn sanh sanh hóa hóa, tức là Đạo".

 

Khi cúng Thầy, đốt đủ năm cây hương là một sự đại nguyện, sự nhiệm mầu vô giá. Nghĩa là, thông Thiên đạt Địa, Ngũ khí điều hòa, Ngũ hành an tịnh. Khắp trong thế giới cung chầu, năm châu thiên hạ kính hầu tu chơn.

 

Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt. Người giữ trọn Tam Cang, Ngũ Thường; Tam Bửu, Ngũ Hành; Tam Qui, Ngũ Giới, ấy là chỗ huyền vi sáng chói khắp cùng, người tu đắc Đạo hưởng chung phước Trời.

 

Nước trà và nước trắng.

 

5 Nước trà (để bên hữu ấy là Âm). 9 Nước trắng (để bên tả ấy là Dương)

Dương là Trời, Âm là Đất.

 

Nước trắng: Để bên tả, ấy là Dương. Nước Dương là nguồn nước trên Trời mưa xuống, là sự sống của Đức Chí Tôn ban cho, để nuôi sống muôn loài vạn vật. Nguồn sống nầy có một giới hạn, có khi thiếu hụt, lắm lúc lại tràn đầy, vì đến mùa, trời mới mưa. Có năm, trong giữa mùa mưa lại nắng hạn, cỏ cây vì đó phải chết đi một phần, cuộc sống của con người bị đe dọa. Có những người làm lễ cầu mưa, có những người lại than rằng: "Trời không mưa, thì con người cũng như loài vật sẽ chết hết !!!". Có khi, lại mưa tràn ngập, người cũng như vật đều bị chết đuối! Đó là, sự không điều hòa.

Nước Dương thật là thanh bạch, nên chén nước trắng để bên tả gọi là Dương. (1)

 

Nước trà: Để bên hữu, ấy là Âm. Nước Âm là nguồn nước ở trong lòng đất, và biển cả, sông ngòi, rạch suối. Nguồn sống của đất do Phật Mẫu ban cho, một nguồn sống triền miên vô tận. Người ở miền đất cao, thì đào đất sâu xuống làm giếng lấy nước uống và nấu ăn. Người ở đất thấp đồng bằng, thì dùng nước biển, sông, suối, rạch, ngòi dầu mùa mưa hay nắng hạn. Người vật cũng nhờ đó mà sống, nên chén nước trà để bên hữu gọi là Âm.

 

Chén nước trà còn tượng trưng cho Thần, tức là Linh hồn. Khi cúng rót nước đủ tám phân, tượng trưng cho "Bát hồn vận chuyển", do Đức Diêu Trì Kim Mẫu dùng Âm quang biến tạo.

Bởi thế, con người đặt nặng tình cảm đối với Đất hơn Trời.

 

Con nít mới sanh ra, người ta lại đem nhao rún chôn xuống đất, nên sự sống và tình cảm của người dính liền dưới đất. Có người vì sự thương nhớ quá đổi mà không nỡ rời quê hương là nơi chôn nhao cắt rún mà đi nơi khác, dầu nơi đây làm ăn rất khó, sự sống rất khắt khe, họ cũng cam đành nhận chịu. Cũng vì sự thương nhớ nầy nên Đức Chí Tôn có nói: "Kẻ phàm dầu ly hương thuở ấu xuân đi nữa, lòng hằng hoài vọng. Chí Thánh dầu bị đọa trần, lòng hỡi còn nhớ hoài nơi Tiên cảnh."

 

Cũng như đứa trẻ sơ sinh, nó chỉ nhờ bú hai giọt sửa của bà mẹ mà nó được sống mạnh khỏe hồng hào. Vì đó, mà nó thương bà mẹ hơn ông cha, nên đứa bé ít theo cha hơn là theo mẹ. Nếu nó có theo cha, là sự bất đắc dĩ.

 

Nên Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn giao cho Đức Phật Mẫu đến độ dẫn các Chơn linh để trở về ngôi vị, cũng như các con theo mẹ để về với cha, rồi cha sẽ ân thưởng cho các con.

Thánh Giáo Đức Phật Mẫu dạy:

"Chưa ai vào đến cõi trần nầy,
Chẳng thọ lấy Chơn Thần tay Thiếp.
Sanh dưỡng đã biết bao nhiêu căn kiếp,
Rồi dắt dìu cho hiệp với cha."

Bằng cớ là hiện giờ, ai biết lo tu hành lập công bồi đức thì Đức Chí Tôn phong cho tước phẩm ngôi vị rất quí báu. Cúng hai chén nước Âm Dương, là sự cầu nguyện cho Âm Dương hòa hiệp, hai nguồn sống được tương đồng, chúng sanh thọ hưởng sự sống trong yên lành hạnh phúc.Khi dâng trà, chúng ta dâng hiến cả Chơn Thần chúng ta cho Đức Chí Tôn tùy phương sử dụng và xin Đức Chí Tôn ban ân lành cho Chơn Thần chúng ta được tráng kiện.

 

Khi cúng xong, chúng ta đặt trọn sự tín ngưỡng nơi quyền năng Thiêng liêng tuyệt đối, thì thỉnh hai chén nước Âm Dương hòa chung mà cầu nguyện, thì nước ấy sẽ biến thành Cam lồ thủy cho người có bịnh uống sẽ mạnh lành, vì người ấy được hưởng một lượt với hai nguồn sống mãnh liệt là Âm Dương hiệp nhứt.

Thánh Huấn số 1-NCPS/TH ngày 19 tháng 5 năm Canh Tuất (Dl 22/6/1970) của Hội Thánh Cửu Trùng Đài dạy: Chén nước trắng không được nấu, nếu nấu sôi thì chết Dương, tuyệt cơ sanh hóa.

 

Ba ly rượu.

 

6-7-8 Ba ly rượu: Ba ly rượu tượng trưng cho Khí, tức là Hư Vô chi Khí, do Đức Diêu Trì Kim Mẫu chưởng quản.

Khí là cái Phách hay trí não của chúng ta, cũng là Chánh khí trong người. (Như đã giải ở trang trước).

Ba ly rượu là tượng trưng cho ba cõi: Hạ giới, Trung giới, Thượng giới, Phàm nhơn, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Khi cúng rót rượu ba phân tượng trưng cho ba bậc tu hành: Hạ thừa, Trung thừa, Thượng thừa; và ba bậc trí thức là: Hạ lưu, Trung lưu, và Thượng lưu.

 

Khí là trí não, lại đứng trung gian đặng liên tiếp với Tinh và Thần, hiệp nhau lại mới đủ Tam Bửu. Nên khi dâng Tam Bửu thì chén nước trà để bên hữu, chính giữa là ly rượu, bên tả là bình bông, nên gọi là Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt.

 

Chơn Thần hay Linh hồn của chúng ta do Đức Chí Tôn ban cho.


Khí phách hay Trí não của chúng ta do Đức Diêu Trì Kim Mẫu ban cho, và lãnh phần un đúc.


Thân thể của chúng ta là do cha mẹ của chúng ta sanh ra, và nuôi dưỡng cho nên hình tướng.

 

Trong ba món báu nầy, cái Trí lại đứng vào phần quan trọng trong người, để tiếp xúc với Chơn Thần mà dìu dẫn xác thân.

 

Nếu chúng ta không học hỏi về phần đạo đức, trau luyện cho trí tuệ được thông minh vững vàng, chánh đáng, thì dễ bị xác thân lôi cuốn vào vòng nhơ dục thường tình, đi đến chỗ mê muội, vào đường hắc ám tội lỗi, vì đó mà càng ngày càng xa lánh Chơn Thần, nên nói là Tinh, Khí, Thần không hiệp nhứt là bởi cớ ấy. Nếu Tinh, Khí, Thần không hiệp nhứt thì người tu hành có mong chi là đắc Đạo. Vì vậy, mà con người cứ mãi luân hồi chuyển kiếp nơi cõi phàm trần, sanh sanh tử tử.

 

Chúng ta tu hành đắc Đạo cùng chăng cũng do nơi trí não. Xử thế tiếp vật có hay, khéo hoặc vụng về cũng do trí não phán quyết mà thôi.

 

Muốn cho trí não được khôn ngoan, phải nuôi nấng xác thân cho được khỏe mạnh, và dùng những món ăn tinh khiết, học hỏi theo Kinh sách có lợi về mặt tinh thần.

 

Cũng như người nấu rượu kia, nấu nồi nếp bị khét và để men không đúng mức độ, thì nước rượu phải hư đục, mất vẻ thanh trong của nó đi vậy.

 

Như chúng ta đã thấy rõ, đối với thân xác, ta ăn gì thì xác thân ta sẽ làm bằng những chất ấy. Ta dùng thức ăn sạch sẽ tinh khiết là xác thân ta sạch sẽ tinh khiết. Tình cảm và tư tưởng ta cũng vậy. Ta thường cảm đến sự đê hèn thì nó sẽ đê hèn; ta thường cảm đến sự xấu xa, thì nó sẽ xấu xa; ta thường cảm đến sự cao thượng, thì nó sẽ cao thượng. Thấy rõ như vậy, thì ta có bổn phận phải lựa lọc món ăn và ta còn phải kiểm soát không để nó được tự do phóng túng.

 

Hằng ngày, ta cho xác thân ăn vật thực thì ta cũng phải nuôi trí não ta bằng tư tưởng, tức nhiên ta phải đọc kinh, năng cúng kiến. Khi ta cúng Đức Chí Tôn, là ta cho tâm hồn trí não ta ăn đó vậy.

Lễ bái thường hành tâm Đạo khởi.
(Thất Nương Diêu Trì Cung)

Cúng rượu là ta dâng hiến trí não của ta cho Đức Chí Tôn trọn quyền sử dụng, và dạy dỗ cho được sáng suốt, tinh tấn.

 
về trang chủ  

xem trang sau